Đại Chúng số 107 - ngày 1 tháng 10 năm 2002

BỤI PHẤN ÂM THẦM

Kỹ sư Sagant Phan

Vừa rồi nhận được thư của người con gái phương xa. Đọc đến một phần tư là lòng dạ bồi hồi. Quá lâu rồi, không cách chi mà nhớ đến người con gái này gởi thơ cho tôi được. Đời trai giang hồ bốn phương, không nói rõ ngày mai bảo đảm ra sao. Từ khi còn trong mái ấm gia đình, nhà tuy nghèo nhưng đầy tình thương. Thiếu thốn đủ thứ nhưng trong tim đầy ắp tình thương. Đi học và rồi đi dạy học rồi buông cục phấn trắng mà khoác áo chiến y. Đời trai rày đây mai đó. Nhiều nơi nhiều kỷ niệm nhưng kỷ niệm nhiều nhất là đời dạy học. Trong lá thư người con gái đó mà ngày xưa từng là học trò bé nhỏ của tôi, rất cảm động bài thơ trong lá thơ mà cô đính kèm. Tôi đọc hoài không chán:

"Viên phấn nào trên tay

Thầy dạy em học chữ

Bụi phấn nào bay bay

Vương tóc Thầy trắng xóa

Bao mùa Thu đi qua

Thầy xưa nay đã già

Khai trí em thêm sáng

Cho cây đời nở hoa

Từng lời giảng yêu thương

Bao lớp trẻ xa trường

Gói hành trang thêm nặng

Nghĩa tình Thầy vấn vương

Mai lớn khôn nên người

Khi nào em quên được

Công ơn người đi trước

Dìu dắt chúng em theo

Bài thơ này làm tôi nhớ lại thầy cũ của tôi vô hạn. Tôi cũng có Thầy như cô học trò của tôi vậy. Xưa đó, tại Châu Đốc, một tỉnh lỵ nghèo tận biên giới Miên Việt, thầy tôi lúc đó vừa đi dạy vừa mặc áo dài đen, tay cầm dù. Chữ nho thầyviết rất thạo và rất thích học trò nào ngoan ngoãn vâng lời. Thật sự vào thời đó học trò nào cũng đều nể thầy hơn cha mẹ nữa. Lớp học không quá đông như ngày nay mà tôi có về thăm mộ cha mẹ tại quê nhà. Học trò bị bệnh không đến học thì cha mẹ phải đích thân đến trình Thầy, sau đó chưa thấy trò đi học thì Thầy sai một anh bạn trong lớp mà đến nhà trò đó thăm hỏi bình an. Mùa bãi trường, hoa Phượng nở thì Thầy và trò đều bịn rịn nhớ nhung. Thầy buồn vì xa học trò.

Thầy tôi, lúc đó đã già và Thầy một hôm vào nhà thương vì khó thở mà bác sĩ nói là bệnh suyễn. Căn bệnh này mà Thầy nào nào cũng không mắc phải ít thì nhiều. Hít bụi phấn hàng ngày, năm này sang năm nọphỗi chắc bám vào đầy phấn bãng hết mà.

