Đại Chúng số 101 - Ngày 1 tháng 7 năm 2002

Duramax

NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN HÀ NỘI CẦN HỌC HỎI NỀN DÂN CHỦ, TỰ DO, NHÂN QUYỀN CỦA HOA KỲ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẠI VIỆT NAM

Ghi nhận của đặc phái viên TBĐC

Cộng đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn thường rất nhạy bén về tin tức, nhưng lần nầy, một phái đoàn cao cấp và hùng hậu của nhà nước CSVN do Phó Thủ Tướng Nguyễn Mạnh Cầm cầm đầu đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào chiều ngày thứ ba, 18 tháng 6 năm 2002 để ráo riết vận động cho việc giao thương buôn bán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì đến giờ chót chúng ta mới được thông báo. Chứng tỏ, cuộc họp nầy đã được giữ bí mật.

Buổi hội thảo thương mại đã bắt đầu tổ chức từ 4:00 cho đến 5:00 giờ chiều tại phòng họp The Herman Lay Room, 1615 H Street, N.W. Washington, D.C 200062, dưới sự bảo trợ của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (The U.S. Chamber Of Commerce) và Hội Đồng Mậu Dịch Mỹ Việt (The U.S. Trade Council). Những người được mời tham dự là những doanh gia hàng đầu của Hoa Kỳ.

Khi chúng tôi đến cổng thì đã gặp một số anh chị trong cộng đồng đã giăng biểu ngữ, cờ vàng ba sọc đỏ để phản đối sự có mặt của phái đoàn cộng sản Việt Nam. Bước vào cổng, chúng tôi trình thẻ báo chí cho hai người cảnh sát gát cửa, rồi sau đó đến bàn để ghi tên họ. Đột nhiên, một người Mỹ trắng trong ban tổ chức từ trong phòng họp đi nhanh ra và hỏi chúng tôi đến đây để làm gì? Chúng tôi nói rằng chúng tôi là nhà báo đến để lấy tin về cung cấp cho cộng đồng. Ông ta nhìn thẻ báo chí của chúng tôi rồi bảo chờ ông ta một chút và trở vô phòng họp. Người cảnh sát da đen thấy chúng tôi còn đứng sớ rớ ở ngoài mới ngạc nhiên hỏi: "Tại sao quí vị không vào trong đi?". Chúng tôi trả lời là họ bảo chúng tôi phải chờ, chưa được tự tiện vào phòng họp. Vài phút sau, người Mỹ trắng trở ra, cùng đi với ông ta là một người Việt Nam. Anh tự giới thiệu tên là Bin và hỏi chúng tôi đến đây có việc gì, chúng tôi trả lời là chúng tôi là nhà báo muốn đến lấy tin để cung cấp cho cộng đồng. Sau khi nhìn thẻ của chúng tôi, anh lịch sự mời chúng tôi vào trong.

Do chúng tôi đến trễ và còn bị kẹt lại ở ngoài "chờ lịnh" nên phần mở đầu chúng tôi không được tham dự, không được nghe Phó Thủ Tướng CS Nguyễn Mạnh Cầm nói chuyện. Chúng tôi chỉ nghe được phần cáo biệt của Phó Thủ Tướng đối với quan khách và rồi ông Cầm biến mất cùng một số tuỳ tùng.

