Đại Chúng số 110 - ngày 16 tháng 11 năm 2002

TIN NHỎ CẦN BIẾT

Đạt Luận sưu tầm

Tại ViệtNam, tỉnh Đồng Nai: Bà cụ 115 tuổi tương đương kỷ lục người cao tuổi nhất thế giới.

Nếu như cụ bà người Nhật Kamato Hongo sinh ngày 16-9-1887 đã được "Guiness Book of Records" đã công nhận là người cao tuổi nhất thế giới hiện nay (từ tháng 3-2002), thì ở ngôi nhà số 29-65 khu phố 9, P Hố Nai, TP Biên Hòa, Đồng Nai cũng có một bà cụ VN cũng đạt cái tuổi 115 kỷ lục ấy, dù chưa được đưa vào Guiness Book. Đó là cụ bà Vũ Thị Đào với năm sinh ghi trong sổ hộ khẩu là 1887.

Ông Chương cho biết, chỉ mới từ khoảng hơn 1 năm nay, chân bà yếu dần không đi lại được nữa, tai bị lãng nghe không rõ. Thế nhưng bà vẫn ăn cơm (hoặc cháo) ngày 3 bữa, mỗi bữa 1 tô (khoảng 2 chén)và không hề bệnh tật gì. Từ trẻ đến giờ, bà chưa bao giờ phải đi bác sĩ! Bà Đào hiện đang sống với vợ chồng ông Chương trong ngôi nhà mà bà đã trú ngụ từ năm 1954, sau khi rời xa làng quê Trà Cổ - huyện Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh vào đây lập nghiệp.

Bà lấy chồng năm 18 tuổi, một năm sau chồng bà mất vì bệnh, để lại cho bà một người con trai. Cô gái làng chài Trà Cổ 19 tuổi xinh đẹp (tôi chắc vậy khi nhìn cô chắt gái Tâm Ái của bà mà người nhà bảo rất giống bà hồi trẻ) và ngoan đạo ấy đã quyết định ở vậy nuôi con, không đi thêm bước nữa!

Ông Nguyễn Xuân Hòa - con trai duy nhất của bà Đào đã mất năm ngoái, thọ 95 tuổi. Tổng cộng đến nay bà Đào hiện có 6 cháu nội (3 người đang định cư tại Mỹ), 29 chắt, 12 chít (lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi). Bà sống rất giản dị, bình thường, có gì ăn nấy như mọi người, thậm chí bà uống nước hơi ít. Điều đặc biệt duy nhất là - như nhiều người dân gốc Trà Cổ - bà Đào thường ăn món cháo "ba quân" dân dã của quê bà: cháo nấu với đậu xanh, đậu đen và bắp tươi xát ra.

Cách đây 2 năm, bà còn đi được Vũng Tàu, ở nhà vẫn tắm nước lạnh và rất thích tắm vòi sen. Bà rất hiếm khi buồn, quanh năm suốt tháng quanh quẩn bên con cháu, sống thanh thản với kinh kệ mỗi ngày...

Bây giờ dù bà thức, ngủ, nhớ, quên lẫn lộn, đi đứng không được nữa nhưng cũng chưa ai nghe bà than van, gắt gỏng một lời. Bà vẫn thường cười - nụ cười của một con người đã sống qua 3 thế kỷ.

Sung Mỹ - một giống cây ăn quả mới ở Việt Nam.

Trong một chuyến công tác sang Mỹ, tiến sĩ Trần Linh Thước (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh) có mang về 3 hom cành sung Mỹ (Fig Ficus Carica) và tặng cho bạn đồng nghiệp của anh là tiến sĩ Dương Công Kiên - một người rất đam mê nghiên cứu nhân giống các loại cây ăn quả. Với số hom cành ít ỏi đó, tiến sĩ Dương Công Kiên đã tiến hành nhân giống bằng phương pháp ghép mắt và kỹ thuật nuôi cấy mô

