Đại Chúng số 101 - Ngày 1 tháng 7 năm 2002

Duramax

NHỮNG KỶ NIỆM RỜI

Kỹ sư Sagant Phan

Lâu lắm rồi, hơn chục năm trời, tôi rất mong được đọc những bài viết nói về miền cực Nam Hậu Giang, như Tri Tôn hay Xà Tón. Tri Tôn hay Xà Tón bạn có thể dùng xe đò hay ghe mà đến được. Tri Tôn là một quận lỵ nằm thật sát với biên giới Miên- Việt. Ngăn cách một giòng sông chạy dọc ngang, bên nầy là nước Việt bên kia là nước Miên. Chỉ có cách một giòng sông sao mà hai phương trời cách biệt quá vậy?

Bên đây thì đồng cỏ, cây trái xanh tốt còn bên kia thì cả là một khung trời buồn nản. Đất thì khô cằn, vài cây thốt nốt mọc uể oải giữa đồng hông mông quạnh, nếu không có một vài xóm làng hay ngôi chùa Miên thì tưởng đây là một bãi đất hoang địa không ai dám đến. Gia đình giòng họ, thân nhân của tôi cũng trãi dài rải rác từ Saigon, Tây Ninh, Châu Đốc, Nam Vang và Battambang người thì họ gần người thì họ khá xa. Có vài người tuổi còn trẻ mà tôi phải gọi bằng Ông Chú rồi.

Còn tại Tri Tôn và quận Nhà Bàng thì có vài ngôi trường tiểu học. Mùa nước lên thì học trò nghỉ học ráo hết, còn mùa gặt lúa chín thì học trò cũng nghỉ gần phân nửa lớp. Tôi có bà chị họ dạy tại một trường tiểu học trong quận Nhà Bàng. Đi xe lam từ chợ Châu Đốc đến Nhà Bàng thì cũng gần một tiếng đồng hồ, xe đông ngồi lúc lắc mệt cầm hơi, người đối diện mình có thể là một ông lão già hút thuốc rê hôi rình, hay là một bà lão nhai trầu, đôi khi phun bả tràu đỏ lòm ra ngoài không kể đến làn gió tạt trúng ai trong xe thì ráng chịu. Chẳng lẽ mình đòi tài xế xe lam cho ngồi một mình trên mui? Tôi có đem một máy chụp hình cũ, đến trường bà chị họ mà chụp vài tấm rồi đem về Saigon khoe chơi. Cảnh đồng quê tiêu điều thì người dân thị thành sẽ lạ lắm không chừng.

Lên đến trường thì cô giáo dẫn học trò ra đón ngoài cổng. Trường nhỏ có vài lớp học thôi, một mình bà chị họ tôi kiêm đến 3 lớp rồi, sáng và chiều. Học trò nghe tin có người quen của cô giáo đến chụp hình thì rất mừng hết sức. Kết quả thay vì chụp bà chị, ngôi trường và lớp học thì chụp toàn là học trò của chị và học trò của bạn của bà chị thì hết phim rồi. Tôi biết có đứa bé trọn đời chưa thấy một tấm hình chụp của mình ra sao. Rồi khi về lại tỉnh lỵ Châu Đốc tôi cũng ráng cho tiệm rửa hết 36 tấm. Bà chị giữ lại vài tấm còn bao nhiêu thì đem vào lớp mà gọi người có hình mà cho. Kẻ có hình thì vui hết sức còn đứa không có thì mặt mày buồn so. Có đứa thì bận ở nhà tiếp tay cha mẹ mà gặt lúa chín đang đến. Khi đuọc báo tin thì cha mẹ vội vàng mặc áo bộ trắng đến trường học của bà chị tôi mà xin đem ảnh về treo trên vách cho vui cửa vui nhà.

Họ nghó quá và tấm hình chụp vội là một niêm vui khá lớn với họ. Bà chị tôi khi mà trường đến tết Lễ thì chị cha mẹ học sinh đến biếu, vài con gà mái dầu, hay vài buồng cau hoặïc vài chục con chuột làm thịt sạch sẽ chị tôi không ăn được thịt chuột đồng, nhưng chồng chị là tay nhậu nổi danh Châu Đốc đâu có từ nan món này. Chỗ nào nhậu lớn mà thiếu chồng chị tôi đến thì mất vui. Khi tôi về quê thì cũng nhờ chồng chị dẫn đi nhậu rồi chồng chị về nghiêng ngửa san hà, còn tôi thì được người cõng về khoái ghê. Sáng thức dậy nghe người nói thì muốn độn thổ luôn. Mắc cỡ hết sức, như vậy thua trận rồi. Dân Saigon yếu thiệt.

Còn Xàtón, Tri Tôn thì ba tôi có kể lại vài chuyện cho nghe, có núi CôTô mà Ba tôi nói ngày xửa ngày xưa khi Ba tôi còn nhỏ thì có đi với Ông Nội lên núi này chơi. Từ chân dốc lên đầu núi, thì nhà ở của những cư sĩ rất nhiều, dọc hai bên đướng lên núi. Nào cây ổi, mận, đu đủ... vv..vv... Dân làng trên núi này họ ăn chay trường. Hình như theo đạo Phật nhưng có thờ cúng Ông bà hay theo Đạo Hòa Hảo gì đó. Tánh tình vô cùng chất phát và hiền hậu. Nước uống thì được hứng từ suối sau nhà, người ta bắt nước vào nhà bằng ống tre lồ ồ to bằng bắp chân con nít vậy. Nước chảy từ suối nên trong bồn nước chảy đầy và tràn ra ngoài ngày đêm. Nước rất mát và ngòn ngọt vì suối chảy ngang nhiều đồi núi có nhiều cây cỏ hoa rừng mà người ta thường hái về làm thuốc nam. Khuya về thì theo lời Ba tôi nói, mặt trăng sáng chói vằng vặt và lớn bằng cái nia. Lớn và gần tưởng chừng có thể lấy sáo tre mà khều được vậy. Khi màn đêm kéo về thì nhà nhà nơi lối xóm xa, vọng lại tiếng mõ và chuông của những người tu tại gia đang lên giờ hành đạo đọc kinh.

Nếu ra ngoài đứng, và lựa một tảng đá núi khá lớn, thì bạn có thể nhìn xuyên màn đêm thị xã Châu Đốc có ánh đèn nối tiếp nho nhỏ như hạt kim cương lấp lánh vậy.

Còn bầu trời thì đầy sao, tất cả sao sáng đều lấp lánh reo vui. Làn gió nhẹ và dài hơi thổi từ phương trời miền Nam bay đến, hình như có mang theo hơi nước mặn của vịnh Xiêm La đem về.

