Đại Chúng số 108 - ngày 16 tháng 10 năm 2002

THÂN CHÙM GỞI

An Xuyên

Công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam phú cường, tự do, không Cộng Sản của hải ngoại qua hơn một phần tư thế kỷ đã biến dạng trở thành miếng mồi béo bở cho tham vọng cá nhân của những kẻ hoạt đầu, con buôn chính trị. Mặc dù hải ngoại đã đóng góp tiền bạc và tài sức không phải là nhỏ cho những tổ chức đấu tranh, nhưng chẳng những không suy yếu, bọn cầm quyền Cộng Sản Việt Nam còn có cơ vững mạnh hơn nhờ số tiền đồng bào hải ngoại gởi về cho thân nhân trong nước, và nhờ những hội từ thiện hải ngoại quyên góp để xây dựng chùa chiền, nhà thờ, trường học, nhà thương cộng với số ngoại tệ khổng lồ từ những chuyến du lịch thăm viếng Việt Nam hàng năm của nước ngoài. Điều này chứng tỏ ý thức đấu tranh chưa được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng hải ngoại. Hơn nữa, tiền bạc và tài sức của hải ngoại đóng góp cho các tổ chức đấu tranh đã không được xử dụng đứng đắn vào công cuộc đấu tranh, mà phần lớn lại chui vào túi những kẻ lợi dụng.

