Đại Chúng số 111 - ngày 1 tháng 12 năm 2002

ĐỌC BÁO DÙM BẠN

KÝ ĐIỆU GHI LẠI

L.T.S: Chuyện cứu lụt Miền Trung vào cuối năm 1999 và Miền Tây năm 2000 của UBTDTGVN và đài TNVNHN của bà Ngô Thị Hiền và ông Ngô Ngọc Hùng đã để lại nỗi cay đắng, mất mát niềm tin đối với đồng bào tại hải ngoại mà nó còn ảnh hưởng sâu rộng đến sự thiệt thòi của đồng bào đang bị thiên tai bão lụt tại quê nhà. Sự tác hại đó không chỉ trong phạm vi vấn đề vật chất mà còn gây cho linh mục Lý và cả dòng họ LM rơi vào cảnh tù tội, bắt bớ... Chuyện bà Ngô Thị Hiền lên đài truyền hình, truyền thanh và viết sách công bố trao cho LM Lý gần cả trăm ngàn đô la (?)... đã khiến cho LM Lý và dòng họ không biết tìm đâu cho ra số tiền lớn như vậy để trả lời cho công an Việt cộng. TBĐC đã lên tiếng việc cứu lụt từ tháng 3 năm 2001 của bà Ngô Thị Hiền chủ tịch UBTDTGVN và ông Ngô Ngọc Hùng giám đốc đài TNVNHN, họ đã không thành tâm nhận lỗi với đồng bào mà vẫn tiếp tục tìm cách lấp liếm, chạy tội, khai thác LM Lý và lợi dụng lòng tin của các em Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường để khai thác tin tức, hình ảnh…để in sách bán kiếm tiền (bà Hiền lấy số tài liệu nầy để in quyển sách “LM Nguyễn Văn Lý An Truyền Nguyệt Biều Lưu Tập” với giá 2,900,000 đồng tiền Việt Nam, tức bằng 200 đô la…) Đồng thời, bà chủ tịch UBTDTGVN, dùng những tin tức đó để đánh lạc hướng quần chúng, che lấp chuyện cứu lụt, sử dụng những thành phần bất hảo để vu khống TBĐC là cộng sản và kiện TBĐC ra toà.

Trong ngày 2 tháng 11 năm 2002, bà Ngô Thị Hiền tự xưng chủ tịch UBTDTGVN và ông Ngô Ngọc Hùng giám đốc đài TNVNHN đã thách thức TBĐC mở diễn đàn công khai để làm sáng tỏ "TÍNH TRONG SÁNG CỦA CHUYỆN CỨU LỤT" tại VA., một độc giả có cảm tình với tuần báo Đại Chúng có đến tham dự với tính chất cá nhân đã mắt thấy tai nghe cảnh bà chủ tịch bị các vị "đại diện của phe bà hỏi thăm bà rằng: Bà thu gom tiền cứu lụt có bao nhiêu người kiểm tra tiền? Bà chuyển tiền cứu lụt sao không có chữ ký của ai cả ngoài chữ ký của một mình bà? Sao tiền cứu lụt mà đem phân phối tùm lum y hệt tiền của gia đình bà và trong đó bà ký check trao cho bà em là Ngô Minh Thu đến 10 ngàn đô la dành cho hội của bà ta... v.v..." Nhiều thành phần tổ chức đấu tranh chống cộng trong cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn thích ra nghị quyết, ra thông cáo, hung hăng đòi ăn thua đủ với những người thấp cổ bé miệng, cô thế, nhưng lại sợ sệt, co đầu rút cổ sợ hải bọn người vô lương tâm có lắm bạc nhiều tiền và co băng đảng. Chẳng những vậy, những “vị anh hùng chống cộng vùng Hoa Thịnh Đốn, hàng ngày tốn công, tốn sức đấu tranh diệt cộng" lại nhắm mắt làm ngơ và còn chạy theo chân những thành phấn bất hảo để kiếm ăn. Cái nhục đó ai cũng nhìn thấy, và công chúng thực sự chán ghét… Nhiều kẻ bôi mặt còn hỏi rằng: TẠI SAO KHÔNG CÓ BÁO CHÍ NÀO Ở ĐỊA PHƯƠNG NÓI VIỆC BÀ HIỀN CỨU LỤT MÀ CHỈ CÓ TUẦN BÁO ĐẠI CHÚNG?

Nay Ký Điệu đành phải ghi lại câu chuyện của các liệt nữ "kíu lụt, kíu nước” bằng tiền thu gom từ công chúng do tờ Việt Báo, một tờ báo có uy tín lớn tại CA. đăng tải để quý vị tường lãm.Nếu vị nào muốn "kíu nước" thì mời về VN trực tiếp đấu tranh với cộng sản. Đừng ngồi ở hải ngoại mồm loa, mép giải hết năm nầy tới tháng kia, rồi thu gom tiền và đưa những người nhẹ dạ vào tù. TBĐC cũng mong ông Lê Minh Ngọc hay đúng hơn là Trần Nghi Hoàng đọc phần nầy, rồi ráng dùng những từ ngữ nào thật bẩn thỉu để tiếp tục nhục mạ, chửi tất cả những cá nhân hay tờ báo nào dám nói động đến lệnh bà "Ngô Thị Hiền" của ông.

CHÁU LINH MỤC LÝ BỊ TRUY TỐ VỀ TỘI 'GIÁN ĐIỆP.'

(Theo VietBao)

HUẾ - Cả 3 chị em, cháu của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, đều bị Viện Kiểm Sát Tối Cáo CSVN lập hồ sơ truy tố về tội 'gián điệp.' Dưới đây là nguyên văn Bản Cáo Trạng.

Kính thưa toàn thể Quý vị,

Chúng tôi xin gởi tới Quý vị nguyên văn 'Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Cộng sản Việt Nam về ba người cháu của cha Nguyễn Văn Lý' như một lời báo động và kêu cứu (chúng tôi chưa có thông tin về ngày giờ phiên toà). Kính xin đồng bào trong và ngoài nước, các cơ quan nhân quyền và luật sư đoàn người Việt hải ngoại, các cơ quan nhân quyền và luật sư đoàn quốc tế lên tiếng cứu giúp cho ba nạn nhân xấu số sắp bị nghiền nát dưới nền pháp lý man rợ của cộng sản Việt Nam.

Chúng tôi đặc biệt kêu gọi sự lên tiếng của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Quý vị vừa làm nức lòng mọi người qua việc phản kháng CS đàn áp các giáo dân ở Sơn La và Kontum. Vụ việc ba người cháu cha Lý cũng là vụ việc đàn áp tôn giáo và nhân quyền. Ai nấy đều còn vang bên tai lời dạy của Quý vị: 'Chúng ta hợp tác với mọi người thành tâm thiện chí đẩy lùi nền văn hóa của sự chết với lối sống gian dối, áp bức, bất công, bạo lực, phi nhân, bằng cách phát triển một xã hội mới với lối sống chân thật, công bằng, tôn trọng sự sống và các quyền con người' (Thư Chung 2001, số 15).

