Đại Chúng số 111 - ngày 1 tháng 12 năm 2002

ĐỪNG HỎI TẠI SAO

Người Thứ Chín Biên Soạn

1.- Chồng dại, chồng khờ:

20 năm lãnh đạo tập đoàn General Electric, ông Jack Welch được xem là một tổng Giám đốc kiểu mẫu, một quản trị viên lỗi lạc nhất của nửa sau thế kỷ 20. Nhưng thần tượng Mỹ này mới đây đã sụp đổ. Chỉ vì một bóng hồng.

Tháng 3.2002, bà Jane Welch, 49 tuổi nộp đơn ly dị sau 13 năm làm vợ nhà quản trị triệu phú Jack Welch. Năm nay 66 tuổi, nhà quản trị lỗi lạc nhất một trong những Đại công ty Mỹ bị “bà hành" tình ái lăng nhăng với bóng hồng 42 tuổi Suzy Wetlaufer, cựu biên tập viên tạp chí kinh tế rất có uy tín Harvard Business Review. Mối tình vụng trộm khởi đầu sau lần nàng phỏng vấn chàng.Trước đó 13 năm.

Sắp được tự do hoàn toàn, bà Jane ra tay hủy hoại thanh danh người đã chung chăn gối với mình suốt 4745 đêm. Không chỉ đòi "cưa đôi" số tài sản của chồng (ước tính trị giá từ 700 - 900 triệu USD), bà còn khui cho công chúng biết hành vi của đức ông chồng, luôn tiện bật mí cách hành xử của ban giám đốc các tập đoàn công ty lớn trong việc thuê dụng các quản trị viên cao cấp.

Nghỉ hưu từ năm 2001, ông Jack nay bẽn lẽn, ngượng ngùng không khác một sinh viên luật năm thứ nhất, chỉ vì bị vợ “xỏ mũi” trong một điều khoản hợp đồng tiền hôn nhân: bà Jane tin chắc mình sẽ được chia từ 350-450 triệu USD, vì bà đã có "thâm niên" 13 năm làm vợ của ông, dù hợp đồng ghi rõ rành rành giấy trắng mực đen, rằng mọi điều khoản không còn giá trị sau khi hai người chung sống được hơn 10 năm.

Qua chuyện vạch áo cho người xem lưng của bà Jane, xem ra ông Jack chỉ dở xoay trở trong tình duyên, chứ ông rất có tài trong kinh doanh và tranh đấu vì quyền lợi cá nhân.

Ngay từ năm 1996, khi còn đang cầm cương điều khiển GE, ông đã “buộc” tập đoàn này ký một hợp đồng dành nhiều ưu đãi cho mình, ngay cả khi ông về hưu.

Là một nhà tư vấn đặc biệt cho GE, nay ông sống trong một căn “condo” sang trọng ở New York do GE thanh toán tiền thuê nhà. Khi du lịch, ông có quyền leo lên chiếc Boeing 737 của tập đoàn. Ngoài ra, ông vẫn được hưởng xe limousine có tài xế, vé vào xem các trận tranh hùng chung kết cuả các đoàn thể thao nôỉ danh "baseball, basketball hay tennis". GE còn phải thanh toán cho các chi tiêu ăn uống, rượu ngon, hoa, giặt ủi...nghĩa là từ A đến Z cho ngừoi đã về hưu.

Bà Jane khui chuyện riêng của chồng, vô tình khui cả bí mật riêng tư của nhiều nhà quản trị cao cấp khác trong Đại công ty Mỹ. Dù đã nghỉ hưu, cựu TGĐ John Bryan ở Đại công ty bánh ngọt nổi danh thế giới là: "Sara Lee" vẫn được hưởng "chùa" xe hơi có tài xế, văn phòng làm việc và hai nhân viên phụ tá.

Ronald Allen, cựu tổng Giám đốc hãng Hàng không Delta Airlines, ngoài việc mỗi năm nhận lương $ 500,000 USD từ vai trò cố vấn đặc biệt của hãng, còn được hưởng thêm mỗi năm khoản lương hưu $ 750,000 USD lẫn xe con, tài xế và văn phòng. Hợp đồng ưu đãi nghỉ hưu nêu rõ ông được hưởng những quyền lợi này cho đến hết năm 2004, ngay cả khi ông đột ngột qua đời trước thời hạn ấy!

?y ban điều hành thị trường chứng khoán Mỹ đang xem xét có nên điều tra về hành vi của ông Jack Welch, trong thời gian ông còn lãnh đạo GE hay không. Nhiều cổ đông (stockholders) đã lên tiếng phản đối việc GE vẫn trả lương $ 16.7 triệu USD/năm cho ông ta. Chủ tịch Quỹ dự trữ tiểu bang New York, ông William McDonough mới đây chỉ trích cách trả lương cho các quản trị viên cao cấp ở các “đại gia” Mỹ là “quá cao đến mức vượt mặt đạo đức”, khi biết rằng lương tổng Giám đốc nay 400 lần cao hơn lương công nhân. Cách đây 20 năm, sự cách biệt chỉ cao hơn 42 lần.

2.- Sông Hằng trong điêu khắc và thần thoại Ấn Độ:

Người Ấn Độ vốn coi trọng các con sông. Với họ, những dòng sông là những người mẹ nuôi dưỡng và sinh ra thức ăn cho sự sống. Chúng là những hình tượng phổ biến, nổi tiếng trong các tác phẩm nghệ thuật kinh điển thời Cổ đại... Linh thiêng nhất, nổi tiếng nhất là sông Hằng, Ganga (tiếp đó là sông Ấn). Dòng sông được coi như nữ thần trong lòng người dân Ấn Độ và là nơi diễn ra nhiều phong tục linh thiêng của người dân Ấn Độ. Nó chảy từ vùng băng giá, vùng Garhwahtreen độ cao 13.800 feet (khoảng 4.000m) so mặt nước biển.

