Đại Chúng số 109 - ngày 1 tháng 11 năm 2002

QUỐC NAM, MỘT THI NHÂN ĐA CẢM, LÃNG MẠN VÀ CHAN CHỨA TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

Phong Thu

Tuần san Đại Chúng nhận được thi tập “Người Tình Quê Hương" của nhà thơ Quốc Nam gởi tặng. Ông Hoài Thanh, chủ báo, đã trao cho tôi đọc. Dù rất bận rộn nhưng vốn là "con mọt sách" lại mê văn chương, thi phú, thế là tôi đã dành cả ba ngày, để đọc và suy tưởng về những vần thơ của Quốc Nam. Ông chủ báo vui tính cứ hỏi "thấy sao Phong Thu", tôi cười và email sang cho ông bài thơ "Nói Với Người Tình Quê Hương". Trong bài thơ đó, tôi đã xử dụng tựa của 12 bài thơ trong tập thơ "Người Tình Quê Hương" để tặng Quốc Nam, người mà tôi chưa bao giờ biết mặt. Điều đó chứng tỏ: thơ Quốc Nam có sức rung cảm đối với người đọc.

Tôi được hân hạnh biết Quốc Nam duy nhất một lần nhân ngày “Cơ Sở Văn Hoá Đông Phương Kỷ Niệm 1/ 4 Thế Kỷ hoạt động” tại Huntington Beach, California vào đêm 26 tháng 10 năm 2001 ở ca vũ trường Majestic. Buổi đó được gọi là “Đêm Ân Tình Việt Nam”. Tôi đến muộn và đang ngơ ngác muốn tìm thi sĩ Quốc Nam. Ca vũ trường khá đông quan khách đến tham dự, và tôi không biết ai là người hướng dẫn mình tìm đúng vị trí để ngồi. Nhìn thấy một người đàn ông mang kính trắng, khuôn mặt thông minh, sáng, phong cách lịch sự, tôi hỏi:

- Thưa ông, tôi muốn tìm thi sĩ Quốc Nam. Xin ông giúp giùm.

- Dạ, tôi là Quốc Nam.

Tôi bật cười và nói:

- Thật là may. Cứ hỏi đại, lại tìm ra anh.

Thi sĩ Quốc Nam vui vẻ nói vài lời cám ơn và mời tôi đến ngồi chung bàn với Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại, rồi anh vội vã đi ngay để chào đón quan khách.

Đêm đó, hội trường chật kín. Tôi được xem toàn bộ những thước phim nói về Cơ Sở Văn Hoá Đông Phương và Giải Quốc Tế Tượng Vàng Việt Nam. Hầu hết các diễn giả tên tuổi trong "Đêm Aân Tình Việt Nam" đều nói về nhà thơ Quốc Nam với những lời khen tặng nồng nhiệt. Đặc biệt, hai tổ chức quan trọng của tập thể người Việt tại hải ngoại là Tổng Hội Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại đã tuyên dương nhà thơ Quốc Nam là "Chiến Sĩ Văn Hoá Việt Nam". Tôi là một người khách mới, so với anh, tuổi đời tôi còn quá trẻ. Ở trong nước, tôi thuộc thế hệ thứ ba cầm bút. Trong nhiều năm trước đó tại Việt Nam, tôi hầu như đã gác bút. Tôi đến Hoa Kỳ chỉ trong 10 năm, tôi không xuất hiện và chỉ cộng tác chính thức cho Tuần Báo Đại Chúng trong vài năm gần đây. Do đó, khi nghe quá nhiều người khen anh, tôi rất ngạc nhiên, và tự hỏi tại sao người ta lại dành cho anh những lời khen nồng nhiệt đến thế?

