Đại Chúng số 122 - ngày 15 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Lễ Kỷ Niệm Báo Đại Chúng
Thế Giới và Bình Luận
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Đừng Hỏi Tại Sao
Câu Chuyện Mần Ăn Tại Việt Nam
Phong Trào Lãng Mạn và Tuổi Trẻ
Đọc "Cô Bé Bên Giàn Hoa Bí Đỏ"
Giả Thuyết Bệnh SARS
Mỗi Tuần Một Trang Y Học
Còn Mãi Yêu Em
Yếm Vải Sứ Thanh
Cô Kiều với Phạm Quỳnh
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Đọc Báo Dùm Bạn
(tiếp theo kỳ trước)

Đọc Báo Dùm Bạn (bài 2)
Y Khoa va Y Học

Đừng Hỏi Tại Sao
Người thứ Chín biên soạn

 

Những mãnh đời đau khổ ...xứ nào cũng vậy . Nhưng Việt Nam thì nhiều hơn ...Tiển học hốt hết , còn lại những gì cho người nghèo đây .

1.-Những mảnh đời vé số

Họ là dân ngụ cư, đến TP HCM để tìm kế sinh nhai. Chẳng có học vấn, quá ít cơ hội để được thăng tiến, nhưng họ nhất quyết không ngửa tay xin bố thí của thiên hạ mà chọn đi bán vé số. Ít nhiều gì thì đó cũng là một nghề và quan trọng nhất là làm ăn lương thiện.

Nếu như mọi công việc khác thường bắt đầu từ buổi sáng thì bán vé số dạo chẳng có thời điểm bắt đầu. Có những người bán cả ngày cả đêm, lại có người khi nào mệt thì về đi ngủ, miễn là không trễ giờ trả vé. Họ nhận "hàng" từ chiều tối hôm trước (ngay sau khi có kết quả xổ số trong ngày) rồi đi bán cho đến tận hôm sau. Cứ bán hết lại quay về đại lý nhận thêm. Cũng tùy theo người mà các đại lý cho lấy vé nhiều hay ít, trả tiền trước hoặc trả sau. Nhưng thường thì mỗi cơ sở "bao" một lượng người nhất định, chia vé số cho những người đó đi bán, cuối ngày về thanh toán. Chủ đại lý lo cơm, chỗ ở, thậm chí kiêm luôn "nhà băng" nếu như những người làm thuê tin tưởng giao tiền cho họ giữ. Khi nào cần thì nói một tiếng là được rút ra. Nhưng đa phần tiền thu về hay được những người bán vé số dạo tự giữ, gom góp gửi về gia đình.

Trang, 13 tuổi, thường bán tại khu vực quận Tân Bình kể: "Trung bình một vé lãi hơn 200 đồng. Vì không đi nhiều được nên một ngày có khi em chỉ có trên dưới 20.000 đồng. Trừ ăn uống, tiền trọ trả cho chủ, em còn khoảng 10.000 đồng, cũng đủ để gửi về gia đình". Ngược với vẻ rụt rè của đám con gái, những cậu bé tỏ vẻ khá nhanh nhảu, năng động. Phần lớn chúng không bán ở một khu vực nhất định mà cứ nhận cả mấy trăm vé rồi đi tới đâu bán tới đó. Thế nên có khi một ngày bán được cả 300-400 vé, thu nhập ít nhất cũng đến 60.000 đồng/ngày. Thanh, 15 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, đến TP HCM bán vé số đã được 2 năm, nói: "Có người một lần mua cả 20-30 tờ lận. Thế nên phải chịu khó đi, chịu khó mời mới bán được nhiều". Khi được hỏi một tháng gửi về nhà bao nhiêu tiền, cậu bé cười: "Khoảng hơn một triệu

