Đại Chúng số 123 - ngày 1 tháng 7 năm 2003

Thư Tòa Soạn
Vinh Danh Quân Lực VNCH
Thế Giới và Bình Luận
Nhận Diện TP Quảng Châu
Ngày Quân Lực tại Philadelphia
Sau Khi Chết Ta Sẽ Ra Sao
Y Khoa và Khoa Học
Tranh Luận về Internet
Đọc Báo Dùm Bạn
Truyện dài - Yêu Em Từ Thuở
Cô Kiều với Phạm Quỳnh
Vũ Điệu Con Hổ
Yếm Vải Xứ Thanh
Nấu Ăn Ngon Cho Chàng
Vườn Thơ

Truyện dài
YÊU EM TỪ THUỞ...
- Bình Huyên -

Tình Ca Của Chúng ta

Hương tình thơ ấu phôi thai
Mất còn sao biết tìm ai phương nào
Cùng người ấy đi vào trong mộng
Bên tình yêu chẳng động lòng đâu
Một lần tưởng đã gặp nhau
Theo chung một hướng đi vào Tự Do
Cửa lòng vẫn đắn đo khép kín
Thuyền theo sông, bỏ bến chia đôi
Giao thoa Tình bỗng lên ngôi
Xây thành một khối suốt đời thờ tôn
Yêu nhau mãi... giữa hoàng hôn...
(Để tặng những người yêu nhau)

- Bình Huyên -

Lời nói đầu

"Mỗi người chúng ta là một lịch sử tuyệt vời". Ý tưởng này dịch từ câu tiếng Pháp - "Tout homme est une histoire sacrée" - mà chúng tôi ngẫu nhiên đọc được ở một tờ bích chương dán trên tường trong thành phố Paris. Ý tưởng này tạo cho chúng tôi một đường hướng rõ rệt đầy phấn khởi, trong việc viết ra cuốn truyện, sắp được quí vị lật tới trang một, để bắt đầu đọc. Quí vị sẽ theo dõi trang hai, trang ba, và những trang kế tiếp. Quí vị sẽ thấy tình tiết câu chuyện thật là thân quen, vì trong khi viết, chúng tôi đã luôn luôn đến với quí vị bằng tất cả mối thân quen có thể có được. Quí vị sẽ nhìn thấy chính mình qua những hình ảnh, tâm sự, biến cố, trong truyện. Và quí vị sẽ đọc hết chương thứ nhất, chương thứ hai, thứ ba,... cho đến chương cuối cùng của cuốn sách này.

Khi gấp cuốn sách lại, quí vị sẽ thấy câu chuyện mình vừa đọc, tuy thân quen và tuyệt vời, mà vẫn không thể so sánh với cái thân quen và tuyệt vời trong câu chuyện của chính quí vị. Tại sao vậy?Thưa, vì đây chỉ là một trong hàng triệu bản tình ca. Mỗi bản tình ca, của mỗi người chúng ta, có thể kéo dài từ nhiều tháng đến nhiều năm, có khi cả một đời. Bản tình ca ấy, được trình bầy với nhiều khiá cạnh, mầu sắc, âm hưởng khác nhau, theo từng tình trạng riêng của mỗi cá nhân. Cho nên, tự nó đã có một giá trị đặc biệt, mà không một bản tình ca nào khác có thể mang ra so sánh được. Điểm tương đồng duy nhất, giữa các bản tình ca đó, là những nét thân quen. Lý do đơn giản, là chúng ta thuộc cùng một loại sinh vật, có ưu quyền làm chủ những khả năng tâm lý giống nhau, như cảm tình, cảm giác, ký ức, tri giác, vân vân... Chẳng khác gì những bộ phận, đường nét, của thân thể, chỉ loài người mơí có được. Kinh nghiệm cho biết, ở hai nơi khác nhau trong một nước hay trên thế giới, bất cứ lúc nào cũng có ít nhất hai người giống nhau như đúc. Giống nhau, nhưng không phải là một thứ người, như kiểu máy móc robot.

Cái khoái cảm gặp được người giống mình về nét mặt, cũng chẳng khác gì niềm sung sướng, được chia sẻ những hiện tượng tâm lý tương đồng. Trong điều kiện bình thường, có ai không hân hoan, khi gặp được đồng bào, cùng mầu da, nét mặt, tiếng nói, ở nơi đất khách, quê người; có ai không vui mừng, thấy được đồng loại, sau khi sống biệt lập trong rừng sâu, trên hoang đảo, ngoài biển cả? Với quan niệm này, chúng tôi đủ can đảm viết ra bản tình ca của chính chúng tôi, với tất cả ước ao to lớn, là sẽ được hoà đồng với quí vị độc giả, trong hoà tấu vĩ đại của toàn thể chúng ta.

