Đại Chúng số 107 - ngày 1 tháng 10 năm 2002

RU EM MÃi MÃI

đồng tác giả Bình Huyên

Sau buổi lễ Chủ Nhật, Phượng và Hoàng đi ra khỏi Nhà Thờ. Trên hàng hiên, họ gặp hai vợ chồng già quen biết đã lâu tên là Đại. Cụ ông đã tám mươi sáu tuổi, chân bị tật, đi đứng khó khăn. Cụ bà tám mươi tư, lưng còng, một chân lết ngang, một chân bước tới rất khó nhọc. Hai vợ chồng Hoàng chào:

- Chào hai cụ. Để chúng cháu đưa hai cụ về nhà.

Cụ bà Đại cất tiếng yếu ớt:

- Chào anh chị.

Cụ ông Đại cũng chào bằng giọng khàn khàn:

- Chào hai anh chị. Dạ, nếu được hai anh chị dắt thì còn gì bằng. Tôi còn bước lẹ một chút. Bà nhà tôi lết bết như vậy, phải nửa giờ mới tới nhà ở bên kia đường!

Bốn người từ từ di chuyển qua sân Nhà Thờ. Tới một bụi cây đàng trước chỗ đậu xe hơi, Hoàng trông thấy một cái nhà bằng gỗ nhỏ tý như đồ chơi trẻ con ở dưới một gốc cây thấp. Bên trong căn nhà tý hon đó có cái đĩa đựng trái cây và kẹo bánh. Trước nhà có cái bát đầy cát, trong cắm nhang khói bay nghi ngút. Hai bên bát có gắn mấy cây nến đốt dở đã tắt. Hoàng hỏi:

- Thưa hai cụ, hai cụ ở gần đây chắc biết tại sao người ta bầy nhà với đồ cúng như thế kia?

Cụ bà Đại ngoái nhìn bàn thờ tý hon, trả lời:

- Đó là bàn thờ một thằng bé tám tuổi bị xe hơi cán chết cách nay gần một năm. Nghe thiên hạ đồn rằng thằng bé thiêng lắm. Người gây ra tai nạn ở ngay bên kia đường. Đêm xảy ra tai nạn, vợ người ấy nằm mộng thấy thằng bé hiện đến, mặt mũi chân tay máu me đầm đìa, bảo: "Không thờ tôi, tôi sẽ bắt con gái bà." Người đàn bà tỉnh dậy, sợ quá toát mồ hôi. Con gái bà cũng tám tuổi. Từ đó, bà ta phải hàng ngày bầy hoa quả hương nến khấn vái vong hồn thằng bé bị xe của chồng bà ta cán chết. Không ai dám đụng tới bàn thờ và đồ cúng đó.

Cụ ông Đại góp chuyện:

- Người bị giết oan cũng thiêng lắm. Anh em tổng thống Ngô-Đình-Diệm xưa kia bị bọn tướng tá phản. Chúng nhận lệnh của ngoại bang, nổi lên bắt giết hai anh em ông Diệm. Đúng ba tuần lễ sau, kẻ chủ chốt ra lệnh giết anh em tổng thống Diệm cũng bị ám sát chết. Con em kẻ đó lần lượt bị giết chết hoặc gặp tai nạn bỏ xác ngoài biển.

Cụ bà Đại nói:

- Không nói đâu xa, cách nay hai năm, ở ngay khu này, một người đàn bà bị tên tình nhân dụ vào nhà nó. Ở đó, nó sát hại bà ta, lấy hết vàng, kim cương, tiền bạc, rồi đem xác bà ấy vùi ngoài vườn. Con gái nạn nhân nằm mộng thấy mẹ về chỉ chỗ chôn bà ta và nói tên kẻ sát nhân. Người con gái tỉnh dậy, đi báo cảnh sát. Không tin lắm, nhưng cảnh sát cũng hành quân ập vào nhà tên đó. Một mặt, cảnh sát điều tra chủ nhà. Một mặt, họ cho đào sới vườn của căn nhà ấy. Cuối cùng, họ tìm được xác người đàn bà bị giết. Tên tình nhân bất lương vào tù.

Vừa đi chậm, vừa dừng chân nói chuyện, bốn người mất bốn chục phút mới t?i nhà hai cụ Đại cách Nhà Thờ khoảng năm chục thước! Cụ Đại bà mời:

- Hai anh chị vào nhà ngồi chơi nói chuyện. Ông nhà tôi có nhiều chuyện ma để kể cho anh chị nghe.