Chân thành kính báo.

Phóng viên từ Huế, 03-11-2002

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Số: 16 / KSĐT - AN

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2002

CÁO TRẠNG

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ Điều 141, 142 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 118/QĐ-KTVA ngày 21/6/2001 và các Quyết định khởi tố bị can số 120/QĐ-KTBC ngày 21/6/2001, số 121/QĐ-KTBC ngày 21/6/2001, số 124-CQANĐT ngày 27/6/2001 của cơ quan an ninh điều tra - Bộ công an đối với Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường và Nguyễn Thị Hoa về tội 'Gián điệp'.

Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được như sau:

Tháng 1½000, Nguyễn Vũ Việt (nhân viên Văn phòng liên lạc chương trình hợp tác đào tạo du học giữa Đại học Văn Hiến TP Hồ Chí Minh và Đại học Broward Hoa Kỳ) từ TP Hồ Chí Minh đi Nguyệt Biều - Huế gặp Nguyễn Văn Lý (Linh mục xứ An Truyền và là chú ruột của Việt) để học vi tính. Trong thời gian này Việt có gặp Ngô Thị Hiền và Ngô Minh Thu là Việt kiều Quốc tịch Mỹ (Ngô Thị Hiền là Chủ tịch của tổ chức Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam, một tổ chức phản động của người Việt Nam tại Mỹ) đang có mặt tại Huế thăm Nguyễn Văn Lý. Được Lý giới thiệu là cháu ruột nên Thu gợi ý giúp đỡ Việt tu học ở nước ngoài. Để liên lạc với Thu, Lý cho Việt địa chỉ Email của Thu. Sau khi về Mỹ, khoảng tháng 5 năm 2001, Thu gửi Email cho Việt qua mạng Internet yêu cầu gửi bằng tốt nghiệp, bảng điểm, lý lịch trích ngang và mẫu đơn bằng tiếng Anh để Thu xin học bổng tu học cho Việt tại Mỹ. Việt đã gửi cho Thu các loại giấy tờ theo các yêu cầu trên (Bút lục số 39, 40, 70-73 tập II).

Cũng nhân chuyến về Việt Nam lần này, Ngô Thị Hiền đã mời Nguyễn Văn Lý làm cố vấn cho tổ chức Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam. Sau khi Nguyễn Văn Lý bị bắt, Việt mở ba hộp thư điện tử trên mạng Internet để nhận nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; ca ngợi Nguyễn Văn Lý của các tổ chức phản động như: Phòng thông tin Giáo hội Phật giáo Quốc tế tại Paris và của Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam tại Mỹ có hộp thư điện tử là CRFVubtdtg4vn@aol.com hoặc tudotgvn@aol.com (BL số 13 đến 16, số 50, 60 tập II; số 12 đến 16, số 22 đến 25, số 125 đến 128, số 255, 256 tập VI).

Sau ngày 18/5/2001, trong lúc Nguyễn Văn Lý đang bị bắt giữ thì Ngô Thị Hiền đã đề nghị Việt gửi cho Hiền một số thông tin về Lý (sau khi Lý bị bắt), ảnh của Lý thời niên thiếu, trả lời 30 câu hỏi về Lý... và một số hình ảnh về đám tang của bà Kính (mẹ Lý). Các yêu cầu của Hiền được Việt thực hiện. Trong bức thư trả lời 30 câu hỏi của Ngô Thị Hiền về Nguyễn Văn Lý, Việt đã kể về việc Lý lừa VC (tức Việt cộng) để bầu Hội đồng giáo xứ Việt cũng đã bộc bạch 'tâm tình và suy nghĩ' của Việt về Lý với Ngô Thị Hiền. Việt còn nhận định: 'Với 3 cái vô ấy (vô thủ, vô ngã, vô cầu mà Lý học được) xem như là hành trang để chiến đấu với VC' (tức Việt cộng). Ở cuối bức thư này, Việt còn tâm sự với Ngô Thị Hiền và xác định: '... có lẽ cũng như chú Lý của em, em không thể im lặng trước bất công, một sự im lặng nhút nhát và thậm chí đồng lõa. Một cách vô tình, em đã nhập cuộc vì chân lý, sự thật, và chắc chắn hậu quả sẽ đến với em...'. Việt đã thực hiện xong các yêu cầu và được Hiền cho 2.900.000 đồng tiền Việt Nam (BL 70 đến 78 tập II; số 256 tập VI).

Khoảng tháng 5 năm 2001, Nguyễn Thị Hoa (chị gái của Cường và Việt) nhận được điện thoại của một người tự xưng là Hiền (Đoan Trang) làm ở đài Quê Hương (một tổ chức phản động đặt tại Mỹ, phát tiếng Việt). Qua nhiều lần nói chuyện qua điện thoại, Đoan Trang đề nghị Hoa động viên các em (Dũng, Cường, Việt) cộng tác với Trang trong việc nắm tình hình tôn giáo ở Việt Nam, trước hết là việc Thích Huyền Quang từ Quảng Ngãi vào TP Hồ Chí Minh. Hoa đã động viên Nguyễn Trực Cường giúp Đoan Trang. Nhân có một lần Cường sang nhà Hoa, thấy chuông điện thoại đổ nên đã nhấc ống nghe thấy giọng một người đàn bà giới thiệu là Hiền (Đoan Trang) và hỏi lại Cường là ai? Cường giới thiệu là em chị Hoa, cháu cha Lý. Đoan Trang đặt vấn đề với Cường để Cường cộng tác trong việc nắm và cung cấp tình hình trong nước, tình hình tôn giáo... cho Đoan Trang. Mặc dù biết đài Quê Hương là một tổ chức phản động chống lại Nhà nước Việt Nam nhưng Cường vẫn nhận lời cộng tác với Đoan Trang và cho Đoan Trang số điện thoại của mình là 091.829.863 đồng thời ghi lại số điện thoại của Đoan Trang là 001.4082233130 để liên lạc. Đoan Trang đặt bí danh cho Cường là 'Phạm Việt'. Nhiệm vụ trước tiên mà Đoan Trang giao cho Cường là đến Thanh Minh Thiền Viện ở 90 Trần Huy Liệu, TP Hồ Chí Minh nắm tình hình tăng ni phật tử chuẩn bị đón Thích Huyền Quang. Ngày 1/6/2001 Cường đã nhận được 500 USD do Đoan Trang chuyển về thông qua Hoa để mua điện thoại di động và chi phí đi lại. Đoan Trang còn hứa sẽ gửi cho Cường 20 triệu đồng để trả nợ. Cường đã cùng Việt mua một máy điện thoại di động (Simen C35); khi mua, Việt nhắc Cường nên mua 2 sim cạc (mạng 091 và 090) để tiện liên lạc, sợ bị lộ. Mua xong Cường đưa cho Việt một sim cạc. Việt đã điện thoại cho Đoan Trang để thông báo số điện thoại mới này (BL số 24 đến 27; số 48 tập III; số 79 đến 85 tập II).