Bầu trời chạy ngút ngàn, từng mảnh ô vuông của ruộng đồng nằm xăm xắp lớp.

Ngày xưa đó, nhà nhà người ta ít đóng cổng then gài chi cho chắc vì không bao giờ nghe nói hai chữ trộm đạo. Trộm mà chi khi không có ai thiếu ăn? Trái cây hoa quả thiếu gì. Thành thử lúc mà tôi xuống Châu Đốc, có đi chợ với gia đình bà chị thì thấy chợ không có nhiều trái cây lắm, vì nhà nhà nào cũng có trái cây hết. Và khi trái cây chín đến thì lối xóm họ hái đem đến tăng cho mình, và mình tặng lại những loại trái cây mà nhà kia thiếu chớ đừng người ta cho chuối rồi mai mình đem chuối của mình cho lại. Còn rau mùi, nếu mình thiếu cho một món canh hay một món gỏi, thì mình có thể qua nhà lối xóm mà xin. Có khi xin vài cọng hành ngò mà người ta cho gần một bó lớn. Thành thử trộm đạo cũng không bao giờ nghe được danh từ nầy trong khoảng thập niên 1940-1950 tại Miền Nam sông Hậu.

Có người nghèo, đôi khi xin quá giang một khúc xe đò, thì bác tài hay anh lơ cũng không cự nự gì lắm, nhưng phải đứng à nghen. Đâu có phải xin quá giang xe đò không trả tiền mà còn được ngồi ghế nữa?

Còn địa danh Xà Tón, Chắc Cà Đao thì ít nghe đến trên Saigon, nhưng Châu Đốc thì biết. Nơi xưa Chắc Cà Đao là nơi nổi danh của tướng Ba Cụt.

Còn XàTón thì quê hương của một người tỉ phú giàu miền Nam hay ngay cả miền Bắc luôn.

Miền Nam có nhiều vị tỉ phú mà người ta gọi là những ông vua. Như vua Bột ngọt Vị hương Tố, vua hãng dệt, vua gạo vv..vv... nhưng vị vua vừa nói trên Nguyễn tấn Đời này thì hầu như người ngoại quốc biết đến khá nhiều. Đó là Tỉ phú Nguyễn tấn Đời. Ông xuất thân từ nới nghèo nhất miệt Hậu Giang này. Ông cũng là dân biểu của Quốc Hội thời Tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Vừa làm chủ Ngân hàng vang danh thiên hạ Thần Tài Tín Nghĩa trong tay có hàng ngàn nhân viên thì nói gì hơn nữa?

Nhớ phước đức của Ông Nội hay Ông Cha để lại, nên ông thọ hưởng sự giàu sang và đầy may mắn phi thường trọn cuộc đời của ông.

Ngày xưa khi đi dạy học một thời gian trước khi nhập ngũ, thì chính tôi có gởi một chút tiền lương vào Ngân Hàng này. Rồi khi vụ 75 đến, tôi chạy giặc và có mang theo quyển sổ tiết kiệm của ngân Hàng Việt Nam Tín Nghĩa tương đương vài chục đô la bây giờ. Nhưng lúc ấy là một kỳ công, là ráng nhịn vài chầu nhậu hay ráng dè sẻn tiêu dùng những món mà mình muốn. Nay cầm quyển so này thì tự nhiên kỷ niệm vùn vụt kéo về.

Qua đây năm 75, rồi ngày kia năm 91 tôi có dịp đón Th?n Tài Tín Nghĩa đến nhà tôi chơi. Tôi đâu có giàu, nhưng nhờ học được môn chấm Tử Vi chân truyền từ Quảng Đông đến tôi. Số là Má tôi người Quảng Đông, Ba tôi người Việt. Bên Ngoại tôi, nghĩa là Ông Ngoại tôi, trước khi qua Việt Nam thì đã từng hành nghề mở một tiệm coi Tử Vi. Lúc đó theo lời Ông Ngoại tôi kể, thì tại Quảng Đông người ta thích coi Tử Bình nhất. Vì nó nói chính xác trong thới gian ngắn đến cho mình. Còn Tử Vi thì nói thời gian kéo dài hơn.

Tôi coi chơi và có lần quen được anh Trần Dũ, mợt chủ chợ nổi danh của người Việt tại Thủ Đô Tị Nạn Westminster, California. Ráng coi thì trúng. Vả lại tôi rất thích sưu tập những danh nhân Việt Nam, từ Tổng thống Ngô đình Diệm đến một vài tướng khá cao cấp của Việt Nam, B. T. tôi cũng có lá số, ngay cả hiện nay đại danh Nguyễn hữu Chánh nhà ta tôi cũng có luôn. Thật hay không thật thì tùy người đối diện.

Cầm lá số của Bác Nguyễn tấn Đời trong tay thì lòng tôi vui vô hạn. Đoán số cho một tay tỉ phú là chuyện không phải dễ. Nếu nịnh ông thì người ta biết, vì ông đã từng qua Hongkong sang Singapore mà coi những bậc tổ sư Tử Vi hay Tử Bình, dĩ niên với tiền quẻ vài trăm ngàn đồng hay vài triệu đồng Việt Nam.

Lúc nhìn lá số của Bác Đời thì đại vận của Ông đã đến kề, Tuần và Triệt nhập chung thì làm sao thoát được. Sau này mới biết bác Đời bị bệnh về gan và có qua Nhật nhờ thầy thuốc châm cứu trị bệnh. Rồi thời sau thì đọc tin trên báo Người Việt Santa Ana, California thì bác vừa qua đời. Ngày xưa lá số của Khổng Minh là Nhật Nguyệt chiếu hư không, và cách gọi là Tá trùng Cửu Điện, nghĩa là số gần Vua. Lá số Nguyễn tấn Đời cũng vậy, ông ra vào Dinh Độc Lập của Nguyễn văn Thiệu như người ta đi chợ vậy. Chính Nguyễn văn Thiệu gọi đùa Nguyễn tấn Đời là: “Ông Địa Tạng vào kia kìa". Nay hai người gạp nhau tại suối vàng chắc trò chuyện với nhau vui lắm nhỉ?

