Đại Chúng số 103 - Ngày 1 tháng 8 năm 2002

Duramax

Tiểu Sử VÂN UYÊN

Bút hiệu: Vân Uyên

Tên họ : Nguyễn Văn Ái

Sinh tại Hà Nội năm 1920

Giáo sư Y Khoa Đại Học Sài Gòn, bộ môn Vi-Sinh-Vật-Học, 1955-1975.

Viện trưởng Viện Pasteur Việt Nam (Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang) 1959-1975.

Đại diện VNCH trong chương trình Y Tế vùng nhiệt đới Asean.

Học tập cải tạo:

_ Trại Long Thành, 1975.

_ Trại Thủ Đức, 1975 – 1976

_ Trại Hà Sơn Bình, 1976 – 1979.

Tác giả: - Cuốn "Khoa Học và Đức Tin, Giới Thiệu Tư Tưởng của Teilhard de Chardin" Kim Lai Ấn Quán xuất bản Sài Gòn 1965.

- Ba tập thơ:

Những vần lưu niệm, Paris 1996

"Tình Thơ" Paris 1997.

"Duyên Kiếp Thiên Tình" Paris 1999.

Huy Chương Vàng Toà Thánh (Vatican 1997).

 

VÀI KỶ NIỆM VỀ NHÀ THƠ VÀ NHẠC SĨ TỬ PHÁC

Vân Uyên

Hồn thiêng linh khí nơi nao

Tinh anh đố kỵ thanh tao nợ trần

Hiên ngang Tử Phác nhân văn

Quay tơ khúc điệp gieo vần tình quê.

Hoa xuân mê mẩn hương thề

Tâm can tận hiến đường về...hư không

Sầu thương khôn rửa Sông Hồng

Thơ ru nhạc thắm...máu hồng nhớ ai...

Trong cuộc điện đàm về buổi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Văn Hoá Việt Nam Paris ngày 15-6-2002, Đỗ Bình ngỏ ý muốn tôi đọc một bài thơ. Tôi suy nghĩ không biết nên đọc bài nào cho hợp với không khí buổi họp của Câu Lạc Bộ.

Vui chuyện tôi kể ngày 12-05-2002 được mời đi ăn giỗ nhân đó có viết mười sáu câu nhớ thương Tử Phác. Lúc đầu, hình như Đỗ Bình hơi bỡ ngỡ về bút hiệu Tử Phác, nhưng khi nghe nói tới Bài Hát Quay Tơ và Nhân Dân Giai Phẩm, Đỗ Bình nhớ lại ngay và đề nghị trước khi đọc thơ tôi nên có một đôi lời về nhà thơ kiêm nhạc sĩ Tử Phác.

Tử Phác sinh năm năm 1932 nhà ở phố Hàng Giấy Hà Nội khu chợ Đồng Xuân gần chân cầu sông Cái bắc qua sông Hồng Hà. Mất khi 59 tuổi trong cảnh cô đơn nghèo đói và thân thể đớn đau vì bệnh ung thư, vẫn ở trong căn nhà cũ nhưng đã bị chiến tranh tàn phá xác xơ...

Bài thơ tôi viết khi nghĩ về Tử Phác được đặt tên là: "Nhớ Thương" và phần trên gồm tám câu lục bát đã được dùng để mở đầu bài nầy.

Một năm trước ngày mất, đứa cháu nội lên ba vào thăm trong bệnh viện, Tử Phác ôm cháu trên đùi nhưng cố không cho cháu nhìn thấy mặt, vì:

... ...

Chiếc mặt nạ treo cao rạp hát

Nửa cười nửa khóc tấn trò đời

Cũng giống mặt tôi nửa người nửa ngợm

Tôi quay đi khỏi tủi mắt cháu tôi.

Thẹn thùng ý tứ với nhà thơ

Tầm dương canh khuya người kỹ nữ

“Tay ôm đàn che nửa mặt hoa"

Tôi giữ cháu tôi trên đùi tôi nhún nhẩy

Quay đầu đi giấu nửa mặt mo.

...

Ông nằm đây đã hết đớn đau rồi

Chỉ còn nhớ thương và uất hận không nguôi.

Tử Phác, 19-4-1981.

