Đại Chúng số 111 - ngày 1 tháng 12 năm 2002

NHỮNG LOÀI HOA DẠI

Thinh Quang

Hình ảnh Khuất Nguyên bị nhốt trong cũi sắt, cổ đeo gông bằng một loại gỗ săn, chân bị xiềng, đầu bỏ tóc xả... gương mặt tóp lại, đôi mắt trũng sâu xuống...

Bức tường bên phía phải, đó là bức phóng ảnh được chụp lại là của Plautus Titusmaccius - một nhà nhà viết kịch được ca tụng là xuất sắc dưới thời La Mã.

_ Vương tiên sinh cũng thích cả về bộ môn kịch nữa sao?

_ Tuy không phải hoàn toàn có xu hướng về kịch nghệ, song tôi rất ham mộ những nhà soạn kịch như kịch tác gia này... Ông ta có đếm 130 vở hài kịch... Tôi có đọc được ít kịch phẩm của ông soạn được nhiều người nhiệt liệt hoan nghênh. Như vở “Cái Nồi”, đã được trình diễn vào khoản năm 195 Tr. CN., đó là tác phẩm được xem là xuất sắc nhất... Ông đã đọc vở kích này rồi chứ?

_ Vâng. Tuyệt vời...

Tuy đang lắng tai nghe ông Vương nói về ý nghĩa của các bức tranh, Trương vẫn không rời mắt quan sát chu vi và lối sắp xếp chỗ làm việc trong thư phòng. Trước mặt bàn viết là một bộ ghế ngồi bằng gỗ mun đánh bóng, kế bên là một tủ sách tựa vào tường. Ngăn trên là sách từ thời cổ đại đươc in ấn lại, bìa dày mạ vàng. Tầng giữa là các sách xuất bản ngày nay, trong đó có toàn bộ sách tiểu thuyết của chàng. Tầng dưới cùng là các loại sách nói về kinh tế... Chỉ nhìn bấy nhiêu cũng đủ thấy con người ông Vương ngoài tài kinh doanh ông còn chú trọng cả đến nền văn học...

Mang bộ bình tích pha sẵn nước vào xong, bà vú vội quày quã ra ngay. Lúc bây giờ cả ông Vương lẫn chàng im lặng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Trương lặng lẽ đưa mắt ra song sổ nhìn ánh trăng chiếu xuống trên các tàng cây ăn trái được ông Vương cho trồng thành hàng gồm nhiều loại từ lê, mận, đến hồng, đào thẳng tắp, đang vào mùa rộ trái.

Ông Vương ra tuồng suy nghĩ điều gì lung lắm, các đường nhăn sẵn có trên trán ông càng hằn sâu xuống. Là người sành về tâm lý và nhất là đối với Trương - một cây bút chuyên viết chuyện tình cảm xã hội nên hầu hết các diễn biến của từng nhân vật trong mọi tình huống, chàng chẳng những biết mà còn biết một cách khá sâu sắc nữa.

Ông Vương mang họp thuốc lá ra mời Trương, đoạn tự lấy cho mình một điếu châm lửa đốt, ngập ngừng trong giây lát, có lẽ ông đang đắn đo phải mở đầu câu chuyện bằng cách nào về câu chuyện mà ông cho là vô cùng quan trọng!

_ Ông Trương hà! Tôi thành thật hỏi ông câu này nha! Theo ông người đọc bất cứ loại sách nào có bị ảnh hưởng theo câu chuyện hay không?

Trương mỉm cười, khẽ gật đầu:

_ Thưa Vương tiên sinh, dĩ nhiên là có. Có thể nói tất cả các loại sách đều có ảnh hưởng cũng như các phim ảnh vậy. Không có cái gì là không làm tiêm nhiểm cho các giới, nhất là các giới thanh thiếu niên, luôn cả giới phụ nữ nữa... Vào những thập niên năm mươi, sáu mươi luôn cả bảy, tám mươi nữa, các chuyện kiếm hiệp của nhiều tác giả và nhất là Kim Dung làm cho các độc giả này đến biếng ăn, mất ngủ...

_ Vâng tôi biết...

_ Tất nhiên bao giờ cũng có hai mặt, một mặt trái và một mặt phải.

