Đại Chúng số 116 - ngày 15 tháng 3 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Neu Cao Chinh Nghia

K

Hoa Ky Nhung Net Dac Trung

Chong Chu Nghia Cong San

Tu Lang Van Ho Den UNESCO

Dau Trang Giot Nang

Phan Thanh Gian

Van Hoa Va Van Minh

Ta Ao Tim

Tuc Goi Thiep To Tinh Yeu

Tet Nguyen Dan Viet Nam

Khoa học & Y khoa

Chuyen Huyen Bi

Chi Con Me Voi Anh

Vũ trụ & Con người

Ra Mat Sach CD Vu Hoi

Ngay Tet Va Con Ca Ro

Mon An Dac San Mien Nam

Trang thơ

Vai Net Ve Tho

Nhung Mua Xuan Qua

Lich Su Hon Non Bo

 

Dấu Trăng - Giọt Nắng

Của đồng tác giả Bình Huyên

Những giọt mưa như kim cương vụn rơi đều đều trên suối nước mịn màng trôi nhanh ...Vài đợt gió kéo dài nước mưa thành nhiều lớp thạch trắng bay cùng một lúc xuống mặt nước hơi rợn sóng ... Gió im. Từng hàng nước mắt kim cương lại đổ rào rào xuống mặt suối. Chợt một cơn gió tạt ngang, vẩy hàng nước mắt trời lả tả xuống bờ suối đầm đià mờ lệ nhớ thương ... Những giọt mưa đó là cảm giác đến từ tiếng đàn dương cầm bay bướm do mười ngón tay nuột nà dài thuôn ve vuốt khéo léo các phím đàn tạo nên. Từng đợt âm thanh tha thiết nảy lên rơi nhẹ vào thính giác con người ngày càng dạt dào mang lại nguồn hoan lạc được sống trọn vẹn giữa cơn mưa thiên nhiên cùng điệu nhạc ngọt ngào.

Tiếng dương cầm điêu luyện hiến dâng đời cả một nhạc phẩm chứa đựng những nốt nhạc giản dị đến độ tinh vi tạo thành một hoà hợp tài tình giữa muôn ngàn mầu sắc, giai điệu, tình cảm, vẽ nên cả một bức tranh sống động : Ánh trăng mơ màng, dòng suối huyền ảo, nỗi nhớ nhung qua buổi hẹn hò muôn thuở kéo lê thê hơn nửa thế kỷ nay. Bức tranh đậm hình nét, nốt nhạc, cùng nỗi lòng ấy, đã được sáng tạo ra chỉ trong vòng một trăm tám mươi giây đồng hồ ngắn ngủi, từng làm rung động cả tâm hồn lẫn thể xác một thục nữ tây phương cũng như biết bao trái tim thanh niên thiếu nữ, đàn ông đàn bà, ông cụ bà cụ,... chưa biết đến bao giờ mới thôi,...

Mười ngón tay nuột nà dài thuôn dẫn đưa một khoảng trời kết đầy những sợi mưa gợi hình cho biết bao mầu sắc, âm thanh, tình cảm kia thuộc về nữ nhạc sĩ tài hoa Linh Phương ;

Bức tranh sống động tuyệt tác với ánh trăng mơ mộng, dòng suối huyền bí, nỗi nhớ nhung da diết kia phát xuất từ tâm hồn người nghệ sĩ thiên tài LÊ MộNG NGUYÊN ;

NgườI thục nữ tây phương ôm trọn bức tranh ấy từ gần nửa thế kỷ nay và cả ngàn đời sau trong trái tim đến từ một dân tộc mến chuộng thi văn nghệ thuật, chính là Nicole Moulin, phu nhân và cũng là bạn tình muôn thuở của người nhạc sĩ tài ba ;

Tất cả chỉ để dâng tặng cho đời bốn chữ "Trăng mờ bên suối" chuốt nặn thành nhạc bản bất tử thể hiện bằng những lời ca mang chất giọng đậm đầy rung cảm thổn thức, kéo dài mỗi câu nhạc bằng lời hát yêu kiều quấn quít lấy âm thanh lãng mạn một cách quí phái của năm móng tay tài hoa Duy Ngọc đùa giỡn trên hàng dây nhựa tây-ban-cầm, hoà trộn với từng loại cung đàn của giàn nhạc Phạm Mạnh Cương.

. . . . . .Ngày xưa còn đó . . . . . trăng nước . . . . . . mong . . . . .chờ. . . . . .!

Lời ca oanh vàng của ca sĩ Huyền Châu vừa dứt, tiếng đàn bầu của nghệ sĩ cổ nhạc Đức Thành dẫn ngay giọng hát nữ nghệ sĩ Nguyệt Lan đi sâu vào hồn người còn đang chới với đê mê. Tiếng đàn bầu như những giọt mật ngọt ngào, khi rụt rè, khi ào ạt, khi ẻo lả tha thiết, quện lấy lời ca nỉ non, khuyến dụ con người hướng tâm hồn về cố đô có dòng sông Hương thơ mộng, có cổ thành xanh rêu chứng kiến bao thăng trầm của đau thương và chiến thắng, còn đó mà "xa cách ngàn trùng" vì biết bao giờ mới tìm lại được hình nét âm thanh ngày xưa... Nhạc bản "Nhớ Huế" lại được LÊ MộNG NGUYÊN hiến cho cuộc đời.

