Đại Chúng số 104 - Ngày 16 tháng 8 năm 2002

Duramax

Y KHOA VÀ KHOA HỌC

Do Hũu Học sinh họ Vương biên soạn

1.- Cách trị bệnh tiễu đường sẽ hoàn thành trong tương lai gần:

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết một dược chất mới cho thấy đã tạo được kết quả khả quan trong việc chận đứng đà phát triển của một loại bịnh tiểu đường. Vài nhà nghiên cứu cho rằng kết quả cuộc nghiên cứu mới nhất nầy tạo thêm hi vọng là y giới Mỹ có thể tìm ra cách trị bịnh tiểu đường trong tương lai gần đây.

Tính chung khắp thế giới có áng chừng 130 triệu người bị tiểu đường. Họ là những người có mức đường glucose trong máu cao hơn bình thường. Glucose trong máu gia tăng khi cơ thể bị thiếu, hoặc không sử dụng được kích thích tố Insulin. Tuyến tụy là cơ quan trong cơ thể chúng ta sản sinh Insulin. Insulin giúp glucose vào được bên trong các tế bào khắp cơ thể chúng ta để tạo thành năng lượng cung ứng cho tế bào hoạt động. Vì thế mà nếu không có Insulin thì lượng Glucose trong máu sẽ tăng; nghĩa là người đó sẽ bị tiểu đường.

Bịnh tiểu đường phá hư mạch máu, tác hại thận, mắt và dây thần kinh. Nó làm cho máu không chảy xuống được tới chân và bàn chân; từ đó gia tăng nguy cơ làm người bịnh bị suy tim lẫn bị tai biến mạch máu não. Như nhiều vị đã biết. Tiểu đường có hai loại. Loại 2, còn được gọi là tiểu đường người lớn thường phát triển ở người vào lứa tuổi 30 khi cơ thể không sử dụng được Insulin do tuyến tụy sản sinh. Loại tiểu đường kia gọi là loại 1, hay tiểu đường thiếu niên, phát sinh ở trẻ thơ hay ở các thiếu niên khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công lầm và hủy hoại những tế bào tụy tạng có khả năng sản sinh Insulin. Đây chính là loại tiểu đường mà các nhà nghiên cứu hi vọng kiểm soát được bằng dược chất họ mới bào chế.

Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Columbia ở thành phố New York và trường San Francisco thuộc Viện Đại Học California công bố kết quả các cuộc nghiên cứu của họ trong tập san y học New England Journal Of Medicine sau khi thực hiện các cuộc thí nghiệm với một dược chất có khả năng trấn áp hệ miễn dịch của cơ thể. Thuốc nầy ngăn không cho các bạch huyết cầu tấn công các tế bào tụy tạng sản sinh Insulin.

Tham dự cuộc nghiên cứu có 24 thiếu niên bị tiểu đường loại (1). 12 trẻ em trong số đó tiếp nhận thuốc tiêm trực tiếp vào mạch máu hàng ngày trong 2 tuần liền. 12 trẻ em kia thì không được điều trị gì cả. Sau 1 năm thì 9 em trong số các em được tiêm thuốc hoặc không mất, hoặc chỉ mất đôi chút khả năng sản sinh Insulin. Trong khi đó thì 10 trong số 12 em không được điều trị mất rất nhiều khả năng sản sinh Insulin.

Các nhà nghiên cứu nói rằng thuốc mới có thể giúp người bịnh kiểm soát tiểu đường loại 1 hữu hiệu hơn. Tuy nhiên như đã ghi, cuộc nghiên cứu được thực hiện trên một qui mô nhỏ cho nên theo lời các chuyên viên thì cần phải thực hiện thêm nhiều cuộc nghiên cứu khác nữa. Họ đang chuẩn bị thực hiện một cuộc nghiên cứu khác, sâu rộng hơn đôi chút trong 2 năm với sự tham dự của 80 bịnh nhân. Tới chừng đó thì kết quả ghi nhận chắc sẽ rõ ràng hơn.

Cũng trên một tập san y khoa, lần nầy là tập san của y sĩ đoàn Mỹ, kết quả một cuộc nghiên cứu về tác dụng của sinh tố E đối với bịnh Alzheimer đã được ghi nhận. Các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm y khoa St. Luke của giáo hội Tin Lành Presbyterian ở Chicago muốn biết xem vài loại sinh tố được gọi là các chất chống ốcxít hóa, có thể góp phần ngăn chận bịnh Alzheimer, tức thứ bịnh làm chúng ta mất trí nhớ hay không.