Trong tập thơ "Người Tình Quê Hương", tôi tìm được nơi anh những ý tưởng mới lạ. Anh đã ví von quê hương giống như một người tình tuyệt vời thướt tha trong tà áo tím. Màu áo bình thường dễ yêu, dịu dàng, thơ mộng biết bao. Màu áo đó đã làm ngây ngất hồn những chàng trai tuổi đang yêu. Ngay trong lời mở đầu của tập thơ, Quốc Nam đã suy tưởng nhớ đến người tình. Anh mơ gặp lại người tình xưa trên chính mảnh đất dung thân lạc loài. Nhưng người tình đã xa anh vĩnh viễn. Anh nói về người con gái anh yêu, nhưng thực ra anh đã mượn hình ảnh người con gái tuyệt vời, đẹp như một bài thơ, để anh mãi lưu luyến nhớ thương đến ngơ ngẩn, đó là "Quê Hương". Thơ Quốc Nam bàng bạc, bao trùm mối tình lớn lao đó trong suốt quá trình lưu vong, mất quê hương. Màu áo tím đã chứa đựng nhớ thương, khắc khoải, màu tang chế, u buồn đang bao trùm cả một bầu trời nhạt nhoà khói sương của quê hương Việt Nam. Trong bài thơ "Nói Với Người Tình Quê Hương" tôi đã viết:

Áo Dài Quê Hương (*) mang trời diễm tuyệt,

Cao Nguyên Tình Xanh (**) phủ bạt ngàn thông.

Anh, thi sĩ với hồn thơ mênh mông,

Yêu quý quê hương qua tà áo tím...

Ít lâu sau, hay tin con gái anh qua đời, tôi rất muốn gởi thư, gởi thiệp, hay gọi điện thoại chia buồn cùng anh, nhưng lại ngại ngùng. Tôi không dám khơi động mối thương tâm của một người cha vừa mất một đứa con yêu qúi. Mấy tháng sau, tôi mới dám gọi điện thoại thăm hỏi anh. Tuổi đời anh và tôi cách xa nhau, nhưng tôi đã xin phép được gọi bằng anh cho phải đạo. Tôi nghe tiếng nói nhẹ nhàng, âm thanh buồn buồn của anh bên kia đầu dây. Khi nghe tôi nói lời chia buồn, giọng anh nghẹn đi. Anh ngừng lại một lúc, và tôi hết sức xúc động khi nghe anh tâm sự: “Một đời tôi sống cho người khác nhiều quá, tôi mải lo công việc mà ít quan tâm đến con cái. Đến khi cháu qua đời, tôi mới cảm thấy hối hận vô cùng..."

Tôi im lặng nghe anh kể một phần chuyện đời của anh. Anh đã trải lòng anh với một người bạn nhỏ mà anh chưa hề biết rõ ràng cô ấy là người như thế nào? Tôi đã tìm đọc trên website những tin tức, hình ảnh nói về hoạt động của Cơ Sở Văn Hóa Đông Phưong và vai trò của anh trong lãnh vực văn hoá nghệ thuật suốt nửa thế kỷ. Tôi thầm cảm phục con người đa năng, đa tài, giàu nghị lực và sáng tạo như anh. Anh đã nói những lời với con trong "Thư Cho Con Gái Yêu Dấu" (trích thi tập Quê Hương Nước Mắt): "...Ngày sinh nhật thứ sáu của Ly Ly, Bố mẹ đặt niềm hy vọng vào con và chị con, sẽ mãi mãi chứng tỏ mình là người Việt Nam máu đỏ da vàng, sống cho niềm hãnh diện của quê hương xứ sở, hoà mình với cộng đồng Người Việt hải ngoại, và ĐỪNG ÍCH KỶ SỐNG CHO HẠNH PHÚC CỦA CÁ NHÂN MÌNH QUÁ NHIỀU..."

Lời nói nầy có giá trị lớn trong một xã hội, mà chủ nghĩa cá nhân là mục đích chính của con người.

Sau khi nhận được thi tập “ Quê Hương Nước Mắt" anh gởi tặng chung với một số báo, tôi mới biết tại sao tập thơ nầy phải in lại bốn lần, dù đó chỉ là một tập thơ nhỏ, mỏng và đơn sơ. Tôi đọc ngay đêm đó vài trang đến nửa khuya, và ở phần mở đầu anh đã viết:

... Kể từ ngày Chủ Nghĩa Cộng Sản thống trị đất nước Việt Nam thì quê hương gấm vóc đã ngập tràn nước mắt và đau thương chất ngất. Tôi xin đặt cho dải đất hình chữ S từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau bằng bốn chữ "Quê Hương Nước Mắt"...