. . . Thành phố Huế. . . . . . muôn ngàn năm. . . . . .luyến lưu bên dòng Hương. . . .

Giàn nhạc Phạm Mạnh Cương lại cất lên với tiết tấu tưng bừng, giúp cặp nữ ca sĩ Miên-Thúy Xuân-Thảo như hai thôn nữ nhanh nhảu nhẹ buớc trên con đường về thôn xưa mang mỹ danh một triều đại vang bóng một thời : "Hoàng-Hoa" được LÊ MộNG NGUYÊN vẩy ngòi bút chấm phá thành bao nốt nhạc lời ca, mang đến cho đồng bào Việt Nam bao niềm vui tươi hãnh diện .

. . . . . . . và cô nàng ngây thơ năm nay còn nhớ. . . . . .chờ mong ai về Hoàng-Hoa ?

Giòng nhạc tiếp tục trào lên theo hoà âm điêu luyện của Hồng Thư, toả ra như giải lụa vàng trân quí dệt thành cả một chân trời bát ngát lãng đãng vài áng mây mờ xam xám, đưa bước chân khách lãng du qua ngưỡng cửa một thời gấm vóc xa xưa được ấp ủ bằng biết bao cánh lá vàng nâu nhuộm ánh tà dương đỏ au.

Tất cả mầu sắc âm thanh ấy được hâm nóng lên bởi giọng hát Thu Hà ấm áp hơn bếp lửa dưới mái tranh, hơn cả cổ áo lông bồng bềnh ôm cặp má hồng, hơn cả hơi thở nồng say của cặp tình nhân trong buổi hẹn tình đầu. Vì đó là tặng phẩm mang tên "CHI"U VàNG NĂM XƯA" (Sonate d'Automne) của LÊ MộNG NGUYÊN thổ lộ nỗi nhớ nhung chợt bùng lên mỗi lần thu sang trong buổi chiều tà, gợi nhớ chiều thu năm xưa làm rưng rưng đôi ngấn lệ chờ mong.

Chiều vàng năm xưa khi mùa thu hiu hắt thiết tha bao hình bóng...

Một ngườI ra đi trong bóng sương mờ thoảng nước non ngây buồn trông...

Tất cả kỷ niệm xa dần như bóng chiều lướt qua song cửa và không bao giờ trở lại với khối tình đọng mãi nơi cô phòng.

... Chiều vàng năm nay khi mùa thu hiu hắt nhớ nhung bao hình bóng

Tìm người yêu đi trong bóng sương hồn nước khóc âm thầm chờ mong

Lá vàng rơi chứa chan ngoài song...

Vẫn chất giọng ấm áp êm ái, Thu Hà như muốn tiếp tục sưởi ấm làn hơi mát lạnh hắt lên từ sông Seine muà Thu Paris. Nàng tha thiết an ủi nỗi cay đắng của ai kia, vì một chiều thu xưa lỗi hẹn, còn đọng bên khoé môi, thốt ra bao lời nhắn nhủ, nhớ mong, qua những vần thơ thổn thức của Vương Thu Thủy.

Đêm qua ngồi đếm sao rơi

Lắng nghe thu rụng bên trờI Paris

Sông Seine nước đến rồi đi

Luxembourg cỏ còn xanh ghi ngút ngàn.

Đêm ngay ngồi đón thu sang

Nhớ người thu ấy thu này mênh mang...

Rời bỏ nhạc điệu êm đềm moderato, tiếng hát qua hơi thở ấm của Thu Hà trở nên rộn ràng theo nhịp rumba trong hoà âm Hồng Thư, diễn tả giấc mơ về miền cao nguyên đất Việt mến yêu : Đà Lạt. Hồn nhạc LÊ MộNG NGUYÊN đã nhập vào giọng hát Thu Hà theo lời ca đượm đầy ý thơ, hiến cho đời một đại tác phẩm mớI, "Mơ Đà Lạt".

Ngồi mơ Đà Lạt

Có núi rừng thông

Có nàng áo trắng

Ở Huế mới lên

Còn đâu những ngày

Chiều xưa năm ấy

Bên bờ sông Hương

Em cùng tôi ước thề nguyền.

Em đi từ ấy

Thuyền tôi lững lờ......

Mặc cho sông nước

buông trôi dạt đến nơi nào

Chiều nay ngắm trông

Ôi đàn chim kia bay về đâu

Cho ta nhắn với đôi lời

Mịt mùng trời nước

em biết đâu tìm

Chiều nay xa vắng

Trên ấy có buồn không

Cô Mán cô Mường

nhịp nhịp lời ca yêu kiều

Chiều đi xa vắng

Thác ghềnh cheo leo

Ôi Đà Lạt

Tìm đâu bóng uyên

Sương mờ chiều ấy đâu rồi ?...

