Đại Chúng số 107 - ngày 1 tháng 10 năm 2002

ĐỌC BÁO DÙM CÁC BẠN

Ký Điệu ghi lại

1.- Cựu Đại tá Phạm văn Liễu và lời nghị luận:

Sau đây là lời bình luận của báo VN tại San Jose gần đây. Như chúng tôi đã loan tin trong báo kỳ truớc nói về Đại tá Phạm văn Liễu này, nay có tờ báo bạn tại san Jose cũng lên tiếng nói về đại tá mà cuộc đời binh nghiệp hiển hách nhờ... tài giết chủ. Tại sao Miền Nam mình có nhiều thiên tài quân sự và thiên tài này thể hiện là cùng nhau giết chủ, rồi khi ra hải ngoại sắp sửa gần đất xa trời thì ra sách... giải bày tâm sự của mình là mình không có ý muốn giết chủ. Chuyện giết chủ là do ngoại bang xúi mà ra. Mình chỉ là chứng nhân mà thôi. Than ôi trận chiến công oanh liệt nhất đời của những tên này là giết Tổng thống Ngô đình Diệm. Tại sao ông Diệm quá hiền mà nương tay với nhóm này để rồi ôm hận ngàn thu? Cộng sản nói đúng "thà giết lầm chớ không thả lầm." Ông Diệm đã thả lầm những tên sát nhân đối áo ăn cơm của mình.

Cựu đại tá Phạm Văn Liễu với tác phẩm Trả Ta Sông Núi Gây nhiều tranh cãi

SAN JOSE (VNNB)- Cựu đại tá Phạm Văn Liễu đã ra mắt tập hồi ký Trả Ta Sông Núi vào lúc 2 giờ chiều ngày chủ nhật 21 tháng 7 năm 2002 tại Le Petit Trianon, trên đường số 5 downtown San Jose, trong lúc bên ngoài, một số người biểu tình phản đối ông Phạm Văn Liễu và tác phẩm nầy. Trong số những người biểu tình phản đối, có ông Phan Quang Nghiệp, Hội trưởng Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Bắc Cali mặc cảnh phục và một số cảnh sát, mặc thường phục, cùng một số các tham dự viên khác thường sinh hoạt với Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị "Đả đảo Phạm Văn Liễu ăn cháo đá bát” sau đó đem biểu ngữ nầy để trên bực thềm của nhà hát. Ông Phan Quang Nghiệp cho biết ông và Hội Cảnh Sát chống đối vì những gì ông Liễu viết trong quyển hồi ký là hoàn toàn xuyên tạc lịch sử và nhục mạ quân đội Việt Nam Cộng Hòa cùng lực lượng cảnh sát quốc gia. Ông Nghiệp nói: Ông Liễu đã phủ nhận nền Cộng Hòa Việt Nam, ông ta đả đảo ông Ngô Đình Diệm và nói rằng tại sao ông Diệm không chịu hiệp thương với Hồ Chí Minh để thi hành hiệp định 1954 về Đông Dương mà lại đi toa rập với Mỹ, với Vatican để thành lập một nước mới, một thể chế chánh trị mới miền Nam gọi là Việt Nam Cộng Hòa để kéo dài chiến tranh. Ông Liễu cho rằng nền cộng hòa Việt Nam là ngụy tạo là một thể chế không hợp pháp hợp hiến (...) vậy thì ai đã cử ông ta làm tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, ai đã gắn lon đại tá cho ông ta, mà ngày hôm nay ông ta lại phủ nhận chế độ đó.... Đối với quân đội thì ông cho đó là những tên lính tẩy, sau những cuộc hành quân thì là trai gái, rượu chè, đỉ điếm, rồi lại tiếp tục hành quân (...) Ông nói rằng ở VNCH nhà tù nhiều hơn trường học. Ông nói rằng bót Catinat là địa ngục trần gian. Ông nói rằng ngành cảnh sát chuyên môn đi chụp mũ người nầy người kia...". Ông Nghiệp cho biết thêm rằng cuộc biểu tình nầy là tự phát, nhưng ông cũng ghi nhận có sự tham gia của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, hội Hải Quân, hội Không Quân, hội Phụ Nữ Hải Ngoại, Phong Trào Quốc Dân Hành Động. Ông Nghiệp cũng cho biết là ông có ra một thông báo nhờ đài Quê Hương đọc để kêu gọi anh em ngành cảnh sát tẩy chay cuộc ra mắt sách nầy, vì tiêu đề quyển sách Trả Ta Sông Núi đã gây hiểu nhầm, tưởng rằng nội dung có tính cách yêu nước, có tính cách thời sự, nhưng nội dung quyển sách nầy không hề nói gì tới việc trả ta sông núi mà toàn là xuyên tạc lịch sử, nhục mạ quân đội nhục mạ cảnh sát... Sau đó ít phút có 2 cảnh sát đến tìm hiểu sự việc, rồi khoảng 2 giờ 20 có hai cảnh sát đi ngựa đến đứng giữa đường số 5 nói chuyện với ông Phan Quang Nghiệp.

