Đại Chúng số 111 - ngày 1 tháng 12 năm 2002

Y KHOA VÀ KHOA HỌC

Do Hữu học sinh họ Vương ghi lại

Trong nhân Trái đất còn một nhân khác nhỏ hơn?

Trong khối nhân rắn đường kính 2240km của Trái đất, khả năng còn có một lõi rắn nữa ở trong cùng, tách biệt với nhân "mẹ", có đường kính khoảng 600km. Sự tồn tại của lõi rắn này có thể là dấu ấn của hai giai đoạn phát triển độc lập của phần tâm Trái đất.

Hai nhà nghiên cứu Miaki Ishii và Adam M.Dziewonski, Đại học Harvard (Mỹ) đã nhận định như vậy trong một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ). Thông thường, sóng địa chấn (sinh ra trong những cơn động đất) có xu hướng di chuyển qua tâm Trái đất theo hướng bắc - nam nhanh hơn là theo hướng đông - tây. Tuy nhiên, khi phân tích số liệu của hơn 300. 000 đợt địa chấn từ giữa năm 1964 - 1994. Ishii và Dziewonski, Đại học Harvard đã phát hiện kiểu truyền sóng này có sự thay đổi nhẹ tại vùng trong cùng của khối nhân.

Trong vùng này, được gọi là phần nhân tận cùng nhất (IMIC), các nhà khoa học xác định rằng, sóng chấn di chuyển chậm nhất là ở hướng lệch khỏi đường thẳng đông - tây một góc 450, chứ không phải ở chính hướng đông - tây.

Hai nhà khoa học phỏng đoán rằng, sự lệch hướng này (tính không đẳng hướng) có lẽ là kết quả khi sóng đi qua hai môi trường có cấu tạo khác nhau trong nhân. Rất có thể IMIC là một khối rắn khác, nằm bên trong nhưng tách biệt khỏi khối nhân mẹ, và có bán kính khoảng 300km.

Tuy nhiên, Ishii và Dziewonski cũng lưu ý rằng, hiện chưa thể phân biệt rõ ranh giới giữa khối nhân trong và nhân ngoài, vì không đủ dữ liệu.

Dưa cải ngăn ngừa bệnh ung thư

Các nhà khoa học Canada vừa phát hiện một số thành phần có trong dưa cải có thể phòng ngừa được bệnh ung thư. Theo đó, tiến trình lên men của bắp cải đã sản sinh ra isothiocyanates- một loại chất chống ung thư. Trong các cuộc thử nghiệm tiến hành trên động vật, người ta đã nhận thấy dường như các thành phần này góp phần vào việc phòng ngừa sự tăng trưởng của các tế bào ung thư, đặc biệt đối với ung thư vú, kết tràng, phổi và gan. Các loại cải cùng loài với bắp cải như bông cải, cải nụ cũng có chứa các chất chống ung thư tương tự.

3.- Ăn nhiều bột ngọt có hại cho mắt.

Ăn quá nhiều bột ngọt có thể làm cho bạn giảm thị lực hoặc tồi tệ hơn, bị mù. Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Tổng hợp Hirsosaki (Nhật Bản), thực hiện thí nghiệm trên chuột, đã nhận thấy rằng, ăn nhiều bột ngọt sẽ có hại đối với võng mạc, và có thể dẫn tới mù loà. Các chú chuột trong thí nghiệm được chia làm 3 nhóm, cho ăn với 3 khẩu phần ăn có lượng bột ng?t khác nhau trong vòng 6 tháng. Kết quả cho thấy, ở một số chú chuột ăn nhiều bột ngọt, giác mạc mắt mỏng hơn 75% so với những chú chuột không ăn bột ngọt , và chúng đã bị mù hoàn toàn. Những chú chuột ăn khẩu phần chứa bột ngọt ở hàm lượng trung bình cũng bị ảnh hưởng về thị lực nhưng ở mức độ thấp hơn. Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này có thể giải thích tại sao ở các nước Đông Á, nơi người dân có thói quen sử dụng bột ngọt, số người bị bệnh tăng nhãn áp cao hơn các khu vực khác trên thế giới.

