Đại Chúng số 103 - Ngày 1 tháng 8 năm 2002

Duramax

VÀI NÉT SINH HOẠT VỀ NHẠC SĨ TRỊNH HƯNG

Trịnh Hưng lấy tên thật làm bút hiệu, nhưng trong căn cước mang tên là Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, quê quán Bắc Ninh.

1945-1953 theo kháng chiến chống thực dân Pháp, đội phó văn công Trung Đoàn Thăng Long.

1954 hồi cư về Hà Nội, sau đó di cư vào Nam và mở lớp dạy nhạc qua bộ môn: Đàn, luyện giọng và sáng tác.

Bắt đầu sáng tác từ năm 1950, nhưng mãi đến năm 1956 mới được công chúng đón nhận qua những ca khúc quê hương:

Lối Về Xóm Nhỏ, Tôi Yêu, Lúa Mùa Duyên Thắm, Trăng Soi Duyên Lành, Tình Thắm Duyên Quê...

Sau năm 1975 bị kẹt lại, nhạc sị Trịnh Hưng đã bị cộng sản bắt đi tù hết 8 năm, vì sáng tác nhạc phẩm Ta Quyết Tâm Giết Lũ Hồ để phản đối chế độ CS.

Sau khi mãn tù 1990, Trịnh Hưng được gia đình bảo lãnh sang Pháp. Ra hải ngoại ông vẫn tiếp tục sáng tác nhạc và đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại qua nhiều thể loại.

NHÀ THƠ HỮU LOAN VÀ BÀI THƠ BẤT TỬ

Trịnh Hưng

Trong dịp về thăm quê hương vừa qua, tôi may mắn được gặp nhà thơ Hữu Loan, người anh kết nghĩa của tôi trong thời gian kháng Pháp (45-54) mà tôi đã xa cách hơn 50 năm.

Nhà thơ Yên Thao (tác giả bài thơ Nhà Tôi), người bạn cùng đơn vị bộ đội ngày xưa đã cho tôi biết là muốn tìm anh Hữu Loan thì phải đến Hội Văn Nghệ. Vì từ ngày Đảng cởi trói cho văn nghệ sĩ thì các văn nghệ sĩ từng bị Đảng đối xử tàn nhẩn thua một con chó đã được phục hồi danh dự và được công nhận là hội viên nhà văn Việt Nam.

Tôi đến Hội Nhà Văn ở đường Nguyễn Đình Chiểu để tìm danh sách và may mắn gặp được người cùng quê với nhà thơ Hữu Loan đã chỉ đường cho tôi đến thăm anh.

Nhà nhà thơ Hữu Loan ở thôn Vân Hườn, xã Nga Lĩnh và nằm ở một vùng xa xôi hẻo lánh. Người lái xe ôm đưa tôi đến trước cổng rộng độ 3 mét. Anh ta gọi to:

- Cụ Tú ơi! Ra có khách lạ ở xa đến thăm cụ đây nầy.

Tôi nghe trong nhà có tiếng đáp lại: “Ơ! Tôi ra ngay đây”.

Một ông già cao lớn, tóc đã bạc trắng, dáng dấp còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn chạy ra. Ông cụ mở cánh cổng được buộc bằng dây thừng và đứng sửng nhìn anh em tôi với vẻ ngạc nhiên và dò xét:

- Thưa các ông là ai, các ông muốn gặp tôi có việc gì không?

Tôi hiểu anh bị quản thúc tại gia mấy chục năm nên bị cô lập, cấm liên hệ với

mọi người, bây giờ thấy người lạ thì hơi ngạc nhiên và nghi ngờ. Để đánh tan sự nghi ngờ của anh, tôi chạy đến ôm anh và nói:

_ Em là Trịnh Hưng, em vợ của anh Lê Khải Trạch nhà ở Thanh Hoá. Những năm kháng chiến anh hay lại chơi, uống rượu với anh rễ em và anh Quang Dũng. Có một lần anh đã dẫn em và anh Quang Dũng vào Nông Cống thăm mộ chị Ninh vợ anh.