Cũng bằng chất giọng nồng nàn tha thiết, Thu Hà nấn ná trước máy vi-âm để vẽ lại một lần nữa bức tranh tuyệt tác với ánh trăng mơ màng, dòng suối huyền ảo, nỗi nhớ mênh mang, đã từng ám ảnh biết bao tâm hồn từ hơn nửa thế kỷ nay. Nhạc bản "Trăng mờ bên suối" trở lại với thính phòng.

Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối

...

... Suối mơ... lời hẹn ước ven bờ suối xưa...

...

...Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ...

Tiếng đàn tiếng hát mờ dần theo ánh trăng năm xưa, một năm Kỷ-Sửu, để rồi sau hơn nửa thế kỷ đến muà thu Tân-Tỵ, tình thu trong lòng nghệ sĩ, và cũng là học giả của nước Pháp thân yêu, LÊ MộNG NGUYÊN lại hạ cánh vào một nơi có chân trời bát ngát lãng đãng vài áng mây mờ xam xám, đưa bước chân khách lãng du qua ngưỡng cửa một thời gấm vóc xa xưa được ấp ủ bằng biết bao cánh lá vàng nâu nhuộm ánh tà dương đỏ au.

Tất cả nhắc nhớ một chiều thu đầm đià nước mắt chờ mong. Hình ảnh xa xưa mà tình cảm gần gũi sôi nổi lạ thường, vì tâm hồn nghệ sĩ vẫn trẻ trung hơn bao giờ hết mỗi lần mở lại cửa lòng "nhìn" vào quãng đời non tươi thuở còn tóc xanh môi đỏ má hồng mắt biếc, tiếng đàn giọng hát còn nồng nàn ươm đầy nhựa sống.

Lần này, tiếng đại hồ cầm rền rĩ xen lẫn tiếng vĩ cầm tha thiết đồng lõa với giọng hát vô cùng truyền cảm của Tuyết Dung, đưa mình vào cõi đam mê cao độ. Nữ nghệ sĩ chia sẻ với người chung quanh cung đàn lòng vút lên cao tuyệt đỉnh của nàng bằng cả tấm thân rung động, cặp mắt nhung dưới làn tóc mây gợi cảm trên khuôn mặt khả ái say men chiều vàng cùng lả lướt theo nhịp moderato. Nàng ngân nga theo nhạc điệu, rồi ngưng lại để thì thầm kể lể bằng giọng trầm, thật trầm, ướt đẫm cảm xúc.

... Người ra đi chìm trong sương gió...

...

... Tình quê hương chứa chan

Muôn năm còn vọng chiều mơ

...

... Lá vàng rơi chứa chan ngoài song...

Trong khi dư âm bốn năm tiếng hát mỹ nhân hãy còn làm rạo rực lòng người, âm nhạc thế kỷ LÊ MộNG NGUYÊN được chất giọng mạnh mẽ đầy nam tính nhưng không kém phần đam mê quyến rũ của Phạm Đăng diễn tả. Người nghệ sĩ này xuất hiện để nhắc nhở, nối tiếp bài thơ trữ tình của Vương Thu Thủy về dòng sông Seine chảy qua đô thành Paris. Hoà âm tuyệt vời của Nguyễn Minh Châu và Jazzy, kèm sát lời ca trầm bổng giọng thổ của người nam ca sĩ khả ái đa tài, đôi khi khá mạnh mẽ, làm ta không khỏi nghĩ tới hình dáng giọng điệu hùng tráng trên màn ảnh của một Rouget De Lisle trình bày bài La Marseillaise cũng dưới bầu trời Pháp quốc xưa kia. Nhưng rồi âm lượng lời ca từ từ lắng xuống, khe khẽ nhắn nhủ ai kia hãy trở về chốn xưa bên bờ sông Seine.

...Thu xưa duyên đã gặp nhau

Thu này lỗi hẹn nghìn sau mong chờ

Giòng sông lượn khúc lững lờ

Chiều về gió lộng đôi bờ sông xanh

Paris sương phủ mong manh

Vàn thu lá đổ phím đàn bâng khuâng...

Thiên tài LÊ MộNG NGUYÊN còn để lại cho đời một trời âm thanh giao hoà diễm tuyệt qua bài thơ "Giao Mùa" ký tên Phạm Ngọc, được nghệ thuật hoà âm tuyệt vời của nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu làm nở rộ như pháo hoa, gieo rắc tràn đầy khoảng không gian thính phòng từng chuỗi tiếng đàn dương cầm nhịp nhàng thánh thót. Và nhất là một lần nữa, người yêu nhạc được thưởng thức chất giọng đam mê truyền cảm mãnh liệt của nữ nghệ sĩ Tuyết Dung tiếp tay mở rộng mãi mãi một trong những cánh cửa kho tàng văn chương nghệ thuật lãng mạn vô giá của LÊ MộNG NGUYÊN chất chứa muôn ngàn dấu trăng giọt nắng nơi trần gian hằng khắc ghi biết bao kỷ niệm bất diệt cho hết cả đời này và biết bao đời sau thưởng thức

(Cảm hứng từ CD CA KHÚC KỶ NIỆM LÊ MộNG NGUYÊN)

Bình Huyên

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002