Đại Chúng số 106 ngày 16/9/2002

Y KHOA VÀ KHOA HỌC

Do Hữu học sinh họ Vương ghi lại

1.-Loài người đang tự đánh mất dần các... giác quan của mình

Các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) đã phát hiện ra rằng khứu giác và vị giác của con người hiện tại đang ngày càng mai một, thoái hóa dần chính do bởi thói quen sinh hoạt thiếu vận động trong cuộc sống của họ. Điều này làm mất khả năng ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt thức ăn. Ngoài khứu giác và vị giác, các giác quan còn lại như thính giác, thị giác và xúc giác cũng bị suy giảm chức năng nghiêm trọng.

Theo thống kê, cư dân ở các thành phố lớn thường dành hơn 90% quỹ thời gian trong ngày để làm việc, sinh hoạt trong nhà trước màn hình vô tuyến và máy vi tính. Thói quen và điều kiện làm việc không tốt đã khiến một số ít giác quan của con người phải làm việc quá tải, trong khi số khác lại hiếm khi được dùng đến. Cả hai thái cực này đều dẫn đến việc suy giảm chức năng của những tế bào cảm thụ của giác quan.

2.-Loại đá có thể cắt kim loại

Các nhà khoa học cho biết rằng kim cương là loại đá quí và có độ cứng nhất nhưng không thể dùng để cắt gọt kim loại vì nó tan trong sắt nóng, chỉ có loại đá cứng thứ nhì "cubic boron nitride" (CBN, còn gọi là borazon hay amborite) mới có thể chế tạo ra mũi khoan, lưỡi cưa... để cắt sắt thép.

Ngoài ra theo các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, New Mexico (Mỹ) thì chất boron suboxide (hỗn hợp giữa boron và oxygen) cũng có độ cứng và bền như CBN, dễ chế tạo và giá thành rẻ hơn.

3.-Xác định gene di truyền ung thư tuyến tiền liệt

Các nhà khoa học Mỹ công tác tại Viện Nghiên cứu quốc gia về gene người (NHGRI) vừa tạo ra một bước đột phá trong viêc chẩn - trị ung thư tuyến tiền liệt, sau khi họ phát hiện và phân lập ra một gene đóng vai trò quyết định tới việc di truyền của căn bệnh quái ác này.

Kiểm tra DNA của các thành viên trong 26 gia đình có lịch sử ung thư tuyến tiền liệt di truyền, các nhà khoa học đã phát hiện ra một gene đặc biệt tại khu vực nhiễm sắc thể có tên gọi ribonuclease L. (Chính xác hơn gene đó nằm trong một enzyme ở trong tiêu thể của tế bào có nhiệm vụ tách RNA ở những chỗ đặc biệt trong phân tử).

Bình thường, gene trên đóng vai trò là "người bảo vệ" các tế bào khỏi sự tấn công của virus trong trường hợp có một tế bào bị nhiễm bệnh ung thư nó sẽ lập tức can thiệp bắt tế bào đó tự sát nhằm ngăn chặn việc truyền bệnh sang tế bào khác.

Vì những lý do khác nhau nếu tế bào này bị đột biến, nó sẽ mất hết khả năng thực hiện thiên chức của mình khiến cho tế bào bị bệnh phát triển và truyền sang tế bào khoẻ mạnh.

Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh có tính di truyền cao ở nam giới với tỉ lệ 1/10. Căn bệnh này đang thách thức nhân loại bởi sự phổ biến rộng rãi của nó. Theo dự báo tới năm 2020, ung thư tuyến tiền liệt sẽ trở thành "dịch bệnh" cho một nửa thế giới.

Việc phát hiện ra gene di truyền gây bệnh trên được giới y học đánh giá rất cao. Bởi đây là lần đầu tiên, khoa học có cái nhìn cụ thể, chính xác về vai trò của một gene gây rối loạn cơ chế sinh hoá khiến cho hệ miễn dịch bị vô hiệu hoá trước sự bành trướng của một tổ chức ung thư mở ra khả năng to lớn trong việc chẩn đoán bệnh và vô hiệu hoá hoạt động tiêu cực của nó nhằm tiêu diệt mầm hoạ gây bệnh đang ẩn chứa trong "trứng nước".