Các chuyên viên đã nghiên cứu về số lượng chất chống ốcxít hóa đưa vào cơ thể 815 người già mà không có ai trong số đó bị Alzheimer khi bắt đầu cuộc nghiên cứu cả. Đến khi kết thúc cuộc nghiên cứu thì 130 người trong số đó được phát hiện là bị bịnh. Khi các nhà nghiên cứu coi lại số lượng các chất chống ốcxít hóa mà các ông bà cụ đó đã đưa vào cơ thể, kể cả các chất chống ốc xít hóa trong thức ăn lẫn các sinh tố C, E, beta carotene và những viên thuốc gồm nhiều loại sinh tố mà các ông bà cụ nầy uống hàng ngày, thì họ thấy rằng nguy cơ bị Alzheimer trong số những người nầy thấp hơn 70% so với những người chỉ đưa được vào cơ thể một lượng sinh tố E ít hơn cả, chỉ chứa trong những thức ăn hàng ngày của họ mà thôi.

BS Neil Buckholtz thuộc khoa nghiên cứu vấn đề mất trí nhớ của người già thuộc Viện Lão Niên Mỹ tổ chức tài trợ cuộc nghiên cứu nầy nhận xét rằng những kết quả ghi nhận được trong cuộc nghiên cứu cho thấy thêm bằng cớ chứng tỏ những bịnh như Alzheimer là do ốcxít hóa gây ra cho bộ óc. Nói cho rõ hơn, chính vì chúng ta hít thở nên mới có những phân tử bất ổn được gọi là những "gốc tự do" Anh Ngữ là "Free Radicals" xâm nhập cơ thể và tác hại các tế bào óc. Các chất chống ốcxít hóa tác động ngược lại. Các chất nầy giải trừ các phân tử bất ổn đó.

Ông Buckholtz nói thêm rằng cuộc nghiên cứu vừa rồi quan trọng ở chỗ nó chỉ cho chúng ta thấy ăn uống có chọn lựa cẩn thận có thể giúp một số người tránh được bịnh Alzheimer. Và cho dẫu không tránh được chăng nữa thì nó cũng sẽ trì hoãn thời điểm khởi phát bịnh nầy. Dù vậy thì các nhà nghiên cứu cũng thận trọng nhắc nhở mọi người là chớ nên vội vã uống thêm các chất chống ốcxít hóa với hi vọng nhờ đó mà tránh được bịnh Alzheimer.

2.- Y khoa có thể taọ thuốc chủng ngừa bệnh AIDS / SIDA vào năm 2005:

Một công ty của Hoa Kỳ cho hay có thể có được một loại thuốc chủng ngừa bệnh AIDS trước năm 2005.

Tại hội nghị thế giới về bệnh AIDS lớn nhất từ trước đến nay họp ở Barcelona bên Tây Ban Nha, các giới chức thuộc công ty VaxGen có trụ sở tại tiểu bang California cho biết đến năm đó có thể có được thuốc chủng ngừa này nếu và các cuộc thử nghiệm về hiệu quả thuốc và về sự an toàn cho con người đem lại các kết quả tốt đẹp nhu dự kiến.

Các giới chức của công ty này nói rằng thuốc chủng ngừa đã có hiệu lực đối với khỉ, và họ tỏ ra lạc quan rằng thuốc cũng sẽ hiệu nghiệm đối với con người. Nhưng các giới chức đó cho biết phải đến sang năm mới có được các kết quả đầu tiên. Họ nói thuốc chủng sẽ không ngăn ngừa được việc nhiễm virut HIV gây bệnh AIDS. Tuy nhiên, họ nói rằng thuốc sẽ tạo ra các kháng thể ngăn ngừa virut tấn công các tế bào, và như thế sẽ chận được sự phát triển toàn bộ của bệnh AIDS.

3.- Y khoa vưà khám phá chất Lutein tốt hơn chất Protein cho nhân loại:

Những cuộc nghiên cứu dạo gần đây gợi cho thấy một chất dinh dưỡng mang tên là Lutein có thể góp phần cải thiện sức khỏe chúng ta nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng lâu nay. Lutein có thể được tìm thấy trong các loại thực vật có lá xanh tỉ như lá ê-pi-na và cải xà lách. Nó cũng có thể có trong các thứ trái cây và thực vật khác, tỉ như cam, bắp và broccoli. Ngoài ra thì Lutein cũng có trong tròng đỏ trứng gà.

Trên cơ thể con người thì Lutein được tìm thấy trong mắt chúng ta. Lutein và những chất tương tự, gọi là Carotenoids, tạo thành màu ở chỗ gọi là điểm vàng của mắt, tức là chỗ giúp chúng ta nhìn thấy từng chi tiết của vật thể trước mặt. Các cuộc nghiên cứu cho thấy khi số lượng các chất carotenoid tăng thì màu của điểm vàng cũng tăng. Các nhà khoa học tin rằng có nhiều màu hơn sẽ góp phần bảo vệ điểm vàng hữu hiệu hơn nữa.