Thuốc an thần có thể chữa bệnh ung thư

Các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Saint George ở London vừa công bố họ đã nghiên cứu thành công một số loại thuốc giống như thuốc an thần có thể sử dụng để điều trị bệnh ung thư hiệu quả. Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng kết hợp các loại thuốc an thần khác nhau sẽ làm tăng hiệu quả chữa trị ung thư lên gấp nhiều lần.

Theo tiến sĩ Keith Dredge- trưởng nhóm nghiên cứu, thuốc mới IMiDs và SelCIDs không những giúp hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng phát hiện các tế bào ung thư ở giai đoạn rất sớm và khi dùng kết hợp còn có khả năng ngăn cản sự cung cấp máu nuôi khối u với hiệu quả gấp 10 lần so với chỉ sử dụng một loại thuốc an thần. IMiDs và SelCIDs hoạt động theo ba bước. Trước tiên, chúng làm giảm viêm nhiễm, sau đó kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư rồi làm giảm lưu lượng máu đến khối u khiến khối u không thể phát triển được.

Được biết, hai loại thuốc trên hiện đang được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng để chữa ung thư nặng tại Bệnh viện Saint George và Bệnh viện Guy ở London, Anh quốc.

Phòng ngừa chứng vô sinh ở nam giới sau quai bị

Viêm tinh hoàn là biến chứng thường gặp nhất của bệnh quai bị ở nam giới sau tuổi dậy thì. Biến chứng này diễn ra trong vòng 1-6 tháng sau đợt viêm cấp tính, khiến việc sinh tinh giảm dần và có thể mất hẳn. Khi này, để duy trì khả năng làm cha, các thanh niên chưa lập gia đình hoặc chưa có con cần lưu trữ tinh trùng dự phòng.

toàn thân do nhiễm virus. Bệnh dễ lây lan và thường gặp ở trẻ em. Thống kê mới trên thế giới cho thấy, 50% bệnh nhân nằm ở độ tuổi thanh niên. Biểu hiện của bệnh là sốt, sưng một hoặc cả hai bên tuyến mang tai. Tình trạng viêm cũng có thể xuất hiện ở những cơ quan khác như tụy, màng não, tuyến sinh dục...

Khi quai bị xuất hiện ở nam giới tuổi dậy thì, biến chứng hay gặp nhất là viêm tinh hoàn (chiếm 20-35% các ca biến chứng). Tinh hoàn bị viêm thường sưng to và đau, bệnh nhân có thể bị sốt kèm theo. Ở khoảng 50% trường hợp, tinh hoàn sẽ dần dần teo đi. Bị viêm cả hai bên sẽ dẫn đến vô sinh hoàn toàn.

Nam giới sau tuổi dậy thì khi mắc bệnh quai bị cần đến bệnh viện để kiểm tra xem có bị biến chứng tinh hoàn không hoặc việc sinh tinh có bị ảnh hưởng không. Nếu khả năng sinh tinh không thể phục hồi, bệnh nhân cần đến các bệnh viện có điều trị vô sinh để được trữ tinh trùng cho đến khi cần sử dụng.

Đậu đỏ - một vị thuốc tốt

Tuy không được dùng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, đậu đỏ được các thấy thuốc Đông y coi là một vị thuốc dễ sử dụng và an toàn. Nghiên cứu của y học cổ truyền và ứng dụng thực tế cho thấy, đậu đỏ có tính mát, giúp giải nhiệt, tiêu độc, tiêu thũng trong người

Sau đây là hai ứng dụng cụ thể của đậu đỏ:

- Người bị kiết lỵ lâu ngày khó chữa trị nên ăn đậu đỏ thường ngày, có thể nấu cháo, nấu canh hoặc nấu chè tùy sở thích.

- Đậu đỏ có tác dụng tiêu viêm, trị mụn nhọt gây đau nhức. Rang đậu cho giòn, sau đó giã nhuyễn, trộn chung với giấm thành hỗn hợp cô đặc; đắp thuốc lên chỗ đau, ngày thay vài lần sẽ chóng tiêu viêm.