Có nhiều huyền thoại liên quan tới việc giáng trần của Nữ thần sông Hằng trong các cuốn kinh và các Purana, như trong sử thi Mahabharata, Devi Bhagavata, Bhagawata Purana...

Theo cuốn Bhagawata Purana, Ganga được tạo ra từ việc đo 3 thế giới trong 3 bước chân của thần Vishnu (thần Bảo Vệ), móng chân trái của Vishnu đã chọc thủng một lỗ trên vũ trụ. Sông Hằng "rơi" ra từ đó, từ Thượng giới và có tên Vishnupadi (theo chân Vishnu).

Thuần phục Nữ thần sông Hằng là tên tác phẩm thần thoại được tái hiện tuyệt đẹp trong điêu khắc Besnagar nổi tiếng, hiện trong Bảo tàng nghệ thuật Boston. Tác phẩm này thuộc thời kỳ Gupta, khoảng 500 năm trước Công nguyên, lấy từ giầm đỡ cửa đền tại Besnagar. Trong đó Nữ thần Ganga đứng duyên dáng trên lưng con cá sấu (Makara) miệng bị mở rộng bởi một cô gái nhỏ thể hiện sự chế ngự nó, biểu tượng sự chế ngự nữ thần của Bhagiratha (trời). Luôn luôn như vậy, sông Hằng được hình dung như một trinh nữ xinh đẹp với nửa dưới giống như dòng nước chảy, phản ánh truyền thuyết ban đầu sông Hằng như một dòng sông trời.

Nữ thần Ganga thường được xác định là Parvati, gắn với thần Shiva (thần Tái tạo), hay nữ thần mẹ Annapurna của lương thực và sự phong phú. Ganga có hình tượng biến đổi theo truyền thống từng địa phương. Ở Nam Ấn, nữ thần biểu trưng cho một trinh nữ, đang bơi trong nước với tay xếp lại, đầu đội vương miện và sinh ra trên trán là mặt nạ Saiva từ "tro thiêng". Ở Bengal, sông Hằng lại là một phụ nữ, da trắng (sự trong trắng và trinh tiết), đội vương miện và ngồi trên con vahana (tên khác của cá sấu Makara, tay phải cầm một bông sen và tay trái là một cây đàn (gần giống đàn Tỳ bà).

Ganga luôn luôn là một biểu tượng của tinh khiết và thiêng liêng. Thậm chí hồi tưởng về tên dòng sông cũng được xem như "tẩy trần" cho các "hiến nhân", nhìn và tắm trong nước sông Ganga, khẳng định sự linh thiêng. Nước sông Hằng đổ từ các con sông khác ở Ấn Độ vào một thời điểm nhất định trong năm, các dòng tụ lại tạo nên sông Hằng linh thiêng và có sức mạnh "tẩy trần" khách hành hương.

Câu chuyện về nữ thần Ganga là một trong những áng văn tuyệt nhất trong thần thoại Ấn Độ, truyền cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ, điêu khắc gia. Lối vào của bất cứ ngôi đền Ấn được Nữ thần sông Hằng bảo vệ, “đại diện”, “đặc trưng” cho mỗi dân tộc. Ở miền Nam, Ganga xuất hiện ở cả hai bên cửa đền, còn ở miền Bắc chỉ có ở một bên.

Một trong những hình tượng Ganga đẹp nhất nằm tại cửa đền Gupta, Dah Parvatiya bang Asam. Các bảo tàng Ấn Độ có nhiều hình tượng Ganga từ các cửa đền. Mỗi thần sông trên bệ đỡ (con cá sấu...) và theo sau bởi một "phụ tá", một kẻ che ô. Những con thiên nga lượn lờ đằng trước, với hoa sen tô điểm hoặc lưu li trong mỏ chúng, gợi ý huơng thơm mát lành của một môi trường hài hòa.

Ganga tái hiện trong điêu khắc và thần thoại dưới nhiều loại hình. Tại hang Elephanta, Ganga được nhìn thấy trên chùm chìa khoá của Siva Gangadhara. Ở Paattadakal, nữ thần lại là một trinh nữ khiêu vũ trên chìa khoá của Siva. Một bức tượng tuyệt mỹ thời Sena cho thấy một Ganga tựa một “cây đàn đầy ước vọng”, với một cái bình trên tay, thể hiện sự giàu có, quý giá qua nguồn nước dồi dào.

Ganga, sông Hằng, có nhiều tên khác nhau. Tùy theo vùng địa lý nó chảy qua hay cá tính mà nó gắn với một số tên phổ biến: Vishupadi (từ chân của Vishnu), Haimavati (từ vạt áo của Himavan, con gái Himavan), Alaknanda (khoá của Siva), Bhadrasoma (nước trời), Abharaganga hay Akasaganga (sông "Ganga" trời) hay như Devabhuti (trời sinh), Mandakini (dòng chảy êm đềm, ngân hà), hoặc như Bhagirathi hay Bhagirathasuta (sinh ra từ Bhagirtha), Patalaganga và nhiều tên khác.

3.- Người Nhật vẫn chuộng âm lịch:

Trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống riêng tư của mình, nhiều người Nhật ngày nay tuy sống trong một xã hội hiện đại vẫn không thoát khỏi ma lực của Âm lịch. Điều đó có những nguyên nhân của nó.

