Đại Chúng số 107 - ngày 1 tháng 10 năm 2002

LÁ THƯ TOÀ SOẠN

Ngày 11 tháng 9 đã trôi qua, nhưng âm hưởng của nó như còn đọng lại trong tâm hồn người Hoa Kỳ và toàn thể thế giới. Và cũng chính ngày tháng định mệnh 11-9, đã đẩy Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh. Cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ lãnh đạo vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, ngoài việc truy lùng tàn quân Taliban, Hoa Kỳ còn liên kết với nhiều quốc gia trên thế giới truy tìm những tổ chức khủng bố quốc tế. Một vấn đề được đặt ra gay gắt cho Tổng Thống Bush là “đánh Iraq” để lật đổ chế độ Saddam Hussein hay vẫn tiếp tục để cho ông ta tại vị? Mỗi người co ùcái nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh chống khủng bố mà Hoa Kỳ đang theo đuổi. Riêng Gia Cát Tường, ông nhận định và đánh giá về tổng thống Bush và Thủ Tướng Anh, Tony B.lair như những người hiếu chiến, ỷ mạnh hiếp yếu và chỉ làm lợi cho Israel. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn mục “Thế Giới và Bình Luận" để quí vị có điều kiện tìm hiểu và tham khảo.

Chắc trong chúng ta ít nhiều cũng có người biết đến “Giải Quốc Tế Tượng Vàng Việt Nam trực thuộc Đông Phương Foundation thành lập từ năm 1987 do thi sĩ Quốc Nam (Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Cơ Sơ Văn Hoá Đông Phương) sáng lập, với sự hổ trợ đắc lực của nhạc sĩ lão thành Phạm Duy và Anh Việt. Mười hai năm sau, tức 1999, giải thưởng này mới có nền tảng vững chắc là Công Viên Tượng Vàng Việt Nam với tượng đài cao 12 feet, được xây dựng trên một khu đất rộng 10 ngàn 500 bộ vuông (Square feet) tại đô thị Seattle. Trong 15 năm qua, tổng số thí sinh khắp thế giới về tham dự giải nầy đã lên đến 4427 bạn trẻ. Thi sĩ Quốc Nam và Cơ Sở Đông Phương còn có đài truyền thanh Sài Gòn SRBS, phát sóng 24 giờ một ngày và có tờ báo Đông Phương với nhiều bài vở và tin tức rất có giá trị. Hôm nay, nhân ngày Đại Hội Quốc Tế Ca Sĩ Tượng Vàng Việt Nam tổ chức vào ngày 31/8 và 1/9 năm 2002 tại Seattle, chúng tôi xin giới thiệu đến qúi vị những hoạt động và thành quả đạt được của Cơ Sở Đông Phương và thi sĩ Quốc Nam trong bản tin và bài tường thuật.

Những bậc cha mẹ người Việt hải ngoại đang lo lắng về việc thế hệ con em chúng ta sẽ dần dần quên tiếng Việt. Trong hành trang hướng tới tương lai, chúng ta không ít trăn trở khi thấy khó có thể nhận ra tiếng nói chung giữa thế hệ cha ông và con cháu. Do đó, Nguyễn Đức Tăng, một nhà giáo dục, một cây bút lâu năm ở Paris đã gởi tâm tư của mình trong bài viết "Dạy Con Em Học Tiếng Việt". Bài viết có một giá trị rất lớn trong việc nhắc nhở mọi người đừng quên tiếng Việt và hãy nổ lực giáo dục, khuyến khích con em trau giồi tiếng Việt. Cảm ơn Nguyễn Đức Tăng đã có cái nhìn bao quát, sâu rộng về thế hệ con em chúng ta ở hải ngoại. Mong sẽ nhận được thêm bài vở và ý kiến của ông.

Nguyễn Đức Tăng có nhắc đến nhà báo Đông Hồ trong bài "Dạy Con Em Học Tiếng Việt". Và trong bài "Nữ sĩ Mộng Tuyết Cảm Nghĩ Về Vở Kịch Lưu Bình- Dương Lễ" của Văn Bá. Nữ sĩ Mộng Tuyết là vợ của nhà báo Đông Hồ. Hiện nay, nữ sĩ đã chín mươi tuổi, về ở ẩn ở Hà Tiên Việt Nam. Chúng ta đừng nhầm lẫn nữ sĩ Mộng Tuyết và nữ sĩ Mộng Tuyền trong mục "1001 Chuyện Nhớ Quên". Văn Bá sẽ giới thiệu đến quý vị một số ý kiến của nữ sĩ Mộng Tuyết xung quanh vở kịch Lưu Bình Dương Lễ. Từ những ý kiến nầy, chúng ta có thể so sánh và tìm hiểu tại sao người Việt Nam chúng ta say mê và yêu thích vở kích nầy, cho dù nó không thực tế và không phù hợp với đạo lý truyền thống của người Việt Nam.

Trong mục "1001 Chuyện Nhớ Quên", cụ Mộng Tuyền nữ sĩ trả lời thư ông Phan Văn Thái, Arlington, VA.; bà Võ Xuân Hà Romain Rolland Ave. St. Denis (France) qua Inesto Hồ; cư sĩ Tịnh Hải Garden Grove CA.; bà Inesto Ho Rue DR. Schweitzer 93600 Aulney France. Cám ơn nữ sĩ đã trả lời thư giúp TBĐC.

