Đại Chúng số 115 - ngày 1 tháng 2 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Lan Ranh Quoc Cong

1001 chuyện nhớ quên

Đọc báo dùm các bạn

Kich Mot Hoi Tao Quan Qui Mui

Ve Viet Nam Van Hai

Tet Nguyen Dan Viet Nam

Nhan Dam Xuan Nam De

Dau Nam Qui Mui Noi Ve Lich

Nam Moi Noi Ve Cac Hien Tuong

Nam Mui Noi Chuyen Con De

Cong Nghe Phuc Vu Chien Tranh

Van Con Mua Xuan

Xuan Qui Mui-Xuan Cau Nguyen Phuong Du

Vũ trụ & Con người

Hoa No Vuon Le

Lieu Nuoc Trang Co

Nấu ăn ngon cho chàng

Trang thơ

Giai Thoai Van Chuong Hien Dai

Sua Ten Tac Pham Cua Nguoi Qua Co

Nhung Tac Dong Van Hoa

A KY OPPONENT LIVES IN ‘EXILE’ IN WASHINGTON

LIỄU NƯỚC TRĂNG CỒ

Hà Ngọc Bích

Hồ sinh thuộc dòng giõi thi thư, lại là con trai duy nhất của một gia đình mộ đạo nên từ bé đã được cha mẹ nuông chiều hết mực. Lớn lên, sinh được cha cho theo học với một vị thầy là một bậc túc nho khoa bảng trong vùng. Chàng thông minh đĩnh ngộ, văn hay chữ tốt nên vẫn thường được thầy khen là một thiên tài. Nhưng tiếc thay sinh lại có tính lạ đời, không thích lối học khoa cử để cầu lấy công danh cũng chẳng màng đến tiền bạc phú quí mà chỉ thích ngâm thơ vịnh nguyệt, uống trà thưởng hoa, đọc sách thánh hiền để tu thân, lại đượm mùi tư tưởng Lão Trang. Lúc nhỏ chàng có tính thích những vùng sông nước lênh đênh, bãi gió cồn trăng nên thường hay lén cha đến chơi với những gia đình chài lưới dọc theo bờ sông lớn, đôi khi còn nài nỉ để được đi theo thuyền câu quanh các cồn bãi trong vùng. Vì vậy nên việc thả lưới giăng câu hay lặn hụp trong làn sóng nước đối với chàng không còn là việc lạ nữa. Gia đình chàng cũng tạm gọi là khá giả, không có cao vọng chỉ mong sinh giữ được nghiệp nhà, sanh con đẻ cháu nối dõi tông đường là mãn nguyện nên vẫn để cho chàng được tự do phóng túng. Một hôm có người thầy tướng số lạ đi ngang qua nhà, nhìn sinh hồi lâu rồi bảo cha chàng :

Thằng bé nầy thật có phúc phần. Tuy không thuộc vào làng quí hiển công danh nhưng sau này lại gặp được mối duyên kỳ ngộ khác tục mà trở thành một bậc địa tiên.

