Đại Chúng số 108 - ngày 16 tháng 10 năm 2002

MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Tiến sĩ Vũ Quang: Xin bà cụ vui lòng nhắc lại lời nói của Descartes về địa vị cùa Siêu Hình Học, mà tôi đã bị quên. Thành thật cảm ơn nữ sĩ.

* Trong tập "Những Nguyên lý" Descartes đã nghĩ đến địa vị về Siêu Hình Học. Điều này rất quan trọng nhưng ít người biết đến. Descartes đã viết đại lượt như sau: “...Tất cả các môn triết học chẳng khác nào như một cái cây mà rễ là Siêu hình học, thân là Vật lý học và các cành của thân cây là các khoa học khác nhau mà các khoa đó quy về ba khoa chính này: Đó là y học, cơ học và đạo đức học v.v...” (... Ainsi toute la philosophie est comme un arbre, dont les racines sont la métaphysique, le tronc est la physique, et les branches qui sortent de ce tronc sont toutes les autres sciences, qui se réduisent à trois principales, à savoir là médecine, la mécanique et la morale v.v... ) đại khái như vậy. Trân trọng kính chào Tiến sĩ.

Bác Sĩ Lưu Hà: Tục ngữ Trung Hoa có câu: "THIẾU NIÊN HƯU TIẾU BẠCH ĐẦU ÔNG" là nghĩa thế nào?

* Bác sĩ thiếu mất một câu nữa mới đủ nghĩa. Tôi xin chép lại cả hai câu như sau:

"THIẾU NIÊN HƯU TIẾU BẠCH ĐẦU ÔNG

HOA KHAI NĂNG HỮU KỸ THỜI HỒNG”.

Có nghĩa:

Trẻ trung khoan diễu lão ông

Hoa kia nở thắm sắc hồng bao lăm.

Ta cũng có câu:

- Còn đời ngươi đấy ngươi ơi

Nào ngươi đã bảy tám mươi ngươi già.

Bác Sĩ Văn Tiếng Xuân Dương: Trung Quốc cổ đại có quan niệm hễ vẽ con nào thật giống thì con ấy hiển linh ngay. Phải vậy không?

* Trong điển tích có chuyện này. Trung Quốc cổ đại có một thứ quan niệm, cho là vẽ vật gì , chỉ cần hình của nó thật giống thì nó có thể cảm thâng với vật thật, có linh tính và thần tính của vật thật. Diệp công tử thích rồng, ở chỗ nào cũng dán rồng, thậm chí trong phòng ngủ của dán hoặc điêu khác rồng. Kết quảcảm thông với thiên long, thiên long nghe mà xuống (Theo trong Tân tự tạp sự của Lưu Hướng). Điển tích: Diệp công tử có tính hiếu rồng, trong nhà nơi nào cũng treo đầy cả tranh rồng. Thậm chí ngay trong phòng ngủ cũng đầy dẫy cả rồng. Tên ông vang lừng khắp nơi, ai cũng biết đến. Một hôm rồng thiệt trên trời nghe giáng xuống thò đầu vào trong cửa nhà ông. Diệp công tử nhìn thấy hoảng hốt bỏ chạy. (Ý nói chê trách người dở mà thích khoe như chơi chữ chẳng hạn) gặp phải người hay chữ thì hoảng sợ mà bỏ chạy trốn. (Trích trong Tân tự tạp sự).

Ông Tử Trương đời Xuân Thu họ là Tôn Danh Sư, đệ tử của Đức Khổng Tử cầu kiến Lỗ Ai Công vì nghe tiếng Lỗ Ai Công thường giao hảo với người có học, nên dù từ ngàn dặm vẫn đi đến nước Lỗ để được cùng nhau chuyện vản. Nhưng khi tới nước Lỗ ở đến bảy ngày mà vẫn không được Lỗ Ai Công tiếp kiến. Ông Tử Trương thấy vậy nhờ người khác chuyển lại tích DIỆP CÔNG HÁO LONG cho Lỗ Ai Công nghe.