Trong phần truyện sau đây của một nhà văn Miền Nam sông hậu, có bút hiệu là Phong Lưu Nhân Nghĩa. Một bút hiệu má tôi rất thích, vì không gì sướng hơn hai chữ Phong Lưu cuộc đời nhàn nhạ an cư, đó là thời thịnh trị mà nhà cữa không cần khóa kỷ như ngày nay, trái cây trong vườn hay tôm cá dưới đìa dưới ao không ai tát trộm và hai chư Nhân Nghĩa mà thời kỳ Ông Nội tôi còn nhỏ thì rất thấy nhiều. Người ta mượn nợ với nhau không cần làm giấy tờ. Nay có làm chục giấy tờ cũng bị sang đoạt như thường như trường hợp của tôi bị người em ruột nghe lời vợ mà sang đoạt của cải của tôi khi hùn hạp với nhau, chuyện này cách đây cũng không lâu lắm, nhưng để lại cho tôi một vết thường lòng ngàn đời không phai. Cho nên bốn chữ Phong Lưu Nhân Nghĩa này tôi sao vô cùng khoái trá là như vậy.

Nhà văn này có lẽ còn sống thì khá lớn tuổi rồi, vì những chuyện ông kể thì thuộc hàng ông chú hay bác của tôi. Nói về Xà Tón một nơi nghèo mà ngày nay cũng không giàu mặc dầu ngày xưa có nhà tỉ phú giàu nhất Việt Nam. Ông Nguyễn tấn Đời phát nhờ đất này nhưng không giúp ích gì cho người dân tại đây. Nếu ông xây cất nhiều cây cầu hay làm một vài con kinh hay con lộ trãi nhựa thì người ta nhớ ơn ông rất nhiều. Nay mọi chuyện không làm được nữa rồi.

Cây Nam Vồ

Mau lên, mau lên! Tiếng súng nổ chát chúa dọa nạt thúc giục dân rời Sóc Ô Thôm. Mấy tên du kích mặt rực hung ác hiểm độc đứng rải rác cầm súng la hét, chạy tới lui như lũ chó sủa người lạ, vừa dè dặt giữ khoảng cách xa đám dân này. Chúng gờm biết những cây dao dâu bén ngót dùng để xắt chuối nuôi heo kia có uy mãnh vớt đầu chúng dễ dàng hơn mã tấu. Cây dao dâu giống đám dân mặt hiền như đất bị dồn ép căm hận hai mươi năm nay có thể bùng lên thành sấm sét lở núi năm xưa.

Vài tên du kích có kinh nghiệm lúc trước, khi xuống núi lén lút vào tuyên truyền thu thuế Sóc này. Một đêm hắn đang đứng trên bờ đá ven Sóc chợt nghe tiếng “cáp“ hãi hùng từ Sóc vang ra, âm thanh "cáp" vang đến đâu, cây rừng im lặng, muôn thú trốn vào hang. Những tên du kích tuyên truyền thu thuế đêm đó bặt tăm tích

Sóc im lìm sống lây lất, dân Sóc nghèo xơ xác, vui buồn bên nồi khoai núi buổi trưa, thau cơm đỏ với mắm mặn rau dưa buổi chiều. Đố mấy tên du kích dám léo hánh đến Sóc này.

Cho tụi bây ngu dốt luôn, cách mạng muốn giáo dục bây no cơm ấm áo, lấy của nhà giầu chia cho lũ nghèo bây xài, bây chê, để rồi coi nghe!".

Dân Sóc quá dốt nát không cách gì hiểu nổi lời hứa hẹn đe dọa sát nhân này. Họ sống lây lất an phận từ năm này sang năm khác, "không tham của ai", Lục Cụ thường khuyên. Những nong tầm nhả tơ đều đặn, dệt xà rông áo cánh đủ đẹp rồi. Con bò, miếng ruộng cho cơm đỏ no đủ, luống bắp xanh ve vẩy lá, ca hát mừng thanh bình. Mặt nước trong ô cá đớp móng cho đầy hũ mắm, mưa cho nước, nắng cho khô lúa. Dừa, thốt nốt mọc vô số cho nước ngọt rượu nồng, rặng tre um tùm cho măng, cây cho trái. Hạnh phúc là những đám He Ca thưng, Đuông tà đua bò, hát Dù Kê, múa Lâm Thol. Nhà sàn cao, tre cho cột, dừa cho lá lợp, chủ ngủ trên, gia súc phần dưới, tất cả ấm cúng dù mưa gió bão bùng. Những đêm trăng sáng, phụ nữ chuyện trò bên cối giã gạo, cốm dẹp và nhiều lắm.

Ô Thôm có từ lâu lắm rồi. Nghe ông bà kể lại cho con cháu nghe. Kìa vũng "Ô" rộng, nước trong xanh, voi hay tụ tập vào đây tắm buổi trưa, voi hút nước tưới xanh đám cỏ quanh ô. Cứ nhìn hàng thốt nốt cao chống trời thì biết cả trăm năm rồi. Sóc Ô Thôm làm chứng nhân thời gian nhưng chính đời sống dân Sóc vẫn tiếp tục trôi êm lành hiền hòa như lòng người chất phác. Con đường đất mấy đời, mòn vết chân những thế hệ đi qua, ngoằn ngoèo dẫn vào núi Cô Tô. Sáng sớm gà rừng gọi gà nhà gáy đánh thức người ra ruộng, lên rẫy bẫy thú, đào khoai, nhổ củ. Mặt trời khuất núi giục người về nghỉ ngơi quanh ngọn đèn mờ tỏ và tiếng cười khóc trẻ con ấm cúng.

Thời Việt Minh nổi dậy, lảng vảng qua Sóc, kế tiếp đám Commando Marốc rầm rập đi qua, súng nổ đì đùng phá tan cái yên lặng thanh thản một thời. Năm nào đám cán bộ lạ đến bày vẽ xây Ấp Chiến Lược. Những cọc tre nhọn, những ụ đất cao làm mất cả mấy tháng công ăn việc làm. Ruộng rẫy nhà cửa ở đây, làm sao rời vào ấp cách mười cây số. Tất cả rồi cũng đi qua cùng với người già.

Gần mười năm nay, thường nghe tiếng pháo kích trên núi, tiếng súng nổ ngoài lộ xa. Người ta lo lắng lùa trẻ vào nhà. Những xe nhà binh từ chợ xa đổ lính xuống lục soát, du kích thường đi qua, “làm gì thì làm, vô phá Sóc ta, ta "cáp" à!"

Ẩn trong rừng dừa, tre, trên khu đất cao ráo giữa Sóc, mái chùa Prey Veng mái ngói đỏ linh thiêng nhìn từ trên núi, như đóa sen hồng mới nở giữa miếng vườn xanh mướt. Sân chùa rải rác những ngọn tháp tròn như búp sen. Bàu sen bên hông chùa rực suốt mùa nắng.

