Đại Chúng số 109 - ngày 1 tháng 11 năm 2002

TIN NHỎ CẦN BIẾT

Đạt Luận sưu tầm

1.-Bí mật về một ngôi mộ tập thể dưới thời Napoleon

Việc khai quật một ngôi mộ tập thể chôn thi thể của những người lính dưới thời Napoleon bị chết vì đói và lạnh đã hé mở những điều bí ẩn mà các nhà lích sử vẫn chưa biết đến đằng sau những sai lầm lớn nhất về mặt quân sự của đế chế Pháp khi tấn công vào lãnh địa nước Nga năm 1812.

Các công nhân xây dựng khi tiến hành khởi công công trình xây dựng một khu nhà cao tầng cho giới chức ở thành phố Vilnius, Lithuana đã phát hiện ra một ngôi mộ khổng lồ với những bộ xương người được đặt xoắn xít vào nhau, nhiều bộ xương bị đông cứng trong tư thế co quắp như thể các nạn nhân đã không chịu nổi cơn lạnh giá hồi ấy. Người ta đã đào thấy rất nhiều sọ người, xương ống chân, xương đùi và xương sườn khi máy kéo tiến hành xới đất.

Người ta phỏng đoán rằng các nạn nhân người Do Thái đã bị giết trong phong trào bài Do Thái của Đức quốc xã, hoặc đó cũng có thể là những người hoạt động bí mật cho Liên Xô trong chiến tranh Lạnh đã bị thủ tiêu. Tuy nhiên, khi các nhà điều tra phát hiện ra những chiếc cúc áo bằng đồng thau có gắn những con số có ba chữ số ở trên áo các nạn nhân vẫn còn tồn tại, họ họ hiểu rằng chỉ có một nhóm người duy nhất mới có những đồ vật như thế: đó là đội quân của đại hoàng đế Napoleon Bonaparte. Khám phá này sẽ đưa đến việc nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề: Ai đã tham gia vào đội quân của Đế chế này và tại sao lại có cả những bộ xương của phụ nữ? Và đặc biệt là câu hỏi Napoleon đúng hay sai khi cho rằng cái lạnh là tác nhân gây ra cái chết của hàng nghìn binh lính suốt trong cuộc rút lui đầy thảm hại khỏi thủ đô Moscow năm 1812, hay đó chỉ là một sự nguỵ trang để che dấu những tính toán sai lầm của quân đội Pháp? Khoảng 40.000 người trong quân đội chiến đấu chống lại châu Âu này có thể đã chết ở Vilnius, nơi sau này trở thành một trung tâm chính trị quân sự sôi động. Vào tháng 6/1812, Napoleon đã có 19 ngày ở đây, tập hợp quân trên đường đến Moscow. Sau đó một vài tháng, đội quân này đã trở lại Vilnius với thân thể tàn tạ, gần như tiêu ma, kiệt sức và chết đói sau khi được lệnh tấn công thủ đô Moscow. Phải chăng Napoleon đã bỏ rơi quân đội của mình? Đội quân gồm 442.000 quân chỉ có khoảng 10.000 người sống sót quay về đến Lithuana. Chiến dịch tấn công vào nước Nga của ông ta, một lỗi lầm mà sau đó 130 năm Adolph Hitler lặp lại - đã đi vào lịch sử như một trong những trận đánh tồi tệ nhất trong lịch sử của mọi thời đại.

Đội khai quật người Pháp và người Lithuana đã khai quật được 1,724 bộ xương, gần 1.500 chiếc khuy áo (trong đó có 100 cái vẫn còn dễ nhận dạng), những chiếc đế giày và một mảnh đồng 5 franc có in hình tượng bán thân của Napoleon và con số 13 để chỉ năm thứ 13 đế chế của Napoleon, vô số đồng tiền xu Nga... Nhà lịch sử học Virgilijus Pugaciauskas cho biết: "Chỉ cần nhìn vào các khuy áo, bạn cũng có thể nói được khoảng 40 quốc tịch ở đây - Pháp, Đức, Úc, Ba Lan, Tây Ban Nha,...”

Không ai biết chính xác con số người đã bỏ mạng ở Vilnius tháng 12 năm đó, nhưng những con số đầu tiên được đưa ra đã vẽ nên bức tranh về cuộc sống của họ trong những ngày cuối cùng, khi quân đội Nga bắt được họ. Theo Alvydas Nikzentaitis, Giám đốc Viện lịch sử Lithuana, hố xương mà các công nhân xây dựng tìm thấy ban đầu là ở một đường hào quân sự, do những người lính xây dựng trước khi họ đánh trận Nga. Trên thực tế, họ đã đào mộ cho chính mình.

