Đại Chúng số 109 - ngày 1 tháng 11 năm 2002

THI SĨ VÀ MÙA THU

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt

Thu là mùa gây nhiều cảm hứng cho các thi nhân. Cho nên, thi sĩ nào cũng bày tỏ tình cảm của mình khi mùa thu tới. Tuỳ theo ảm hứng, mỗi thi nhân vịnh trời thu một cảnh và không cảnh nào giống cảnh nào. Cụ Nguyễn Khuyến vịnh thú an nhàn của một ngư ông trong bài Thu Điếu:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền con bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tý,

Lá vàng trước gió khẻ đưa vèo.

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Lư u Trọng Lư vịnh cảnh rừng thu như sau:

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh khách chinh phu

Trong lòng người cô phụ

Em không nghe mùa thu

Lá thu rơi xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô...

Tản Đà vịnh tàu lá thu trôi theo sóng:

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh,

Sóng thu đưa lá bao ngành biệt ly...

Bằng Vân Trần Văn Bảng, trong tập thơ hài hước Mếu Cười, giễu cợt chế độ cộng sản, tả nỗi buồn của kẻ lưu vong khi mùa thu đến:

Nhác thấy đầu đường ngập lá rơi,

Mới hay thu đã đến đây rồi.

Lạc loài quên cả trăng tròn khuyết.

Thơ thẩn xem ra hứng cạn vơi.

Nhìn cúc, cúc như hờ hững nở,

Trông mây, mây cứ lạnh lùng trôi.

Thu về trăm mối sầu ly biệt,

Thêm nặng lòng ta dở mếu cười.

Thu Paris (Bằng Vân)

Nhà thơ lãng mạn danh tiếng Lamartine tả thu như sau

Salut, bois couronnés d’un reste de verdure,

Feuillages jaunissant sur les gazons épars.

Salut, derniers beaux jours, le deuil de la nature

Convient à ma douleur et plait à mes regards.

Je suis d’un pas rêveur le sentier solitaire

J’aime à revoir encor, pour la dernìere fois

Le soleil pâlissant dont la faible lumìere

Perce à peine à mes pieds l’obscurité des bois...

Sau đây là thơ phỏng dịch của Bằng Vân:

Thu Tận

Viếng rừng thu vườn cây xơ xác,

Đám cỏ xanh rải rác lá vàng.

Thu tàn khoát áo màu tang

Càng ưa phong cảnh lòng càng thêm đau.

Lối đi vắng rừng sâu lê gót,

Có lẽ rằng lần chót tới đây.

Rừng u tịch, ánh dương gầy,

Theo tia nắng nhạt bước giầy tiến lên...

Thi hào Paul Verlaine nổi danh với bài thơ bất hủ:

Chansons d’automne

Les sanglots longs des violons de l’automne

Bereent mon coeur d’une langueur monotone.

Tout suffocant et blême, quand sonne l’heure

Je me souviens des jours anciens et je pleure.

Et je m’en vais, au vent mauvais qui m’emporte

Deca de là, pareil à la feuille morte...

Nhạc Thu (Phương Du phỏng dịch)

Nhạc thu buồn thảm lê thê,

Vĩ cầm nức nở não nề lòng ta.

Nghẹn ngào chạnh nhớ ngày qua,

Lệ trào ướt má, xót xa dòng đời.

Hồn ta theo lá vàng trôi,

Như tàu lá úa chuyển dời đó đây.

Còn nhiều nhà thơ khác nói về thu. Riêng về thi sĩ Phương Du, cảm hứng về thu của ông rất dồi dào và ý thơ thật sâu sắc. Thật vậy, chỉ trong thi tập Tha Hương mà thôi, độc giả được thưởng thức hàng chục bài thơ thu. Đầu tiên tác giả tả thu qua màu sắc của cỏ cây, hoa lá trong bài "Mai Lan Cúc Trúc":

Thu về, hồng nhạt, lá vàng phơi

Huệ héo, sen tàn, cúc thắm tươi

Vi vút heo may vờn vạn thọ,

Bình minh cây cỏ đón sương rơi.