Ở hải ngoại, nhiều người còn nuôi ảo tưởng là trở lại nắm chính quyền. Một số tay chính trị nửa mùa, những phường bát nháo học đòi làm chính trị để kiếm ăn, hay những người đầu óc thủ cựu, già cỗi, tự cao, tự đại, phủ nhận vai trò quan trọng của thế hệ trẻ. Quốc Nam lại có cái nhìn rộng, xa, bao quát, anh đã viết:

"... Từ ngày lưu vong sang Hoa Kỳ, tôi luôn luôn nghĩ mình là "kẻ đào ngũ của quê hương khổ đau", bây giờ sống yên lành ở xứ người, thì phải tìm cách chuộc tội, và bọn người như chúng tôi đừng bao giờ mơ tưởng trở về lãnh đạo xứ sở trong tương lại nữa. Hãy dành tất cả chỗ ngồi xứng đáng cho những người chiến sĩ đang nằm gai nếm mật trong nước...Tôi muốn gởi gấm tới thế hệ tam thập và tuổi trẻ Việt Nam đầy năng lực: Hãy dấn thân nhận lãnh vai trò "trở lại quê hương làm lịch sư"û...

Anh gởi một thông điệp, khẳng định vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong tiến trình đấu tranh cho một đ?t nước Việt Nam, dân chủ, tự do. Những bài thơ nói về quê hương, khóc cho quê hương đã mất và số phận những cuộc đời lưu đày, xa xứ làm thân chùm gởi, chính là nỗi đau xót của hàng triệu người Miền Nam Việt Nam. Tiếng nấc của trái tim anh chính là hơi thở, là nhịp đập, là niềm đau xót tột cùng của những người đánh mất quê hương. Lời thơ của anh là tiếng nói, là suy tư, là nỗi lòng của những con chim lạc đàn, lạc tổ, vì đâu phải ngậm ngùi bỏ nước ra đi? Đi tìm miếng cơm manh áo, đi tìm tự đo, đi tìm ánh sáng của cuộc sống, và đó cũng là sự phản kháng một chế độ cộng sản phi nhân đã vùi lấp dân tộc trong biển máu, nước mắt, đau khổ đã hơn nửa thế kỷ. Đó cũng chính là sự thành công của tác phẩm đã đưa tên tuổi anh vào làng văn học Việt Nam. Hãy nghe anh bộc lộ nỗi lòng qua thi ca, để tiếc thương cho đất nước rơi vào tay cộng sản:

Ta gọi tên Mẹ nhiều đêm tuyết đổ

Nước mắt lưu vong ray rứt lòng nhau.

Đời thi nhân vấn tang trắng cúi đầu,

Vắt máu tim thành thơ dâng tổ quốc.

MỘT NHÀ THƠ ĐA CẢM,

LÃNG MẠN VÀ CHAN CHỨA

TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

Tại sao tôi dám nói Quốc Nam là một nhà thơ đa cảm, lãng mạn. Trước hết, anh là người yêu thiên nhiên, anh đã xem thiên nhiên như một người bạn và rung động trước vẻ đẹp bất tử của màu xanh thành phố Seattle trên cao nguyên Washington State (Tây Bắc Hoa Kỳ). Anh đã thầm gọi rừng thông bạt ngàn, những dốc đèo thoai thoải chạy dài bất tận là "Cao Nguyên Tình Xanh". Anh có lần nói với tôi: "Ở đây đẹp lắm Phong Thu. Mai mốt có rảnh nhớ đến thăm Seattle nhé!”. Tôi cứ ừ bừa, nhưng cuộc sống tôi quá bận rộn với học hành, với công việc và gia đình, không biết đến khi nào mới có thể đến thăm “Evergreen State” (tiểu bang Xanh Bất Tử) của anh. Từ cao nguyên xuôi về Nam, ghé miền Bắc California, chợt nhìn thấy một rừng hoa vàng rực rỡ, anh đã đặt tên là "Thung Lũng Hoa Vàng". Hai cái tên đó vừa thơ mộng, vừa giàu màu sắc, hình tượng, đã trở thành tên gọi thân thương của dân Việt Nam.

Thứ hai, thơ anh chở nặng tình yêu gia đình, kính yêu cha mẹ, biết ơn người sinh thành dưỡng dục. Khi cha mẹ qua đời, anh đã làm bài thơ than khóc nói về sự can đảm của cha đã mang gia đình di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, và gia tài cha anh để lại cho các con là ánh hào quang bất khuất:

Sớm Seattle trời mây xám thấp,

Cha đã âm thầm nằm xuống thiên thu.

