Đại Chúng số 106 ngày 16/9/2002

LỜI CHO CON
Số 02

Phong Thu

Hai con yêu dấu của mẹ, vậy là mùa hè đã trôi qua nhanh chóng và trời đã chớm sang thu. Hai hôm nay, mưa rã rích, mưa suốt ngày đêm và bầu trời đen kịt với những đám mây ngậm nước u buồn. Mùa thu đã khoát lên từng hàng cây những chiếc áo vàng úa. Lá đã đổi màu mau chóng. Và sáng nay, đúng ngày hai con đi học mẹ đã nhìn thấy nhiều đợt lá vàng bay tơi tả bên thềm.

Mới đó mà Đậu Phụng đã lên lớp ba, mẹ đã không còn gọi con là bé Đậu Phụng như cách đây ba năm. Con đã cao lớn đứng ngang vai của mẹ. Con đã biết dẫn bé Đậu Xanh đi chơi và dỗ dành em khi nó khóc nhè. Mẹ tìm thấy nơi con một sự dịu dàng, hiền hậu và kiên nhẩn. Có lẽ đôi mắt to đen như chú chim bồ câu và tia nhìn thơ ngây, ẩn hiện thấp thoáng sau hàng mi dài và cong đã nói cho mẹ biết rằng con gái mẹ rất giàu tình cảm. Bé Đậu Xanh rất khác con, bé nghịch ngợm và đôi lúc bướng bỉnh như con trai. Cứ nhìn bé Đậu Xanh ngồi xích đu là biết, nó du người và đánh chân thật mạnh. Chiếc xích đu đưa lên thật cao...cao...rồi bật trở lại cũng cao thật cao. Mấy đứa con trai bằng tuổi nó phải đứng ngơ ngẩn mà nhìn. Còn mẹ sợ quá cứ kêu lên: " "Con đánh đu cao quá làm mẹ sợ". Ba thì bảo: "Đậu Xanh đánh đu hàng ngày trong sân chơi. Cô bé có thể chuyển từ thanh sắt nầy sang thanh sắt khác ở một tư thế rất nhanh nhẹn. Đậu Xanh là một cô bé mạnh mẻ”. Mẹ hảnh diện khi Đậu Phụng biết nhường nhịn em và sẳn sàng chia cho nó những món quà và bánh kẹo. Vậy là con gái mẹ đã trở thành người chị cả.

Tuần vừa qua, ngày 23 tháng 8 năm 2002, lúc 6 giờ chiều, cả gia đình mình đến trường Preschool Montgomery College để ăn mừng ngày tan trường của bé Đậu Xanh cùng 16 người bạn nhỏ. Bé Đậu Xanh vui lắm và con thì cũng thích thú khi thăm lại ngôi trường mà ngày xưa còn bé, con đã học nơi đó. Mẹ thấy hầu như các thầy cô cũ đã thay đổi công việc. Chỉ còn lại một cô giáo Kimberly là vẫn cố gắng ở lại trường tiếp tục công việc của mình. Bé Đậu Xanh gặp bạn bè là nói bi bô và chạy biến đi. Đúng 6 giờ 30, mỗi học sinh nhận giấy Certificate của nhà trường, một cánh hoa cẩm chướng, một cái nón màu mở gà có khắc năm 2002. Bé Đậu Xanh đã rời trường Preschool để vào Mẫu Giáo.

Hai con lớn nhanh theo thời gian và mẹ biết mình đã nữa đời người. Tóc mẹ đã lấm tấm những sợi bạc. Mẹ còn nhớ, mới hôm nào Đậu Phụng còn ôm bình sữa. Có một lần, cô bé Lisa bên hàng xóm đến chơi. Đậu Phụng mở cửa đón bạn mà trên tay còn cầm bình sữa dù con đã lên năm và chuẩn bị vào mẫu giáo. Lisa nhìn con rồi ngạc nhiên hỏi: "Mầy còn ôm bình sữa hả?". Ba đã chống đỡ cho con bằng cách nói tránh đi đó là bình sữa của bé Đậu Xanh. Lúc đó, bé Đậu Xanh vừa mới lên hai. Rồi tháng 9 năm đó, con đã tập uống sữa trong những chiếc ly nho nhỏ. Con không còn đòi ngủ chung với mẹ ngay hôm đầu tiên con vào Mẫu Giáo.