Khoảng 6 giờ sáng ngày 7/6/2001 Cường đến TP Hồ Chí Minh và điện cho Việt ra uống cà phê. Cường kể cho Việt về công việc mà Đoan Trang giao cho. Việt dặn Cường phải cẩn thận... Sau đó Cường đi đến Thanh Minh Thiền Viện, thấy mọi việc bình thường, Cường đã điện cho Trang thông báo 'tình hình bình thường'. Ngay sau đó Đoan Trang lại yêu cầu Cường đến chùa Dạ Lan (Ghi chú của VB: hình như sai lỗi chính tả, đúng ra có lẽ là Chùa Già Lam) ở đường Trương Công Định, TP Hồ Chí Minh để nắm tình hình tăng ni phật tử đón Thích Huyền Quang. Cường đã nhận lời nhưng không thực hiện nhiệm vụ này; khi Đoan Trang hỏi, Cường trả lời là 'bình thường, không có gì'.

Sau đó Đoan Trang lại giao cho Cường đi Quảng Ngãi để nắm tình hình của Lê Đình Nhàn (tức Huyền Quang), chụp ảnh, ghi âm cuộc nói chuyện với Nhàn về nguyện vọng của Nhàn, nhắn gửi với tăng ni phật tử trong và ngoài nước... Ngày 9/6/2001 Cường đến Quảng Ngãi, trên đường đi Cường mua một máy cassette có ghi âm. Vào đến chùa Phước Quang gặp Lê Đình Nhàn, Cường đã nói chuyện với Nhàn, chụp 2 kiểu ảnh của Nhàn, bật máy ghi âm nhưng thấy nguy hiểm nên lại tắt đi, khi quay ra thì bị bắt giữ (BL số 49 đến 52 tập III).

Thông qua Cường và Hoa, Việt biết Hiền (Đoan Trang) làm ở đài Quê Hương. Đoan Trang đã nhiều lần liên lạc với Việt qua điện thoại. Việt cũng đã nhiều lần điện thoại cho Hiền (Đoan Trang) thông báo về tình hình Nguyễn Văn Lý (sau khi bị bắt), nhất là từ ngày 12/6/2001 đến 17/6/2001 Việt đã liên tục 6 lần điện thoại cho Đoan Trang, trong đó có cuộc phí điện thoại hết 168.670đ (BL số 67 tập I), nhưng nội dung các cuộc điện thoại này Việt khai báo không thành khẩn. Việt còn cho địa chỉ của bạn mình là Nguyễn Văn Thiên Vũ ở đường Thích Quảng Đ?c, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh để bọn Hiền (Đoan Trang) gửi tiền về. Khi nhận được 650 USD, Việt đã đưa lại cho anh trai là Dũng 500 USD để chăm sóc mẹ, còn Việt giữ lại 150 USD. Sau khi Cường bị bắt, Việt đã điện thoại cho Đoan Trang hỏi thăm địa chỉ của Lê Đình Nhàn để đi tìm Cường. Ngay sau đó có một người đàn ông điện thoại cho Việt nói là đừng đi Quảng Ngãi vì rất nguy hiểm (BL số 67 tập I; số 85, 86 tập II; số 54, 55 tập IV).

Từ khi quan hệ với Đoan Trang, Hoa đã nhận được 2300 USD do Đoan Trang gửi về qua hai người đàn ông không biết tên mang đến. Theo chỉ đạo của Đoan Trang, Hoa đã chuyển cho bà Hiếu (chị của Lý) 500 USD để thăm nuôi Lý, bà Quy (chị bà Hiếu) 1000 USD xây mộ cho bà Kính, Cường 500 USD, còn Hoa được Đoan Trang cho 300 USD

(BL số 27, 28, 48, 49 tập IV).

Ngoài ra, Nguyễn Vũ Việt còn mở 3 hộp thư điện tử và mượn hộp thư của Nguyễn Văn Thiên Vũ để nhận các tài liệu phản động do Nguyễn Văn Lý và các nơi khác chuyển về như: Lời chứng thứ 2, Tuyên ngôn về thực trạng giáo hội công giáo tại giáo phận Huế, Phụ lục Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hợp Quốc, Hiến chương năm 2000 toàn văn, Sự thật được phơi bày, Thông cáo báo chí tại Paris ngày 13/6/2001... Các tài liệu trên Việt còn lưu trong các đĩa mềm hoặc trong ổ cứng (đã xóa hoặc còn lưu) trong máy vi tính, trong đó có một số tài liệu Việt đã in ra mang về nhà cho mẹ và các anh, chị trong gia đình ở Đồng Nai (BL số 47 đên 67 tập II).

Từ những chứng cứ nêu trên có đủ cơ sở.

KẾT LUẬN

Từ tháng 11/2000 đến tháng 6/2001, mặc dù biết Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam và đài Quê Hương là những tổ chức phản động nhưng Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường, Nguyễn Thị Hoa vẫn thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu cho Ngô Thị Hiền (làm ở Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam) và Đoan Trang (làm ở đài Quê Hương) nhằm chống lại Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể là:

- Nguyễn Vũ Việt đã trực tiếp thu thập và cung cấp cho Ngô Thị Hiền nhiều thông tin về Nguyễn Văn Lý nhằm chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã được Hiền cho 2.900.000đ VN. Biết Nguyễn Trực Cường cộng tác với Hiền (Đoan Trang) làm ở đài Quê Hương, Việt đã giúp Cường trong việc mua máy điện thoại di động để làm phương tiện liên lạc; nhắc nhở Cường mua 2 loại sim cạc kẻo bị lộ nhận của bọn Hiền (Trang) 650 USD, trong đó giữ lại 150 USD để sử dụng. Ngoài ra, Việt còn tàng trữ nhiều tài liệu phản động, trong đó đã mang một số tài liệu về nhà cho mẹ và các anh (Dũng và Hoàng) ở Đồng Nai.

Hành vi của Nguyễn Vũ Việt đã phạm tội 'Gián điệp' quy định tại điểm C, khoản 1, điều 80 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Đối với Nguyễn Trực Cường, thông qua sự giới thiệu của Nguyễn Thị Hoa (chị gái của Nguyễn Trực Cường), Cường đã trực tiếp quan hệ với Hiền (Đoan Trang) làm ở đài Quê Hương tại Mỹ. Biết đài Quê Hương là phương tiện hoạt động của các đối tượng thù nghịch nhằm chống chính quyền nhân dân nhưng Nguyễn Trực Cường đã nhận từ Đoan Trang 500 USD để mua máy điện thoại di động, máy chụp ảnh và máy ghi âm để làm phương tiện hoạt động; thực hiện các yêu cầu của Đoan Trang, Nguyễn Trực Cường đi Thanh Minh Thiền Viện để nắm tình hình chuẩn bị đón Lê Đình Nhàn từ Quảng Ngãi vào thành phố Hồ Chí Minh; đi Quảng Ngãi nắm tình hình về Lê Đình Nhàn nhằm chuyển ra nước ngoài cho Đoan Trang.