Bản thân những người bán vé số dạo cũng chẳng biết một ngày họ phải đi bao nhiêu cây số, vào bao nhiêu quán nước, mời bao nhiêu người khách. Có người thì chỉ quanh quẩn bán trong một khu vực, nhưng lại có người nhận vài trăm vé rồi đi khắp thành phố. Mệt thì tiện đâu nghỉ đó. Tất nhiên càng đi nhiều thì càng bán được nhiều và thu nhập sẽ tăng đáng kể. Ông Sáu Sơn, 64 tuổi, không vợ con, gia đình, lang thang từ Quảng Ngãi đến TP HCM rồi lấy nghề bán vé số làm kế sinh nhai. Gặp được một chủ đại lý tại quận Tân Bình khá hảo tâm cho ông ở trọ không mất tiền, tiền cơm một ngày 5.000 đồng. Tiếng là vậy nhưng ông chẳng mấy khi về ngủ, ăn cơm thì lại càng hiếm. Thường thì cứ lang thang bán cả ngày lẫn đêm, gần sáng về ngủ một chút rồi lại đi tiếp. "May mà gặp được người như vậy. Tui còn sức thì chẳng ngại, chỉ mong kiếm được chút tiền để dưỡng già".

Nhưng làm nghề này cũng có người may mắn, có người bất hạnh. Đó là những đứa trẻ như N. V. Hạnh từ Tuy Hòa lên thành phố thường xuyên bị chủ đối xử tàn tệ và trả công rẻ mạt. Hai em M. T. Lâm, N. Đ. Lăng quê ở Phú Yên thì bị tên N. H. Hạnh, vừa là chủ, vừa là đồng hương, xích chân tay, đánh đập dã man chỉ vì về trả vé trễ và tiêu lẹm 30.000 đồng. Hay như ông K. T. Anh, ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh,TP HCM) đã gần 90 tuổi vẫn phải đi bán vé số dạo kiếm tiền nuôi đứa con tâm thần...

Ai từng đến TP HCM, từng ngồi cafe vỉa hè hẳn đã gặp những người tật nguyền ngồi xe đẩy đi bán vé số. Có người không đủ khả năng cầm nổi tập vé, có người đi bán phải kèm một người đẩy xe... Họ cứ đi như vậy và đợi ai đó gọi đến mua thì dừng lại bán, nếu không cũng chẳng làm phiền hoặc ép người khác thương hại bằng cách năn nỉ. Họ tự kiếm sống, không chịu biến mình thành phần thừa của xã hội. Tại khu phố khiếm thị ở Bình Hưng Hòa, rất nhiều người đã chọn bán xổ số là nghề. Họ cùng đi, cùng dựa vào nhau để sống và tự hào vì không có ai phải đi ăn xin. Và rồi mỗi buổi chiều về họ hỏi thăm nhau bằng những câu đầy cảm động: Hôm nay có ai đi lạc không? Có ai rơi xuống hố không?

2.- XÓM MÙ BÌNH CHÁNH

Trong cuộc sống, có những mảnh đời khuyết tật, có những người mù hai mắt... Số phận của những con người ấy sống và sinh hoạt sẽ ra sao. Xóm mù ấp 3 xã Bình Hưng Hòa được hình thành vào khoảng 1972 - 1973. Lúc đầu xóm này chỉ có hai dãy nhà do các cha xứ Công giáo xây cất cho những người mù, khuyết tật và đưa họ về đây ở, giúp cho họ có một mái nhà che mưa che nắng. Hai dãy nhà được xây cách nhau một bức tường, nền tráng xi măng, mái tôn, nhiều lắm là chừng hai mươi mét vuông. Ban đầu, số người mù ở đây rất ít, chừng vài ba người. Dần dần, số hộ đông hơn. Họ đến từ thành phố và các tỉnh, gặp nhau rồi rủ về sống gần gũi và nương tựa vào nhau. Họ vất vả trải qua nhiều nghề, nhưng cuộc sống chính của xóm này là làm nghề bán vé số, làm bàn chải bán dạo, lấy ve chai... Hộ nào cũng có 2, 3 người mù. Hộ nhà anh Nguyễn Văn Phước (305/1a ấp 3 xã Bình Hưng Hòa) có 6 người trong đó hết 4 người bị mù còn 2 đứa cháu sáng mắt...

