Đại Chúng số 102 - Ngày 16 tháng 7 năm 2002

Duramax

THÂN THẾ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
BỐN PHƯƠNG CHÌM NỔI

Lê Anh Tuấn

Việt Dương Nhân:

Tên thật là Nguyễn Thị Bảy, tự Phụng Hoàng.

Sinh ngày 11-08-1946.

Quê quán: Bình Chánh Gia Định Việt Nam.

Bắt đầu làm thơ từ năm 1977 nguyệt báo Trắng Đen.

Thơ Bà đăng rải rác trên các báo: Nhân-Bản, Việt-Nam Tự-Do Hải-Ngoại, Trắn-Đen, Tiếng-Dân, Á-Châu, Báo-Y-Giới, Văn-Tiến, Đất-Nước, Chống Cộng và Ép-Phê v.v.....

Bút hiệu: Việt Dương Nhân, Thanh Thiên Tâm, Việt Quốc Hùng, T.C.H. v.v...

Nghề nghiệp: Công nhân của một hãng horticulture (Horticolor à Lyon).

Tôi xin phép được lướt nhanh qua phần trên, mặc dầu tôi cho đây là phần quan trọng, tôi vẫn cứng đầu nghĩ rằng, lý lịch của một tác giả phải thể hiện qua chính tác phẩm của mình. Tấm căn cước do cảnh sát cấp cho mỗi công dân không đưa ra bằng chứng văn học nào hết. Kỳ cùng, nếu không ai tìm ra được thân thế của một tác giả lớn, thì chính tác giả đó sẽ đi vào huyền thoại văn học. Trong văn học V.N., cho đến nay, truờng họp T.T.KH. vẫn còn là một nghi án, chưa ai chứng minh được tác giả nầy là ai. Nhưng tất cả chúng ta hôm nay, không nhiều thì ít, mỗi người đều mắc nợ T.T.KH. một vài câu thơ.

Trên đây tôi xin chấm dứt phần thân thế tác giả.

Bây giờ...

Chúng ta hãy bắt đầu nói về:

Bốn Phương Chìm Nổi và Việt Dương Nhân.

Vào thế kỷ 19, một triết gia phương tây đột nhiên tuyên bố một điều rất ăn khớp với tư tưởng Á Đông “Con người là trò chơi của Thượng Đế". Trò chơi nầy đã khiến đại văn hào pháp André Gide đẩy nhân vật Alissa của ông vào khung cửa hẹp. André Malraux thì bảo rằng: "Yêu chân lý là yêu và chấp nhận sự chết, vì chân lý nằm bên cạnh cái chết", J. Steinbeck đã kết thúc tập truyện: "Of mice and men", bằng sự giết chết đứa em do chính hai bàn tay một người anh thương yêu em mình hết mực. Nguyễn Du đã đưa nhân vật khả kính nhất của ông trong Truyện Kiều vào chốn thanh lâu...

Có những lúc con người đã nổi dậy chống đối mảnh liệt trò chơi nầy. Nietzsche đã phủ nhận vai trò của Thượng Đế - Hemingway tuyên bố qua tác phẩm "The old men and the sea", con người có thể chết, nhưng không thể thua cuộc...

Hình ảnh trò chơi của thượng Đế, thật ra ở Á-Đông, chỉ gồm vào hai chữ "Thiên mệnh hay Thiên ý".

Sách truyện Trung Quốc thường nói "thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong" (thuận theo mệnh Trời thì còn, nghịch với mệnh Trời thì mất). Làm người, khó biết được thế nào là thuận, thế nào là nghịch. Các dân tộc Đông-Á, nhất là Trung hoa và Việt Nam vẫn thường kính lạy Trời Đất, nhưng chẳng ai giải thích được tường tận thế nào là nghịch thế nào là thuận, vì thế mà cái kiếp người, tự lúc sinh ra đời đến khi từ giã nó, từ cùng đinh hạng hay đến đế vương uy hiển, có được mấy người không biết đến cái kiếp nhân sinh “Bốn Phương Chìm Nổi"

Tôi nghỉ không ngẫu nhiên mà Việt Dương Nhân đặc cho đứa con đầu lòng cái tựa đề nầy.

Một tác phẩm là một cõi tâm sự. Càng u uất tác phẩm càng kín đáo. Cấu trúc của tác phẩm tùy vào trình độ thẩm thấu cuộc đời của chính tác giả thai nghén nó.

Đã là một công trình kiến trúc, như cái nhà chẵn hạn, có thể thô sơ bằng tranh hay rơm rạ, có thể bằng gỗ và cũng có thể bằng đá cẩm. Ngoài ra còn phải kể đến lối kiến trúc, mỹ thuật và trình độ xây dựng công trình, chưa kể nhà cất bên sông hay trên lưng đồi v.v...

Có thể khẳng định một điều mà ít sợ sai lầm:

Kiến trúc càng đồ sộ, càng đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn cho sự chiêm ngưỡng nó.

Trong âm nhạc chẳng hạn, người ta dể thông cảm với đoản khúc “Lettre à Élise” của Beethoven hơn đại hòa tấu khúc "La Symphonie Pastorale" của chính ông .