Hành vi của Nguyễn Trực Cường đã phạm vào tội 'Gián điệp' được quy định tại điểm C, khoản 1, điều 80 BLHS nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Nguyễn Thị Hoa là người trực tiếp liên hệ với Đoan Trang và động viên Việt và Cường thực hiện những yêu cầu của Đoan Trang về thu thập, cung cấp các tài liệu để Đoan Trang sử dụng các tài liệu này chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Hoa đã nhận từ Đoan Trang 2300 USD để chuyển cho các địa chỉ theo chỉ định của Đoan Trang, trong đó chuyển cho Cường 500 USD để thực hiện các yêu cầu của Đoan Trang; chuyển cho bà Hiếu (chị Lý) 500 USD, chuyển cho bà Quy (chị bà Hiếu) 1000 USD để xây mộ cho mẹ Nguyễn Văn Lý, bản thân Hoa được hưởng 300 USD.

Nguyễn Thị Hoa còn tàng trữ 01 tập tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước do Nguyễn Vũ Việt mang về.

Hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Hoa đã phạm vào tội 'Gián điệp' được quy định tại điểm C, khoản 1, điều 80 BLHS nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

LÝ LỊCH CÁC BỊ CAN

1. Nguyễn Vũ Việt

Sinh ngày 24 tháng 2 năm 1975 tại Đồng Nai.

Nơi đăng ký NKTT: Số nhà 77, tổ 2, Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương.

Chỗ ở: 179 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Nghề nghiệp: Nhân viên Văn phòng liên lạc chương trình hợp tác đào tạo giữa Đại học dân lập Văn Hiến TP Hồ Chí Minh và Đại học Broward Hoa Kỳ.

Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh.

Bố: Nguyễn San (đã chết)

Mẹ: Nguyễn Thị Mùi - sinh năm 1934.

Hiện ở: 41/111 khu B, Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Vợ, con: Chưa có.

Quá trình hoạt động của bản thân:

Từ năm 1975-1992: Sống cùng với cha mẹ, học tại Thống Nhất, Đồng Nai. Tháng 10/1995: ở tại 179 Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, học Đại học mở (dự bị). Từ tháng 12/2000 đến nay: là nhân viên phụ trách chương trình đào tạo liên kết giữa Đại học Văn Hiến và Đại học Broward Community - Hoa Kỳ.

Tiền án, tiền sự: Chưa.

Bị bắt tạm giam từ ngày 18/6/2001 cho đến nay.

Hiện đang bị tạm giam tại trại giam B 34 - Bộ công an.

2. Nguyễn Trực Cường

Sinh ngày 01/11/1967 tại Quảng Trị.

Nơi đăng ký NKTT: 41/111 khu 2B, Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Chỗ ở: Như trên.

Nghề nghiệp: Thợ trang trí nội thất.

Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh.

Bố: Nguyễn San (đã chết)

Mẹ: Nguyễn Thị Mùi - sinh năm 1934.

Hiện ở: 41/111 khu B, Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Vợ: Nguyễn Thụy Uyên - sinh năm 1974.

Hiện ở: 41/111 khu B, Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Có l con trai 6 tuổi.

Quá trình hoạt động của bản thân:

Từ năm 1967 đến 1984: Còn nhỏ ở với cha mẹ tại Quảng Trị. Đến năm 1972 cùng gia đình chuyển về ở và đi học tại Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai. Từ năm 1984 đến 1990: làm thợ sửa xe tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (gần cầu Thị Nghè). Từ 1990 đến 1995 dạy học tại trường khuyết tật Hàng Xanh - thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1995 đến nay: làm thợ trang trí nội thất tại Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Tiền án, tiền sự: Chưa...

Bị tạm giam từ 13/6/2001 đến nay.

Hiện đang bị giam tại trại giam B 34 - Bộ công an.

3. Nguyễn Thị Hoa

Sinh năm 1959 tại Quảng Trị.

Nơi đăng ký NKTT: 40/110 khu 2B, Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Chỗ ở: Như trên.

Nghề nghiệp: Buôn bán.

Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh.

Bố: Nguyễn San (đã chết)

Mẹ: Nguyễn Thị Mùi - sinh năm 1934.

Hiện ở: 41/111 khu B, Quảng Biên, Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Chồng: Trần Hoàng - sinh năm 1958 (đã chết năm 1998)

Có 4 con: lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi.

Quá trình hoạt động của bản thân:

Từ năm 1959 đến 1972: Còn nhỏ, đi học, ở với cha mẹ tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Từ năm 1972: Theo cha mẹ vào Suối Nghệ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khoảng vài tháng sau chuyển đến Quảng Biên, Đồng Nai, ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 1982: Lập gia đình, và ở nhà buôn bán, làm rẫy.

Tiền án, tiền sự: Chưa.

Bị tạm giam từ 19/6/2001 đến 25/10/2001.

Hiện đang được tại ngoại ở tại xã Quảng Tiến, Thống Nhất, Đồng Nai.

Điều 80 Bộ luật Hình sự quy định:

'1- Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a...

b...

c. Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam'.

Xét thấy hành vi phạm tội của Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường, Nguyễn Thị Hoa rất nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1- Truy tố các bị can Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường, Nguyễn Thị Hoa có lý lịch nêu trên ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét xử về tội 'Gián điệp' theo quy định tại điểm C, khoản 1, điều 80 Bộ luật Hình sự như đã viện dẫn ở trên.

2- Đề nghị Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điều 92 Bộ luật Hình sự để xử phạt hình phạt bổ sung đối với các bị can.

3- Ủy quyền cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố đối với vụ án này.

Kèm theo Cáo trạng là hồ sơ vụ án gồm......tờ được đánh số từ 01 đến......

Nơi nhận: TUQ. VIỆN TRƯỞNG

- Hồ sơ vụ án VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

- Hồ sơ KSĐT KIỂM SÁT VIÊN

- Cơ quan ANĐT - Bộ Công an (ký tên và đóng dấu)

- Bị can Nguyễn Mạnh Hiền

- Lưu 2C, HS

(theo Việt Báo)

ĐÀ LẠT: HÒN BỒ PHỐ KHÔNG PHỐ

Hòn Bồ có tên hẳn hoi trong bản đồ hành chính của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng: Tổ 36 và 37 thuộc khu phố 4, phường 12. Hòn Bồ nằm cách trung tâm phố thị Đà Lạt chỉ dăm cây số nhưng nơi đây thật không khác gì một làng quê heo hút nào đó. Đến Hòn Bồ, tôi có cảm giác như mình lọt thỏm giữa một vùng thâm sơn.