Sóc Ô Thôm có chưa tới hai trăm căn nhà sàn rải rác quanh chùa Prey Veng. Phong cảnh âm thanh nơi này lúc nào cũng dễ thương. Mặt trời vừa lên, lá tre còn đọng sương sớm, đường đất mòn ẩm, màu xanh cỏ cây mơn mởn như ngọc bích. Tiếng Col Sóc kêu "Lốt chanh bai" (Sư độ cơm), những sư sãi đi len lỏi qua xóm nhỏ, từng nhà. Bức tranh xóm nhỏ xanh mướt điểm màu áo vàng Sư Sãi, "Sóc ta êm tịnh thanh bình vậy đó, ta không động đến ai, đứa nào vô thu thuế, tuyên truyền ta "cáp" a!

***

Nước mắt Pù Ưng khô mấy ngày rồi. Căn nhà sàn mấy đời để lại phải kéo sập, chồng chất đồ đạc lên xe bò được món nào hay món đó. Những cây cột tre mỡ già bám víu lấy nền đất khó kéo lên, vật vô tri còn luyến tiếc chưa nỡ rứt đi. Chõng tre mấy đời láng mướt, chiếc nóp, cà ròn khoai núi, om đường thốt nốt, nồi đất đồ dùng hàng ngày ngổn ngang trên nền đất vỡ tung. Sau mấy ngày làm việc, Pù Ưng đanh mặt cầm dao dâu chặt loạn đả những khúc cột cồng kềnh không mang theo được, lầm thầm m?t mình, "chặt cho tiêu hết, để lại bây lấy xài uổng". Vợ con Pù Ưng vất vả khuân đồ đạc lên xe bò, đứa nhỏ đào vội luống khoai củ chưa đủ lớn, xắn mấy mục măng mới nhú còn sót lại trong đám tre. Con chó vện buồn bã nằm im thin thít dưới lườn xe bò, nó cảm thấy điều gì trọng đại lành ít dữ nhiều sắp xảy ra. Tiếng kêu gào thấu từng trời Đế Thích của những người bỏ Sóc ra đi, luống cuống không biết phải mang theo cái gì, còn lại cái gì, còn gì để mang theo? Ruộng rẫy, nhà sàn, chùa Prey Veng, cái hạnh phúc đơn sơ tích lũy cả trăm năm Sóc nhỏ này làm sao mang theo được, nó đè nặng chĩu lòng người. Pù Ưng vừa kêu la, "Tụi ăn cướp!". Tên du kích hống hách xấc xược, xách súng chờn vờn nạt nộ một bà già lẩm cẩm. Một thanh niên Sóc cầm dao dâu xăm xăm đi đến, tên du kích lùi dần gờm cò súng, hắn biết, chỉ cần một giọt máu người dân Sóc là chúng lãnh đủ những nhát dao dâu cong cong kia. Hắn hoa mắt thấy con dao dâu rùng mình chuyển động suýt vuột khỏi tay người bay tới. Hắn lấm lét nhìn, mắt ngơ ngáo. Tiếng gào thét than vãn, kêu khóc inh ỏi lẫn lộn thành tiếng địa ngục đến đổi người ta nghe thấy như im lặng. Họ kêu van ông cha, hồn thiêng những thế hệ đã qua về nhập vào âm thanh của người dân sắp rời Sóc, một điều lạ lùng quá sức tưởng tượng của mọi người, "tội tình gì bỏ Sóc ra đi, mà đi đâu?“

Âu me ơi!" (Ba Má ơi) "Con bò nó khóc!". Vợ Pù Ưng xối gáo nước lạnh lau mặt cho bò. Bà la hét the thé như mụ phù thủy "Con bò nó khóc" phải rồi hồi đó ông Sãi nói, có lúc bò khóc, chó thôi sủa. Bà vặn mình khóc thét, quằn quại trên mặt đất. Pù Ưng khập khễnh đến đỡ vợ, chùi mắt bò, "Âu me ơi! Con bò nó khóc!". Mọi người đổ xô đén quanh bò, hỗn loạn.

Mau lên, mau lên!", tiếng tên du kích hò hét hình như nó chỉ biết nói vậy thôi, ngoài cây súng, nó chỉ là những tên bù nhìn bện rơm mặc áo đủ khả năng xua đuổi đàn quạ ngoài đồng.

Xế chiều đám dân bị lùa chuyển băng qua cánh đồng khô, họ bị cấm đi gần lộ cái. Các Sư Sãi đi lẫn lộn trong đoàn người, lâm râm cầu nguyện. Họ đi từng nhóm quanh xe bò, trên xe nặng chĩu của cải góp nhặt mấy đời. Tại sao họ phải đi? Âu me ơi! Đi đâu đây? Tới sẩm tối, họ đạp bóng đi, thành những hồn ma lếch thếch dò dẫm. Tiếng khóc chín từng trời còn nghe tiếng chân đạp trên rơm rạ, tiếng xe lăn kẽo kẹt ngửa nghiêng địa ngục còn kinh sợ. Những bóng ma đói cầm súng lờn vờn quanh đám dân tù đầy. Bà Mây chết mấy tháng trước, hồn hiện lên ngọn tre vật vờ vẫy tay gọi "Xấp xanh" (khoan đã) nghe rởn óc. Trăng lưỡi liềm vội vã chồm lên ngọn núi Tô đưa tiễn, nhợt nhạt hữu ý chiếu xuống chùa Prey Veng. Nóc chùa rực thành đóa sen hồng mở tiếng kinh từ mấy trăm năm vang rền như nhạc ngũ âm, khi nhẹ như tiếng tiêu từ bi an ủi. Hào quang từ đóa sen tỏa hồng đám mây che chở người chân chất. Linh hồn tổ tiên họ quay về góp tiếng kinh, muông thú cũng lắng nghe kinh, chỉ có những tên du kích chạy lăng xăng la hét như chó sủa trăng.

Chiếc xe bò lăn lộc cộc lẫn trong đám người. Pù Ưng đi bên hông bò cầm roi xua đuổi ruồi muỗi không nỡ nặng tay lớn tiếng với bò lúc nầy. Bò đi thật chậm, tiếng lục lạc leng keng lưu luyến, tuyệt vọng. Bò nhớ chuồng ấm cúng, nhớ mùi rơm ruộng cao, cỏ thơm chân núi, nhớ cuộc đua bò tết Đuông Tà. Mãy con chó vện lẽo đẽo theo. Trong giờ phút cấp bách nầy, người và thú vật càng gần gũi nhau hơn, cùng chia xẻ vui buồn Sóc nhỏ, cùng bảo vệ nhau lúc nguy hiểm cấp cần. Chó sủa bọn du kích lén lút vô Sóc gây rối, chó biết ai thù ai bạn, ai thương ai ghét... Chó nhe răng gờm du kích, tình nghĩa hơn lũ vô nhân.