Tác giả tả cảnh cô tịch của rừng thu trong bài:

Thu Rừng

Nắng vàng đầu núi rọi non sông,

Sơn nữ nhìn thu vẻ lạnh lùng.

Thoăn thoắt chân đi, tà áo nhảy,

Rì rào gió thổi, lá cành rung.

Đàn nai vươn cổ trông ngơ ngác,

Bầy thỏ so vai dáng ngại ngùng.

Lớp lớp chim trời tung cánh vỗ,

Sầu thu lan toả khắp trăm vùng.

Sau đó, ông tả cảnh vui tươi nhộn nhịp của chốn công viên nơi đô thị:

Vườn Thu

Chiều thu cảnh vật nắng vàng phơi,

Du khách trong vườn đón gió chơi.

Mành liễu đong đưa cành trúc nhảy,

Đoá hồng nghiêng ngả, cánh đào rơi.

Lưng đồi đàn trẻ tung tăng chạy,

Dưới nước thiên nga lặng lẽ bơi.

Ta ước vườn thu tươi đẹp mãi,

Aâm dương hoà dịu khắp phương trời.

Trong hai câu kết của bài đường thi trên, tác giả gợi ý rằng xã hội loài người, tuy có nhiều dị biệt như âm với dương, nhưng nếu biết cư xử hài hoà với nhau như khí trời mùa thu thì cuộc sống sẽ được vui tươi êm đẹp. Thu về, gió heo may nhè nhẹ thổi, gợi lên trong tâm hồn chúng ta nhiều niềm vui nỗi nhớ. Những nỗi niềm đó được Phương Du nhắc tới trong bài:

Thu Về

Mỗi năm tới độ thu về,

Lòng ta thổn thức trăm bề nhớ thương.

Lá vàng xào xạc bên đường

Ngậm ngùi chạnh nhớ rặng bàng gốc đa.

Xót thương bè bạn gần xa,

Người thì đói khổ, kẻ sa ngục tù...

Dầu thu là những ngày tựu trường của học sinh. Nhìn trẻ em cắp sách đến trường, tác giả liên tưởng đến hình ảnh ngày phải dời bỏ xóm làng để ra thành thị trọ học:

Hình ảnh xa xưa thuở thiếu thời,

Luôn luôn sống động tại lòng tôi.

Đầu năm Giáp Tuất nghe cha bảo

Sửa soạn ra thành trọ chú Khôi.

Thế rồi một buổi sáng tinh sương

Tôi phải ra đi đến phố phường

Đồng cỏ xanh rờn bông lúa chín,

Lòng tôi xao xuyến luyến quê hương.

Ngồi trên xe kéo tiến ra thành,

Nhẹ vẫy tay chào bạn xúm quanh.

Ly biệt, chao ôi buồn rượi thế,

Làm sao quên được luỹ tre xanh?...

(Thu Xa Quê)

Được trải qua trong thời niên thiếu trong khung cảnh đất nước thanh bình, Phương Du nhắc cho chúng ta, những kẻ hậu sinh trong thời chinh chiến, những thú vui êm đếm nơi thôn dã.

Thu về nhớ c ảnh quay tơ

Bên thềm nghe hát đợi chờ trăng lên.

Xa xa tiếng trống vang rền,

Mấy chàng đô vật thay nhau lên đài.

Trời cao trăng tỏ đêm dài,

Trai thanh gái lịch đua tài thi ca.

Trống quân quan họ ngân nga

Mượn lời bóng gió đượm đà đưa duyên.

(Nhớ Thu Xưa)

So sánh thu xưa với thu nay, tác giả buồn tủi cho số phận con người, vì không có tình thương nên mọi sự đã bị đảo ngược, không khí hài hoà đã biến thành không khí đấu tranh, thù hận, nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ:

Thu xưa đời sống êm đềm,

Thu nay cách mạng mang niềm âu lo.