Trong căn nhà ấm cúng, hai cặp vợ chồng, một già, một trẻ, ngồi uống nước trà, chuyện trò thân mật. Phượng chợt cất tiếng hỏi cụ ông chủ nhân:

- Thưa cụ, ma có biết ghen không ạ?

Cụ ông Đại gật gù:

- Có chứ. Ma ghen thì ghê lắm. Ngày xưa, ở tỉnh Vĩnh-Long, nơi chôn nhau cắt rún của tôi, có một truyện ma ghen được rất nhiều người biết. Lúc đó, tôi mới mười chín tuổi. Bên cạnh nhà cha mẹ tôi có cặp vợ chồng rất trẻ. Cô vợ xinh đẹp, đảm đang. Anh chồng cao lớn, khoẻ mạnh, đẹp trai. Hai người rất thương yêu nhau, nhưng hay to tiếng vì cô vợ ghen với tất cả những đàn bà, con gái nào liên hệ với chồng cô ta. Hai người có một con trai. Khi đứa bé lên bốn, cô vợ bị bệnh nan y, nằm liệt giường. Trước khi chết, cô ta thều thào bảo chồng: "Khi em lià trần, anh phải ở vậy nuôi con. Anh không được lấy ai. Nếu anh trái lời em, vợ mới của anh sẽ không sống quá ba lần giỗ của em, đồng thời họ không bao giờ có con với anh đượcá! Dù có vợ khác, lúc nào anh cũng chỉ thấy có mình em,..." Người chồng nắm tay vợ, long trọng hứa với người thiếu phụ vắn số rằng ông ta sẽ không bao giờ tái giá.

Người chồng để tang vợ được một năm thì phải tái giá vì không thể nào ở nhà nuôi con được. Trong phòng khách, bàn thờ người vợ cả vẫn đầy đủ hương nến, bát nước, bình bông. Người vợ kế thứ nhất là con gái một người nhà giàu ở cùng tỉnh. Cô ta mới hai chục xuân xanh, rất xinh đẹp, duyên dáng, hiền thục và đảm đang. Khi rước dâu, cô dâu mới rất e lệ. Nhưng lúc động phòng, cô ta trở nên rất tự nhiên, thân mật, như thể đã quen chú rể lâu rồi. Sự kiện này làm chú rể nghi ngờ cô dâu đã thất thân với người đàn ông khác. Tuy nhiên, khi ăn nằm với nhau, chú rể thấy cô dâu còn trinh nguyên, mặc dầu trong lúc giao hoan cô ta tỏ ra rất thành thạo, không một chút e thẹn. Chú rể ngạc nhiên hơn khi thấy tất cả cử chỉ làm tình của vợ mới cưới giống hệt như của người vợ cả quá cố. Đặc biệt là dưới ánh đèn hồng mờ ảo, chú rể thấy khuôn mặt của cô dâu giống hệt khuôn mặt của vợ cả. Lúc đầu, ông ta cho rằng mình say rượu. Nhưng trong các đêm sau đó, mọi chuyện chăn gối xảy ra y hệt như đêm tân hôn. Nghiã là bất cứ khi nào làm tình với người vợ kế thứ nhất, người đàn ông kia đều có cảm tưởng mình đang sống với người vợ cả đã qua đời hơn một năm trước đó.

Người vợ kế không hề thụ thai mặc dầu không kiêng cữ. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Tới năm thứ ba, trong bữa giỗ người vợ cả, người vợ kế thứ nhất tự nhiên trang điểm và mặc quần áo thật lộng lẫy. Gia đình, họ hàng ngồi ăn uống tưng bừng trong nhà khách. Người vợ kế chợt chỉ tay về phiá cửa buồng của hai vợ chồng, miệng kêu thất thanh: "Kià! Chị cả về bắt em đi đây này!" Miệng nói, hai bàn tay tự ôm lấy cổ, người vợ kế thứ nhất chạy vụt vào buồng. Mọi người, kể cả người chồng, không kịp phản ứng, chỉ ngồi ngây ra nhìn theo người vợ kế thứ nhất. Họ giật nảy mình khi nghe tiếng thét nghẹn ngào từ trong buồng vẳng ra: "Anh chỉ có em thôi, anh nhé!" Lúc bấy giờ người chồng mới bừng tỉnh, vùng đứng lên, chạy nhanh vào buồng. Đám thực khách lục tục theo sau. Dưới ánh sáng hắt vào từ khung cửa sổ, họ thấy người vợ kế thứ nhất nằm thẳng cẳng trên giường, hai bàn tay bóp chặt lấy cần cổ của mình, đôi mắt trợn ngược, mặt tím bầm, lưỡi thè ra khỏi miệng. Người chồng nhào vào gỡ tay vợ ra. Nhưng mười ngón tay của người vợ quặp chặt vào cổ như mười gọng kìm, không sao gỡ ra được. Hai chân của người vợ kế co giật vài cái, duỗi thẳng ra, toàn thân bất động.