Bọn du kích thúc dục, đoàn người lầm lũi xô đẩy theo đường vạch sẵn. Bò kéo xe chất đầy gia tài vật chất cộng thêm tâm hồn nặng chĩu đau đớn lìa bỏ Sóc xưa.

Pù Ưng đi khập khễnh như say rượu, chốc chốc quay mặt về phía chùa Prey Veng. Lòng Pù Ưng bỗng lịm tê tái, dù xác thân đưa đẩy lê lết trong đoàn di chuyển như máy.

Từ nhỏ Col Sóc Ưng sống trọn vẹn quanh quẩn ngôi chùa Prey Veng, quen thuộc tới độ đêm tối có thể chạy khắp khu chùa mà không sợ đụng chạm gì, hoặc rơi xuống giếng nước. Sáng theo chân Sư Sãi khất thực xóm nhỏ, Col Sóc Ưng biết tên từng người, bà nào nấu thức ăn ngon, bà nào nấu hơi mặn. Ngôi chùa cất từng phần, sửa sang dần theo tuổi Col Sóc Ưng. Ưng rảnh rỗi hay ngồi nghịch đất, xem ông ngoại và Ta Kul, Ta Phên trộn hồ làm gạch cất chùa, xây tháp, các học tăng ở trần trùng trục cũng nhọc mệt không kém, khuân những tảng đá vuông vắn đắp nền bên những người thợ chăm chú tạc tượng. Phật tại tâm, Phật tính thấm nhuần cây cỏ gỗ đá. Tâm hồn người thơ thới ấy được lau chùi nhiều đời có khả năng nhìn xuyên qua gỗ đá. Họ không đẽo mài gỗ đá, chỉ dụng tâm điều khiển hai bàn tay thô kệch đen đúa khéo léo đ?c gỡ bỏ chất vô minh bám trên tượng để Phật hiện ra. Ông ngoại Pù Ưng ngồi cả đời giữa đống đá ngổn ngang cặm cụi làm việc, tiếng búa chan chát phá vô minh, tiếng mài gọt những vết bám cuối cùng trên mặt tượng, tâm kiên nhẫn sáng rực lên với miệng mỉm cười trầm tư của tượng Phật, không một vết búa lệch lạc dư thừa nào làm sứt mẻ gương mặt hiền từ, u mặc. Tiếp theo là tượng thần tứ diện, trên những đỉnh tháp giữ gìn tro cốt, những tượng thiên nữ uyển chuyển đứng bốn góc mái chùa, những tượng thần hầu linh hoạt dang tay đỡ kèo cột, tượng rắn thần Naga nằm trên nóc chở che. Cây Nam Vồ bên chùa lá rậm rạp, rễ dài, chim chóc, cò, diệc làm ổ che mát giếng nước trong. Bầy voi thong thả ve vẩy tai phành phạch, giủ bó mía ngon nhai rào rạo, chờ phiên đi kéo gổ, tưởng không bao giờ hết việc. Người, vật, cây cỏ, gỗ đá đều đóng góp, ngôi chùa Prey Veng dựng lên giữa Sóc thanh bình.

Những buổi trưa hanh nắng, Sóc Ưng và đồng bọn rủ nhau lội xuống bàu sen hớt cá xiêm, lặn ngụp chán lại rủ nhau lên nằm dọc theo hành lang chùa, nhìn xuống bàu sen xanh mát điểm những đóa sen hồng, trông cho sen tàn, bẻ gương sen lấy hột ăn. Sân chùa vắng, cây Nam Vồ giương lá che rậm rạp một vùng. Có lúc Sóc Ưng ngắm say sưa mấy ngọn tháp rải rác sau chùa, lẫn trong đám tre già. Đỉnh tháp có bốn mặt huyền bí, man mác nhìn bốn phía. Đôi mắt thần có khả năng soi tận đáy lòng và ý nghĩ thầm kín Col Sóc Ưng. Lúc Ưng buồn bực, mặt thần bị bóng tre che hiền hòa dẫn dắt Ưng về thế giới xa xăm yên ổn. Thần nghiêm nghị, khoan dung nhìn Ưng đang lén lút nhai nhấm nháp trái mãng cầu trộm trong vườn ông Cả. Thần thay đổi thần sắc theo mùa mưa nắng, sớm trưa. Col Sóc Ưng xem thần như người cha nhân hậu, cảm thấy gần gũi thần nhất là lúc nét trầm tư vời vợi chợt mĩm cười với Ưng khi Ưng tinh nghịch trốn trong khóm lá nô đùa, trốn nơi nào cũng bị thần bắt gặp.

Kỷ niệm hình ảnh xa xăm xuất hiện đứt đoạn trong đầu, Pù Ưng không nghe thấy quanh mình âm thanh hỗn độn, tiếng kêu cứu chiếc xe bò sụp xuống rãnh, heo gà inh ỏi, trẻ con khóc báo điềm dữ.

Đi đã hơn hai ngày, quay nhìn lại, núi Cô Tô xanh mờ sừng sững xây bức thành trải dài, im lặng nhớ thương như mẹ đứng nhìn đàn con bỏ nhà ra đi. Ngày đi đêm nghỉ, sự mệt nhọc ngột ngạt bao trùm, bớt dần than khóc, họ giở cơm mắm ngồi xổm ăn ngồm ngoàm trên bờ đê, áo quần ẩm mồ hôi, hơi đất phèn bốc lên mùi khó thở, mắt ngơ ngác hướng về núi Cô Tô, Sóc biến mất ở chân trời rồi, hết trông ngày trở lại.

