Đại Chúng số 101 - Ngày 1 tháng 7 năm 2002

Duramax

MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Ông Nguyễn Thụy Giang Romain Rolland Ave. Denis France (qua Inesto Ho Rue Dr.Schweitzer Aulnay France): Tôi có mượn được tập tạp chí Đại Chúng từ một người bạn, trong đó có mục 1001 Chuyện Nhớ Quên do bà chị phụ trách, mà trước kia tôi thường đọc trên nhật báo Dân Luận Saigon. Thật mừng, không ngờ lại được tái ngộ cùng bà chị, dù chỉ là trên mặt báo. Bà chị có khỏe không ? Chắc là năm nay bà chị đã quá tuổi cổ lai hy rồi thì phải?! Nhân đây xin bà chị giải hộ các câu "tục ngữ" của Trung Hoa bên dưới sang nghĩa tiếng Việt như sau:

1. Hổ ngạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm.

2. Hồ ly vĩ ba hiện xuất lai.

3. Ngật nhân bán uyễn, do nhân sử hoán.

4. Ngật nhân nhất khẩu, báo nhân nhất đẩu.

Thành kính cám ơn bà chị. Cầu chúc bà chị được luôn luôn sức khỏe!

* Kính ông Nguyễn Thụy Giang, thành thật cám ơn ông đã vấn an. Tôi vẫn khỏe và năm này thì đã chấm tuổi bát tuần. Về mấy câu tục ngữ ông quên nghĩa đó như sau:

Câu thứ nhất, có nghĩa: Hổ đói gặp người ăn thịt/Người cùng là nổi lòng gian. (Cọp đói thấy mồi chẳng bao giờ tha/người khốn khó thấy tiền thì tối mắt, dù có phải làm điều gian trá, bán rẻ cả danh dự để qua cơn đói khổ). Tục ngữ ta cũng có câu: “Đói ăn vụng, túng làm càn".

Câu thứ 2, có nghĩa: Đuôi chồn đã ló rồi đây. Ta cũng có câu: “Giấu đầu hở đuôi”.

Câu thứ 3. Có nghĩa: “Ăn của người nửa chén / Phải chịu người sai khiến.” Ta cũng có câu: “Ăn của người, phù hộ cho người" Cũng có câu: "Giàu làm chị, khó lụy làm... em".

Câu thứ 4. Có nghĩa: “Ăn của người một bụng / Trả cho người cả thúng.” Ta cũng có câu: “Ăn châu chấu, ỉa ông voi” hay “Ăn đấu trả bồ / Ăn chẳng bỏ nhả”.

Cư Sĩ Tịnh Sơn Orange County: Tôi muốn hiểu cái nghĩa của cái “Đạo”, vậy xin bà cụ chỉ giáo cho Đạo là gì? Thành kính cám ơn bà cụ.

* Đạo thật vô cùng. Nói không thể nào hết được. Chỉ không thể nào khắp được, Đạo xuất hiện từ thời Đông Hán. Trước thời Đông Hán không có Đ?o giáo mà chỉ có Đạo gia. Nhân vật đại biểu cho Đạo gia Tiên Tần là Lão Tử và Trang Tử. Đạo của Lão Trang hoàn toàn thuộc về tinh thần hay ta có thể nói nó siêu cảm giác, ta có thể biết có cái Đạo đó song nhìn không thấy, sờ không được, nghe cũng không, nó hoàn toàn câm lặng. Đạo cho ta cảm nhận nó mang mầu sắc thần bí, trong triết học thì nó (cái đạo) thuộc về chủ nghĩa Duy Tâm. Đạo giáo cho rằng: “Đạo” có trước trời đất, là bản nguyên của vũ trụ, nó bao trùm lên cả vạn vật. Đạo còn có nghĩa là trong trẻo, hư không, là tự nhiên, là "vô vi tự hóa"... Và, xin nhắc lại Đạo thật vô cùng. Nói không thể nào hết được. Cư sĩ muốn biết mình đã thật sự hiểu được cái Đạo chưa chỉ cần tự xét mình có còn giận dũi không thì rõ... cái nghĩa của cái Đạo... chẳng mấy khó khăn. Thân kính chúc cư sĩ an khang.