Sau cái chết ghê gớm của người vợ kế thứ nhất, người đàn ông cố gắng sống cảnh gà trống nuôi con. Một năm sau, ông ta lại bắt buộc phải kết hôn với một người con gái ở mãi Bạc-Liêu, để có người giúp ông coi sóc chuyện nhà. Ông gởi đứa con trai cho gia đình một ông chú ở tận Sài-Gòn. Ông ta dặn họ hàng, bà con không cho người vợ kế thứ nhì biết chuyện ông đã có hai đời vợ. Cho nên, người vợ kế thứ nhì không biết tý gì về đời tư của chồng. Bà này cũng rất xinh xắn, có duyên, giỏi việc nội trợ và buôn bán. Trước ngày cưới, người đàn ông mời pháp sư đến làm phép, dán buà trên khắp tường nhà. Đêm động phòng, cô dâu chú rể đóng chặt cửa buồng, cùng nhau nâng chén rượu hợp cẩn. Chợt có tiếng mèo kêu đâu đó. Cô dâu bảo chú rể: “Đó là con mèo tam thể của em. Em quý nó lắm. Khi cho người chở đồ dùng riêng của em về đây, em nhốt nó vào cái chuồng nhỏ. Cả ngày hôm nay bận quá, em chưa thả nó ra. Anh vui lòng ra mở chuồng cho nó tự do đi lại. Kẻo nó kêu hoài, sốt ruột lắm." Người chồng chiều vợ, mở cửa buồng, đi ra thả con mèo. Sau đó, ông ta vào phòng tắm rửa tay. Khi ông ta trở lại buồng cô dâu, con mèo đã chễm chệ nằm trên giường cưới rồi. Cặp mắt xanh của con mèo cứ đăm đăm nhìn cô dâu. Vừa thấy chú rể, cô dâu nhoẻn miệng cười, đứng lên giơ hai tay ôm lấy cổ chồng mới cưới, miệng nũng nịu nói: “Anh đi lâu quá à! Làm em nhớ anh quá trời! Thôi, chúng mình lên giường nghỉ đi anh." Cử chỉ cô dâu thật tình tứ, bạo dạn. Những gì xảy ra sau đó giống y như buổi động phòng của chú rể với cô dâu lần trước! Trong lúc hoan lạc mê say, chú rể thấy lại những cảm giác ngày xưa giữa ông ta và người vợ cả.

Người đàn ông sợ hãi nhưng không dám nói ra. Ông ta đành chịu thua hồn ma người vợ cả đã nhập vào con mèo của người vợ kế thứ nhì để ám ảnh cuộc đời mới của ông. Ông phải sống những giây phút ái ân với người vợ mới qua vong linh của người vợ cả. Năm đó, ông nhờ nhà chuà làm giỗ cho người vợ cả. Các vị sư tụng kinh giải oan. Một vị pháp sư được mời đến nhà làm phép trừ tà. Người chồng hy vọng với biện pháp đó, lời nguyền của vợ cả sẽ vật chết tình địch của bà sau ba lần giỗ không hiệu nghiệm nữa. Nhưng ông không có con với người vợ kế thứ nhì.