Một cuộc nghiên cứu, với kết quả đăng trên tập san Optometry, tức tập san của các chuyên viên đo kiếng thuốc, cho rằng ăn những thức ăn chứa nhiều Lutein có thể giúp những người bị các chứng bịnh về mắt nhìn thấy rõ hơn. Một cuộc nghiên cứu khác nối kết việc gia tăng lượng Carotenoid với việc giảm các dấu hiệu đầu tiên của những tổn hại trên điểm vàng. Ngoài ra còn có 2 cuộc nghiên cứu sâu rộng cho biết Lutein có thể giảm bớt rắc rối ở người mắc bịnh kéo mây (cataract).

Giờ thì các cuộc nghiên cứu lại còn cho thấy Lutein có những ảnh hưởng thuận lợi khác nữa trên sức khỏe của chúng ta. Một phúc trình đăng trong tờ Circulation cho rằng Lutein có thể gi?m bớt nguy cơ bị suy tim và tai biến mạch máu não. Những người mà trong máu có nhiều Lutein thì đều giảm hạ được lượng một độc chất có hại cho mạch máu. Một cuộc nghiên cứu cho thấy dân thành phố Toulouse bên Pháp đều có lượng Lutein trong máu họ cao hơn nên nhờ vậy mà ít bị bịnh tim hơn người sống trong những miền khác. Ngược lại, máu của dân ở Belfast bên Bắc Ireland ít Lutein nên tỉ lệ người bị bịnh tim ở đó cao hơn. Các cuộc nghiên cứu khác còn gợi cho thấy Lutein cũng có khả năng chống ung thư vú và ung thư ruột.

Các chuyên viên nghiên cứu tại Boston trong tiểu bang Massachusetts đã chứng minh được là Lutein trong các loại thực vật có lá màu xanh đậm bảo vệ được cho da chúng ta trước các ảnh hưởng độc hại của nắng. Họ thí nghiệm bằng cách cho một nhóm chuột ăn thức ăn chứa Lutein liên tục 2 tuần lễ trong khi cho nhóm chuột thứ nhì ăn bình thường. Sau đó họ rọi tia cực tím lên tất cả số chuột nầy trong 22 tuần lễ thì thấy rằng số chuột ăn thức ăn chứa nhiều Lutein ít bị u ung thư, và nếu bị thì u ung thư cũng nhỏ hơn và sống lâu hơn nhóm chuột kia.

Một số người muốn gia tăng lượng Lutein trong máu bằng cách uống thêm thuốc bổ. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng khả năng bảo vệ, tưởng là do riêng Lutein mang lại, có thể là tập hợp kết quả của nhiều chất dinh dưỡng trong thức ăn thử nghiệm. Vì thế mà họ khuyên là nên ăn những thức ăn chứa nhiều Lutein hơn là chỉ uống những viên thuốc Lutein ròng.

4.- Khoa Hoc chế được virus nhân tạo gây bệnh tê liệt. Như vậy không bao lâu bệnh này sẽ bị tiêu diệt:

Các nhà khoa học Mỹ nói rằng họ đã tạo ra virus gây bệnh tê liệt, dựa vào lam đồ gene được phổ biến trên Internet và những vật liệu có thể mua qua đường bưu điện. Các nhà khoa học vừa kể nói rằng diễn tiến này nâng cao nguy cơ về khả năng xảy ra một vụ tấn công khủng bố bằng vũ khí sinh học.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Khoa Học, số ra ngày hôm nay, các khoa học gia cho biết họ đã tạo được virus gây bệnh sốt tê liệt trong ống nghiệm. Virus nhân tạo này gây tê liệt và giết chết các con chuột dùng trong cuộc thử nghiệm, in hệt như khả năng của virus sốt tê liệt tự nhiên.

Những người chỉ trích nói rằng công việc vừa kể của các nhà khoa học đã chỉ dẫn cho những phần tử khủng bố về việc chế tạo một loại vũ khí giết người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng tất cả những mà họ làm đã được phổ biến trên sách vở từ trước, và họ chỉ nối kết những kiến thức đó lại với nhau mà thôi.

5.- Đưá bé VN bị bệnh cao huyết áp hiếm có, nhờ Internet hướng dẫn nên em được thoát hiểm:

Sau một tuần điều trị, sức khỏe của em Trần Thành T, 15 tuổi bị bệnh cao huyết áp ác tính đã hồi phục. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện nguyên nhân gây bệnh là do phối hợp u tế bào ưa Chrôme và chít hẹp mạch máu thận, một bệnh lý cực kỳ hiếm gặp và khó điều trị.