Nhắc lại kỷ niệm xưa, anh mừng và nắm chặt tay tôi:

_ Chú là chú Hưng đánh đàn guitare. Anh nhớ ra rồi.

Anh kéo tôi vào nhà và nói chuyện. Căn nhà của anh tường được xây bằng xi măng, mái ngói đã cũ. Nhà có ba gian nhưng trống rỗng hầu như chẳng có gì. Một gian có cái giường tre để đôi vợ chồng già ngủ, gian giữa là bàn thờ gia tiên, còn gian tôi đang ngồi có một cái bàn vuông cũ kỹ và 4 cái ghế, trên có một bình nước vối và mấy cái ly. Anh rót nước mời hai anh em tôi và nói:

_ Nhà anh uống nước vối quen rồi, với lại anh trồng vối nên có uống quanh năm.

Anh thông thả hỏi thăm anh chị của tôi. Tôi kể lại cho anh nghe chuyện anh Trạch đã chết từ năm 1979. Anh đã bị bắt và bị thủ tiêu. Năm 75, cộng sản chiếm Miền Nam xong thì đến năm 1977, một đêm khuya công an khám nhà, tịch thu mọi thứ và bắt anh Trạch mang đi nhốt vào trại giam Phan Đăng Lưu.

Đến năm 79, chị tôi vào trại thăm nuôi thì công an nói là đã trốn trại rồi. Chị tôi biết anh Trạch lúc đó đã quá già thì còn sức đâu mà trốn trại. Dù biết có điều không may mắn cho chồng nhưng chị vẫn chờ.

Hơn một năm sau, có người được thả về, họ đến nhà cho chị hay là vào một đêm khoảng 12 giờ, công an đã vào trại gọi anh xuống và không cho anh mang theo một thứ gì. Mọi người đều nghĩ rằng anh được gọi đi hỏi cung. Nhưng tại sao lại hỏi cung vào lúc nữa đêm? Và kể từ đêm đó không một ai còn gặp lại anh. Anh Trạch đã bị thủ tiêu. Chị tôi lấy ngày đó làm ngày giỗ và sau đó có làm đơn khiếu nại gởi cho Bộ Nội Vụ, Thủ Tướng và Bí Thư Đảng xin cho biết tin tức nhưng chỉ nhận được vỏn vẹn có vài hàng chữ là "chờ để điều tra”. Người thiếu phụ âm thầm đau khổ mòn mõi chờ chồng đã hơn 20 năm vẫn chưa có câu trả lời của nhà cầm quyền CS Hà Nội.

Anh Hữu Loan hỏi tiếp:

_ Còn chú ra sao? Ở đâu về và làm gì mà đến bây giờ mới đến gặp anh?

_ Sau năm 1952, bỏ kháng chiến em theo anh Trần Chánh Thành về Hà Nội. rồi di cư vào Nam. Em tiếp tục sống với nghề sáng tác nhạc và dạy học. Năm 75 Miền Nam mất, em không có điều kiện di tản nên ở lại Việt Nam tiếp tục công việc sáng tác của mình. Năm 1982 họ bắt đứa còn trai lớn đi nghĩa vụ ở Cao Miên. Con trai em đã đào ngũ trốn về được 3 năm thì công an bắt và nhốt nó một đêm tới sáng thì nó chết. Em uất ức nên sáng tác bài hát nội dung nói CS và lão già Hồ tàn ác. Em đã bị bắt đi cải tạo 8 năm vì sáng tác bài hát "Ta Quyết Tâm Giết Lũ Hồ".

Chú em đi chung với tôi biết đến thăm anh Hữu Loan nên đã thủ sẳn một lít rượu bổ thuốc Bắc. Chú rót ra một chén mừng tuổi anh nhân năm mới. Tôi cũng mời anh một ly, anh cười vui vẻ uống cạn. Hơi men bốc lên, lại nghe tôi kể những câu chuyện bi thảm của gia đình nên anh chửi đổng:

_ Mẹ cha cái thằng Hồ tặc, cái thằng hít địt đó chết rồi mà còn giết hại bao nhiêu người vô tội và làm hại đất nước, tổ tiên.

