Đại Chúng số 113 - ngày 1 tháng 1 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Tâm Thư của Tuần Báo Đại Chúng

1001 chuyện nhớ quên

Đọc báo dùm các bạn

Bác sĩ Alexandre YERSIN

Tâm tình đất khách

Khuôn mặt thời đại

Điều cần biết hiện nay

Lịch Sử Diễn Hành Hoa Hồng

Nhu Anh May Troi

Tin nhõ cần biết

Tim Trong Ky Niem

Khoa học & Y khoa

Chuyện huyền bí

Vinh Danh Người Nằm Xuống

Vũ trụ & Con người

Giấc Mơ Gợi Nhớ

Mưa bên này, nắng bên kia

Nấu ăn ngon cho chàng

Trang thơ

Nguoi va ngom & Thu Khong Niem Goi Tran Nghi Hoang

QUa Khu Mot Doi Nguoi

NHƯ ÁNG MÂY TRÔI

Hà Ngọc Bích

"Trời trong xanh, vài đám mây trắng như tơ nỏn trôi bềnh bồng, mây không nhà nên suốt kiếp lang thang..."

Ngày gia đình tôi quyết định tản cư về miệt Vĩnh Thới, Vĩnh Thuận cũng có thể xem như là ngày đại gia đình đoàn tụ. Ba tôi từ Lào thoát về đã cùng bà nội tôi, gia đình người cô thứ năm và gia đình người cô út, kể cả con lẫn cháu gần hai chục người, rầm rộ mướn hai chiếc ghe để đi sâu về phía ngọn rạch, một vùng đồng quê hẻo lánh và cũng là quê ngoại nơi má tôi đã mở mắt chào đời. Đây là một quảng đời mà ba anh em tôi được sống gần cha, lại ở vùng quê ngoại nên thật là cả một kỷ niệm êm đềm khó quên được. Gia đình tạm về nương náu với người chú họ thứ chín, con của một bà cô và là em cô cậu với ba tôi. Bà Tám là em gái của ông nội nên theo truyền thống Á Đông tất cả đều là bà con ruột thịt, việc đùm bọc lẫn nhau trong thời giặc giả là lẽ đương nhiên không có gì phải ngở ngàng, ngược lại tình họ hàng, bà con càng thêm khắng khít. Chú Chín T. là một nông dân hiền lành chất phác, cũng được xem là khá giả trong vùng. Nhà cửa rộng rãi, mấy gian nhà vách ván, nền cao lợp lá, có cả chuồng trâu bò, ao cá vồ, vườn tược trước sau, ruộng đất kề bên nên cuộc sống thật là ấm no sung túc torng bối cảnh mộc mạc của chốn đồng quê. Gần đấy lại có nhà cô dượng Bảy, chị của chú Chín, cất quay mặt về phía bờ rạch để buôn bán hàng xén nên đại gia đình tôi chia làm hai nhóm ở gần nhau rất là đầm ấm. Việc ăn uống lại không có gì là thiếu thốn, tôm cá thừa thải vì dưới bến rạch chú Chín chận đăng đặt lọp. Mỗi ngày khi giở lọp lên thôi thì lọp đầy cá tươi: bống tượng thác lác, trèn bầu rô biển, trê trắng trê vàng, tôm càng tép lóng nhảy soi sói chứng tỏ sự phì nhiêu của sông rạch miền Nam . Ngoài ra, vào buổi tối trời, dượng Bảy lại chân ụ để bắt thêm những loại cá trắng như cá vảnh, mè vinh, he nghệ, lòng tong... do đó, cuộc sống đồng quê thật là thoải mái, dường như tất cả đều tạm quên đi cái không khí giặc giả đang bao trùm đất nước. Gia đình tôi dù sao cũng có chút ít tiền bạc đem theo, trong khi người nông dân kéo vó thả đăng, tôm cá đầy rẫy nên bán lại với giá rẽ, mặc tình ăn tôm nướng, cá tươi, cua đinh, chim đồng cho bỏ những ngày thiếu thốn. Tôi đã sống những ngày hồn nhiên vui sướng chỉ biết vui đùa với cảnh ruộng rẫy, đồng quê, sống mộc mạc chất phác, suốt ngày rong chơi ngoài đồng nội, toàn là những chuyện vui thú cho một thằng bé con lém lỉnh như tôi. Chúng tôi rủ nhau đi đặt bẩy cò ke để bắt nhưng con cò ma, cò đỏ hay trích nước hoặc lùa bò đi ăn cỏ để ngồi chệm chệ trên lưng một con bò cái hiền lành, mặc tình mà hát nghêu ngao giữa cánh đồng xanh. Chú Chín tôi có mướn một người ở, chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nên tôi gọi là anh Thể, đúng là một mẩu người thôn quê, hiền lành chất phác của sông nước Hậu Giang, siêng năng làm lụng không ngại nắng mưa. Những công việc đồng áng đã xong, anh thích dạy cho tôi những thú vui ở chốn đồng quê làm cho thằng bé vốn đã hơi bụi đời như tôi cũng phải lác cả mắt ra và phục anh ấy lăn đùng. Tới mùa sắn chín, anh chỉ cho chúng tôi những nơi có nhiều cây sắn huyết to đầy những trái chín đen, mặc tình leo lên hái đầy cả túi, vừa hái vừa ăn vừa đùa giởn như một lũ khỉ con. Những trái sắn chín đen ngon ngọt, ăn mềm cả môi, đen cả miệng lưỡi mà vẫn muốn ăn hoài.

