Đại Chúng số 104 - Ngày 16 tháng 8 năm 2002

Duramax

TỪ CÔNG PHỤNG & NHỮNG TÌNH KHÚC LÃNG MẠN

Nguyên Nghĩa

Nhạc sĩ Từ Công Phụng đã có dịp hát lại một vài tình khúc do ông sáng tác, trong chương trình Paris by Night 58 (chủ đề Những Sắc Màu Trong Kỷ Niệm) đã được phát hành tháng 3 năm 2001. Màn trình diễn này, ngoài Từ Công Phụng còn có Khánh Ly (và ngay cả MC Nguyễn Ngọc Ngạn cũng cùng hát một đoạn Bây Giờ Tháng Mấy). Hình như, sau chương trình ấy, cùng lúc sinh hoạt văn nghệ thính phòng nhộn nhịp trở lại, khán thính giả chợt nhận ra bấy lâu nay họ quên một Từ Công Phụng ca sĩ. Thế nên tiếng hát Từ Công Phụng lại có dịp cất lên, trong Đêm Nhạc Thính Phòng Nhớ Về Kỷ Niệm tại Knott’s Berry Farm (21 tháng 4 năm 2001) và tại Đại nhạc hội Paris by Night tổ chức tại Long Beach (29 tháng 9 năm 2001), cũng như tại vài nơi khác nữa.

Trong chương trình Paris by Night Những Sắc Màu Trong Kỷ Niệm nói trên, khán thính giả đã nghe Từ Công Phụng tâm sự đôi lời về một số nhạc phẩm của ông.

Dù có muốn tránh nhắc lại điều làm tác giả mất vui, nhưng tôi vẫn thấy cần nói qua về một trong những nhạc phẩm Từ Công Phụng; bởi tôi nghĩ, mỗi sự việc đều có mặt phải mặt trái của nó, và không ít khi, bên trong lớp vỏ đen đủi lại là một thứ ruột trắng ngần. Dường như bất cứ một người lớn nào cũng biết là lời nhạc Bây Giờ Tháng Mấy đã từng bị sửa đi một cách "kém lịch sự" và mang ra làm câu ca giễu "thuộc hạng thấp". Nhưng điều đó ít ra cũng chứng tỏ rằng, âm điệu và lời nhạc Bây Giờ Tháng Mấy đã ngấm sâu vào tiềm thức người nghe, đã trở nên "câu hát dân gian", được truyền bá rộng rãi. Và khi một bài nhạc đã được người nghe thuộc nằm lòng, có nghĩa là tên tuổi người sáng tác bài nhạc ấy không dễ gì phai nhạt nữa.

Mới đây, tôi được dịp hỏi nhạc sĩ Từ Công Phụng vài điều liên quan đ?n những ca khúc của ông.

Nguyên Nghĩa: Thưa anh, anh có nghĩ rằng đối với thính giả thì bài Bây Giờ Tháng Mấy" là bài tiêu biểu nhất của Từ Công Phụng?

Từ Công Phụng: Tôi viết bài Bây Giờ Tháng Mấy khi tôi đang học thi Tú-tài đôi, đầu thập niên 60. Lúc đó tôi mới 18 tuổi. Đến năm 1963 lần đầu tiên tôi hát trên làn sóng điện đài phát thanh Đà-lạt thì được rất nhiều thư của thính giả khen tặng. Khi tôi vào Sài-gòn tiếp tục học chương trình Đại học thì bài này được tung ra lần đầu tiên trên đài phát thanh Quân Đội và đài phát thanh Sài-gòn qua tiếng hát Nhật Trường. Và từ đó Bây Giờ Tháng Mấy trở thành bài hát thời thượng (theo như nhiều bằng hữu cho tôi biết như vậy khi gặp lại ở quê người). Trải qua ba thập niên sau, khi tôi xuất hiện lại tại hải ngoại thì bài hát này vẫn tiếp tục được yêu cầu hát lại bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến. Và tôi nghĩ anh đã nói đúng khi anh cho rằng đây là bài hát tiêu biểu nhất của Từ Công Phụng.