4.-Cuộc cách mạng mới về lương thực

Các nhà khoa học Australia tuyên bố một cuộc cải cách mới về giống lúa mà họ đang tiến hành sẽ đưa ngành canh nông vào một kỷ nguyên vĩđại khác. Điều đó chỉ đạt được sau khi các nhà lai tạo giống công tác tại Viện Nghiên cứu công nghiệp và khoa học thuộc Khối các nước thịnh vượng chung (CSIRO) đã tách ra được một chủng gene cho phép lai tạo ra giống lúa lùn cho năng suất rất cao với thời gian canh tác tối thiểu.

Loại gene đặc biệt trên có tên gọi sd-1 đã là mục tiêu săn lùng của các nhà khoa học trong suốt gần nửa thế kỷ qua, bởi ngay sau khi phát hiện ra gene "graingene" - chìa khoá cho cuộc cách mạng xanh khởi đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà lai tạo giống đã tiên đoán "bố đẻ" của "graingene" là sd-1. Và tìm ra được nó thì giống về cây lúa có thể đã được giải quyết triệt để.

GS Wolfgang Spielmeyer phụ trách dự án cho biết sd-1 có khả năng cho phép tạo ra rất nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng khác nhau với thời gian canh tác ngắn chưa từng có.

Một nhánh của dự án sử dụng gene sd-1 để lai tạo giống lúa mạch mới có những tính năng và công nghệ canh tác chưa từng được biết đến trong lịch sử nông nghiệp thế giới cũng đang được triển khai tại đây.

5.-Mối liên hệ giữa thiên tài và bệnh tâm thần

Từ nhiều thập kỷ nay, các nhà khoa học đã biết rằng các nhân vật sáng tạo thiên tài có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm - điên khùng, hay còn gọi là rối loạn lưỡng cực, cao hơn rất nhiều so với đa số những người bình thường. Nhưng những nghiên cứu về vấn đề này thật là hiếm hoi.

Mới đây, các nhà nghiên cứu ở Stanford (Mỹ) là Connie Strong và Terence Ketter đã tiến hành những bước đầu tiên trên con đường tìm hiểu mối quan hệ này. Bằng cách kiểm tra nhân cách, cá tính của các đối tượng nghiên cứu, họ đã phát hiện thấy các nghệ sĩ khoẻ mạnh có cá tính giống với những người bị trầm cảm - điên khùng hơn là với những người khoẻ mạnh bình thường.

6.-Đôi điều về trái ớt

Theo Giáo sư Hugh Tan thuộc khoa sinh học Đại học quốc gia Singapore, cây ớt xuất xứ từ Nam và Trung Mỹ. Có từ 2.000 - 3.000 giống ớt khác nhau trên thế giới, chúng cũng có mặt trong bữa ăn của khoảng 75% người tiêu thụ toàn cầu. Cay nhất thế giới là giống ớt naga jolokia trồng nhiều ở vùng Đông-Bắc Ấn Độ.

Giống habanero cay nhất ở vùng Trung Mỹ. Jalapeno là giống ớt đầu tiên được bay vào không gian năm 1982. Ớt vốn giàu vitamin A, C và E nên tác dụng kích thích ta thèm và ăn uống ngon miệng hơn. Hồi trung tuần tháng 4 qua, một lễ hội ớt cấp quốc gia được long trọng tiến hành tại Singapore.

7.-Tại sao tôm có màu đỏ khi được nấu chín?

Các nhà khoa học Anh đã tìm ra nguyên nhân làm biến đổi màu của con tôm hùm từ mau xanh đen ở dưới đáy đại dương sang màu đỏ đặc trưng khi nằm dưới đáy nồi. Thắc mắc này đã làm điên đầu các nhà sinh học từ hơn 50 năm nay.

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học Hoàng gia (London), Manchester và London giải thích rằng nguyên nhân của sự biến đổi này là do một protein có mặt trong vỏ tôm: beta-crustacyanin.

Nhờ phương pháp kết tinh bằng tia X, các nhà nghiên cứu đã làm thấy rõ hình ảnh 3 chiều của phân tử này. Họ đã phát hiện sự biến đổi về cơ cấu bên trong phân tử này đã tác động lên một phân tử phụ là astaxanthin bám vào nó và có khả năng làm thay đổi màu.