Tiếng chim tu hú vọng lại từ xa từng tràng dài nghe rất êm tai. Đã đến mùa trái đạn chín bắt đầu và giống chim tu hú to lớn hơn con bồ câu, rằn ri mỏ nhọn lại có tật thích ăn những trái cây chín như trái đủng đỉnh, trái đạn. Anh Thể cười hiền lành, hứa sẽ chỉ cho tôi một cái bẩy loại chim nầy. Anh dẫn tôi đi bẻ một mớ trái đạn chín đỏ và sau đó tìm những cây đạn lớn nhưng trái vẫn còn xanh. Anh leo lên cây, lựa một cành to có những chùm trái đạn xanh tròn đơm chi chít, bẻ bớt một trái xong móc lưỡi câu vào một trái chín đỏ và gài thế vào chỗ trống. Đầu kia dây nhợ được cột chặt vào cành cây, giấu kín để cho chim không nhìn thấy được. Anh đặt chừng năm sáu dây câu như vậy trên nhiều cành khác nhau và nhìn chung vào chỉ thấy những chùm quả đạn xanh lè lốm đốm một vài trái chín đỏ. Loại chim tu hú vốn tham ăn, có lẽ cũng như tôi, nên khi bay đến cây nầy thấy một vài trái chín đỏ ngon lành là mổ lấy nuốt liền, không e dè gì cả, chừng mắc lưỡi câu là hoảng hốt vổ cánh bành bạch, kêu ré om xòm. Tôi chỉ còn việc leo lên cây tóm cổ đem về vặt lông, hon với nước dừa ngon không chịu được hay hầm nhỏ nấu cháo đậu xanh thì tuyệt.