Với riêng tôi, nét nhạc Từ Công Phụng bỗng "lạ" một cách bất ngờ khi ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu của ông (phổ từ thơ Du Tử Lê) được phổ biến, mà tôi nghe lần đầu tiên tiếng hát Xuân Sơn, và không lâu sau đó Nguyễn Chánh Tín hát ngay trước mặt tôi tại phòng thu của đài Truyền Hình Việt Nam băng tần số 9, chương trình Tình Ca. Tôi cho rằng, tình khúc ấy đã đưa cả ba người (nhạc sĩ, thi sĩ và ca sĩ) đến thêm gần người thưởng thức âm nhạc và văn chương. Về sự ra đời của Trên Ngọn Tình Sầu, nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết:

TCP: Bài Trên Ngọn Tình Sầu là bài nhạc đầu tiên phổ từ thơ Du Tử Lê ở năm 1968. Năm 1969 tôi tung ra bài này từ những buổi sinh hoạt văn nghệ Sinh viên ở bãi cỏ trường Đại học Văn Khoa cũ (đường Nguyễn Trung Trực) và cũng được đón nhận nồng nhiệt từ thuở ấy. Trước Trên Ngọn Tình Sầu tôi đã tung ra nhiều bài khác như Mùa Thu Mây Ngàn, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Bài Cho Em, Lời Cuối, v.v...

NN: Động cơ hoặc hoàn cảnh nào đưa anh tới chỗ sáng tác, thưa anh?

TCP: Không có động cơ nào thúc đẩy tôi viết nhạc bằng một tấm lòng yêu thích âm nhạc ngay từ thuở tôi còn bé. Tôi có một trái tim rất mẫn cảm. Từ thuở nhỏ tôi đã biết xúc động khi nghe một bản nhạc hay, tôi đã ứa nước mắt khi đọc một truyện ngắn hay xem một chuyện phim buồn. Cho đến bây giờ nhiều khi tôi vẫn nổi da gà khi chợt nghe một bản nhạc hay ở đâu đó trên con đường đi... Như tôi đã nói với anh khi tôi viết những ca khúc đầu tiên ở thập niên 60 thì tôi còn là cậu học sinh ở trường Trung học và sau đó là sinh viên ở các phân khoa Đại học Sài-gòn.

Như tôi vừa viết ở phần trên, khi một bài nhạc đã được người nghe thuộc nằm lòng, có nghĩa là tên tuổi người sáng tác bài nhạc ấy không dễ gì phai nhạt nữa. Hơn thế, tôi tin rằng tên tuổi Từ Công Phụng không bao giờ phai nhạt đối với âm nhạc Việt Nam. Hôm nay dòng nhạc tình Từ Công Phụng có dịp tuôn chảy lại, đến gần hơn, với người nghe nhạc, qua một chương trình Nhạc Thính Phòng đã được thu hình tại Knott’s Berry Farm (Cali) hồi cuối tháng 1-2002 và được phát hành vào đầu tháng 6 này: video Paris by Night 64.

Dường như dòng nhạc tình lãng mạn Từ Công Phụng miên man chảy không muốn dứt, với Trên Tháng Ngày Đã Qua, Như Chiếc Que Diêm, Mắt Lệ Cho Người, Mùa Thu Mây Ngàn, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Kiếp Dã Tràng, Mãi Mãi Bên Em. Trong số đó, tôi nghĩ, đặc biệt nhất, thú vị nhất là ca khúc Mãi Mãi Bên Em do chính tác giả hát.