Anh còn chửi một lúc nữa về chế độ tham tàn của già Hồ để lại. Tôi nhìn quanh nhà, thấy cảnh nhà đơn chiếc, nghèo nàn mà chạnh lòng. Mắt tôi chợt chạm phải hai câu thơ kiểu tranh cổ, thi thư pháp viết bằng quốc ngữ:

Chào người Mầu Tím Hoa Sim

Chào chòm râu bạc đi tìm ban sơ

Bút danh người tặng đã bị phai mờ vì thời gian và chỉ có anh là người biết tác gỉa hai câu thơ đó mà thôi.

Tôi nói cho anh biết bài thơ Mầu Tím Hoa Sim đã trở thành bất tử, không những ngày xưa ở Sài Gòn nhạc sĩ Dũng Chinh và Phạm Duy phổ nhạc mà hiện nay ở Hải Ngoại, người Việt tị nạn vẫn hát và thu đĩa để bán. Tôi cũng nói cho anh biết là có một thi sĩ trẻ tên Kim Vũ ở Hoa Kỳ khi hay tin tôi về Việt Nam có gởi cho anh Hữu Loan một bài thơ mà anh đã dịch sang Anh Ngữ và gởi thêm 50 đô la mừng tuổi anh nhân dịp xuân về. Tôi cũng trao lại cho anh 200 F của nhà thơ Đỗ Bình gởi tặng với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ. Biết anh Hữu Loan ở vùng quê hẻo lánh, muốn ra thành phố đổi tiền mất nhiều thì giờ và tốn tiền xe nên tôi đổi sẳn tiền Việt Nam để trao cho anh. Anh Hữu Loan cầm số tiền trong tay mà nét mặt anh rất xúc động. Anh nhờ tôi chuyển lại lời cảm ơn đến hai người bạn chưa quen.

Chúng tôi ra về và hôm sau lại đến thăm anh. Anh kể lại cho chúng tôi nghe cuộc đời gian truân của mình...

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, quê anh ở Thôn Vân Hườn, xã Nga Lĩnh, Huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Cha Hữu Loan là một nhà nho nghèo. Lúc còn nhỏ Hữu Loan thường nghe cha mình ngâm thơ của cụ Nguyễn Công Trứ và Hữu Loan đã thấm nhuần hai câu thơ:

Làm trai đứng ở trong trời đất.

Phải có danh gì với núi sông.

Khi đi học, Hữu Loan thường nghe thầy cô dạy rằng “có chí thì nên", do đó mà anh rất chăm học và năm nào cũng đứng nhất lớp. Học ở trường huyện thi đậu bằng Tiểu Học Pháp mà lúc bấy giờ là rất hiếm người đạt được. Anh quyết chí đi học tiếp Trung Học nhưng muốn vậy thì phải ra tỉnh mới có trường. Nhà nghèo ham học nên anh mong muốn ra tỉnh vừa tìm việc làm vừa đi học. Một hôm, tình cờ anh may mắn xin được dạy kèm cho các con ông Lê Đỗ Hữu Kỳ, kỹ sư Canh Nông ở Pháp về, hiện làm Thanh Tra cho Bộ Canh Nông của Pháp. Nhà ông có 500 mẫu ruộng gia nhân làm việc 5, 6 chục người. Ông có nuôi thêm một miệng ăn thì cũng chẳng thấm vào đâu. Bà Kỳ là một người rất rộng lượng và tốt bụng và thường hay giúp đỡ người nghèo nên bà sẳn lòng cho anh ăn ở, dạy kèm cho các con. Nhờ vậy, Hữu Loan đã an tâm đi học. Thấy anh hiền lành, lễ phép nên bà Kỳ rất mến và nhận anh làm con nuôi cho ăn học thành đạt.