Cũng như mỗi câu chuyện được kể, truyện của chúng tôi mang một tựa đề, trích ra từ một câu thơ, mà ai cũng biết, cũng hiểu, "Yêu em từ thuở mẹ về với cha..." Câu thơ thể hiện một quan niệm rất cao xa về tình yêu của người Việt-Nam nói riêng, và có lẽ của tất cả mọi người nói chung, dĩ nhiên là với nhiều cách phát biểu khác nhau. Theo quan niệm này, từ một thực thể vô hình, là tình yêu của Thượng-Đế, phát sinh ra tình yêu giữa hai linh hồn, được dành sẵn cho nhau từ thuở nào. Hai linh hồn đó thoát thai vào thể xác, lẽo đẽo tìm nhau, trên quãng đường đời. Hoặc sớm, hoặc muộn, hoặc đúng lúc, trong thực thể hữu hình hay vô hình, họ sẽ gặp nhau, và ở với nhau mãi mãi. Những tan vỡ, đứt đoạn, tuyệt vọng, trên cõi đời này, chỉ là những thử thách vật chất, mà một số chúng ta phải hứng chịu. Dù sao, nếu ta tin tưởng vào tình yêu, ta sẽ gặp được tình yêu, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào. Do đó, chúng tôi lấy một nửa câu thơ nói trên, làm nhan đề cuốn truyện này,

"Yêu Em Từ Thuở...",

Vâng. Chữ "Em" ở đây, không có tính cách kỳ thị trai gái. Văn chương súc tích của Việt-Nam cho phép ta diễn tả một chữ bằng nhiều tư thế khác nhau. Người con trai nói câu này, với giọng lưỡi phân trần, cầu xin. Người con gái nói câu này, bằng thái độ minh xác, ban phát. Hai chữ "Từ Thuở" tiếp theo là ba dấu chấm, cho quí vị thấy, chuyện tình của chúng tôi, cũng như của quí vị, mang một giới hạn thật rộng lớn, vì có sự can thiệp của Đấng Tạo-Hoá vô thuỷ vô chung. Trước khi cũng như sau khi thoát ra khỏi lòng mẹ, hai chúng tôi đã tự nhiên lẽo đẽo tìm nhau, trên hai nẻo đường khá xa cách. Chúng tôi chui ra khỏi cái mờ mịt của tuổi thơ ấu, để bắt đầu câu chuyện vào tuổi lên tám, lên chín, khi mà thế giới chung quanh chúng tôi hết vẻ hỗn mang.Từ vô ý thức sang ý thức, chúng tôi sống qua thời niên thiếu, luôn luôn hướng về một điểm hẹn không tên. Vượt qua biết bao thử thách, khó khăn, chúng tôi gặp nhau như định mệnh, ở tuổi mười tám, mười chín, để rồi được chứng kiến tình mình lên ngôi, và xây đắp tổ ấm đầu tiên, cho đời mình.

Quí vị sẽ sống lại với chúng tôi ba quãng đời thơ ấu, niên thiếu, và trưởng thành của mình. Quí vị sẽ cùng chúng tôi tìm lại những hình ảnh xã hội cũng như gia đình, và một số chi tiết thật thâm sâu của bối cảnh lịch sử, qua các thập niên 40, 50, 60, 70,...từ Bắc chí Nam, trong hai thế giới Quốc gia và Cộng sản, của giải đất Việt-Nam hình chữ S.

Đây là một chuyện thật, cho nên một số tên tuổi, điạ danh đã được thay đổi, vì những lý do riêng. Về ngôn ngữ, quí vị sẽ thấy, từ đầu cho đến ngày di cư, chúng tôi cố gắng diễn tả theo giọng miền Bắc, kể cả Thanh-Hoá. Sau ngày di cư, ngôn ngữ trong truyện được trộn thêm giọng miền Nam, với rất ít giọng miền Trung, vì chúng tôi không có nhiều dịp sống tại miền Trung, hoặc tiếp xúc với người miền Trung. Thật ra, kể từ khi được sử dụng hai ba ngôn ngữ của nước Việt Nam, chúng tôi thấy tự do hơn, vì tư tưởng được diễn tả dễ dàng hơn, với toàn thể kho tàng tiếng Việt. Ngoài lợi ích cảm thông, nhờ công việc viết của chúng tôi, và đọc của quí vị, còn có thêm lợi điểm ngữ học cho con em của chúng ta, với bản dịch rất trung thực sang Pháp ngữ do Agnès LEFUR, và Anh ngữ do Alphonse LEFUR.

Chúng tôi hy vọng cống hiến quí vị những giờ phút thoải mái, và sẵn sàng đón nhận tất cả ý kiến, phê bình của quí vị, hoặc trên báo chí, hoặc bằng thư tín, theo địa chỉ của nhà xuất bản. Ý kiến của quí vị sẽ giúp chúng tôi cải thiện hình thức và nội dung của cuốn "Yêu Em Từ Thuở..." trong tương lai.Trân trọng cảm tạ.