Những người quan tâm đến vận mệnh quốc gia, dân tộc không khỏi băn khoăn lo ngại trước tình thế nguy ngập do sự lan tràn của Cộng Sản trên địa hạt chính trị cũng như văn hóa ngày càng nhiều tại hải ngoại hiện nay. Hàng hóa trong nước tràn ngập thị trường. Bọn tay sai không còn e dè cộng đồng hải ngoại, ra mặt tiếp xúc, buôn bán thẳng với Cộng Sản như một số cơ sở kinh tài đang hiện diện khắp nơi. Những cuộc trình diễn kiểu văn hóa vận của Cộng Sản bình thản xảy ra trong cộng đồng. Thêm vào đó, sự rạn nứt trầm trọng vì tranh giành chức vụ, quyền lợi hão huyền của cộng đồng hải ngoại là mối ưu tư hơn hết của người Việt tỵ nạn . Đoàn thể, đảng phái, cộng đồng nào cũng tách ra làm hai, làm ba mà vẫn không đoàn thể, đảng phái, cộng đồng nào tạo được việc làm gì có ý nghĩa. Dường như không ai phân biệt được rõ ràng quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Các ông bà háo danh định nghĩa những việc làm có lợi cho cá nhân của các ông bà là việc ích lợi chung. Thực tế, chẳng thấy các ông bà làm được gì cho xã hội, cho đất nước ngoài những việc thay nhau lên đọc diễn văn, chụp hình trên báo chí và gây quỹ lấy tiền chi dùng vào những việc không tên. Diễn văn của ngày ra mắt dài như sớ táo quân những việc cần làm và sẽ làm. Nhưng ra mắt xong lại im lặng là vàng cho đến kỳ gây quỹ kế tiếp. Tiền bạc thì hiếm khi chịu bạch hóa cho dân chúng biết các ông bà tranh đấu hay ăn tiêu kiểu gì. Những người có tâm huyết được các ông bà háo danh gắn cho vài ba cái huy chương là lại lầm lẫn trong vòng luẩn quẩn chẳng biết chuyện mình đang làm là chuyện riêng hay chuyện chung, phục vụ các ông bà háo danh hay phục vụ đất nước. Làm việc gì có lợi cho cá nhân mới năng nổ hết lòng. Việc chung không ai coi trọng. Bởi vậy mới có tình trạng các cộng đồng, các hội đoàn hữu danh vô thực cứ mọc ra như nấm nhưng càng nhiều chỉ càng làm khổ đồng bào hơn là làm lợi. Những người có lòng liên tiếp bị ủng hộ những buổi tiệc gây quỹ đủ kiểu. Hết thiên tai đến địa tai, hết trẻ em đến người lớn tuổi, hết ra mắt Hội Đoàn đến họp mặt thân hữu tỉnh nọ, vùng kia, hết khóa học này đến khóa học khác hội ngộ. Đã vậy Ban Tổ Chức của những buổi kiếm tiền bất đắc dĩ này lại ít khi tôn trọng khán giả. Dường như họ chỉ biết tìm cách nào bán cho được nhiều vé, kiếm tiền cho thiệt nhiều để đánh bóng tên tuổi của họ là đủ, không cần biết việc họ làm có ý nghĩa hay không. Họp mặt Hội Đoàn Quân Nhân mà mời gọi cả lũ tay chân thân Cộng cho vào hàng quan khách, lại luôn miệng khoe khoang mới đi Việt Nam du hí về ngay trên sân khấu. Đúng là quảng cáo không công cho Cộng Sản. Như vậy còn đâu ý nghĩa của buổi họp mặt Hội Đoàn quân nhân hào hùng ngày xưa là hàng ngũ đã từng bất khuất chống lại Cộng Sản trên khắp các chiến trường và ngay cả trong chốn lao tù cũng không ngã quỵ. Đồng thời trong lúc bạo quyền Cộng Sản huyênh hoang đòi viện trợ cho các nước nghèo trên thế giới thì các ông bà tỵ nạn hải ngoại lại hùng hổ tổ chức gây quỹ từ thiện giúp trẻ mồ côi, giúp người tàn tật ở Việt Nam. Hóa ra hải ngoại chúi đầu lo cho dân của bạo quyền Cộng Sản để bạo quyền Cộng Sản rảnh tay bành trướng khắp nơi, kể cả bành trướng ngay trong cộng đồng hải ngoại bằng chính đồng tiền ào ạt mang về Việt Nam của hải ngoại. Điều này quả thật là tréo cẳng ngỗng. Các Hội Đoàn từ thiện tưởng đâu mình đang gieo phước, sự thực chỉ là mắc bẫy Cộng Sản. Một số Hội từ thiện còn manh nha bắt tay Cộng Sản mong cầu lợi danh đã vuốt mặt, phủi đuôi tuyên bố không biết ngượng: chỉ làm từ thiện, không tôn giáo, không chính trị. Giọng điệu trơ trẽn khác hẳn ngày bỏ nước ra đi đã bám vào tôn giáo, vào chính trị để chạy cho lẹ và dễ dàng hợp pháp hóa tấm thân chùm gởi nơi xứ người. Thành phần vinh thân phì da này vẫn chứng nào tật nấy, suốt đời không có lý tưởng. Thành phần có tiềm năng chống Cộng cao như thành phần cựu quân nhân cũng phần lớn dị ứng vấn đề chính trị. Một số cựu quân nhân qua sau chỉ chuyên tâm kiếm tiền để đuổi kịp người đi trước. Một số cựu quân nhân qua trước đã ổn định lại chỉ tụ họp để vui chơi với bến cũ đò xưa, chủ trương không cho ai đề cập đến chính trị. Chữ chính trị của họ bao gồm cả việc nhắc nhở đến những trận chiến oanh liệt họ đã từng tham dự ngày xưa. Phải chăng họ đã mất lý tưởng sau những vỡ mộng về các đàn anh của họ khi mất nước? Hay họ mặc nhiên chấp nhận thua cuộc và không muốn mở lại trang sách chiến bại ngày nào? Hoặc những con buôn chính trị đã làm họ thối chí? Lẽ dĩ nhiên, sau những miệt mài hiến dâng máu xương cho tổ quốc, họ có quyền nghỉ ngơi. Chỉ có điều, nếu họ xác nhận không bàn đến chính trị thì cũng không nên mặc quần áo quân nhân trong những đêm hội ngộ kiểu bến cũ đò xưa này, không ổn chút nào. Phủ nhận sự kiện chính trị sao đây khi màu áo tự nó đã khơi lên màu sắc của chính trị rồi. Vả lại, đời sống tỵ nạn ở xứ người cũng đã mang tính chất chính trị rõ ràng và cụ thể. Ngày nào còn là người Việt tỵ nạn, còn làm thân chùm gởi trên xứ người, ngày đó chúng ta chưa thể thực sự tách rời khỏi vòng vây chính trị. Chúng ta bỏ đất nước ra đi vì không chấp nhận chế độ Cộng Sản khát máu, độc tài có nghĩa là chúng ta đã xác nhận vị trí chính trị đối lập của chúng ta. Dù tranh đấu hay không cho một chính thể theo ý muốn, chúng ta vẫn không chối bỏ được ý niệm chính trị trong cuộc sống tỵ nạn ở nước ngoài. Từ miếng cơm manh áo, từ hơi thở, từ ý nghĩ đầu tiên trong ngày dưới bầu trời hải ngoại đã là chính trị. Từ chối ý thức chính trị là cố tình đứng ngoài vòng cương tỏa đương nhiên của vận mệnh đất nước, là ngoảnh mặt trước nợ nước tình nhà của dân con.