Pù Ưng lơ đãng, mắt khờ khạo mất hồn, tháo càng xe cho bò nghỉ ngơi, rồi nằm lăn quay trên bờ cỏ thở dốc. Pù nhìn lên trời, khoảng trời xanh, thèm ngủ nhưng không chợp mắt được. Vài Sư Sãi ngồi "xếp mon" chắp tay cầu nguyện. Tiếng kinh cầu an chúc phúc kéo Pù Ưng về chùa Prey Veng. Tượng Phật uy nghi trên chánh điện, Col Sóc Ưng ra vẻ hiền lành tụng kinh, lắm lúc tinh quái nắm giựt đuôi tóc vắt bên tai của Col Sóc ngồi trước. Pù Ưng nhắm mắt, chập chờn thấy cha mẹ hiện về chỉ tay về hướng chùa Prey Veng. Hai con mãng xà vương uốn lượn trên nóc chùa, dưới mái ngói tượng các thần hầu đỡ mái chùa vững chãi, thỉnh thoảng ham chơi lén kéo xuống nhảy múa với Col Sóc Ưng. Tiếng Ngài Sãi Cả trầm trầm còn văng vẳng bên tai Pù Ưng, ngài khuyên tu hành, đời sau này lửa từ trời giáng xuống, ma qủy hiện hình làm người gây tang thương chết chóc, người có căn tu còn sống ngồi không giáp cây "Nam Vồ". Lời nói như sấm truyền thành tia sáng lóe trong lòng Pù Ưng. Thời niên thiếu Pù Ưng ham vui, bỏ Sóc lên Nam Vang tìm sự nghiệp, bỏ quên cô thôn nữ dệt xà rông mộc mạc, Pù Ưng không thắc mắc, đến đâu thì đến, Cao Miên thanh bình hơn Việt Nam, những thiếu nữ áo cánh, xà rông tân thời hấp dẫn hơn. Mãi đến trận mưa bom giáng xuống làng quê, lửa cháy khét mùi thịt người, đâu đâu bom đạn cũng tới nổ tung đất ruộng xanh thành hồ ao. Lửa trên trời giáng xuống, Pù Ưng thấy Sư Sãi đoán có vẻ đúng đây. Những con qủy vương, chằng tinh hiện thành những tên Khmer đỏ làm biển hồ tanh mùi máu. Pù Ưng mang gia đình về Sóc xưa, ngang qua làng mạc vắng nguời. Xác chết sao nhiều quá, xác của ai nằm bơ vơ giữa cánh đồng, xác ai bầm dập nằm vắt ngang bờ ruộng lẫn lộn mầu đất nâu, xác ai cháy một nửa đen như than trên những nền nhà còn ngút khói? Những sọ người nhăn nhở ngạo nghễ cười chế nhạo; những đốt xương tay chân trắng hếu nắm chân những người đi qua đường mòn, Pù Ưng lạnh chân loạng choạng chân đá chân xiêu.

Theo sóng người vượt biên giới về Sóc xưa, tưởng đã yên thân được mấy tháng. Những biến cố xảy ra ở Nam Vang Sài Gòn quan trọng đến đâu cũng không xuyên qua lũy tre Sóc. Mãi đến ngày nào đó, bọn du kích trên núi dám xuống chạy như người điên la hét hoan hô đả đảo, "cách mạng thành công", "tự do độc lập“. Dân Sóc đơn giản không theo kịp sự thay đổi bất chợt của thời cuộc, ngơ ngác lo âu. Công ăn việc làm vẫn tiếp diễn như thường lệ. Đàn ông lui cui ngoài đồng, đàn bà xắt chuối nuôi heo, trẻ con rong chơi sân chùa. Toán du kích kéo vào Sóc tập họp dân ra chợ quận biểu tình đả đảo chủ ruộng, chủ nhà máy, chủ tiệm cầm đồ giầu có bóc lột hút máu dân nghèo, phải đem ra tòa án nhân dân xử trị. Dân Sóc ngơ ngác tự hỏi, "Mấy người này mình chưa gặp lần nào, chưa biết mặt, làm sao bóc lột hút máu dân mình kìa? Ai la sao mình la theo cho yên chuyện, để chiều về kịp cho heo ăn, kịp “dọt cối gạo“.

“Sao họ đuổi nhà mình đi vậy?". Câu hỏi của vợ làm Pù Ưng thảng thốt, ừ, chính Pù Ưng cũng định hỏi cho ra, nghe cán bộ nhắc đến chuy?n Ba Chúc bị bọn Pol Pot pháo kích, chính phủ cách mạng muốn bảo vệ tính mạng tài sản đồng bào ở Sóc Ô Thôm nên đüa dân về vùng kinh tế mới, trù phú, ấm no, hạnh phúc, độc lập, hòa bình. Bọn cán bộ "nói nhiều quá", "khó nghe quá". Ô Thôm cách Ba Chúc khá xa, Khmer đỏ làm sao pháo tới? Bọn cán bộ nạt “mấy người phản động hả?” “mấy người muốn theo Pol Pot nổi loạn hả?” Phản động là cái gì? Nổi loạn là cái gì? Gương mặt thần trên đỉnh tháp nghe cũng mỉm cười khó hiểu. Pù Ưng lắc đầu trước câu hỏi của vợ.

Đám người di tản bắt đầu lục tục kéo đi theo lịnh của vài tiếng súng thúc dục. Xa xa trên đường lộ cái, đoàn xe chở những tên áo vàng nón cối chạy ầm ầm, "từ nào tới giờ mới thấy lính mặc áo vàng đội nón cối, ở đâu tới vậy kìa?" Họ cứ hỏi nhau, hỏi cho có hỏi, "ai biết mà trả lời". Ruộng khô rồi ruộng ướt, hết ngày tới đêm. Cuối cùng tên du kích la "Tới rồi!".

Cánh đồng hoang loang loáng nước dưới chân cỏ ống. Pù Ưng đánh bạo hỏi: “Ở đây kêu bằng gì?" Tên cán bộ trả lời cộc lốc "Vùng kinh tế mới!". Pù Ưng lẩm bẩm, "tên nghe lạ quá, thuở giờ có nghe tên vùng kinh tế mới đâu?” Tại sao đặt tên "Vùng Kinh Tế mới?" Đâu có mấu chốt địa lý liên hệ cho cái tên lạ lùng này. Tuy vậy, Pù Ưng cũng gật đầu ra chiều hiểu biết, rồi ngồi xuống khoác một ngụm nước ruộng đưa lên miệng uống, nước phèn chua lét. Nhìn quanh mặt nước mênh mông, phèn dầy đặc đóng vàng chân cỏ ống. Xa xa vài cây trâm bầu, cây điên điển bông vàng đứng bơ vơ im lìm, thờ ơ không ra vẻ gì tiếp đón người bị đi tìm đất định cư. Dân lấm lét lo âu, trẻ con bắt đầu khóc rên rỉ. Mấy bà mẹ than van "Âu me ơi! Đất phèn cỏ ống làm sao trồng lúa, lấy gì nuôi con đây? Âu me ơi no ấm chỗ nào? Âu me ơi!".

Tiếng than van nhỏ dần theo hơi thở dài thành tiếng thì thầm, bực tức sau gần nửa tháng đi đường. Cán bộ ra lịnh cho mọi người chia đất cất nhà, “đất đâu mà cất?" Vùng gò đất cao thì lồi lõm, họ ngao ngán lắc đầu, tháo gỡ đồ đạc trên xe bò ném ngổn ngang trên gò cao.