- Bình Huyên -
(Paris,1994)

 

CHƯƠNG MỘT

Bến Sông Thương
(Ty-Thôn, Thanh Hoá, 1947)

- Huyên đâu con?
- Con đây ạ.
Huyên từ ngoài sân chạy vào căn nhà giữa. Bố của Huyên đang đứng ở đó. Ông cởi trần, mặc quần đùi, cổ khoác chiếc khăn bông lớn mầu xanh lá cây nhạt. Huyên mừng rỡ, reo lên:
- A! Thầy đưa con đi tắm sông, phải không ạ?
- Mặc áo tắm đi với thầy, nhanh lên, con.

Khi ông nói đến tiếng "tắm", là Huyên đã biến mất, để rồi vài phút sau chạy vụt ra, mình mặc chiếc áo lót may liền với quần đùi bằng vải lấm tấm hoa mầu hồng tươi. Huyên lắc đầu, cho mớ tóc nâu đen bay tung trên bờ vai tròn xinh. Một nụ cười thật trong sáng nở ra, khiến toàn thể khuôn mặt bầu bĩnh của Huyên rạng rỡ lên. Hai cánh của chiếc mũi nhọn hơi nhếch, làm cho hai lỗ mũi hình nụ hoa cúc non nẩy lên nét tinh nghịch nhưng duyên dáng. Hai gò má tròn mịn, hắt ánh hồng lên cặp mắt đen to và dài, long lanh toả ra tia nhìn ngây thơ mà nồng nàn.

Huyên ngừng lại một tí, rồi chạy ra sân trước, thấy người bố thân yêu đang cúi xuống vuốt lông con chó vện. Nghe tiếng chân Huyên, ông đứng thẳng lên, mắt trìu mến nhìn xuống đứa con gái đầu lòng.
- Con đưa tay cho thầy dắt.

Bóng hai bố con ngắn và đậm, chuyển theo bốn gót chân nhanh nhẹn đi trên sân gạch mênh mông, rồi lẫn vào bóng râm của chiếc cổng có mái ngói đã lên rêu. Ra ngoài đường, Huyên nắm chặt tay bố, chân nhảy tung tăng, rồi chợt nhìn lên hỏi:
- Sao dạo này thầy không cõng con trên vai nữa, hả thầy?

Ông giáo Ích cười nhẹ:
- Thầy đã nói rồi, mà con vẫn thắc mắc. Hai năm trước đây khi con mới bẩy tuổi, cũng như thời gian trước đó, thầy cõng con trên vai, đi ra ngoài bến, cách nhà cũng phải bốn trăm thước. Bây giờ thì không được, vì con lớn rồi. Con nặng hơn trước nhiều, phải không, Huyên?
- Vâng ạ. Tiếc quá, thầy nhỉ?

Huyên vừa nói vừa mơ màng nhìn về phiá trước. Hàng cây hai bên đường mờ đi, nhường chỗ cho những hình ảnh xa xưa hiện rõ lên. Huyên thấy mình ở trên cao, hai chân quàng hai bên cổ của bố, mái tóc dài ngang lưng ướt đẫm. Những giọt nước sông còn đọng trên làn da ngực nâu hồng. Chiếc quần đùi hoa lấm tấm hồng dính chặt vào bụng. Huyên sung sướng, cười khúc khích vì không phải bước đi dưới đất, từ trên cao nhìn thấy đỉnh đầu của các người qua lại. Về đến trước nhà, ông giáo Ích vỗ vào chân cô con gái, Huyên bám cổ bố leo xuống. Hai bố con nắm tay nhau, đi qua chiếc sân gạch, bước lên mấy bậc thềm, để vào căn nhà giữa. Mẹ của Huyên đã chờ sẵn, đưa Huyên vào rửa ráy, thay quần áo. Họ trở lại phòng ăn, dùng cơm chiều với các anh trai lớn và một em gái của Huyên. U già đặt trước mặt Huyên bát cơm có để sẵn thức ăn, nói:
- Cô Huyên lớn rồi, ăn lấy đi. Ăn nhiều chóng lớn. Ngày mai Chủ nhật, lại được đi tắm sông với ông Giáo.

Lúc ấy, Huyên nghe nói vậy thì thích lắm. "Ăn nhiều chóng lớn, đi tắm sông những ngày nghỉ." Thật là sung sướng! Nhất là mỗi lần ra khỏi nhà được vài bước, Huyên nũng nịu nói với bố:
- Thầy ơi, con mỏi chân!