Trong khi đó bên trong đã tổ chức buổi ra mắt sách vào lúc 2 giờ chiều. Bác sĩ Phạm Đức Vượng, thay mặt ban tổ chức cho biết, sau năm 1975, có rất nhiều người viết hồi ký, mỗi người đều nhìn sự việc lịch sử theo một cảm nhận riêng, nên hồi ký phần nhiều đều mang tính chủ quan. Việc đánh giá hồi kỳ trung thực khách quan đến độ nào thì tùy người đọc.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Canh, thì ông Phạm Văn Liễu đã tham gia các hoạt động có tính cách mạng từ những năm 17, 18 tuổi: ông từng theo học tại trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Yên Báy, tham gia Đại Việt Quốc Dân Đảng, đã từng lưu vong ở Trung Hoa trong những năm 1946-49, sau nầy lưu vong ở Campuchia trong những năm 1960-63, sau cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm bất thành. Ông cũng là người thành lập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến/QLVNCH. Ông cũng đã từng làm tham mưu trưởng sư đoàn, tham mưu trưởng quân trường, và đảm nhận chức Tổng Giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia năm 1965-1966, với việc thành lập Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia tại Thủ Đức.

Cuối cùng trong thập niên 80, ông tham gia vào Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận Hoàng Cơ Minh). Luật sư Đỗ Doãn Quế thì cho biết có nhiều người không đồng tình với những gì mà ông Liễu đã viết trong tập hồi ký nầy, nhưng riêng cá nhân ông thì ông cho rằng điều quan trọng là phải biết sự thật cho dù sự thật đó có làm nhiều người liên hệ phải đau lòng. Có những việc ông không đồng ý với tác giả, nhưng ông vẫn giới thiệu quyển sách vì trong đó chứa đựng rất nhiều sự thật. Trong phần tâm tình cùng độc giả, ông Phạm Văn Liễu cho biết đây là tập I(1928-1963), và còn tập II (1963-1975), tập III (1975-1985), tổng cộng dày khoảng 1500 trang. Trong tập I nầy, ông ghi lại quãng đời thơ ấu của ông đến những ngày lưu vong trên đất Campuchia năm 1963. Ông cho biết, ông lấy tiêu đề Trả Ta Sông Núi là mượn ý từ một bài thơ của Vũ Hoàng Chương trong đó có những câu Trả ta sông núi bao người trước, gào thét đòi cho bọn chúng ta... Chữ Ta mà ông dùng ở đây ngụ ý là chúng ta, là con dân nước Việt chớ không phải cá nhân Phạm Văn Liễu. Ông cũng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại là ông không phục vụ cho một cá nhân, một đoàn thể, ngay cả một tổng thống nào, mà ông chỉ phục vụ đất nước, dân tộc Việt Nam, nên trong hồi ký, ông thấy việc làm đó không đúng là ông phê phán thẳng tay nên ông cũng đã làm mất lòng nhiều người.

Trong phần thảo luận thì ông Lý Tuấn, nói rằng chế độ đệ nhất cộng hòa rất an vui, tốt đẹp mà trong tác phẩm ông nói toàn là xấu xa, ông nói không đúng, ông lập luận như cộng sản, yêu cầu ông phải sửa lại trong lần tái bản tới... thì ông Liễu nói rằng ông nhận xét trong bối cảnh lịch sử lúc đó, bên cạnh cái tốt đó còn có những cái ‘chưa đẹp’ mà ông cảm nhận được.

Theo một tham dự viên khác thì ông Liễu nói rằng ở thời đệ nhất cộng hòa, ai muốn tiến thân phải tùy thuộc vào 3 yếu tố: người vùng nào, theo tôn giáo nào, và thuộc đảng phái nào thì ông nói ông Liễu đã nói sai, vì cá nhân gia đình ông không đủ 3 yếu tố đó mà thân phụ ông cũng làm lớn (?) được.

2.-Từ báo Con Ong của Trần viết đại Hưng nói về Nguyễn chí Thiện (ngục sĩ)

Bài này viết rất lâu trên báo Con Ong, xuất bản tại Santa Ana / California. Ký Điệu nhận rất nhiều thư hỏi về Nguyễn chí Thiện này mà chưa có dịp đem lên báo cho các bạn. Nay Ký Điệu trích nguyên văn tờ báo Con Ong nói về Nguyễn chí Thiện này cho các bạn rõ.