Ngày giỗ thứ ba được làm tại chùa như ý muốn của người đàn ông. Hôm đó, ông ta chỉ ghé qua chùa thắp mấy nén nhang, khấn vái vợ cả. Để họ hàng ở lại ăn giỗ, ông ta trở về nhà. Ông vui mừng khi thấy người vợ kế thứ nhì vẫn bình thường. Ông bèn nhốt con mèo vào chuồng, đem để mãi đàng sau vườn. Ông cẩn thận cài cây roi dâu vào cánh cửa chuồng. Xong, ông về phòng khách rót rượu uống, rồi nắm tay vợ dắt vào buồng ngủ. Hai vợ chồng ái ân mặn nồng ngay giữa ban ngày. Đúng ba giờ chiều, vào lúc mà người vợ cả hấp hối xưa kia, người vợ kế thứ nhì buông chồng, ngồi dậy, mặc quần áo. Bà ta hỏi chồng: "Anh để con mèo ở đâu?" Người chồng nằm trên giường trả lời vợ: “Ở sau vườn. Để lát nữa anh mang vào cho. Em ra ngoài đó làm gì cho gió máyá!" Người vợ kế thứ nhì lắc đầu, đi ra khỏi buồng. Một lúc sau, bà ta ôm con mèo bước vào phòng. Bà run rẩy bảo chồng: "Em tự nhiên thấy lạnh khắp người. Chắc bị trúng gió. Anh lấy dầu và đồng tiền cạo gió cho em ngay!” Người chồng nhảy xuống đất, chạy ra phòng khách, mở tủ kiếm chai dầu gió và đồng tiền. Kiếm hoài không thấy, ông ta chạy vào buồng hỏi vợ: "Em để chai dầu Khuynh-Diệp và đồng tiền cạo gió ở đâu?” Người vợ run lập cập, trả lời đứt đoạn: “Em không biết... à! Hôm nọ em cho bà hàng xóm ở trước cửa mượn. Anh sang đòi lại đi!...Mau lên!" Người chồng cuống quýt, chạy ra cửa, trên người mặc quần xà-lỏn và áo thung. Nhà trước cửa đóng chặt, người đàn ông gõ hoài, không ai trả lời. Ông ta chạy sang bên cạnh. Gặp chủ nhà, ông hổn hển nói: "Chị có đồ cạo gió cho tôi mượn gấp!" Bà hàng xóm lắc đầu: "Dầu mới hết, chưa kịp mua. Anh cảm phiền." Hỏi hai ba nhà đều không có, người đàn ông chạy về nhà, định chở vợ tới bệnh viện. Vào đến nơi, ông ta thấy vợ nằm chết co quắp, mắt mở trưng trưng, mặt mũi xanh lét, hai tay còn ôm con mèo. Con vật thấy ông chủ thì chui ra khỏi tay bà chủ. Nó cong lưng, nghênh mặt nhìn ông chủ ra vẻ đắc thắng. Nó nhăn răng, kêu lanh lảnh “Meo! Meo! Meo!” Đoạn, nó nhảy vụt ra cửa, chạy mất.

Người đàn ông ba đời vợ tự hứa không đi thêm bước nữa. Trên chuyến tầu thủy đi buôn, ông ta gặp một đám bạn hàng. Nhân trà dư tửu hậu, đám người này ngồi tán dóc. Ông chết ba vợ kể lể hoàn cảnh của mình, rồi chép miệng: "Lấy vợ nào, bà cả cũng vật chết. Chắc tôi ở giá quá!" Trong số bạn hàng nghe kể chuyện, có một thiếu phụ tuổi chừng ba mươi lăm. Bà ta quen với người đàn ông goá vợ khá lâu. Bà ta là người Công giáo, còn độc thân, và thường tỏ ra rất có cảm tình với ông ta.

Nghe người bạn trai than thở, bà này an ủi: "Anh đừng buồn. Lát nữa em có chuyện muốn nói với anh.” Tối hôm đó, ngồi trên tầu ngắm trăng, hai người bạn thủ thỉ với nhau. Người đàn ông hỏi: "Lúc nãy chị nói có chuyện gì muốn cho tôi nghe?" Người đàn bà mỉm cười: “Thấy anh cô đơn, em cũng trạnh lòng. Em cũng cô đơn lắm. Bây giờ, hai ta thử ở chung với nhau như hai người bạn. Anh mang con trai anh về nhà, cho nó được hưởng tình phụ tử và mái ấm gia đình. Em sẽ bớt việc buôn bán, giúp anh quán xuyến cửa nhà. Nếu mọi chuyện êm xuôi, và nếu Trời muốn, chúng mình sẽ làm bạn đời với nhau. Anh nghĩ thế nào?" Người đàn ông vốn cũng có cảm tình với người bạn khác phái, ngần ngừ một tý, rồi trả lời: "Đề nghị của chị rất hay. Nếu chị không chê hoàn cảnh của tôi, tôi xin trân trọng mời chị lại ở chung. Nhà rộng rãi lắm. Chị toàn quyền sử dụng."