Cha mẹ sinh lại càng thêm quí con. Năm sinh mười tám tuổi, cha mẹ chẳng may kế tiếp qua đời, để lại một mình chàng côi cút. Sau khi chôn cất và để tang cha mẹ xong, chàng bán hết sản nghiệp chỉ giữ lại một vài kỷ vật và mấy pho sách quí rồi khẩn một mảnh đất hoang ở vàm sông cái, cất một gian nhà lá ngó mặt ra sông, nằm ẩn sau rặng thủy liễu (1) chạy dài. Phong cảnh thật u nhã tịch mịch. Từ bãi sông trước nhà sinh ngó qua bờ bên kia, chỉ thấy bờ sông nhỏ li ti, rặng cây mờ ảo như liền với chân trời, sóng nước cuồn cuộn nhấp nhô, bát ngát bao la trời nước. Nhớ lại có lần sinh bảo các bạn học là giá gì chàng có thể biến thành một con cá lớn vùng vẫy ngao du trong cảnh trời nước mênh mông thì thật không có gì thú cho bằng. Có lẽ vì vậy mà sinh cất nhà day mặt ra sông cái để thoả mãn cái ước mơ có ngày chàng lạc được vào Thủy Tinh Cung. Để có thể sinh sống, chàng trồng một ít cây trái rau cải trong vườn và thả lưới giăng câu dọc theo bờ sông làm phương tiện độ nhật không cần phải lợi lộc tiền bạc gì nhiều. Hôm nào được nhiều cá béo tươi, chàng giữ lại một ít cho mình, phần còn lại đem ra chợ bán, đổi lấy gạo muối và các vật dụng cần thiết. Cuộc sống tuy đạm bạc nhưng thật là thú vị phù hợp với tính chàng, khi thì vùng vẫy giữa làn sóng nước gió trăng, lúc lại thảnh thơi làm bạn với sách vở mặc tình đọc sách ngâm thơ tiêu dao phong sái. Một hôm nhân lúc rảnh rỗi, sinh thả dạo dọc theo bờ sông cái ngắm nhìn cảnh vật bao la sau hàng thủy liễu. Tình cờ chàng trông thấy hai con rắn đang đánh nhau trên một bãi cát dài, một con màu vàng có khoang đen trông dữ tợn hung hãn, một con màu xanh lạt lốm đốm những điểm màu trắng trông thật thanh nhã lạ kỳ. Con thanh xà hoa trắng nhỏ hơn nhiều và có vẻ yếu thế, chỉ chống trả một cách yếu kém. Động tánh tò mò, sinh đứng nhìn và không hiểu tại sao chàng lại thấy thương hại cho con rắn xanh hoa trắng trông thật dễ thương đang phải chống trả một cách tuyệt vọng trước một đối thủ hung bạo đang tấn công mãnh liệt. Bất chợt trong lòng sinh nẩy ra một nỗi bất bình và chàng quyết định phải giúp đỡ con rắn xanh hoa trắng mặc dù chàng cũng không rõ tại sao, có lẽ vì chàng thấy ghét con độc xà có khoang đen quá hung bạo. Sinh theo dõi trận đấu và cầm sẵn chiếc gậy tre trên tay chờ có cơ hội tốt. Hai con rắn xoắn lấy nhau, con rắn đen đã cắn được ngang cổ con thanh xà trông thật tội nghiệp, đang cố vùng vẫy càng lúc càng yếu dần rồi gần như nằm im thiêm thiếp. Sinh bấn loạn không biết phải làm sao để ra tay. Bỗng con rắn đen hung bạo đắc thế nhả miếng mồi ra rồi cất cổ lên cao trông thật dữ tợn, chực mổ vào đầu con thanh xà. Thật đúng cơ hội cho sinh ra tay, chàng dùng hết sức mạnh phang ngang cổ con rắn hung dữ một gậy để đời. Bị một đòn như trời giáng, con độc xà lảo đảo, tháo lỏng vòng quấn rồi hốt hoảng lủi xuống nước bỏ chạy mất dạng. Con rắn xanh hoa trắng vẫn nằm yên há miệng ngáp ngáp thoi thóp thở trông thật mệt mỏi, lờ đờ nhìn sinh bước đến gần. Chàng thương hại nhìn con vật bị thương nặng và vô tình buột miệng bảo nó :

Đừng sợ, tao không làm hại mầy đâu.

Con vật dường như hiểu được ý sinh nên vẫn nằm yên không có vẻ gì hoảng sợ, cặp mắt nhìn chàng lờ đờ như cầu cứu van xin. Sinh vội vàng múc nước sông xối nhẹ lên mình nó để rửa sạch các vết cắn trên cổ. Trông con vật thật hiền lành khác xa vẻ hung dữ ghê rợn của những loại độc xà mà đôi khi chàng bắt gặp. Bất chợt sinh quên cả dè dặt, ngồi xuống bên cạnh rồi thò một ngón tay vuốt nhẹ trên lưng con vật. Con rắn dễ thương vẫn nằm yên để cho chàng vuốt nhẹ tuyệt nhiên không có một phản ứng nguy hiểm gì đối với chàng. Cao hứng, sinh bảo nhỏ con vật như một người bạn thân :

Mầy cứ nghỉ lấy sức lại. Có tao ngồi đây canh chừng, con rắn hung ác kia không dám trở lại đâu.

Con thanh xà dường như hiểu được chàng, vẫn nằm yên thiêm thiếp, chiếc đầu nhỏ xinh xắn hướng về sinh trông thật hiền lành ngoan ngoãn.