Mọi người trải “nóp“ ra, gia đình con cái khép nép bên nhau, mắt ngơ ngáo căng thẳng. Trời trong chưa phải mùa mưa. Đêm đầu tiên chui vào nóp ngủ mê mệt với cơn ác mộng đầu tiên trong đời, quên muỗi mòng kêu như sáo thổi.

Ngày qua ngày, gạo mắm thiếu hụt trầm trọng. Vùng kinh tế mới này chỉ còn rau dưa bông súng ăn được. Bọn cán bộ đã dựng xong cổng, tấm bảng vắt ngang, "Làng Kinh Tế Mới Phú Cường". Sau cổng chính rải rác những căn nhà chòi tạm bợ, cái gì cũng sơ sài vá víu, có ai nghĩ là sống vĩnh viễn nơi này đâu.

Một buổi chiều bà Ngu lãng trí chợt thét lên rồi nhảy múa loạn đả, quơ quào, "Me Âu ơi! Mấy gốc thốt nốt dì tôi chết để lại bây giờ ai giữ, nước phèn ngứa chân quá, cho tao về, cho tao về!" Giọng bà the thé như ma nhập. Tên an ninh lăm lăm súng hăm he, “Bà phản động hả?“ Bà Ngul vẫn tiếp tục quay cuồng, bà thấy hồn ma những ông cha về phù trì không biết sợ hãi. Bọn an ninh lùi dần, trơ mắt nhìn dáo dác, dân chúng đứng chung quanh thụ động tán đồng. Tượng thần Hầu leo xuống nhảy nhót với bà. Pù Ưng nắm chặt búa, đứng theo dõi, tưởng mình là Thạch Sanh sắp sửa vung búa chém chằn tinh, xách đầu chằn về dâng vua làm phò mã. Những cây dao dâu có thần khí run bần bật trong tay, người ta cố giữ dao, sợ dao vuột khỏi tay lao về phía kẻ thù. Lũ cán bộ làm lơ lảng tránh.

Đêm về, dân khốn khổ lại phải tập họp ngồi nghe giải thích "cách mạng, tiến lên, tiến mạnh!“ Những gương mặt đen đúa, ngô nghê bất động, trẻ con thiếu sữa khóc lớn trấn át tiếng bép xép hô hào trống rỗng của cán bộ. Trẻ con khóc dai dẳng như báo điềm gở. Người già há hốc nhìn lên trời kêu cứu, gương mặt đàn bà đầy nhẫn nhục an phận. Đàn ông thở hổn hển, gân xanh nổi hằn trên thái dương, mặt bí mật, lầm lì đáng sợ. Thú vật cũng ý thức việc gì ghê gớm sắp xảy ra. Lũ chó nằm im hơi, nhe răng trắng mởn thu mình chờ đợi sẵn sàng đổi mạng rẻ như bèo.

Ngôi chùa Prey Veng im lìm trong đêm khuya, chợt vang rền tiếng Sư Sãi tụng kinh Pali, lúc đầu nhỏ như tiếng chuông ngân, dần dần chuyển thành nhạc ngũ âm, dâng như sóng vỡ bờ. Cùng lúc, sáu bảy bóng đen ẩn hiện chập chờn qua khóm tre. Tâm họ nhịp gấp theo tiếng kinh trầm hùng dìu dắt họ tiến về chùa Prey Veng, từng người di chuyển nhanh nhẹn hẹn nhau chen chúc trong chùm dây rễ dài um tùm của cây Nam Vồ, ngồi lặng lẽ chắp tay run rẩy cúi đầu sám hối. Dưới mái chùa cong, tứ chi tượng các thần hầu linh động nhảy múa chúc mừng, bốn góc cột chùa, các thiên nữ trang kính nghe kinh.

Những bóng đen ẩn nấp dưới rễ cây Nam Vồ quên sự hiện hữu mình, buông thõng búa và dao dâu. Dao búa cũng mềm nhũn, hiền lành nằm bất động nghe kinh trên mặt đất. Trăng đêm ấy ngại ngùng tránh tỏa tia sáng soi những gương mặt in vết hãi hùng mấy đêm trước. Đêm ở vùng kinh tế mới Phú Cường tối như mực, bầu không khí căng thẳng ngột ngạt chờ đợi, bị nổ tung bởi tiếng “cáp“ vang dội thoát ra từ lồng ngực dồn nén căm phẫn. Tiếng súng cuồng sát nổ liên hồi, những bóng đen chạy rầm rập tán loạn. Lửa căm thù bừng cháy lan từ chòi này sang chòi khác chiếu lập lòe thi thể bầm dập tanh máu. Cây búa thần Thạch Sanh của Pù Ưng vung lên như lưỡi tầm sét chém chằn tinh, những cây dao dâu bén ngót được dịp chuyển mình thành rắn mãng xà vương quẫy khúc phi vùn vụt hớt đầu kẻ thù rụng như lúa dao móc dừa, thốt nốt. Bầy chó vện sống chết theo chủ nhập cuộc, lăn xả cắn xé. Gió đồng hoang tránh xa, vi vu thương tiếc, mây trời vội vã đưa những linh hồn hóa kiếp trở về Sóc xưa, yên nghỉ trong cổ tháp quanh chùa Prey Veng sau khi trả xong nghiệp dĩ.

Tiếng than khóc la hét, tiếng súng nổ dao bay loãng dần trên vùng kinh tế mới Phú Cường, địa ngục này chỉ còn lại tiếng bò mất chủ bơ vơ rống đứt đoạn não lòng. Kết thúc còn lại bao nhiêu người ngồi dưới gốc cây Nam Vồ nầy

Pù Ưng nhìn lên ngọn tháp tìm kiếm, mặt thần bốn mặt trầm tĩnh như xưa, chở che an ủi. Chùa và Sóc bị bỏ hoang mấy tháng nay, ngói đỏ loang lở rong rêu xám, bắt ánh sao trời rực lên thành hoa sen cánh hồng hé nở đầy đặn, hương tinh khiết ngạt ngào trong đêm thanh. Chùa vắng Sư Sãi, những tiếng kinh từ tiền kiếp dội về trầm hùng, hòa với lời kinh dâng lên cúng dường từ đáy lòng người ngồi đây, lời kinh hóa giải như tia sáng huyền diệu nhẹ nhàng hòa tan bóng tối u minh dầy đặc, âm thanh vang rền thanh thế đại hùng, đại lực của chuông trống Bát Nhã ngân dài âm hưởng đại từ bi lên tận trời Đâu xuất, xuống tận ngục A Tỳ.