Bé Đậu Xanh bây giờ đã lên năm. Bé Đậu Xanh đã lập lai y hệt những thói quen lúc con còn bé. Hàng đêm, bé Đậu Xanh vẫn ôm cổ mẹ năn nỉ đòi ôm bình sữa trước khi ngũ. Cách đây một tháng, trước khi gia đình mình về New York thăm ông bà nội, bé Đậu Xanh đã hứa với mẹ rằng: "Con sẽ không ôm bình sữa nữa đâu mẹ ơi! Con lớn rồi". Ừ thì con gái út mẹ đã lớn, con đã thực sự bắt đầu đến trường để học bài học vỡ lòng. Con đã biết chải tóc, mặc quần áo và đánh răng một mình. Thỉnh thoảng, con nhớ mẹ nên cứ đòi mẹ ẳm vô buồng tắm đánh răng cho con. Con vẫn còn thích mẹ ở nhà nhiều với con hơn là mẹ đi làm. Có đêm con thỏ thẻ: "Mẹ ơi! Ngày mai mẹ ở nhà với con nha! Con nhớ mẹ quá!". Con vẫn còn thích lật áo lên cho mẹ gãi lưng và xoa đầu trước khi đi ngủ. Có một điều mẹ mong là con phải ngồi với chị Đậu Phụng lắng nghe ba đọc sách mỗi đêm. Có như vậy, con gái mẹ mới có vốn liếng chữ nghĩa sau nầy. Đậu Phụng thì vui mừng trong ngày khai trường và nói với ba mẹ : "Con không thích mùa hè đâu mẹ. Ở nhà buồn lắm!". Câu nói của Đậu Phụng làm mẹ và ba rất ưu tư. Mẹ thì bận đi làm suốt ngày và ban đêm mẹ còn ngồi trên máy đến nửa đêm để viết lách. Tại trời đã vạch ra cho mẹ một con đường gian truân của tuổi thơ, một quê hương đau khổ trong chinh chiến, nên đời mẹ đã nặng nợ với bút nghiêng. Dù vậy, mẹ đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để chăm sóc cho hai con. Thời gian mẹ dành cho các con quá ít. Ba thì bận biên tập những chồng sách khoa học cao, dầy mấy ngàn trang nên cũng không có thời gian đưa các con đi chơi thường xuyên như mọi khi. Hai con ở trong nhà suốt mùa hè nóng bức xem ti-vi hoặc chơi game trên computer hay lục lọi những món đồ chơi chất cao như núi. Trừ những ngày mẹ được nghĩ phép là cả nhà đi về New York thăm bà ông bà nội. Các con được ra biển tắm, nhảy sóng, đùa với cát trắng và chạy đuổi theo những con chim hải âu không biết sợ con người. Chỉ có lúc đó, các con mới có bạn bè cùng trang lứa để vui chơi. Ở Mỹ, vật chất không thiếu, các con có đầy đủ phương tiện để giải trí mà ngày xưa vào tuổi các con mẹ chưa bao giờ dám mơ ước đến. Nhưng các con thiếu ánh sáng mặt trời. Mùa hè là thời gian các con vui chơi với những công viên mát rượi, với đồng cỏ, với biển khơi, thì các con phần lớn phải đóng cửa kín mít ở trong nhà. Ba mẹ sợ người ta bắt cóc các con. Thời gian gần đây, tình trạng bắt cóc trẻ con và giết chết đã gia tăng một cách đáng ngại. Ba mẹ không dám cho các con ra sân chơi một mình. Thật không có gì đáng buồn hơn khi ba mẹ dạy các con không được thân thiện nói chuyện, bắt tay với những người xa lạ. Tại sao con người không thể tin nhau và dành cho nhau tình thân ái hở các con? Tại sao ba mẹ phải dạy cho các con cách cư xử nghi kỵ và dè dặt đối với con người như vậy? Cuộc sống trên đất nước Hoa Kỳ đã thay đổi hẳn khác với thời gian ba các con ra đời và khôn lớn. Tội ác xảy ra khắp nơi và người ta không chừa một tội ác nào ngay cả giết trẻ thơ vô tội. Mẹ cũng không thể nào tin được, cứ mỗi mùa hè là có tin tức trên đài truyền thanh và truyền hình nói về những đứa bé bị cha mẹ bỏ quên trong xe bít bùng giữa những cơn nắng như thiêu, như đốt khiến các em đã phải chết trong đau đớn. Nhiều người mẹ, người cha không bao giờ quên tiền bạc, ăn ngủ, cải lộn, đánh đập nhau nhưng lại quên đi thiêng chức của mình. Việc bỏ cho con chết trong những chiếc xe nóng bức giữa buổi trưa hè chỉ được xem là ngộ sát? Tội ác đó họ biện minh là quên, không cố ý giết con mình. Và toà án ở Mỹ đã không ghép họ vào tội sát nhân. Dù vậy, lương tâm họ và Phật Trời có tha cho họ hay không? Mẹ cũng đau buồn và phẩn uất khi thấy một người mẹ đã dìm chết năm đứa con mình trong bồn tắm đầy nước. Thật là tàn khốc. Nếu con người không lo về phần tâm linh, không biết nhận ra đúng và sai, không biết yêu thương và chia xẻ thì họ không bao giờ tìm được hạnh phúc cho đời mình. Mẹ nghĩ rằng chỉ có tình thương mới có thể ngăn chặng mọi tội ác trên trần gian nầy. Nhưng tìm tình thương và tình người ở đâu? Hiếm hoi lắm các con ơi khi người ta chạy theo nếp sống vật chất, phồn hoa, trái tim họ đã đóng một lớp băng dầy cộm mà không có thứ lửa nào làm tan đi được.