_ Ông Trương nói đúng. Sách vở là món ăn tinh thần của loài người, nó không thể thiếu được như nhu cầu ăn uống. Không có nó thì con người chẳng khác nào như loài vật, xuẩn ngốc và vô vị. Nhưng có nó thì chắc chắn là người đọc không tránh khỏi những phiền toái không ít!

_ Vương tiên sinh không sai! Tôi nghĩ đó là một qui luật... như tôi đã thưa cùng tiên sinh, nó có bề mặt thì phải có bề trái... có cái lợi thì phải có cái hại... Trên đời này chẳng có cái gì là hoàn hảo cả. Có phải thế không, thưa Vương tiên sinh!

_ Đúng như thế! Chẳng có gì tuyệt đối cả, ông Trương à!

_ Nếu bảo là các tập sách văn học kia là món quà vô giá mọi người cần phải đọc nó, nghiên cứu nó, nhưng đã mấy ai chú tâm miệt mài đến? Theo tôi, nó chỉ là một món đồ trang trí đối với những người không có thì giờ hoặc với những người không bao giờ lướt mắt qua, song sẵn sàng chi tiền ra mua để nói lên sự thông thái của mình!

Ông Vương ngạc nhiên nhìn sững Trương giây lâu đoạn hỏi:

_ Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của ông Trương... Tuy nhiên chúng ta không dám vơ đũa cả nắm... Có không ít người thích được đọc đến, nhưng họ không có thời gian để ngồi đó hàng giờ, hàng ngày, hàng năm này đến năm khác để được thu nhận những tinh ba của các loại sách quí đó...

Ông Vương mỉm cười:

_ Đọc các loại sách văn học, triết lý, biên khảo, thì chắn chắn ít người, ngoại trừ một giới làm văn hóa thực sự ... Nhưng, đọc các loại tiểu thuyết thì ngược lại, hầu hết các giới trong xã hội đều thích đọc... Có điều tôi muốn hỏi ông Trương, bởi ông là một nhà văn, theo ông, đọc sách có ích hay có hại?

_ Thưa Vương tiên sinh, sách khác với đời. Đời có hai mặt tốt và xấu, luôn luôn tương phản nhau. Còn sách, nó thuần túy có một mặt, tốt hay xấu tùy theo sự cảm nhận của người đọc nó!

_ Theo tôi lời nói vừa rồi của ông Trương nó có vẻ mâu thuẫn... Trương cười. Chàng im lặng, cầm chung nước lên uống và sau đó mới lên tiếng đáp lại:

_ Nó còn tùy thuộc về nội dung của tập sách đó...

_ Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Trương về quan niệm này... Con Lệ Hằng có thể vì ảnh hưởng nặng nề bởi sách vở...

Trương tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự nhận xét của ông Vương về con gái của ông ta:

_ Điều này, tôi hoàn toàn bất đồng ý kiến với Vương tiên sinh. Tuy tôi mới chỉ gặp qua một vài lần, nhưng nhận thấy cô ấy có những nhận xét vô cùng sắt bén, và có luôn cả một tầm mức kiến thức khó có người cùng lứa vượt hơn được...

_ Có thể ông mới nhìn qua cái nhản hiệu bên ngoài của một lọ thuốc bổ... Nó đọc tiểu thuyết cũng nhiều và đủ mọi loại sách, kim, cổ nổi tiếng trên khắp thế giới... nhưng theo tôi thì, theo nhận thức của tôi, nó đọc để mà đọc, đọc để biết cốt chuyện... thiếu cả định hướng cùng sự nhận xét...

Đến đây, ông Vương thở dài:

_ Tác giả nào nó cũng thích, cũng đam mê. Nó đam mê từ chuyện "Tám Con Chó" của Bakin nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản của thế kỷ 18, đến chuyện “Hồi Ký Từ Thế Giới bên Kia" của Francois René De Chateau Briand và gần đây lại đâm ra say mê chuyện của Bồ Tùng Linh, từ Liêu Trai Chí Dị đến Văn Tập, Thi Tập, Ca Khúc... Tất cả đều được nó nghiền ngẫm đến độ tôi nghĩ rằng nó sắp điên lên về chuyện hồ ly tinh mất... Lúc nào nó cũng mang chuyện ma quái ra thuật lại, không đêm nào nó không bảo là mình nghe được tiếng hú của từ một nơi nào đó thật xa xăm vọng lại... Ông nghĩ như thế riết rồi nó có bị điên lên vì Bồ Tùng Linh không?