Lúc còn trẻ vào tuổi 14-15, Tử Phác đã giỏi về Việt Văn điểm thường là 19-20, trong những lời phê của giáo sư có câu: Trong mùa hè nóng bức đọc bài văn nầy như gặp một cơn gió mát...

Thuộc nhiều thơ và say mê âm nhạc, nhưng ông cụ thân sinh cấm ngặt không cho các con học đàn hát. Tử Phác năn nỉ bà mẹ xin tiền mua giấu một cây vĩ cầm gửi ở nhà nhạc sĩ Lương Hàm Châu, thỉnh thoảng tạt qua tập dượt. Gia đình nhạc sĩ Châu có đàn dương cầm.

Hai người cùng nhau soạn nhiều bản nhạc thường Lương Hàm Châu làm nhạc còn Tử Phác viết lời. Vào thời đó, Tử Phác hay dạy các trẻ trong gia đình và ngoài khu phố những bài hát rước đèn Trung Thu tự mình sáng tác.

Sau nầy khi lập gia đình ở ngoài bưng, Tử Phác cưới vợ là em gái của Lương Hàm Châu. Gia đình họ Lương thuộc dòng dõi của cụ Lương Văn Can trong Đông Kinh Nghĩa Thục.

Còn bút hiệu Tử Phác có nghĩa người con của Phác, vì mẹ tên Trương Tần Phác, một hậu duệ của người hùng Gò Công Trương Công Định.

Tử Phác tên thật là Nguyễn Văn Kim khi viết văn thường ký bí danh Nguyễn Anh Chấn còn viết thơ và nhạc dùng bút hiệu Tử Phác.

Mồ côi mẹ lúc 16 tuổi và cha ba năm sau, theo kháng chiến chống Pháp rất sớm năm 1945, vì viết nhạc viết văn làm thơ nên được giao công tác văn công quân đội.

Từ đó, Tử Phác di chuyển chỗ nầy chỗ khác khắp vùng Bắc Việt, chính trong thời gian nầy Tử Phác đã viết lời và nhạc bài "Tiếng Hát Quay Tơ" vào năm 1948. Ngay từ những buổi trình diễn đầu tiên bài hát "Tiếng Hát Quay Tơ" đã được hoan nghênh nhiệt liệt:

Chiều không hương buông mây lắng xuống đồng quê

Trời mênh mông tím ngát, thoi thóp pha hồng

Hàng nước mắt, lá rơi bên thềm, vun vút bóng cau

Khắp trời bát ngát khói sương

Thì thào lá biếc có thương lá vàng

Tre ngà đưa võng heo may hoà đàn...

... ...

Ngập ngừng xe quay rung rinh in bóng dáng người

Aàm ầm...gió rét...mưa bay...

... ... ...

Chàng ra đi...

Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay

Chiều nghe vang lá xiết em run

Ngỡ tiếng ngỡ tiếng bước ai về

Quay quay thương nhớ quyến vào tơ

Quay quay se áo rét dâng chàng...

... ...

Quay quay thương nhớ quyến vào tơ

Quay quay chăn ấm quấn thân chàng

Mỗi một đường tơ là mỗi dây tình

Trong lòng em dâng người hiên ngang

Nhịp xe quay vang trong tiếng gió đìu hiu

Mình tơ êm óng chuốt như nắng hanh vàng

Mùa lá trút sắp qua nhớ chàng quay gấp bánh xe

Tơ vàng chắn lối gió đông cho...đêm không lạnh lùng

... ...Gửi cùng áo ấm

Muôn vàn nhớ nhung...

Tử Phác, 1948

Khi nói về bài "Tiếng Hát Quay Tơ" nhà văn kiêm thi sĩ Hoàng Cầm đã viết: "Cả đoàn Việt Bắc đều thích hát cả ngày ca khúc Quay Tơ, có anh còn nhảy "valse"theo nhạc Quay Tơ nữa, nghe thật sang trọng hào hoa cuốn hút thắm thiết..."

Tử Phác nổi tiếng từ đó, nhưng cũng từ đó Tử Phác không còn thường sáng tác thơ nhạc vì được điều động vào cương vị tổ chức điều khiển làm Trưởng Phòng Văn Nghệ Quân Khu 3.