Qua trao đổi bằng Internet với các giáo sư ở bệnh viện nhi đồng Robert Debré (Pháp), các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và ca mổ đã thành công, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục rất tốt.

Theo y văn, đây là ca đầu tiên phát hiện ở Việt Nam.

6.- Dịch sốt siêu vi trùng ở Hà Nội:

Mùa hè năm nay, ở Hà Nội, số người mắc bệnh truyền nhiễm như quai bị, thủy đậu, sốt siêu vi trùng tăng. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố có tới 591 ca mắc quai bị, 500 người bị thủy đậu và 6.348 ca bị sốt siêu vi trùng. Con số bệnh nhân trên thực tế chắc chắn cao hơn nhiều vì nhiều bệnh nhân tự điều trị tại nhà. Tại Khoa Nhi, Bệnh viên Thanh Nhàn, có ngày 100% ca cấp cứu bị sốt siêu vi trùng. Các khoa Nhi, khoa Nội của BV Thanh Nhàn, St. Paul, khoa Truyền nhiễm của Bệnh viên Đống Đa đều bị quá tải do tăng đột biến số bệnh nhân quai bị, sốt siêu vi trùng, thủy đậu. Đây là những căn bệnh không nguy hiểm, nhưng khả năng lây nhiễm cao. Đáng lo ngại là số ca thương hàn tăng nhiều, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

5.- Nhân bản cây sồi già để tưởng nhớ Puskin:

Để tưởng nhớ Puskin, các nhà khoa học ở miền nam nước Nga đã bắt đầu tiến hành dự án vào việc nhân bản cây sồi già ở Taganrog, nơi nhà thơ Nga vĩ đại đã từng sống. Cây sồi này đã từng là nguồn cảm hứng cho Puskin viết nhiều kiệt tác, trong đó có bài "Nước Nga và Lyudmila".

Tuy nhiên, vào tháng trước cây sồi này đã bị cháy trụi và người ta lo ngại rằng báu vật lịch sử này của văn hoá Nga sẽ mất đi mãi mãi. Dưới sự tài trợ của một nhóm nhà kinh doanh ở Taganrog, nhiệm vụ của các nhà khoa học ở thành phố Rostov-on-Don là sử dụng công nghệ nhân bản để dựng lại cây sồi từ những mô nhỏ xíu còn sót lại trong đống tro.

Ông Leonid Matusevich, người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp ở Taganrog cho biết dự án tiến hành không hề vì mục đích lợi nhuận. Theo ông, các nhà kinh doanh ở địa phương cảm thấy phải có trách nhiệm bảo vệ một trong những di sản của văn hóa Nga. Ông nói, sự xuất hiện trở lại của cây sồi sẽ thức tỉnh tinh thần tự hoà văn hóa trên toàn bộ nước Nga.

7.- Bổ sung hormone nữ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư:

Theo kết quả công trình nghiên cứu vừa được Hiệp hội Y học Mỹ công bố ngày 9/7, liệu pháp bổ sung hormone kết hợp estrogen/progestin (HRT) áp dụng đối với những phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư vú, đột quỵ, cục máu đông và bệnh tim.

Tiến hành nghiên cứu đối với 16.600 phụ nữ trên toàn nước Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng liệu pháp HRT giảm được nguy cơ loãng xương và ung thư ruột kết, nhưng lại làm tăng 41% số người bị đột quỵ, đau tim 29% và ung thư vú tăng 26%.

Người chủ trì công trình nghiên cứu, tiến sĩ Jacques Rossouw (Viện nghiên cứu quốc gia về tim, phổi và máu), khuyến cáo phụ nữ không nên sử dụng liệu pháp HRT để phòng chống bệnh tim và những bệnh mãn tính khác sau khi mãn kinh. Hiện có tới 13,5 triệu phụ nữ Mỹ đang áp dụng liệu pháp HRT.

Được biết, ngay sau khi công trình nghiên cứu được công bố, Hiệp hội Y học Australia cũng đã ra lời cảnh báo phụ nữ nước này ngừng áp dụng liệu pháp HRT.

KHOA HỌC:

A.- Phát hiện hành tinh mới giống với sao Thổ:

Các nhà khoa học vừa mới phát hiện một hành tinh khác ngoài Hệ mặt trời của chúng ta. Hành tinh này có nhiều đặc điểm giống với sao Thổ nhưng có khối lượng nhẹ hơn. Đây là một trong những hành tinh ở thể khí nhỏ nhất đã được phát hiện vì ngoài hành tinh mới phát hiện này, chỉ có 4 hành tinh thể khí khác có khối lượng nhỏ hơn sao Thổ.

