Đại Chúng số 116 - ngày 15 tháng 3 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Neu Cao Chinh Nghia

K

Hoa Ky Nhung Net Dac Trung

Chong Chu Nghia Cong San

Tu Lang Van Ho Den UNESCO

Dau Trang Giot Nang

Phan Thanh Gian

Van Hoa Va Van Minh

Ta Ao Tim

Tuc Goi Thiep To Tinh Yeu

Tet Nguyen Dan Viet Nam

Khoa học & Y khoa

Chuyen Huyen Bi

Chi Con Me Voi Anh

Vũ trụ & Con người

Ra Mat Sach CD Vu Hoi

Ngay Tet Va Con Ca Ro

Mon An Dac San Mien Nam

Trang thơ

Vai Net Ve Tho

Nhung Mua Xuan Qua

Lich Su Hon Non Bo

Những Mùa Xuân Qua

Lệ Tuyền

Trong đời người chắc chắn ai cũng có những mùa Xuân để nhớ mãi. Xuân hạnh ngộ, xuân buồn, xuân vui...

Riêng tôi vẫn nhớ mãi về những ngày xuân của một thưở thanh bình, vào thời kỳ đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, của tuổi ấu thơ, với những chiều ba mươi tết xun xoe, vuốt ve tà áo mới, chờ trông đêm giao thừa chóng qua, để sáng mai mùng một tết, mặc áo mới chạy ra con ngõ dài lát đá xanh , hai bên có hàng chè tàu thẳng tắp đã được cắt xén cẩn thận từ chiều hôm trước.

Để ra đứng nép mình vào thân cây bưởi nơi cuối ngõ.

Để xem cái đầu của mình đã cao hơn cái vết khắc trên thân cây bưởi hay chưa.

Vì tôi vẫn thường dùng những mẩu đá dăm khắc vào thân cây. Thỉnh thoảng tôi ra đứng đó, xem mình đã cao lên được bao nhiêu. Tôi đâu biết tuổi của cây bưởi còn non hơn tuổi của tôi nữa, nên tôi cao thêm một tí, thì cây bưởi cũng cao thêm ; bởi tôi thích làm người lớn, vì nghĩ rằng làm người lớn chắc vui thích hơn nhiều.

Rồi tuổi thơ đã đi qua, khi được làm người lớn rồi thì mọi thứ không như cái đầu non nớt của tôi đã tưởng. Bởi lúc ấy nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã không còn nữa, ấp chiến lược bị phá bỏ. Vì vậy, chỉ đến ngày 12/09/1964. Quận Tiên Phước Quãng Nam quê tôi gồm 15 xã, đã bị Việt cộng đánh chiếm hết 11 chỉ còn 4 xã xung quanh quận lỵ, mà chẳng có xã nào còn nguyên vẹn, xã nào cũng mất một hai thôn. Riêng quê tôi, Tiên Giang Thượng, làng Thạnh Bình gồm có bảy thôn, mất hết sáu chỉ còn lại một thôn Đại Trung nằm bên bờ Tiên Giang Hạ.

Sở dĩ tôi nhớ rõ ngày 12/09/1964. Bởi đó không những là ngày quê hương tôi mất về tay cộng sản, mà còn là một ngày tang thương nhất của gia đình tôi. Ngày ấy bọn cộng sản đã ập vào nhà kéo theo một số người đã bị trói dính chặt vào nhau. Đó là các ông Nguyễn Phước Linh, ông Huỳnh Lượng, ông Lê Kinh... Lúc ấy cả nhà tôi đang ngồi ăn cơm. Khi vào nhà, tên Nguyễn Linh một cán bộ hồi kết, người cùng làng, đã hét lên :" Ông Trần Thắng (bác ruột tôi) đứng lên, đưa tay ra." Bác tôi buông bát đũa đứng lên, đám du kích liền trói bác tôi dính chặt cùng các vị ấy. Tên Linh bảo bác gái tôi :"Đem theo đồ ăn cho ổng một tuần để đi học tập cải tạo"

Lúc ấy ở quê tôi Việt cộng đã thành lập Trại Cải tạo Đá Trắng (tiền thân cuả trại T. 154). Bác tôi cùng các vị ấy đã bỏ mình trong trại Đá Trắng không đầy sáu tháng sau đó. Sự kiện này không phải như Bùi Tín đã nói : " Nếu bác Hồ còn sống thì không có các trại cải tạo ở Miền Nam đâu."