SOLZHENITSYN CỦA VIỆT NAM

(Trần viết Đại Hưng chuyển ngữ từ báo ngoại quốc)

Cuộc viếng thăm của Bill Clinton vào tháng 11 vừa qua, trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ của ông, đã tiết lộ cho thấy có một sự nứt rạn trong giới trí thức Hoa Kỳ về vấn đề diễn dịch chiến tranh Việt Nam. Những chính trị gia dân chủ, như Clinton, Phó tổng thống Al Gore sắp rời chức vụ và Thượng nghị sĩ John Kerry ở Massachusettes, tranh luận cho rằng sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương là một chuyện làm khinh suất, thiếu thận trọng, nhưng không có gương mặt quan trọng nào nữa trong chính quyền từ hồi ấy công nhận cuộc chiến tranh là vô luân. Đồng thời những bài điểm sách chính và những tờ báo ngày càng thu hẹp của phe Tả như hai tờ báo Dissent và Nation vẫn khăng khăng ca tụng Frances FitzGerald, George C. Herring và những di sản khác của thập niên 60 đóng dấu chấp nhận trên những tuyển tập được xuất bản đều đặn bởi những học giả phe Tả để một lần nữa, nhắc lại những giáo điều không có giá trị của phong trào chống chiến tranh – rằng như Hồ chí Minh là một khuôn mặt nhân từ, rằng những Tổng thống Lyndon B. Johnson và Richard M. Nixon là những tên độc ác giết người hàng loạt, là những người kéo dài cuộc chiến tranh chỉ với mục đích đề cao những tham vọng chính trị ngắn hạn của họ.

Tuy nhiên, trong vòng một thập niên hay hai, sau khi những chủ bút tuổi trung niên cố gắng duy trì quan điểm sống động này đã về hưu, ngay cả giới báo chí cấp tiến và giới trí thức sẽ nhận thấy một sự thật là: Cuộc chiến tranh Việt Nam không phải là một lầm lỗi, nó chỉ là một trận đấu trong nửa thế kỷ chiến tranh lạnh để rồi chấm dứt bằng sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác xít – Lê nin nít.

Đó là quan điểm của một nhà thơ Việt Nam vĩ đại nhất hiện còn đang sống (greatest living Vietnamese poet), Nguyễn chí Thiện. Nếu bạn không đọc thấy tên của ông ta trong báo New York Times hay New York Review of Books hay tờ Dissent hoặc tờ Nation, là cũng do có một lý do. Vào thập niên 1980, chuyện ủng hộ những người viết bất đồng chống lại Cộng sản đã trở nên được xã hội chấp nhận trong hàng ngũ của giới trí thức cấp tiến Mỹ, nhưng chỉ với hai điều kiện. Thứ nhất, họ phải là người Âu châu (giống như Vaclav Havel và Joseph Brodsky) và thứ hai, họ phải phê phán chủ nghĩa Cộng sản từ một cái nhìn Dân chủ Xã hội (tiêu chuẩn này không áp dụng cho nhân vật quốc gia chính thống Nga xô Alexander I. Solzhenitsyn). Nguyễn chí Thiện không thuộc vào hai tiêu chuẩn nói trên – ông là người Á châu (đó phải chăng là những gì giới Mỹ trắng cấp tiến hay Tả phái đã được nghe thấy từ bất cứ nhân vật Á châu bất đồng chính kiến nào, ngoài nhân vật Ngụy kinh Sinh?), và ông chống chủ nghĩa Mác-xít ở tất cả mọi hình thức. Trầm trọng hơn nữa, ông lưu ý giới trí thức Mỹ về một cuộc chiến trong đó có nhiều người trong bọn họ tích cực ủng hộ cho một nền độc tài vốn bỏ tù ông. Điều này giải thích cái sự thật kỳ lạ là Nguyễn chí Thiện, đã nhiều lần được đề cử giải Nobel, được khắp mọi nơi trên thế giới biết đến, ngoài trừ quốc gia mà ông lưu trú là Hoa Kỳ.

Hiện nay sống lưu vong thay đổi từ hai nơi Virginia và Paris, Nguyễn chí Thiện được sinh ra năm 1939 trong một gia đình thuộc giới cận trung lưu (cha ông là một thư ký tòa án), và nhận được một nền học vấn tốt trong nền văn hóa Pháp và Việt. Vào năm 1954, ở lứa tuổi 15, ông hân hoan đón nhận sự thiết lập cơ cấu chính quyền theo Hiệp định Geneve trên Bắc Việt Nam của chế độ Cộng sản. Và giống như nhiều người miền Bắc khác, ông quay ra chống lại chế độ trong thời kỳ chế độ cai trị áp đặt bạo lực sau đó.