Một thời gian khá lâu sau, con rắn nhỏ mới bắt đầu cử động được, chiếc đầu nhỏ dường như gục gật vài lần trước mặt sinh rồi chậm rãi bò xuống nước dần dần mất dạng.

Một tuần trăng sau, chợt nhớ đến con rắn nhỏ màu xanh hoa trắng dễ thương, sinh lại lẩn thẩn đi dọc theo bờ sông, men theo hàng thủy liễu định đi đến bãi cát cũ. Bỗng chàng nghe tiếng khóc nho nhỏ như tiếng thở than. Cảm thấy não lòng, sinh vội tìm xem tiếng nức nở từ đâu đến. Chợt chàng nhìn thấy một thiếu nữ mảnh mai đang úp mặt ngồi khóc dưới gốc một cụm thủy liễu. Vốn mang sẵn tính hào hoa, chàng không cầm lòng được nên men đến gần tìm cách an ủi :

Cô nương, vì sao lại phải ngồi khóc ở đây ?

Người thiếu nữ ngước cặp mắt đẫm lệ nhìn chàng rồi ngập ngừng nói :

Em là con một nhà chài lưới ở cách đây khá xa. Vì cha em ham lợi định bán em cho một kẻ hào phú trong vùng nên em bỏ trốn đi, không nơi nương tựa. Nay không biết phải về đâu nên tủi thân ngồi khóc ở bến sông nầy.

Hồ sinh nổi máu anh hùng, nhìn người thiếu nữ, tuy ăn mặc đạm bạc dân giả nhưng cũng không che lấp được vẻ xinh đẹp lạ kỳ của một giai nhân, chàng ôn tồn bảo :

Cô nương, tôi chỉ là một kẻ hàn sĩ lại sống qua ngày với nghề chài lưới nên chỉ có một mái nhà lá đạm bạc ở vàm sông nầy. Cha mẹ tôi đã qua đời nên tôi chỉ sống một mình trong ngôi nhà rộng rãi. Nếu cô nương tha cho tội đường đột và không chê là hèn mọn quê mùa thì có thể về ở tạm nơi đó, thừa chỗ cho cô nương tá túc qua ngày.

Rồi nhìn người thiếu nữ có vẻ e lệ thẹn thùng, sinh lật đật tiếp :

Xin cô nương đừng hiểu lầm tôi. Tuy sống bằng nghề thả lưới giăng câu nhưng tôi cũng là một thư sinh đọc sách thánh hiền, biết đều lễ nghĩa, quyết chẳng khi nào dám làm đều khinh bạc đối với cô đâu.

Cô gái nhìn chàng e lệ ngập ngừng chưa kịp đáp thì sinh đã tiếp :

Tôi lớn hơn cô nương vài tuổi vậy có thể xem cô như em họ của tôi, có được không ? Chỉ cần cô chịu đựng nổi lối sống dân giả đạm bạc là được rồi.

Thiếu nữ, đôi má ửng hồng đưa tay gạt dòng lệ, nhìn sinh đầy vẻ biết ơn rồi lần đầu tiên nở một nụ cười tươi như hoa buổi sáng. Sinh chợt thấy mình bàng hoàng như người trong mộng.

Từ hôm có cô gái về tá túc, căn nhà lá của chàng như tràn đầy vẻ ấm cúng. Mỗi khi sinh bơi xuồng đi giở lưới thì nàng quét dọn nhà cửa, lo việc cơm nước, trồng hoa hay rau cải trong vườn. Bữa ăn tuy chỉ có rau xanh cá béo nhưng vì có người đẹp đối ẩm nên chàng cảm thấy thật ngon miệng chẳng khác gì cao lương mỹ vị. Những lúc nhàn rỗi, sinh cao hứng đem sách vở thi tầm ra đọc và nhân tiện cũng giải thích cho nàng nghe. Thiếu nữ dường như cũng am hiểu thi văn nên cùng chàng đàm luận thật là tương đắc khiến cho sinh càng đâm ra kính phục, xem nàng như một hồng nhan tri kỷ. Một đêm trăng cao vằng vặc, ánh trăng mông lung huyền ảo tràn ngập trước sân nhà chảy dài xuống tận bãi cát trước nhà. Sinh tưởng như khu nhà chàng ở đang ngập lụt trong ánh trăng vàng. Sinh cao hứng cất tiếng ngâm nga mấy vần thơ của Trương Nhược Hư đời Đường.