Astaxanthin là một phân tử thuộc họ carotenoid có đặc tính hấp thu ánh sáng thay đổi tùy theo tình trạng tự do (đỏ) hoặc nối với beta-crustacyanine (xanh đen). Dưới tác động của sức nóng, khi được luộc chín, beta-crustacyanine bị tách ra, khiến astaxanthin trở lại trạng thái tự do với màu đỏ nguyên thủy của nó.

Phát hiện này là kết quả làm việc trong thời gian dài của nhóm các nhà nghiên cứu bắt đầu từ năm 1995 và đã giải đáp thắc mắc của các nhà sinh học.

8.-Phát hiện về nguồn gốc ngôn ngữ trong não loài khỉ

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Giacomo Rizzolatti, Đại học Parma (Ý) dùng kỹ thuật từ tính quan sát não bộ của loài khỉ macaca nemestrina khi chúng sống giữa đám khỉ khác. Họ phát hiện, trong não khỉ có khu vực F5 (tương đương với khu vực Broca, chuyên điều khiển các hoạt động ngôn ngữ ở người).

Các nơron ở khu vực F5 hoạt động mạnh khác thường khi khỉ ra hiệu cho nhau bằng động tác tay hay tiếng kêu. Ngoài ra còn có 63 nơron hoạt động rất tích cực trong mối liên hệ giữa âm thanh và động tác (tương đương với vùng phụ trách hoạt động ngôn ngữ ở người sau này). Có nghĩa là, từ nhiều triệu năm trước, não khỉ đã tiềm ẩn những cấu trúc đặc thù cho hoạt động ngôn ngữ của chúng ta ngày nay.

9.-Con người biết nhìn từ tuổi nào?

Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học Teresa Farroni, Đại học Luân Đôn (Anh), thấy rằng trẻ sơ sinh vẫn có thể giao tiếp bằng mắt với người nhìn trực tiếp vào mắt chúng. Các nhà nghiên cứu đã trắc nghiệm bằng cách cho 17 bé từ 2 – 5 ngày tuổi xem hình chụp mặt người.

Mắt người trong ảnh nhìn thẳng hoặc nghiêng vào mắt bé. Hầu hết các bé đều nhìn lâu và nhìn đi nhìn lại vào ảnh trực diện. Quan sát hoạt động não bộ của 15 bé 4 tháng tuổi cũng cho thấy não tỏ ra tập trung hơn khi bé nhìn thấy người đứng trước mắt và kém chú ý đến người đứng ở nơi khác. Nghiên cứu này xác định rằng ngay từ thuở chào đời, con người đã biết và thích nhìn vào mặt nhau – một hành vi cơ bản lập thành các kỹ năng giao tiếp xã hội về sau.

10.-Phát hiện loại "gen" liên quan tới tiếng nói con người

Các nhà khoa học Anh và Đức vừa công bố họ đã tìm ra gien đầu tiên liên quan đến khả năng diễn đạt bằng tiếng nói của con người. Đó là gien FOXP2. Họ đã nghiên cứu trên tinh tinh, khỉ đột, đười ươi, khỉ rezut và chuột để tìm sự khác biệt giữa gien của các loài này với gien của loài người.

Kết quả cho thấy những thay đổi nhỏ nhưng rất quan trọng tới chuỗi hóa học của gien FOXP2 trong thời gian 200.000 năm tiến hóa cuối cùng của loài người là yếu tố quyết định tới khả năng kiểm soát vận động cơ mặt – một khả năng quan trọng của ngôn ngữ con người.

Theo các nhà nghiên cứu, số gien quyết định khả năng ngôn ngữ của con người có từ 10 đến 1.000 gien

11.-Dự án truy tìm con mực khổng lồ huyền thoại

Ngày 9-9 tới, một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha sẽ bắt đầu ra khơi bờ biển đông bắc Tây Ba Nha nhằm nỗ lực truy tìm dấu vết của con architeuthis, một con mực khổng lồ huyền thoại ở vùng biển sâu chưa từng được quay phim lúc còn sống.