Thế là rổ rá cạp lại. Hai người bạn hàng khác phái hiệp với nhau, xây dựng cuộc đời mới. Đứa bé trai được khá đầy đủ tình thương. Sáu tháng sau, hai người quyết định chính thức lấy nhau. Đám cưới tổ chức linh đình. Người chồng nhất định giữ đạo thờ Ông Bà. Lần đầu tiên, kể từ khi vợ cả chết, người đàn ông được động phòng với cô dâu hoàn toàn khác với hình ảnh của người vợ cả. Những ngày sau đó, cặp uyên ương sống rất hạnh phúc.

Trong nhà, phòng nào cũng có Thánh Giá và hình Đức Mẹ Maria treo trên tường. Ngoài phòng khách, trên mặt tủ chè cao có bàn thờ bầy biện rất uy nghi. Ở giữa có cây Thánh Giá. Bên cạnh, có tượng Đức Bà Maria. Hai bên có lọ hoa, giá nến. Năm đầu tiên, bà vợ kế thứ ba yêu cầu chồng cho tổ chức ngày giỗ của người vợ cả tại chùa. Ngay đêm hôm đó, bà ta nằm mơ thấy người vợ cả hiện bên cạnh giường. Thấp thoáng sau cánh màn, hồn ma giống y như bức hình để trên bàn thờ đã được chuyển qua phòng ăn. Hồn ma nhếch nụ cười xanh xao, cho bà vợ kế thứ ba nghe tiếng nói văng vẳng: “Chị cám ơn em đã săn sóc chồng con chị tử tế.” Nói rồi, hồn ma mếu máo: “Chị nhớ chồng con lắm!” Chợt hồn ma cau mày, trợn mắt, hú lên: "Trả chồng cho ta ngay! Cút đi!” Đoạn, hồn ma quay ngoắt đi. Bà vợ kế thứ ba giật mình tỉnh dậy. Bà mở mắt ra, kịp thấy cánh màn rung rinh như bị gió tạt. Ngồi dậy, làm dấu, đọc kinh, bà thao thức cho tới sáng. Nhưng bà không nói gì với chồng. Bà lấy nước phép rẩy khắp nhà. Các đêm sau đó, bà vợ kế thứ ba cùng cả nhà được ngủ êm đềm.

Năm sau, ngày giỗ bà vợ cả vẫn được làm tại chùa. Đêm hôm đó, bà vợ kế thứ ba lại gặp hồn ma của bà vợ cả. Đã tâm niệm trước, bà vợ kế nói liền: "Em muốn có con." Hồn ma nheo mắt một cách tinh quái: "Hãy lên Thất-Sơn mà xin." Hồn ma cười the thé, rũ tà áo trắng, bay mất. Bà vợ kế tỉnh dậy, thấy hai cánh màn tạt sang hai bên, cửa màn mở rộng. Lần này, bà kể thật giấc mộng với chồng, rồi hỏi: "Thất-Sơn ở đâu? Có gì tại đó?" Người chồng kể rằng: "Thất-Sơn là một tỉnh nhỏ phía bên kia Châu-Đốc, gần biên giới Việt-Miên. Ở đó có nhiều núi đá. Trên một ngọn núi có một phiến đá giống hình đứa trẻ con với cái đầu tròn xoe. Người ta tin rằng, người đàn bà nào hiếm muộn đàng con cái đến quỳ trước phiến đá, thắp hương, cầu xin, rồi lấy tay trái xoa đầu tròn của phiến đá, sẽ được thụ thai.” Bà vợ lắc đầu nói:”Em có đạo Công giáo không làm việc mê tín được."Ông chồng dỗ dành: "Em chịu khó làm một lần. Chẳng chết chóc gì đâu."

Bà vợ kế thứ ba bắt đầu còn ngần ngại. Sau vì ông chồng năn nỉ nhiều quá, bà ta đánh liều đi xe đò tới Thất-Sơn. Bà hỏi thăm, leo núi, tìm chỗ có phiến đá hình trẻ con, quỳ xuống, thắp hương, khấn vái cầu xin qủy thần cho bà có con, rồi xoa đầu tượng đá.