Thu xưa đời sống tự do,

Thu nay bao kẻ thăm dò đi chui.

Thu xưa dân chúng no vui,

Thu nay bao kẻ ngậm ngùi khóc thương.

Thu xưa nhộn nhịp phố phường,

Thu nay bao kẻ tha hương nhớ nhà.

Thu xưa dân chúng hiền hoà,

Thu nay cán bộ dò la dân làng.

Thu xưa hò hát mơ màng,

Thu nay liềm búa phũ phàng đấu tranh....

(Thu xưa Thu Nay)

Thu cũng có ngày trời xám mây mờ, sương mù dầy đặc, ảnh hưởng đến nỗi lòng cô quạnh của những người sống trong cảnh gia định bị phân ly. Hoàn cảnh nầy đã được tác giả đề cập đến trong bài

Thu Mong Chờ

Đêm nay gió lạnh trăng mờ,

Em nằm thao thức ngóng chờ tin anh.

Suốt đêm vò võ bên mành,

Mong anh em đếm từng canh đêm tàn...

Anh không làm ác, gây oan,

Cớ sao bị giam trong ngục thân tàn thảm thương.

Em mong luật pháp minh tường,

Nhân quyền sao bị khinh thường mãi ru?

Tương lai trông quá mịt mù

Chẳng hay anh bị cầm tù bao năm.

Dù ngày đoàn tụ xa xăm,

Kiên tâm em vẫn tiếp thăm mong chờ.

Tác giả ca ngợi mối tình chung thuỷ của các thiếu phụ nói trên và lòng dũng cảm, chí quật cường của những chiến sĩ tuy bị ngược đãi mà vẫn chống lại sự tuyên truyền dối trá của địch.

Thu tàn rừng núi kém xanh,

Heo may vi vút lá cành rung rinh.

Khen thay thiếu phụ đẹp xinh,

Bao thu phu vắng mà tình vẫn chung.

Khen thay nhất thế anh hùng,

Bao thu tù hãm mà không địch tòng...

(Sương Mù Mùa Thu)

Tác giả cũng nghĩ tới hoàn cảnh những thuyền nhân xông pha ngoài biển cả và ngậm ngùi buồn tủi cho thân phận tha hương:

Từng hàng mây nhẹ trôi

Lờ lững về ngang trời.

Từng đoàn người vượt tuyến,

Aâm thầm tiến ra khơi.

Đàn chim trời tung cánh,

Bay theo gió bốn phương.

Thuyền nhân gò tay lái,

Hăng hái vượt trùng dương.

Lá vàng rơi xào xạc

Tràn ngập các lối đi.

Lệ ly tuôn lã chã

Chan chứa khắp hàng mi.

Heo may nhè nhẹ thổi,

Sóng gợn nước hồ trong.

Đau lòng người viễn xứ,

Thổn thức với thu phong.

Thu tàn trăng khôn tỏ

Lấp ló sau màng sương.

Trên đường đời gió bụi,

Ngậm ngùi nhớ cố hương.

Tàn Thu

Nét đặc thù của nhà thơ Phương Du là dù ở trong hoàn cảnh nào cũng vậy, vui hay buồn, tác giả bao giờ cũng tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng. Mở đầu tập thơ Tha Hương, trong bài Thay Lời Tự Tự, ông viết:

Ngày xuân nhè nhẹ đến,

Hy vọng lại chứa chan.

Tất cả con dân Việt

Sớm thoát cảnh lầm than.

Và trong bài Non Nước Ơi, làm theo điệu hát xẩm, in trong thi phẩm Tình Thương, tác gỉa đã viết như sau trong đoạn kết:

Non Nước Ơi!

Luồng gió tự do, mai đây thổi tới, sẽ quét sạch bạo phường

Tha hương, ta lại lên đường, trở về kiến thiết quốc gia

Cùng nhau tô điểm sơn hà,

Toàn dân đoàn kết,

Sẽ hưởng an hoà, yên sống vui tươi.