Phần cha tôi, thừa lúc du kích đang trói bác tôi, cha tôi đã bỏ chạy ra cửa sau. Bọn du kích kịp thấy, liền la lên :"Thằng Trần Tăng (cha tôi) bỏ chạy rồi !" Đám du kích hô đứng lại nhưng cha tôi vẫn cứ chạy. Tên Huỳnh Thuyên trung đội trưởng du kích liền nổ súng. Một viên đạn đã trúng cánh tay trái của cha tôi làm gãy cánh tay. Nhưng tên Thuyên vẫn không tha, bắn thêm phát nữa trúng vào ngực cha tôi. Người gục ngã trên vũng máu. Cả nhà tôi kinh hoàng gào thét, rồi năn nỉ xin được chôn cất cha tôi, nhưng bọn du kích không cho. Không những thế, tên Thuyên còn móc tay vào xác chết của cha tôi, lấy số tiền ba mươi bảy ngàn đồng. Chúng còn bắt cả nhà tôi dẫn vào vùng bị chiếm.

Sau này, nhà tôi nghe tin anh Huỳnh Thúc Cảnh cháu nội cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đưa quân vào đem xác cha tôi ra vùng an ninh chôn cất. Rồi cũng chính anh Cảnh đã đưa quân vào giải cứu gia đình tôi ra khỏi vùng giặc. Hiện nay anh Cảnh đang có mặt tại Hoa Kỳ vì cả nhà anh gồm hai anh chị cùng năm con từ lớn đến đứa nhỏ nhất ẳm trên tay cũng đều là tù cải tạo.

Ngay hôm đuợc giải thoát, chúng tôi đã đến nhà anh Huỳnh Thúc Huy, em ruột anh Cảnh. Tôi còn nhớ mãi lúc ấy, anh Huy nói với Mẹ tôi :" Anh em tôi đã lo chôn cất cho dượng ấm thân rồi." Nói xong anh Huy dắt chúng tôi ra sau nhà anh vừa nói vừa chỉ :" Mả của dượng ở chổ ni cô nè." Đứng trước nấm mồ của cha tôi, cả nhà tôi chết lặng, những dòng nước mắt chảy dài tưới lên ngôi mộ cỏ vừa mới lên xanh.

Thời gian sau đó, vì Việt cộng thường hay tràn xuống giết người, cướp của dân lành, nên Thiếu tá Nguyễn Độ quận trưởng quận Tiên Phước đã tái lập ấp chiến lược, để bảo vệ sinh mạng và tài sản đồng bào. Thiếu tá Độ là một đảng viên Việt Quốc, hiện là Bí thư Việt Nam Quốc Dân Đảng Khu bộ Úc châu. Vào mùa xuân năm 1965, một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã đến thành lập trại An Phước và một sân bay tại quận. Họ tuyển mộ Biệt Kích và một số nữ quân nhân. Có nhiều phụ nữ đầu quân vào các trại hoặc tại Bộ Chỉ Huy C.1 tại Đà Nẵng. Ở đó họ được huấn luyện quân sự. Một số làm y tế, một số trong đó có tôi được tuyển chọn vào nghành ChiếnTranh Chính Trị, thường được gọi là Tâm Lý Chiến. Có người được đưa về phục vụ tại Bộ Chỉ Huy C.1, tại Đà Nẵng, nhưng thường xuyên đi lưu diễn và làm công tác Dân Sự Vụ ở các trại thuộc C.1, như Minh Long, Ba Tơ, Trà Bồng, Khâm Đức, Thượng Đức ...Chính các đơn vị này đã sát cánh với quân đội Hoa Kỳ, giữ an ninh cho đồng bào ở các vùng quê, như quê tôi vậy. Một thời gian sau, tất cả đều được cải tuyển thành Biệt Động Quân Biên Phòng : Trại An Phước trở thành tiểu đoàn 77.K.B.C. 7545; trại Trà Bồng trở thành tiểu đoàn 61. K.B.C. 7509.

