Đại Chúng số 109 - ngày 1 tháng 11 năm 2002

ỦY HỘI QUỐC TẾ TỰ DO TÔN GIÁO HOA KỲ ĐƯA RA DANH SÁCH 12 QUỐC GIA ĐÀN ÁP TÔN GIÁO

Tin ICRFV (Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam) - Hoa Thịnh Đốn, 9 tháng 10, 2002 – Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ trong bản thông cáo báo chí ngày 30 tháng 9 năm 2002 với đầu đề: “Ủy Hội Khuyến Cáo 12 Quốc Gia Được Chọn Là “các quốc gia đặc biệt quan tâm” vừa phổ biến bản phúc trình với 12 quốc gia trong đó có Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia có hành động đàn áp tự do tôn giáo.

Được biết Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ là một tổ chức liên bang độc lập nhằm cố vấn Hành Pháp và Lập Pháp về các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo trên giới dựa theo đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được Hoa Kỳ công bố năm 1998 (IRFA, International Religious Freedom Act).

Theo bản thông báo này thì Ủy Hội đã đề nghị Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hãy xác định các quốc gia Miến Điện, Bắc Hàn, Ấn Độ, Iran, Iraq, Lào, Pakistan, Trung Cộng, Saudi Arabia, Sudan, Turkmenistan, và Việt Nam là "những quốc gia được đặc biệt quan tâm” (CPC: Countries of Particular Concern).

Theo đạo luật này, CPC là những quốc gia được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xác nhận đã trực tiếp dính líu hoặc dung dưỡng những vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo. Khi một quốc gia được xác định như vậy, Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ năm 1998 buộc tổng thống phải có biện pháp đặc biệt. Những biện pháp này có thể đi từ hành động cảnh cáo chính trị cho đến những trừng phạt kinh tế hoặc là sự khước từ (waiver) những quyền lợi khác.

Theo bản thông cáo, Ông Felice D. Gaer, chủ tịch Ủy Hội tuyên bố như sau: "Sự xác nhận các quốc gia được chú ý đặc biệt là một trong những hành động quan trọng về nhân quyền của bất cứ chính phủ Hoa Kỳ nào". Ông nói tiếp: "Đạo Luật TDTG/QT đòi hỏi Hoa Kỳ chống lại những hành động vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng và có hệ thống bất kể các chính quyền đó trực tiếp can dự hay chỉ dung dưỡng. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy các biện pháp tương xứng đối với mức độ hành động ngược đãi này".

Ngoài ra theo bản thông báo, Ủy Hội cũng lập ra một "danh sách cần được theo dõi" những quốc gia như Ai Cập, Indonesia, Nigeria, và Uzbekistan vì họ đang có hành động vi phạm tự do tôn giáo.

Trong nhiều năm qua, mặc dù Ủy Hội nhiều lần đề nghị các nước Saudi Arabia, Turkmenistan, và Lào cần được xếp vào những "nước được quan tâm đặc biệt” (CPC) nhưng Bộ Ngoại Giao đã khước từ đề nghị này. Hôm nay đây là lần đầu tiên Ủy Hội đã thúc giục Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hãy xác định Ấn Độ, Pakistan, và Việt Nam nằm vào danh sách các nước CPC. Vào năm 1999 và 2000, Bộ Ngoại Giao đã xếp Miến Điện, Trung Hoa, Iran, Iraq và Sudan, và năm 2001, Bắc Hàn được thêm vào danh sách theo lời khuyến cáo của Ủy Hội.

Nguyên văn bản phúc trình của Ủy Hội được phổ biến trên trang nhà www.uscirf.gov. Bản văn có thể lấy được từ văn phòng thông tin của Ủy Hội, điện thoại 202-523-3240.

Theo bản phúc trình này, Ủy Hội đã liệt kê bằng chứng cụ thể khiến cho Ủy Hội phải đưa ra đề nghị với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về các quốc gia liên hệ.

- Chính quyền Trung Hoa đã gia tăng vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo trong năm qua, tăng cường đàn áp bằng võ lực đối với những người theo Tin Lành, Công Giáo, đạo Hồi Giáo Uighur, Phật Giáo Tây Tạng và những nhóm Giáo Phái khác như Pháp Luân Công mà họ gán cho là "giáo phái ma quỷ". Hành động của họ bao gồm cầm tù, tra tấn, và các hình thức ngược đãi khác.