Nhà nhân chủng học Jankauskas cho biết, đã phát hiện được 903 bộ xương của đàn ông và 27 bộ xương đàn bà. (794 bộ xương khác không xác định được là nam hay nữ). Chỉ có 38 người trong số đó là ở vào khoảng 15-20 tuổi. Còn lại những người khác đều hơn 20 tuổi."

Người ta đã không phát hiện ra dấu hiệu nào chứng tỏ đã có một vụ ám sát mà chỉ có dấu hiệu cho thấy họ đã chết vì đói và lạnh. Chỉ có 3 bộ xương là có dấu hiệu của những vết thương xảy ra vào thời điểm gần với khi họ chết. Những vết nứt ở xương càng giống với khẳng định của Napoleon rằng họ chết vì lạnh. Không có bộ xương nào cho thấy dấu hiệu của sự thiếu dinh dưỡng kinh niên, cho thấy cái chết của họ xảy ra rất nhanh và rất tàn nhẫn. Có lẽ Napoleon đã đánh giá quá thấp mùa đông ở Nga, và đã gặp sai lầm, cũng như Hitler sau này.

Đội chuyên gia sẽ trở lại Vilnius giữa tháng 10 để thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm trên những bộ xương. Và họ đang hy vọng rằng sẽ nhận được các mẫu phân tích AND để xác định cơ chế cấu tạo gen của những con người xấu số. Họ cũng đã bắt đầu một số cuộc thử nghiệm ADN để điều tra lại lý thuyết cho rằng đã có một dịch sốt xảy ra với đội quân này và tìm những dấu hiệu của bệnh lao. “Đây là một căn bệnh mà hiện đã thấy xuất hiện trở lại, và chúng tôi cần phải tìm hiểu nó xuất xứ từ đâu”, Olivier Dutour, người dẫn đầu đoàn khảo sát nói.

Rõ ràng, những khám phá đã có hiệu quả đáng kể đối với Vilnius. Một đài tưởng niệm sẽ được khánh thành mùa đông này và các nhà sử học địa phương đang nghĩ đến việc tạo ra một tuyến đường du lịch có tên là Napoleon. Xét về mặt chính trị, Lithuana, với hy vọng sẽ gia nhập EU, đang cố gắng tận dụng những mối liên hệ mới được phát hiện với lịch sử Châu Âu, chứ không phải với Liên Xô.

Trong lúc đó, những cư dân ở vùng nông thôn cũng muốn thu hút các nhà khai quật đến với họ. Chỉ có các công ty xây dựng là không vui vẻ gì với những khám phá này. Họ đang phải đối mặt với sự giảm giá của bất động sản vì khách hàng sẽ rất miễn cưỡng khi phải sống trên một ngôi mộ khổng lồ. Và hiện nay, mới chỉ có gần 2.000 bộ xương được khai quật, điều này có nghĩa là dưới ngôi mộ tập thể này vẫn có thể có hàng chục nghìn bộ xương khác đang chờ người ta đến khám phá.

2.-Lương bổng của các lãnh tụ trên thế giới

Trong thời gian gần đây, cư dân các nước bắt đầu để ý đến những khoản thu nhập của lãnh đạo nước họ. Ngoài ra, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để gia nhập chính trường hay giữ một chức vụ công quyền cao cấp để có thu nhập hàng triệu USD trong một số năm mà không cần “ăn cắp” bất cứ thứ gì?

Châu Á: Cao nhất và... tầm tầm

Các nước và vùng lãnh thổ phát triển kinh tế từng được đánh giá là "rồng châu Á chính là nơi "lý tưởng" cho những ai muốn kiếm bạc triệu USD bằng con đường tham chính. Tại Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản, các viên chức cao cấp trong chính quyền có mức thu nhập cao hơn nhiều so với những đồng nghiệp "ngang tài ngang sức" ở Mỹ hoặc Tây Âu. Và cũng chính điều này mà các nhà phân tích cho rằng, những quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á nói trên nổi tiếng là có bộ máy cầm quyền hiệu quả và trong sạch nhất ờ châu Á!

Thủ tướng Singapore Goh Choi Tong “kiếm” được hơn 1 triệu USD/năm trong thời gian kinh tế tăng trưởng mạnh vào năm 2000. Ông được xếp vào danh sách một trong những lãnh đạo được trả lương cao nhất thế giới, trước khi ông cùng các vị bộ trưởng tự cắt giảm lương năm 2001 lúc kinh tế có dấu hiệu trì trệ. Nhưng Thủ tướng Goh vẫn nhận mức lương hàng năm hơn 600.000 USD, chưa kể các khoản thưởng liên quan đến việc điều hành thành công nền kinh tế của đảo quốc sư tử.

Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Kông Đổng Kiến Hoa lãnh lương năm đến 800.000 USD và các vị trưởng đầu ngành hàng đầu của ông cũng đem về nhà khoản lương 500.000 USD. Biện minh cho mức lương quá cao này, Joseph Cheng - nhà phân tích chính trị ở Đại học Hồng Kông nói: “Sự trả công xứng đáng là tiền đề cho cuộc chiến chống tham nhũng. Nếu không thể đáp ứng được những nhu cầu thì sự cám dỗ của những khoản hối lộ sẽ rất cao". Còn nhân vật đứng đầu Đài Loan cũng nhận một mức lương hấp dẫn: 351.000 USD/năm, bên cạnh đó, kể từ năm 1993, các viên chức cao cấp trong chính quyền Đài Loan phải khai báo tài sản nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng. Thu nhập chẳng hề kém cạnh người đứng đầu Đài Loan là Thủ tướng Nhật, ông Koizumi "bỏ túi" mỗi năm 307.000 USD.

Những lãnh đạo khác ở Đông Nam Á có thu nhập thấp hơn. Thủ tướng Mahathir của Malaysia có tiếng là một trong những "rồng châu Á" nhưng chỉ lãnh khoản tiền 65.000 USD/năm trong khi các vị bộ trưởng nội các khoảng 43.000 USD. Tại Thái Lan, nhà tài phiệt Thaksin Shinawatra trong vai trò thủ tướng chỉ nhận khoản tiền tương đương 32.188 USD/năm trong khi các bộ trưởng thuộc quyền có mức lương 30.000 USD. Thế nhưng, hầu hết các chính khách Thái Lan xuất thân từ những người giàu có chỉ trừ một số người như cựu Thủ tướng Chuan Leekpai được mệnh danh là "ông trong sạch". Tại Campuchia, các vị bộ trưởng nhận mức lương hàng tháng vài trăm USD nhưng các nhà lập pháp gần đây đã bỏ phiếu thông qua khoản tiền tăng mức thu nhập của các vị dân cử lên khoảng 2.000 USD/tháng.

Lãnh tụ các nước phương Tây

Tổng thống Mỹ W.Bush nhận tiền lương 400.000 USD/năm, mức lương được tăng lên gấp đôi, tức ông đã "hên" hơn vị tiền nhiệm là Tổng thống Clinton chỉ nhận có 200.000 USD. Phó Tổng thống Mỹ nhận 186.300 USD, trong khi lãnh đạo được trả lương cao nhất trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) - Thủ tướng Anh Tong Blair- hưởng khoản tiền 262.000 USD/năm. Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand nhận mức lương 110.300 USD/năm, các vị bộ trưởng 73.477 USD trong khi những vị nghị sĩ thì chỉ 40.890 USD/năm, đơn giản là những vị dân cử chỉ làm việc "thời vụ", trong khi các chức sắc chính quyền phải quần quật suốt ngày này qua ngày khác.

3.- Đi tìm nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thám hiểm Christopher Columbus

Để giải quyết tranh chấp suốt một thế kỷ qua giữa thành phố Seville của Tây Ban Nha và Cộng hoà Dominica về nơi chôn cất người tìm ra Châu Mỹ, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã mở hộp chứa hài cốt của Diego Columbus - em trai nhà thám hiểm, để phân tích và so sánh DNA (ảnh).

Colombus chết tại thành phố Valladolid (Tây Ban Nha) năm 1506. Ông đã yêu cầu được chôn tại hòn đảo trên vùng biển Caribbe mà ngày nay thuộc về Cộng hoà Dominica lẫn Haiti. Di hài của ông bị dịch chuyển ít nhất hai lần vì biến động chính trị - đầu tiên đến Cuba và sau đó đến Seville.

Tuy nhiên 12 năm trước đây người ta đã đào được ở một nhà thờ tại thủ đô Santo Domingo (Cộng hoà Dominica) bình di cốt khắc tên Columbus. Tranh chấp nổ ra từ đó khi cả hai bên đều nhận thành phố mình mới là nơi gìn giữ di cốt Columbus.

4.- Trụ sinh mới diệt được các vi khuẩn lờn thuốc

Việc sử dụng bừa bãi các loại trụ sinh đã làm cho nhiều loại vi khuẩn đề kháng với chúng, trong đó có vi khuẩn tụ cầu vàng. Nhà khoa học Christoper Walsh và đồng sự tại Đại học Y khoa Harvard ở Boston, Massachusetts (Mỹ) đã tìm ra một enzyme tự nhiên có tên là Thiosterase làm chất xúc tác toàn diện để bào chế ra trụ sinh mới có tên là Tyrocidine C, tiêu diệt được vi khuẩn tụ cầu vàng cũng như nhiều loại vi khuẩn khác đã đề kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh.

Các bác sĩ khuyên người dân không nên tự ý dùng trụ sinh; các thầy thuốc nên làm kháng sinh đồ để chọn trụ sinh thích hợp, đồng thời cho bệnh nhân sử dụng đúng liều, đúng thời gian.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002