Ngày xưa, dù quê hương của mẹ rất nghèo và chiến tranh triền miên, nhưng mẹ vẫn có những năm tháng tuổi thơ êm đềm hoà mình với thiên nhiên, cây cỏ. Sau khi ông ngoại qua đời, mẹ chỉ là đứa bé vừa lên sáu. Bà ngoại phải đưa cả gia đình về thành phố sống. Thị xã nơi mẹ ở không lớn lắm nhưng xinh đẹp và hiền hoà. Nhà gần sông, nên mùa hè mẹ và bạn bè suốt ngày bơi lội không biết mệt. Thỉnh thoảng, mẹ và đám trẻ con trong làng bơi qua bên kia sông để lấy đất sét trong một cái đầm lớn. Mẹ bắt chước các bạn nặn ra những chiếc nồi, chén, dĩa bằng đất rồi phơi khô để chơi bán quán. Đất sét ướt thì thấy chén rất đẹp, nhưng khi khô thì nức nẻ trông phát bực. Dù vậy, mẹ và các bạn rất vui vẻ đội những sản phẩm mình làm được bỏ trên đầu để bơi qua sông bằng một tay thôi. Mẹ đã trở thành con rái nước. Nhưng hơn hai mươi bảy năm qua, mẹ không còn được ngâm mình dưới dòng sông xanh mát ngày xưa. Ngoài chuyện lặn hụp, rượt đuổi, té nước nhau, mẹ còn thích lấy những đám lục bình làm bánh mì và rong rêu làm thịt cá. Những trò chơi buôn bán được trao đổi bằng những chiếc lá trong vườn. Mẹ có những ngày thả diều trên những đồng cỏ trên ngọn đồi gần nhà và ngủ quên dưới những hàng cây râm mát mặc cho những chú ve sầu cất tiếng kêu não nùng trong vòm lá trên đầu.

Có những ngày, mẹ và các bạn rủ nhau lội vào những cánh đồng đầy lúa vàng nặng trĩu hay lội xuống những chiếc ruộng nước lấp sấp, đắp đìa bắt những con cá lia thia về nhà xem chúng đá nhau. Lúc đó, mặt mũi đứa nào đứa nấy tèm lem như ông kẹ. Mẹ là đứa con gái có nước da bánh mật, lại thích dan nắng nên tóc thì khét nghẹt, đỏ chạch, da thì đen như mọi cà- răng – căng - tai. Ở nhà, ai cũng gọi mẹ là con nhỏ "lọ lem"(khi mẹ lớn lên và đến hôm nay cũng chỉ là bà lọ lem vì mẹ sống đơn giản và không màu mè, hoa lá cành...). Mẹ còn nhớ những đêm trăng sáng vằng vặc, mẹ và các bạn chơi trò trốn tìm và đuổi bắt những con đom đóm đèn cho đến khi mệt nhoà nằm lăn trên cỏ thở phì phò. Tuổi thơ của mẹ vô tư , bình yên và không sợ bị mẹ mìn bắt cóc. Mùa hè thật tuyệt vời đối với mẹ dù cho cuộc sống có nhọc nhằn, nghèo khổ và đầy gian truân.

Còn bây giờ các con không thích mùa hè. Đó là nỗi lo âu của mẹ.