" Sông liền biển nước dâng đầy rẫy,

Trăng mọc cùng triều dậy lên khơi

Trăng theo muôn dậm nước trôi

Chỗ nào có nước mà trời không trăng ?

Người sinh hoá kiếp nào cùng tận

Năm lại năm trăng vẫn thế hoài

Trăng sông nào biết soi ai

Dưới sông chỉ thấy nước trôi giữa dòng." (2)

Thiếu nữ mỉm cười thích thú, lẳng lặng đi nấu một ấm trà để cùng uống với sinh rồi lấy ra một thanh sáo trúc thổi cho chàng nghe những âm điệu mê hồn kỳ quái, réo rắt du dương, dường như chưa từng nghe được ở chốn trần gian. Tiếng sáo mơ hồ mênh mang như tỉ tê đem người vào cõi mộng tưởng chừng như nhạc khúc của Tiêu Sử (3) ngày xưa thổi cho công chúa Lộng Ngọc nghe cũng chỉ đến thế là cùng. Sinh càng thấy tâm hồn ngây ngất, nhìn người bạn gái đẹp mà lòng xao xuyến đê mê. Aùnh trăng mờ ảo mông lung dường như làm tăng thêm vẻ đẹp diễm lệ kỳ quái của nàng. Thiếu nử dường như ý thức được sự luyến ái của sinh nên lâu lâu lại kín đáp dịu dàng nhìn chàng rồi nở một nụ cười cực kỳ quyến rũ. Thời gian trôi qua, căn nhà lá tràn ngập tiếng cười trong trẻo của nàng, sinh thấy mình dường như lặn ngụp trong một niềm hoan lạc vô biên. Đôi bạn càng ngày càng trở nên thắm thiết, nàng chiều chuộng và chăm sóc sinh như một người vợ hiền. Tuy nhiên, đôi khi mưa dầm tầm tã, không lưới được nhiều cá nên sinh và nàng phải dùng tương chao rau cải đạm bạc qua ngày. Sinh vẫn quen với lối sống hơi chay lạt nầy, chỉ sợ nàng chịu không được cuộc sống thiếu thốn, nhưng cô gái lại dường như không để ý đến và vẫn vui vẻ tình tứ đầm ấm với chàng. Một hôm sinh và nàng cùng bơi xuồng đi giở lưới, nàng chợt bảo :

Nếu chàng sợ không lưới được nhiều cá thì em đã có cách. Em vốn là con nhà chài lưới nên có thuật lặn được dưới nước rất lâu và có thể đuổi cá vào lưới cho chàng được.

Sinh trố mắt kinh ngạc chưa kịp nói gì thì nàng đã lẹ làng phóng mình vào dòng nước mất dạng. Một thời gian khá lâu mà vẫn không thấy tăm hơi của cô gái trên mặt nước, sinh bắt đầu lo ngại hốt hoảng chỉ sợ nàng chết đuối. Chàng tự trách mình sao lại để cho nàng liều lĩnh như vậy. Chàng cuống quít, mấy lần muốn đâm đầu xuống nước để tìm vớt nàng nhưng lại không biết ở chỗ nào. Cũng may vừa lúc ấy nàng trồi lên mặt nước, bơi lẹ đến bên xuồng, trong khi sinh mừng rỡ bảo :

Trời Phật. Nàng làm tôi sợ quá ! Sao lâu quá vậy mà không thấy trồi lên để thở, làm tôi lo nàng chết đuối mất, muốn nhào xuống sông để mò nàng đấy.

Thiếu nữ cười nũng nịu nhìn sinh rồi bảo :

Lo cho em dữ vậy à ? Bây giờ chàng có thể giở lưới lên được rồi.

Quả thật lần ấy sinh được rất nhiều cá mà lại toàn những cá lớn bán rất được giá, nên cuộc sống của đôi bạn cũng thêm phần phong lưu hơn. Có lần nổi tính tò mò, sinh gạn hỏi nàng thì cô gái chỉ bảo :

Em có thuật lạ, lọc được dưỡng khí từ nước như các giống thủy tộc nên có thể thở dưới nước được. Rồi đây có dịp em sẽ truyền lại bí thuật nầy cho chàng thì chàng có thể sống dưới nước như trên đất liền vậy.