Cụ Vũ Đình Thu Orange County California : Tôi thường nghe trong Đông Y có các vị Đông Trùng, Hạ Thảo... Vậy đó là vị thuốc gì, bà cụ có biết nó chữa trị chứng gì không?

* Đó là một loại thuốc đại bổ, chữa trị được nhiều chứng nan y. Hàng bao nhiêu ngàn năm Đông Trùng Hạ Thảo được tôn xưng là vị thuốc mang tính chất thật thần kỳ... Sự sinh hóa ra vị thuốc này quả thật vô cùng kỳ thú. Hai thể chất chung nhau sinh biến cùng một thể dạng kỳ lạ trong mùa Đông và mùa Hạ. Ví như: khi trời còn đương Hạ nó là một thân thảo có lá, thân, rể, xanh tươi giống như các thân thảo khác, để rồi sự sinh hóa kỳ diệu đó đến khi gần tàn thu thì biến dạng đi như sau: "trong ruột cây hóa ra một con vật - thuộc loại côn trùng - từ từ lớn lên cho đến khi các vỏ, thân và gốc cây tiêu tan thì lộ ra một loại động vật có thể dạng đầy đủ lông cánh có 12 chân dài, mỗi bên sáu chân. Con vật bắt đầu thoát thân toàn diện để hoạt động, thời gian lúc ấy khoảng đầu mùa Đông. Nhưng rồi, đến những ngày cuối cùng của mùa Đông... nó lại từ giả thế giới động vật trở lại với xã hội thực vật... sống thầm lặng trong cánh rừng gia cô tịch âm u nơi mà nó sinh trưởng... Mãi đến ngày nay khoa học vẫn chưa làm sao lý giải được sự sinh hóa kỳ lạ này... Tóm lại mùa Đông thì nó là một loại Côn trùng nhưng đến mùa Hạ thì nó hóa thân thành Hạ thảo. Vì vậy mới gọi là Đông Trùng Hạ Thảo. Vị thuốc này chữa trị được các chứng sưng phổi, ho lao, tụ đờm, hen suyển, thổ huyết, phong thấp, ra mồ hôi tay chân, suy nhược thần kinh, sư suy nhược của các người già cả, các chứng suy thoái sinh lý của nam lẫn nữ kể cả các chứng tảo tinh và lãnh cảm... v.v...

Cụ Nhân Quang Westminster Orange County (Cali): Ai là người lập ra khoa tử vi Tử Bình? Bà cụ chỉ hộ, thành thật cảm ơn.

* Lập ra khoa tử vi Tử Bình là Tư Cư Dich tự Tử Bình, bút hiệu Sa Địch tiên sinh, ngoại hiệu Bồng Lai Tẩu, quê Đông Hải, núi Thái Khê đời Đường. Cũng có giả thuyết cho rằng Tử Bình được lập ra bởi ông Lạc Lộc Tử đời Hán. Nhưng cũng có thuyết cho là của ông Châu Dụ Kha, cháu của vua Châu Công Đán. Lại có một giả thuyết khác nữa cho là của Hàn Luận Cơ chú của Hàn Phi Tử lập ra.

Ông Trần Lượng Virginia (Qua Trương Hào Hùng): Tôi có nhớ câu: "Trên đời này chẳng có gì khó, chỉ sợ lòng người không chịu khó mà thôi". Bà cụ giải hộ. Cám ơn.

* Trung Hoa có câu thành ngữ do điển tích mà ra: "Ma Chử Tất Châm", có nghĩa "mài chày thành kim". Câu này được trích ra từ câu: "Nhược yếu công phu thâm, thiết chử ma thành châm". Không ngoài cái nghĩa "có công mài sắt có ngày nên kim". Có điển cố nói về "Ma Chử Tất Châm" như sau: Nhà Đường có người Lý Bạch lúc nhỏ thường bỏ học rong chơi đây đó. Một hôm đi ngang qua một hốc núi, thấy có một bà già cầm cây sắt lớn mài trên một hòn đá trước mặt.