Một buổi chiều dượng Bảy và ba tôi đi thăm bà con về ngang qua cánh đồng, tình cờ bắt gặp một con rắn ri cá to đang nuốt một con cá rô. Nước chỉ vừa xấp xấp đến mắc cá chân, loại rắn ri lại không có nọc độc và là một món ăn khoái khẩu cho những tay nhậu nên dượng Bảy hô hào ba tôi nhảy xuống ruộng chận đập cho được con rắn ri cá tới số nầy. Cả hai quần áo bê bết những bùn nhưng cũng hả hê là không đến nỗi uổng công khó nhọc. Buổi tối hôm ấy, trời có trăng sáng, gia đình được thưởng thức thêm một nồi cháo rắn nấu với củ hành tây, bún tàu đậu xanh, quanh chiếc bàn tròn đặt trước sân nhà. Thịt rắn xé nhỏ từng sợi, mùi thơm ngon hơn cả thịt gà, ăn dòn dòn nồi cháo thơm ngọt làm mọi người hít hà khen ngon chỉ hối tiếc là chỉ hơi ít quá nên ai nấy đều cười rủ rượi. Riêng tôi thì ân hận, sao không gặp được một con rắn ri cá to tổ bố để tóm cổ đem về nấu cháo ăn cho đã đời làm cho anh Thể cười phì, hỏi tôi có chắc biết rõ con rắn ri cá ra sao không hay gặp nhầm con hổ đất hay hổ mây mà nhào vô thì nó rượt cho chạy có cơ,ø và nếu để cho nó mổ nhầm thì chỉ còn nước đi chầu Diêm Vương gấp để trả lời về tội tham ăn thịt rắn. Vậy là tôi cụt hứng.

Phía sau nhà chú Chín là những ruộng lúa chạy dài đến tận xa xa, thỉnh thoảng lại xen lẫn một cái đìa, cỏ lác lục bình mọc san sát, lốm đốm những chiếc hoa sún màu tím nhạt, lá sún tròn vạnh trải đều trên mặt nước. Tiếng cá rô đớp bèo lóc bóc, lâu lâu một con cá lóc quẩy mạnh, vài con cò ma trắng bước chậm chạp lom khom rình cá ở đìa hay một vài con le le đang bói lội tung tăng. Những buổi sáng còn mát trời, khi ánh nắng ban mai vừa hừng lên đem đến sự ấm áp và đuổi tan lớp sương mù còn lảng vảng trên đọt lúa non, tôi vẫn thường hay ra đồng đi dọc theo con bờ mẩu lớn để thở hít không khí trong lành và hoà mình trong sự yên lặng tỉnh mịch của chốn đồng quê. Tôi thả tầm mắt chạy dài trên những mẫu ruộng lúa xanh rì nối tiếp đến tận xa tít. Thỉnh thoảng dưới một chòm cây vài cái nhà lá ẩn hiện. Một cơn gió nhẹ chợt đến, các đọt lúa xanh cũng mềm mại ngã theo nối tiếp lan dần như những đợt sóng liên tục trên mặt nước. Mùi cỏ non, mùi lúa bén mùi, mùi sỉnh đất thoang thoảng làm cho tôi có một cảm giác khoan khoái lâng lâng. Tôi hít mạnh không khí vào lồng ngực, thở phào một hơi dài và cảm thấy quê mình sao đẹp quá! Sáng nay, rãnh rỗi, anh Thể đã sửa soạn sẳn mồi và dây câu từ hôm qua để dắt tôi đi câu lươn vì cả nhà đã có ý thèm ăn món lươn um nước cốt dừa với lá cách đậu phọng. Theo lời chú Chín tôi thì anh Thể là một tay thiện nghệ trong vùng. Ngay cả chú tôi không câu lươn giỏi bằng anh ấy. Từ chiều hôm qua, tôi đã thấy anh cắt đôi những con cá sặc nhỏ, đem ủ với một ít cám để làm mồi. Hai anh em dắt nhau đi trên con bờ mẩu lớn hướng về mấy cái đìa nhiều cỏ lác lục bình, bèo tai chuột lan tràn trên mặt nước. Tay tôi xách chiếc thùng thiếc để đựng lươn trong khi anh Thể mang dây câu và lon mồi. Gió đồng thổi man mác, những giọt sương long lanh còn đọng lại trên những đọt lúa xanh rì, ánh nắng ban mai ấm áp nâu dậu lắt lẽo trên một ngọn tre cất tiếng gáy cúc cu...cúc cu...cúc cu...trong khi một con khác từ xa vỗ cánh phạch phạch lao vút về một hướng khác. Tôi khoái chí cười bảo anh Thể:

- Cu đất nhiều quá anh hé! Mai anh vò đạn và sửa soạn giàn thung, mình đi bắn cu đất một buổi đi anh!