Khi anh bước chân vào nhà ông Kỳ ở, thì bà Kỳ sinh cô Ninh ở nhà hộ sinh. Hai ngày sau, anh xin phép vào thăm. Thấy cô bé bụ bẩm xinh đẹp nên Hữu Loan bế lên nâng niu trên tay. Cô bé mới sinh có hai ngày mà cứ nhìn anh cười. Anh vội nói với bà Kỳ:

_ Má à! Em mới có hai ngày mà đã biết cười. Không hiểu sao em cứ nhìn con cười.

_ Mấy bà đỡ đẻ cũng nói là con nít sinh ra là khóc, còn con bé nầy thì không khóc một tiếng nào mà nó lại biết cười ngay. Đó là một điều lạ.

Từ đó anh an tâm học hành, các con ông bà Kỳ rất mến anh. Anh hay dẫn các con ông Kỳ đi chơi và ẳm bồng cô bé Ninh. Đến kỳ thi Trung Học anh đậu hạng tối ưu. Ông bà Kỳ rất mừng và khuyến khích anh học tiếp. Năm 1941 đến k? thi Tú Tài ở Hà Nội anh đậu hạng ưu. Sau đó, người Pháp xem bài thấy anh thông minh nên họ mời anh vào làm tại phủ Toàn Quyền có lương bổng cao. Hữu Loan lúc đó ghét Tây nên đã khước từ và về Thanh Hoá sống với gia đình cha mẹ nuôi và đi dạy học. Hữu Loan gặp được cụ Trần Trọng Kim, lúc đó cụ đang thành lập Hội Thanh Niên toàn tỉnh. Cụ thấy anh nhanh nhẹn, thông minh nên giao cho nhiệm vụ làm Tổng Đoàn Trưởng Thanh Niên của cụ.

Cô Ninh mỗi ngày một lớn và xinh đẹp, phúc hậu. Cô rất thương mến và giúp đỡ người ăn kẻ ở trong nhà. Hữu Loan thương yêu cô như em gái và chủ nhật nào cô cũng đòi anh dẫn cô ra phố chơi. Một hôm, anh dẫn cô đi ngang rạp hát, thấy quảng cáo phim, anh muốn vào xem nhưng cô không chịu mà đòi về nhà ngay để học chữ. Từ đó, cô không cho gia nhân phục vụ cho anh nữa mà mọi ngày quần áo của anh, cô tự giặt lấy, ủi thẳng tắp và xếp gọn gàng vào ngăn kéo cho anh. Cô còn chăm sóc cho anh những chuyện lặt vặt khác.

Hữu Loan cũng được biết bà Kỳ rất thương anh nên định gã em gái bà cho anh nhưng cô ấy đẹp lại không ham chuyện trần duyên và rất say mê học đạo nên đã xin vào tu viện. Bà Kỳ không gã em gái cho anh được nên muốn gã cô Ninh cho anh. Năm cô Ninh 13 tuổi, một hôm tôi ngồi học ở trong nghe bà Kỳ nói với cô Ninh:

_ Con à! Mai nầy má gã con cho anh Loan, con có bằng lòng không?

Tôi không nghe cô nói gì cả. Thế rồi một tuần sau, anh đang học, cô Ninh đang ủi quần áo cho tôi bên ngoài. Bà Kỳ đến bên tôi dịu dàng nói:

_ Má thương con lắm! Má có ý định là vài năm nữa em Ninh lớn một chút má gã em Ninh cho con làm vợ, con có bằng lòng không?

Anh bị hỏi đột ngột nên bất ngờ quá, lúng túng không biết trả lời ra sao. Bà Kỳ lại tiếp:

_ Sao, con có bằng lòng không?

_ Dạ thưa, con cám ơn má vô cùng. Con thú thật là con rất thương yêu em Ninh nhưng lấy em thì ngượng làm sao ấy, con không dám đâu vì em Ninh là em nuôi của con. Con được ba má nuôi trong nhà, bây giờ lấy em Ninh con sợ người ta nói con là thằng bất nghĩa.

Bà Kỳ cười rồi bỏ đi làm anh nghĩ ngợi cả đêm. Không ngờ cô Ninh nghe câu chuyện nên nói với anh:

_ Anh không yêu tôi, không muốn lấy tôi. Điều đó tôi không cần. Tôi chỉ biết tôi yêu anh là đủ rồi – Nói xong cô bỏ đi.