Fernando Gonzalez Sitges, giám đốc dự án cho biết vùng biển Cantabrique (Vịnh Gascogne) đã được chọn để tìm kiếm vì đây là nơi được phát hiện nhiều mảnh xác của loài mực khổng lồ. Cho tới nay, một trong những con mực khổng lồ với trọng lượng 200 kg đã được ghi nhận cách đây một tháng khi bị mắc cạn trên bờ biển Australia.

Chưa ai được dịp quan sát loài thân mềm khổng lồ ăn thịt này trong môi truờng thiên nhiên ở độ sâu từ 300 đến 1.500m. Các nhà khoa học không biết chúng sống trong bao lâu, có bao nhiều loài và tập tính của chúng như thế nào.

Theo truyền thuyết được những người đánh cá Na Uy kể lại, một con quái vật huyền thoại mang tên Kraken đã xuất hiện từ thế kỷ 12 và có khả năng dùng các xúc tu khổng lồ để xiết chặt một chiếc tàu và làm cho nó bị đắm. Chính con Kraken này đã gây cảm hứng cho nhà văn Jules Verne để tạo ra con quái vật tấn công thuyền trưởng Nemo trong truyện "20.000 dặm dưới đáy biển".

Con mực khổng lồ mà các nhà khoa học truy tìm có thể có chiều dài 30m với những xúc tu kéo dài đến 15m, một cái mỏ có khả năng cắt dây cáp bằng thép nhưng không có mực vì không cần thiết trong vùng biển sâu, và đôi mắt màu xanh to bằng đầu người.

25 nhà khoa học thuộc "Dự án Kraken" -được tài trợ bởi hãng sảnh xuất phim thời sự Transglobe Films, Bộ khoa học Tây Ban Nha và nhiều bảo tàng khoa học thiên nhiên - sẽ thám hiểm khu vực cách phia bắc Gijon 5.000 hải lý trong thời gian 15 ngày.

Họ sẽ không sử dụng tàu lặn làm con mực sợ hãi. Sau sứ mệnh khảo sát hồi tháng 10-2001, chiến thuật được áp dụng lần này là đưa xuống độ sâu 1.500m 3 camera nối với tàu hải dương bằng sợi quang học sẽ quay phim liên tục dưới nước.

12.-Lờn thuốc kháng sinh ở trẻ em: Trách nhiệm thuộc về cha mẹ

Kết quả điều tra của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế cho thấy một số khuẩn gây các bệnh thường gặp ở trẻ em đang ngày càng lờn kháng sinh (kháng kháng sinh). Nguyên nhân chủ yếu do người lớn còn tuỳ tiện khi cho trẻ sử dụng thuốc.

Những kháng sinh thông thường có rất ít tác dụng diệt khuẩn

Gần đây, Bộ Y tế đã thông tin tới các bệnh viện về "Kết quả giám sát kháng thuốc của các chủng vi khuẩn gây bệnh tại Việt Nam". Báo cáo này cho thấy, 40% số máu xét nghiệm chủng Moraxella catarrhalis (gây nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi) đã trở nên "nhờn" đối với kháng sinh Co-trimox-azol. Tỷ lệ kháng của chủng S.pneumoniae (gây bệnh đường hô hấp) đối với Penicillin là 7,9%; với Cloramphenicol là 26,3%; với Elythromycin là 65,8%; còn với Co-trimoxazol là 86,8%. Đặc biệt, chủng S.aureus là loại thường gây nên bệnh viêm phế quản ở trẻ em đã kháng lại hầu hết các loại kháng sinh, trong đó có loại từng được coi là kháng sinh mạnh như Erytromycin (tỷ lệ kháng 58,5%); Oxacilin (2,4%); Co-trimoxazol (9,6%); Gentamicin (3,6%). Tại một số địa phương, khuẩn E.coli cũng kháng cao với các loại kháng sinh chỉ có Cephalosporin thế hệ 2 và 3, Gentamicin và Nonoxacin là còn tác dụng. Nghiên cứu sử dụng kháng sinh đối với trẻ em viêm phế quản phổi đến khám điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho thấy: những kháng sinh thông thường như Ampixilin, Amoxilin, Cephalexin, đặc biệt là Ampixilin chỉ còn tác dụng diệt khuẩn rất ít với 3 loại vi khuẩn gây viêm phế quản. Vi khuẩn S.Preumonae chỉ còn nhạy cảm cao với Cloramphenicol, Cephalexin và Penicilin; nhóm khuẩn H.Influenza chỉ còn nhạy cảm nhiều nhất với Cloramphenicol sau đó là Penicilin.

