Đại Chúng số 115 - ngày 1 tháng 2 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Lan Ranh Quoc Cong

1001 chuyện nhớ quên

Đọc báo dùm các bạn

Kich Mot Hoi Tao Quan Qui Mui

Ve Viet Nam Van Hai

Tet Nguyen Dan Viet Nam

Nhan Dam Xuan Nam De

Dau Nam Qui Mui Noi Ve Lich

Nam Moi Noi Ve Cac Hien Tuong

Nam Mui Noi Chuyen Con De

Cong Nghe Phuc Vu Chien Tranh

Van Con Mua Xuan

Xuan Qui Mui-Xuan Cau Nguyen Phuong Du

Vũ trụ & Con người

Hoa No Vuon Le

Lieu Nuoc Trang Co

Nấu ăn ngon cho chàng

Trang thơ

Giai Thoai Van Chuong Hien Dai

Sua Ten Tac Pham Cua Nguoi Qua Co

Nhung Tac Dong Van Hoa

A KY OPPONENT LIVES IN ‘EXILE’ IN WASHINGTON

02) Năm Mùi Nói Chuyện Con Dê Trên Thực Thể Và Trong Ý Niệm

Trương Quang

Trời vào Xuân, nắng mới ve vuốt cây ngàn cỏ nội, vạn vật trở mình trút bỏ lớp áo choàng tuyết trắng mùa đông. Ngày Tết theo nắng ấm trở về, bé thơ lớn khôn hơn, người già tăng tuổi thọ, ai nấy cũng muốn quên đi chuyện không vừa ý của năm qua để hướng về nguồn hy vọng phía trước của năm mới. Thuận theo bước đi của thời gian, tôi dẹp bỏ cây thông Noel mang hàng chữ mạ kềnh lấp lánh "Merry Chrismas and Happy New Year 2003" nơi phòng khách, để thay vào chậu mai sum suê hoa vàng rực rỡ có đính giải lụa đào nổi bật dòng chữ xanh "Mừng Tết Nguyên Đán Xuân Quí Mùi". Thấy tôi chăm chút hoa mai nylon như nâng niu bức hình của hoài niệm, một anh bạn trẻ-cùng lớp với con tôi đến chơi nhà, thoáng vẻ phân vân rồi khẻ khàng nói với tôi:

Thưa bác, chúng con mới được nghỉ Tết Dương Lịch, tuần sau cộng đồng người Việt lại có lễ hội Tết Aâm Lịch Quí Mùi. Đứng chung dưới bóng mặt trời, sao đầu năm lại có 2 Tết khác nhau? Rồi các lễ kỷ niệm, lễ tôn giáo và đám cưới lại ghi cả ngày dương ngày âm! Sao bằng thống nhất một ngày Tết, chỉ dùng dương lịch có hợp lý hơn không? Hở bác?

Được biết anh ta sinh tại Mỹ, chưa hiểu hết ưu điểm của t?ng loại lịch-pháp mà nhiều nước vẫn dùng song song với dương lịch, tôi phân giải vắn tắt:

DÙNG DƯƠNG LỊCH, còn gọi là Tây lịch như các nước Phương Tây quả thật hợp lý, nhưng với người Việt nhớ cội nguồn còn phải hợp tình nữa! Tết Nguyên Đán sắp tới là 3 ngày lễ hội lớn nhất có truyền thống rất thiêng liêng từ 4000 năm qua của dân tộc Việt Nam và nhiều nước Á Châu như Trung Hoa, Nhật bản, Mông Cổ, Triều Tiên...là những dân tộc theo âm lịch.

Như các cháu đã biết, dương lịch là Thái Dương chỉ mặt trời, căn cứ vào một vòng quả đất quay quanh mặt trời trong 365 ngày ¼ gọi là năm. Bắt đầu tính năm thứ nhất khi đức Chúa Jesus ra đời, đến nay là năm thứ 2003. Tháng nào có 30 hay 31 ngày nhất định (riêng tháng 2 có 28 ngày, cứ năm nào chia chẳn cho 4 tháng 2 có 29 ngày). Do trục quả đất nghiêng trên đường quĩ đạo nên có thời tiết 4 mùa và thực vật sinh trưởng theo thời tiết dương lịch. Tất nhiên, dương lịch ai cũng tính được lại dễ xác định thời điểm trong chuỗi thời gian tuần hoàn là nhờ vào cách đếm theo con số tiệm tiến.

CÒN ÂM LỊCH, là Thái Âm chỉ mặt trăng, căn cứ vào mặt trăng quay quanh quả đất giáp một vòng trong 29 ½ ngày thì gọi là 1 tháng, vì vậy tháng đủ có 30 ngày tháng thiếu có 29 ngày. Mặt trăng ảnh hưởng lớn đến sự sinh hoá của động vật, lại ở gần quả đất hơn mặt trời nên có sức hút mạnh hơn tạo ra thuỷ triều. Đồng thời âm lịch cũng căn cứ vào mặt trời nên có 4 mùa gồm 12 tháng mỗi năm (riêng năm nhuận có 13 tháng để điều chỉnh theo thời tiết) và phân chia thời tiết rất tinh tế theo mặt trời, nên phù hợp với dương lịch, bởi vậy phải gọi là Âm - Dương lịch mới đúng nghĩa. Các ưu điểm của âm lịch là giữa tháng trăng tròn và nhìn trăng trên vòm trời là biết nước thuỷ triều dâng lên hay xuống, rất thuận lợi cho sinh hoạt dưới trăng sáng dịu ở xứ nóng và cho nông nghiệp miền ven biển nhiều sônng ngòi như Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng tính được tháng nào đủ thiếu, nên phải có người làm lịch.

Thưa bác, giấy tờ cháu sinh năm 1979, nhưng mẹ cháu cứ bảo là sinh vào năm Kỷ Mùi, tuổi con dê. Sao lại có tên năm kỳ vậy, mà cháu đâu phải là con dê, cũng chưa biết mặt mũi con dê ra sao, cứ nghe dê 35 là ốt dột quá chừng!