Anh Thể cười hiền lành còn hứa là hôm nào có dịp anh sẽ tìm bắt cho tôi một con cu gáy non vừa mới đủ lông cánh để nuôi làm chim mồi, tập cho nó gáy nghe rất vui tai. Nhà anh trước kia có một con cu mồi rất khôn, cứ đem treo lồng lên cây cao là nó cất tiếng gáy cúc cu...cúc cu..để gọi các con cu rừng đến nên anh vẫn dùng nó để đi bẩy cu rừng trong những khu rừng lân cận và bẩy được rất nhiều. Tôi càng thêm cao hứng chỉ mong sao những ngày tản cư được kéo dài mãi mãi để rong chơi ngoài đồng nội.

Chúng tôi đã đến ven đìa, anh Thể giải thích là giống lươn chỉ thích ăn mồi cá chết, nhái bén hay ốc. Hang lươn thường ở dọc theo các bờ mẫu lớn hay ven đìa, ăn thông với những nơi có nhiều nước tù sình non, quanh năm đầy cỏ lác bèo xanh là nơi nhiều lươn nhất. Những con lươn lớn thường hay ở những hang có lổ mọi, nước chảy ri rỉ và theo ông bà kể lại thì lươn sống lâu quá sẽ biến thành con chồn đèn. Tôi cười ha hả bảo anh:

- Làm gì có chuyện đó, mấy người lớn kể chuyện hoàng đường đấy.

Anh cười hỉ hả:

  • Nghe người lớn bảo thì cứ tin vậy, chớ anh có thấy bao giờ đâu?

Đã đến đìa, anh Thể tháo dây câu, móc nữa con cá sặc vào lưỡi câu, cẩn thận để lú cái mũi nhọn một tí đặng mắc vào đầu một cọng trúc nhỏ dài mềm mại. Dây câu được quấn quanh cọng trúc và phần còn lại anh nắm giữ trong tay, xong bắt đầu đi quanh ven đìa để tìm hang lươn. Anh vẹt cỏ lác và bỗng chỉ cho tôi xem một cái hang nước chảy ri rỉ. Đúng là một cái hang lý tưởng, rồi ra dấu cho tôi yên lặng. Anh nhẹ nhàng ngồi bên miệng hang, thọc nhẹ cọng trúc nhỏ mang miếng mồi ở đầu vào, miệng anh tróc tróc nho nhỏ như gà mái gọi con. Tôi hồi hộp đứng nhìn. Chừng vài phút bỗng tay anh Thể bị giật mạnh xuống, anh giật ngược lại một cái rồi thả dây câu cho chạy vào hang một đoạn, xong ghì chặt lại vừa khoái chí bảo tôi:

  • Con lươn dính câu rồi. Chắc con nầy to lắm vì nó ghịt mạnh quá!