Vào mùa xuân Mậu Thân 1968, nhà tôi ở gần chùa Tứ Ban trước mặt trại Nguyễn Tri Phương Quân Đoàn 1. Khi ấy tôi đã chứng kiến những cảnh Việt cộng sát hại dân lành, xác trẻ thơ rải rác bên cầu Trình Minh Thế, trên tay chúng còn đôi viên pháo chưa đốt. Thế mà Xuân năm nay, 2003, Việt cộng lại tổ chức " Mừng 35 năm chiến thắng Mậu Thân." Quả thật đúng là cộng sản Việt Nam đồng nghĩa với tội ác.

Ngày 29/03/1975, thành phố Đà Nẵng rơi vào tay cộng sản. Tôi trốn vào Trung Hưng Bửu Tòa, Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài Miền Trung tại số 35 đường Nguyễn Hoàng Đà Nẵng, sống vối bác tôi là Giáo sĩ Trần Thanh Thuyền. Ông là Phụ tá Chánh Phối sư, ĐặcTráchNgoại Giao Cao Đài Miền Trung.

Mùa Xuân năm 1976, tôi tham gia vào tổ chức Việt Nam Dân Tộc Cách Mạng Đảng, một tổ chức do Việt Nam Quốc Dân Đảng Miền Trung và Cao Đài Miền Trung thành lập dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Nguyễn Văn Bảy (tức Văn Nguyễn) liên đoàn trưởng Thanh Niên Hưng Đạo Đoàn Cao Đài Miền Trung. Không may, tổ chức bị bại lộ. Hàng ngàn chiến sĩ bị bắt. Giáo sư Nguyễn văn Bảy cùng năm người khác đã bị Việt cộng kết án tử hình. Riêng tôi, cho đến giờ, không thể xác nhận được mật khu của tổ chức ở đâu và có bị phá vở như Việt cộng loan tin hay không.

Khi ấy, tôi bị bắt cùng lúc với giáo sư Đồng sĩ Ninh, con trai của giáo sư Đồng Triết cựu bí thư VNQDĐ Quận bộ Tiên Phước. Sau hơn một năm trải qua các trại, Kho Đạn( Đà Nẵng) Tam Kỳ, Hội An, tôi và anh Ninh bị đưa đến trại cải tạo T.154. tỉnh Quảng Nam.

Tôi đã ở trại này bảy năm. Ngoài tôi ra còn có ba người nữ khác cũng đã bị bắt là chị Nguyễn Thị Hoa, cô Lê Thị Kim Luyến, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, tất cả hiện đã ra hải ngoại.

Nhắc về nhà tù cộng sản, tôi không bao giờ quên được một chiều ba mươi tết. Buổi chiều cuối năm 1983. Nắng sắp tàn trên đồi nương, nhưng chúng tôi vẫn còn ở Đồng Cừ chưa được về trại vì " chưa đạt chỉ tiêu". Trong đội có người ngất xỉu. Tôi báo công an trại xin đưa bệnh nhân vào bệnh xá trại nam cấp cứu. Khi bệnh nhân hồi phục, tôi đưa người đó trở lại hiện trường lao động. Khi đi gần đến cổng, bỗng thấy có hai người trong bộ áo quần tù màu xanh đã bạc màu, người nọ níu lấy cánh tay ngườ kia đứng ở cổng báo cáo :" Thưa cán bộ cho phép hai người xuất trại." Nghĩa là được ra tù.