_ Theo tôi, thì tiên sinh vì quá ưu tư mà nghĩ rằng cô Lệ Hằng đã bị ảnh hưởng vì yêu tinh, ma quái qua các câu chuyện trong Liêu Trai Chí Dị... Nhưng theo tôi, có thể là vì bà lão kia đã có những hành động xâm phạm đến cô ấy. vì sự an nguy của tính mạng mình nên cô Hằng mới bị sự sợ hãi làm cho cô mắc phải triệu chứng hốt hoảng tâm thần như vậy. Qua một vài lần được cùng cô ấy thảo luận về một số lĩnh vực nào đó. theo tôi quả cô Hằng có một kiến thức rộng, nhiều lúc tôi cũng phải sững sờ trước những nhận xét của cô ấy mà tôi xét mình cũng chưa có thể sánh kịp...

_ Tôi nghĩ là ông đã có cái nhìn phiến diện về nó... Điều mà tôi e ngại nhất là nó gần như hoàn toàn ngụp lặn với các trước tác của Bồ Tùng Linh... Nó chạy theo với thế giới hư ảo... với những cuộc tình nghịch lý giữa cõi âm và cõi dương, giữa cái thực và cái ảo..riết rồi nó sẽ phải điên mất... Tôi làm sao không ưu tư được?

Đến đây ông Vưong lấy chiếc tẫu thuốc "bào" kéo một hơi dài đoạn ngửa mặt lên nhả khói tỏa như một lòa mây lơ lửng giữa vòm trời, nói tiếp:

- Có lần tôi cho nó biết Liêu Trai Chí Dị chỉ là một bộ sách do tác giả sưu tập từ truyện Chí Quái Lục Triều rồi thêm thắt sáng tạo thêm ra để ám chỉ bọn quan lại thống trị nói lên những tệ lậu của họ, chứ chẳng phải là thực... Thế mà nó vẫn ngoan cố bảo rằng có thế giới thực thì ắt phải có thế giới ảo... Nhưng chính nó cũng mâu thuẫn ngay với chính nó là thích ngâm nga bài Đề Từ của Ngư Dương Lão Nhân - một nhà thơ nổi tiếng cùng thời với Bồ Tùng Linh -cho tôi nghe rồi phá lên cười... Ông Trương có nhớ bài thơ Đề Từ ấy không?

Rồi không để Trương xác nhận là biết hay không, ông Vương đọc lên bài thơ này:

Cô vọng ngôn chi, cô thích chi

Đậu bằng qua giá, vũ như ti.

Liệu ưng yếm tác, nhân gian ngữ

Ái thính thu phần quỷ xướng thi"

Có nghĩa:

Nói láo mà chơi, nghe nói chơi!

Giàn dưa lún prún, hạt mưa rơi.

Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,

Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.

Trương cười biện luận cho Lệ Hằng:

_ Không hẳn như vậy. Theo tôi cô Lệ Hằng có đầy đủ kiến thức nhận định được cái hay cái dở... Nếu, tôi nói giả dụ thôi, có chịu ảnh hưởng một phần nào về ma quỷ thì âu cũng là chuyện thường tình của một cô gái đầu còn xanh, tuổi còn trẻ... nhưng rồi cuối cùng, cái gì nó cũng sẽ qua đi...

_ Nó khác hẳn với Lệ Hoa, em nó... Con Lệ Hoa có bao giờ sầu thương với ủy mị đâu?

_ Thưa Vương tiên sinh, con người đều có một cá tính riêng, chẳng ai giống ai cả! Làm sao chúng ta đòi hỏi mọi người đều phải giống nhau được!

Ông Vương thừ người ngồi suy nghĩ. Mãi giây lâu sau ông gật đầu nhìn Trương nói:

_ Ấy chết! Thành thật xin lỗi ông Trương, tôi đã đi lạc đề mất... Tôi mời ông vào đây là để trình bày về vấn đề bà lão vừa rồi...

_ Vâng, tôi không khỏi phải nghĩ nhiều đến bà lão điên ấy...

Ông Vương vội chận lại phủ nhận:

_ Bà lão ấy không điên một chút nào... Bà ta bình thường như những người bình thường khác... Bà chẳng phải điên như ông Trương đã lầm tưởng!

Ông Vương nhìn ra ngoài song sổ. Đôi mắt ông như đượm vẻ u buồn... đoạn chẫm rải nói:

(còn tiếp)

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002