Trắng đôi tay tìm cõi chết sương mù,

Thế là hết một đời Cha ngang dọc.

(Vĩnh Biệt Mẹ Cha)

Quốc Nam đã khóc Mẹ, người đã hy sinh tận tuỵ một đời, buôn bán tảo tần nuôi các con ăn học nên người:

... Mẹ đã mất một thu tàn năm trước

Hai mùa tang đè nặng trĩu tâm hồn

Con đau buồn lệ máu mắt trào tuôn,

Rồi Mẹ, rồi Cha, lìa con vĩnh viễn...

(Vĩnh Biệt Mẹ Cha)

Viết về các con, nhà thơ Quốc Nam đã viết những lá thư với tình yêu thương vô bờ. Anh dạy các con yêu kính Mẹ hiền, nội ngoại, và giữ gìn văn hoá, ngôn ngữ tập quán của người con gái Việt Nam trong hai bài " Thư Cho Con Gái Yêu Dấu" và "Thư Cho Con Gái Đầu Lòng" (Quê Hương Nước Mắt). Anh viết cho con trai những dòng thơ bi hận vào đúng ngày 30 tháng 4 cậu bé chào đời. Anh muốn truyền sang cho con ngọn lửa đấu tranh:

... Con lớn lên chia ước mơ cùng bố:

Một ngày nao quét sạch lũ Cộng Nô...

Việt Nam ơi! Thương biết đến bao giờ,

Bố con ta về dựng người dựng nước...

(Cho Con Quê Hương Sẽ Lớn)

Tình chiến hữu, bạn bè, đồng đội cũng xuất hiện trong thơ Quốc Nam. Anh làm thơ tặng bạn bè, thương nhớ những người bạn bất hạnh còn kẹt lại Việt Nam. Từ một người lính hào hoa, mê gái, mê rượu, mê vũ trường... anh đã bỏ tất cả mọi cám dỗ để cố gắng làm được một điều gì đó cho bạn bè, cho quê hương. Anh làm việc không ngừng nghỉ, bất kể ngày thứ bảy, chủ nhật, để chia xẻ nỗi đau cùng cực của anh em, bạn bè đồng đội còn sống hay đã chết trong ngục tù cải tạo của Cộng Sản. Anh đau đớn khi biết đồng bào vượt biên đã phơi xác trên biển khơi hoặc rừng sâu, nước độc. Anh đã khóc khi đọc được lá thư của người bạn chiến đấu gởi cho vợ nói lên sự đói khổ cùng cực của trại tù cải tạo, mà ai cũng biết đó là địa ngục trần gian:

... Ta tủi thân trai nợ áo cơm,

Anh em đồng đội chết dần mòn

Trong lò lửa đỏ quê hương đó,

Em hãy cùng ta đốt lửa hồng...

(Giữ Lửa Quê Hương)

Ngọn lửa đấu tranh từ những ngày đầu thập niên 80, có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với toàn thể người Việt Nam ở hải ngoại. Đó là những năm tháng đấu tranh sôi động nhất mà anh và bạn bè luôn nuôi dưỡng ý chí sắt đá một ngày mai mang lại mùa xuân cho quê hương:

... Về đây gặp lại dăm bằng hữu,

Có những tình thân tưởng biệt ngàn.

... Giao thừa ta đốt trầm hương ngát,

Xin những bàn tay xích lại cùng.

Thung Lũng Hoa Vàng, Xuân mới nở,

Cùng nhau dựng lại một quê hương...

(Mùa Xuân Trên Thung Lũng Hoa Vàng)

Trong lúc nhiều người ngày xưa chưa bao giờ biết cầm súng bảo vệ Miền Nam, họ ăn trên ngồi trước, gia đình, dòng họ hưởng đặc quyền, đặc lợi của chế độ Miền Nam. Khi Miền Nam thất thủ, họ bỏ chạy trước tiên, nhưng khi ra hải ngoại viết sách, viết sử chỉ biết trách cứ, chê bai người khác, mà không nhìn thấy sự ươn hèn, tội lỗi của mình. Ngược lại nhà thơ Quốc Nam đã tự nhận mình là "Kẻ Đào Ngũ Của Quê Hương Khổ Đau":

... Tôi nhục nhã trong tôi

Kẻ bỏ nước ra đi

Bỏ anh em ở lại

Bỏ đồng đội gian nguy.