Anh vẫn ở trong nhà ông bà Kỳ và cô Ninh vẫn đối đãi với anh như xưa. Hàng ngày anh vẫn học thêm và đi hoạt động với anh em trong Đoàn Thanh Niên. Ngày 19-8-45, cuộc cách mạng của Việt Minh đã thành công ở Hà Nội, các tỉnh đã thành lập chính quyền, anh và các anh chị em trong Đoàn Thanh Niên rất vui mừng. Anh hô hào dân chúng đi cướp chính quyền một cách dễ dàng. Và được bầu làm Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân lâm thời tại Thanh Hoá. Đến tuần lễ Vàng, cô Ninh cũng hăng hái tham gia cổ động dân chúng đóng góp vàng ủng hộ. Hữu Loan lúc đó là một thanh niên yêu nước nhiệt thành nên rất hăng hái và làm việc không biết mệt. Năm 46, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Anh không thích làm Chủ Tịch tỉnh nên đã xin từ chức và nhường cho người khác để lên đường ra mặt trận. Hữu Loan thăm gia vào sư đoàn 304 do tướng Nguyễn Sơn chỉ huy. Anh được giao cho nhiệm vụ làm Trưởng Phòng Tuyên Huấn sư đoàn với cấp Chính Trị Viên tiểu đoàn. Nguyễn Sơn là một vị tướng trẻ nhưng rất giỏi, anh lại là người mê văn nghệ và hiểu biết tất cả mọi bộ môn thơ văn nhạc nên Hữu Loan rất quý mến anh và ngược lại Nguyễn Sơn xem Hữu Loan như một người bạn hơn là một thuộc cấp.

Trong quân ngũ rất bận nhưng Hữu Loan vẫn thường xuyên về thăm nhà. Gia đình ông bà Kỳ vẫn thương yêu anh như xưa. Cô Ninh thì đã lớn, cô quấn quít bên anh như hồi nào. Thế rồi tình yêu giữa Hữu Loan và cô Ninh đã đến lúc nào Hữu Loan cũng không biết. Hai ông bà Kỳ thì càng vun xới cho tình yêu hai trẻ. Hữu Loan thú thật với bà Kỳ và xin cưới cô Ninh làm vợ. Ông bà Kỳ lo đám cưới sớm cho đôi trẻ. Trong thời kháng chiến thì không làm rầm rộ theo tục lệ xưa. Thường đám cưới chỉ làm ở ngôi đình làng, khách họ hàng và viên chức xã đến chào cờ, chúc tụng rồi đọc tuyên bố, còn trên bàn chỉ có 1 vài đĩa kẹo thôi gọi là đám cưới nhân dân kháng chiến. Nếu có vài ba cặp thì tổ chức ăn mừng cũng vậy và gọi là đám cưới tập thể.

Ông bà Kỳ thì lại không muốn gã chồng cho con theo kiểu đó vì ông bà là người giàu có, điền chủ và lúc bấy giờ ông lại là Dân Biểu Quốc Hội đầu tiên của chính phủ nên làm tiệc tại nhà một tí mâm cơm tươm tất, rồi mời Uỷ Ban đến tham dự. Đám cưới của Hữu Loan và cô Ninh rất đơn giản. Ngày cưới cô dâu không mặc áo cưới và chú rễ mặc quần áo nhà binh đôi giầy dính bết bụi hành quân.

Cưới nhau xong năm ngày là anh lại trở về đơn vị. Anh đi được hai hôm thì ở nhà, một buổi sáng cô Ninh ra sông Nông Cống giặt quần áo, không ngờ nước sông chảy quá mạnh, cô trượt chân té xuống nước, bị nước cuốn cô trôi đi và chết đuối. Mãi 3 ngày sau, xác cô nổi lên, dân thuyền chài họ vớt xác cô mang về nhà ông bà Kỳ chôn cất.