Tại khu phố Jiyugaoka lắm cửa hàng nhỏ của thủ đô Tokyo, có một tiệm bán các sản phẩm độc đáo của các dân tộc châu Á. Tuần cuối mùa đông năm nay, nhiều cặp nam thanh nữ tú và khách nước ngoài đến đây chọn mua quần áo và các đồ gia dụng thường ngày. Cửa hàng có tên The Cenozoic này nổi tiếng trong giới trẻ, nó đã đề ra một chiến lược thương mại mà chìa khóa nằm ở âm lịch.

Tháng 3/2001, Mikio Kagami, 49 tuổi, một trong số giám đốc điều hành, báo cho 5 khách hàng trong một cuộc họp: "Cho đến cuối tháng 7, chúng tôi không dừng việc tìm mua lại các mặt hàng mùa hè". Tháng 7 đánh dấu thời điểm bắt đầu bán hàng hạ giá vào hè. Về phương diện hành nghề, tiếp tục lấy hàng vào lúc này trong năm là trái với sự khôn ngoan. Nhưng ông Kagami vững tin ở mình, ông nói: "Năm nay (theo âm lịch) có thêm một tháng nhuận nên mùa hè sẽ kéo dài". Trên thực tế, hè 2001 đã đạt mức kỷ lục về thời tiết nóng nực và quần áo mặc hè vẫn được bán chạy cho đến hết tháng 8. Và doanh số của The Cenozoic đã tăng 10% trong ba tháng đầu năm 2001 (năm tài chính ở Nhật tính từ tháng 4).

Ông Mikio Kagami luôn luôn có trong tay bảng đối chiếu lịch cũ và lịch mới. Sở dĩ như vậy là do ông đã trải qua kinh nghiệm cay đắng cách đây 6 năm. Năm ấy mùa hè cũng dài và nóng. Khi tháng 8 sắp sửa kết thúc, kho hàng thời trang hè của ông đã gần như cạn kiệt còn hàng thu đông trưng bày sớm thì chưa thấy động tĩnh gì. Đáng ngạc nhiên là ông thấy cửa hàng bên cạnh vốn cạnh tranh với ông vẫn tiếp tục gom hàng mùa hè. Họ đã trúng mánh và giàu to. Ông Kagami sau đó hiểu rằng cần phải tham khảo cả âm lịch trong công việc kinh doanh.

Ở eo biển Naruto, ngoài khơi Tokushima (phía Đông đảo Shikoku), gió buốt th?i những ngày tiếp theo đông chí. Ông Toshi Choi, 46 tuổi vẫn đi thăm “bể bơi” nuôi trồng tảo của mình. Trong khi các khu nuôi trồng thuỷ sản của những người khác thường ở gần bờ, ông Choi là người duy nhất thả "lưới" ở giữa eo biển. Ông biết các luồng hải lưu càng chảy nhanh thì tảo càng phát triển. Đầu mùa xuân dòng chảy ở chỗ của ông đạt hơn 20km/giờ, được coi như vị trí lý tưởng cho dù công việc không dễ dàng.

Chính vì hoàn toàn dựa vào Âm Lịch mà ông Choi đã thách thức cả biển cả mà sóng lớn như muốn vùi dập con tàu nhỏ chưa đến 10 mét chiều dài của ông. Chuyện ông tín nhiệm âm lịch bắt đầu từ cách đây 8 năm. Một hôm, ông dược một cụ già nhất làng nhắn nhủ: "Hôm nay là thuỷ triều của ngày thứ bảy: thu hoạch sẽ lớn đấy”. Sau khi kiểm nghiệm, ông thấy đúng là ngày thứ bảy rơi vào giữa hai con nước thủy triều, ngày đó biển lặng.

Năm ngoái, ông Choi đã chọn một giống tảo sớm để khởi động sớm mùa tảo mới. Ông tính rằng nếu không thu hoạch nhanh thì sẽ chẳng kiếm được tiền, vì mùa xuân không chỉ có 3 tháng mà những 4 tháng, thời gian thu hoạch kéo dài sẽ gặp nguy cơ giá rớt trên thị trường do lúc ấy sẵn tảo. Quả nhiên giá cả giảm một nửa so với mọi năm, nhưng riêng ông vì trồng sớm, thu hoạch sớm đã bán được với giá gấp ba.

Dựa vào các giai đoạn vận động của Mặt trăng, âm lịch tính đến sự thay đổi các mùa có liên quan đến Mặt trời. Ra đời từ nước Trung Hoa cổ, âm lịch được sử dụng khắp vùng Đông Á. Người Nhật đã tiếp thụ nó trong hơn 2.000 năm cho đến đầu Kỷ nguyên Minh Trị (1868) khi dương lịch được áp đặt theo xu thế phương Tây hóa của đất nước. Nhưng 130 năm sau khi nó biến mất, Âm lịch đang ngấm ngầm hồi sinh. Hiệp hội vùng Nam Thái Bình Dương (ASPA), một tổ chức với mục đích phi lợi nhuận (Non-profit Organization) có trụ sở ở Osaka từ năm 1988 đã xuất bản một cuốn âm lịch nhằm tài trợ cho những người tình nguyện ở nước ngoài. Được phân phối chỉ qua miệng và tai, từ 500 bản thời kỳ đầu kinh tế bong bóng (cuối những năm 80) nó đã tăng vượt lên 6.000 bản ngược với tỷ lệ suy thoái của nền kinh tế. Chủ tịch ASPA là Kenji Matsumura tự hỏi: "Phải chăng trái tim con người quay trở về với tự nhiên?"