Hôm trước, khi đặt vấn đề tìm hiểu Hòn Bồ, nói chính xác hơn là tìm hiểu tổ 36 và 37 của khu phố 4, phường 12 (còn gọi là Thái Phiên) Đà Lạt, đại uý công an phụ trách khu vực Đinh Xuân Thực khuyên: 'Trời đang mưa lớn, đường lầy lội lắm, đi không nổi đâu!'. Tôi đành quay về để chọn một ngày trời đẹp, nắng ráo. Bu?i sáng, ra khỏi nhà dăm phút trên con đường nhựa láng coóng là xe tôi chạm ngay vào con đường đất bị băm vằm dẫn lên một ngọn đồi có tên là Hòn Bồ. Đoạn đường không dài nhưng đầy ổ voi, ổ gà nên khó đi. Một bà cụ nói như hờn dỗi: 'Phố chi mà phố chú. Hòn Bồ này còn kém cả làng quê heo hút ấy chứ!'. Bởi thế, tôi gọi Hòn Bồ - phố không phố là vậy!

Làng làm thuê

Cả hai làng 36 và 37 nằm trong khu vực Hòn Bồ của phường Thái Phiên có khoảng 70 nóc nhà. Dân ở đây hầu hết là người miền Trung, nhiều nhất là người Huế và Quảng Ngãi. Hòn Bồ là khu vực dãn dân của thành phố Đà Lạt năm 1988 nên dĩ nhiên là có tên phố. Nói cách khác, cái tên tổ 36, 37 là tên gọi có từ khi thực hiện dãn dân, còn trước đó gọi là Hòn Bồ - tên một quả đồi nằm ngay cạnh.

Tôi hỏi thăm đến nhà ông tổ trưởng tổ 37 Nguyễn Đình Cư, một người dân chỉ tay về phía trước: 'Anh cứ theo con đường này, rồi tụt xuống một con dốc dài. Nhà ông tổ trưởng ở cuối dốc. Tôi đi theo lời chỉ dẫn, đến cuối con đường, nhìn mái nhà gỗ lợp tôn tuềnh toàng, tôi tiếp tục đi. Thấy chẳng còn ngôi nhà nào nữa, tôi lại quành xe trở lại và đứng thở cạnh ngôi nhà gỗ ban nãy. 'Ông' tổ trưởng Cư từ dưới vườn hỏi vọng lên: 'Tìm ai đấy?'. Tôi đáp: 'Tìm ông tổ trưởng Cư!'. 'Cư đây!'. Cư bỏ dở buổi làm vườn để tiếp tôi. Trong căn nhà gỗ ọp ẹp của mình, anh Cư (vì Cư còn khá trẻ nên tôi chuyển cách xưng hô) 'báo cáo' với cán bộ 'cấp tỉnh' rằng: 'Tổ 37 của em có 33 nóc nhà. Mỗi nhà trung bình 5 khẩu. Trong 5 khẩu có trung bình 2 lao động. Trong 33 gia đình này chỉ có 8 hộ là có khẩu thường trú, còn lại là KT3, gọi là KT3 nhưng hầu hết cũng đã cư trú trên 10 năm nay rồi. Còn về vấn đề việc làm à? Ở đây chỉ có 4 hộ là có vườn. Hộ em là một. Ba hộ khác là ông Thái, ông Lạc, ông Tâm. Số còn lại chỉ có cái nền nhà chứ không có đất. Không có đất thì phải đi làm thuê. Ai thuê gì thì làm nấy. Nhiều nhất vẫn là làm vườn: Đàn bà thì làm cỏ. Đàn ông nỉa đất, gánh hàng lagim. Công lao động đàn ông 30 - 35 ngàn đồng, đàn bà thì 25 - 30. Công lao động cũng phập phù theo mùa vụ. Khi rau thấp giá thì công cũng thấp theo. Khi rau bèo bọt thì chẳng ai thuê nữa'. Cư kể rằng mình vào đây năm 1989. May mà tích cóp được ít tiền mua được 3 sào đất nên không phải đi làm thuê làm mướn. Tuy không nói ra nhưng tôi biết rằng anh ngấm ngầm tự hào rằng gia đình anh thuộc diện 'bậc trên' trong làng: Nhà gỗ tuy ọp ẹp nhưng được tráng nền ximăng. Nhà có tivi, đầu máy và có cả chiếc xe Simson. Anh Cư nhấp ngụm nước rồi tiếp tục câu chuyện với tôi: 'Anh bảo em lấy 'điển hình' thất nghiệp của làng quả thật khó. Vì, đến mùa lagim ( rau, củ) , cả làng đi làm thuê. Hết vụ, cả làng đều nghỉ. Còn lagim đại hạ giá, nhà vườn không thuê thì cả làng nghỉ dài dài!'. Ngó ra đường thấy một ông già đang lặc lè gánh gánh củi mót của nhà vườn lên dốc, anh Cư bảo tôi: 'Ta đi theo ông ấy về nhà thì khắc biết!'. Ông già tên là Phạm Văn Tuất, 70 tuổi, có 5 đứa con. Con gái đầu và con gái thứ đã có chồng và ra ở riêng. Bà Tuất bị bệnh tim đã nhiều năm nay. Trong 3 đứa còn lại thì đứa con trai thứ hai bị bệnh mất trí, đứa út còn đang học lớp 9. Tất cả gia đình mấy miệng ăn đều trông cậy vào tay nghề thợ hồ của người con trai lớn. Vừa quẳng gánh củi ở chái nhà, ông Tuất vừa hổn hển thở, vừa chỉ tay vào góc nhà nơi có đống đồ tang ma, vừa nói: 'Hôm rồi bà ấy bị bệnh viện 'chê', tưởng không qua khỏi, nhà đã đi sắm mấy cái thứ này, nhưng không hiểu sao sau khi chích mũi hồi dương thì bà ấy sống lại đến giờ. Phần thì thuốc thang cho bà ấy, phần thì cho cái thằng 'tàng tàng' kia. Nó 20 tuổi rồi chứ ít gì. Nhưng con cái bị bệnh, biết làm sao được'.

Phố không phố

Anh Nguyễn Cho, Tổ trưởng tổ 36, có cùng bức xúc như anh Tổ trưởng tổ 37 Nguyễn Đình Cư: 'Hòn Bồ vẫn chưa có công trình điện và nước của Nhà nước. Bà con Hòn Bồ phải mắc dây thắp điện thuê với giá thường gấp đôi. Còn nước thì phải nhờ vào thứ nước tưới của nhà vườn hoặc vét từ những ao hồ ở dưới thấp. 100% dân Hòn Bồ này có chung hoàn cảnh như vậy'. Tôi đưa mắt nhìn về phía phố thị. Phố gần quá. Thế nhưng tại sao nơi này lại biệt lập đến như vậy?

