Đại Chúng số 122 - ngày 15 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Lễ Kỷ Niệm Báo Đại Chúng
Thế Giới và Bình Luận
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Đừng Hỏi Tại Sao
Câu Chuyện Mần Ăn Tại Việt Nam
Phong Trào Lãng Mạn và Tuổi Trẻ
Đọc "Cô Bé Bên Giàn Hoa Bí Đỏ"
Giả Thuyết Bệnh SARS
Mỗi Tuần Một Trang Y Học
Còn Mãi Yêu Em
Yếm Vải Sứ Thanh
Cô Kiều với Phạm Quỳnh
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Đọc Báo Dùm Bạn
(tiếp theo kỳ trước)

Đọc Báo Dùm Bạn (bài 2)
Y Khoa va Y Học

"Còn Mãi Yêu Em"
Bình Huyên

 

Nối tiếp, hoà hợp cổ với tân là công việc đòi hỏi trí óc nhiều tưởng tượng và sáng kiến, nhằm mục đích làm cho tác phẩm văn chương nghệ thuật trở thành bất tử với thời gian của con người.

Một bản nhạc tới tay độc giả đã gây không ít xúc động với hình thức vừa trang trọng vừa nghệ thuật, chưa kể nội dung giá trị của tác phẩm văn nghệ : Bià bao in hình cánh đồng thân quen xa tít mù tắp, với những khoảng ruộng xanh xanh, vàng vàng, lấp lánh ánh nước nhuộm mầu bùn nâu đỏ ; lom khom đây đó lưng áo tím đậm của thợ cấy dưới vành nón cũ kỹ đang cấy lúa,… Giở ra bên trong là hai trang giấy nhạc liền nhau mà kỹ thuật tân tiến đã ghi lại trung thực toàn thể nhạc bản được ấn hành cách nay gần nửa thế kỷ : mầu giấy nâu nhạt cũ kỹ chứa đựng những nét chữ in, những dòng nhạc nốt nhạc, cả một vài vết bẩn cùng dăm ba nét bút chì không biết của ai,…

Tác phẩm trên đây được sáng tác năm 1958 mang tên THÔN TRĂNG, nhạc của MẠNH-BÍCH, lời của NGUYÊN-DIỆU.

Thật vậy, dòng nhạc quyện dòng thơ của nghệ sĩ MẠNH BÍCH mang cái liên tục của cả một hồn thơ bất tận. Từ ba thập niên 50, 60, 70, tâm hồn mộng mơ thanh nhã của ông đã gây cảm hứng thành mười hàng thơ lục-bát trong đó nhan đề của chín nhạc bản được in chữ đậm lớn, có sự cộng tác của Y Vân, Võ Đức Tuyết,

Hoàng Lang, Nguyên Đàm, Hoài Việt, Hồ Trọng Khôi, Thy Anh, Tuệ Nga, Minh Tâm, Thanh Dung, Vô Ưu, Huy Giang, Phạm Thị Nhung.

Nhạc xưa dâng DƯỚI MÁI DỪA

Yêu thương gói ghém cho vừa THÔN TRĂNG

Xoải tung CÁNH PHƯỢNG lưng Bằng

TÂM TƯ vọng hướng chị Hằng nguyên trinh

Gửi ai THƯ NGƯỜI CHIẾN BINH

Hẹn hò quay lại VỀ MIỀN NÚI CAO

MÀU THƠ TÔI quí xin trao

TÌNH CA NGƯỜI VƯỢT BIỂN vào chốn xa

Bao năm vẫn một mái nhà

Chuyển vần thơ lúc TÌNH GIÀ cùng xem

Rồi một thập niên 80 trống vắng sau liên khúc 10 bài ca viết trong trại cải tạo A.30 : Ngoài song, Không bao giờ em khóc, Đón Mẹ, Quà đau thương, Giọt sương, Mưa buồn thế hệ, Trăng mờ Ma-liêng, Giáng-Sinh Ma-liêng, Một ngày mai. Tất cả chung một nhan đề TÌNH CA NGƯỜI VƯỢT BIỂN (1978), khi được tháo cũi xổ lồng, người nghệ sĩ đã thấy rằng tình yêu đầu muôn thủa đã thành TÌNH GIÀ.