Năm 2001, ngày Tết đầu năm âm lịch tương ứng với ngày 12 tháng Hai dương lịch, một thời điểm thích hợp với câu nói geishun (dùng để chúc mừng năm mới, nhưng có nghĩa đen là "chào mùa xuân"). Cũng giống như thế, năm nay ngày Tết các thiếu nữ (còn gọi là Tết hoa đào) ở Nhật (3/3) rơi vào ngày 15 tháng Tư, đúng vào dịp các cây đào nở hoa.

Năm năm về trước, nhà văn Masaru Shiga, 52 tuổi, người cũng đã từng xuất bản một sách Âm lịch và các mùa, gửi đi các thiếp chúc mừng vào ngày Tết âm lịch. Ông giải thích: "Đó là do tôi mong muốn ca ngợi, biểu dương mùa xuân". Từ đó, ông bắt đầu ngày càng có nhiều người đi theo gương của ông trong số bạn bè. Ông xác nhận: "Chúng tôi không thể không biết đến dương lịch, nhưng việc có một nhịp điệu khác về thời gian làm đời sống của chúng tôi thêm phong phú”. Thời đại ngày nay đòi hỏi phải ngày càng nhanh, mạnh, hiệu quả và lớn lao, những thập kỷ gần đây đã chứng tỏ điều đó. Nhưng con người cũng cần dừng lại để thở hít sâu hơn khi dưới chân ta mở ra một thế giới đầy lo âu kinh tế, hoà bình mỏng manh, thiếu sự an toàn... Chính vì đang sống trong một thời đại như thế mà chúng ta cần đến cả những bước đi chậm rãi, thư thái...

4.- Chọn đặt tên cho con cái theo Á Đông:

Không ai không mong cho con mình có được một cái tên gọi hay, hoàn chỉnh, hàm ý phong phú, ngụ ý sâu sắc. Đặt tên cho con là một học vấn có quan hệ với văn tự học, âm vần học, dân tộc học, sử học, văn hoá tông pháp và nhiều tri thức khoa học hiện đại, chính vì thế nó đã phát triển thành một môn mệnh danh học. Mệnh danh học bắt nguồn từ Trung Quốc và thịnh hành ở Hàn Quốc, Nhật Bản và người Hoa ở nước ngoài.

Có người, trong đời thay đổi tên mấy lần, khi mới sinh ra đặt cho một cái tên gọi (tên yêu), khi bắt đầu đi học thì đặt tên chính thức có 3 chữ gồm họ của cha ban bối chữ đệm cùng một thế hệ và tên hợp thành. Ngày xưa đặt tên phải theo ban bối (chữ đệm cùng thế hệ), mỗi gia tộc căn cứ vào gia phả của mình đều có những qui định rất nghiêm khắc. Ngày nay ở Trung Quốc chỉ còn bốn đại gia tộc giữ được truyền thống ban bối hoàn chỉnh nhất, là các dòng Khổng, Mạnh, Nhan, Tăng. Trước đây khi người ta rời ghế nhà trường, đi vào đời lại một lần nữa đặt tên, khi trở thành nhà văn lại đặt một hoặc vài tên gọi nữa, ví dụ Thẩm Nhạn Băng gọi là Mao Thuẫn, Chu Thụ Nhân gọi là Lỗ Tấn. Dưới đây là một số nguyên tắc, điều kiêng kỵ và phương pháp đặt tên của người Trung Quốc.

Nguyên tắc đặt tên

Khi đặt tên cần tuân thủ các nguyên tắc:

Âm vần của tên gọi phải hay, đẹp: đặt tên là để người khác gọi, vì thế phải hay, kêu, tránh thô tục, không trúc trắc. Tiếp đến là tránh họ và tên cùng vần cùng chữ, tránh dùng nhiều chữ để dễ gọi. Tên gọi phải có kiểu chữ đẹp, dễ viết, tạo nên chữ ký đẹp, chân phương. Khi đặt tên cần chú ý sự thống nhất hài hoà giữa họ và tên, ví dụ Bạch Như Băng khiến người ta có cảm giác trong trắng như băng. Tên gọi phải có ngụ ý hay: điều quan trọng nhất của việc đặt tên là chọn chữ nghĩa sao cho hay và lịch sự. Vì thế phải căn cứ vào thẩm mỹ, chí hướng, và sở thích để chọn chữ nghĩa.

Điều kiêng kỵ khi đặt tên

Tốt nhất là không đặt tên dở tây dở ta như Mali Hồng Ngọc, Giôn Vũ Mạnh, Miki Lan Hương, Ana Hoài Thu v.v... khi con cái trưởng thành, nếu có dịp tên gọi được xuất hiện trên các báo chí, đài phát thanh truyền hình thì độc giả, thính giả sẽ phải đoán người đó là Tây hay ta.

Hạn chế đặt tên đơn, vì tên đơn dễ bị trùng tên. Ví dụ Trần Xung, một người là nữ diễn viên điện ảnh, một người là nhà văn. Dùng hai chữ để đặt tên cho người cùng họ, nếu đặt tên kép (thêm ban bối) thì có thể đặt được 4 tên, số người tên kép là bình phương của số người tên đơn. Ở Trung Quốc có khoảng 5000 chữ Hán thường dùng, trong đó có 3000 chữ không thể dùng để đặt tên. Vì thế một họ thông thường có thể đặt 2000 tên đơn khác nhau, nếu đặt tên kép thì con số đó sẽ là 20002 tức là có thể đặt cho 4 triệu tên gọi không trùng nhau. Vì thế nên khuyến khích đặt tên kép.

Khi đặt tên không nên chạy theo thời cuộc chính trị, đặt tên gọi mang mầu sắc chính trị ví dụ trong chiến tranh giải phóng dân tộc có người đặt tên cho con là Giải Phóng, Phản Đế,.. hoặc là sau này lại đặt tên là Văn Cách, Hồng Vệ., Đông phưong Hồng..vv..vv....