Bọn độc tài Hà nội thiết lập những mô hình tập trung của Liên Xô và Trung Cộng như "chương trình cải cách ruộng đất gây nên nhiều thảm họa". "Một nghị định phân biệt quần chúng” được ban hành ngày 2 tháng 3 năm 1953, đã phân chia mọi người theo từng loại được đặt ra bởi Sô Viết trong thập niên 1920, chẳng hạn như “địa chủ” và "nông nô". Tuy nhiên, sự thật là một chủ đất trung bình ở Bắc Việt Nam sở hữu không đến hai mẫu đất trồng ruộng, có khoảng 10000 đến 15000 người miền Bắc bị lên án là kẻ thù giai cấp và xử bắn.

Trong giai đoạn này Hồ chí Minh và đồng bọn của ông đã thích thú với sự diệt chủng dành cho giai cấp ở mức độ lớn nên họ mời những người Cộng sản Trung Cộng đến để giúp họ phân loại ra ai là người được sống và ai phải chết. Một viên chức miền Bắc lưu vong là Bùi Tín có nói đến trường hợp của bà Nguyễn thị Năm. Dù những con của bà là những viên chức trong Đảng, "những cố vấn Trung Cộng kết luận bà là một địa chủ tàn bạo và phải bị loại trừ." Trường hợp này gây được sự chú ý đến Hồ chí Minh, nhưng ông ta từ chối can thiệp. “Bà Năm nhanh chóng bị kết án bản án tử hình bởi những người đại diện cho Mao trạch Đông, đám này kết tội bà gian dối len lỏi vào những hàng ngũ của cách mạng để phá hoại nó từ bên trong."

Nhiều nông dân dùng tiến trình cải cách ruộng đất để trả thù, nhưng khi sự tù đày và giết người ngày càng lan rộng thì những người sợ hãi đã biến thành những người chống đối. Vào ngày 2 tháng 11 năm 1956, dân làng nổi loạn ở Nghệ An, gần nơi sinh của Hồ, và đã làm cho chế độ phải gửi sư đoàn 325 của Quân đội Nhân Dân đến đàn áp họ.

Giống như Stalin ở Liên Xô và Mao ở Trung quốc, cải cách ruộng đất của Hồ ở Bắc Việt Nam được chấm dứt khi nó đã phục vụ xong mục đích là phân tán nhỏ xã hội và thiết lập kiên cố xong sự kiểm soát của đảng cộng sản. Hồ chí Minh thú nhận “có những lỗi lầm” đã xảy ra, nhưng dửng dưng lờ đi cái chết của hàng vạn nạn nhân trong cuộc cải cách ruộng đất. Ông cho rằng, “không thể làm sống dậy người chết được.”

Sự tàn bạo của chính quyền Bắc Việt Nam đã làm nhiều người trí thức, trong đó có nhiều người trong Đảng Cộng sản xúc động sâu xa. Họ phản kháng bằng cách viết những bài in trong hai tờ báo Nhân Văn (The Humanities) và Giai Phẩm (Masterpieces), được gọi là vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm (1956 – 1958). Chế độ ra tay ruồng bố những kẻ bất đồng chính kiến (dissidents), nhưng không thể giết đi tinh thần phản kháng. Nguyễn chí Thiện bắt đầu làm những bài thơ phê bình chế độ, vốn được phổ biến riêng trong giới thân hữu. Bộ máy quyền lực đưa ông vào tù năm 1961.

Trong lời chứng trước Quốc Hội Hoa Kỳ năm 1995, nhà thơ diễn tả lại những gì xảy ra trong thời kỳ đó, "Vào năm 1961, chính Hồ chí Minh đã ký một sắc lệnh ra lệnh cho phép tập trung cải tạo cả trăm ngàn người, bao gồm những kẻ đã từng phục vụ trong quân đội hay chính quyền của chế độ Bảo Đại, và những người trong dân chúng bất mãn với chế độ, trong đó gồm những nhà sư, những linh mục, những thành phần tư sản và giới trí thức. Tất cả họ đều bị giam vào trong những trại lao động khổ sai. Phần lớn trong số những người này chưa bao giờ được đưa ra tòa và số phận của họ hoàn toàn tùy thuộc vào những sự sắp xếp, định đoạt bởi những cán bộ an ninh nhà nước."

Được thả ra vào năm 1963, Nguyễn chí Thiện bị bắt lại năm 1966 và bị giam cho đến năm 1977. Giống như Solzhenitsyn trong quần đảo ngục tù Gulag, ông phải làm thơ và ghi vào trí nhớ. Cho dù là khi ông ở Hỏa Lò (tức Hanoi Hilton), nơi mà nhiều tù binh Mỹ bị giam giữ trong thời kỳ chiến tranh), hay khi làm công tác lao động nặng ở miền quê, ông rán bỏ ra một số ngày tháng để ôn lại những bài thơ đã làm. Nỗi sợ lớn nhất của ông là nếu ông mất đi trí nhớ thì sự nghiệp sáng tác của ông coi tiêu tan.