Sinh trợn tròn đôi mắt kinh ngạc, nghi ngờ nhìn nàng, vừa đam mê lẫn thán phục không biết phải nghĩ làm sao

Thấm thoắt đã một mùa hoa phượng nở, sinh bây giờ chỉ lo sợ là người nhà

nàng biết, tìm đến bắt nàng về thì thật không biết phải làm sao ? Giờ đây, nàng là lẽ sống duy nhất của chàng, nếu nàng bỏ đi thì có lẽ chàng cũng không còn thiết tha gì đến cuộc sống nữa. Trước kia, chàng vui vẻ hồn nhiên bao nhiêu thì nay lại có những lúc ưu sầu lo sợ vẩn vơ bấy nhiêu. Cô gái cố gạn hỏi thì sinh lại ngập ngừng bảo không có gì. Một hôm nhân thấy sinh ngồi thẫn thờ tư lự như đang lo nghĩ một việc gì, thiếu nữ đến gần dịu dàng cầm lấy tay chàng rồi bảo :

Chàng dường như có việc gì bận lòng, sao lại giấu em, không tin cậy ở em à ?

Sinh nhìn nàng đắm đuối rồi cả quyết thố lộ tâm tình :

Tôi chỉ sợ một ngày nào người nhà của nàng đến tìm rồi nàng bỏ tôi mà đi thì tôi chắc không thể sống được nữa.

Câu nói thốt ra như cả một lời thú tội. Thiếu nữ ửng hồng đôi má, nũng nịu nhìn chàng trêu ghẹo :

Thiếp cứ tưởng, thiếp chỉ là em họ của chàng thôi mà !

Sinh bật cười say đắm nhìn nàng như trách móc. Đột nhiên nàng dịu dàng bảo :

Từ lâu rồi thiếp cũng định nói rõ cho chàng nghe nhưng chi e làm chàng kinh sợ mà ruồng bỏ thiếp nên vẫn chần chừ, nay nhân cơ hội nầy đành thú thật với chàng vậy. Thiếp thật không phải là người phàm mà vốn là Long Nữ con gái út của Long Thần cai quản vùng sông cái nầy. Nhân vì thích cảnh trần gian nên thường hay lén cha thiếp đi du ngoạn đó đây đ? chiêm ngưỡng những cảnh kỳ sơn dị tú của đất nước. Một hôm đang mải mê rong chơi chẳng may bị kẻ hung ác theo dõi chực giết hại. Thiếp vì bất cập lại sức yếu không chống nổi, tưởng đâu ngọc nát vàng tan sắp sửa bị kẻ ác giết chết thì may mắn được chàng ra tay cứu mạng.

Sinh trố mắt kinh ngạc nhìn nàng vì

không nhớ đã cứu người con gái này ở âu. Long Nữ mỉm cười âu yếm bảo chàng :

Chàng không nhớ đã có lần cứu một con rắn màu xanh hoa trắng ở bờ sông à ? Con rắn nho ûmà chàng vuốt ve và lau vết thương cho là thiếp đó. Vì nhớ ơn cứu mạng của chàng, nên thiếp không ngại giả làm một thiếu nữ con nhà chài lưới để mong có dịp thân cận với chàng. Sống gần nhau đã một thời gian rồi, quen hơi bén tiếng, chàng thật là người mà thiếp hằng mong mỏi. Cũng may chàng không lạnh nhạt chê bỏ thiếp, vậy nếu chàng không cho là dị loại thì thiếp nguyện cùng chàng kết duyên tơ tóc.

Sinh sung sướng cầm lấy tay nàng bảo :

Ngày xưa Liễu Nghị là một thư sinh, hỏng thi đi trở về quê nhà. Nhân gặp một thiếu nữ đáng thương bị đày đi chăn dê trên bờ sông Kinh Đương, nhờ mang hộ một phong thư cho cha ở Động Đình Hồ mà sau đó được thành duyên giai ngẫu tốt đẹp với Long Nữ. Anh cũng là một hàn sĩ, có duyên may mắn cứu nàng. Nhưng xác thân phàm tục nầy thì làm sao theo nàng về sống nơi cung nước chân mây được ?