Riêng việc tiến hành nhân giống bằng ghép mắt, tiến sĩ Dương Công Kiên đã mất 3 năm để tìm ra gốc trong nước phù hợp hoàn toàn với giống sung Mỹ mang về từ nước ngoài. Các gốc ghép được nghiên cứu sử dụng gồm cây vả (ở miền Trung), cây ngái (ở Đông Nam Bộ), cây óc chó (ở miền Tây và Hóc Môn, TPHCM), cây sung ta (ở miền Nam). Có thể khái quát công trình nhân giống sung Mỹ là: từ 3 cành hom ban đầu được giâm cành để sống; tiếp đến nhân giống bằng nuôi cấy mô từ các hom này để tạo ra vài trăm cây trên đồng ruộng nhằm có đủ nguồn nguyên liệu mắt ghép; sau đó ghép mắt trên hàng ngàn gốc ghép phù hợp đã được nghiên cứu. Đến nay, tiến sĩ Dương Công Kiên đã nhân giống được khoảng 10.000 cây sung Mỹ.

Trái sung Mỹ có vị ngọt thanh, ngoài việc tiêu thụ tươi còn được chế biến dưới nhiều dạng như mứt, nước giải khát, nhưng phổ biến nhất là sấy khô.

Theo tiến sĩ Dương Công Kiên, đây là lần đầu tiên nghiên cứu nhân giống thành công sung Mỹ tại Việt Nam. Tuy mới chỉ là kết quả ban đầu, chưa đánh giá hết tiềm năng phát triển của cây, nhưng nó cũng đóng góp phần nào cho việc bổ sung nguồn gien quý trong nước. Việc phổ biến giống sung mới này có thể cần vài năm nữa, chẳng hạn như vùng nào trong nước phù hợp nhất để trồng, tốc độ tăng trưởng theo từng vùng, các vấn đề sâu bệnh, năng suất và chất lượng quả, nhất là chế biến. Song hiện nay có thể định hướng cho việc phát triển giống mới này theo hai góc độ khác nhau.

Tây Ninh: Phát hiện nhiều loài thú quý

Trong đợt nghiên cứu mới đây của đoàn nghiên cứu Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật thuộc Chương trình Birdlife quốc tế tại Việt Nam và Sở KHCNMT Tây Ninh đã phát hiện 152 loài chim và 35 loài thú hoang dã tại khu vực rừng đặc dụng lịch sử Lò Gò Sa Mát và rừng phòng hộ biên giới lịch sử Chàng Riệu huyện Tân Biên.

Trong đó có 12 loài thú quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam gồm: Chồn dơi, cu ly nhỏ, cu ly lớn, khỉ đuôi lợn, voọc vá chân đen, voọc đen má trắng, sói đỏ, gấu chó, rái cá, mèo ri, sóc bay đen trắng, sóc bay lớn; cùng 10 loài chim, quý hiếm là vẹt má xám, gầm gì lưng xanh, 3 loài cu xanh, 2 loài chim mỏ sừng, 3 loài gà lôi.

Điều đáng lo là tình trạng săn, bắt và buôn bán chim, thú tại các khu rừng ngày càng gia tăng.

Chị Phan Thị Xuân Mai (Tiền Giang) được trao giải thưởng nông dân trồng lúa giỏi của FAO

Ngày 16-10, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã trao giải thưởng "Y.S.Rao 2002" (RAO) cho 5 nông dân sản xuất giỏi của khu vực châu Á - Thái bình Dương, đó là: Trung Quốc (trồng cây bắp), Lào (nuôi cá nước ngọt), Sri Lanka (nuôi bò sữa) và Việt Nam (cây lúa) nhân kỷ niệm lần thứ 22 Ngày lương thực thế giới tổ chức tại Bangkok (Thái Lan).

Người Phụ nữ Việt Nam được giải thưởng đó là Phan Thị Xuân Mai, nông dân đang sinh sống tại xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, là nông dân tiêu biểu trong sản xuất lúa ở vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, không chỉ sản xuất lúa luôn đạt năng suất vượt trội tại khu vực, ch? Xuân Mai còn là người áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật mới trên đồng ruộng.