Bên truyền thông Mỹ thì không thấy ai, bên truyền thông Việt Nam thì chỉ có TBĐC (những người khách không mời mà đến) và ông Nguyễn Quốc Hải thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Xã Hội - Dân Sự Đông Nam Á của Trường Đại Học Công giáo tại Washington được thư mời. Trên bàn cử tọa,ï có ông Pete Peterson, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Thứ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, ông Hoàng Trung Hải, Thứ Trưởng phụ trách về Công Nghiệp, ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ Trưởng về Hải Sản, và một đại diện Phòng Thương Mại của chính phủ Hoa Kỳ Nhìn khắp phòng, thì thấy phái đoàn CSVN đông hơn quan khách đến tham dự. Một số câu hỏi của các thương gia Mỹ xoay quanh vấn đề năng lượng tại Việt Nam, mối quan hệ của Việt Nam đối với khối Asian. Các thương gia Mỹ cũng đặt vấn đề về cuộc chiến catfish đang diễn ra gay gắt giữa Mỹ và Việt Nam. Việt Nam đang bị cấm không cho xuất khẩu catfish sang Hoa Kỳ, vấn đề bảo vệ và sử dụng giá trị của trí tuệ, kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay và trong tương lai, và vịêc thi hành hiệp ước thương mại của chính quyền CSVN...Ông Hoàng Trung Hải và Nguyễn Xuân Thảo đã trình bày về sự khó khăn của đất nước, nhân lực Việt Nam thì có nhưng kỷ thuật chuyên môn thì kém, cơ sở hạ tầng còn yếu chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển đất nước. Những nơi vùng cao đời sống còn khó khăn và không có vốn đầu tư để phát triển. Về năng lượng thì từ nay cho đến năm 2010, nhu cầu năng lượng trong nước tăng rất cao, Việt Nam cần khoảng 35 tỉ mới có thể cung ứng đủ. Ông cũng nói về nguyện vọng của người nông dân Việt Nam là mong muốn nuôi cá thật tốt, thật đủ tiêu chuẩn như nông dân Hoa Kỳ để bán cho các nước khác lấy ngoại tệ. Chính phủ Việt Nam luôn tìm cách giữ đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu catfish. Nhà nước CS sửa đổi hiến pháp để mở rộng các thành phần kinh tế ở Việt Nam. Nhà nước mong muốn đầu tư các công trình quan trọng nhưng chưa có nguồn vốn, tiến hành cổ phần hoá, cho thuê, bán các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lổ hoặc giải thể, cho phá sản những doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả. Trước thời bao cấp, Việt Nam có khoảng 12.000 doanh nghiệp, nay chỉ còn lại 6.000. Chính những sự thay đổi đó đã làm cho bộ mặt kinh tế Việt Nam thay đổi rõ rệt. Để trả lời câu hỏi về tính trong suốt của chế độ và việc bảo vệ, sử dụng giá trị của trí tuệ thì ông Nguyễn Xuân Thảo đã khôn khéo nói rằng nhiều nhà đầu tư ở nước ngoài đã đánh giá cao về nhà nước Việt Nam có thể chế rõ ràng. Việt Nam là nơi đầu tư, làm ăn có lãi và nếu có qúi vị nào không hài lòng thì cho nhà nước CSVN biết để họ sửa đổi. Việt Nam có luật bảo vệ và sử dụng trí tuệ. Việt Nam cũng đã ký kết với Hoa Kỳ về quy định bảo vệ trí tuệ nên việc vi phạm trí tuệ là một điều mà Việt Nam cố gắng hạn chế...