Anh bắt đầu kéo dây câu lên từ từ. Con lươn chắc cố ghì lại vì thấy lâu lâu anh lại ngưng một chốc, bảo tôi là nếu kéo mạnh quá lưỡi câu sẽ hoác đi, cần phải làm cho con lươn ê mép mới không sợ sẩy. Rồi thì tôi cũng thấy được cái đầu to của nó vừa ló ra khỏi miệng hang. Anh Thể lôi tuột nó ra ngoài, trong khi nó giẫy giụa dữ dội. Chúng tôi hể hả nhìn con lươn to tướng, bụng màu vàng sậm, dài gần cả thước đang ngoằn ngèo giẫy ở đầu dây câu, cái đuôi giật mạnh lung tung trong không khí. Anh Thể nắm chặt cổ nó, bóp mạnh để gở lưỡi câu ra và thảy gọn vào chiếc thùng thiếc, trong khi tôi lật đật lấy một dề rau má đậy ấp lên trên. Cuộc câu lươn hào hứng lại tiếp tục. Anh Thể thật đúng là một tay tổ sư nhà nghề nên chẳng bao lâu anh đã câu được bốn con lươn to, tương đối thật dễ dàng. Tôi bỗng cao hứng bảo anh để cho tôi thử tài xem, biết đâu tôi lại chẳng phải là một tay câu lươn mầm non vậy! Anh cười hì hì trao cho dây câu cho tôi. Tôi cũng vạch lác tìm hang, cũng tróc tróc nhỏ như gà mái dầu nhưng mấy con lươn chết tiệt trốn đi đâu sạch không chịu đến ăn miếng mồi ngon của tôi. Có lẽ tôi không phải là một tay thiện nghệ, cứ nhè hang cua mà câu nên lâu lâu tôi lại lôi tuột ra được một con cua kình càng làm cho anh Thể cười muốn bể bụng, lại bảo tôi coi chừng hết mồi câu của anh ấy. Tôi phát cáu lên chộp phóc mấy con cua ăn hại thảy mạnh vào chiếc thùng thiếc để chốc nữa về nhà nướng ăn cho bỏ công khó nhọc. Gió đồng thổi man mác, tiếng cười của anh Thể vang lên ròn rả. Mùi sen đồng, mùi cỏ dại thơm nồng bát ngát. Tôi trả dây câu cho anh Thể và ngã mình nằm dài trên bờ cỏ, nhìn mặt đìa xanh rì, thỉnh thoảng một con cá rô đớp bèo bóc một cái làm tan vở mặt nước phẳng lặng. Xa xa, vài con cò ma đuổi cắn nhau, ré lên từng chập, chớp chớp cặp cánh trắng phau chiếc cổ giương dài ra, chân bước lom xom như một vũ khúc nghê thường. Trời trong xanh, vài đám mây trắng như tơ nỏn trôi bềnh bồng, đâu đấy vẳng lại tiếng sáo diều réo rắc vi vu...

Chuổi ngày xanh đã trôi qua, ngày nay lưu lạc xứ người thì làm gì còn có dịp đi gài bẩy chim tu hú trong những khu vườn hoang dai hay đi câu lươn nơi chốn đồng quê nữa. Quê ngoại giờ đây xa vời vợi. Tôi mỉm cười tự an ủi: Vẫn biết là phải sống tỉnh thức hiện tại. Cái gì đã qua thì hãy cho nó qua đi, không thể sống trong quá khứ được vì quá khứ vốn đã chết và đã qua rồi. Biết vậy nên tôi không hối tiếc cái dĩ vãng xa xôi thời thơ ấu, cũng không khao khát sống trong quá khứ để rồi bất mãn hay bất hạnh với hiện tại. Chỉ có đều là khi tôi ngồi viết lại những kỷ niệm của chuổi ngày xanh, thì trong khoảng thời gian ấy dường như tôi đã sống lại gần gủi với quê hương đất nước, trở về với đồng ruộng rẫy nơi quê mẹ xa xôi. Tôi mỉm cười sung sướng thấy mình như trẻ lại, tai như còn văng vẳng tiếng cười ròn rả của thằng bé con lém lỉnh, bụi đời, mới ngày nào đây còn rong chơi ngoài đồng nội. Có lẽ vì vậy mà các kỷ niệm ngày xưa ấy không mang đến cho tôi một sự hối tiếc nào, cũng không làm cho tôi có tâm trạng buồn khổ nhớ nhung. Ngược lại, nó mang đến cho tôi những nụ cười hóm hỉnh, một nguồn hạnh phúc nhẹ nhàng êm ái, một sự an lạc của tâm hồn trong suốt thời gian ngồi viết lại. Aâu cũng là một thú vui thanh thản để tiếp tục cuộc sống lưu vong nơi xứ lạ quê người.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002