Về chuyện điện, lúc sáng mới đến, ghé vào một cái quán cóc, tôi được ông Hoàng Văn Số (bố vợ của Tổ trưởng Nguyễn Cho) 'tố khổ' vì biết tôi là nhà báo, rằng: 'Năm 1990, tôi từ Huế theo con cái vào trong ni. Nghe nói 'khu phố 4, phường Thái Phiên, thành phố Đà Lạt' tưởng rằng oách lắm. Ai ngờ nó như ri. Chặp tối, đang xem thời sự bằng chiếc tivi, bỗng nó tắt cái rụp. Con tôi giải thích rằng do điện yếu. Mấy hôm sau, thấy điện lúc tắt lúc sáng, mà lúc sáng thì cũng chỉ được như con đom đóm, tôi mới biết rằng ở đây không có điện của Nhà nước. Lạ quá hè! Gọi là phố mà sao phải đi thắp điện nhờ? Mà, đó là hồi mới vào. Nhưng mãi đến chừ cũng rứa. Rứa là tại răng hè?'. Bà Cao Thị Sẽ, 70 tuổi, cũng là người Huế, kể với tôi: 'Năm Mậu Thân chạy giặc chạy giã, tôi chạy tuốt vô trong ni luôn. Năm dãn dân, Nhà nước đưa gia đình tôi vô Hòn Bồ. Thân già này chẳng còn là bao, chỉ tội cho các cháu tôi không có cái điện sáng để học bài, không có giọt nước sạch để uống. Cực chi mà cực ra ri...'. Bà Sẽ chưa nói hết câu thì tiếng máy xe xoành xoạch leo dốc và một chiếc xe máy Simson hạng bét lù lù vào. Anh Cao Hữu Đức (con của bà Sẽ) vừa đón hai đứa nhỏ đi học về. Rót nước mời khách, anh Đức tiếp tục câu chuyện của mẹ mình: 'Điện 'hai trăm hai' nhưng vì thắp nhờ thắp mướn quá nhiều nên nhà em dùng bóng 'một trăm mười' mà vẫn không sáng nổi. Có đêm em phải thắp thêm đèn cầy cho hai cháu học bài'. 'Còn những nhà không mắc điện thắp thuê thì sao?'. Anh Đức đáp gọn lỏn: 'Thì thắp đèn dầu chứ biết làm sao!'. Mà, dân Hòn Bồ này đâu phải ai cũng đủ tiền để mua dây điện kéo điện về nhà mình thắp thuê. Anh Cho nói rằng: 'Nhà nào ở đây thắp điện cũng đều thuê. Chủ điện thường là các nhà vườn hoặc là người làng bên kia (anh chỉ tay về phía trung tâm Thái Phiên cách Hòn Bồ chỉ chừng cây số đường chim bay). Thích thì người ta cho thắp. Còn không thích thì họ cắt. Còn về giá điện ư? Không hiểu sao mà các chủ điện lại cứ tính hao hụt rất cao, có tháng đến 100%, nên dân làng Hòn Bồ đã chịu cảnh điện đom đóm lại còn gánh thêm cái giá cắt cổ nữa.

Còn về nước sinh hoạt? Bà Cao Thị Sẽ cứ liên tục ca cẩm: 'Cực chi mà cực ri chú hè! Mùa ni, thỉnh thoảng ông trời mưa cho một trộ còn đỡ, chứ mùa nắng thì cả làng ni đi xin nước. Mấy tháng hạn vừa rồi, đi xin nước không ai cho, mấy đứa con tôi đành xuống cái ao vườn vét hố mót nước cặn đem về mà uống. Mà, ngay cả mùa ni, cái nước hồ nước ao của làng Hòn Bồ ni nó cũng cứ lờm lợm, để cả tuần vẫn không lắng được. Nhưng phải uống thôi chứ biết mần răng hè! Cực chi mà cực như ri!'. Mấy tháng vừa rồi, ông Lạc ở tổ 37 có một 'sáng kiến': Sắm một chiếc máy bơm, vét rộng một cái ao dưới vườn, bơm nước lên đồi bán cho bà con. Anh Cư dắt tôi xuống chỗ 'trạm bơm' phía dưới đồi. Cái máy bơm đang nổ xoàng xoạch. Cái ao mùa này đầy nước. Nhưng phải nói là khủng khiếp khi nhìn xuống mặt ao: Rác rến nổi lều bều. Ở khu vườn bên cạnh, một anh nông dân đang bơm thuốc trừ sâu cho ruộng sú. Mà đâu chỉ thuốc trừ sâu, cả trăm thứ rác rưởi hùm bà lằn từ tứ phía đổ vào cái ao tênh hênh giữa trời này ấy chứ!

* * *

Tôi đã từng dự quá nhiều cuộc họp cấp tỉnh và cấp thành phố bàn về việc cải tạo và nâng cấp hệ thống điện và hệ thống nước của Đà Lạt. Tôi cũng đã dự quá nhiều những cuộc họp bàn về vấn đề giải quyết lao động và việc làm cho dân Đà Lạt và dân Lâm Đồng. Những con số nêu ra tại những cuộc họp ấy quả là choáng ngợp. Nào là trăm tỉ ngàn tỉ. Nào là vốn vay nước ngoài... Rồi nữa, chương trình tiến tới kỷ niệm Đà Lạt tròn 110 năm sắp đến (2003) với những hạng mục, công trình điện, đường, trường, trạm... được đưa ra cũng hoành tráng lắm, 'ác liệt' lắm. Nhưng, ngay trong khuôn viên thành phố, lại có một Hòn Bồ tuy là phố nhưng hoàn toàn không phải là phố!

SÀI GÒN CÀ PHÊ

(phóng sự của Y.B)

Những ai đã từng có dịp qua Sài gòn đều bị thành phố này mê hoặc bở những gương mặt khác nhau của nó. Mà gương mặt quyến rũ nhất của Sài gòn chính là những quán cà phê ....

Thực ra, quán cà phê ở Sài gòn đã không còn giữ được cái vẻ nguyên khai của nó, nơi chỉ bán cà phê và tất nhiên, người ta đến đó cũng chỉ để uống cà phê. Nhiều quán cà phê ở Sài gòn ngày nay là một 'hỗn hợp bar - cà phê', nơi ngoài cà phê ra, khách vẫn có thể uống những đồ giải khát ưa thích. Dẫu vậy, khi rủ nhau, người ta chỉ cần nói: 'Đi cà phê'. Thế là đủ.