- Tại Ấn Độ, chính quyền đã dung dưỡng những hành vi bạo hành chống lại các tôn giáo thiểu số khiến cho ít nhất đã có 1,000 người Hồi Giáo bị sát hại, hơn 100, 000 bị buộc phải rời nơi ở của họ sau khi người Ấn Độ giáo tấn công bằng bạo lực vào người Hồi Giáo tại bang Gujarat tiếp theo việc 58 người Ấn Giáo bị giết trên chuyến tàu tại Godhra. Ủy Ban Quốc Gia Nhân Quyền Ấn Độ có bằng chứng cho thấy sự chủ tâm của nhóm Ấn Độ Giáo cực đoan được hỗ trợ của các viên chức chính quyền sở tại, và cảnh sát đã bất động trước những cuộc tấn công người Hồi Giáo. Nhiều tín đồ đã bị bắn giết, bị đâm, hãm hiếp, cắt xẻo, hoặc thiêu đốt cho đến chết. Ngoài ra nhiều người Thiên Chúa Giáo cũng là nạn nhân trong các cuộc bạo hành tại Gurajat. Nhiều nhà thờ bị thiêu hủy. Mặc dù chính quyền đã có một vài biện pháp ngăn chặn nhưng họ đã không kết tội những thủ phạm chính. Chính quyền Liên bang đã không có hành động trực tiếp kiểm soát tại bang Gujarat. Sự sợ hãi vẫn còn hiện hữu đối với các nạn nhân.

- Quốc gia Pakistan mặc dù đã giúp Hoa Kỳ trong cuộc chống khủng bố hiện nay cũng được liệt vào danh sách CPC. Họ đã không bảo vệ được các tôn giáo thiểu số trước những bạo hành tôn giáo. Đạo luật phân biệt tôn giáo với những lời lăng mạ và luật chống Ahmadi, đã tạo không khí áp bức tôn giáo taị đây. Việc bạo hành đối với các nhóm Hồi Giáo Shiite bởi các nhóm quân nhân Hồi Giáo Sunni có tổ chức vẫn tiếp diễn. Những lời phỉ báng các tôn giáo đã gây ra nhiều hậu quả căng thẳng kéo dài, đôi khi thành bạo động, kể cả những cuộc tấn công dữ dội chống những người theo tôn giáo thiểu số trong đó có người Hồi Giáo. Trong năm nay đã có sự bộc phát bạo hành đối với những người Pakistan theo Thiên Chúa Giáo. Nhà báo Hoa kỳ Daniel Pearl bị buộc phải thú tội là theo Do Thái Giáo trước khi bị chặt đầu. Chính quyền đã phản ứng nhưng họ không trừng trị những kẻ có trách nhiệm. Mặc dù có dự luật cải cách, nhưng nhiều trường học tôn giáo vẫn huấn luyện và cổ xúy nhiều phần tử tham gia vào các cuộc bạo hành tại Pakistan và nhiều nơi khác.

- Tại Arập Saudia đã không có tự do tôn giáo. Chính quyền cấm mọi hình thức hoạt động tôn giáo công khai ngoại trừ các hoạt động của Hồi Giáo Sunni. Năm ngoái, nhiều công nhân theo Tin Lành đã bị bắt bớ, tra tấn, cuối cùng bị trục xuất. Những chức sắc đạo Shi’a và các nhà học giả tôn giáo đã bị bắt cầm tù vì quan điểm tôn giáo khác với chính quyền. Chính quyền Arập Saudia tra tấn, đối xử tàn ác, làm nhục hoặc trừng phạt, kéo dài giam giữ mà không xét xử; khước từ trắng trợn quyền tự do cá nhân và an toàn cá nhân, kể cả cưỡng bức phụ nữ. Cảnh sát với thành kiến tôn giáo đã sử dụng quyền hành một cách mơ hồ để đàn áp quyền tự do tôn giáo.

- Riêng tại Việt Nam, bản phúc trình dài 20 trang tố cáo chính quyền CSVN tiếp tục đàn áp các tôn giáo và các tín đồ. Một phái đoàn Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ thăm Việt Nam tháng 3 năm 2002 đã xác nhận những chức sắc và tín đồ tôn giáo khác chính kiến vẫn bị quản thúc tại gia hoặc bị cầm tù, trong đó có Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, các chức sắc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thóáng Nhất và các tôn giáo khác. Linh mục Lý đã bị bắt sau khi đã gửi bản điều trần đến Ủy Hội trong năm qua. Ngoài ra, chính quyền vẫn tiếp tục ngăn cản các hoạt động tôn giáo và sách nhiễu các nhà lãnh đạo và tín đồ tôn giáo chỉ vì họ không được phép và ngay cả những thành viên các tôn giáo được nhà nước công nhận. Theo bản phúc trình này, chính quyền CSVN đã tìm mọi cách khống chế, kiểm soát các tôn giáo. Những ai không tuân theo lệnh của chính quyền đều bị bắt giam, quản chế, tù đầy hoặc sách nhiễu. (xin xem bản phúc trình chi tiết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại trang nhà: www.state.gov/g/drl/rls/irf/2002/13916pf.htm

Ủy Hội cũng quan tâm đến các vi phạm quyền tự do tôn giáo trực tiếp hoặc gián tiếp của các chính quyền Ai Cập, Indonesia, Nigeria, và Uzbekistan, vì họ đã không có những biện pháp thích đáng ngăn chận bạo hành hoặc đàn áp đối với các tín đồ, hoặc không trừng phát thích đáng những kẻ chủ mưu nên đuợc Ủy Hội xếp vào "danh sách quan sát" mới.

(Bản Tin của Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam, Inc. Email: ICRFV@cs.com, website: http://tudotgvn.org)

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002