Hành tinh mới chuyển động xung quanh ngôi sao HD 76700 và hoàn thành một chu kỳ trong 4 ngày. Sao HD 76700 cách Trái đất 194 năm ánh sách và có thể nhìn thấy bằng một kích viễn vọng nhỏ. Đây là một trường hợp đặc biệt mà một hành tinh khổng lồ với thành phần chính là khí gas lại có quỹ đạo chuyển động rất gần với sao mẹ. Quỹ đạo chuyển động của hành tinh mới phát hiện chỉ cách sao mẹ khoảng 6 triệu km. Các nhà khoa học tin rằng với cường độ bức xạ cao ở vị trí chuyển động hiện nay, quỹ đạo của nó sẽ vẫn ổn định trong hành tỉ năm nữa.

Đây là phát hiện của các nhà thiên văn học trong chương trình hợp tác giữa Anh và Australia. Các nhà khoa học đã phát hiện ra hành tinh này bằng việc quan sát chuyển động của sao mẹ. Quỹ đạo không theo một đường trơn của sao mẹ chứng tỏ nó phải nằm trong trường hấp dẫn của một hành tinh khác và đây là căn cứ ban đầu giúp các nhà khoa học phát hiện được hành tin mới này.

Hiện nay, đã có hơn 100 hành tinh ở thể khí đã được phát hiện nhưng trong số đó, chỉ có 5 hành tinh có khối lượng nhỏ hơn sao Thổ. Ngoài hành tinh mới phát hiện, các hành tinh khác là vệ tinh của các ngôi sao HD 49674, HD 16141, HD 168746 và HD 46375.

B.- Trung Quốc tìm thấy tháp phóng của người ngoài trái đất:

Trên núi Baigong ở tỉnh Thanh Hải, phía tây Trung Quốc, có một cấu trúc kỳ lạ mà dân địa phương tin là tháp phóng do người ngoài trái đất để lại. Cấu trúc này trông như một kim tự tháp, với 3 chiếc hang có cửa hình tam giác mở ra ở bên thân, bên trong là những chiếc ống màu đỏ dẫn vào núi.

Trong vài ngày tới, một nhóm gồm 9 nhà khoa học Trung Quốc sẽ lên đường tới tỉnh Thanh Hải để điều tra về cấu trúc bí ẩn này cũng như chủ nhân của nó.

Ở phía bắc núi Baigong là hai chiếc hồ song sinh có tên gọi "hồ tình yêu", một chứa nước ngọt và một chứa nước mặn. Công trình của "người ngoài trái đất" nằm ở bờ nam hồ nước mặn này, với chiều cao từ 50 đến 60 mét.

Mặt trước công trình là 3 chiếc hang miệng hình tam giác. Hang ở giữa là lớn nhất, với sàn cao 2 mét so với mặt đất và đỉnh cao 8 mét. Hang này sâu khoảng 6 mét, bên trong có một đường ống hình bán nguyệt đường kính khoảng 40 cm, chạy nghiêng từ đỉnh tới phần cuối đáy hang. Một chiếc ống khác có cùng đường kính nhưng đi xuống lòng đất. Bên trên hang là hàng chục ống dẫn có đường kính khác nhau chạy vào trong núi. Tất cả đều có màu nâu đỏ, cùng màu với những tảng đá xung quanh. Hai chiếc hang còn lại đã sụp đổ và không thể vào được.

Rải rác xung quanh "kim tự tháp" và bên bờ hồ là một số lớn các đường ống, những mảnh vụn sắt han gỉ và những khối đá có hình dạng bất thường, cùng một số ống dẫn chạy xuống hồ. Những mảnh sắt vụn này đã được đưa tới một xưởng nấu kim loại ở địa phương để phân tích. Kết quả cho thấy chúng chứa 30% oxit sắt, một lượng lớn silic dioxit và canxi oxide, và 8% còn lại không rõ thành phần.

"Hàm lượng lớn silic dioxit và canxi oxide trong các ống dẫn là kết quả của quá trình tương tác lâu dài giữa sắt và đá cát. Điều đó chứng tỏ những đường ống này đã có từ rất lâu", kỹ sư Liu Shaolin, người thực hiện các phân tích hóa học, cho biết.

Điều đặc biệt là trên vùng đất hoang vu và khắc nghiệt này, chưa từng có sự hiện diện của ngành công nghiệp hiện đại. Chỉ có một vài người dân du mục sống ở phía bắc của núi Baigong. Vì thế, người dân địa phương cho rằng cấu trúc kỳ lạ kia có lẽ là một cái tháp do người ngoài hành tinh để lại. Quả thật, khu vực này nằm cao so với mặt biển với tầng khí quyển mỏng và trong suốt, là điều kiện lý tưởng để thực hiện các nghiên cứu thiên văn.