Đầu tháng sau đó, bà vợ kế tắt kinh. Hai vợ chồng mừng rỡ. Sau chín tháng mười ngày, bà vợ kế thứ ba sanh ra một đứa con gái. Khi người chồng và họ hàng tới thăm, ai cũng giật mình. Đứa bé gái sơ sanh trông giống bà vợ cả như hai giọt nước. Hai mắt nó rất tinh anh. Miệng nó luôn mỉm cười tinh quái! Bà vợ kế cho rằng vì bà bị ám ảnh bởi hồn ma bà vợ cả, nên đứa bé có nhiều nét giống bà ấy. Đứa bé sanh ra chưa được rửa tội theo đạo Công giáo.

Sau ngày giỗ thứ ba của người vợ cả kể từ khi người đàn ông chính thức lấy người vợ kế thứ ba, bà này vẫn khoẻ mạnh như thường. Cả nhà vui mừng, cho rằng hồn ma vợ cả đã buông tha tình địch của mình. Một tháng sau, ông chồng tình cờ xem lịch, thấy đó là tháng nhuần của tháng trước. Ông ta phải làm giỗ vợ cả một lần nữa cho mọi người yên lòng. Sau ngày giỗ, bà vợ kế tự nhiên thấy trong người mệt mỏi lạ thường. Thân thể bà gầy rốc đi, mặc dầu bà ăn uống tẩm bổ đầy đủ. Mỗi lần ăn sữa, đứa bé gái bú mẹ rất nhiều và rất lâu. Bà mẹ thấy rõ là sức khoẻ mình tiêu hao là do việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mặt mũi thân thể bà võ vàng, tứ chi bải hoải yếu ớt. Thầy thuốc tới chẩn mạch, không biết bệnh gì, chỉ cho bà ta uống thuốc bổ. Nhưng bà ta càng ngày càng hao mòn, tuy không bị nóng sốt, đau đớn gì hết. Cuối cùng, bà sấp mình trước bàn thờ, tha thiết xin Chúa và Đức Mẹ tha tội mê tín của bà. Ông chồng bế con đứng bên cạnh tự nhiên quỳ xuống, kêu van: "Xin Chúa và Đức Mẹ cứu vớt vợ con. Con xin theo đạo và rửa tội cho các con của chúng con ngay!"

Hai tháng sau, ông chồng và hai đứa trẻ trở thành người Công giáo. Bà vợ dần dần lấy lại sức khoẻ như xưa. Đứa con gái ăn ngủ bình thường. Nụ cười của nó trở nên hiền hậu dễ thương, chứ không tinh quái như khi mới sanh ra. Tuy nhiên, càng lớn, mặt mũi nó trông càng giống bà vợ cả.

* * *

Từ hôm nghe cụ ông Đại kể chuyện ma ghen, Phượng luôn luôn bị ám ảnh. Trong bất cứ câu chuyện nào với chồng, nàng cũng nhắc tới chuyện vợ ghen với chồng cả lúc sống lẫn khi chết. Một buổi tối thứ Bảy, hai vợ chồng nằm trên giường coi Ti-Vi. Phượng bỗng quay lại nhìn chồng nói:

- Bây giờ em mà chết, mấy con bồ cũ của anh thế nào cũng tìm đến quến anh cho mà coi! Còn anh thì mừng lắm, phải không? Tha hồ tự do!

Hoàng thở dài, nói giọng chán nản:

- Em cho anh là hạng người nào mà dễ để đàn bà quến vậy? Mấy người kia có là Hằng-Nga giáng thế không? Mình và họ lớn tuổi cả rồi. Em nói hoài chuyện này, nghe chán tai mà bực mình quá!

Phượng quay lưng lại với chồng, bưng mặt khóc rưng rức. Nàng thổn thức nói:

- Em sẽ bóp chết chúng nó, không cho lại gần anh!

Khóc chán, Phượng ngủ thiếp đi.