Nhưng với Bích Khuê, người bạn đường hiền thục can đảm thông minh, nhạc sĩ MẠNH BÍCH tìm được hai nguồn sống mới

- Cùng người bạn đường gắn bó chặt chẽ tình yêu thành một khối với tất cả sức sống mãnh liệt,

- Tìm chân lý cuộc sống theo Phật pháp, ước vọng được vào cõi sống tinh vi xa hẳn bụi trần.

Nhờ đó, dòng nhạc đầu đời tiếp tục giúp người viết bài này có được cảm hứng trải ra thành những dòng thơ thất-ngôn-tứ-tuyệt gồm ba khúc chứa đựng 12 nhan đề nhạc bản in chữ đậm lớn, sau đây :

ANH GHÉP TÊN ANH VÀO TÊN EM
BUỒN XƯA
xin gác lại bên rèm
HOÀI HƯƠNG từ OT-TA-WA ấy
MỘT NGÀY TRỞ LẠI để yêu thêm.

LẴNG HOA TRONG MỘNG nở đầy tay
CÒN MÃI YÊU EM ở cõi này
ĐÀ LẠT YÊU ƠI ! Giờ cách biệt !
Mắt huyền mi liễu lệ nồng cay !

NHỮNG GIỌT SƯƠNG đời ẩm cõi tâm
THÊM VÀNG BÔNG CẢI héo buồn thâm
TÔI ĐI TÌM PHẬT xin đưa lối
VỀ ĐỘNG ĐÀO HOA thoả ƯỚC THẦM.

Dòng nhạc của MẠNH BÍCH ngừng lại ở cuối thập niên 90 (1998) ; nhưng âm hưởng ngày càng mạnh mẽ như làn sóng đại dương văn nghệ ào ạt cuốn tới thiên niên kỷ 21 làm rung động lòng người. Trong đó có những tâm hồn tràn đầy sinh lực mùa xuân mới mẻ trẻ trung. Đó là các người con của hai vợ chồng nhạc sĩ và ban nhạc trẻ, lớn lên thành tài trong xã hội Tây-phương. Họ đã cùng nhau tạo nên TÌNH THƠ Ý NHẠC tập 1 do NGÔ BÍCH LỘC thực hiện để mừng sinh nhật năm 2001 của Bố Mẹ nàng.

Thêm một lần nữa, người đời lại được thưởng thức dòng nhạc bất tử của nhạc sĩ MẠNH BÍCH với một CD chứa đựng 10 bản nhạc chọn lọc. Riêng bản THÔN TRĂNG được trình bày hai lần, mở đầu và kết thúc, với hai cặp ca sĩ tài tử QUANG LINH - VÂN KHÁNH và BÍCH LỘC - CAO DUY.

Đêm nay trăng soi thôn trang, gió đưa gió đưa nhịp chày vang chày vang (quê hương à ơi)…

Ai hát câu thơ Kiều nghe nặng tình tình quê hương …

Người nghe ngây ngất vì âm thanh giàn nhạc trẻ thời đại cùng giọng hát say sưa chân thành cũng rất trẻ. Điều này khiến họ nhìn lại một lần nữa bản nhạc hãy còn mở ra trên mặt bàn, và hân hoan nhận ra hình ảnh những nốt nhạc cùng những dòng chữ trên hai mặt giấy ngả mầu nâu vàng theo thời gian được in lại từ bản gốc được ấn hành vào tháng 11 năm 1958. Chẳng ai là không cảm động khi nhìn bản nhạc gốc này. Trên cùng, bên trái tên bản nhạc THÔN TRĂNG, có dòng chữ "Kính tặng thầy Nguyễn Trung Phán ". Dưới cùng, có vài hàng chữ "ấn phẩm của TINH HOA MIỀN NAM 133-A, Ký Con, Sài Gòn" ...

Thính giả đi sâu vào cõi nhạc MẠNH BÍCH theo giọng ca truyền cảm cao vút, trầm bổng thiết tha, như tiếng vĩ cầm tài hoa, của nữ ca sĩ BÍCH LỘC qua các bài

MÙA XUÂN MƯA BAY (thơ Tuệ Nga),
… Hôm nay lại nữa mùa xuân … Mùa xuân xứ lạ âm thầm mưa bay

ĐÀ LẠT YÊU (thơ Vũ Thy An),
… Vâng ! thôi chỉ xin đi lại một lần trên con dốc nhỏ phủ đầy pensées tím…

KHÔNG BAO GIỜ EM KHÓC (nhạc và lời của Mạnh Bích),
Chờ anh mãi mãi bằng con tim u hoài … Chờ anh cho dẫu sắc hương có tàn phai … nhưng không bao giờ em khóc, cho dù …Cho dù nắng đốt cháy tuổi xanh … Cho dù gió buốt tái tê duyên lành !