C.- Có thể trồng rừng tràm không cháy?:

"Tràm là loại cây dễ bốc cháy vì chứa tinh dầu. Theo tôi, cần phải dùng chính biện pháp sinh học để phòng hỏa hoạn: Phải trồng tràm hỗn giao với các loại cây khó cháy. Như ở Vồ Dơi (U Minh Hạ) tràm mọc xen với trâm, mốp, bàng,... Vì thế, nạn cháy rừng chưa từng xảy ra ở đây”, GS-TS Thái Văn Trừng nhận định.

Theo giáo sư Trừng, nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng tràm hiện đang được áp dụng như: làm kênh bao, đào hồ chứa nước trong rừng (Nông trường Sông Trẹm), đào kênh mương cắt rừng thành ô, đào ranh cản lửa... tuy có tác dụng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và tốn kém. Phải có hệ thống xổ nước phèn, nếu không sẽ gây độc hại cho các động vật thủy sinh và có khi làm thối rễ tràm khiến cây tràm bị chết như đã xảy ra ở lâm trường U Minh. Đào ranh cản lửa thì lửa vẫn có thể bò qua khi có gió lớn.

Giáo sư Trừng cho biết, cần phải học tập thiên nhiên trong việc phòng cháy này: Trồng tràm hỗn giao với nhiều loại cây khó cháy, như ở Vồ Dơi (U Minh Hạ) tràm mọc hỗn giao tự nhiên với các loại cây trâm, cây mốp, bàng..., ở dưới đất thì có cây mua, cây choại... Chính vì vậy, nạn cháy rừng chưa từng xảy ra ở đây.

Vấn đề chính là tìm ra loại cây nào thích hợp nhất, phù hợp với vùng đất ngập mặn, úng phèn. Ở Tịnh Biên, có cây gáo vàng ngập nước vẫn mọc và chịu cả đất phèn. Nếu trồng hỗn giao như vậy thì rừng tràm sẽ rất bền vững, không cháy. Ngoài cây gáo vàng, giáo sư Trừng cũng đề nghị trồng thử nghiệm cây mốp ở Long An, xem có chịu được đất úng phèn không. Có thể trồng xen cây tràm và cây mốp, cứ ba băng loại cây này thì xen vào ba băng loại cây kia. Ông Trừng còn cho biết, trước kia ông đã có kinh nghiệm trồng cây thông (loại cây có tinh dầu dễ cháy) hỗn giao với cây keo lá tràm ở Đông Hà (Quảng Trị), và nạn cháy rừng đã không còn xảy ra ở đó nữa.

D.- Phát hiện chiếc quan tài đá lâu đời nhất ở Ai Cập:

Đây cũng là một trong những chiếc quách đá nguyên vẹn nhất được tìm thấy gần kim tự tháp Giza, Ai Cập. Các nhà khoa học đoán rằng, bên trong nó chứa một xác ướp khoảng 4.500 tuổi, thuộc thời đại các Pharaoh thứ tư.

Quan tài màu vàng nhạt này được tìm thấy cách tượng nhân sư của kim tự tháp Giza khoảng 2 kilomét về phía đông nam. Nó thuộc triều đại của Pharaoh Khufu, người sáng lập kim tự tháp Giza khổng lồ (khoảng 2.600 năm trước Công nguyên).

Các chữ viết tượng hình ở quách đá cho thấy, nó thuộc về một người tên là Ny-Nsw-Wesert - một thủ lĩnh của lính ngự vệ hoàng gia Ai Cập cổ đại. Người này có lẽ đã có công xây dựng kim tự tháp cũng như hệ thống các hầm mộ và đền đài xung quanh

Ông Jeffrey Spencer, thuộc Viện Bảo tàng Anh ở London, nói "Đây là một phát hiện thú vị bởi chiếc quách đá còn nguyên vẹn. Điều này rất hiếm thấy, vì 99% các quan tài như vậy đều bị bọn săn lùng đồ cổ phá hủy".

Hiện người ta vẫn chưa mở lắp quan tài. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, có lẽ sẽ không có nhiều hiện vật quý bên trong, ngoại trừ vài bức tượng nhỏ và bùa hộ mệnh. Theo ông Spencer thì xác ướp có thể được cuộn trong vải, nhưng không tinh xảo lắm, vì kỹ thuật ướp xác ngày đó còn ở giai đoạn đang phát triển.

E.-Người chết còn để lại tín hiệu?:

Vài tiếng đồng hồ sau vụ khủng bố ở New York hôm 11/9, cô Denise Esposito bỗng nhìn thấy hàng nghìn ngôi sao bay về bên cửa sổ. Cô nhìn lên bầu trời, nói “Mike, có phải anh đấy không?”. Một ngôi sao rớt xuống. Esposito tin rằng đó chính là linh hồn của Mike - chồng cô.