Những con buôn chính trị càng lũng đoạn đất nước chừng nào, lương tâm người yêu nước càng không cho phép người có ý thức chính trị được mặc tình để những con sâu làm rầu nồi canh này tàn phá công cuộc đấu tranh giành lại quê hương và càng không thể để những kẻ bán rẻ lương tri băng hoại cộng đồng hải ngoại. Chính những đấu tranh lừa bịp đã làm mất lòng tin của cả người bền gan nhất, tạo nên tình trạng chán nản và thái độ buông xuôi của người có nhiệt tâm. Dĩ nhiên không ai muốn đóng góp công sức cho những đấu tranh thui chột xảy ra như cơm bữa trong cộng đồng hải ngoại và cũng không ai muốn đóng góp tiền bạc cho những kẻ lợi dụng danh nghĩa đất nước để phục vụ danh lợi cá nhân. Nhưng tâm tư người yêu nước lẽ nào đành chịu bất lực trước những kẻ bất nhân để mà phải thêm một lần, chấp nhận đầu hàng bọn Cộng Sản xâm lăng? Những quân nhân can trường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa anh dũng có thể nào thản nhiên xóa bỏ trách nhiệm và bổn phận của người công dân đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ quê hương trong cuộc chiến tang thương gây ra bởi bạo quyền Bắc Việt?. Giặc đến nhà, đàn bà còn phải đánh, huống chi những đấng trượng phu đã một thời hy sinh cuộc sống, hy sinh tuổi thanh xuân để giữ gìn bờ cõi nay sao lại có thể xoay lưng, dấu mặt trước thảm họa của nước nhà, lấy chủ trương không chính trị làm nền cho bến cũ đò xưa? Nếu như những nhà lãnh đạo miền Nam trước đây biết nhìn nhận sai lầm sau khi mất nước, không tiếp tục trò lừa gạt dân bằng những thêu dệt huyền thoại về cá nhân mình và không chối bỏ trách nhiệm mất nước, một lòng cùng đồng bào tỵ nạn bắt tay làm lại từ đầu thì cuộc hành trình giải thể chế độ Cộng Sản đã không đến nỗi nhuốm đầy gian nan như hiện nay. Không có gì mạnh mẽ, dời chuyển núi sông bằng tình đoàn kết. Không có gì mua chuộc lòng người bằng cấp chỉ huy thẳng thắn, biết sửa sai.

Tóm lại, cũng chỉ vì danh lợi hão huyền mà những kẻ hoạt đầu đầy tham vọng cá nhân đã trực tiếp hay gián tiếp tiêu diệt tiềm năng chống Cộng của đồng bào hải ngoại, làm cho những người tận trung với đất nước vô cùng thất vọng và tìm cách xa lánh, thoái thác những hoạt động đấu tranh. Thay vì đoàn kết chống lại kẻ thù chung, lũ người tham danh hám lợi lại kết bè kết phái thủ lợi riêng tư và chống phá người cùng chiến tuyến. Nếu chúng ta để cho những trò đòn phép thâm độc của bọn hoạt đầu dùng để tranh giành ảnh hưởng, quyền lợi xô đẩy chúng ta ra khỏi hàng ngũ đấu tranh thì kẻ đắc tội với tiền nhân không phải chỉ là những kẻ hoạt đầu mà còn là chính bản thân chúng ta. Thấy bất bình mà không can thiệp sao gọi là anh hùng. Thấy sai trái mà không phê phán sao gọi là người ngay. Đã đến lúc người yêu nước kết hợp thành một khối, tìm một hướng đi, một đường lối phù hợp với công cuộc giải phóng đất nước, cương quyết loại trừ những phần tử bất xứng đang tiếp tay Cộng Sản tìm cách lũng đoạn con đường đấu tranh của dân tộc thì mới mong có ngày giành lại quê hương, mang về tự do, ấm no, dân chủ cho quê hương Việt Nam và chấm dứt những tháng ngày làm thân chùm gởi nơi xứ người trong vinh quang.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002