...Tôi thèm chết trong tôi

Một đời trai buồn tủi

Tôi ngơ ngác nghẹn lời

Xin cúi đầu nhận tội...

Con người đa cảm của Quốc Nam đã thốt lên tiếng gọi tha thiết: "Việt Nam- Quê Hương ơi!". Trái tim anh luôn có cùng nhịp đập với sự trăn trở của quê hương. Mối tình bất tử đó đã khiến cho anh không bao giờ có giấc ngủ bình an. Anh vẫn nhớ "Trời Xuân Cũ" với đồng lúa vàng ôm ấp luỹ tre xanh, có lời ca ngọt lịm trữ tình, và những hình ảnh thân quen của mùa xuân vẫy gọi:

... Mùa xuân sang ta mơ trời xuân cũ

Nắng xuân vàng hay nước mắt

phía trời thu.

(Trời Xuân Cũ)

Trong đêm ra đi vượt thoát tìm tự do, anh bàng hoàng thổn thức khi biết cuộc đời mình là một phần của quê hương. Máu anh đã từng thấm đỏ trên đất Mẹ, và tự trong trái tim nhỏ bé đã có những nhịp đập bất thường, nhức nhối, khi băng qua Thái Bình Dương. Anh đã dùng thể thơ năm chữ, ngắt nhịp đều đặn, để nhấn mạnh tâm trạng buồn da diết:

... Ta băng Thái Bình Dương

Hồn vẫn còn ở đó

Con tàu qua đêm trường

Mộng đời thành bão tố

Ôi! ngày dài quê hương...

(Dòng Sông Thánh Địa)

Anh nhắn nhủ, nhắc nhở người ở lại, bằng lời thơ tha thiết:

... Cho ta nhắn bạn bè

và người tình phố nhỏ

một đời ta nhung nhớ

một đời ta còn nghe

tiếng sáo diều trong gió

lời em hát chiều quê

trên bờ sông thánh địa.

(Dòng Sông Thánh Địa)

Mất quê hương là mất tất cả. Anh đã nhân cách hoá quê hương chính là người Mẹ Việt Nam, mất quê hương cũng như mất Mẹ hiền. Đứa con bất hiếu đã không làm tròn bổn phận đành mượn vành khăn tang thay lời tạ tội với Mẹ hiền:

... Tôi để tang quê bao năm tủi hận,

Tôi để tang đời nhục nhã lưu vong.

Tôi để tang tôi nửa đời nắng hạn

Với lòng son quyết nương bóng Cờ Vàng...

... Đời lưu vong tàn tạ mảnh linh hồn

Kinh sám hối ngân vang lời tiễn biệt...

(Vành Khăn Tang Cho Quê Hương)

Bởi anh không thể quên:

... Làm sao ta quen được những địa danh xa lạ

Của Hoa Kỳ hay của Missouri

Ta chỉ quen tên những Quảng Trị, Đà Nẳng, Huế, Banmêthuột, Pleiku,

Và biết bao cuộc di tản kinh hoàng đầy máu lệ....

(Trời Xuân Cũ)

Thơ Quốc Nam đầy tính đa cảm và lãng mạn gắn liền với tình yêu quê hương. Điều đó thể hiện rõ nhất trong thi phẩm "Người Tình Quê Hương". Thi phẩm nầy đã có những nhận thức thực tế hơn về những giấc mơ không thực của một số tổ chức đấu tranh ở hải ngoại. Anh nhìn thấy chân tướng của những người đi buôn ảo mộng, của những lãnh tụ, hội đoàn "nói nhiều làm ít", chống Cộng giả hiệu để kiếm cơm, của những người cái "tôi" quá lớn và bệnh hoang tưởng đã bám rễ ngay trong đầu óc. Song, trái tim anh vẫn ngời sáng một quê hương với tình yêu chung thuỷ, thiết tha và bất tử. Ngay từ phần mở đầu tập thơ anh đã viết "Thư Gởi Người Tình Quê Hương". Thông thường chúng ta viết Người Tình Và Quê Hương, hai danh từ được nối lại bằng chữ "và" thì ý nghĩa của câu nói khác đi. Quốc Nam đã dùng hai danh từ nầy đi đôi với nhau, ý nhấn mạnh rằng Quê Hương và Người Tình chỉ là một. Quốc Nam kể lể chuyện tình của mình y như câu chuyện thật, đã xảy ra, đã hiện hữu trong cuộc đời của anh. Nhưng thật ra, đó là nỗi nhớ thương quê hương đeo đuổi theo anh suốt một phần tư thế kỷ. Anh đã đối diện với sự thật, anh hiểu rằng giấc mơ trở lại dưới bóng cờ vàng ngày càng xa lắc xa lơ.