Năm 1950 lên Trung Ương giữ chức Trưởng Phòng Văn Nghệ thuộc Tổng Cục Chính Trị và năm 1952 làm Tổng Phụ Trách Văn Công Quân Đội cùng với Chính Hữu, Trần Dần và Hoàng Cầm trong Ban Chỉ Huy Tổng Đoàn.

Khi Trung Quốc tung ra phong trào "Trăm Hoa Đua Nở” Việt Nam cũng hùa theo và một số văn nghệ sĩ cùng nhau làm tờ báo "Nhân Dân Giai Phẩm" vào những năm 1957-1958.

Tử Phác là Thư Ký Toà Soạn của báo Nhân Dân Giai Phẩm.

Khi chính quyền dẹp Nhân Dân Giai Phẩm những người có liên quan tới Nhân Dân Giai Phẩm đều bị trừng phạt và đối xử tàn tệ. Riêng người bị trừng trị tàn nhẫn nhất là Tử Phác.

Tử Phác bị hạ tầng công tác mất hết quân hàm không còn được quân đội trả lương và cấp dưỡng, phải đi cải tạo ở Hoà Bình trong hai năm 1959-1960. Nếu không có gia đình giúp đỡ thì Tử Phác đã bị bỏ chết đói ở Hoà Bình. Gia đình gửi cho Tử Phác một chiếc xe đạp để Tử Phác làm nghề “thồ đồ” kiếm sống. Sức khoẻ của Tử Phác từ đó cứ sút giảm dần liên miên hết bệnh nầy sang bệnh khác.

Khi được thả về Tử Phác không tìm được một việc làm nào, các báo và nhà xuất bản bị cấm không được đăng và trả tiền nhuận bút những bài văn thơ nhạc của Tử Phác. Con cái không cho đi học ở những cấp cao.

Trong 30 năm, Tử Phác như tù giam lỏng không ra khỏi nhà. Các người lại thăm, có người Tử Phác tiếp đón niềm nở, có người Tử Phác không chào hỏi để mặc ngồi đó hàng giờ không trả lời một câu, ngồi chán rồi đi, Tử Phác không để ý tới. Các con hỏi tại sao thế? Tử Phác đáp: “Những thằng đó đến xem bố nói gì để viết báo cáo”.

Không có sinh kế, vợ con nheo nhóc, sống vất vưởng nhờ tiền trợ giúp của gia đình nội ngoại ở Pháp, đồ đạc trong nhà bán dần dần đến cả chiếc dương cầm, cái hương án...

“Tôi biết đi đâu biết về đâu

Tuy không reo ác lại hái sầu

Đất lửa khi nao là đất thánh

Cát bụi bơ vơ giữa địa cầu.

Nay bạn mai thù không hiểu nổi

Chuyện đời nhân nghĩa lộn đầu đuôi

Tôi muốn hỏi trên đường vạn nẻo

Đâu đất lành dung lũ chúng tôi.

Tôi hỏi bình minh tôi hỏi mây

Hỏi sóng biển hỏi trời giông bão

Hỏi tình yêu hay hỏi niềm đau

Đâu đất lành dung lũ chúng tôi."

Tử Phác, 12-1979

Chính vì đâu đất lành dung lũ chúng tôi? Nên khi phong trào vượt biên lan ra ngoài Bắc, Tử Phác dành để vợ con vượt biên chỉ có người con đã lập gia đình ở lại trông nom Tử Phác.

Nghịch cảnh nên thơ cũng nghịch thường. Xa quê hương ai ai chẳng nhớ thương nhưng Tử Phác đã viết: "Vui sướng reo mừng. Biệt ly nào không buồn?" Nhưng Tử Phác lại viết: Vui Biệt Ly, trong những câu thơ sau:

Đất đuổi tôi ra biển

Biển quẳng tôi về đâu

Chỉ nghe trong sóng gió

Thảm thiết tiếng hải âu

... ...

Ai xa quê hương mà nghe náo nức

Ai biệt chồng con vui sướng reo mừng

... ...

Ai đã chắc biệt ly là khổ

Ai cầm bằng đến được bờ vui

Vui ly biệt mà buồn thân phận

... ...