Sau khi được thả ra vào năm 1977, ông sống với một người bạn và viết xuống giấy gần 400 bài thơ từ trí nhớ. Ông chọn ngày kỷ niệm phá ngục Bastille (14 tháng 7) năm 1979 để mong chuyển tập thơ của ông đến những nhà ngoại giao ở Tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội. Không may là sự canh giữ quá chặt chẽ của lính gác đã làm ông bỏ cuộc, không thi hành được dự tính. Hai ngày sau, sau khi nghiên cứu những chi tiết canh gác của bọn lính canh, ông nhào vào tòa Đại sứ Anh và nói to lên bằng tiếng Anh, "Tôi không phải là một người điên, tôi là một nhà thơ và tôi có một thứ văn kiện quan trọng cần trao cho các ông." Vì tin như thế nên ba nhà ngoại giao Anh chặn những lính gác người Việt Nam lại và hỏi ông muốn gì. Ông trao cho họ bản thảo tập thơ và ba cái hình của ông, để chứng tỏ rằng ông không muốn ẩn danh. Khi rời tòa đại sứ đi ra, ông bị bắt. Ông phải trải qua thêm 12 năm tù tội và làm thêm một loạt thơ thứ hai. (1). Năm 1991, ông được thả ra và đến Mỹ tỵ nạn năm 1995.

Mô phỏng theo tác phẩm Ác Hoa [Les Fleurs du Mal (Flowers of Evil)], Nguyễn chí Thiện đặt tên tác phẩm đầu tay của ông là Hoa Địa Ngục (Flơwers from Hell). Trong lá thư viết bằng tiếng Pháp gửi kèm với bản thảo tập thơ, ông viết, "Phần lớn (những bài thơ) được sáng tác trong những năm tôi bị quản thúc. Tôi nghĩ rằng, chính những nạn nhân chúng tôi có bổn phận, hơn ai khác, là làm cho thế giới thấy sự đau khổ vô bờ bến của dân tộc tôi hiện đang bị đày đọa và hành hạ thẳng tay. Cuộc đời tan nát của tôi chỉ còn có một hy vọng là được thấy càng đông người ý thức được Cộng sản là một tai họa khủng khiếp cho nhân loại."

Vào năm 1980 những bài thơ trong tập thứ nhất bắt đầu được phổ biến trong những cộng đồng người Việt Nam sống ở Mỹ, Pháp và những quốc gia khác. Năm 1982, có một bài viết trong tờ Asiaweek nhan đề “Một tiếng nói từ Hà Nội thâm u” (A voice from the Hanoi underground), theo sau đó là một chương trình phát thanh của đài BBC, đã mang lại sự chú ý ngày càng nhiều đến nhà thơ phản kháng này. Ông được tặng thưởng nhiều giải thưởng danh dự do những Hội văn bút Mỹ, Pháp, Thụy Điển và Nhật trao tặng. Những bài thơ của ông được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức, Trung Hoa, Tiệp Khắc và Tây Ban Nha. Nhiều bài thơ trữ tình của ông được phổ nhạc bởi nhạc sĩ người Áo Gunter Mattisch và nhạc sĩ Việt Nam lưu vong Phạm Duy.

Toàn bộ thơ ông bao gồm nhiều loại thơ có số lượng còn nhiều hơn những bài thơ phản kháng chính trị. Trong đó bao gồm những bài thơ tình, thơ miêu tả cảnh vật và thơ trầm tư mặc tưởng về thế thái nhân tình. Nhiều bài thơ nguyên bản có nhịp điệu từ thể thơ Việt Nam cổ điển, một số có cấu trúc phức tạp, một số khác mang hình thức dân ca đơn giản. Sự so sánh gần gũi nhất có thể nêu ra là sự hỗn hợp của nội dung chính trị và cách làm thơ theo kiểu truyền thống trong những bài thơ của Bertolt Brecht (dù ông này khó được đánh giá là người phê phán chủ nghĩa Cộng sản). Đáng tiếc là bản dịch của Nguyễn ngọc Bích đã không gợi cho người đọc ý niệm gì về những sự tinh tế, thanh tú của hình thức trong tập thơ nguyên bản.