Tôi đến góc nhà cùm để xem hai vị đó là ai. Khi đến gần, tôi mới nhận ra đó là Thiếu tá Đỗ Công Hào và Thiếu tá Phạm sĩ Phú. Trong một lần chuyển gỗ, anh Hào đã bị một cành cây nhọn đâm xuyên bắp chân. Nhưng công an trại không cho đi bệnh viện, cũng chẳng cấp thuốc men gì cả, nên chân anh bị nhiểm trùng làm mủ. Cuối cùng anh đã bị què một chân. Còn anh Phú bị bệnh mắt hột, công an trại cũng không cho chữa bằng thuốc, mà lại ra lệnh cho Trung tá Tôn Thất Biên điều trị anh Phú bằng cách ...châm cứu. Kết quả là anh bị mù cả hai mắt. Sau ba năm, anh mới được "Phóng thích nhân đạo" để về quê ăn tết. Anh Hào què nhưng còn đôi mắt, tay cầm gậy dắt anh Phú mất đôi mắt nhưng còn đôi chân. Hai nạn nhân khốn khổ dắt dìu nhau bước khập khểnh ra khỏi trại.

Trước cảnh đau lòng ấy, tất cả các anh ở nhà cấp dưỡng và làm vệ sinh trại đều ngưng làm việc. Những cặp mắt rưng lệ nhìn theo hai anh, cho đến khi bóng hai người khuất hẳn sau nhà khách của công an. Giữa lúc ấy, tôi nhận ra tiếng của Giáo sư dân biểu Trần Công Định nói với Giáo sư Trịnh Thể :"Một người què dắt một người đui biết bao giờ mới tới nhà"

Sau này, khi tôi được ra trại, về đến bến xe Tam Kỳ. Vì biết tôi cũng mới ra tù, đồng bào ở bến xe kể lại rằng, trước đây vào một đêm giao thừa có hai người tù một què, một đui, đã nằm ngủ trên nền gạch của phòng bán vé. Đồng bào thương cảm mời hai người vào nhà, cả hai người cám ơn nhưng từ chối nói rằng họ bị đui què nên không muốn có mặt trong nhà bà con vào sáng mùng một Tết.

Khi về Đà Nẵng, gập anh Hào, tôi kể lại chuyện đó. Anh Hào cho biết hai người ngủ ở bến xe Tam Kỳ đêm giao thừa năm ấy chính là anh ấy và anh Phú. Anh kể, khi ra trại vì không có tiền đi xe, nên hai anh phải xin ăn, xin tiền. Khi có đủ tiền thì hết xe vì là ba mươi tết. May có một người dân đi "kinh tế mới" dùng xe Honda chở hai anh được một đoạn đường. Sau đó hai anh phải đi bộ. Đến Tam Kỳ thì đã giao thừa. Nhà anh Phú ở Tam Kỳ, nhưng vì mù nên không tìm được. Anh Hào lại không biết nhà anh Phú. Trong đêm giao thừa, không biết giờ giấc, nên hai anh không dám gõ cửa đồng bào sợ đầu năm mang cái xui đến cho họ. Anh Hào quyết định chờ đến sáng hôm sau đưa anh Phú về tận nhà, rồi mới trở ra Đà Nẵng.

Đó là chuyện anh Hào và anh Phú. Còn hoàn cảnh của các nữ tù chúng tôi cũng chẳng khá hơn. Khi ra tù, chúng tôi còn bị quản chế phải trình diện công an hàng tuần. Thường chúng tôi lại bị công an kiếm chuyện bắt giam từ một tuần đến hai tuần. Lần cuối cùng tên Trần Minh Túy thiếu tá trưởng đồn công an phường Mân Thái đã mở " Toà án nhân dân" buộc tất cả đồng bào trong phường phải đứng lên tố cáo hai vợ chồng chúng tôi đủ tội, nào là "Thành phần nguy hiểm, tuyên truyền phản động, nào là tổ chức vượt biển." Cuối cùng họ "biểu quyết" trục xuất chúng tôi ra khỏi phường trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ với lý do:"Cả hai vợ chồng nhà này đều là tù cải tạo không được ở gần biển."

