Đại Chúng số 103 - Ngày 1 tháng 8 năm 2002

Duramax

MỘT KHOẢNG TRỜI THƠ

Đỗ Bình

(tiếp theo kỳ trước và hết)

Thơ là nơi trú ngụ của những tâm hồn đau khổ, thơ còn là tiếng vọng vào đời ngân lên tiếng nói chân chính của con tim để giải oan cho những tâm hồn thanh cao bị bạo lực truy bức đến chỗ cuối cùng! Nhờ có thơ thi nhân trong thân phận người tù đã nương vào con chữ, tìm chỗ dựa để hồn chấp cánh bay cao thoát vực sâu đầy tối tăm. Nhà thơ Diên Nghị đã phát họa lại khung cảnh và chân dung những kẻ khốn cùng qua bài thơ Chờ Xuân Bên Đống Lửa:

"Xuân cùng, tháng tận, chiều ba mươi,

Xuân đứng vệ đường tết tả tơi

Ba tết lướt qua tù cải tạo,

Khổ sai lao động rã mòn hơi

Manh áo phong phanh khoai rau độn,

Chiếu sạp gập gồ lưng mỏi rời

Bụng đói chờ Xuân quanh đống lửa,

Nụ cười đồng đội chừng hiếm hoi

Bát nước chè xanh chia từng ngụm

Bi thuốc cuối cùng rút lám mồi ...

Sốt rét vàng da, phù thủng, lỵ...

Ba tấc đất nông vì phận người!

Cò bồng khuất lấp mồ hoang lạnh,

Vợ nhà góa bụa, con mồ côi

Nửa khuya đom đóm bay vào lán,

Quanh uất tìm ai, chập choạng soi,

Có phải hồn oan về báo hận?

Chết không yên phận tiếc thương đời ..."

Dù trong mọi hoàn cảnh kể cả lúc nghiệt ngã nhất, thơ và thi nhân vẫn là bạn đồng cùng chia xẻ những buồn vui và thơ như dòng suối mát giúp tâm hồn thi nhân vượt thoát nhưng sầu muộn. Nhà thơ chân chính vốn sẵn một tâm hồn thanh cao và độ lượng nên đã biết yêu thiên nhiên và đồng loại. Nhà thơ Hà Thượng Nhân dù ở trong cảnh ngộ khốn cùng vẫn cất lên tiếng hát tình người:

Chúng ta đói khổ cách nào,

Nắm tay chấp cái gái gian lao vẫn cười

Mùa xuân cây cỏ xanh tươi, xác tù,

Lòng vẫn lòng người tự do

Chia nhau từng hạt bo bo,

Thương mình nghĩ lại thương cho kẻ thù

Mình tù hay họ là tù

Ai thua, ai được, ai thua, ai hèn? ..."

(Xuân Trong Tù)

Nhà thơ Song Nhị với vần thơ kiêu bạc:

"Nhớ xưa ta làm thơ trên núi

Hát dậy rừng hoang gọi tới trời

Khản cổ kêu từng tên vô lại

Duỗi chân đạp lũ bóng ma trơi.

Ta thi gan sức cùng đe búa

Xẻ đá viết đầy chuyện thế gian

Mẩu sắn đi vào trang sử tích

Bo bo rõ mặt buổi hung tàn

Ta tìm thấy chữ nhân treo ngược

Trong núi Ức Trai ở vệ đường

Nghe tiếng oan cừu xưa vọng lại

Oan hồn điểm mặt đám vô lương ...”

(Chuyện Những Mười Năm)

Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đã thốt lên tiếng nói của lòng:

"... Anh thưa cùng chi giùm tôi với,

người yêu thơ nào ghét được ai,

chỉ không ưa bức tường ô nhục

Đứng chật hồn nhau mãi thở dài

Đất nước ta bao lần sống lại,

Nhờ lưỡi gươm, trước hết lời thơ,

Thép chữ chưa tôi, lòng mềm yếu

Biết lấy gì cứu lấy ước mơ?