“Đó là một ngôi sao băng. Khi nó rớt xuống, tôi nói: Cảm ơn Mike! Lúc ấy tôi hiểu rằng linh hồn anh đã được thanh thản và anh trở để về nói với tôi rằng, mọi chuyện đều ổn cả”, cô Esposito nhớ lại.

Theo nhà tâm lý học Gary Schwartz, Đại học Harvard (Mỹ), thì chuyện của cô Esposito có thể là một ảo giác nào đó, nhưng ông cũng không loại trừ khả năng cô đã bắt được những tín hiệu sinh học do người chết để lại.

“Đời người cũng như một ngôi sao”, Schwartz nói, “Chúng ta liên tục phát ra các lượng tử ánh sáng có thể nhìn thấy và không nhìn thấy. Những photon này lang thang trong vũ trụ cũng tương tự ánh sáng của các ngôi sao xa".

Năm 1999, cùng với Michael Shermer - một cộng sự ở ĐH Harvard, ông Schwartz đã trình bày lý thuyết về tín hiệu và thông tin sinh học trong cuốn sách Năng lượng sống trong vũ trụ. Cuốn sách đã gây tranh cãi lớn trong giới khoa học. Không hiếm nhà khoa học uy tín cho rằng đó chỉ là sách lá cải. Tuy nhiên, sau vụ 11/9, nó bỗng được bán chạy bất ngờ.

Theo nhà tâm lý học Stuart Vyse thuộc Đại học Connecticut, thì người sống có hoài niệm sâu sắc với người thân đã chết. Khao khát hội ngộ mạnh mẽ đến nỗi nó tạo ra những lực liên hệ đặc biệt, vượt ra khỏi ranh giới của những cảm nhận bình thường. Khi đó, khoa học không thể giải thích được nữa.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, 38% người Mỹ cho rằng linh hồn người chết có thể trở lại trong những trường hợp nhất định (năm 1990, con số này là 25%); 25% tin rằng con người có khả năng nói chuyện với người chết và ngược lại (năm 1990, con số này là 18%).

F.-Thuốc diệt muỗi mới chế tạo từ cà chua:

Để chống lại các loài côn trùng nguy hiểm như muỗi sốt rét anopheles, các nhà khoa học Mỹ đã chiết lọc một chất hóa học từ thân cây cà chua, hiệu quả hơn các loại thuốc diệt muỗi hiện nay.

Thông thường, người ta thường dùng chất hóa học diethyloluamid (DEET) để diệt muỗi. Chất này đã được các bác sĩ quân đội Mỹ phát triển năm 1946 để chống các loài côn trùng nguy hiểm, trong đó có ruồi vàng và muỗi gây sốt rét anopheles.

Tuy nhiên DEET thường gây ra những tác dụng phụ, như dị ứng, khiến mắt bị tấy đỏ. Một vài trường hợp dùng không đúng quy cách, người sử dụng có thể bị mất tiếng hoặc ảnh hưởng đến thần kinh. Bởi thế, việc sử dụng DEET, nhất là với người già và trẻ em, là một vấn đề lớn.

Khắc phục nhược điểm này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đã chắt lọc được chất hóa học IBI-246 từ cà chua (chất này khiến cà chua có mùi ngái, giúp nó xua đuổi côn trùng, sâu bọ). Những thử nghiệm ban đầu cho thấy, IBI-246 có tác dụng chống muỗi tốt hơn và ít nguy hiểm hơn DEET.

IBI-246 không chỉ có tác dụng xua đuổi muỗi, mà cả rệp, bọ và gián đều phải bỏ chạy cả. Theo các nhà khoa học, khoảng tháng 8 năm nay, loại thuốc mới này sẽ được bán ở thị trường.

G.- Tin rất quan trọng trong tháng này (July.2002) Tại Mỹ: Người nhập cư am hiểu khoa học hơn người bản địa (trích từ CNN):

Một cuộc khảo sát mới đây của Hội khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cho thấy, 45% bằng Tiến sĩ về khoa học máy tính và 27% về công nghệ sinh học được cấp cho người nhập cư thuộc đệ tam quốc gia (sinh ra ở nước khác). Trong khi đó, mức độ hiểu biết về khoa học của đại chúng Mỹ ngày càng giảm xuống.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, gần một nửa người trưởng thành ở nước này không hiểu gì về ADN; chỉ có 25% số người định nghĩa được thế nào là một phân tử; 30% không hiểu gì về mục đích của các thí nghiệm khoa học. Gần một nửa số người không biết nguyên tử và điện tử khác nhau thế nào. Về câu hỏi: Bạn có thể tìm thấy chất diệp lục ở đâu, không ít người đã trả lời là ở toilet (đúng ra là ở cây xanh).