Ý nói: Hữu danh vô thực, thứ này là "ngụy quân tử". Mục đích chê trách Lỗ Ai Công vậy.

Câu thứ 2: Tôi muốn được biết thêm về Yoga mà nữ sĩ đã giải cho một số người. Vậy xin nữ sĩ giúp giải hộ về Pháp Môn VILAMA YOGA. Cám ơn nữ sĩ.

* Trước tiên tôi xin bàn về ĐỊNH TÂM TỊNH DIỆT. Đó là vào năm 1325 lúc ấy Oyoki đã 70 tuổi, ông hiều được đã đến lúc ông phải chuẩn bị cho sự ra đi của linh hồn, bèn dự định bỏ ra 10 năm để hoàn tất pháp môn Vilama Yoga. Sau ba ngày nhập định, ông tuyên bố chính thức bước vào giai đoạn đnh tâm tịnh diệt thời gian 10 năm. Kế đến, là chiết giảm khẩu thực. Song song với việc giảm thiểu mỗi ngày một hạt cơm, ông gia tăng mỗi tuần thêm hai phút định tọa...

Tiếp đến là “THOÁT HỒN”. Chín năm rưởi năm sau, mỗi ngày chỉ còn ăn mỗi một hạt cơm và chỉ uống có nửa cốc nước. Lúc bấy giờ các bắp thịt của ông đã hoàn toàn như tiêu tan để nhường lại cho nước da bám chặt lấy từng mấu xương và lục phủ ngũ tạng tuồng như đã chai cứng do thời gian giảm thiểu dinh dưỡng. Nhưng phần định tọa lại gia tăng, cả ngày ngồi khoanh tròn trong tư thế kiết già... .Đây là thời gian Oyoki sắp thành tựu. Mười năm sau, thì cũng là thời gian ông đúng 80 tuổi. Trước khi tịch diệt, ông cho gọi các môn đồ đến, để họ được chiêm ngưỡng ông lần cuối. Hôm ấy đúng là NGÀY RẰM THÁNG 8 ÂM LỊCH - Đó là một đêm trăng tròn tuyệt đẹp.

Khi môn đồ đến đông đủ., Oyoki từ từ mở đôi mắt sáng long lanh phản chiếu sự hội tụ tinh quang cuối cùng của vị tôn sư mình. Ông từ từ nói:

- Hãy truyền bá các pháp môn mà ta đã truyền thụ cho các người và hãy nhớ rằng sự truyền bá ấy phải bằng tâm linh chí thành cũng như hơi thở cuối cùng của ta hôm nay đây.

Đạo sư Oykisoma mỉm nụ cười tươi rồi tịch diệt trước sự luyến tiếc của đám môn đồ hôm ấy.

Có dịp tôi sẽ trở lại vấn đề này. Thân.

Ông Lưu Y (Qua Phạm Quyền Lowell - nhờ Thái chuyển): Có một điều tôi thắc mắc là tại sao lại gọi là "Đạo Phù"? Nó có phải là loại chữ do các đạo sĩ vẽ loạn xạ ra không ? Xin bà cụ giải hộ.

* Phù chú xưa nay người ta thường xem đó như là một tôn giáo. Do đó mới gọi là "ĐẠO PHÙ". Danh từ "PHÙ" có nghĩa là "Bùa". Đây là một Đạo do sự tổng hợp của "phương thuật" mà người ta giải thích không phải chỉ có mỗi phương thuật thao tác mà nó còn bao gồm những lý luận tôn giáo nguyên thủy cùng với sự thể hiện với nền văn hóa dân gian. Đây ta có thể nói “Đạo Phù" là một tôn giáo có tính độc đáo chỉ thấy xuất hiện trong văn hóc Trung Hoa nó đã bao gồm cả các tôn giáo tín ngưỡng, các tập tục văn hóa của người Trung Hoa thờ xa xưa lưu truyền lại. Nói tóm lại, Đạp phù là một loại phù hiệu với bút pháp văn tự đặc thù, nó biểu hiệu người Trung Hoa cổ đại sùng bái văn tự và thư tả hoặc nói nôm na là "viết vẽ" - loại tự này nhìn vào nó có tính linh thiêng.