Tự do! Tự do hay là chết,

Chết hẳn còn hơn sống lất lây ..."

(Bức Tường Ô Nhục)

Ngục tối có thể giam hãm thân xác người tù, nhưng ngục tối không thể giam hãm được tâm hồn, ý chí những con người bất khuất. Nhà thơ Lê Mai Lĩnh đã vươn mình đứng dậy trong xiềng xích bật lên vần thơ:

"... Ta thấy rồi trời tự do rộng mở

Song sắt nào khóa nổi hồn ta

Đón giao thừa trong nhà giam lạnh

Nhưng ấm lòng ta niềm tin quê nhà"

(Giao thừa năm 37 tuổi)

Từ những đau thương, uất nghẹn thi nhân đã xúc cảm biến ngòi bút trở thành sức mạnh như ngọn lửa hừng hực cháy trong lòng người tự do. Nhà thơ Lê Khắc Anh Hào diễn tả qua câu thơ:

“Ai nuôi mộng đếm từng cọng tóc

Trước bạc đầu sẽ trở lại cố hương.

Vung gươm thiêng vỡ mộng đêm trường

Đầu non cuối bãi dậy đường quân đi.

Truông sâu đốt lửa biên thùy ...

Cờ cao kiếm dựng uy nghi một trời."

(Lời cho người lời cho cỏ cây)

Ngày nay trên bước đường tha hương, thơ là bạn đồng hành của người xa xứ. Thơ đã chia xẻ niềm đau, nỗi nhớ và sự cô đơn. Thơ đã diễn tả tâm trạng của người xa quê:

"Nắng vàng loang phố tuyết

Trăng soi gót tha hương.

Chỉ đôi dòng nhật nguyệt

Hiểu lòng ta đoạn trường"

(Cô Quạnh)

Ở thời đại khoa học tiến bộ vượt bực, đời sống vật chất càng cao đã ảnh hưởng đến tâm hồn con người. Chất lãng mạn trong tâm hồn dần bị khô héo, mặc dù ngoại cảnh nơi xứ người bốn mùa vẫn thay đổi. Phải nặng tình thơ lắm thi nhân mới dám ôm cái nghiệp dĩ vào thân! Lắng hồn mình hòa với ngoại cảnh để thấy hoa cười trong nắng mai, sợi buồn giăng cỏ úa, và gom ngoại cảnh nhập thành tâm cảnh nghe nỗi buồn rỉa rích bò trong xương tủy, len qua tiếng thở dài. Nhà thơ Phương Triều mang kiếp ly hương, thấm nỗi sầu viễn xứ nên bẽ bàng trước tình đời và ngậm ngùi nhìn xuân trôi:

"Mùa xuân còn rụng đầy hoa thuyết

Còn lạnh bao nhiên quán dọc đường

Bấm tay đếm tuổi nghịch thường

Nghe chân gió nhẹ tìm phương cô phòng.

... Người qua từng vết hằn binh lửa

Đời cháy bùng theo vạt chiến bào

Nửa đêm ngựa hí buồn trong gió,

Xuân rụng đìu hiu giọt nắng đào! ..."

(Bạc Màu)

Tâm trạng người ly hương rất não nề! Tình quê đã gắn chặt vào hồn kẻ xa xứ nên không hình ảnh nào người quê người có thể thay thế được. Dù ta có ra biển hay lên non mong thấy lại những cảnh có chút quen thuộc quê nhà để vơi bớt nỗi nhớ, nhưng cảnh núi sông biển kia nào chứa hồn quê! Nhà thơ Hoàng Duy đã cảm xúc nỗi nhớ quê hương qua câu thơ:

“Biển đêm sóng trắng lờ mờ

Bãi dài vắng lạnh thẫn thờ bước chân

Trời cao vằng vặc ánh trăng

Cúi đầu nhớ nước, bâng khuâng nỗi nhà!"