Tại ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lai, cả hai đều mù ở trong một ngôi nhà không có con cháu nhưng mọi thứ trong nhà đều rất ngăn nắp và sạch sẽ. Anh vừa rót nước với đôi tay run rẩy vừa tâm sự: "Tui có hai thằng con trai, một thằng chết năm 1999, một thằng thì theo bọn bất lương, không ngó ngàng gì đến ba má của nó. Vợ chồng tui đau bệnh triền miên, buôn bán bị thua lỗ...". Anh về đây năm nào cũng không nhớ, có lẽ khi xóm này thành lập được 2 - 3 năm. Anh bị bệnh nhức đầu. Chị Vân - vợ anh bệnh viêm não. Cả hai bệnh đã lâu nhưng không có tiền mua thuốc. Anh chị làm đủ nghề, nghề truyền thống của vợ chồng anh mấy chục năm qua là nghề bán vé số. Nghề nào cũng trải qua nhiều thăng trầm. Ngày nào lấy vé số không có tiền trả cho chủ, gần chiều bán không hết phải nhanh chóng về trả lại cho họ. Ngày nào trời mưa, anh càng khổ hơn, nếu không bán hết anh đành phải chịu lỗ vốn. Còn nghề bán bàn chải, đông người bán, các loại bàn chải ở thành phố cạnh tranh ngày càng nhiều nên cũng rất khó. Có khi anh cõng bao bàn chải cồng kềnh đi khắp các chợ, thành phố về Cần Thơ, Sóc Trăng bán. Đôi khi còn bị bọn ma túy giựt sạch cả vé số và bàn chải. Họ trên 50 tuổi, tay chân run rẩy, không con cháu nương tựa. Mặc dù anh chị đã nghỉ đi bán hơn 2 năm nay, tình trạng bệnh tật ngày càng trầm trọng, không có tiền nên đôi ba bữa anh phải đi bán một lần, kiếm tiền ngày nào đỡ ngày đó.
"Tiền bán buổi sáng ăn buổi sáng, buổi chiều không có thì chịu nhịn đói!" - anh than thở. Cứ như vậy, anh chị đã sống suốt mấy chục năm nay. Công việc mưu sinh của người mù đầy khó khăn và gian khổ. Song ước mơ của người mù thật nhỏ nhoi "chỉ cần vợ chồng tôi mạnh khỏe, chứ ốm đau hoài rầu lắm...". Ngôi nhà anh Lai trống trước, trống sau, tôn bị thủng lỗ chỗ. Mẹ anh - bà Nguyễn Thị Diêm 72 tuổi cũng bị mù nói: "Nhà dột mục nát, phải có hai ba trăm ngàn mua tôn lợp lên,... nhưng không có...". Đến xóm mù này, tôi ngạc nhiên "sao không thấy có trẻ con". Tôi đã nhầm, các em phải đi làm việc đến hơn 6 giờ mới về. Cha mẹ chúng cũng là những người mù, sớm phải cho chúng làm đủ nghề như: Bán vé số, lấy ve chai, có cả xin ăn... Cuộc sống của chúng sớm rong ruổi khắp nơi, không được chăm sóc chu đáo, huống chi là nghĩ đến việc đi học. Những năm gần đây, Nhà nước đã có biện pháp đưa trẻ đến trường. Lúc đầu chỉ có 10% sau lên đến 20%. "Do dân địa phương không có giấy tờ, họ đến đây chỉ để đi làm, con họ lớn lên cho đi bán phụ gia đình, chỉ học ở lớp học tình thương". Đó là lời phát biểu của chị Nga - tổ trưởng tổ 14 xã Bình Hưng Hòa. Theo lời chị Nga "khu đất đang có thể bị giải tỏa", việc mưu sinh, tinh thần của họ sẽ ra sao khi đối diện với cuộc sống mới? Đây cũng là nỗi âu lo cho người dân ở đây. Xóm người mù giờ chỉ trông chờ vào thế hệ con cháu của họ được đổi đời. Bởi con em người mù đa số là sáng mắt, là tương lai của thế hệ sau rất cần đưa chúng đến trường.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002