Những bài thơ này thuộc loại "khó nhai" không những chỉ đối với những người tả phái thân cộng mà còn cho thế hệ già hơn của những người cấp tiến chống những người chống cộng (anti-anti- Communist liberals), vốn là những người trố mắt tròn xoe khi nghe thấy Tổng thống Ronald Reagan gọi Liên Xô là một "đế quốc ma quỷ" và tiên đoán chủ nghĩa Mác xít – Lêninít sẽ sớm chấm dứt trong đống rác của lịch sử.

Từ lúc mới trưởng thành, Nguyễn chí Thiện đã khẳng định, giống như những tác giả người Pháp của cuốn sách “Hắc thư Cộng sản” (The Black book of communism) mới đây, là (theo lời của họ) "tội ác hàng loạt, tội ác có tổ chức, và tội ác chống lại nhân loại" phải là "một yếu tố chủ yếu trong khi phân tích chủ nghĩa Cộng sản." Một trong những đoạn thơ ghi chép vụn vặt (Scribblings), nhà thơ đã từng bày tỏ, "Ôâi chủ nghĩa Mác Lê buồn bã. Tới trời Nam ngươi bậy bạ hơn nhiều. Bên trời Âu dù nhục nhã bao nhiêu. Cũng chưa đáng phần ngàn nơi đất Á!) ( "Oh, doleful Marxism-Leninism!/ By the time you get here, to Viet Nam, you’ve become a real crime!/ No matter hơ shameful you’ve been in Europe/ All your crimes amount to but a thousandth of what took place here in Asia!)

Sau đây là một bài thơ làm từ năm 1960 có tên "Nếu trời còn" (Should Providence Exit): Nếu trời còn để có một ngày mai. Tôi sẽ kể chuyện đêm dài khủng khiếp. Cho thế hệ hiện nay cùng đàn sau kế tiếp. Giật mình thức tỉnh, thương đau. Phẫn nộ trào dâng, dốc sức cùng nhau. Đánh phọt óc con rắn hồng độc hại. Giải phóng cả một phần ba nhân loại. Bị nó cuốn tròn sống trong ngắc ngoải (1960).

(Should Providence exit and there remain a tomorrow. I will tell the stories of this horrible night. So that the present generation and the next and the next. Would wake up to this suffering. And animated by rightful anger, they would pool their forces. To kill this poisonous red snake, smashing its brain. Thus liberating one third of mankind. Which is currently in its grasp, more dead than alive.)

Năm 1973, trong khi những chuyên gia trí thức Mỹ vẫn cứ tin Cộng sản Việt Nam là kết quả dân tộc tự nhiên (indigenous outgrowth) của lòng ái quốc, Nguyễn chí Thiện đưa ra một cái nhìn khác hẳn trong bài thơ “Đảng”

“Đảng thực chất chỉ là đảng cướp

Nhờ súng đạn Tàu Nga bắt bớ."

(This Party in fact is nothing more than a gangster mob

Made possible by Russian and Chinese arms and the weapons of arrest)

Bài thơ "Thế lực đỏ” (Red Power) được làm trong nhà tù năm 1975, một thời gian ngắn trước khi Tổng thống Carter gạt bỏ những gì mà ông gọi là "nỗi sợ quá trớn về Cộng sản" (inordinate fear of Communism): "Thế lực đỏ: phải đồng tâm đập nát. Để nó hoành hành họa lớn sẽ lan nhanh... Nên phải viết, phải muôn ngàn kẻ viết. Những tội tầy đình được bưng bít tinh vi... Sự hiểu biết sẽ là mồ hủy diệt" (Red Power: We must be of one mind to crush it. For if we let it roam, catastrophes will follow..One must write, thousands of us must write. About its colossal crimes, however subtly camouflaged.. Knowledge then will be its destroyer, its grave.)"

Nhiều thế hệ người Tây phương khi được cho đi xem những làng "kiểu mẫu" Potemkim ở những nước Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba, đều ngớ ngẩn tin rằng chủ nghĩa Mác xít- Lêninít đã đưa ra một đường lối nhằm thoát khỏi sự nghèo khó cho những quốc gia phát triển. Chẳng hạn như hai nhân vật Barbara Tuchman và John Kenneth Galbraith trước đây khi đi thăm viếng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào đầu thập niên 1970, đều lên tiếng rằng Mao đã trông nom và kiểm tra sự tiến bộ diệu kỳ về kinh tế (giờ đây chúng ta đều biết có hàng triệu người chết đói vì chiến dịch “Bước nhảy vọt” đề ra chỉ một thập niên trước đó).

Năm 1974, Nguyễn chí Thiện phân tích nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong bài thơ "Miếng thịt lợn" (A Cut of Pork) như sau: "Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại! Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai. Chanh, chuối, cam, đường, lạc, đỗ, gạo, khoai. Đảng mó tới tự nhiên thành vĩ đại) (What a miracle, a cut of pork. A double miracle, a beef cut, my friend! Lime, banana, orange, sugar, peanut, bean, rice, yam. Everything and anything that one can chew on. At the Party’s magic touch becomes a miracle hard to find.)