Chiếc áo dài Việt Nam vẫn là biểu tượng của nền văn hoá Việt Nam, và màu tím hoa sim vẫn còn làm hồn anh ngây ngấy men say ngọt ngào của tình yêu. Có lãng mạn, đa tình không, khi chúng ta nghe anh nói:

Aùo dài tím em mang, trời diễm ảo,

Tôi còn ngây ngất. Máu xôn xao.

Buổi trưa chợt cảm lòng mưa bão,

Một chút hương bay đã ngọt ngào.

(Áo Dài Quê Hương)

Tại sao anh yêu màu áo tím, đó có phải là màu quê hương không hỡi người em gái Việt Nam? Có phải bóng em đã thấp sáng quê hương cho bình minh thức dậy, và đời lưu vong còn niềm hy vọng ngày về:

Em ạ! Tôi yêu màu áo tím,

Bóng hình mở sáng một quê hương

Mốt mai trên nẻo đường vô định,

Tà áo em dài những nhớ thương.

(Áo Dài Quê Hương)

Người thi sĩ mất quê hương như kẻ không nhà, nên hồn anh cứ mãi lang thang trên nẻo đường vô định. Nếu có ai hỏi địa chỉ nhà anh ở đâu, anh chỉ trả lời rằng:

... Địa chỉ tôi là góc đời ảo mị,

Mãi lang thang, tìm một chốn ủi an.

Óc tim tôi in hình bóng xóm làng

Nắng cổ tích trên dậu tre, hoa, bướm.

(Địa Chỉ Tôi)

Rồi anh van xin khẩn thiết:

Xin hãy cho tôi tình quê thắm đượm

Địa chỉ tôi là một mái tranh nghèo.

Ruộng lúa vàng làm lịch sử cuốn theo,

Trong tình tự dân tôi vươn sóng lớn...

(Địa Chỉ Tôi)

? Cao Nguyên Washington (Seattle) mà anh gọi thầm gọi là "Cao Nguyên Tình Xanh", từng khiến lòng anh bồi hồi xao xuyến nhớ sóng mắt người tình Hồ Than Thở, với đỉnh núi Lâm Viên đã tắt ánh lửa hồng, và người lính chiến vẫn còn mong ngày trở lại làm nên trang sử oai hùng:

... Tôi gọi cao nguyên Tây Bắc ơi!

Giữ niềm tin tưởng một ngày mai.

Đoàn quân quyết bạt sông và núi,

Em hãy cùng tôi cứu giống nòi...

(Cao Nguyên Tình Xanh)

Những bài thơ tình tự với Cao Nguyên Tình Xanh số 2, rồi số 3 ra đời cách nhau một năm. Bài số hai là sự nhận dạng mình bất lực:

... Thân tôi, cõi tạm, xin chào,

Rời xa cuộc chiến, tìm cao nguyên tình.

Màu "Alpha Đỏ" lung linh,

Nàng thơ áo tím hiện hình trong tôi.

(Bài Cao Nguyên Tình Xanh số 2, năm1993)

"Bài Cao Nguyên Tình Xanh số 3" là những dòng lệ khóc quê hương ngay phần mở đầu:

Chào em đôi mắt sáng hồng,

Thơm dòng lệ nhỏ đầu sông cuối hồ...