Ừa, thì tuổi Kỷ Mùi hay năm nay là Nhâm Ngọ là cách đặt tên cho thời gian theo âm lịch (trong lý số, kể cả tháng, ngày, giờ cũng có tên như vậy). Người xưa đã quan sát những chuẩn mức của dòng trôi thời gian là mặt trời, mặt trăng và bốn mùa đều vận hành tuần hoàn theo vòng tròn từ vô thỉ đến vô chung, bèn đặt ra 10 thiên can là giáp, ất...phối hợp với 12 địa chi là Tý, Sửu để gọi tên cho năm. Cứ 10 x 12 = 60 năm là trọn một chu kỳ, lại bắt đầu một chu kỳ khác, tiếp tục mãi đến vô cùng. Đó là đặt tính nhất quán trong vũ trụ quan Đông Phương. Như vậy, cũng là tuổi Kỷ Mùi (1979). Kỷ Mùi (1919)...v...v...Thông thường, để dễ nhớ người ta đặt ra ước lệ là gán tên mỗi con thú cho một năm. Như con ngựa cho năm Ngọ, con trâu cho năm Sửu, đó là cách giả định, nên con dê hoàn toàn không có liên hệ gì đến tuổi Mùi của cháu, đâu có gì là thẹn thùng hả cháu!

Còn hình dạng con dê ra sao, là chuyện năm Mùi nói về con dê trong hiện thực tự thân của nó và ý niệm của con người về nó, là chuyện mua vui đầu Xuân sau đây:

CON DÊ TRÊN THỰC THỂ

Con dê và con cừu như cùng một dòng giống, có khác là dê thì gầy guộc khắc khổ còn cừu thì bụ bẫm hiền lành. Dê cũng như bò đều là gia súc được nuôi để lấy sữa, thịt, da và lông nữa. Điểm đặc biệt giống bò, là dê cũng có dạ dày 2 túi nên khi ăn nó ngốn ngấu vội vàng, đến lúc thong thả đưa cỏ trở lên mồm nhai lại. Dê đực có sừng thường là dẹp hoặc xoắn trôn ốc quịt xuôi ra sau, dưới cằm có chòm râu rậm toát ra mùi ngai ngái khó ngửi. Đuôi dê ngắn lại huỷnh lên, bàn chân có móng cứng chẻ đôi. Nhiều giống dê có lông thẳng che phủ ngoài da, một ít giống khác có lông dày đủ màu từ đen, nâu đến trắng muốt như cừu.

Dê là con thú chịu đựng gian khổ, nó tự tìm đủ thức ăn nuôi sống trên vùng đất đá khô cằn. Nếu là ngựa bò và cừu ở nơi đó đều chịu chết đói. Nhưng dê không thể phát triển ở vùng khí hậu ẩm ướt rậm rạp. Vì thế, rừng núi Việt Nam có muông thú đa dạng lại thiếu vắng bóng dê hoang.

Dê cái mang thai một đến 3 con dê con trong 21 đến 23 tuần lễ. Mới chào đời, dê con mở mắt thao láo, lông tơ khắp mình; sau 4 giờ là chạy nhảy lớn cớn, sau 3 đến tháng 6 thì bỏ bú sữa mẹ. Trung bình dê có tuổi thọ 14 năm.

DÊ HOANG

Có 10 loài dê hoang được chia làm 2 nhóm là nhóm dê núi (ibesces) và nhóm dê chính gốc, đều sinh sống ở núi và vùng sỏi đá. Loài linh dương (chamois) là hợp chủng của dê chính gốc với sơn dương (antelopes), nó sống ở độ cao trên dãy Rocky Mountain. Linh dương được biết là loài thú leo núi giỏi nhất trong thú vật ở Mỹ Châu. Nó có bộ lông dài màu trắng làm nổi bật bộ móng chân, đôi mắt và cặp sừng đen tuyền.

Nhiều giống dê hoang sinh sống nhiều tại các dãy núi đá Aâu Châu và ở dãy núi Hi Mã Lạp Sơn trùng điệp nhất thế giới ở trung tâm Á Châu.

DÊ NUÔI

Có nguồn gốc từ dê hoang ở Ba Tư, miền Tây - Nam Á-Châu, dê nuôi đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, có nhiều trang trại ở Aâu, Á và Phi Châu nuôi dê bầy hàng trăm con. Hầu hết, các giống dê nuôi ở Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, và Châu Âu là để lấy sữa. Sữa dê giàu chất dinh dưỡng, có hàm lượng mỡ và protein cao, màu trắng đục, ngọt và dễ tiêu hoá hơn sữa bò. Trong thực nghiệm cho thấy sữa dê giúp cho người có bệnh lao phổi, có bệnh đau dạ dày hoặc rối loạn đường ruột dễ đuợc bình phục. Bởi vậy phần đông nhân loại thích uống sữa dê hơn sữa bò. Có điều bơ làm từ sữa dê thì xoàng, nhưng làm phó mát (cheese) lại rất ngon.

Da dê bền dẽo, mịn màng làm nên da thuộc cao cấp, nổi tiếng là da dê Ma-Rốc (Morocco leather). Nhiều nơi dê được nuôi dạy như gia súc, cho thắng yên cương vào để kéo xe trẻ con, thậm chí còn dùng dê để thồ và chuyên chở nữa.

Ngày xưa, trong cung vua có xe dê (đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Vua Võ Đế nhà Tấn có nhiều cung nữ, đêm về không biết nên ngự vào cung nào. Vua ngồi trên xe do dê kéo đi, nó kéo đến cung nào thì vào cung đó. Cung nữ lấy lá dâu rắc ở cửa cung mình cho dê đứng lại ăn, nhờ đó được vua vào ân ái.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc, cụ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều viết lúc cung phi được vua sủng ái, có nói đến xe dê:

Trên chín bệ mặt trời gang tấc,

Chữ Xuân riêng sớm chực trưa chầu.

Phải duyên hương lửa cùng nhau,

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Ngày nay, dê nuôi trên thế giới được chia làm 3 giống chính là: giống dê Thuỵ Sĩ, giống dê Nubian và giống dê lấy len.