Khi đặt tên không nên dùng những từ cầu lợi, ví dụ Phú Quí, Kim Ngân, Tài Lộc làm cho người khác có cảm giác đó là sự nghèo nàn về học vấn.

Khi đặt tên không nên cuồng tín, nông cạn quá, ví dụ đặt tên là Vô Địch, Vĩnh Phát, Hằng Phát, Song Thọ, Đại Nhân.. Đặt tên gọi tuyệt đối quá, cực đoan quá sẽ làm cho người khác không có ấn tượng tốt.

Không nên đặt tên nam nữ, âm dương trái ngược nhau, nữ không nên đặt tên Nam, nam không nên đặt tên Nữ để người khác dễ phân biệt.

Không được tuỳ tiện đổi tên.

Phương pháp đặt tên

Có nhiều cách đặt tên, nhưng thường theo một mô thức nhất định:

Lấy họ mẹ làm tên gọi hay chữ đệm.

Kỷ niệm ngày tháng năm sinh: Nguyễn Mậu Dần, Đinh Thị Mùi, Thu Hương, Xuân Mai...

Nam giới đừng nên chọn tên cũa các vĩ nhân như: Trần hưng Đạo, KHỗng Tữ, Ghandi, Khổng Minh Gia cát Lựơng ...vv...vv...vì bạn bè gọi tên s4 xúc phạm đến tên lớn.

Nữ giới thường đặt tên các loài hoa như Lan, Huệ, Quỳnh, Mai, Đào; bằng tên các loài chim như Yến, Khuyên, Mi; bằng mầu sắc như Hồng, Thanh, Lam; bằng các chữ trữ tình như Huệ, Nhàn, Vân, Hà, Diễm, Phương... bằng các chữ thể hiện đạo đức của nữ giới như Trinh, Thục, Ái, Mỹ Linh, Khiết Tâm...

Nam giới khi đặt tên nên thể hiện được sự cương trực, kiên cường, trung hiếu, ý chí và hoài bão, ví dụ các chữ Đức, Lương, Công, Nghị, Quang, Hiền thể hiện tính cách, đạo đức; các chữ Trường Giang, Sơn Hải, Vạn Lý... thể hiện phong độ oai phong lẫm liệt, tư tưởng quyết thắng của các tướng soái; các chữ Hiếu, Trung, Nghĩa, Chính thể hiện khí tiết con người; Chí Kiên, Hướng Tiền, Trạch Dân thể hiện sự sáng suốt, ý chí kiên cường, tinh thần vì nước vì dân.

Tại Trung Quốc gần đây đã ghi đuợc gia phã được một trăm họ phổ biến nhất trong số 500 họ của Trung Quốc, trong đó 10 họ được xếp ở vị trí hàng đầu là Lý, Vương, Trương, Lưu, Trần, Dương, Triệu, Hoàng, Chu và Ngô.

5.- Thủ đô văn hóa Châu Âu năm 2002 sẽ là nơi nào?

Ai đã từng đến châu Âu một lần hẳn không thể quên những thành phố thời trung cổ và nét đẹp tột đỉnh của kiến trúc thế giới. Năm nay thành phố huyền thoại Brugge ở Bỉ và thành phố có kiến trúc nổi tiếng thế giới Salamanca ở Tây Ban Nha được các nước châu Âu chọn làm thủ đô văn hoá của mình, thay cho thành phố Rotterdam ở Hà Lan và Porto ở Bồ Đào Nha là hai thành phố giữ danh hiệu này năm ngoái (2001)

Những ngôi nhà ở xinh xắn và đẹp như trong tranh trên phố Koolbranderstraat và Bakkersstraat nằm bên rìa khu nội đô của thành phố Brugge. Đứng từ đó nhìn lên cao một chút, bạn sẽ thấy một nhà hát khổng lồ ngự tọa nổi bật trên những dãy nhà nhỏ. Sự tương phản có chủ ý về kiến trúc giữa Nhà hát kịch và nhà ở nhằm tạo ra nét đậm đà cho Brugge (Bỉ)

Hàng năm có tới 3,5 triệu người đến du lịch thành phố ven biển trong Hiệp hội thành phố Hanse của Bỉ. Năm 2002, thành phố sẽ có thêm những nơi thăm viếng mới để đón chào khách. Là một trong hai thành phố thủ đô văn hoá châu Âu, Brugge sẽ có gần 140 hoạt động và chương trình để ôn lại lịch sử thời Trung cổ, đồng thời tạo ra một cầu nối với tương lai.

Nhà đạo diễn kịch Hugo de Graef, 48 tuổi từ Brussels đến, sẽ dựng chương trình “Brugge năm 2002” với khoản chi phí 25 triệu euro. Những người dân và khách đến thăm thành phố sẽ được sống trong một đô thị thời Trung cổ sống động, chương trình khai mạc từ ngày 2/2 tại Nhà hát kịch mới kéo dài đến cuối tháng 11.

Với sự phát triển từ thời Trung cổ, Brugge từng là một trong những thành phố giàu nhất ở châu Âu có nền văn học và nghệ thuật nở rộ. Tuy nhiên, sau khi cửa biển Zwijn bị cát bồi, không có tàu buôn nào có thể cập bến vào thành phố, Brugge chỉ còn được ghi lại trong sổ sách một cách khô khan và ngày càng mất dần sự nổi tiếng của nó.