Nhiều người cho rằng đạo phù do các phù thủy vẽ loạn xạ nhưng thật ra lối văn tự này có cơ sở lý luận vững chắc bao gồm tín ngưỡng quỉ hồn, tư tượng họa tượng thông linh, lý luận yểm trừ tà ma quỉ quái v.v...

Ông Sĩ Phương (Qua cụ Phùng Romai Rolland Ave. 93200 St.Dennis France). Trân trọng xin bà cụ giải thích cho hai điều thắc mắc của tôi như sau: 1. có nghe chữ “Huynh Đệ” ở chữ Hán còn có nghĩa khác nữa, đó là nghĩa gì ?

* Chúng ta đọc Kinh Thi sẽ thấy điều này. Chữ “Huynh Đệ” trong Kinh Thi không phải ch? về "anh em" mà nó có nghĩa là cùng thuộc một tông tộc. Nó chỉ về sự thân thiết của những người cùng "tông tộc" ví dụ như cốt nhục.như thủ túc... Họ cùng thường chung đụng với nhau như yến tiệc đãi đằng của chung của tông tộc hay cúng giỗ ông bà tổ tiên...

2. Tôi nghe nói trong truyện cũ tích xưa, có một ông vua từng đứng tiểu vào nón của văn nhân, đó là vị vua nào ? Xin bà cụ nhắc nhở hộ. Cảm ơn bà cụ.

* Đó là Lưu Bang. Ông là một vì vua vốn không có học hành gì cả. Ấy thế mà ông thuộc loại thông minh, mà người ta đã tìm thấy được cái biệt tài của ông khi ca lên được bào "Đại phong ca”. Ông đã dung nạp được bọn Lục Giả, Thúc Tôn Thông...

3. Tôi muốn nhắc lại bài "Điếu Khuất Nguyên phú" bà cụ có nhớ nhắc hộ cho.

* Bài phú mà ông hỏi của Giả Nghị. Giả Nghị là người Lạc Dương, ông bị đem biếm làm Trương Sa vương Thái phó. Lúc ông ngang qua sông Tương có làm bài phú để điếu Khuất Nguyên. Tôi chỉ nhớ trong phần đầu của bài này như sau xin ghi lại chuyển đến ông:

"Cung thừa gia huệ hề, sĩ tội Trường sa,

Trắc văn Khuất Nguyên hề, tự tiêm Mạch la;

Tạo thác Tương lưu hề, kính điếu tiên sinh;

Tạo thử võng cực hề, nãi vẫn quyết thân".

Có nghĩa:

Cung kính gia huệ hề, đợi tội Trường sa;

Lắng nghe Khuất Nguyên Nguyên hề, tự đắm sông Mịch la;

Viết nên bài phú gửi cho nước sông Tương hề, để điếu Khuất Nguyên;

Gắp cảnh lao đao cùng cực hề, gieo thân để chết yên.

Cháu Vương Viên Thủy... (Atascocita Timbers N. TX. 77346: Bà cụ có nhớ một số ca dao tục ngũ nào nói về chuyện... tình duyên Xin cho cháu một ít câu.

* Có một số câu xin chép gửi cháu:

- Anh với tôi làm đôi sao xứng,

Bạc với vàng sao đúng đồng cân.

Trách ai tham phú phụ bần

Tham xa mà bỏ ngãi gần thuở xưa.

 

Em đang dệt chiếu hồi văn

Nghe anh có vợ em quăng em chuồi.

Em đang bắc nước đồ xôi,

Nghe anh có vợ quăng nồi đá vung.

Em đang vò nếp đồ xôi,

Nghe anh có vợ thúng trôi nếp chìm.

 

Ruộng sâu đưa nghe đi bừa

Vợ hai mươi mốt, chồng vừa mười ba.

Ra đường thiên hạ nhìn qua

Rằng không thím cháu cũng là chị em.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002