Chúng tôi đã nhiều lần giới thiệu nhà văn Hà Ngọc Bích với quí vị trong nhiều số báo trước. Hôm nay, Hà Ngọc Bích lại gởi tặng chúng ta bài viết mới "Thính Hương Tiểu Trúc". Chúng ta tìm thấy nơi ông một tâm hồn hoài cổ, nhớ thương đất mẹ. Và ước mơ thầm kín của ông là trở về đời sống ẩn vật, lấy trời đất, cỏ cây, mây gió, trăng sao làm bạn hữu. Hà Ngọc Bích nhớ về những xóm trúc với những kỷ niệm đầy vơi mà ông ấp ủ suốt một đời lưu vong.

Trong trang thơ tuần nầy, nhà thơ Minh Tâm gởi đến chúng ta bài thơ "Đáp Cầu". Nhà thần học Vi Anh Nguyễn Tấn Phước cũng diễn đạt hình ảnh đẹp lộng lẫy của Bryce Canyon, Arizona qua bài thơ "Bryce Canyon Trùng Điệp”. Thơ ông mộc mạc, không trau chuốt nhưng cô đọng và gợi nên hình tượng. Riêng ông bạn già Phan Hoài thì có bài thơ "Cấp Báo Diễn Ca", tố cáo cộng sản Hà Nội đã dâng đất, dâng biển cho Trung Cộng.

Ca dao dân ca Việt Nam có câu "Cái vòng tình ái cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, mgười mong bước vào". Nói đến chữ tình và chữ yêu thì có rất nhiều quan niệm khác nhau trong mỗi thời đại, trong mỗi hoàn cảnh lịch sử, xã hội nhất định. Không những thế, quan niệm về tình yêu còn tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán, văn hoá của mỗi quốc gia. Nhưng con người sống không thể thiếu tình yêu và thế giới có còn tồn tại hay không cũng lệ thuộc vào tình yêu. Vậy chữ tình và chữ yêu có vị trí như thế nào trong đời sống con người? Vân Uyên sẽ gởi đến quý vị một bài viết đặc biệt nói về “Chữ Tình và Chữ Yêu" trong quan niệm của tôn giáo, của con người qua nhiều thế hệ khác nhau. Đồng thời, quí vị cũng sẽ hiểu tâm tư của tác giả qua bài thơ "Con Thuyền Nhất Thể".

Người Thứ Tám đến dự ngày Đệ T? Chu Niêm của TBĐC và chứng kiến cảnh TBĐC bị bọn chuột cống chơi trò "ném đá giấu tay”. Do đó, Người Thứ Tám về nhà nghiên cứu "Bức Tường Lửa" (Fire Wall) để cung cấp cho quý độc giả biết công dụng và những nhược điểm của Fire Wall. Còn Người Thứ Tám thì quê ở Châu Đốc (đường Thủ Khoa Huân), ông cố hồi xưa là chủ trại Biển Hồ Nam Vang cho nên biết về CATFISH, hay còn gọi là Cá Mèo. Trời ơi! Cũng vì con cá nầy mà chính quyền Việt Nam đang điêu đứng vì bị Hiệp Hội Cá Nheo Mỹ kiện bán phá giá, có khổ cho dân Việt không chớ. Mấy tên Bắc Bộ Phủ thì ăn thua gì chúng nó. Chỉ có dân đen mới è cổ ra trả tiền án phí.

Kỹ sư Sagant Phan từng là thầy giáo, rồi cũng từng vác súng ra chiến trường để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Trai thời loạn, yêu nước phải gắn liền với hành động. Bởi vậy cho nên, anh viết về chiến trường với những pha đánh đấm với cộng sản, hay viết về đời thầy giáo nghèo queo râu cũng rất thú vị. Trong anh là hình ảnh của một người lính làm tròn trách nhiệm người trai trong khói lửa, chống giặc giữ biên cương và anh còn là một người thầy tận tâm và có cái tình. Mời bạn đọc theo dõi bài ký "Bụi Phấn Aâm Thầm" của thầy Sagant Phan (Bây giờ thì mất dạy học rồi còn đâu. Nếu miền Nam đừng rơi vào tay cộng sản, anh em mình đã mở ra một trường học lớn để dạy học phải không? Đúng là chỉ có giấc mơ thôi).

Trần Liêm Khảo đã gởi đến chúng ta những câu chuyện huyền bí rất ly kỳ và hấp dẫn. Hôm nay, chúng ta lại có dịp đọc bài "Lời Nguyền Trong Cổ Mộ Ai Cập Tutankhamen". Có phải chính lời nguyền nầy đã gây ra những cái chết đột ngột của những nhà khảo cổ học hay không? Đi tìm nguyên nhân của những cái chết nầy các nhà khoa học giải thích ra sao? Các nhà khảo cổ có chấm dứt những cuộc tìm kiếm và đào bới những ngôi cổ mộ Ai Cập hay không? Mời quí vị theo dõi bài viết của Trần Liêm Khảo.

Trong số báo 106, Phong Thu có nói một phần về siêu vi khuẩn West Nile. Và như lời hứa, Phong Thu xin gởi đến quý độc giả bài "West Nile Virus- Mối Hiểm Hoạ Cho Hoa Kỳ". Chúng ta cũng có dịp hiểu thêm về sự phát triển nhanh chóng của West Nile Virus và tác hại của chúng trong đời sống của chúng ta.

Kính chúc quý vị một tuần lễ an lành, hạnh phúc.

Đại Chúng

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002