Còn tương đối trung thành với quán cà phê truyền thống chính là hệ thống cà phê Trung Nguyên, giờ đây có thể bắt gặp ngàn ngạt trên khắp các phố phường Sài gòn. Cà phê Trung Nguyên có hẳn 1 điểm tựa mang tính triết học: sáng tạo. Bởi vậy mà anh chàng nhà thơ râu tóc bù xù, nhưng đầu ấn tượng quảng cáo cho cà phê Trung Nguyên được hiểu là đang sáng tạo bên ly cà phê bốc khói. Và cũng bởi vậy mà bước vào bất kỳ 1 quán nào trong cái dây chuyền cà phê này, khách hàng đều bắt gặp 1 bản thực đơn cà phê giống hệt nhau với đủ 9 loại cà phê, từ Sáng tạo 1 đến Sáng tạo 9!

Riêng đối với những khách sành uống cà phê, vào một quán Trung Nguyên, họ bỏ lại đàng sau những ý nghĩa triết học của cà phê và thường chỉ gọi vắn tắt: 'Cho một 8 đá!' là đủ. Có nghĩa là 1 ly cà phê có bỏ đá thuộc loại Sáng Tạo 8, hay đơn giản là cà phê chồn! Câu chuyện huyền thoại về giống chồn đực Mjia trên miền đất cao nguyên, ban đêm leo lên cây xơi cà phê, sau đó thải ra theo đường tiêu hoá cả ký hạt cà phê dưới gốc cây để người ta đem về ngâm nước và chế biến thành 1 loại cà phê có hương vị đặc biệt không đâu có, được Trung Nguyên khéo léo đưa vào trong sản phẩm của mình. Còn gì thú vị hơn khi mơ màng bên ly cà phê đậm đặc và tưởng tượng về những con chồn đêm cao nguyên!

Trung Nguyên có hệ thống cà phê quán rải khắp Sài gòn, nhưng lại ít hiện diện ở đường Đồng khởi, thực sự là 'con đường cà phê' của Sài gòn. Có thể nói không ngoa rằng, đã có cả thế hệ người Sài gòn gắn bó với con đường này qua những quán cà phê.

Người ta nói rằng Paris hấp dẫn du khách bởi tháp Eiffel, sông Sein và những quán cà phê vỉa hè. Thì ở Việt Nam vào buổi sáng sớm, ở đầu đường Đồng khởi, trước toà nhà Metropolitan cũng có cà phê vỉa hè, nơi du khách có thể thong thả nhấp từng ngụm cà phê trong cái se se buổi sáng hiếm hoi của Sài gòn. Lui xuống phía dưới chút nữa, gần khu trung tâm là những tiệm cà phê một thời lừng lẫy danh tiếng của Sài gòn cũ như La Pagole, Givral, Brodard .... La Pagole đã đóng cửa sau năm 1975, còn Brodard và Givral thì vẫn còn lại thách thức với thời gian. Hai tiệm cà phê này nằm ở vị trí đắc địa, xế ngay cửa toà nhà nghị viện Sài gòn cũ (nay là nhà hát thành phố), nổi tiếng do đám nhà văn và ký giả trong nước, ngoài nước thường tập trung ở đây để săn tin thị trường ! Nhà văn thì thường ngồi bên Givral, trong khi đám nhà báo tụ tập ở Brodard. Trước năm 1975, nếu như muốn biết những gương mặt danh tiếng nhất trong giới chữ nghĩa của Sài gòn thì chỉ cần đến hai tiệm cà phê này là gặp! Bây giờ, lớp trẻ Sài gòn thường ngồi ở Givral, trong khi những người thuộc lứa tuổi trung niên ở Sài gòn vẫn ưa ngồi bên ly cà phê ở Brodard, nhấm nháp cái hương vị xưa cũ của một thời.

Xuôi về phía cuối đường Đồng khởi, vượt qua 1 số quán cà phê mái hiên bên hông các khách sạn Continental. Majestic, Caravelle, có 1 quán cà phê khá thời thượng hiện nay ở Sài gòn mang tên cũ của đường Đồng khởi là cà phê Catinat. Ở 1 góc, người chủ đã khéo léo tạo nên nét riêng của quán với việc dán trên tường những viên gạch có chữ ký của những nhân vật mà người ta cho là nổi tiếng. Đủ cả: âm nhạc có Trịnh Công Sơn, Tô Vũ, Phạm Tuyên, Lệ Thu, Mỹ Linh, Phú Quang, Hồng Nhung, Lê Dung, Thuỷ Mị, Trọng Tấn; hội hoạ có Đỗ Quang Em, Lưu Công Nhân; điêu khắc có Phạm Văn Hạng, thi ca có Nguyễn Duy, Phạm Thị Ngọc Liên, Chim Trắng; điện ảnh có Phạm Hoàng Nam ... Đặc biệt, có cả chữ ký của nhà thơ Trần Đăng Khoa! (Người vốn nổi tiếng là không rượu chè, không cà phê thuốc lá. Chắc ông nhà thơ này chỉ đến để ký tên thôi để tăng thêm phần sang trọng cho quán!)

Để tận hưởng cái không gian yên tĩnh hiếm hoi và được gần gũi với những nhân vật nổi tiếng như vậy, cũng hơi đắt: giá của mỗi ly cà phê ở đây không dưới 20.000d; nếu là cà phê - rượu như Irish coffee, Calypso hay Rhum coffee thì giá đồng loạt là 29.000. Kể cũng đáng !

Ở một nhánh rẽ trái của đường Đồng khởi, trên con đường nhỏ Hồ Huấn Nghiệp có cá phê Bố Già, khá nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ, cũng như giới giang hồ Sài gòn. Quán đư?c mở từ năm 1976, có nghĩa là chỉ 1 năm sau giải phóng. Thoạt đầu chỉ bán kem, sau đó chuyển sang bán cà phê. Nghe kể sở dĩ quán có tên Bố Già là bởi vì ông chủ quán có diện mạo khá giống với Marlon Brando, tài tử điện ảnh lừng lẫy đã thủ vai Bố già trong loạt phim cùng tên rất được giới trẻ Sài gòn hâm mộ hồi thập niên 70.

Ông chủ quán đã mất cách đây 8 năm, nay bà vợ và mấy người cháu quản lý. Ngồi ở Bố già, khách có thể lựa chọn cái thú vị là ngồi trên vỉa hè hứng những ngọn gió mát rượi từ sông Sài gòn thổi vào, hoặc lui vào bên trong nhà, nơi có những kệ chất nhuốm màu thời gian dọc 2 bên tường chất đầy sách ngoại văn cũ.

Khách nước ngoài ưa đến đây bởi ngoài uống cà phê, họ còn có thể tìm thấy những cuốn sách cũ (mà quán có bán); giới nghệ sĩ thì vì giai thoại kèm theo cái tên của quán còn giới thanh niên thích ngồi đây vào dịp tối khuya, có thể vừa chuyện trò uống cà phê, vừa thoải mái ngắm nhìn những cô vũ nữ chân dài ra vào bên vũ trường Mưa Rừng ở ngay đối diện!