Theo tiến sĩ Tô Va8n Hải, bác sĩ Thái Thị Tuyết (nhóm thực hiện đề tài), tại Bệnh viện Thanh Nhàn, hơn 68% trẻ viêm phế quản đã sử dụng kháng sinh trước khi tới viện với các kháng sinh thông thường: Ameixilin, Amoxilin, Clamoxin, Cephalexin. Giáo sư Trần Quy - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm: tụ cầu vàng, một loại khuẩn gây nhiều bệnh nguy hiểm (nhiễm trùng ngoài, viêm phổi, nhiễm trùng xương) đã kháng hầu hết các loại kháng sinh nhóm Betalactam như Penicilin, Amocilin, Ampicilin.

90% trẻ dùng kháng sinh không hợp lý

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Giám đốc bệnh viện Saint Paul (Hà Nội), trong số hàng ngàn loại kháng sinh đang được lưu hành ở Việt Nam, đã có kháng sinh thế hệ thứ 4 - loại có tác dụng rất cao. Loại thuốc này, nếu không sử dụng hợp lý, sẽ dẫn đến ngộ độc thuốc, kháng thuốc, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ và khiến trẻ lệ thuộc vào thuốc. Trẻ em thành phố có tỷ lệ kháng kháng sinh cao hơn trẻ nông thôn, miền núi. Điều này càng thể hiện rõ điều kiện tốt nhưng cách điều trị chưa hợp lý đã ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Bác sĩ Minh Huyền cho rằng "tại bệnh viện, có tới 90% trẻ đã dùng kháng sinh ở nhà không hợp lý trước khi đến khám". Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý dẫn đến kháng thuốc còn do trẻ không được khám đúng chuyên khoa nhi; không ít trường hợp bác sĩ kê đơn cho trẻ sử dụng thuốc dành cho người lớn ảnh hưởng rất không tốt đến sự phát triển của trẻ.

Các bác sĩ chuyên ngành nhi khoa đã đưa ra lời khuyên: chỉ được dùng kháng sinh trong trường hợp trẻ có nhiễm trùng, và nhất thiết cha mẹ phải cho trẻ đi khám đúng chuyên khoa nhi, không tự điều trị. Phải đọc kỹ đơn thuốc trước khi cho trẻ uống, dùng đúng cách, đủ liều (ít nhất phải 3 ngày, trung bình từ 5-7 ngày). Khi trẻ dùng thuốc có biểu hiện bất thường phải ngưng ngay thuốc và cho trẻ tái khám kịp thời đề phòng sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

13.-Trung Quốc: Xây dựng cơ sở sản xuất máy laptop lớn nhất thế giới

Công ty Toshiba của Nhật Bản vừa khởi công xây dựng cơ sở sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Zhejiang, Trung Quốc.

Dự án có số vốn đầu tư là 7 tỷ Yên Nhật, và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 4/2003.

Trong năm đầu tiên, nhà máy sẽ sản xuất ra 750.000 chiếc máy tính xách tay, và vào năm 2004, sản lượng sẽ tăng lên 2,4 triệu chiếc.

12.-Microsoft thừa nhận lỗi bảo mật trong IE, WinXP và WinNT

Tập đoàn Microsoft vừa chính thức thừa nhận một số "lỗ hổng bảo mật" trên các chương trình phầm mềm thông dụng của hãng, bao gồm trình duyệt web IE, hệ điều hành WinXP và WinNT.

Thông báo của Microsoft tiết lộ, một số lỗi "nghiêm trọng" (critical) trên IE các phiên bản 5.01, 5.5 và 6.0 có thể tạo khoảng trống cho tin tặc thâm nhập và chạy những đoạn lệnh không được phép trên máy tính của người sử dụng có nối mạng. Bên cạnh đó, chuyên gia của Microsoft cũng đã phát hiện nhiều lỗi "trung bình" (moderate) cho phép hacker có thể tuỳ tiện treo máy người sử dụng các hệ điều hành Windows XP Professional, Windows NT 4.0.

Được biết, các "mảnh vá" cũng đã được Microsoft tải lên website của hãng. Người truy cập có thể vào web site của Microsoft để download.