Lúc đó buổi chiều, trời mưa. Tôi từ Saigon, sau khi khoác áo chiến y như mọi thanh niên nào vào sau một thời gian đi dạy, nhưng vì nhu cầu chiến trường càng lúc càng nặng nên Thầy giáo lục đục vào quân trường rất nhiều. Tôi biết cũng có vài trường hợp mà hoàn cảnh y như tôi vậy, cũng dạy ngang hàng như tôi vậynhưng họ có tiền hơn gia đình tôi, nên được ở lại mà hành nghề gõ đầu trẻ. Nhà tôi nghèo, quê thì xa. Tiền tôi làm gởi về nhà cho cha mẹ đôi khi không đủ mua thuốc cho má tôi khi Bà có bệnh ập tới còn tôi tại nơi trường rất dè sẽn, tiện tặn. Áo sơ mi đi dạy xong thì phải móc cẩn thận trong tủ, và khi sờn thì tôi vội nhờ tiệm may đầu đường vá dùm. Cần cổ áo sơ mi thay 2 lần rồi, nếu nhìn kỹ thì thấy màu trắng hơi khác nhau. Vải nyon trắng khi dùng hoài nó cũng có màu thời gian hơi vàng vàng. Vã lại nước sông rất nhiều phèn, nhiều khi xa phòng không ra bọt mà giat sạch chất mồ hôi nơi cần cổ áo. Cơm ăn thì lúc đầu tôi ăn tại quán cơm trên ngõ. Bà cụ này vừa nấu ăn cho tôi mà vừa giảm giá hầu như cho không. Bù lại tôi chỉ cần dạy kèm cho một cậïu bé trai vào chiều chúa nhật chừng 2 tiếng là đủ rồi. Cậu học trò này rất ngoan ngoãn và học rất khá trong lớp. Chẳng lẽ mình nói "con của bà học giỏi đâu cần tôi giúp nữa”, nói như vậy đâu được. Khi dạy xong thì học trò cám ơn và trên góc bàn có một ly sữa đậu nành trái chuối để dành cho tôi. Bà mẹ này tánh tình như vậy quá tốt rồi. Nhưng thời gian sau thì bà này dọn nhà về Saigon mất tiêu. Buổi tiễn đưa rất bịn rịn. Xe đò cũ đợi ngoài ngõ, bà cụ và cậu học trò rơm rớm nước mắt. Bà nói "thôi Thầy ráng lấy vợ đi, ở một mình cực lắm". Tôi cười buồn, thầm nghĩ một mình nuôi không nỗi còn kéo thêm một người nữa. Tôi cũng cóù thằng bạn dạy học, lúc độc thân thì hai người đi chơi vui vẻ. Nhưng khi nó lấy vợ thì thời gian sau tôi thấy vợ nó mua thêm bàn máy may và may thêm vài cái áo rách hay vài cái áo dài. Lúc sinh nhật con nó được 5 tuổi, tôi mua một món quà tằng cho con nó là một con gấu màu nâu. Con nó vui và nó cũng vui nữa. Nó nói "Thôi mầy ráng lấy vợ đi, tao có một đứa em học bên bà xã tánh tình cũng hiền như bà xã tao vậy, mầy chịu không?” Tôi cười lắc đầu: “Thôi mầy,lấy vợ rồi bắt nó may vá nữa hả?”

Khi bà chủ quán và cậu học trò đi mất, tôi đành mua nồi niêu soong chão mà tự túc một mình. Còn một quán nấu ăn nhưng rất xa và quán này chuyên nấu những món ăn miền Bắc, ít hợp khẩu vị của tôi. Dĩ nhiên nấu cơm cho mình những ngày đầu tiên rất cực, hết dầu và hết củi thì rất cực còn mua thịt cá thì không biết cất đâu. Lấy cái tô to đậy lạithì chuột và mèo lảng vảng quanh đó, đậy không kỹ thì miếng thịt đó biến mất nấu canh thì mặn nhiều hơn vừa miệng. Nhưng rồi mọi chuyện cũng xong. Tôi biết nấu ăn một mình và dư một món tiền cho cha mẹ.

Cầm đồng tiền đem đến Bưu điện mà mua măng-đa gởi về quê nhà cho cha mẹ thì trong lòng mình hạnh phúc không thể nói được. Công ơn cha mẹ quá nhiều và số tiền mọn này làm sao bù nỗi đây?

Thành thử khi đi dạy tôi rất thương những học trò nào mà về nhà biết nghe lời cha mẹ. Có một lần tôi còn nhớ, tại lớp tôi dạy buổi sáng có một cậu học trò khá tối dạ. Dạy chữ này quên chữ kia. Khi cho bài về nhà làm thì thường thường trò này nộp bài trắng. Tôi tức hết sức, định kêu lên mà cho vài roi vào mông hay bắt đứng khoanh tay sau bảng đen như tôi làm mấy cậu học trò đánh lộn ngoài sân bị tôi bắt đem vào lớp và đứa kia thì bắt quỳ gối đứa nọ thì phải khoanh tay đứng sau bảng đen.