Cháo thuốc chữa các bệnh về gan

Để hỗ trợ chữa viêm gan, xơ cứng gan, có thể lấy táo tàu, đậu phộng (lạc), đường đỏ, mỗi thứ 50 g, gạo tẻ 30 g, nấu cháo ăn hằng ngày. Mỗi liệu trình kéo dài 30 ngày.

Sau đây là một số bài cháo thuốc khác:

- Chữa bệnh về gan do tỳ hư, xuất hiện báng ở bụng, chân tay mình mẩy phù thũng: Ý dĩ nhân (hạt bo bo), xích tiểu đậu, hạt sen (bỏ tâm và vỏ cứng ở ngoài), ngó sen, mỗi thứ lượng bằng nhau, nấu cháo ăn vào buổi tối

- Chữa viêm gan loại hoàng đản (da vàng mắt vàng): Bột bạch phục linh 20 g, xích tiểu đậu 50 g, hạt bo bo 100 g. Ngâm xích tiểu đậu nửa ngày rồi cho vào nấu cháo cùng hạt bo bo, khi chín nhừ thì cho thêm bột phục linh vào nấu tiếp, sau đó cho ít đường trắng để ăn trong ngày (chia mấy lần tùy ý).

- Chữa xơ gan cổ trướng: Bột ngó sen 10-15 g, hạt bo bo 50-100 g, táo tàu 10 quả (bỏ vỏ và hạt). Nấu hạt bo bo cho chín mềm, cho táo tàu vào đun sôi trở lại. Sau đó cho bột ngó sen (đã hòa cho tan đều với nước sôi) vào đun sôi lại lần nữa là được. Chia làm 2 phần ăn trong ngày.

- Hỗ trợ chữa bệnh viêm gan hoàng đản truyền nhiễm cấp tính: Nhân trần 30-60 g, gạo tẻ 50-100 g, đường trắng vừa đủ. Rửa sạch nhân trần, nấu lấy nước, bỏ bã. Gạo tẻ vo sạch, nấu với nước nhân trần thành cháo, cho đường vào khuấy đều, chia làm 2-3 lần ăn trong ngày. Mỗi liệu trình dài 7-10 ngày.

- Hỗ trợ chữa bệnh viêm gan B: Quyết minh rang cháy 0,2 g, gạo tẻ, đường mạch nha lượng vừa đủ. Nấu quyết minh với nửa tô cháo gạo tẻ, sau đó đường mạch nha vào, chia làm 2 phần, ăn trong ngày.

(Những tên thuốc mà bạn không hiễu rõ , bạn có thễ nhờ mấy thầy thuốc Bắc tại các tiệm thuốc Bắc mà bốc thuốc dùm cho bạn)

Tìm hiểu não bộ kẻ giết người hàng loạt

Joel Rifkin, tên tội phạm khét tiếng ở New York, kẻ từng giết 17 cô gái điếm trong vòng 4 năm, thú nhận rằng, y không hiểu tại sao mình lại giết người. Trong một cuộc phỏng vấn ở nhà tù, y than thở: "Tôi có phải là một quái vật không, hay não bộ của tôi bị hỏng?".

Câu hỏi của Rifkin cũng chính là câu hỏi mà hàng nghìn nhà nghiên cứu tội phạm trên thế giới đang phải đối diện. Quả thực, có những kẻ giết người, hoàn toàn không vì trả thù hay vì tiền bạc, mà chính bản thân hắn cũng không hiểu vì sao hắn làm vậy.

Nhóm nghiên cứu của Adrian Raine, Đại học South California, và Monte Buchsbaum, Đại học Y khoa Mount Sinai ở New York (Mỹ), đã dùng kỹ thuật cộng hưởng từ để chụp não của những kẻ giết người hàng loạt.