1. Giống dê Thụy Sĩ tai nhọn, chính là tổ tiên của dê cái lấy sữa tại Mỹ và Âu Châu. Dê sữa bao gồm các dê Toggenburg, Saasen và Nubian. Ở Hoa Kỳ, hầu hết dê sữa là giống Toggengurg có lông dài hay lông ngắn, được nhập cảng từ Thụy Sĩ. Lông nó màu nâu, có vằn lợt ở hai bên mặt, lông dưới khuỷu gối màu xám hay trắng. Dê sữa Toggenburg có chiều cao ngang vai từ 28 đến 38 inches mỗi ngày cho từ 3 đến 6 quarts sữa trong 2 đến 6 tháng/ mỗi năm. Sữa của nó thì nhiều, nhưng phẩm chất thì không bằng sữa các giống dê khác.

Dê Saanen cũng thuộc giống dê Thuỵ Sĩ, mới được phát triển ở Mỹ Châu. Lông nó ngắn, có màu trắng tinh hay màu cà-rem rất quí. Dê cái Saanen cho 4 đến 6 quarts sữa mỗi ngày, trung bình mỗi năm sản xuất được 130 đến 175 gallons sữa. Dê Saanen giữ kỷ lục thế giới về năng suất sữa: 4,126 pounds (2,081 quarts) trong 9 tháng 8 ngày.

2. Giống dê Nubian tai dài và đụp xuống, sống mũi cao, có gốc gác từ Ai Cập, Aán Độ và Abyssinia. Dê Nubian chiếm đa số trên tổng số dê toàn cầu. Nó cao chừng 3 feets, lông rất ngắn, thường màu đen và nâu hay đen và trắng. Nếu nó lai giống với dê nước anh thì gọi là dê Anglo-Nubian. Các giống dê Nubian đều cho sữa rất ngon, rất bổ. Ngoài ra, dê sữa lai giống còn có dê Alpine và dê Maltese. Chỉ có dê Maltese (gốc từ Malta) là có nuôi tại Hoa Kỳ. Dê sữa thông thường và lượng sữa dê phổ thông nhất là ở phía nam Hoa Kỳ, nó có tầm vóc trung bình và nguồn tạp chủng.

3. Giống dê nuôi lấy lông phổ thông là dê Angora và dê Cashmere. Dê Angora có nguồn gốc ở vùng Tiểu Á và đã hiện hữu từ xa xưa thời Abraham. Nó có sừng xoắn ốc, bộ lông trắng óng ánh uốn cong rồi buông rũ, phủ kín cả châu thân nó. Lông nó mọc dài ra đến 10 inches mỗi năm. Lông ấy là hàng len mohair mượt bóng tuyệt đẹp để làm ra áo dài robes, áo choàng, bộ veston và các hàng nhung nhồi nệm. Trung bình dê Angora mỗi lần xén lông được 2 ½ pounds len, có con phi thường xén được đến 12 pounds/ lần. Hầu hết len mohair ở Hoa Kỳ được sản xuất từ Texas và New Mexico, dê nầy còn được nuôi dọc Thái Bình Dương nữa. Thịt dê Angora thơm ngon hơn các giống dê khác. Dê Cashmere ở Ấn Độ cho len cũng có gía trên thị trường. Nó nhỏ hơn và cũng thường có lông trắng như dê Angora. Lông nó làm ra hàng len cashmere xinh đẹp. Dê cashmere không thể phát triển tốt trên đất Hoa Kỳ.

Nhìn chung, ngành chăn nuôi dê trên địa cầu được xếp theo thứ tự: thứ nhất là Ấn Độ: 50 triệu con, thứ nhì là Thổ Nhỉ Kỳ: 10 triệu con, thứ ba đồng hạng là Nam Phi, Nga, Iran (mỗi nước có 7 triệu con), thứ tư đến Hy Lạp, Tây Ban Nha, Morocco. Nigeria (mỗi nước có chừng 5 triệu con).

Tại Hoa Kỳ, dê được nuôi nhiều tại Texas (3 triệu con), đến các tiểu bang Arizona, New Mexico, Oregon (mỗi nơi 150,000 con).

? Việt Nam, ngành chăn nuôi dê không phát triển như nuôi heo, nuôi trâu bò. Các trang ấp hoạ hoằn mới có 5-10 con dê lấy sữa, rồi lấy thịt cho đám tiệc. Ở Quảng Ngãi, tôi có quen thân với con cháu cụ Nguyễn Tích là chủ của 2 trang trại nuôi dê trong những thập niên 1940-60: Một trại tại Nà-Thọ ở phía Tây huyện Đức Phổ, một trại trên cụm núi còi trong hệ đèo Bình Dê, nơi nhìn xuống thôn Chu-me là gia trang của cụ. Và cũng từ đấy, tôi biết đôi sự thật khó tin về con dê:

Sương sớm vừa tan thì chuồng vừa mở cửa, chú dê đực có chòm râu xồm xoàm dưới bụng "mang bìu lủng lẳng" đứng chắn lối ra để lần lượt làm tình với các nàng dê cái ra sau, từ các chị dê mang bộ vú thổn thệnh đến cả cô dê tơ mơn mởn mắt nai, dâm và tục hết chỗ nói. Khi cả bầy nộp xong mãi lộ, chú dê xồm cất giọng bee...bee...dẫn đàn dê lên núi kiếm ăn, đến tối lại bee...bee...gọi vào chuồng.

Đến ngày yến tiệc, thịt dê là món khoái khẩu. Một sợi dây thừng dài cột cứng vào đầu cọc, đầu kia buộc vào cổ con dê, rồi người ta đánh cho dê chạy thục mạng vừa kêu van bee...bee..., đến khi mình mẩy nó mướt mồ hôi, họ mới cột chân lại ngay và thọc huyết. Người ta cho biết dê có tháo mồ hôi thì ra thịt không còn hôi mùi dê! Mỗi sinh vật chỉ có một ngôn ngữ khi khoái trá cũng như khi đau khổ, tôi đã nghe được tiếng đó nơi con dê.

À! Còn cái vưu vật nữa (là dái dê đấy!) đã được một ông bất lực mà còn hảo ngọt đặt mua trước, "ăn gì bổ nấy" vốn là ý của người bình dân. Bây giờ đã có thần dược Viagra, nhưng thần dân Mao-xếng-xáng vẫn thích loại thuốc có chữ "Ngọc Dương"...vì thuốc ấy được trích dẫn từ tinh lực của dái dê, giúp tráng dương mà không gây phản ứng phụ.