Một trong những chương trình đón chào khách mang tên "Brugge một lần đổi khác”. Bốn con đường dẫn tới khu phố cổ dành cho người đi bộ của thành phố. Nơi đây có nhiều câu chuyện thần thoại và dân gian và là nơi mà người ta đặt câu hỏi tại sao có nhiều nhà thơ và nhà tư tưởng đã chuyển đến nơi đây để sinh sống.

Thành phố Salamanca với nhiều chương trình hoạt động cũng sẽ tổ chức liên hoan đón nhận danh hiệu thủ đô văn hoá của châu Âu. Tại đây có nhiều chuơng trình biểu diễn opera thời kỳ baroc như vở L’Orfeo của Montevendi và Theodora của Hăndel. Nhiều đoàn vũ balê từ các nước châu Âu tới tham gia vào lễ hội luân vũ và balê. Ngoài ra còn có các cuộc triển lãm dưới khẩu hiệu "Thành phố hội ngộ và hiểu biết".

Tại Salamanca,(Tây ban NHa) khách thăm sẽ thấy trước hết là những dấu vết của lịch sử: người La Mã nói với nhau rằng tỉnh Lusitania kéo dài theo "con đường bạc" từ giữa Gijon và Sevillia, là thuộc địa Helmantica. Mặt tiền đồ sộ tráng lệ của nhiều công trình kiến trúc ở Salamanca rực rỡ dưới ánh nắng vàng. Một vật trang sức của thành phố là ngôi nhà có tên gọi "Nhà ốc” (Casa de las Conchas) được xây dựng từ thế kỷ 15.

Vào năm 1218, Trường đại học đầu tiên được thành lập tại thành phố Salamanca, chỉ kém ít tuổi so với những trường đại học đầu tiên của châu Âu ở Bologna và Paris. Tòa nhà này với dáng dấp hiện nay được bắt nguồn từ thế kỷ thứ 16 và có giá trị như là một công trình pha trộn nhiều nét kiến trúc "Plateresco" đẹp nhất.

Thủ đô văn hoá châu Âu đầu tiên là thành phố Athens, Hy Lạp, được bầu năm 1985. Sáng kiến hằng năm lựa chọn thủ đô văn hoá châu Âu cũng là do Hy Lạp đưa ra với mục đích tăng cường sự gần gũi giữa nhân dân các nước châu Âu. Qua đó nâng cao giá trị, sự đa dạng của tài sản văn hoá các thành phố châu Âu. Uỷ ban châu Âu trợ giúp cho Salamanca và Brugge 500.000 euro trong năm nay. Riêng Salamanca tự chi phí 60 triệu euro cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng văn hoá của mình.

6.- Những điều ít biết về Laura Bush, Đệ Nhất Phu Nhân của Hoakỳ hiện nay:

Nếu như George Bush không đặt bà vào vai trò của Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, Laura có lẽ vẫn là một "con mọt sách" và là cô thủ thư của trường học, công việc bà làm suốt 10 năm trước khi quen vị Tổng thống tương lai nước Mỹ. Bà đã mang theo 6 nghìn cuốn sách vào Nhà Trắng. Trong chiến dịch bầu cử, người ta hỏi bà: "Al Gore, dù phải công du khắp đất nước, hàng tối vẫn trò chuyện ở nhà một thầy giáo. Còn chồng bà thì sao?" Bà đáp: "George Bush thì đêm nào cũng ở cùng với cô giáo".

Trước đây, George nổi tiếng là người thích tụ tập và là khách thường xuyên của các quán bar. Một đêm về muộn, George quá xĩn, Laura đã tuyên bố dứt khoát... Sáng hôm sau, cũng là lễ mừng sinh nhật lần thứ 40, George long trọng hứa với vợ sẽ dứt khoát chia tay với rượu. Kể từ đó ông không uống một giọt rượu nào. Còn Laura đáp lại George bằng việc từ bỏ niềm đam mê thuốc lá của mình.

Laura đã chọn cho George tên gọi thân mật là Bushi. "Bushi, hãy ghìm giây cương lại", Laura thường nói với chồng như thế khi bà nghĩ ông đang quá nóng nảy. Khác với bà Hilary Clinton, bà hứa không can thiệp vào công việc chính trị của chồng. Là phu nhân Tổng thống, Laura vẫn giữ thói quen say mê đọc sách. Để ủng hộ các thư viện địa phương, bà đã quyên góp được 90 nghìn USD tại bang Texas và dự định quyên góp hàng chục triệu USD tại Washington. Ngày nay, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ đóng vai độc giả số một của nước Mỹ. Nhờ có bà, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ có thói quen đi ngủ với một cuốn sách hay trong tay. Bà cũng đang cố hướng những công dân Mỹ theo thói quen này.

Trong chuyến thăm Nga tháng 5/2002 của Tổng thống Bush, Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Laura Bush và Đệ nhất phu nhân Nga, bà Liudmila Putina đã có dịp gặp nhau. Khi phát hiện cả hai đều có chung niềm say mê đối với văn học, hai bà đã cùng đến thăm Thư viện Thiếu nhi Quốc gia. Ấn tượng với những gì tận mắt trông thấy, bà Laura đã mời bà Liudmila tham dự Festival sách do bà tổ chức hàng năm.

ý tưởng về cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai đệ nhất phu nhân, xuất hiện từ tháng 5 đó, đã trở thành hiện thực. Bà Liudmila cùng với 15 nhà văn, nhà ngôn ngữ học và các nhà sáng tác khác đã đến Washington vào ngày 11/10 vừa rồi. Sáng hôm sau, bà Laura cùng 70 nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ và đám đông trẻ nhỏ đã đợi họ tại Vườn Hồng của Nhà Trắng. Đoàn đại biểu đến từ Nga dự định sẽ mở gian hàng tiếng Nga và văn học Nga. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để bà Liudmila Putina thử giúp Đệ nhất phu nhân nước Mỹ đưa dân tộc mình trở lại thói quen đọc sách (theo thống kê chỉ khoảng 8% người Mỹ thường xuyên đọc sách).