So sánh với não bộ của người thường, các nhà khoa học phát hiện, não những tên tội phạm này có nhiều điểm khác lạ ở thùy thái dương. "Thùy thái dương là một trong những khu vực hoạt động mạnh nhất của não, tuy nhiên ở những kẻ giết người hàng loạt, khu vực này hầu như không hoạt động, hoặc hoạt động rất kém”, Buchsbaum nói.

Theo các nhà khoa học, thùy thái dương có trách nhiệm kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người. Nó giúp người ta kiềm chế trong hành động. Nếu khu vực này bị hỏng, con người sẽ xử sự buông thả theo cảm xúc. Đây có thể là lời giải thích cho các hành động "không hiểu tại sao" của những kẻ giết người hàng loạt.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, phát hiện lần này không thể giải thích hoàn toàn động cơ giết người của những tên tội phạm. Còn nhiều yếu tố tâm lý khác, như sự ghẻ lạnh của xã hội, hay sự ghê tởm đồng loại do bị lạm dụng tình dục lúc ấu thơ, cũng có thể biến một người nào đó thành tội phạm.

Mặt khác, những hư hại ở thùy thái dương không phải bao giờ cũng dẫn tới hành động giết nguời. Ngược lại, trong hầu hết các trường hợp, đó chỉ là một dạng bệnh não bình thường.

Phát hiện các "cửa sổ" trên tế bào não

Giống như một căn phòng chỉ có vài lối ra vào, màng tế bào não cũng chỉ mở cửa ở một số điểm nhất định, cho phép vật chất xâm nhập vào trong. Phát hiện này hoàn toàn trái ngược với quan điểm trước đây, cho rằng vật chất có thể di chuyển qua màng tế bào ở bất cứ vị trí nào.

Nghiên cứu do Michael Ehlers và cộng sự, Đại học Duke, North Carolina, thực hiện. Nhóm của Elhler đã tìm ra các "cửa sổ" vật chất trên khi theo dõi cơ chế hình thành trí nhớ của não bộ.

Trí nhớ là sản phẩm của quá trình liên kết giữa các tế bào thần kinh ở não. Số liên kết càng nhiều, khả năng ghi nhớ càng lớn và ngược lại, số liên kết càng ít, thông tin lưu trữ càng giảm đi. Mối liên hệ giữa các nơron được thực hiện thông qua các cảm thụ thể (thụ quan) trên bề mặt tế bào. Chúng tiếp nhận những chất trung gian thần kinh do tế bào khác gửi đến. Số lượng thụ quan càng lớn, liên kết càng được tăng cường hơn.

Khi muốn ngừng hoặc giảm bớt liên kết, tế bào điều chỉnh bằng cách rút bớt các thụ quan. Các thụ quan này sẽ đi vào trong tế bào qua những lỗ rỗng trên màng (mỗi lỗ rỗng được lót bởi một phân tử clathrin). Cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng những lỗ rỗng như vậy có thể được hình thành tại mọi điểm trên màng tế bào.

Tuy nhiên, khi thử gắn một phân tử huỳnh quang vào phân tử clathrin để theo dõi vị trí của nó, nhóm nghiên cứu nhận thấy clathrin chỉ xuất hiện lặp đi lặp lại ở một vài điểm. Ehler kết luận, trên màng tế bào chỉ có một vài "cửa sổ" cho phép các phân tử vật chất (như thụ quan) đi qua.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy người có tuổi càng cao, số lượng và vị trí các "cửa sổ" trên tế bào não càng trở nên ít biến đổi. Điều này có thể lý giải phần nào cho hiện tượng não trở nên kém "đàn hồi" hơn (tức là khó có thể thay đổi chức năng) khi người ta càng già đi.

Theo các nhà nghiên cứu, bằng cách can thiệp vào hệ thống kiểm soát sự chuyển động của các thụ quan, một ngày nào đó, chúng ta có thể tìm ra những cách thức hoàn toàn mới để chữa trị chứng suy nhược cơ thể, động kinh, nghiện hoặc các rối loạn thần kinh khác. Chúng ta cũng có thể ngăn chặn các yếu tố gây bệnh (như virus hay các hóa chất lạ) trước khi chúng kịp xâm nhập vào các tế bào não./.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002