Tương lai rồi sẽ sáng ngời.

Niềm tin tưởng đó, tác giả dựa vào tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa và lòng từ bi của Đức Mẹ, được thể hiện qua hai bài thơ Tình Yêu Thiên Chúa và Nước Mắt Mẹ Hiền:

Tình yêu Chúa sáng ngời cao cả

Như thái dương rọi toả bao la.

Ba năm rao giảng gần xa

Luôn luôn nhắc nhở phải hoà thuận nhau.

Tình yêu đó trước nay không có,

Yêu tận tình dù khó đến thân.

Hy sinh xác thịt tâm thần,

Làm gương soi sáng người trần noi theo.

(Tình Yêu Thiên Chúa)

Nhiều lần hiện xuống trần gian,

Mẹ khuyên đừng quá mê mang việc đời.

Hướng về Chúa Cả trên trời,

Đọc kinh cầu nguyện theo lời Chúa răn.

Luôn luôn lòng Mẹ băn khoăn,

Vì người dương thế thù hằn ghét nhau.

Chiến tranh làm Mẹ buồn rầu,

Làm cho mẹ khổ, Mẹ sầu lệ tuôn...

(Nước Mắt Mẹ Hiền)

Với niềm tin vững chắc vào lời răn của Mẹ, Phương Du đã đi viếng nhiều nơi Đức Mẹ hiện ra để nghe thông điệp và xin Đức Mẹ chuyển lời cầu xin đến Thiên Chúa. Thu là mùa thời tiết ôn hoà, thuận tiện cho các cuộc du lịch, hành hương. Cho nên, ta thấy tác giả đề cập đến nhiều cuộc hành hương trong thi tập Tha Hương và Tình Thương.

Đặc biệt cuộc hành hương ngày 8-9-1984 ở Medjugorje (Bosnie) kỷ niệm ngày sinh nhật Đức Mẹ:

Đoàn người già trẻ vui mừng,

Xuyên non vượt biển băng rừng hành hương.

Ngày đêm giong ruổi dặm trường,

Sau hai ngày tới Thánh Đường Mét Dư

Trong vùng đồi núi Nam Tư

Nơi đây Mẹ hiện đã từ ba năm.

Chiều chiều Mẹ đoái xuống thăm

Mấy em sơn cước đăm đăm bái chờ...

(Hành Hương Mét Dư)

Xế chiều tấp nập Thánh Đường,

Cùng nhau cầu nguyện Mẹ Hường từ bi.

Trong bầu không khí uy nghi,

Tâm thần thư thái như ly cõi trần.

Hoàng hôn nhè nhẹ buông dần,

Mặt trời êm dịu bất thần nhảy quay.

Mây hồng từng đám ngừng bay,

Bầu trời tươi sáng mừng ngày Mẹ sinh.

(Mừng Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ)

Đọc thơ Phương Du, ngoài những bài đề cập đến hình nhi hạ, độc giả còn được thưởng thức những bài thơ về hình nhi thượng thuộc về tâm linh là phần quan trọng của đời người. Chỉ riêng những bài thơ về thu, tác giả đã cho hay một niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ngày mai của cuộc đời vĩnh cữu, sau khi chết. Đức Mẹ lìa trần gần 2000 năm, ngày nay thỉnh thoảng hiện xuống trần gian để làm phép lạ và khuyên bảo loài người. Chứng tỏ rằng sau khi chết hồn ta vẫn còn sống bất diệt.

Thật là chí lý những lời văn giới thiệu thi tập Hoa Tâm của Phương Du do giáo sư Lê Mộng Nguyên viết trong phần kết thúc:

“ Với thánh đạo và qua bốn thi tập đượm tình thương và đạo đức, luân lý của tâm hồn, bác sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu là một nhà thơ đã mang hạnh phúc cho đời và tình thương cho người.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002