Long Nữ mỉm cười bảo sinh :

Em theo cha là Long Thần sông nầy nên đã học được thuật trường sinh bất tử, nguyện đem chia xẻ cùng chàng, chỉ mong chàng đừng cho em là dị loại mà tủi thân em.

Sinh lật đật nắm lấy tay nàng âu yếm bảo :

Anh vốn đã chán ngán cuộc sống ở chốn bụi trần nầy. Nay nếu được may mắn kết thành chồng vợ với em thì thật là ba sinh mãn nguyện rồi, đâu còn mong tưởng gì đến cảnh Thiên Thai khác nữa. Anh cũng muốn bắt chước Liễu Nghị mà theo em về chốn thủy cung sống cho hết trọn cuộc đời như Từ Thức với Giáng Kiều hay Lưu Nguyễn

nhập Đào Nguyên ngày xưa vậy.

Sinh nhìn nàng ngây ngất, mớ tóc mây bay xoà trước làn gió thoảng làm nổi bật gương mặt trái soan kiều diễm thanh tú của nàng, chàng say đắm bảo người yêu :

Anh muốn sống bên em suốt đời còn chưa đủ có đâu lại đem đem lòng khing bạc mà xem em là dị loại được.

Long Nữ sung sướng nhìn chàng, cặp mắt lim dim âu yếm rồi dịu dàng ngã vào lòng người yêu, đôi môi đỏ mọng mỉm cười như cả một lời hứa hẹn yêu đương.

Thời gian sau, dân trong làng không còn thấy sinh mang cá xuống chợ để bán, đổi lấy gạo và vật dụng nữa, dân chài lưới ven sông cũng không còn nghe tiếng ngâm thơ sang sảng của chàng trai nơi vàm sông lớn trong những đêm trăng sáng. Không ai biết được sinh đã đi đâu. Căn nhà lá bỏ hoang không người chăm sóc nên dần dà cỏ mọc um tùm hoang dại, giậu đổ bìm leo che lấp cả lối đi. Người trong làng cho là có ma quỉ nên ngày tháng trôi qua không ai còn dám héo lánh đến nữa.

Một hôm có người đánh cá trong làng, nhân một đêm rầm trăng sáng thả xuống dạo chơi quanh các cồn bãi trên sông, vô tình đến gần khu nhà sinh. Bất chợt người nầy trông thấy một đôi nam nữ từ dưới nước rẽ lên bãi, y phục lạ thường, âu yếm đuà giỡn, đuổi nhau trên bãi cát dài. Trăng treo vằng vặc trên đỉnh đầu, thanh niên và thiếu nữ tung tăng tắm nước giỡn trăng trông xinh đẹp tình tứ như một đôi Kim Đồng Ngọc Nữ từ thượng giới lẻn xuống trần gian. Thiếu nữ cất tiếng trong trẻo nũng nịu bảo :"Hồ lang, Hồ lang, chàng bây giờ là rể quí của Thủy Cung rồi." Người đánh cá nghĩ có chuyện lạ nên yên lặng cố nhìn hồi lâu, thấy người thanh niên chính là Hồ sinh. Vừa cất tiếng kêu thì chợt đã biến đâu mất dạng chỉ còn lại các dấu chân trên bãi cát. Anh ta dụi mắt, nhìn quanh quẩn tuyệt nhiên không một bóng người, chỉ có ánh trăng vàng mờ ảo mông lung lấp lánh bàng bạc trên mặt nước phẳng lặng. Vầng trăng treo vằng vặc trên cao, toả rộng xuống bãi cát dài hoang vắng tĩnh mịch, ánh trăng bao trùm cả vạn vật, tràn ngập một bầu ánh sáng huyền dịu dường như đưa người vào một thế giới liêu trai, thần tiên huyền ảo xa xăm nào.

(1) Thủy liễu : Liễu nước, tiếng bình dận thôn dã là cây bần.

(2) Trích XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ của Trương Nhược Hư, dịch giả Trần Trọng Kim.

(3) Tiêu Sử đời Xuân Thu, có tài thổi ống tiêu như chim phượng kêu, được Tần Mục Công gả công chúa Lộng Ngọc cho. Sau hai vợ chồng đều thành tiên. Cung oán ngâm khúc - Ôn Như Hầu.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002