Đặc Phái Viên Tuần Báo Đại Chúng cũng đặt một câu hỏi như sau: “Hiệp ước Thương Mại Việt Mỹ đã được ký kết từ năm 2001 và phái đoàn của quí vị đã đến vùng Hoa Thịnh Đốn lần nầy là lần thứ 2. Quí vị có nhận xét gì về đất nước Hoa Kỳ, học hỏi và rút ra được kinh nghiệp gì trong việc phát triển kinh tế và thương mại cho Việt Nam?". Ông Nguyễn Xuân Thảo trả lời rằng đất nước Hoa Kỳ là một đất nước giàu mạnh, văn minh, có một nền kinh tế vững mạnh, khoa học kỷ thuật tiên tiến nhất thế giới do đó họ đến Hoa Kỳ để học hỏi kinh nghiệm về khoa học kỷ thuật tiên tiến của Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Xuân Thảo rất kỵ nói về "TỰ DO, DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN". Do đó, câu trả lời của ông chỉ đúng một phần. Đất nước Hoa Kỳ ngày nay tiến bộ vượt bực, giàu có và hùng cường là do bàn tay, khối óc của chính quyền và nhân dân Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một nước tự do bậc nhất và xem giá trị con người là số một. Hoa Kỳ đã thu hút được các nhà khoa học trên thế giới và xem quyền sống của từng công dân trên đất nước họ là một yếu tố cơ bản để xây dựng tự do, dân chủ, nhân quyền. Chúng tôi mong muốn rằng nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội phải học hỏi ở đất nước Hoa Kỳ về quyền tự do của con người để mở rộng dân chủ thu hút nhân tài trở về Việt Nam xây dựng và mang đến sự thịnh vượng cho đất nước. Chúng tôi không thoả mản với câu trả lời nầy nên xin hỏi tiếp câu thứ hai. Tiếc rằng thời gian rất hạn chế, người MC của buổi hội thảo chỉ dành thời gian hai câu hỏi cuối cho hai người Mỹ. Thế là buổi hội thảo chấm dứt nhanh chóng. Quan khách kéo nhau ra về và chúng tôi cũng chuẩn bị ra về. Nhưng đột ngột ông Nguyễn Xuân Thảo từ trên bàn cử toạ đi thẳng xuống nơi chúng tôi đứng. Ông hỏi: “Quí vị còn muốn hỏi chúng tôi điều gì không?" và ông tự giới thiệu: "Tôi là Nguyễn Xuân Thảo, Thứ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư. Tôi mong quí vị mang những thông tin nầy đến đồng bào hải ngoại để giúp cho đất nước phát triển kinh tế, dân mình có công ăn việc làm... ". Hai người đàn ông khác cũng đến gần chào chúng tôi. Chúng tôi liền nói: "Nghe ông trình bày về tình hình đất nước và sự phát triển kinh tế tại Việt Nam, chúng tôi muốn hỏi rằng tại sao mở cửa kinh tế mà không mở rộng về chính trị cho các Đảng phái khác từ khắp nơi trở về Việt Nam tham gia vào chính quyền để xây dựng đất nước. Ở đây có rất nhiều người tài giỏi họ có năng lực và có kiến thức, họ sẳn sàng trở về nước phục vụ nếu có dân chủ và đa nguyên, đa Đảng”. Câu hỏi nầy không đúng với ý của ông Nguyễn Xuân Thảo nhưng ông không bày bác mà trả lời như sau: "Chính sách của nhà nước là luôn mở rộng cửa để đón tất cả các Việt Kiều về xây dựng quê hương. Mình là người Việt Nam, mình phải thương và giúp cho dân mình. Còn việc muốn tham gia vào chính quyền thì còn tuỳ thuộc vào tài năng, đức độ, uy tín nữa”. Chúng tôi nói ngay: “Nhưng đa số Việt Kiều điều không phải là Đảng Viên, họ làm sao có thể đủ tiêu chuẩn để Đảng cộng sản chọn vào hàng lãnh đạo? Một đất nước muốn phát triển và tránh được tình trạng tham nhũng, hối bại, lạm dụng quyền thế thì phải có Đảng đối lập để kiểm soát. Có như vậy, những người có chức quyền mới không dám làm bậy. Chúng tôi biết Việt Nam hiện nay, tình trạng tham nhũng tràn lan...". Ông Nguyễn Xuân Thảo lắc đầu: “Chuyện tham nhũng thì có nhưng nếu phát hiện thì nhà nước sử lý ngay. Những vụ mà quí vị nêu như Tamexco thì những người dính líu đã bị tử hình. Ăn cắp ít, không phát hiện được, không có ai tố cáo thì thôi, có đơn tố cáo, có chứng cớ thì Đảng sẽ sử lý. Chúng tôi rất muốn được trao đổi ý kiến, bàn thảo nhưng chúng tôâi không thích đối kháng. Đó quý vị thấy có một số người đang đứng phản đối chúng tôi trước cổng”. Chúng tôi trả lời ngay với ông Nguyễn Xuân Thảo: “Đối kháng cũng có mặt tích cực của nó. Có đối kháng mới tìm ra được cái hay và dỡ. Ông có biết tại sao người ta phản đối ông và phái đoàn của ông không? Ông có bao giờ tìm hiểu không? Có người chống đối mình và Đảng tức giúp cho mình tự kiểm điểm lại những việc làm của mình từ đó mình sửa đổi cho tốt hơn”. Chúng tôi còn trao đổi với ông về quyền được bày tỏ ý kiến, quyền biểu tình, quyền chống đối Đảng và nhà nước, quyền phát biểu nguyện vọng chính đáng của người dân...v...v...Chúng tôi có hỏi về trường hợp ông Lê Văn Nuôi, Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ cùng hai phụ tá bị thu hồi thẻ nhà báo thì ông Thảo đã né tránh bằng cách nói là báo chí ông không rành, ông chỉ biết về kinh tế mà thôi. Có lẽ những suy nghĩ của chúng tôi còn quá xa lạ đối với ông và đối với tất cả những người lãnh đạo trong guồng máy của nhà cầm quyền CS Hà Nội. Và với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của ông Thảo hay bất cứ ai họ cũng chỉ trả lời trong khuôn khổ Đảng cho phép mà thôi. Vì quyền lợi của bản thân họ, gia đình và những mối liên hệ chằng chịch khác trong guồng máy chính quyền, họ không thể làm gì khác hơn.