Cậu này tối dạ lại không chịu làm bài thì tức nào hơn đây? Một buổi chiều đợi tan lớp, tôi vội đạp xe đạp về nhà ăn vội vài miếng cơm nguội. Vì nguyên ngày tôi chỉ ăn được hình như một buổi rưỡi mà thôi là buổi điểm tâm và buổi cơm chiều, trưa thì không đem cơm còn mấy thầy cô người thì về nhà ăn cơm trưa, người thì ăn cơm trong phòng nghỉ của thầy giáo trong trường khép cửa hờ lại. Tôi ăn vội sớm hơn mọi lần vì tôi phải đến một nơi. Tôi phải đến một nơi mới được. Nơi nầy là nhà của cậu học trò tối dạ đó. Chừng 7 giờ tối, nhà nhà lên đèn tôi ráng đạp xe đến tận nơi.

Nhà học trò không có ngõ gài, tôi vội dựng xe đạp kế gốc cây mận và oai phong bước đến cửa. Tôi gõ cửa thì cậu học trò ra mở, anh ta ở trần. Thấy tôi đến thình lình, anh hết hồn đứng chết trân thì có tiếng một bà cụ hỏi "Ai vậy Tèo con?" "Dạ dạ Thầy của con nè." Tôi bước vào, căn nhà đèn dầu lù mù, bà cụ già nằm xọp nơi góc giừơng. Tôi lễ phép chào Bà và nói "Thưa Bà tôi là Thầy giáo của trò Tèo, bữa nay đi ngang nhà trò nên ghé thăm trò một chút, vì trò nghỉ học 2 hôm rồi". Bà cụ ráng chồm dậy, nhưng tôi vội ngăn và nói "Tèo, con coi bà đừng cho bà ngồi, Thầy đứng được rồi.” Bà này chính là Bà Nội của trò Tèo. Cha thì mất sớm, mẹ lúc đầu đi bán quán cà phê nuôi gia đình. Nhưng sau đó người Mẹ vào Nha Trang mà làm nghề vũ nữ hay nghề "sờ nách-ba" (snack bar). Lúc đầu có gởi tiền về nuôi mẹ và con đều đặn, nhưng chừng hai năm thì bặt tin luôn. Bà cụ nhờ người hỏi thăm Nha Trang thì biết con gái mình bị bệnh nặng chở vào nhà thương rồi mất luôn nơi nhà thương... rồi người ta chôn chỗ nào không ai biết được.Nay bà cụ già và đứa con tên là Tèo. Nó đi học xong là về nhà đi đập lúa cho nhà giàu đầu làng, tiền đem về đâu có nhiều, vậy tụi tôi mong Thầy thông cảm dùm. Từng lời nói buồn khỗ của một bà cụ lớn tuổi bằng mẹ tôi nói về hoàn cảnh đáng thương của trò Tèo thì từng giọt nước mắt tôi rớt xuống. Hên là nhà tối đèn nên giọt nước mắt của Thầy không làm Trò Tèo thấy được. Cuối tuần, tôi rút một chút tiền mà tôi cất dưới ngăn kéo. Tôi ra chợ mua cho trò một cái quần đen và hai cái áo trắng đi học. Hên là tôi định dạng nên trò Tèo mang vào không chật.

Lúc tối hôm đó, tôi đạp xe đạp đến nhà Trò một lần nữa, cũng về đêm thì thấy Trò Tèo đang ngồi làm bài vớùi cây đèn dầu leo loét. Tôi trao quà cho trò thì cả ba người rơi lệ. Bà cụ khóc vì mừng, còn trò thì quá bất ngờ và quá vui còn Thầy thì thấy tội nghiệp hoàn cảnh đứa học trò quá đi.

Nên cứ mỗi buổi chiều, tôi về nhà muộn, nhưng tôi không ngại vì tôi độc thân,về sớm về muộn cũng là căn gác trọ buồn tên thế thôi. Tôi kèm dạy thêm cho trò Tèo nhiều bài mà trò Tèo không làm được hay bỏ ngang. Năm sau trò Tèo học thấy khá tấn tới. Cả hai Thầy trò đều vui dạ.