TRĂNG RẰM THÁNG TÁM (thơ Huy Giang).
Em rực rỡ trăng rằm tháng Tám … Nụ cười hiền ríu rít trời êm …

Sau bài hoà tấu LOÀI CHIM GẪY CÁNH, DUY ĐỨC tiếp lời nữ ca sĩ bằng chất giọng ấm áp ngọt ngào, gây nhiều cảm xúc, diễn tả bài GIỌT SƯƠNG.

Xa xa âm vang tiếng sương rơi trong khu rừng gợi nhớ … tan vào phiêu lãng xa vắng … theo hoang vu ra đi tìm lại chốn sông hồ …

Rồi người con gái yêu của hai vợ chồng nhạc sĩ MẠNH BÍCH trở lại, tiếp tục đan kết giọng kim với các giọng nam CAO DUY, DUY ĐỨC, qua bản TÌNH GIÀ (thơ Hoài Việt).

Bao nhiêu năm đã qua … mà tình ta vẫn đậm đà … dù tóc bắt đầu bạc … và sương gió phủ mầu da …

… Tình ta còn đẹp mãi … Như biển rộng sông dài …

Cảm xúc thính giả được BÍCH LỘC đưa lên cao tột đỉnh với bài CÒN MÃI YÊU EM (thơ Vô Ưu).

Anh sẽ yêu em tận xế chiều … Trăm năm anh có một tình yêu … Yêu người thục nữ ngày xưa ấy … mãi mãi trong lòng vẫn dấu yêu …

Lời ca chất nhạc của bản Còn Mãi Yêu Em sẽ mãi mãi ám ảnh người yêu nhạc, hơn một lần nghe trình bày bài này bất cứ ở đâu do bất cứ nghệ sĩ nào, chuyên nghiệp hay tài tử, để rồi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảng trời âm nhạc trẻ mãi không già của nhạc sĩ MẠNH BÍCH.

BÌNH HUYÊN

Tiểu sử nhạc sĩ Mạnh Bích :

Mạnh Bích tên thật là Nguyễn Mạnh Hà, sinh năm 1929. Khi còn ở Việt Nam, ông làm giáo sư Pháp văn các trường Marie Curie, Jean Jacques Rousseau, La Salle Taberd, Fraternité, Institut Francais, Viện Đại Học Vạn Hạnh, và những lớp tu nghiệp cho các Toà Đại Sứ Pháp, Thụy Sĩ, Úc, v…v…

Ông đã học nhạc trước tiên với các nhạc sĩ Văn Giảng, Ưng Lang, Ưng Tuấn, và sau đó với các nhạc sư Grégor và Vincent d'Indy ở Đà Lạt. Gia đình ông được chính phủ Pháp bảo lãnh sang Pháp năm 1981, sau khi ông bị cộng sản Việt Nam bắt đi cải tạo vì đã cùng gia đình vượt biên. Tại Pháp, ông tiếp tục làm giáo sư trung học thực thụ dạy văn chương Pháp tại Taverny và Le Bourget, thuộc Hàn Lâm Viện Versailles.

Hiện ông đã về hưu. Mạnh Bích và phu nhân Bích Khuê có hai con trai hai con gái đã trưởng thành, và đều học hành đỗ đạt thành tài cả. Ngoài một số khá nhiều các bản nhạc nổi tiếng ra đời suốt từ các thập niên 50, 60, 70, cho đến 90, Mạnh Bích còn là tác giả những tác phẩm văn chương Việt Pháp giá trị như :

-Giòng Sông Trầm Lặng, hồi ký, do hội BẠN VĂN xuất bản tháng 10-1997;
-Le Viet-Nam Crucifié 1945-1975,
do HARMATTAN xuất bản ngày 10-09-2000.

***Quí Vị độc giả muốn có những tác phẩm trên, xin vui lòng liên lạc địa chỉ sau đây:

Monsieur&Madame MANH BICH
25, Rue de Vaucouleurs
75011 PARIS
FRANCE
E-mail
: manhbich@aol.com

Hiện nhạc sĩ MẠNH BÍCH làm Đại Diện cho Hội Bạn Văn hải ngoại (Amicale des Écrivains Vietnamiens à l'Étranger).

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002