13.-Bệnh đái dầm liên quan tới khiếm khuyết của hệ thần kinh

Trẻ nhỏ thường xuyên "dấm đài" là do hệ thần kinh chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Đó là khẳng định của một nhóm các nhà khoa học Anh sau khi nghiên cứu 34 đứa trẻ tuổi từ 7- 13 "tè không đúng lúc" ít nhất 4 lần/tuần.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm General Infirmary (thuộc thành phố Leeds), một vài khiếm khuyết ở hệ thần kinh có thể đã kìm hãm khả năng điều tiết nước tiểu khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi lúc ngủ và khả năng tự đánh thức lúc bọng đái đã đầy.

Trong thí nghiệm của mình, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hormone vasopressin tổng hợp (được tạo thành từ tuyến yên ở não) để điều tiết lượng nước tiểu thải về đêm ở 34 đứa trẻ. Sau một thời gian quan sát, họ phát hiện những đứa trẻ không chịu tác động của vasopressin mắc nhiều lỗi hơn khi làm các bài trắc nghiệm- đặc biệt là sự yếu kém về khả năng tư duy và trí nhớ.

Trưởng nhóm nghiên cứu- tiến sĩ Philip Holland cho biết, nhiều khả năng khiếm khuyết gây "thói quen bất tiện" này xuất hiện ở não giữa.

14.- Một thiên thạch lớn đã va vào Trái đất 3,4 tỷ năm về trước

Thông qua phân tích các mẫu đá thu thập được tại Nam Phi và Australia, các nhà khoa học Mỹ vừa tuyên bố họ đã có đầy đủ bằng chứng để khẳng định khoảng 3,4 tỷ năm về trước, một thiên thạch khổng lồ với bề rộng 20 km đã va vào và làm chậm lại vài trăm triệu năm quá trình tiến hoá trên Trái đất.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (California) và Đại học bang Louisiana, cú va chạm đã dẫn tới các đợt sóng thần với chiều cao hàng km, xé nát đáy đại dương trước khi các lục địa hình thành và vào thời điểm và chỉ có loài vi khuẩn tồn tại trên Trái đất.

Tính toán của nhóm cho thấy, thiên thạch chỉ mất khoảng 2 giây để xuyên qua lớp nước dày của đại dương trước khi va vào đáy biển.

"Hiện tại chúng tôi chưa thể khẳng định chính xác vị trí nơi thiên thạch va vào Trái đất. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là cú va chạm đã thực sự xảy ra và tác động của nó đối với quá trình tiến hoá của các loài sinh vật trên Trái đất là không thể phủ nhận", tiến sĩ Gary Byerly, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định.

Mẫu đá nghiên cứu được thu thập từ vùng đá xanh Barberton (Nam Phi) và giải núi Pilbara (Australia)- những khu vực còn lưu giữ những mẫu đá hàng tỷ năm tuổi.

15.-RealNetworks tung phiên bản RealOne Player mới

Ngày 20/8, RealNetworks Inc đã chính thức công bố phiên bản phần mềm chạy các chương trình đa phương tiện (multimedia) mới nhất của RealOne Player. RealOne Player mới cho phép người dùng thưởng thức các file nhạc, video ở mọi dạng format- bao gồm cả những định dạng xuất phát từ đối thủ cạnh tranh Microsoft.

Ngoài những tính năng khiến RealOne Player sẽ là "thành phần không thể thiếu" cho các hoạt động giải trí thông qua máy tính cá nhân (PC), người phát ngôn RealNetworks cho biết RealOne Player còn có khả năng chạy đĩa DVD, ghi (burn) file nhạc vào đĩa CD trắng...

Giới chuyên môn nhận định, phiên bản mới của RealOne Player được RealNetworks tung ra để "giành giật trước thị trường" xét tới viễn cảnh Microsoft cũng sẽ tung ra Windows Media 9 (chạy mọi định dạng file multimedia) trong vài tháng tới. Bênh cạnh đó, RealNetworks cũng hy vọng phần mềm mới sẽ tăng số người sử dụng mạng dịch vụ cung cấp nội dung trực tuyến RealOne SuperPass- hiện đang có khoảng 750.000 thành viên.

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002