Nguyễn Du tiên liệu tác phẩm Kiều khó có thể được thưởng thức rộng rãi vào thời Ông.

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ thùy nhân khắp Tố Như?

(Không biết 300 năm sau có ai trong đời hiểu được cõi lòng của Tố Như?)

Và mãi đợi đến thế hệ của chúng ta, khi mà những giá trị Phương Tây lấn vào văn hóa Á-Đông, xô ngã đi những bức bình phong cổ kính, kiểu:

Đàn ông chớ đọc Phan Trần

Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều.

Ta mới thấy được Cụ Tiên Điền là bực thầy vô tiền khoáng hậu trong thi ca Việt Nam.

Tại sao tôi nói về cấu trúc tác phẩm và về niềm u uất của Nguyễn Du mà không hề đá động gì đến Bốn Phương Chìm Nổi?

Thật giản dị, có thể nói Nguyễn Du là cây thước đo giá trị của thi ca Việt Nam hiện đại.

Cái đặc trưng của Truyện Kiều chính là nỗi u uất của cựu thần nhà Lê, khi phải quy phục Nguyễn Triều một cách bất đắc dĩ, vì sự sống, đã khiến nhà nho Tố Như khắc khoải mãi trong tâm tư của một người thanh cao mà phải sống trong ô trọc:

Kiều là biểu trưng niềm u uất nầy, nàng đẹp, tài ba, có đủ tất cả mọi điều kiện làm người thục nữ trâm anh khuê các, ấy thế mà đời nàng phải đọa đày vào thanh lâu, lúc tựa Thúc Sinh, khi nhờ Từ Hải, cuộc sống trôi dạt như lục bình trôi sông, người mình yêu Kim Trọng chỉ xuất hiện mờ ảo như cánh nhạn vụt ngang trời xanh, Kim Trọng là hình ảnh của nhà Lê, là ước vọng thanh cao của Nguyễn Du.

Thơ của Việt Dương Nhân bàng bạc một cánh hoa yếu đuối, trường kỳ khát vọng một chốn trao thân gởi phận:

Rừng đêm hoang vắng ai Quân Tử,

Dám nhặt hoa tàn trong gió mưa?

Một đóa hoa tàn giữa Rừng Đêm, một đời Kiều khởi đầu ở lầu Ngưng Bíchá. Đóa hoa cầu Quân Tử, Kiều ngồi “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Cả hai tìm một nơi chốn, một cái gì cố địnhá, cả hai muốn cuộc đời ngừng lạiá.

Chẳng lẽ cả tập Bốn Phương Chìm Nổi chỉ nói về hoa tàn trăng khuyết thôi sao?

Không. Tập thơ có tất cả: nước mất, nhà tan, lưu đày, thân phận, tình yêu, mơ mộng, khổ đau, ngang trái, Mẹ, con, ân tình, bạc tình...Tất cả đều hiện diện, tất cả đều có trong “cuộc bể dâu”, tất cả “những điều trông thấy” kia như dòng nước bạc đã đẩy đóa hoa vào chốn Rừng Đêm không bóng người.

Người ta có thể đặt câu hỏi: phải chăng thi nhân đã chịu lắm phong trần sương gió?

Phải thì sao? Không phải thì thế nào?

Riêng tôi, nếu ai muốn nêu ý kiến, tôi chỉ có vài câu Kiều, (lại Kiều) để trả lời:

Ngẩm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần.

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.

Kính thưa quý vị, quý thân hữu,

Hôm nay Việt Dương Nhân mời chúng ta thưởng ngoạn một cấu trúc thi ca mà Bà đã bỏ ra khá nhiều tâm huyết để hình thành. Cấu trúc nầy là góp nhặt rải rác những giây phút sống thật của cuộc đời tác giảá.

Cấu trúc đồ sộ hay vụng về, hoàn toàn tùy vào sức lôi cuốn của nó đối với đọc giả trong những ngày sắp tới.

Tôi tin rằng.

Mọi người hiện diện buổi ra mắt tập thơ hôm nay đều vì tấm chân tình của tác giả mà đến.

Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau đi vào ngôi nhà:

"Bốn Phương Chìm Nổi"

Mỗi người trong chúng ta sẽ nhìn thấy ở trong nó một khía cạnh, một ý niệm hay ngay cả một thành kiến nào đó. Quyền phê phán nằm trong tay của quý vị.

Ở đây tôi chỉ khẳng định với quý vị một yếu tố thật nhỏ: Cấu trúc ngôi nhà của Việt Dương Nhân có thể bằng một thứ chất liệu tưởng tượng phong phú hay nghèo nàn nào đó...Nhưng điều khẳng định của tôi là, trong nó có một bếp lửa, thật ấm, thật nhiệt tình và thật cởi mở đang chào đón quý vị.

Xin chân thành chia vui cùng Việt Dương Nhân trong dịp sinh nhựt đứa con tinh thần đầu lòng.

Xin thay mặt Việt Dương Nhân trân trọng cám ơn và kính chào quý vị.

Paris, chiều thu 25-10-1998

Lê Anh Tuấn

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002