Nước Ấn Độ nuôi dê nhiều nhất hoàn vũ, nấu món cà-ri dê độc đáo ở thế gian được xem là món quốc tuý của quí ông Chà-và mắt nâu, râu rậm. Đó là điều tất nhiên, vì dân chúng đều theo Ấn Độ giáo kiêng ăn thịt bò thiêng, vậy thịt dê được thay thế thịt bò trong thực đơn của họ. Ở ngã ba Tam Hiệp, Biên Hoà có quán "Cà-ri chú Mùi", chủ quán không có tên Mùi, chẳng một ai tuổi mùi, ấy chỉ mượn chữ mùi để nói món "cà ri dê". Văn vẻ hơn là một tụ điểm ăn nhậu trên bờ biển Nha Trang nơi giáp đường Yersin; trên cổng vào kiosque có viết bảng hiệu "Sống ở trên đời". Giới yên hùng "hạ cờ tây" đều đắc ý với bảng hiệu trích từ câu ca dao:

Sống ở trên đời ăn miếng đồi chó

Chết về âm phủ biết có hay không?

CON DÊ TRONG Ý NIỆM CON NGƯỜI

Trong thực tế, con dê cống hiến cho con người thịt ngon, sữa tốt và lông đẹp được tạo nên từ đời sống nhọc nhằn của nó. Con người nhận thức về con dê rất phức tạp, xấu nhiều hơn tốt; ý niệm đó được thể hiện qua khẩu ngữ, văn thơ và tiểu truyện.

Trong lời nói, số đề 35 là con dê, máu dê là tính ham nhục dục vượt ngoài lễ giáo, dê xồm hay dê cụ là tính hiếu dâm suồng sã quá độ. Đông nói vậy, mà Tây cũng nói vậy: Trong Anh Ngữ từ goat là con dê, đẻ ra tính từ goatish lại có nghĩa là dâm dật (đồng nghĩa với lustful hay oversexed). Công bình mà nói: lấy cái bản năng sinh tồn bẩm sinh của con dê mà gán cho có bản năng tương tự do tập thành, là bất công cho con dê và bêu riếu con người quá đáng.

Trong truyện Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu phác họa bộ mặt một người có máu 35, đã gạ gẫm muốn cưới Kiều Nguyệt Nga là vị hôn thê của người bạn đương còn biệt tăm dạng. Người bạn ấy là Lục Vân Tiên, nay đậu trạng nguyên, gặp lại những bạn đi thi ngày trước. Chỉ riêng người xấu máu, biệt tự sỉ, chứng tỏ rằng máu dê không triệt tiêu nhân tính:

...Con người Bùi Kiệm máu dê

Ngồi chai bề mặt như về thịt trâu.

Hớn Minh, Tử Trực vào tâu:

Xin đưa quốc trạng kịp chầu vinh qui.

Một người Bùi Kiệm chẳng đi,

Trong lòng xấu hổ vì mình máu dê...

Mọi động vật đều mang sẳn chất máu dê trong dòng máu, nó thúc đẩy sự duy trì nòi giống, nhưng ở con người có lý trí phải biết tự chế, đừng như Bùi Kiệm. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhìn những gã choai choai có thói rởm đời, vừa tập ngữ "gà con háu đá" và đến ca dao "...Nó còn bé dại đã nên cơm cháo gì..." Bà tặng lũ nhóc ấy mấy vần thơ thâm thuý, còn cay hơn ớt hiểm:

Ủa, ủa đi đâu lũ ngẩn ngơ,

Lại đây cho chị dạy làm thơ.

Ong non ngứa nọc châm hoa rửa.

Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa...

Ý niệm về niêm đại năm Mùi, năm con dê, được đề cập nhiều lần bằng lời văn uyên thâm bí nhiệm, nhà đại trí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã tiên tri về dòng lịch sử Việt Nam, qua những câu: Mã đề dương cước anh hùng tận, Trực đáo dương đầu mã vĩ, Dê khôn ăn lộc ngoảnh về Tây...v...v...Đáng kinh ngạc hơn, cụ đã thấu thị về lũ người có máu dê (vì nam nữ lang chạ buông tuồng ngược với phong hoá Việt Nam) từ phương Tây (Tây dương) màu da trắng, tính hung ác như quỉ (bạch quỉ) sẽ đánh chiếm nước ta vào thế kỷ 19. Lúc sinh thời của cụ, nước ta chỉ biết có người ở Phương Bắc là Hán tộc hiện diện trên thế gian nầy. Thử tìm hiểu một đoạn sấm ký dưới đây, mới hiểu thấu tấm lòng Trạng Trình thương dân tộc Việt đến mức nào:

1...Chim Bằng cất cánh về đâu?

2. Chết tại trên đầu hai chữ Quận-công.

3. Bao giờ trúc mọc qua sông,

4. Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây.

5. Đoài cung một sớm đổi thay,

6. Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn.

7. Đầu cha lộn xuống chân con,

8. Mười bốn năm tròn hết số thời thôi.

9. Phụ nguyên chính thống hẳn hoi,

10. Tin dê lại phải mắc mồi đàn dê.

11. Dục lòng chinh chính u mê

12. Thập trên tứ dưới nhất đề chữ tâm.

13. Để loài bạch quỉ Nam xâm,

14. Làm cho trăm họ khổ trầm lưu ly.

15. Ngai vàng gặp buổi khuynh nguy,

16. Gia đình một ở, ba đi dần dần...

Luận giải: 1&2: Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An cất quân ra Bắc trừ Trịnh Bồng được vua Lê phong chức Bằng Quận Công. Chỉnh trở nên lộng quyền, Nguyễn Huệ Sai Vũ Văn Nhậm ra bắt Chỉnh phanh thây à chim bằng gảy cánh.