(1994)

Từ Cao Nguyên Tình Xanh xuôi về Thung Lũng Hoa Vàng, trong thập niên 80, nhà thơ Quốc Nam đã cùng một số cơ quan truyền thông và báo chí Bắc California phát động phong trào cứu người vượt biển, bằng chiến dịch "Tình Thương Dưới Aùnh Sáng Mặt Trời". Nhà thơ Quốc Nam đã diễn tả bước điêu linh của những người vượt biển. Trái tim anh rung cảm một tình thương đối với những người cùng màu da chủng tộc trong bài thơ Thung Lũng Hoa Vàng:

... Em yêu mở cõi lòng,

Giữa thủ phủ tình thương,

Bằng mấy mùa chiến dịch:

“Cứu Người Vượt Biển Đông”

Với phương thức xử dụng mệnh lệnh cách, anh đã kêu gọi những trái tim Việt Nam:

... Hãy tụ về đây nhanh,

Có trái tim Việt Nam

Đắp xây tình Việt tộc

Trên Thung Lũng Hoa Vàng...

(1988)

Hai năm sau, bài thơ “Cuối Năm Thung Lũng Hoa Vàng” ra đời, tâm trạng của nhà thơ đang cay đắng, buồn phiền:

... Chén rượu từ lâu ta đắng cay,

Tình thân, hơi ấm, siết bàn tay.

Uống đi, ta uống vơi sầu tận,

Và nở hoa đời xanh biếc mây...

(1990)

Tám năm trôi qua như một giấc mơ, thi sĩ đã âm thầm nhìn mùa xuân trở mình trên thung lũng thấp, thấy mấy mùa hoa vàng rực rỡ một trời Cali tràn ngập nắng êm đềm. Nhưng lòng anh khoắc khoải không yên, khi chưa một ngày trở lại thăm quê hương:

Đã tám mùa xuân trên lũng thấp,

Aâm thầm theo những bước chân qua.

Hồn tôi chừng mỏi trăm vùi lấp,

Có thấy bao giờ một dáng xưa?

(1991)

Những ngày xa xứ, sống cô đơn với kiếp lưu đày, nhưng hình ảnh Việt Nam vẫn là tình yêu vĩnh cửu, bất diệt. Hãy nghe nhà thơ tình tự với bài thơ "Quê Hương Người Tình":

... Từ xa xứ, tôi như trời ốc đảo.

Đã cô đơn từ đầu kiếp lưu dân.

Bỗng gặp em, hình ảnh, một Việt Nam.

Trong ánh mắt là tình quê vĩnh cữu.

Hẹn nhau nhé, ngày nào về cố xứ,

... Tôi thương ngàn đời tiếng vọng

Cửu Long...

Cả hai tập thơ của Quốc Nam tôi đang có trong tay, nội dung chính nói về quê hương, đất nước, tình yêu gia đình, bạn bè, đồng đội, nỗi đau đớn của người Việt Nam lưu vong, và niềm thương yêu đồng bào ruột thịt tại quê nhà đang sống trong gông cùm của cộng sản. Thơ Quốc Nam giàu tình cảm, tha thiết, uất hận, đau buồn, nhưng không uỷ mị, bất lực, yếu hèn, mà nó là tiếng kèn xung trận, kêu gọi, thúc giục mọi người lên đường nhập cuộc đấu tranh như m?t số bài thơ: Kẻ Đào Ngũ Của Quê Hương Đau Khổ, Hãy Trở Lại Quê Hương Làm Lịch Sử, Quê Hương Mẹ, Tuổi Trẻ Lưu Vong v...v... (thi tập Quê Hương Nước Mắt). Anh vẫn mong ngày về quê hương Việt Nam rợp bóng Cờ Vàng, biểu tượng cho nền tự do, dân chủ, nhân quyền. Những suy tư và tình cảm nầy rất rõ nét trong tập thơ "Người Tình Quê Hương". Ngoài những bài thơ tôi dẫn chứng phía trên, chúng ta có thể tìm thấy những bài thơ: Gọi Nhau Bốn Mùa, Dư Aûnh, Cuộc Tình Mơ Tan, Bài Biệt Ly Gửi Chị, Tình Bạn và Giông Bão, Thương Về Em Gái Việt Nam, 45 Năm Nói Với Em Dăm Điều Có Thực...v.v... nói lên được những tình cảm, tâm trạng, ý chí đấu tranh, và tình yêu quê hương của người Việt lưu vong.