Tử Phác, 12-1979

Nỗi niềm lo lắng cho những người vượt biên Tử Phác gói ghém trong những câu thơ:

... ...

Xưa tiễn Kinh Kha có sá gì

Sá gì tiếng sáo Cao Tiệm Ly

Sầu thế kỷ muôn lần hơn chuyện cổ

Máu nhuộm hồng triệu mắt héo phân kỳ

Tìm em nơi nao trên biển Đông

Thuyền con như lá rớt giữa giòng

Lòng biển tối đen lòng đời hiểm độc

Em lênh đênh theo định mệnh hãi hùng

Tìm em nơi nao trên biển Đông

Đâu Macao, Tân Đảo, đâu Hồng Kông

Một trời một nước bờ xa khuất

Tìm em nơi nao trên biển Đông

Tử Phác, 12-1979

Và may thay... ...

Những người vượt biên tới Hồng Kông và sau được định cư ở Pháp vì có thân nhân bảo lãnh. Nhớ vợ thương con, có đêm Tử Phác nằm mê thấy vợ về thăm trong vườn hồng tặng một tấm hình còn Tử Phác tặng vợ một bài thơ:

Cố nhân mặc áo hoa

Lẫn muôn hoa vườn hồng

Mắt lão nhìn chưa ra

Đã mờ đi lệ nhoà

Ba mươi năm chiến tranh

Không lạc nhau bom đạn

Thế mà nay về già

Lại lạc nhau trong vườn hoa

Bà tặng tôi tấm hình

Rẽ hoa tìm cố nhân

Tôi tặng bà vần thơ

Vẫn rành rành tôi đó

Tuổi già tưởng suôi sẻ

Ai ngờ vẫn phong ba

Bão táp trong vườn hoa

Vẫn ương ương vậy mà

Tử Phác, 29-7-1980

Đám tang của Tử Phác có công an chìm nổi canh chừng cẩn mật vì có nhiều người tới tham dự. Trong bài văn tế của Trần Dần có những câu như sau:

Ngày xửa, ngày xưa...có một chàng trai...

trong ầm ầm...gió rét...mưa bay...

động tâm vì những người chiến trường áo mong manh...

liều lấy cả tuổi xanh mình...tim thật mình...

quay tơ...may áo...

ai ai đều nhớ...

mỗi một đường tơ là mỗi dây tình...

dâng người hiên ngang...

thế là khúc tâm ca thành áo ấm trữ tình

cho hơn một thế hệ những người áo mong manh chiến trường

những người hồi ấy hiên ngang kháng chiến...

Sự tích chàng trai chỉ cần có thế:

Tử Phác...Le Fier...Từ đầu...

Rồi khổ ải...khổ ải...30...

Hơn 30 năm sau...anh nằm đây...

Vẫn anh...Tử Phác...Le Fier...

Anh đã sống- đã đau-anh đã thác

Yêu nghệ thuật-yêu thơ-yêu nhạc

Một đời anh thác chỉ vì ...yêu

... ...

Anh để lại cho chúng tôi một thái độ

Chúng tôi ở lại...anh đi...

Âm dương không cách trở...

Trần Dần, 12-05-1982

Mười năm sau, tờ báo Aâm Nhạc số 4 năm 1992 ở Hà Nội mới đăng bốn trang nói về Tử Phác kèm theo ảnh.

Và mười sáu năm sau, tờ báo Lao Động số 11 năm 1998 mới đăng ảnh của Tử Phác và một bài ngắn coi Tử Phác như một "nghệ sĩ có tầm vóc văn hoá sâu sắc thuộc số người sớm nhất mở đường “sân khấu hoá” cho một điệu múa dân gian là điệu múa sạp.”

Hai chục năm qua thoáng tới ngày

Kỵ linh thanh khí có về đây?

Gia phong nhang khói tình vương vấn

Sứ điệp ngàn thu mộng đắng cay.

Non nước tiếc thương tài mệnh bạc

Nhạc thi âm hưởng luỵ trần ai

Bến xưa chìm bóng trăng đồng nội

Sương phủ mù đêm lệ ứa đầy...

Vân Uyên, 12-05-2002

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002