(Biển Đêm)

Thơ giải bày tâm tình kẻ xa quê, nỗi nhớ quay quắt:

"Lên đỉnh non ngàn vọng cố hương,

Mắt buồn chĩu nặng mấy làn sương.

Nhìn quanh chẳng thấy trời quê mẹ

Chỉ có tuyết rơi dốc đoạn trường!”

(Đỉnh Nhớ)

Có biết bao tráng sĩ ngậm ngùi mang nỗi hờn vong quốc khi thấy quê nhà chìm đắm trong chủ thuyết phi nhân. Nhà thơ Hồ Công Tâm đã diễn tả nỗi buồn nhớ quê hương:

"Tráng sĩ hôm nào xanh mái tóc

Thanh gươm yên ngựa trấn giang hồ

Chiều nay quán vắng dòng sông lạnh

Tóc bạc mơ về chốn cố đô”

(Vọng Cố Quốc)

Nhà thơ Nguyễn Đức Lập đồng tâm sự:

"Ta thương Dặng Dung hề

Dưới trăng mài kiếm

Ta thương Nguyễn Trãi hề

Lều cỏ ngâm thơ

Ta thương ta hề tên mất nước

Bốn phương trời lưu lạc

Ta giận ta hề đứa tha hương

Một người Bơ Vơ ..."

(Ta gọi tên ta)

Nhà thơ Mặc Trần Lan ngậm ngùi kiếp ly hương đã gởi tâm sự qua vần thơ đẫm lệ:

"Mài guơm tiếng vọng đêm trường

Dưới trăng còn mãi bòng buồn nhớ quê

Con chim có tổ bay về

Còn ta mắt lệ não nề ly hương

Thời gian mái tóc điểm sương

Sầu ơi sông núi hồi chuông chưa lìa."

(Hận Ly Hương)

Và còn biết bao người đồng cảnh ngộ chung tâm sự viết lên những dòng uất ức đầy nước mắt đau thương không sao kể xiết ...

Thơ giải bày nỗi niềm của người thiếu phụ trong thời ly loạn, tiễn chồng ra sa trường trở về với nỗi cô đơn phòng vắng qua tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm. Hình tượng trong câu thơ thi sĩ đã họa một bức tranh ấn tượng tuyệt tác:

"Chàng thi đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về phòng cũ chiếu chăn.

Ngoái trông theo đã vách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh."

Nữ sĩ Huyện Thanh Quan tả nỗi nhớ nhà thương nước của người phụ nữ thời xưa qua bài Vịnh Đeò Ngang:

“Nhớ nước đau lòng con quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân ngoảnh lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta."

Trong chiến cuộc vừa qua hình ảnh người thiếu phụ mất chồng đã làm héo úa tâm hồn thi nhân xúc cảm dệt lên những vần thơ sầu muộn. Và những giọt nuớc mắt đó vẫn còn lăn mãi theo ngày tháng ...nữ sĩ Lê Thị Ý diễn tả:

"Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình ... không là mình

Ngày mai đi nhận xác anh

Cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ.

Cao nguyên hoang lạnh ơ thờ

Như môi góa phụ nhạt mờ vết son.

Tình ta không thể vuông tròn

Say đi mà tưởng ... như còn người yêu!"

(Tưởng Như Còn Người Yêu)

Thơ tả nỗi bẽ bangt, xót xa của thân phận người cung phi bị vua bỏ quên, qua tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798)

"Buồn mọi lối lòng đà khắc khoải,

Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ.

Hoa này bướm lõ thờ ơ,

Dể gầy bông thắm, để sơ nhụy vàng.

Đêm năm canh lần nương bóng quế,

Cái buồn này ai để giết nhau?

Giết nhau chẳng cái lưu cầu,

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!

Tay nguyệt lão chẳng se thì chớ,

Se thế này có dở dang không!