Vì viết những vần thơ như thế nên nhà thơ đã phải trải qua gần hết tuổi thanh xuân trong tù và chuyện này làm cho sức khỏe ông bị yếu đi vĩnh viễn. Chính phủ Hồ chí Minh chỉ thích những bài thơ giống như bài thơ của nhà thơ công thần của Đảng là Tố Hữu viết khi nghe tin Stalin chết vào năm 1953, "Ôi Stalin! Nghe tin ông mất đất trời còn không! Thương cha thương mẹ thương chồng. Thương mình thương một thương ông thương mười.) (Stalin, oh Stalin, alas he is gone. Do Heaven and Earth still exist? Devotion to father, to mother, to husband. Devotion to Him ten times more than to oneself.) Trong tập thơ “Hoa Địa Ngục”, Nguyễn chí Thiện mỉa mai thứ người làm văn hóa đáng khinh này là "bồi bút" (pen pals) của chế độ độc tài.

Chế độ độc tài Bắc Việt Nam muốn chắc chắn những tù nhân của họ (loại bao gồm những người Việt Nam bên ngoài cũng như bên trong những nhà tù và những trại cải tạo) biết đến những lời nói và hành động của những nhân vật hoạt động chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ và Âu châu. Cố nhiên chuyện tham dự của Triết gia Bertrand Russell vào trong tòa án lố bịch Stockholm để tuyên án Mỹ có tội về những tội ác chiến tranh là một sự quảng cáo rùm beng cho chế độ Hà Nội. Nguyễn chí Thiện có làm một bài thơ trong tù nhằm trả lời cho chuyện đó năm 1968. Bài thơ tên "Gửi Bertrant- Rút-Xen" (Letter to Bertrand Russell): Ông là một bậc triết nhân. Nhưng về chính trị ông đần làm sao. Ông bênh Việt Cộng ồn ào. Nhưng ông hiểu chúng tị nào cho cam. Mời ông tới Bắc Việt Nam. Xem nô lệ đói phải làm ra sao. Mời ông tới các nhà lao. Xem bò, lợn được đề cao hơn người. Không ai kêu nổi một lời. Mồm dân Đảng khóa đã mười mấy năm! Xem rồi ông mới hờn căm. Muốn đem bọn chúng ra băm ra vằm. Tuổi ông ngót nghét một trăm. Nhưng thua cậu bé mười lăm đói gầy. Về môn “Cộng sản học” nầy! (1968) (Letter to Bertrand Russel”: “The worlds respects you as a philosopher. But in politics, you are only a novice. After all your noisy defenses of the Viet Cong. Can you in truth say you really know them? Please come and have a look at our country. Come and see for yourself our system of slavery. Come and visit our countless prisons. When even pigs and cơs fare better than people. Just come and seek one angry testimony. You will learn how we have bêen hushed forever. Only then will you understand them, your allies. Whom you will want chopped into many pieces. My dear sir, you’re a hundred years of age. But in "Communistology" you’re a mere babe."

Cũng vào năm 1968, trong lúc sinh viên ở những trường đại học Mỹ và Âu Châu xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Cộng, Nguyễn chí Thiện đã viết bài thơ, "Tôi có thể ăn” (I can eat), một bài thơ mà nhịp điệu của nó, chứ chưa nói đến nội dung, cũng đã đủ chất liệu để tạo cảm hứng cho Bob Dylan, hay Peter, Paul và Mary viết thành một bản nhạc.

“Tôi có thể ăn: Tôi có thể ăn vài cân sắn sống. Ngon lành như nhai kẹo xô-cô-la. Bạn phục tôi tài hơn cả lợn à? Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng! Mùa đông rét, ào ào gió lộng. Đứng ngâm mình vớt nứa giữa dòng sông. Bạn tưởng tôi xương sắt, da đồng? Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng! Chỗ tôi nằm sau mười phân chiếu rộng. Hai người bên, một hủi, một ho lao! Bạn bảo tôi còn biết làm sao? Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng! (1968) (I can eat a few kilos of raw manioc. And enjoy them as if they were chocolate!. Aren’t you impressed that I can outdo a hog? It’s because I am living in a Viet Cong jail. In the winter when blow wintry blasts. I am half submerged in water gathering sharp bamboo. Do you think that I have copper skin and iron bones? No, I am just living in a Viet Cong jail. My bed is a piece of mat about two feet wide. On one side is a leper, on the other a TB case. What do you think that I should do? I am living, though, in a Viet Cong jail.)