Mặc lệnh trục xuất, chúng tôi không đi đâu cả. Cho đến một hôm chúng tôi đi vắng, tên Túy đã ra lệnh cho một đám công an đến dỡ sạch căn nhà chúng tôi đang ở, đem lên xe chở về chất trước đồn công an phường Mân Thái. Được tin, chúng tôi trở về, thì chỉ thấy trơ trọi cái nền nhà với những vật dụng tung toé. Dỡ nhà thôi chưa đủ, tên Túy còn nói với các anh chị tôi rằng nếu ai để chúng tôi ở trong nhà thì bắt buộc phải viết giấy cam kết trong đó có câu:"Nếu vợ chồng em tôi vượt biển thì tôi xin đi ở tù."

Cùng đường, chúng tôi phải liều chết, ôm đứa con gái đầu lòng mới sinh được tám tháng lên đường vượt biển đến Hongkong. Tại Hong Kong chúng tôi đã xin yết kiến phái đoàn Hoa Kỳ, và đã được phái đoàn chấp nhận. Cùng lúc ấy, tôi cũng được Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền bảo lãnh sang Pháp. Tôi đã đến sứ quán Pháp, ở đó tôi đã gặp ông VALEZY lãnh sự tại Hong Kong. Tôi nói với ông lãnh sự rằng tôi muốn đến Pháp. Ông nói sẽ can thiệp cho chúng tôi đến Pháp sớm để tham dự Đại Hội Quốc Tế Nhân Quyền tại Paris. Về trại tiếp cư, tôi đến văn phòng Liên Hiệp Quốc tại trại, cho họ biết ý muốn của chúng tôi. Văn phòng bảo tôi nếu muốn sang Pháp thì phải làm đơn xin đi Pháp vì hồ sơ chúng tôi đã xong ở phái đoàn Hoa Kỳ. Về trại chúng tôi suy nghĩ và đã quyết định làm đơn xin đi Pháp.

Cho đến hôm nay, hơn năm mươi mùa Xuân đã đi qua trong đời tôi. Hai mươi tám mùa xuân mất nước. Mười ba mùa xuân trên đất tạm dung.

Một lần nữa Xuân lại về. Bỗng nhiên tôi không còn muốn làm người lớn nữa mà chỉ ước mơ được sống lại như những mùa Xuân xa xưa của thời thơ ấu.

Để mỗi sáng mùng một Tết được ra gốc bưởi nơi cuối ngõ, nép mình vào thân cây, để đo, để thấy mình không bao giờ lớn, và để đêm về, ngồi dưới ngọn đèn dầu, ê a bài học thuộc lòng năm cũ :

Đẹp thay chính thể Cộng Hoà

Vui thay tiếng hát câu ca thanh bình

Cộng Hoà như ánh bình minh

Như giòng nước mát như tình lúa xanh.

Lệ Tuyền (Xuân Quí-Mùi 2003)

Thương về Nam Quan và Bản Giốc

Xuân về, nhớ Bản Giốc Nam Quan,

Lệ đắng chia ly mãi ngập tràn.

Ngọn ải mây trôi in sắc oán,

Đầu ghềnh thác đổ vẳng lời than.

Phi Khanh, Nguyễn Trãi vinh sông núi,

Tầu-Quỉ, Ma-Hồ nhục thế gian.

Thác nước còn đây, đâu ải cũ ?

Đục ngầu bọt trắng khóc tường tan !

Lệ Tuyền (Xuân Quý mùi 2003)

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002