Giang tay muốn dứt tơ hồng,

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra ..."

Do hoàn cảnh chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói đã đưa đẩy biết bao thiếu nữ xuân sắc vào chốn thanh lâu, kỹ viện. Người thiếu nữ trong thanh lâu khi xưa còn gọi là kỹ nữ, họ thường rất tài hoa, tâm hồn phong phú vì biết cầm, kỳ, thi, họa nên ít nhiều mang tính nghệ sĩ. Thương cảm thân phận của nàng Kiều khi xưa, thi hào Nguyễn Du đã tả:

"Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia,

Bẽ bàng may sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Hoặc:

" ... Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu ..."

(Kim Vân Kiều)

Xót xa đời kỹ nữ thi sĩ Xuân Diệu đã ngậm ngùi viết lên vần thơ:

“... Chớ đạp hồn em trăng từ viễn xứ

Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn

Gió theo trăng từ biển thổi qua non.

Buồn theo giò lan xa từ thoáng rợn

Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn

Chớ để riêng em phải gặp hồn em ..."

(Lời Kỹ Nữ)

Thân phận người thiếu nữ thanh lâu hay đứng đường trong thiên đường xã hội Việt Nam ngày nay bi thảm hơn xưa nhiều! Vì hoàn cảnh gia đình của các thiếu nữ quá quẫn quách, nghèo đói nên các nàng phải nhắm mắt liều thân hứng chịu mọi bầm giập ở lứa tuổi còn măng non, nụ tình chưa chớm nở đã sớm khô héo nhụy sa vào vào con đường đầy nước mắt:

"Trước ngõ, quán khuya, thơm tóc rối,

Tuổi hồng lợt lạt nét son môi.

Kiếp hoa ngai ngái mùi hương phấn,

Ngày tháng ô mai khép cánh rồi!

Đêm lắng ... tình vơi như suối cạn,

Mệt nhoài, gối chiếc giấc nồng tan.

Mưa rơi thổn thức đời sương gió!

Nhỏ xuống hồn em giọt ngút ngàn."

(Kiếp Hoa)

Nhà thơ Huy Phong đã chia xẻ niềm đau, nỗi thống khổ của kiếp người qua những tâm hồn bạc hạnh:

"Tóc em óng ả mùi trầm

Quyện hương con gái duyen ngầm về đâu

Để người khách lạ trói sầu

Cơn say lúy túy ôm đầu xót xa ...”

(Bầm Giập Hồn Đau)

Nhà thơ Nguyễn Thùy đã thiết tha với những đóa hoa tàn và sống với triết qua thơ hầu chia xẻ chút tương tri đến những hồng nhan lỡ bước những ẩn số của cuộc đời mà từ xưa các tài tử cùng các nàng trang hồng phấn vẫn còn phân vân, mù mịt!:

"... Chúng ta thản nhiên

Sống cùng năm tháng

Anh làm thơ

Em rước khách đều đều.

Thơ anh làm không cần vần, cần điệu

Cũng như em nào đâu cần chọn lựa

Những đứa sang giàu, những phường ti tiện

Bọn người trưởng giả

Cò kè mặc cả thân em

... Duy riêng anh kỳ quặc

Dựng lầu thơ trên những vũng sình lầy

Vì em ơi

Trên cõi đời này

Nào đâu còn giá trị

Ngoài mối tình tri kỷ

Giữa nhà thơ với gái đĩ đồng hành"

(Đồng Hành)

Hồn thơ như một ánh sao băng thoáng trên bầu trời thăm thẳm của một hành tinh xa xăm nào đó lạc xuống trần, đọng trên kẽ lá những hạt sương mai. Nhưng vô tình có ngọn gió lướt qua lay động cành cây, làm vỡ những viên ngọc trời thành muôn mảnh và trước khi tan biến nó vẫn dựng lên cái huy hoàng của bình minh.

Đỗ Bình

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002