Trong bài điều trần trước Quốc Hội Mỹ năm 1995, Nguyễn chí Thiện giải thích những quan điểm của ông về chiến tranh Việt Nam như sau," Thật ra, cuộc "chiến tranh giải phóng" này không có gì hơn là một nỗ lực nhằm áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản, hay loại Mác- xít Lêninít của nó, lên toàn thể nước Việt Nam như là một tảng đá thống trị đè nặng lên phần còn lại của vùng Đông Nam Á. Sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975, hàng trăm ngàn người bị gửi vào những trại cải tạo tập trung. Cho nên Cộng sản không cần dùng đến những cuộc tắm máu, vì làm như thế thì rõ ràng và lộ liễu quá. Thay vào đó, dưới chế độ mới, hàng trăm ngàn người đã phải chết vì lạnh, hay chết đơn giản không ai ngó ngàng tới trong những xó xỉnh hoang vắng nào đó của rừng rậm.

Nhà thơ phản kháng tiếp tục "Cuốn sách mới đây của ông Robert Mc Namara về chiến tranh ở Việt Nam (cuốn In Retrospect) cho thấy sự hiểu biết ít ỏi của ông về Việt Nam và người Việt Nam. Hơn thế nữa, ông đã lăng nhục trí nhớ của những người đã từng chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng và dân chủ ở Việt Nam, vốn giống với lý tưởng của thế giới và ngay cả tại nước Mỹ...Nhìn lại, cuộc chiến Việt Nam có thể so sánh như một trận đánh – một trận đánh lớn nếu bạn muốn nghĩ như thế – đã bị thua, nhưng cuối cùng đã đóng góp vào sự chiến thắng ở mức độ lớn nhất."

Sự vui sướng mà những người trẻ Việt Nam đón chào Tổng thống Clinton trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 đã gợi ý cho thấy nền độc tài Mác-xít Lêninít trong một quốc gia nghèo đói, không tự do sẽ không sống vài năm lâu hơn những người lãnh đạo Việt Nam già nua. Nhưng tương lai sẽ có thể chứng kiến sự trở lại của nền cai trị độc ác như quỷ ở đâu đó dưới chiêu bài của những phong trào mới và những ý thức hệ mới. Điều nguy hiểm và lầm lạc nhất của những loại này, giống như chủ nghĩa Cộng sản, có vẻ hấp dẫn tới những lý tưởng tiến bộ và thức tỉnh. Sự anh dũng trí tuệ (intellectual heroism) của Nguyễn chí Thiện, Solzhenitsyn và nhiều người tiên tri không võ trang khác đã trực diện đối đầu với sự gian trá độc hại nhất của thế kỷ 20, nó sẽ cần đến để gây hứng khởi cho những người nối tiếp của họ trong trận đấu với những hình thức khác của chuyên chế. Bài thơ "Đảng đầøy tôi (1972)" (They Exiled Me) có thể coi là một bản quốc ca vô tận cho sự sống còn của những nhà bất đồng chính kiến ở khắp mọi nơi:

“Đảng đầy tôi trong rừng. Mong tôi xác bón từng gốc sắn. Tôi hóa thành người săn bắn. Và trở ra đầy ngọc rắn, sừng tê. Đảng dìm tôi xuống bể. Mong tôi đáy nước chìm sâu. Tôi hóa thành người thợ lặn. Và nổi lên ngời sáng ngọc châu. Đảng vùi tôi trong đất nâu. Mong tôi hóa bùn đen dưới đó. Tôi hóa thành người thợ mỏ. Và đào lên quặng quý từng kho. Không phải quặng kim cương hay quặng vàng chế đồ nữ trang xinh nhỏ. Mà quặng uranium chế bom nguyên tử."

(They exiled me to the heart of the jungle. Wishing to fertilize the manioc with my remains. I turned into an expert hunter. Anh came out full of snake wisdom and rhino fierceness. They sank me in the ocean. Wishing that I would remain in the depths. I became a deep sea diver. And came up covered with scintillating pearls. They squeezed me into the dirt. Hoping that I would become mire. I turned instead into a miner. And brought up stores of the most precious metal. No diamond or gold, though. The kind to adorn women’s baubles. But uranium with which to manufacture to atom bomb.)

MICHAEL LIND

(Trần viết Đại Hưng chuyển ngữ từ bài "The Solzhenitsyn of Viet Nam" đăng trong tạp chí “The New Leader” số tháng 2 năm 2001 của Michael Lind.)

Lawndale, một chiều có nắng hanh hao và mưa lấm tấm đầu tháng 9 năm 2002.

(1) Loạt thơ thứ hai này được in dưới cái tên "Hạt máu thơ" sau khi nhà thơ Nguyễn chí Thiện đến Mỹ định cư năm 1995.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002