3&4: Tôn Sĩ Nghị làm cầu phao bằng tre qua sông Nhị (trúc mọc qua sông) độ quân vào Thăng Long. Do đó, vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh, quân giặc tranh nhau qua cầu phao tre, cầu phao chìm, quân Thanh chết đuối vô số. Chiến công lừng lẫy của nhà Tây Sơn (non Tây) đưa uy danh vua Quang Trung đỏ hồng rực rỡ như mặt trời.

5&6: Theo tiên thiên bát quái cung chấn là trưởng nam, cung đoài là thứ. Vua em là Quang Trung chết năm 1792, ngôi vua đổi qua Nguyễn Quang Toản lấy niên hiệu Cảnh Thịnh. Năm sau, vua anh là Thái Đức Nguyễn Nhạc băng hà,

7&8:Vua cha Quang (chữ tàu) Trung, vua con Cảnh (chữ tàu) Thịnh, như vậy chữ tiểu (chữ tàu) trên đầu chữ Quang đã xuống chân chữ cảnh, Nhà Tây Sơn trị vì đúng 14 năm tròn (1788-1802) thì bị nhà Nguyễn vua Gia Long diệt.

Ở đoạn trước, nói về sự khởi nghiệp của nhà Tây Sơn, sấm Trạng Trình đã tiên tri một việc lạ đời:

Hà thời biện lại vi vương

Thử thời Bắc tận Nam trường xuất bôn.

(Lúc nào biện lại làm vua thì khi ấy phương Bắc dứt nghiệp, phương Nam chạy dài dài).

Đúng phóc: Nguyễn Nhạc là viên biện lại, một chức vụ nhỏ ở thôn làng, dấy nghiệp làm vua; nhà Tây Sơn dứt nghiệp, vua Lê chúa Trịnh ở Bắc hà và chúa Nguyễn ở phương Nam bỏ kinh đô Huế chạy ra biển và Thái Lan nhiều năm dài.

9&10: Bộ (chữ tàu) phụ họp với chữ Nguyên (chữ tàu) thành chữ Nguyễn (chữ Tàu), chỉ nhà Nguyễn của vua Gia Long là dòng họ chính thống, nhưng vì tin người Pháp (dê) xin Pháp viện binh (việc đưa hoàng tử Cảnh theo giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp đình cầu viện) đã dẫn đường cho quân Pháp (đàn dê) xâm chiếm nước ta.

11&12: Cả câu chỉ vua Dục Đức (chữ Dục ở đầu câu, đến chữ Đức (chữ Tàu) là do các chữ thập ở trên, đến chữ Tứ ở dưới, dưới nữa là chữ nhất và cuối chữ là chữ Tâm: đó là phép chiết tự). Trong di chiếu truyền ngôi của vua Tự Đức có đoạn khuyên răn vua Dục Đức kế vị phải sáng suốt (nghĩa là không u mê). Lấy cớ ấy 2 quyền thần Tường và Thuyết phế bỏ vua Dục Đức mà triều chính rối loạn, là cơ hội giặc Pháp tấn công.

13&14: Cụ Trạng Trình biểu lộ lòng công phẩn giặc quỉ da trắng (là Pháp) xâm chiếm Việt Nam, làm cho muôn dân chìm đắm trong đau khổ ly tan.

15&16: Ngôi vua nhà Nguyễn bị Pháp khuynh đảo rất nguy khốn. Một gia đình hoàng tộc đến ba vua mưu lật đổ Pháp, bị bắt đi đày lần lượt, là vua Hàm Nghi (đi Algérie), đến vua Thành Thái rồi vua Duy Tân (đi Réunion). Chỉ 1 vua Đồng Khánh thân Pháp là ở lại ngôi tại kinh đô Huế.

Đoạn sấm ký trên, chúng ta nghiệm ra thì chuyện đã qua rồi, chuyện sẽ đến còn dài dài cũng lời văn giản dị nhưng quá hàm súc và uyên bác vô cùng, không ai giải đoán ra được, bởi lẽ "thiên cơ bất khả lậu". Văn chương Việt Nam có chiều sâu rất lý thú.

Khi còn bé, tôi được nghe câu hát hò giã gạo đối đáp nhau, chữ nghĩa đi liền như mấy câu: Ngựa là mã, rồng là mây, dê là dương, cá là ngư...v...v...

Hò ơi!...ớ..ơi...Ngựa ăn gò mã, rồng về Cửu Long.

Núi Thú dương con dê chạy giáp vòng.

Đồng khô hồ cạn (con) cá nằm ngất ngư...

Sông Cửu Long, Hồ và Đồng ở nước ta thì ai cũng biết rõ, nhưng núi Thú Dương lại ở bên Tàu. Sách chép rằng: Bá Di và Thúc Tề là hai người con của vua Cô Trúc ở cuối đời nhà Thương. Khi Võ Vương hưng binh phạt vua Trụ, Bá Di và Thúc Tề cản đầu ngựa xin Võ Vương không nghe, Khi Châu Võ Vương diệt được nhà Thương, lập nên nhà Châu thì Bá Di Thúc Tề nghĩ mình là kẻ không cứu được nước, bèn bỏ đi ở ẩn nơi núi Thú Dương, không thèm ăn thóc nhà Châu, chỉ ăn rau vi để sống. Có người đàn bà thấy vậy, hỏi ông: "Núi Thú Dương là đất nhà Châu, ngọn rau hạt thóc là của nhà Châu, vậy ăn rau có khác gì ăn thóc đâu?". Bá Di Thúc Tề tủi nhục nên trốn biệt vào núi Thú Dương, nhịn đói mà chết.

Núi Thú Dương là biểu hiện của ý niệm về lòng chung thành mù quáng lại thêm tính cố chấp, thường là tự hại đời mình. Khác với ý niệm về lòng chung thuỷ dù trải bao luân lạc, cộng với đức tính nhẫn nhục tuỳ thời thường dẫn đến vinh quang. Đó là khúc hát "Ngũ Dương Tì" tức Bá Lý Hề, Năm Bộ Da Dê.