Chúng tôi trao đổi với ông Thứ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư trong tinh thần cởi mở và thẳng thắn. Khác với lần trước, phái đoàn ông Nguyễn Tấn Dũng không có ai trả lời câu hỏi của các báo chí, lần nầy, ông Nguyễn Xuân Thảo đã chịu khó lắng nghe chúng tôi, những người có tư tưởng đối lập và chất vấn ông nhiều câu hỏi rất khó trả lời. Nhưng ông đã khôn khéo né tránh, hoặc im lặng khi cần thiết hoặc ông trả lời theo khuôn mẫu của một cán bộ CS đã được huấn luyện cẩn thận.

Chúng tôi chỉ hy vọng rằng, sau những lần đến Hoa Kỳ hay bất cứ nơi đâu trên các nước Tây Aâu, những cán bộ cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ học hỏi được những kinh nghiệm quí báu của nền dân chủ, tự do, nhân quyền của Hoa Kỳ mà mở rộng nền dân chủ, tự do cho chính nhân dân Việt Nam. Có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới đủ yếu tố để cất cánh cùng với thế giới. Có như thế, mới thu hút được nhân lực, tài năng, trí tuệ của khối kiều bào tại hải ngoại về chung lưng xây dựng quê hương. Và có như thế, ông Nguyễn Xuân Thảo hay bất cứ ai mới không còn than vản trong các hội nghị thương ước Việt Mỹ rằng: "CHÚNG TÔI CÓ NHÂN LỰC NHƯNG THIẾU NHỮNG NGƯỜI CÓ CHUYÊN MÔN, KHOA HỌC". Quí vị đừng quên rằng một khối chất xám có giá trị vô giá là những người Việt Kiều yêu nước đang sống ở hải ngoại. Họ chỉ cần Đảng cộng sản mở rộng chính trị là họ sẽ trở về mà không cần đất nước sẽ trao cho họ những gì? Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu, trái tim họ vẫn hướng về tổ quốc. Và nếu họ có đối kháng với Đảng CSVN thì đó cũng chỉ vì tình yêu quê hương mà thôi.

Đặc phái viên TBĐC ghi nhận từ Washington D.C

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002