Mùa hè năm nay, oi bức, nóng gắt như muốn đốt cháy vạn vật. Vào tháng 7, mỗi sáng mẹ lái xe đi làm sớm, khi mẹ rẽ sang Belt Way 495 Noth, mặt trời trắng như một mảnh kim loại toả ánh sáng chói loà, rực lên giữa bầu trời hừng đông. Aùnh sáng mạnh mẻ và rực rỡ đó đã khiến cho những người lái xe phải chạy thật chậm. Dù mẹ đeo kinh mát vào lúc 6 giờ sáng, cũng không thể chống lại được ánh sáng lạ lùng đó. Mẹ phải dùng một bàn tay kê lên trán để che mắt. Mẹ nghĩ đó là dấu hiệu báo cho mọi người biết những ngày hè sắp tới là những ngày nóng nhất, oi bức nhất và nhiệt độ có lúc lên đến 105 độ. Cả mùa hè năm nay, mưa chỉ đổ xuống vài ngày, rồi sau đó nắng khô hạn và cây cỏ héo úa đến thảm thương. Các con còn nhớ vào năm 1995, năm nóng mùa hè nóng nhất, ở tiểu bang Chicago có 795 người bị chết. Cứ tính trung bình, một ngày có 34 người từ giả cõi đời vì không chịu nỗi không khí nóng nung người. Năm nay, số tử vong thấp nhưng cây cỏ, sông ngòi, hoa cỏ héo úa, vàng vọt trông đến thảm nảo. Ngay những chùm chậu hoa cúc tây, hoa double Patient, hoa vạn thọ ...mẹ con mình trồng quanh nhà vào cuối mùa xuân, năm nay không nở hoa đều đặn. Mỗi buổi chiều, m? và các con thay nhau tưới nước mà chúng vẫn không xanh tốt như mọi năm. Mùa hè năm nay, loại muỗi mang siêu vi khuẩn West Nile đã xuất hiện rất sớm vào đầu mùa hè ở hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ. Siêu vi khuẩn West Nile vào nước Mỹ qua những loại chim nhập cảnh từ Phi Châu. Những con chim nầy bị muỗi đốt và sau đó truyền sang con người. Đáng sợ nhất là loại muỗi nầy đẻ trứng và trứng của chúng có thể sống lâu vài năm. Chúng có thể tồn tại ngay cả trong những mùa đông băng tuyết. Và đợi chờ cho đến khi trời ấm, mưa nhiều thì trứng nở ra con loăn quăn và biến thành muỗi rồi truyền bệnh cho chim chóc và người. Năm 1999, có 66 người không may bị nhiễm virus West Nile do muỗi đốt và có ít nhất 7 người chết. Năm 2000, giống muỗi nầy tìm thấy ở 12 tiểu bang và ở Washington D.C có 2 người chết. Năm 2001, ở New York có 6 người bị chết vì nhiễm virus west Nile. Đầu mùa hè năm nay 2002, Đài truyền hình CNN thông báo, người ta phát hiện có 10 con chim bị chết vì mang virus. Riêng tại tiểu bang Loissiana, số người nhiễm west Nile cao nhất là 205 người và có 8 ca tử vong. Toàn nước Mỹ có 555 người chẳng may bị nhiểm virus, có 28 người tử vong (theo tài liệu của CDC (Safer Healthier People). Mẹ cũng sẽ đọc lại tư liệu nầy và cung cấp cho độc giả biết sự phát triển của virus West Nile đang lan rộng một cách nhanh chóng trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Đó cũng là nguyên nhân tại sao ba mẹ ngại cho các con chơi đùa ngoài sân khi trời đã dịu nắng.

Đầu thu, mưa rỉ rả cả ngày đêm. Những giọt mưa lành lạnh tí tách rơi đều đều thong thả suốt ngày đêm đã xua đi cái nóng bức còn ầm ỉ nằm sâu trong lòng đất. Sáng hôm sau, mẹ nhìn thấy vạn vật như được tắm mát. Đất hình như còn khát nước, những đám cỏ úa vàng, khô cứng đã ngóc đầu dậy vui mừng đón ánh nắng dịu dàng của ban mai. Mùa tựu trường hàng năm, mẹ vẫn phải đi làm và ba đã thay mẹ đưa các con đến trường. Đêm qua, mẹ ủi chiếc áo sơ mi trắng và cái váy đỏ bầm cho bé Đậu Xanh. Đậu Phụng thì có chiếc áo đầm màu tím. Mẹ viết vài hàng thương yêu cho hai con mỗi ngày và đặt trên bàn ăn.