Bá Lý Hề tự là Tỉnh Bá, người nước Ngu, trên 30 tuổi mới cưới nàng Đỗ Thị, sinh được một trai tên Mạnh Minh. Nhà quá nghèo, lại không lối tiến thân, nên bá Lý Hề muốn sang nước khác để lập công danh, ông được vợ cổ vũ thêm. Khi tiển chồng lên đường, Đỗ Thị phải lấy phiên cửa làm củi nấu con gà duy nhất để làm tiệc mọn. Qua nước Tề không ai tiến cử, Lý Hề phải ăn xin, phải ở giữ trâu, đã 40 tuổi mới kết bạn với Kiển Thúc, rồi từ đó 2 người đi tìm minh chủ. Qua nước Châu, cả hai được Vương Tử Đối hậu đãi, nhưng đều nhận thấy Vương Tử Đối có chí lớn mà tài nhỏ, bèn cùng nhau quay về nước Ngu, được Cung Chi Kỳ tiến dẫn, nên giữ chức Trung đại phu. Bá Lý Hề về thăm nhà mới được biết vợ con vì quá cơ cực đã trôi dạt kiếm sống. Khi nước Tần diệt nước Ngu, Bá Lý Hề vẫn trung thành theo hầu Ngu Công khi bị đưa về Tấn. Vua Tấn gã con gái cho con vua Tần, đề cử Bá Lý Hề đưa dâu đi, ông tự thấy nhục bèn trốn qua Sở, bi bọn thợ săn bắt đem về cho nuôi trâu. Trâu ông nuôi đều béo tốt, Sở vương hay tin bèn đòi ông đến giữ ngựa, bấy giờ tóc ông đã bạc trắng. Tần Mục Công biết Bá Lý Hề bao gồm tài trí, lấy cớ Lý Hề trốn đưa dâu về Tần nên sai người đem đến 5 tấm da dê tốt để chuộc Bá Lý Hề về Tần mà hỏi tội. Tỏ rõ tài kinh bang tế thế, Tần Mục Công phong Bá Lý Hề chức Thượng Khanh. Đỗ Thị trôi giạt sang Tần làm nghề giặt thuê, nhiều lần nhìn rõ chồng xênh xang áo mão đi xe song mã ngang qua nhà, nàng không dám nhận chồng. Lần nữa, nàng xin được chân giặt thuê trong dinh Bá Lý Hề rồi làm quen với phường nhạc, nàng xin hát giúp vui cho Thượng Khanh. Giọng Đỗ Thị bi ai và du dương: Bá Lý Hề, ngũ dương bì! Ức biệt thì, phanh phục thư, xuân huỳnh phỉ xuy diễm di. Kim nhựt phú quí, vong ngã vi? Bá Lý Hề, ngũ dương bì! Phụ lương phục, tử đề ky. Phụ văn túc, thê hoãn y. Ta hồ phú quí, vong ngã vi! Bá Lý Hề, ngũ dương bì! Tích chi nhựt, quân hành nhi ngã đề. Kim Chi Nhật, quân toạ nhi ngã ly! Ta hồ phú quí, vong ngã vi?".

Dịch nghĩa: Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày ly biệt, mổ gà mái ấp nấu nồi cơm vàng! Tình thiết tha! Nay phú quí nỡ quên ta sao? Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Cha ăn thịt cá, con đói khóc dài. Chồng mặc áo gấm, vợ giặt thuê hoài! Nay phú quí nở quên ta sao? Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày xưa chàng ra đi, thiếp nặng dòng biệt ly! Bây giờ chàng ngồi đó thiếp chẳng dám gần. Phú quí cao sang, nỡ quên ta sao?

Vừa nghe dứt bài hát, Bá Lý Hề nhận ngay ra vợ mình, liền bước xuống ôm nhau than khóc thảm thiết, bỏ bao ngày ông mãi tìm tung tích vợ, nay bỗng dưng tái ngộ. Tần Mục Công hay tin vợ chồng quan Thượng Khanh đoàn tụ, liền đem vàng lụa chúc mừng. Bá Lý Hề cho gọi Mạnh Minh đang đi săn, trở về đem con vào yết kiến Tần Mục Công, Mạnh Minh được phong chức Đại Phu.

Khúc hát ngũ dương bì thật ngắn mà Đỗ Thị đã nhắc chồng 3 lần về sự đánh đổi với 5 tấm da dê, là nhắc về chữ thời, về khi vị ngộ. Lúc thất thời thì giá trị như vật mọn da dê. Lúc đắc thời chớ quên tình nghĩa cũ! Ở đấy, da dê là ý niệm về giá trị. Một thử thách khác, cũng lấy dê làm đối tác trong hoàn cảnh nghiệt ngã, lòng trung kiên được người đời kính mến trong câu chuyện:

Tô Võ Chăn Dê: Tô Võ tự là Tử Khanh, người đất Đỗ Lăng, vâng lệnh Hán Võ Đế đi sứ sang Hung Nô. Chúa Hung Nô là Thuyền Vu bảo Lý Lăng và Vệ Luật (nguyên là tôi nhà Hán, đã về chầu Hung Nô) dụ Tô Võ theo về hầu luôn. Tô Võ cự tuyệt làm Thuyền Vu giận bắt bỏ vào hang cho chết đói. Tô Võ nhờ dùng sương trên ngù cờ sứ giả vẫn giữ bên mình, cầm hơi, nên bị giam trong hang ba ngày đêm mà vẫn sống. Thuyền Vu cho Tô Võ là thần nên không dám hại mà chỉ đày ra đất Bắc chăn dê. Tô Võ được chúa Hung Nô cho biết khi nào dê đực đẻ thì mới thả về. Sống giữa miền hoang vu sỏi đá, giá lạnh với đàn dê, Tô Võ buộc thơ vào chân chim nhạn cho bay về kinh đô để thông tin cho vua hay. Mười chín năm sau, Thuyền Vu giảng hoà với nhà Hán, Tô Võ được sống sót trở về, trên tay chỉ còn cây cờ trơ cán. Có sách cho biết rằng Tô Võ ở đất Bắc có bầu bạn với con vượn người, sau thành vợ chồng thắm thiết. Khi Tô Võ chia tay về xứ, mỗi bước một ngập ngừng và con vượn người có ôm theo con trả cho Tô Võ nuôi.