Lý Bạch bèn dầng chân lại hỏi:

- Cụ ơi, cây sắt lớn thế mà cụ mài để làm gì ?

- Ta muốn mài nó thành kim.

Lý Bạch liền hiểu được ý của bà cụ này bỏ ra về quyết lập chí. Cuối cùng Lý bạch trở thành một thi hào vang lừng trong thiên hạ. Thế mới biết: "Thế thượng vô nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhơn". Trên đời chẳng có điều gì khó cả, chỉ sợ là ở lòng người... có quyết chí không thôi. Ta cũng có câu: "Có chí thì nên".

Bà Đào Thị Dương Monterey Park: Trước kia tôi ở Hà Nôi ngay tại phố Phùng Hưng... Lúc bấy giờ tôi còn bé thơ, thường theo mẹ ra chợ và những lần đi theo như vậy, thường được mẹ mua cho bánh Giò Đờ Măng... tôi rất ưa thích. Bà cụ có biết tại sao lại gọi là bánh Giò Đờ Măng không? Xin giải thích hộ cho. Kính cẩn cám ơn bà cụ.

* Bánh Giò là một loại bánh nơi nào cũng có. Tuy nhiên sở dĩ người ta gọi Bánh Giò Đờ Măng mà bà chị hỏi đó được sản xuất tại một phố có tên là phố Bà Đầm Đờ Măng được Việt hóa. Thật ra nguyên văn tiếng Pháp là Madame Demange. Phố này giáp với phố Hàng Bông Lờ và ngay Cửa Nam (đúng với địa chỉ nhà trước kia của bà chị viết trong thư). Demange là tên của một hãng lớn nhất chuyên về xuất nhập cảng mà chủ yếu là vải bông. Tại đây có hàng bánh giò nổi tiếng thơm ngon... Khách ăn không phải chỉ người bản xứ mà còn cả các ông Tây bà Đầm, các người Hoa kiều cũng cho là một trong các món ăn khoái khẩu nhất. Có nhiều người bán hàng rong tới mua ủ trong trong các chiếc mũng có đậy nắp bằng lớp bố dày giữ cho nóng... đi bán rong cùng khắp các hàng phố. Họ vừa đi vừa rao hàng bằng điệu hát: J'ai deux amours... là bài hát phổ thông nhất lúc bấy giờ được dân chúng khắp nước yêu chuộng nhất... Họ dùng điệu của bài "J'ai deux amours" đặt thành lời Việt hợp với vật họ đang mang bán đó như sau:

"Giò này giò nóng,

Ai muốn mua thì cứ... Trở lại mà mua,

Ai muốn mua thì mua...

Giò này giò nóng... Ai muốn mua thì cứ,

Trở lại mà mua...

Ai muốn mua thì mua...

Nhiều người ở Hà Nội lúc bấy giờ di cư vào Nam đều nhắc nhở đến mùi vị bánh giò Đờ Măng... như bà chị bỗng dưng gợi nhớ lại món ăn ngon này mà nghĩ đến cung cách ăn như cảnh ngồi bên song sổ, bóc lá bọc mấy lần quanh bánh, rồi đưa lên miệng thưởng thức đến vị bùi bùi của bột tẻ ngấm vị của lá chuối bên ngoài, nhìn nhân của bánh thấy cả thịt trộn lẫn nấm hương bên trong, đượm mùi gia vị của hạt tiêu thơm vừa đủ cay cần thiết của miếng bánh giò nóng hổi... thật chẳng gì đậm đà thi vị bằng... Bánh giò Đờ Măng là một trong hai loại bánh nổi tiếng nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ là bánh mì baguettes, nhỏ như chiếc đũa bếp thổi cơm, bán tại nhà hàng ăn Michaud hàng Trống lúc mới ra lò mùi thơm phưn phức... quyến rủ được sự đam mê của thực khách... Chắc chắn là bà chị còn nhớ điều này.

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002