Những quán có tiểu sử chủ nhân kèm theo để hấp dẫn khách ngồi như cà phê Bố Già ở Sài gòn không nhiều. Ở Hà Nội, nhiều quán cà phê có tiếng thường lấy luôn tên của người chủ làm tên quán như cà phê Lâm, cà phê Giảng, cà phê Quỳnh hay cà phê Nhân. Khách đến uống cà phê để có cảm giác thân thiết như gặp mặt luôn người chủ vậy! Ở Sài gòn, không có mấy quán cà phê mang tên 1 người chủ nào đó.

Là một thành phố luôn đổi thay, cà phê quán của Sài gòn cũng luôn đổi thay và điều này giải thích vì sao khó mà có thể tìm được một quán cà phê nổi tiếng được trong 1 thời gian dài ở Sài gòn. Với đối tượng tới quán cà phê chủ yếu là lớp trẻ thì yếu tố 'lạ' được đưa lên hàng đầu. Như trong thời điểm hiện nay, những quán cà phê thời thượng thu hút nhiều lớp trẻ nổi lên có cà phê An Nam ở góc Trương Định - Võ Thị Sáu hay cà phê Chợt Nhớ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cạnh khách sạn Omni .....

Nhằm hướng tới sự lạ, khi người ta tới quán không chỉ để uống mà còn để nhìn, , nhiều quán cà phê Sài gòn ngày càng chú trọng tới phong cách riêng trong trang trí nội thất. Có những quán tự nhiên lạ, hút khách như cà phê A.Q ở góc đường Mạc Đỉnh Chi - Trần Cao Vân. Tên quán chẳng có chút liên quan gì đến tên anh chàng 'làm cách mạng' của thi hào Lỗ Tấn mà đơn giản chỉ là tên công ty mở quán. Lạ bởi vì đây là một trong những ngôi nhà gỗ hiếm hoi có tuổi trên 100 năm ở Sài gòn, vốn trước đây là của 1 ông Tây kiểm lâm, trải qua nhiều dịch chuyển, nay thuộc về 1 quan chức làm trong ngành quảng cáo. Nghe nói lần sửa chữa gần đây nhất của ngôi nhà cách nay đã 60 năm. Giữa những bê tông kính hầm hập của đời sống đô thị, một ngôi nhà gỗ dễ khiến người ta trở nên hiền lành hơn ? Tuy cổ vậy nhưng trang trí trong nhà lại khá avant-garde, có xích đu cho đôi lứa ngồi uống cà phê ....

Cũng trong sự pha trộn như vậy về trang trí có cà phê Yesterday trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nơi khách uống cà phê có thể ngắm những con chim hồng hạc treo lơ lửng trên những chiếc xe máy cổ to đùng được chủ nhân bày ngổn ngang trong phòng. Trong khi đó, cà phê Window's mới mở ở góc đường Trần Cao Vân gần hồ Con Rùa thì phong cách lại rất ngang bởi phong cách bụi không giống ai, với những đường nét thô, lệch, phá cách, hợp với khách trẻ ....

Điều không thể thiếu khi nhắc đến cà phê Sài gòn chính là âm nhạc, khi mỗi quán đều cố gắng tạo ra 1 phong cách riêng. Hà Nội Và Tôi gần hồ Con Rùa là 1 quán như vậy. Chủ quán tên Toàn người gốc Bắc có gương mặt của 1 hảo hán Lương Sơn Bạc, vậy mà giọng hát thật mềm, thật hiền, hằng đêm vỗ guita thùng bập bùng loại nhạc đồng quê của Việt Nam, với những ca khúc nặng một niềm hoài nhớ xưa cũ. Hát rằng: 'Đêm nhớ về Sài gòn - Nhớ bạn bè thèm ngồi bên nhau - Nhắc chuyện đời chuyện ngày xưa sau... Đang ở Sài gòn mà nhớ về Sài gòn mới lạ!

Vẫn hương vị âm nhạc ấy có thể tìm thấy vào các buổi tối tại Montana. Bodegar hay Catinat thì ồn ào hơn 1 chút. Nếu là những đệ tử trung thành của The Beatles thì phải tới Yoko, một quán yên tĩnh nằm trong con phố nhỏ Nguyễn Thị Diệu, với những Imagine, Let It Be ..... bất tử. Trong khi đó, muốn nghe jazz cafe thì ghé Wild Horse (mà chủ quán cho dịch là Con Ngựa!) trên đường Thái Văn Lung. Cũng có 1 mảng jazz trong chương trình biểu diễn buổi tối của cà phê Thanh Niên trên đường Nguyễn Văn Chiêm, bên hông nhà thờ Đức Bà. Mấy năm trước, đây là 1 trong những quán cà phê nhạc hiếm hoi. Đây có lẽ là quán cà phê ít thay đổi nhất ở Sài gòn nhiều đổi thay. Chỉ có cái mái rơm là được thay bằng mái lợp, còn lại mọi thứ hầu như vẫn như cũ. Vẫn người nữ ca sĩ luống tuổi hát nhạc jazz bằng chất giọng trầm khàn như có lửa, người nghệ sĩ saxophone tài hoa với những âm điệu da diết cùng cây piano và violon để tạo nên một sự thanh nhã qua các ca khúc Trịnh Công Sơn hay những tình khúc để đời như Love Story ....

Sài gòn muôn mặt, sài gòn cà phê. Bởi vậy mà có cà phê dưới hầm như Carmen trên đường Lý Tự Trọng, phong cách nửa Viễn Tây, nửa Đà Lạt, hay Underground trên đường Đồng khởi; có cà phê trên cao như ở tầng thượng của khách sạn Rex, năm nào được tờ tạp chí AsiaWeek bầu chọn là nằm trong Top Five những quán cà phê sân thượng châu Á. Nếu muốn ngắm Sài gòn dưới tầm chim bay, có thể lên quán cà phê trên đỉnh Sài gòn ở lầu 33 Trung tâm thương mại Sài gòn ngắm sông Sài gòn như 1 dải lụa mềm từ tầng 15 của toà nhà Landmark... cà phê Sài gòn có đủ khả năng để chiều lòng tất cả mọi người!

Để rồi, nếu chỉ là người khách qua Sài gòn, thảng hoặc có nghĩ về thành phố với những tất tả sôi động của 1 cuộc sống không ngừng đổi thay, lại trở về cùng ta cái hương vị bao dung của quán cà phê với những tóc nâu môi trầm, những cà phê thanh vắng, cà phê ồn ào, với vị đắng cùng bóng tối ly cà phê .... Và khi đó, nỗi nhớ chợt dâng đầy...

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002