Phát minh hệ thống chuyển ngữ mã hóa

Kỹ sư Koitcho Mitev (người Bulgaria) vừa phát minh ra hệ thống chuyển ngữ có khả năng mã hóa và dịch ngay lập tức từng lời nói từ nhiều thứ tiếng khác nhau. Khi nhận được câu cần dịch, máy tính sẽ phân tích cú pháp của câu bằng cách xác định đâu là chủ ngữ, động từ, danh từ, tính từ… rồi sau đó chuyển thành một câu hoàn chỉnh sang một ngôn ngữ khác. Hệ thống này cho phép giao tiếp tự do không chỉ trên điện thoại hay Internet mà còn từ Internet tới điện thoại hoặc ngược lại. Ngoài ra, nó giúp mọi người có thể đọc được bất kỳ trang thông tin nào trên mạng Internet được trình bày bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Hiện ông Mitev đang tìm kiếm nguồn tài trợ để sản xuất chiếc máy mẫu đầu tiên có thể dịch được vài thứ tiếng. Theo ông, để chế tạo một chiếc máy dịch có số từ giới hạn cần khoảng 250.000 - 280.000 euro. Còn để áp dụng phương pháp này đối với mọi ngôn ngữ châu Âu thì cần khoảng 180 - 200 triệu euro

Điện Thoại Di Động (ĐTDĐ - Mobile phone) chống trộm xe hơi.

Một hệ thống an ninh mới có thể làm ngưng hoạt động chiếc xe bị đánh cắp đang trên đường chạy trốn vừa được tung ra tại Anh.

Hệ thống theo dõi và vô hiệu hóa này không mới nhưng một công ty đã phát triển thêm để cho phép những tài xế phát hiện ra xe mình bị đánh cắp có thể chặn nó lại ở bất kỳ nơi nào.

I-Mob được chế tạo tại Ý, sử dụng công nghệ điện thoại di động để bắt liên lạc với chiếc xe, cho phép chủ xe biết nó đã bị đánh cắp. Anh ta sẽ nhập vào điện thoại di động một mật mã và động cơ xe sẽ tự động ngừng hoạt động khi xe dừng lại ở lần kế tiếp. Một thiết bị định vị toàn cầu sẽ giúp cảnh sát phát hiện ra chiếc xe đang ở đâu.

Thậm chí chủ nhân chiếc xe còn có thể liên lạc với tên trộm bằng ĐTDĐ và tiếng nói sẽ phát ra ở một chiếc loa gắn trên xe. Ngoài ra I-mob cũng có thể nhận biết ai là chủ nhân thực sự của chiếc xe. Khi phát hiện người lạ ngồi sau tay lái, lập tức nó sẽ phát tín hiệu cảnh báo vào ĐTDĐ của chủ nhân chiếc xe.

Tuyết trên đỉnh núi Kilimandjaro có nguy cơ biến mất

Theo dự tính của các nhà nghiên cứu Mỹ, tuyết trên núi Kilimandjaro - thường được nhắc đến trong các tác phẩm của Hemingway và rất được du khách ưa chuộng - đã tồn tại từ hơn 11.000 năm nay trên đỉnh núi cao nhất châu Phi nhưng có nguy cơ bị biến mất trong vòng 20 năm.

Các sông băng tạo thành lớp màu trắng đặc trưng che phủ đỉnh Kilimandjaro đã tan dần dưới ánh nắng mặt trời. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science, trong suốt một thế kỷ qua, lớp băng trên đã giảm đi 80%.

Nguyên nhân chính của sự tan băng là do khí hậu nóng dần. Chỉ trong vòng 2 năm qua, nhiệt độ trung bình tại vùng biên giới Tanzania giáp Kenya đã tăng lên 1 độ, khiến lớp băng dày 50 m trên đỉnh núi đã bị xói mòn.

Lonnie Thompson, thuộc Trường đại học Ohio dự đoán rằng nước đá sẽ biến mất vào khoảng năm 2020. Ông Thompson cho biết núi Kilimandjaro là nguồn thu nhập ngọai tệ số một đối với chính phủ Tanzania. Núi có sân bay quốc tế riêng và thu hút mỗi năm 20.000 du khách. Vấn đề là tìm hiểu xem sẽ có bao nhiêu du khách tiếp tục đến tham quan khu vực này nếu không còn tuyết trên núi.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002