Chuyện Tô Võ chăn dê và chuyện cậu bé chăn chiên trong truyện ngắn Những Vì Sao (Les étoiles) của Alphonse Daudet có nỗi buồn giống nhau. Toàn tập " Những Thư Truyện Từ Máy Xay" (Lettres de mon moulin) có một truyện ngắn đặc biệt về dê là:

La Chèvre De M. Seguin (con dê của ông Seguin): Tại Provence có ông Seguin đã lần lượt mất 6 con dê trốn trên núi để bị chó sói ăn sau một đêm chống cự. Lần nầy, ông mua được một con dê cái trẻ màu trắng tên Blanquette, ông nuông chiều đủ thứ để nó an vui ở với ông. Chỉ được ít lâu, cô dê lại hướng về núi, mũi nó nghỉnh lên và kêu van buồn bã. Ông Seguin cho nó biết con dê Renande rất to và dữ, trốn lên núi đã bị chó sói phanh thây, huống hồ non trẻ như nó. Blanquette bỏ ăn, mất sữa, ông Seguin phải đưa nó lên núi và nhốt trong chuồng để phòng thú dữ. Ông vừa quay lưng là con dê liền thoát ra nơi cửa sổ quên gài chốt. Cô dê được rừng cây, bờ suối đón chào, được bầy dê núi đón tiếp như bà hoàng và một cậu sơn dương đến bắt bồ, một ngày đẹp đẻ đáng sống. Nhưng chiều xuống nó hơi lo. Có tiếng tù và của ông Seguin gọi nó trở về, nó quay lại nhìn trang trại dưới kia từng nuôi giữ nó, nó không về! Chó sói xuất hiện tấn công nó, nó chống trả bằng sừng suốt đêm, đến hừng đông nó đành để chó sói ăn thịt nó.

Tác giả Alphouse Daudet viết: C’était, parait-it, des chèvres indépendantes, voulant à tout prix le grand air et la liberté phải chăng, những con dê không chịu lệ thuộc, nó muốn có không khoáng và được tự do với bất cứ giá nào). Dân chúng Provence thường nhắc mãi câu: La chère de Mousieur Seguin, qui se battit toute la mit avec le loup, et puis, le matin, le loup la mangea (con dê của ông Seguin chống lại chó sói suốt đêm, rồi đến sáng chó sói ăn thịt nó).

Ý niệm về chiến đấu đến cùng để giành tự do, để thoát khỏi ràng buộc, nơi con dê Blanquette là điểm son duy nhất cho loài dê. Nó chịu chết rất can đảm như torng bài thơ "Cái Chết Của Con Chó Sói" (La mort du loup) của Alfred de Vigny. Lời văn trong sáng, diễm tuyệt và ý nghĩa câu chuyện đã cuốn hút tôi từ lúc vị thành niên.

Những tác phẩm và câu chuyện thi văn kể trên đều diễn đạt ý niệm của con người đối với con dê, được mang nhan đề của chính câu chuyện. Còn nhiều câu chuyện khác về dê được xếp chung vào một kết luận tương ứng với một thành ngữ như: Dê tế thần, treo đầu dê bán thịt chó...

Chuyện đời xưa về Dê Tế Thần:

Quan thủ kho bị làm dê tế thần:

Trong chiến dịch Nam Chinh, Tào Tháo phải dừng chân (tại Dương bình quan? Tại Tà Cốc? Tôi không còn nhớ!) đường vận lương bị triệt, số lương trong doanh trại còn giới hạn. Tào Tháo ngầm bảo riêng quan thủ kho cắt thấp bớt cái thạch (như cái thùng, cái ang bây giờ) dùng để đong gạo nuôi quân. Tuần sau đó, Tháo được tin cấp báo quan vận lương vừa bị giết và lương thực tiếp vận bị mất, Tháo lại bí mật bảo quan thủ kho cắt nhò cái thạch một lần nữa. Khi lệnh hành quân được ban ra, quân sĩ vẫn chểnh mảng không muốn động đậy, nên chủ tướng trình lên cho Tháo là do quân sĩ đói quá. Quan chủ bộ hành quân tâu trình là số lượng thạch phát ra vẫn không đổi, nhưng cái thạch thì nhỏ bằng phân nữa, nên quân ăn không đủ no. Tức thì Tào Tháo ra lệnh chém ngay quan thủ kho, không kịp nói lời nào. Quân sĩ thấy đói là do quan thủ kho gây ra, nên được hả lòng, quên đói.

Chúng ta định nghĩa rằng: Viên quan thủ kho là con dê tế thần, để tạo ra tin tưởng, ổn định lòng quân. Dê tế thần là con vật phải hy sinh, để gánh lấy tội lỗi do bề trên gây ra. Thủ đoạn dê tế thần được âm mưu trong bóng tối, nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn như câu chuyện sau:

Tây Môn Báo trừ nạn dê tế thần:

Tây Môn Báo người nước Nguỵ, đời Chiến Quốc. Là vị vua thanh liêm cương trực. Khi đến nhậm chức Thái Thú Nghiệp Đô, ông thấy dân chúng đói khổ, lại lo s? nạn Hà Bá cưới vợ. Các bà đồng bóng phán là dưới sông Chương chảy ngang Hiệp Thành có thần Hà Bá mỗi năm cưới một cô gái đẹp, nếu cưỡng lại thì thần hà Bá sẽ dâng nước lên tàn phá mùa màng, nhà cửa. Tin lời bói toán ấy, các hào- lý ty-lại và bà đồng bắt dân đóng thuế nặng để làm lễ tế thần cưới vợ. Nhưng thật ra họ chia nhau phần lớn trong số 300 muôn thu được. Tệ hại nhất là các bà đồng có quyền tìm vợ cho thần khắp trong xứ, ai có tiền chuộc mạng thì khỏi. Nếu không tiền thì cô gái sẽ là "dê tế thần" được ném xuống sông làm vợ thần.