Trở lại chuyện Thầy của tôi, lúc tôi về quê sau một thời gian trong quân ngũ Thầy tôi đã già, có chuyện thầy nhớ có chuyện thầy quên. Nhưng lúc tôi nhắc một chuyện thì Thầy nhớ đến tôi liền. Lúc tôi mới học đạp xe đạp đầu tiên thì tôi chạy làm sao mà đạp hết tốc lực đáng lý đạp chầm chậm nhưng tôi lại làm ngược... càng sợ thì càng đạp mạnh hơn. Vừa đạp vừa la làng nghĩa là mạnh xe xe chạy mạnh trò trò la.

Chạy xuống dốc và đến trường, thật sự tôi không muốn đến trường làm chi. Bên kia tay phải là sân đá banh, bên đây là trường học. Đáng lý quẹo sang tay phải thì mọi chuyện xong rồi, nhưng ma đưa lối quỷ đưa đường, lại quẹo tay trái vào nhà trường.

Rồi đụng ngay Thầy tôi đang thong dong rảo bước với cây dù. Lúc đụng thì hồn vía tôi lên mây, tôi la lớn "Chết cha Thầy rồi!" Đó là hai tội lỗi tày trời. Đụng ngay Thầy của mình rồi còn chưởi thề nữa. Tội đáng xử tử quyết không tha.

Nhưng Thầy tôi lồm cồm ngồi dậy và kéo tôi lên từ đống xe đạp bổ ngửa. Thây nói

"Con có sao không con?" Dĩ nhiên đau bốn phương tám hướng hết sức nhưng tôi nói: “Không có đau đâu Thầy, con xin lỗi Thầy nghe, lần sau con không dám đụng Thầy nữa đâu”. Thầy cười và lượm cây dù lụm cụm đứng lên. Còn tôi không tài nào đạp xe được nữa rồi. Sợ quá đi mất.

Nhắc chuyện này thì Thầy tôi bật cười, Thầy nhớ ra con rồi. À con là Trần văn Đức học lớp sáu A phải không? Lúc đó con hớt tóc cao như cạo trọc đó mà.

Dạ dúng rồi Thầy, lúc đó con ngồi gần cửa sổ.

Từng kỷ niệm nhắc đến từng nhớ thương hiện về. Sau cùng tôi nói “Con cũng có đi dạy, nhưng tận trên Cao nguyên. Con dạy được 3 năm thì con bị động viên, nhưng con không phải đi đánh giặc mà con làm bên ban Tài Chánh cho tỉnh. Thầy nói "Trước khi con về, Thầy chỉ khuyên và chúc con được mọi chuyện bình an nghen con. Bề gì mình làm lành thì Trời Phật cũng độ mình hết đó con."

Tôi từ giã Thầy già và rồi biền biệt nơi quân khu xa vời đó. Tôi không làm cho tỉnh nhưng người ta đổi tôi sang ban hành quân, tuy cũng ban Tài Chánh nhưng phải đi phát tiền cho quân nhân nơi chiến trường. Công việc này nếu nói thì rất nguy hiểm vì lộ trình mình đi và về cùng ngày tháng y như đã định vì phát lương cuối tháng mà. Nhiều người sĩ quan làm nghề này bị dính mìn hay bị phục kích, người bị thương người chết. Tất cả tiền bạc đều bị mất hết và kể như tháng đó quân nhân bị kẹt lương là điều dĩ nhiên.

Nơi nầy cầm lá thư nơi tay của cô học trò nhỏ mà tôi không bao giờ ngờ cô gởi đến được tay tôi. Mặc dầu bài thơ này của người khác làm, nhưng cô chép lại. Bài thơ mộc mạc, tôi nghi tác giả bài thơ cũng là một cô gái học trò không chừng.

Xin đọc lại lần nữa:

"Viên phấn nào trên tay

Thầy dạy em học chữ

Bụi phấn nào bay bay

Vương tóc Thầy trắng xóa

Bao mùa Thu đi qua

Thầy xưa nay đã già

Khai trí em thêm sáng

Cho cây đời nở hoa

Từng lời giảng yêu thương

Bao lớp trẻ xa trường

Gói hành trang thêm nặng

Nghĩa tình Thầy vấn vương

Mai lớn khôn nên người

Khi nào em quên được

Công ơn người đi trước

Dìu dắt chúng em theo

Kỳ sau có dịp sẽ nói về cô gái học trrò nhỏ dễ thương của tôi.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002