7.- Thế giới những cái nhất và kỳ lạ

Người có lưỡi dài nhất

Theo AP, cô bé người Đức 12 tuổi tên là Annika Irmler (ảnh) đang thè cái lưỡi dài của mình ở Tangstedt, gần Hamburg (phía Bắc nước Đức). Annika được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người có chiếc lưỡi dài nhất thế giới - 70mm

Người cao nhất có tình yêu ngắn nhất

Theo The Nation, người phụ nữ cao nhất thế giới cũng có một cuộc sống tình yêu ngắn ngủi nhất thế giới. Đó là tâm sự buồn của cô Sandy Allen cao 2,3m được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người phụ nữ cao nhất thế giới. Allen 46 tuổi vừa viết tiểu sử mang tên Ngả chiếc bóng khổng lồ (Cast A Giant Shadow), trong đó cô thú nhận sự thật về cuộc sống tình yêu của mình bằng câu: "Tôi chưa bao giờ có một mối quan hệ nào". Cuộc sống thường không dễ dàng với những người "khổng lồ". Có thể Allen không có tình yêu, song điều an ủi là cô có một cuộc sống du lịch vòng quanh thế giới, gặp Michael Jackson và đạo diễn phim Frederico Fellini.

Quá mập để làm cha

Theo AFP, người cha nuôi nặng 550 lbs đã bị buộc phải nói lời tạm biệt với 3 con trai ông đã nuôi trong 6 năm sau khi phiên toà quyết định rằng anh quá mập nên không thể chăm sóc đầy đủ cho bọn trẻ.

Brian Jones 38 tuổi nói rằng trọng lượng thừa 120 lbs so với 2 năm trước đã làm cho anh không còn khả năng tranh cãi trước toà, nhưng không phải là không có khả năng nuôi những đứa con 9 tuổi, 10 tuổi và 16 tuổi. Jones nói sau khi dành cả ngày cuối tuần cho bọn trẻ: "Hôm nay, tôi đã nói với chúng rằng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chúng".

Jones chỉ đi lại khi cần. Jones cho biết anh hiếm khi rời nhà mình bởi vì taxi và các dịch vụ giao thông xe cộ không thể phù hợp với anh. Chẳng hạn để đến dự phiên toà này, Jones đã đề nghị cửa hàng đồ gỗ chở anh trong xe tải chở hàng, song họ từ chối. Cuối cùng, anh phải đi bằng xe tải Sears 8 bánh.

Quan tòa Marjorie Mix đã ra lệnh tước quyền nuôi con của Jones sau khi một nhân viên xã hội đưa tin rằng Jones giám sát bọn trẻ phần lớn từ phòng ngủ của anh và dựa vào đứa lớn nhất để làm các công việc nhà như nấu ăn và đi chợ. Nhân viên cứu trợ xã hội Shirley Bozeman đã nói về quyết định tước chứng nhận làm cha nuôi của Jones với lý do có nhiều gián trong nhà anh và rằng trẻ em cần nhiều hoạt động bên ngoài nhà ở. Tuy nhiên, bà cho biết bọn trẻ rất thương yêu người cha nuôi của chúng và mong vẫn được ở lại nhà mình.

Còn Jones nói rằng anh đã mất quyền nuôi con bởi vì trọng lượng ngăn cản anh tham gia cả lớp học luật nuôi con nuôi. Anh đã bỏ qua các cuộc kiểm tra sức khoẻ theo yêu cầu vì sợ cân nặng quá tải của mình sẽ bị phát hiện.Jones, người đàn ông độc thân, hy vọng dần dần lấy lại được quyền nuôi các con, những đứa đã sống với anh kể từ khi chúng bị tách ra khỏi những người mẹ nghiện ma tuý. Anh nói anh sẵn sàng làm một điều gì đó, trong đó có phẫu thuật giảm mỡ bụng, để có cân nặng dưới mức cho phép. Jones đang làm việc với một huấn luyện viên riêng kể từ tháng 9/2001 và muốn bọn trẻ quay về với anh vào lúc bắt đầu một năm học mới mùa thu tới. Anh nói: "Mục tiêu của tôi là đến toà và làm đơn xin được nhận lại quyền nuôi con”.

Kỷ lục 60.000 người Đức ngủ trong xe hơi vì kẹt đường

Theo Reuters, vụ kẹt xe tồi tệ nhất ở Bavaria (Đức) đã buộc ít nhất 60.000 người Đức phải ngủ đêm đầu tiên của kỳ nghỉ Giáng sinh vừa qua trong xe hơi vì tuyết và băng đã lấp đầy trên các đường phố ở đất nước này. Vụ nghẽn đường 90 dặm trên đường 9 Bắc - Nam được cảnh sát Bavaria mô tả là "kinh khủng nhất mà chúng tôi từng nhìn thấy". Một thông báo của Bộ Nội vụ Bavaria cho biết mọi người bị kẹt trong xe hơi của họ tới 14 tiếng đồng hồ vì gió thổi tuyết dày tới 4 feet (hơn 1,2m).

Nhiều ông già Noel nhất thế giới:

Theo Reuters, trong ảnh, khoảng 3.000 người ăn m?c trang phục của ông già Noel diễu hành trên phố ở Porto, thành phố lớn thứ hai của Bồ Đào Nha. Những ông già Noel này tập trung ở để lập một kỷ lục Guinness mới.