Chiều hôm đó, khi mẹ về nhà không thấy ba và hai con. Ba đã đưa hai con đi chợ mua dụng cụ hoc tập. Năm nay, ba mang về một danh sách dài những món đồ cần cho Đậu Phụng. Như vậy là các trường học năm nay không còn tặng tập vở dụng cụ cho học sinh như mọi năm. Nhà trường bắt đầu nghèo.

Mùa thu năm vừa qua, đúng vào lúc 8:45 sáng, ngày 11 tháng 9, bọn khủng bố đã tấn công vào Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở New York và Pentagon giết chết mấy ngàn người trong nháy mắt. Hành động của bọn khủng bố đã gây một tác hại lớn đến nền kinh tế của Hoa Kỳ và toàn thế giới. Số lượng khách du lịch giảm hẳn xuống. Nhiều hảng máy bay đã đứng bên bờ vực thẳm của sự phá sản, nợ nần hàng loạt. Nhiều công ty lớn nhỏ sụp đổ dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm qua. Những đại công ty cở Exxon, World.com cũng đã sụp đổ do tình trạng làm ăn gian dối của tập đoàn tư bản nầy. Tác hại ghê gớm hơn là đã đẩy đất nước đi vào cuộc chiến tranh. Nhân dân Mỹ, một lần nữa phải nai lưng đóng thuế để gánh vác, nuôi dưỡng, xây dựng lại đất nước Afghanistan.

Hai con thương yêu, năm nay mẹ đã viết dài vòng về chuyện đất nước, con người, thiên nhiên, cây cỏ để ghi khắc lại những sự kiện lịch sử quan trọng nổi bật mà mẹ nhớ. Những sự kiện nầy, có thể khi các con lớn lên mẹ đã già lắm rồi và bộ óc của mẹ không còn sáng suốt để nhớ lại và kể cho các con nghe. Mẹ mượn những hàng chữ đơn sơ để gởi đến các con tình thương không bao giờ tắt trong trái tim mẹ. Mẹ vui mừng khi hai con đã vào Elementery School Takoma học. Hai con học cùng trường, đi cùng một chuyến xe Bus. Mẹ yên tâm khi biết Đậu Xanh trông chừng bé Đậu Phụng thay ba mẹ. Năm vừa qua, Đậu Xanh đã mang về nhà kết quả học nhiều môn đạt tối ưu. Ba mẹ mừng lắm! Dù vậy, ba mẹ cũng phải dành cho hai con thời gian nhiều hơn.

Đêm qua, bé Đậu Xanh nhắc mẹ kể câu chuyện con Muỗi và Con Đom Đóm. Mẹ lại cười và hẹn lần sau. Câu chuyện mẹ viết còn dỡ dang và chưa thể kể cho các con nghe trọn vẹn. Đêm nay, trăng thu sáng quá! Có lẽ vầng trăng ngủ quên nên đến muộn và hai con đã ngủ say. Cũng một vầng trăng, một khung trời nơi trăng bắt đầu lên, nhưng trăng nơi nầy không bao giờ giống vầng trăng quê mẹ. Có thể mẹ hơi thiên vị khi nghĩ rằng vầng trăng quê mẹ đẹp hơn, thơ mộng và êm đềm hơn. Nhiều lần mẹ nói với hai con về quê hương Việt Nam, nhưng hai con nào hiểu được tâm tư của mẹ. Mẹ vẫn cầu mong khi hai con lớn lên sẽ tiếp thu nền văn minh thế giới để có một tâm hồn rộng mở, biết giá trị của tự do nhưng cũng đừng lạm dụng tự do mà làm những đều trái với lương tâm. Mẹ cũng mong hai con tiếp thu nền văn hoá Việt Nam để trở thành một người phụ nữ nhu mì, đoan trang, thuỷ chung và hiểu được giá trị của chính bản thân mình.

Đã hơn hai mươi bảy năm trôi qua, hằng đêm, mẹ vẫn cầu nguyện ơn trên ban cho quê hương Việt Nam được tự do, no ấm. Và một ngày không xa lắm, mẹ sẽ đưa hai con trở về thăm lại Việt Nam - quê hương yêu dấu không bao giờ mờ phai trong trái tim của mẹ. Lúc đó, mẹ hy vọng các con sẽ hiểu được con người Việt Nam hơn và sẽ yêu quê hương Việt Nam như đất nước Hoa Kỳ.

Gởi những nụ hôn thương yêu nhất của mẹ đến hai con

Mẹ của hai con

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002