Sương khuya lạnh lẽo ướt đầm vai, những bóng đen rùng mình, bình tĩnh ngồi nép sát vào nhau. Những chùm rễ cây Nam Vồ dài rậm rạp cương trực chở che họ. Pù Ưng chợt ớn lạnh, một tia sáng lóe qua óc, như khám phá ra điều gì hệ trọng ám ảnh từ nhỏ đến giờ. Pù Ưng nắm chặt vai bạn lắc mạnh nói như người mê sảng.

“Me Âu ơi! Hồi xưa Lục Cụ nói đó, lửa trên trời sa xuống đốt đó, quỷ dưới âm phủ lên giết chóc đó, người còn sống không đủ ngồi giáp vòng gốc cây Nam Vồ đó. Me Âu ơi! Bây giờ mới thấy đó“.

Tiếng kinh từ chùa Prey Veng nhỏ dần, vang xa, xoa dịu nỗi đau khổ nhân gian. Cỏ cây hoa lá đọng sương đêm lấp lánh lặng yên nghe kinh. Tiếng kinh trở lại dập dồn tròn trịa, từng tiếng một dội vào tâm những người khốn khổ run rẩy dưới gốc cây Nam Vồ, phá tan u mê, hằng nhắc nhủ họ kiếp sống ngắn ngủi vô thường, hợp rồi tan, tan rồi hợp, một vết mây trong bầu trời xanh kia, ánh trăng dưới bàu sen đó.

‘Budham Saranam Gacchami

Dhammam Saranam Gacchami

Sangham Saranam Gacchami’

Pforzheim, 4/1987

Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa là một tác giả quen thuộc của tập san Viên Giác, Tây Đức.

Trong suốt thời gian 8 năm sống ở đó ông đã sáng tác khoảng 15 truyện ngắn đăng nhiều kỳ và rất được độc giả hâm mộ, nhất là loạt truyện viết về vùng Thất Sơn, nơi sinh trưởng của ông...

Chịu ảnh hưởng của ba nền văn hóa Việt-Miên-Hoa, sinh viên Phật tử, rồi làm thầy, làm lính, làm du học sinh, làm thợ... tác giả đi nhiều, sống nhiều, lại chung đụng thêm nhiều nền văn hóa thế giới, ông - sau cùng - dừng chân ở Úc, xứ sở đa văn hóa, và trở về với nghề "hương sư" như nơi cố quận...

...Đọc Phong Hưng ta thấy nỗi hoài cảm đó, con người đâu cũng là nhà nhưng quê hương thì chỉ có một: đó là tuổi thơ đánh mất.

Tieu su trich ngang cua Phong Luu Nhon Nghia.

Đi từ Châu Đốc vô tới ngã tư đầu tiên Xà Tón, rẽ phải về hướng Tây đường vô Chưn Phnum (khoan vô đó vội, vô Chưn Phnum phải có trống phèn la và bàn đưa, nằm trên xe đẩy có chạm rồng). Tiếp tục đi thêm 12 cây số về hướng Nam, ngang núi Cô Tô, đến ngã ba Sóc Ô thôm, rẽ phải hướng về chùa Pà Thết, rẽ trái là xóm Tà Păng Flức (hầm đôi) Xóm đó có căn nhà lá, nằm dọc theo Ô tà tưng (suối ngang) cùng dãy nhà củ Búl và thầy cai Ul (ông ngoại Cà Tâm con củ Xướng) là sinh quán của tiện nhân - Trước nhà là ruộng Tà lấp, kinh Xán, gầnđó có giếng nước Nòn Tô, có ông Tà Nol đánh trống chửa bịnh tà.

Lúc mới sinh bà mụ Miên cắt rún bằng tre lồ ồ, nhờ vậy ngày nay miễn nhiễm nhiều loại vi trùng. Chưa giáp thôi nôi, bị con quỷ trên cây xàđâu sau hè phá, khóc tới lật mí mắt, nhờ Lào Chệt Sầm Văn cúng giải mới hết.

Xưa dưới bàu sen Tà Păng Flức có con sấu, đó là ông Sải Cả thần thông biến thành sấu cho đệ tử coi, dặn đệ tử đọc thần chú, thành người lại, đệ tử quên đọc, nên ông mang hình sấu luôn. Dưới hang chùa Pà Thớt có cặp rắn mồng, ngày lễ bò lên nghe kinh, không cắn ai. Sau rắn mái xuống giếng uống nước chết chìm, rắn trống bỏ đi mất. Lại có ông Leo Teođứng cao bằng cây dừa, hay hiện lên banđêm ghẹo người yếu bóng vía.

Pà Thết có cây cổ thụ, diệc làm ổ, sáng nghe tiếng diệc kêu. Sóc Ô Thôm vui lắm, có gạo Xo Ùm Pên màu vàng, cốm dẹp, khoai từ núi, dưới ruộng là cua đồng, ếch, rắn vi cá, chim cò, cúm núm. Món ngon có canh thốt nốt, canh xiêm lo nêm mắm bồ hốc, bún nước kèn, dưa chuối, bánh thốt nốt, bánh gói, đường thốt nốt chảy đựng trong om,ăn với dưa gang. Chết tốn một thước củi (Lốt, lốt, thằng thổ chếtđốt, An Nam chết chôn).

Sợ quỷ phá nên dời lên chợ Xà Tón. Lên hai tuổI, bịnh ban nặng, thầy thuốc chạy, nhờ thầy Tám Tiểu ở Long xuyên bổ chai thuốc có mật gấu cả trăm đồng uống mới hết, uống thuốc tiêu ban kinh niên, trốn chích ngừa tới ngày đi lính. Nhờ phước đức ông bà sống lây lất bên ngoại tớI nay, đủ sống, đúng như lời côn nội (ở Trà É Sóc trăng) tới thăm, cân tính được “bốn lượng”, có “chén cơm đầy”, mỗi khi cùng cực, đều gặp may, bình an, có đủ sức khỏeđi cầy trã nợ con, nợ ngân hàng và nợ đời.

Về chủng tộc, nội ngoại đều gốc Triều Châu. Mồ mả tổđường bên phủ Triều Châu, gần Xua Tháo (Sán Đầu) Phong khê, Lưu cấp thuỷ hương, nơi đó có tháp Cấp thuỷ.

Sở thích ngồi góc phố uống cà phê,ước mơ có thật nhiều tiền để mua "Tiên".

Sagant Phan

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002