NN: Được biết Mãi Mãi Bên Em là một bài hát mới và là chủ đề của một đĩa nhạc mới. Trong chương trình Paris by Night 58, anh đã nói: "Giọt Lệ Cho Ngàn Sau là một bài hát để xin lỗi những người tình đã đi qua đời tôi, dù một khoảnh khắc sớm phai tàn nhưng đã để lại những kỷ niệm và đã nuôi lớn tôi trong tình yêu". Cũng như anh đã nói: "Tạ Ơn Em là một bài thơ của Du Tử Lê (Từ Công Phụng phổ nhạc, đặt tựa là Giữ Đời Cho Nhau). Tôi đã mượn lời thơ của anh Du Tử Lê để tạ ơn người đã cứu vớt đời tôi sau năm 1975”. Có phải anh sáng tác nhạc tình cho người tình? Như vậy, lần này với Mãi Mãi Bên Em, có phải anh có ý muốn tặng riêng, nói riêng với ai?

TCP: Vâng. Mãi Mãi Bên Em là tựa đề của bài hát mới trong một loạt bài mới mà tôi viết cách đây vài năm (ở hải ngoại). Có một lần trong buổi trình diễn nhạc thính phòng Từ Công Phụng tại Houston Texas do nhóm Viet Arts tổ chức, có một khán giả đã hỏi tôi giống như anh vừa nói. Nghĩa là mỗi bản tình ca là viết tặng cho một người tình. Anh thử tính xem tôi có ngót một trăm bản tình ca để tặng cho cả trăm người tình sao? Tôi không nghĩ tôi là một người hoàn toàn đạo đức, nhưng tôi không có một lối sống buông thả như nhiều khán thính giả vẫn thường gán cho các văn nghệ sĩ. Và đôi khi chính nghệ sĩ cũng nghĩ nghệ sĩ là phải có lối sống buông thả để tìm cảm hứng. Tôi chọn cho tôi một lối sống trầm lặng tĩnh mặc trong khi tôi vẫn biết cuộc đời không phẳng lặng. Những biến động đột ngột trong cuộc đời làm cho tôi đau lòng nhưng tôi vẫn viết những bản tình ca dịu dàng để đền đáp trái tim đã một thời dâng hiến trọn vẹn cho tôi, đã nuôi tôi khôn lớn trong tình yêu dù không trọn vẹn. Đâu cần phải yêu nhiều người mới viết được nhiều bản tình ca. Chúng ta có nhiều lối diễn tả khác nhau cho một cuộc tình. Vài cuộc tình cũng đủ cho tâm hồn chúng ta rộng mở và khôn lớn. Miễn là chúng ta biết sống và biết dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu và cuộc đời. Anh có đồng ý không? Mỗi bản tình ca của tôi là một dâng hiến trọn vẹn. Và bản Mãi Mãi Bên Em chính là một dâng hiến dành cho người bạn đời hiện tại của tôi trong chặng đường cuối của cuộc đời ngắn ngủi này.

NN: Theo anh, tới tuổi nào người ta mới hết, không còn có thể sáng tác nhạc tình nữa?

TCP: Tôi không biết rõ. Vì cho đến bây giờ ở cái tuổi 60 tôi nghĩ vẫn còn có khả năng sáng tác. Bởi vì, mỗi ngày khi mở mắt chúng ta còn nhìn thấy cuộc đời sinh động thì chúng ta còn có khả năng sáng tác nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ về quá khứ về hiện tại để lúc nào cũng sẵn sàng bước vào tương lai. Những biến động trong cuộc sống chung quanh luôn luôn là nguồn cảm hứng cho chúng ta.

Như Từ Công Phụng đã tâm sự, những người tình đã đi qua đời ông, dù một khoảnh khắc sớm phai tàn, nhưng đã để lại những kỷ niệm và đã nuôi lớn ông trong tình yêu. Sau Mãi Mãi Bên Em, ước mong ông sẽ còn viết nhiều tình khúc khác nữa, những bài tình ca hạnh phúc, để chúng ta được thấy dòng nhạc Từ Công Phụng không bao giờ thôi ca tụng tình yêu.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002