Tuy nhiên, ở các lĩnh vực khác, người Mỹ tỏ ra khá hiểu biết. Ví dụ 95% người hiểu rằng hút thuốc lá có thể gây ung thư, và 75% người hiểu phóng xạ gây hại cho sức khỏe.

"Các cuộc khảo sát này được thực hiện từ năm 1979, trung bình cứ 2 năm một lần, và kết quả hầu như không thay đổi nhiều”, bà Melissa Pollack, Hiệp hội Khoa học Quốc gia Mỹ, nói.

Tuy nhiên, đầu những năm 1990, những kết quả khảo sát cho thấy, người Mỹ am hiểu hơn hẳn công dân của 14 nước phát triển khác, nhưng đến nay, tỷ lệ này này ngày càng tụt xuống, và hiện đang ngang bằng với Hà Lan và Đan Mạch. Các nước có công dân hiểu biết nhiều nhất về khoa học thường thức là Thụy Điển và Áo.

Một xu hướng càng rõ ở Mỹ là người bản xứ ngày càng tụt hậu về tri thức khoa học so với người nhập cư. Một tổng kết năm 1999 cho thấy, 25% người làm bằng Tiến sĩ ở Mỹ là người sinh ra ở nước ngoài. Ở các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học, gần một nửa số bằng Tiến sĩ được cấp hàng năm thuộc về những người nhập cư từ Đông Âu, Ấn Độ và các nước khác.

H.- Thu được âm thanh của quái vật biển cả?:

Các nhà khoa học vừa tiết lộ một đoạn âm thanh bí ẩn mà họ cho rằng nó có thể là "bản độc tấu” của một sinh vật khổng lồ đang ẩn náu sâu dưới đại dương. Thứ âm thanh kỳ lạ không rõ tung tích này được gọi là Bloop.

Trong một bài báo đăng trên tờ New Scientist của Anh hôm thứ năm cho biết, Bloop tuy có chung đặc điểm về tần số dao động với âm thanh của các động vật biển, nhưng nó mạnh hơn tiếng kêu của bất kỳ sinh vật nào sống trên trái đất. Nó quá to đối với những con cá voi bình thường và người ta giả thuyết rằng âm thanh này thuộc về một con quái vật của biển sâu, có lẽ là một con mực khổng lồ nhiều tay.

Năm 1997, Bloop được các sensor “gián điệp” của hải quân Mỹ dò thấy trong khi đang theo dõi chuyển động của các tàu ngầm Xô Viết. Tần số âm thanh cho thấy nó hẳn phải lớn hơn nhiều so với bất kỳ tiếng ồn nào do động vật gây ra, kể cả những con cá voi to nhất.

Liệu có phải đó là một con bạch tuộc khổng lồ? Hãy nhìn lại thực tế: Tuy đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp những con mực lớn bị quăng vào các bãi biển và cũng đã tìm thấy dấu vết các giác mút lớn trên những thân cá voi, nhưng chưa ai chứng kiến một động vật thân mềm vĩ đại đến thế trong tự nhiên. Con mực lớn nhất bị quăng vào bờ biển mà người ta đo được dài khoảng 18 mét, tính cả chiều dài râu, và không ai biết độ lớn tối đa của chúng. Mặt khác, trong nhiều năm, các thuỷ thủ vẫn truyền miệng câu chuyện về những hung thần của biển cả, với những tua bạch tuộc cực lớn, có thể vươn tới cột buồm chính của một chiếc tàu, và có thể đánh đắm những con thuyền.

Tuy nhiên, Phil Lobel, một nhà sinh vật học biển tại Đại học Boston, Massachusetts nghi ngờ về khả năng Bloop là sản phẩm của các “danh ca” mực khổng lồ. “Động vật thân mềm không có các túi khí, vì thế, chúng không có cách nào tạo ra loại âm thanh đó được”, ông nói. Dẫu thế, Lobel cũng đồng ý rằng âm thanh này nhiều khả năng có nguồn gốc sinh v?t.

Nhà khoa học Christopher Fox của Dự án quan trắc âm thanh, thuộc Cơ quan khí tượng và thuỷ văn Mỹ (NOAA) nhận định “Mỗi loại sóng âm có những đặc trưng riêng giống như của các giọng nói. Bạn có thể xem xét đặc điểm của nó và nói: đây là một con cá voi xanh, một con tàu, kia là một con cá voi lưng gù, và đây là những chấn rung trong lòng đất... Nhưng đôi khi vẫn còn những âm thanh chúng ta không thể hiểu nổi - như Bloop - con quái vật của đại dương sâu thẳm”.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002