Hai tháng sau, trong lúc đang ngồi uống trà tại một quán nhỏ, Hữu Loan mới hay tin người vợ trẻ ở nhà đã chết. Anh sa sầm mặt lại, da tái xanh, tay anh run rẩy làm đỗ cả ly nước đang cầm trên tay. Quá đau đớn với cái tin bất ngờ, anh vội vàng đạp xe về nhà và thấy bà Kỳ đang ngồi khóc bên mộ người con gái mà bà yêu thương nhất. Hữu Loan nhìn thấy trên mộ là chiếc bình hoa nhỏ ngày cưới nay đã thành bình hương trên mộ chí. Anh quá đau đớn phủ phục bên nằm mồ vô tri và than khóc.

Rồi sau đó, anh trở về đơn vị, cả ngày như người mất hồn. Vào một buổi trưa, niềm đau đớn đó đã tuôn trào và anh đã viết thành bài thơ Mầu Tím Hoa Sim. Anh viết một mạch bài thơ để nói lên tất cả tâm tư của mình chỉ vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ. Hữu Loan xếp bài thơ cất vào túi áo. Ví quá thương nhớ vợ nên anh ngã bệnh. Một chú bộ đội đàn em của anh đang làm thờ báo Chiến Hữu của sư đoàn đã đến chăm sóc cho anh. Lúc chú giặt quần áo cho anh và bất ngờ thấy bài thơ trong túi áo. Chú cất đi và giữ gìn cẩn thận. Rồi một ngày chú về quê gần làng bà Kỳ, chú lấy đọc cho bà Kỳ nghe. Bà Kỳ khóc và bắt chú chép lại cho bà. Thế là bài thơ tự nhiên được phổ biến mau lẹ ai cũng thuộc, cũng biết. Lời thơ trung thực, toàn bộ bài thơ đọc rất cảm động vì xuất phát tự con tim của nhà thơ Hữu Loan...

Anh chỉ cho tôi xem chiếc bình hoa ngày cưới mà anh luôn gìn giữ và ngày ngày nhanh khói cho người vợ quá cố. Anh trao cho tôi bài Mầu Tím Hoa Sim do chính tay anh viết. Anh còn giảng cho tôi nghe những từ ngữ và cách ngắt câu là dụng ý diễn tả tình cảm trong bài thơ. Anh nói có nhiều nơi họ in không đúng với ý của anh.

Trong ba ngày tôi ở chơi với anh, anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện vui buồn và số phận định mệnh đã đưa đẩy cho anh vào cuộc sống đói nghèo triền miên suốt mấy chục năm qua.

Tôi nghe anh kể mà thương anh nhiều hơn, một trí thức đầy nghị lực, chí khí. Dù quảng đời còn lại của anh phải gánh chịu nhiều đau khổ, mất mát nhưng tinh thần bất khuất nơi anh không bao giờ mất.

Thơ là anh

Là em gái anh

Là người vợ anh

Là đồng đội, bạn hữu anh.

Những người vệ quốc quân đánh Pháp, bảo vệ tổ quốc hơn nữa thế kỷ trước đã có bao nhiêu người có cuộc sống ấm no. Những người chiến sĩ từng chung vai sát cánh với Việt Minh đánh Pháp có bao nhiêu người được đối xử xứng đáng với tấm lòng yêu nước và sự hy sinh của họ. Hay xác thân họ chỉ là trâu ngựa, là chiếc đinh vít đã rĩ sét bị vùi dập trong đống gạch vụn của ngôi nhà XHCN mục nát. Và còn có biết bao nhân tài, bao văn nghệ sĩ bị chết tức tưởi vì chế độ bạo ngược của cộng sản cho đến chết không có một chén cơm độn no lòng. Tôi nghĩ đến Quang Dũng, Trần Dần, Tử Phác... và đến số phận nhà thơ Hữu Loan để nói với chế độ cộng sản bất nhân rằng chế độ đó không thể tồn tại mãi với thời gian và tôi mong họ hãy trả lại cho nhân dân Việt Nam cuộc sống tự do, no ấm.

Trịnh Hưng
Paris, 15-6-2002

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002