Đến ngày cưới vợ cho Hà Bá sông Chương, quan Thái Thú đến bờ sông dự lễ tế trước đám đông đảo dân chúng. Sau khi phải xem mặt vợ Hà Bá, Tây Môn Báo bảo bà đồng bóng: "Cô nầy nhan sắc tầm thường, biết Hà Bá có ưng không? Vậy phiền bà xuống sông xin thần hoãn lại, chờ tìm người đẹp hơn". Tức thì ông sai 2 tên biện-lại ném bà đồng xuống sông. Ông đứng chờ không thấy bà đồng trở lên, Tây Môn Báo ra lệnh ném tiếp 2 cô đồng bóng trẻ xuống sông để giúp lời nói với bà. Ba người đã không trở lại, Tây Môn Báo nói: "Các bà và cô bóng không giỏi biện bác, vậy tôi nhờ đến quí ông hào lý xuống thưa với thần cho thông việc hoãn lễ cưới", đến phiên lý- trưởng được hai biện lại ném xuống dòng nước cuồn cuộn. Các tên hào-lý ty-lại đứng run lập cập, xin quan Thái Thú tha mạng, từ nay không dám cưới vợ cho Hà Bá nữa. Tây Môn Báo nói: "Các người lừa gạt muôn dân, lấy mê tín dị đoan để góp tiền làm của riêng, bắt người làm dê tế thần, bất cứ ai còn sách nhiễu dân chúng hãy lấy đó làm gương".

Chuyện đời nay: TREO ĐẦU DÊ, BÁN THỊT CHÓ:

Thành ngữ "treo đầu dê, bán thịt chó", đối với khách hàng là sự phỉnh phờ, dối trá, đối với chủ hàng là mánh lới làm ăn bất chính núp dưới chiêu bài hợp pháp. Cụ thể, xin trưng dẫn nguyên văn vài trích đoạn từ báo chí trong nước để rõ nghĩa cụm từ trên.

Tờ An Ninh Thế Giới, cơ quan của Bộ Công An, số 7 ngày 25-11-2001, dưới nhan đề "Chuyện Đàn Ông Bán Mình" tác giả Kiều Liên viết: "Chúng tôi tìm đến quán cà phê Q.M trên đường Giảng-Võ Hà Nội, nơi được mệnh danh là trụ sở hoạt động chính thức của "ca-ve nam". Giống như bao quán cà-phê khác, quán Q.M đón tiếp tất cả các loại khách đến uống nước, nghe nhạc. Nhưng với những "khách quen", ai cũng biết nơi đây thường là điểm hẹn của quí bà luống tuổi, các cô ngoài 30 và các chàng trai cũng đang ở vào cái độ chín của đàn ông( xin miễn sao chép 2 cột báo đồi truỵ)...Quí bà cũng có những người bắt khách một cách cao cấp hơn. Chỉ việc ngồi trong xe con hay taxi chầm chậm đi qua điểm mặt, ưng chú nào gọi điện cho bảo kê là có ngay. Kiểu này khó có giá cố định nhưng che được mắt thiên hạ...

Trích từ tờ Tuổi Trẻ, cơ quan của đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 184, ngày 24-11-2001, phóng viên trao đổi với ông Trần Thanh Mẫu, phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, trưởng ban chỉ đạo phòng chống TNXH của tỉnh có đoạn:

P.V: - Cần Thơ hiện có hơn 2000 phụ nữ mãi dâm. Đến nay, sau 4 tháng thực hiện chỉ thị 24, tệ nạn mãi dâm, bia ôm, karaokê, tắm hơi...được nguỵ trang, đã đẩy lùi ra sao? T.T.Mẫu: - "Tôi cho rằng chưa xác định được sự đẩy lùi, tuy có thay đổi về hình thức. Các nhà hàng, Karaokê, quán cà phê, quán bia, điểm mat-xa, bia ôm, khách sạn...không kinh doanh rầm rộ công khai nữa. Theo tôi, trên thực tế, loại TNXH này chưa có dấu hiệu dừng hẳn mà chỉ chuyển đổi vùng. Hiện nay, số gái nhà hàng và gái đứng đường đã về các vùng ven thị, nông thôn tổ chức hoạt động mại dâm dưới hình thức quán ăn uống bình dân, hình thức hoạt động của chúng được che đậy tinh vi, lắt léo hơn..."

*Bữa tiệc DÊ CHÓ & HEO:

Ngày rời quê nhà để xuất cảnh, nó sắp đặt một bữa tiệc tại nhà hàng, để mời những người đã "chiếu cố" đến nó sau ngày nó ra trại cải tạo. Cán bộ chính quyền mời ngồi bàn giữa, bàn bên phải là công an và bàn bên trái là thuế vụ và quản lý thị trường. Nhìn thấy món nhậu trên bàn khác nhau, ông chủ tịch phường bèn hỏi: "Thân chủ cho chúng tôi thưởng thức món gì mà mỗi bàn một khác vậy?". Nó vui vẻ xoa xoa tay nói: "Bàn giữa là dê, bàn bên phải là chó, bàn bên trái là heo. Quí vị hợp thứ nào hơn thì tự chọn một, có vị thích cả hai hay ba là đúng thôi!". Thấy trên bàn chưa có thức uống, nó gọi lớn với nhà hàng: "Nước! Nước chứ! Sao chỉ lo cái ăn mà quên chuyện nước non?". Có người hơi cúi mặt, rồi tiếp tục cụng ly.

Ngay buổi chiều hôm ấy, trên chuyến tàu lửa tốc hành vào Sài Gòn, thằng bạn hích vào vai nó, nói: "Mày đãi tụi nó để mày trả miếng với mấy ông chính quyền đã gây khó khăn cho mày, mấy chú công an đã rình rập hạch sách mày, mấy thằng thuế vụ và quản lý thị trường đã cướp không hàng hoá đi buôn của vợ mày, phải không?". Nó nắm chặt tay người bạn, không trả lời câu hỏi; nụ cười đã tắt từ lâu lại nở trên môi nó.

Thưa quí bạn đọc và anh bạn trẻ! Nói chuyện con dê trên thực tế và trong ý niệm là chuyện cà-kê giữa thực và hư, giữa tiên và tục, giữa trung chính và xảo quyệt, đúng như hình ảnh cuộc đời nầy, Kẻ viết bài nầy thân mến gửi đến quí bạn lời cầu chúc an khang và thịnh vượng trong năm mới Tân Mùi.

Connecticut, ngày gần Tết

Trương Quang

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002