Ngôi sao truyền hình được trả lương cao nhất

Theo Daily Variety, một phóng viên thời sự truyền hình hàng đầu nước Mỹ đã ký một hợp đồng mới làm cho cô trở thành người dẫn chương trình truyền hình được trả lương cao nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ.

Katie Couric của hãng truyền hình NBC, người đứng đầu chương trình buổi sáng mang tên Ngày nay (Today) đã ký hợp đồng làm việc 4 năm rưỡi với trị giá khoảng 65 triệu USD. Hợp đồng mới sẽ nâng gấp đôi số tiền lương của Couric, lên tới 14 triệu USD/một năm - vượt qua đối thủ Barbara Walters của hãng truyền hình ABC, người có thu nhập 12 triệu USD/1 năm.

Đại Công Ty Truyền Thông NBC, một trong 3 hãng truyền hình lớn nhất ở Mỹ, quan tâm giữ ngôi sao này với chương trình hấp dẫn mang lại khoảng 300 triệu USD/1 năm cho hãng của họ.

8.-Cuộc truy tìm kho báu lớn nhất thế giới

Một công ty cứu hộ của Mỹ và Chính phủ Anh đã đạt được một thỏa thuận trong 20 năm để tìm kiếm một kho báu đang nằm trong lòng chiếc tàu chiến HMS Sussex của Anh, đã chìm dưới đáy biển Địa Trung Hải cách đây hơn 300 năm. Đây được coi là cuộc tìm kiếm kho báu lớn nhất thế giới với giá trị ước tính lên đến 4 tỉ USD.

Chuyến tàu chở tiền hối lộ

Chiếc tàu chiến HMS Sussex dài 47m của Hải quân Hoàng gia Anh bị các cơn bão dữ dội đánh đắm tại eo biển Gibraltar thuộc Địa Trung Hải vào tháng 2/1694. Chỉ có 2 người trong tổng số khoảng 500 thủy thủ của con tàu xấu số này sống sót. Lúc bị bão đánh đắm, chiếc Sussex đang trong một sứ mạng bí mật hướng về Tây Ban Nha. Các bằng chứng, tài liệu đã đưa các nhà sử học đến kết luận rằng con tàu lúc đó đang chở theo 10 tấn đồng tiền vàng hoặc 100 tấn đồng tiền bạc. Trị giá của số tài sản này lúc đó là 1 triệu bảng Anh, giá trị hiện nay gần 4 tỉ USD. Số vàng bạc trên là khoản tiền mà Anh muốn hối lộ cho Công tước xứ Savoy, một đồng minh vốn hay thay đổi lập trường, để đảm bảo sự trung thành của đồng minh này với Anh trong cuộc chiến 9 năm của nước này chống lại Vua Louis XIV của Pháp, người ôm mộng bá chủ toàn cầu, bị nhiều nước châu Âu chống đối. Kể từ khi chiếc Sussex bị chìm đến nay, kho báu trên vẫn chưa có ai đụng đến. Hiện tàu đang nằm ở đáy biển, cách m?t nước 800m. Theo luật quốc tế thì chiếc Sussex và tài sản trong tàu thuộc về chủ tàu (tức Anh) do nó là một tàu chiến.

Kế hoạch thu hồi kho báu

Đơn vị may mắn được Bộ Quốc phòng Anh ký hợp đồng thu hồi kho báu khổng lồ trên là Công ty Thám hiểm hải dương Odyssey (Mỹ) có trụ sở đóng tại Florida. Cuộc tìm kiếm sẽ được bắt đầu vào năm sau và kéo dài từ 3-6 tháng. Do tàu nằm ở vị trí quá sâu nên thợ lặn không thể tới được; việc tìm kiếm sẽ do các robot được điều khiển từ xa tiến hành. Odyssey sẽ chịu các chi phí đầu tiên, có thể hơn 5 triệu USD. Thực ra Công ty đã bắt đầu việc tìm kiếm chiếc Sussex vào năm 1995 và đến nay cuộc truy tìm đã làm Công ty tốn hết 3 triệu USD. Nếu thu hồi được số tài sản trên thì Odyssey sẽ chịu trách nhiệm bán các đồng tiền, còn Anh thì giúp đỡ về mặt marketing.

Nếu tất cả số vàng bạc được thu hồi thì đây là "mẻ lưới" lớn nhất trong lịch sử tìm kiếm kho báu. Riêng đối với Odyssey thì hợp đồng này, nếu thành công, có thể giúp Công ty kiếm được lợi nhuận lớn. Là một Công ty giao dịch trên thị trường chứng khoán, Odyssey đã lỗ 1,6 triệu USD trong năm tài chính vừa qua. Ngoài giá trị không cần bàn cãi về mặt tài chính, thì xác chiếc Sussex còn có một giá trị to lớn về mặt lịch sử và khảo cổ do nó liên quan đến cuộc đối đầu giữa Anh-Pháp ở thế kỷ 17. Chình vì vậy, dư luận sẽ rất quan tâm đến việc thu hồi những đồ vật của tàu. Ngoài ra thỏa thuận giữa chính phủ và tư nhân (Bộ Quốc phòng Anh và Công ty Odyssey) là một hình mẫu mới cho việc xác định và trục vớt các xác tàu.

Theo thỏa thuận ăn chia giữa Bộ Quốc phòng Anh và Odyssey thì công ty Mỹ sẽ nhận 80% trong tổng số tiền 45 triệu USD đầu tiên thu được từ việc bán các đồng tiền. 450 triệu USD tiếp theo sẽ được chia đều giữa hai bên. Nếu số tiền thu được nhiều hơn nữa thì tỷ lệ ăn chia sẽ là Bộ Quốc phòng Anh 60- Odyssey 40.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002