Muời giờ sáng Chủ Nhật. Phượng vẫn còn giận dỗi. Nàng trang điểm, mặc quần áo xong, vùng vằng xuống nhà trước để đi lễ Nhà Thờ, không chờ Hoàng. Chàng mặc quần áo xong, đóng vội cửa, rảo bước theo vợ. Phượng đi nhanh đàng trước chồng khoảng hơn một trăm thước. Hoàng tủm tỉm cười đi sau nhìn dáng đi uyển chuyển của v? khi giận dỗi càng thêm yêu kiều. Còn một ngã tư đèn xanh đèn đỏ nữa là tới Nhà Thờ. Phượng quay lại nhìn. Thấy chồng theo sau nhe răng cười, nàng đi nhanh qua đường, không chờ đèn xanh bật lên. Một chiếc xe hơi từ bên phải chạy qua, thắng không kịp. "Kííít! Rầm!" Thân hình Phượng tung lên, rớt bịch xuống cách đó mấy thước, nằm bất động. Phượng thấy Hoàng hốt hoảng chạy lại, ôm nàng vào lòng, vừa gọi vừa khóc. Người đi đường xúm quanh lao xao. Phượng thấy mình từ từ lên cao, nhìn xuống đám đông đang cứu chữa thân thể rũ liệt vấy máu của nàng. Nàng nghĩ ngay đến Hiến-Lê, tình địch của nàng cách đó gần bốn chục năm. Lập tức, nàng thấy mình đang ở trong một phòng khách. Hiến-Lê đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông trông trẻ hơn bà ta. Hiến-Lê nói:

- Lần du lịch bên Pháp vừa qua, em bất ngờ gặp vợ của ông thầy sinh ngữ, người tình đầu tiên ngày xưa của em.

Người đàn ông hỏi:

- Em còn yêu ông ấy không?

Hiến-Lê lắc đầu:

- Em đã chôn chặt mối tình đầu từ ngày ấy. Bây giờ, em chỉ yêu có mình anh mà thôi.

Phượng nghe vậy, yên lòng. Nàng thấy mình nhẹ nhõm, bước đi trong một vườn hoa. Nàng lại nhớ tới Uyên, người tình cũ khác của Hoàng và lại là bạn của nàng. Tiếng Uyên văng vẳng:

- Ái ơi! Ra mẹ bảo!

- Dạ!

Phượng thấy Uyên đứng ngoài vườn nói chuyện với một thiếu nữ khoảng ba mươi tuổi. Uyên hỏi con:

- Con đã mua tờ tạp chí thường đọc hàng tháng cho mẹ chưa?

- Rồi mẹ ạ. Sao mẹ cứ mua tạp chí đó hoài hở mẹ?

- Vì tạp chí đó có nhiều truyện hay. Nhất là để thưởng thức truyện và thơ của tác giả Hoàng-Phượng.

- Mẹ còn thương ông ta hở mẹ?

- Còn thương ông ta sao được. Ông ấy đã có vợ, con cháu đầy đàn rồi con ạ. Mẹ chỉ muốn chiêm ngưỡng tài của ông ấy mà thôi. Bố con chết rồi. Cái thú duy nhất của mẹ là đọc văn thơ, nhất là tác phẩm của người quen.

Nghe vậy rất hài lòng, Phượng uốn mình bay theo mây gió. Bỗng nàng nhớ Hoàng vô cùng và thấy mình đứng bên bàn làm việc của chồng. Hoàng ngồi ngả đầu lên cánh tay trên bàn, nhắm mắt ngủ. Trước mặt chàng có tấm giấy trắng đầy chữ viết tay. Phượng ghé mắt nhìn, thấy đó là bài thơ làm dở dang:

...Con xin đổi với Chúa Cha

Văn chương, hoạ phẩm, thi ca một thời,

Cho con giữ được suốt đời

Mối tình chung thủy tuyệt vời của con,

Dù cho sông cạn núi mòn,

Lòng con yêu vợ vuông tròn ngàn thu,...

Đọc đến đây, Phượng cảm động, khóc lên rưng rức. Có tiếng gọi:

- Em!! Nằm mơ gì mà khóc ghê thế?! Dậy ngay, sửa soạn đi lễ.

Phượng mở mắt, thấy mình vẫn nằm cạnh chồng trên giường, chứ không chết vì bị xe đụng. Nàng ôm cổ chồng nũng nịu nói:

- Em không ghen vơ vẩn nữa. Nhưng anh phải hứa với em là mãi mãi anh chỉ có em thôi, anh nhé!

Dẫu không chia sẻ giấc mơ với vợ, Hoàng chợt thấy tâm hồn rung động mãnh liệt. Chàng say sưa ngắm Phượng, xuất khẩu ngâm hai câu thơ:

Mặc bao cám dỗ phiếm phù,

Anh nguyền mãi mãi nằm ru tình này!

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002