Về nghệ thuật, hai tập thơ Quê Hương Nước Mắt và Người Tình Quê Hương của Quốc Nam thể hiện tình cảm, suy tư, nhận thức, yêu ghét và nhân sinh quan của anh đối với cuộc sống, bằng các thể loại thơ khác nhau. Sự đón nhận nồng nhiệt của giới yêu thơ trong nhiều năm qua đối với 2 thi tập này cũng phần nào nói lên giá trị nghệ thuật trong thơ Quốc Nam. Anh nhân cách hoá Quê Hương là Người Tình, anh mượn cánh rừng đầy mưa bão để thay thế cho những giọt nước mắt khóc quê hương:

...Rừng mưa, khóc ngất tiền thân.

(Tạ Từ)

Trái tim không bao giờ ngủ quên, nay đã phải một lần thiếp đi trong nỗi đau không nguôi:

... Trái tim đã ngủ một lần đau qua...

(Tạ Từ)

Chúng ta cũng có thể tìm thấy những bài thơ tình cháy bỏng, nồng nàn, sâu đậm, ngây ngất và rất lãng mạn, khi anh nói trong bài thơ Quê Hương Người Tình:

... Em có môi hôn mềm như hơi thở,

Tôi một lần, mà ngỡ đã trăm năm.

Em Miền Nam tóc bay suối nhạc vàng,

Dung nhan đó, tim tôi bừng gió bão..

Yêu là phải ghen hờn, giận dỗi, chúng ta có thể nghe Quốc Nam mượn trăng sao để nói rõ tâm tư:

... Hãy cố quên những ngọn đồi cỏ biếc,

Trăng sao nào tỏ rõ ngón tay hờn.

Đường chim bay, em có thấy cỏ hồng?

Vụt hờn ghen, trả về cơn thức giấc...

(Chút Hờn Ghen Vào mộng)

Có những bài thơ nói về thời gian, không gian của bốn mùa rất trữ tình. Như hai câu thơ trong bài "Gọi Nhau Bốn Mùa", tả cảnh mùa thu đẹp não nùng với những sợi mưa ngâu, nhưng đồng thời gợi cho ta cảm giác u buồn:

... Tháng mùa thu bỗng mưa ngâu,

Khóc trong giấc ngủ, bạt màu thời gian...

Những bài thơ của Quốc Nam nói về tình yêu, dù ở thể lục bát, thơ năm chữ, thơ tự do, hay thất ngôn....đều mang âm hưởng, nhạc điệu khác nhau. Chúng ta có thể thấy nội dung thơ trùng lập, nhưng cái tài của Quốc Nam ở chỗ không có bài thơ nào giống bài thơ nào. Quốc Nam biết xử dụng nhuần nhuyễn tài năng và phong cách, cũng như sự chọn lọc từ ngữ để thể hiện thi ca. Thơ anh có sức lôi cuốn và truyền cảm, khiến cho người đọc có thể nghe theo tiếng gọi của trái tim anh. Đó chính là một Quốc Nam đa cảm, lãng mạng, có trái tim chan chứa tình người và tình quê hương. Mong anh hãy giữ mãi nét đẹp đó, để dâng hiến cho đời tài hoa và những bài thơ ngát hương. Xin tặng nhà thơ Quốc Nam, "đại huynh của tiểu muội" một bài thơ đơn sơ sau đây, để tỏ lòng quý mến:

Thi Sĩ Trên Cao Nguyên Tình Xanh

Nửa đời lưu lạc buồn vui,

Trái tim thổn thức trông vời cố hương.

Tháng năm vẫn mãi nhớ thương,

Quê hương ngàn dặm, tình vương vấn sầu.

Đừng như nước chảy qua cầu

Quên đi quê mẹ héo sầu năm canh.

Cao Nguyên chàng gọi Tình Xanh

Bút, thơ một cõi, bình sinh vẫy vùng.

Phong Thu

(Mùa hè năm 2002)

-----------------------------------------

Chú thích của tác giả: (*) và (**) là tựa của hai bài thơ Áo Dài Quê Hương, Cao Nguyên Tình Xanh trong tập thơ "Người Tình Quê Hương" của thi sĩ Quốc Nam.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002