Thế là ông giáo liền ngồi sụp xuống. Huyên leo thoắt lên cổ bố, cười khúc khích, miệng nở hoa với đôi môi đầy đặn hồng tươi. Chiếc mũi nhọn cao vừa phải, cặp má hây hây, đôi mắt nhung, tất cả đều linh động theo nụ cười, khiến cho khuôn mặt non dại toát ra một sức lôi cuốn khó tả. Trên đường ra ngoài bờ sông, chốc chốc ông giáo Ích lại mỉm cười đáp lại tiếng chào của người quen hoặc học trò của ông. Ra tới bờ sông, ông giáo để Huyên xuống, đi tìm một cây chuối chặt sẵn, mang xuống sông, tập cho Huyên bơi. Hai bố con đùa nghịch dưới nước một lúc lâu mới lên bờ, lấy khăn bông thấm qua loa mặt mũi chân tay. Ngồi nghỉ trong quán bên đường một chốc, hai bố con rủ nhau ra về. Huyên ngước cặp mắt có đôi lông mi dài lên nhìn bố. Ông giáo Ích mỉm cười. Ngập ngừng một tí, Huyên hé hai hàm răng trắng phau, với hai má lúm đồng tiền dễ thương, nói nhỏ nhẹ:
- Thầy ơi, con đói bụng rồi đấy!...
- Được rồi, để thầy cõng con về cho nhanh, bằng lòng chưa?

Thế là Huyên lại được ngồi trên cổ của bố. Những lúc ấy, Huyên cảm thấy yêu bố vô ngần. Như để thưởng công cho bố, Huyên cất tiếng, hát mấy câu học thuộc trong trường:
"... Có con dế mèn hát trong đêm khuya, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...õ

Giọng hát trong vắt cao vút. Các bà giáo, ông giáo thường khen Huyên đứng đầu về ca hát, mặc dầu Huyên ít tuổi nhất trong lớp. Mỗi khi nhà trường tổ chức lễ tết, bố mẹ Huyên lại nhận được giấy xin phép cho Huyên được tham gia vào ban ca kịch...

...Hai bố con ông giáo Ích ra đến bến lúc nào không biết. Trên bến, dưới nước, tiếng nói lao xao của những người ngồi chơi trong các quán nước, tiếng cười đùa hò hét của trẻ con và người lớn đang tắm ven sông, tạo nên một quanh cảnh thật nhộn nhịp. Huyên chạy ra bờ sông, nhúng thử hai bàn chân nhỏ bé xuống nước, rồi từ từ đi lại gần đám trẻ con. Mấy người chị em họ của Huyên thi nhau té nước vào người Huyên. Huyên vuốt mặt, hấp him đôi mắt, há miệng thở mạnh. Cả bọn phá lên cười. Huyên cũng cười theo, hai tay vục nước té lại. Đoạn, bốn năm chị em nắm tay nhau, quay tròn dưới nước, rồi buông ra, hụp xuống, nhô lên, thi bơi nhanh theo ven sông... Ông giáo Ích đứng trên bờ, trao đổi vài câu với mấy người quen. Để khăn bông trên bãi cỏ, ông xuống sông bơi qua bên kia, trèo lên đồi sim gần đó.

Ông bước chậm chạp trong các khóm cây, vuốt ve những chùm sim chín. Trong trí ông hiện ra tất cả những ngày trẻ trung thơ mộng: Xưa kia, đồi sim này là nơi Ích và Thảo hay hẹn hò, tình tự... Quanh quẩn trên đồi sim một lúc lâu, ông giáo Ích xuống sông bơi trở về bến cho nhanh, chứ không đi qua cầu cách đó vài trăm thước. Thấy Huyên còn ở dưới nước, ông gọi:
- Huyên! Lên đi về.
- Dạ. Con lên ngay.

Huyên nhanh nhẹn trèo lên bờ. Ông giáo đưa khăn bông cho Huyên lau đầu tóc, tay chân. Khi còn bé, Huyên chỉ mặc quần đùi đi tắm. Từ khi mẹ của Huyên thấy hai ngực Huyên hơi nhú lên bằng hai chũm cau, bà cho Huyên mặc áo tắm, có áo lót may liền với quần đùi. Bà nói:
- Con chóng lớn quá. Vài năm nữa chắc thành thiếu nữ.

Trên đường về nhà, Huyên vừa đi vừa nói khẽ một mình, như không muốn cho bố nghe thấy:
- Ăn nhiều chóng lớn, được đi tắm, nhưng không được cõng nữa. Tiếc ghê đi!

Huyên không dằn lòng được, nên nói "tiếc" hơi to. Ông giáo Ích cúi xuống nhìn cô con gái, dịu dàng hỏi:
- Cái gì mà tiếc thế, con?

Huyên hơi nói dỗi:
- Con chóng lớn quá, thầy nhỉ?

Ông giáo nắm chặt tay cô con gái cưng, giọng ông chợt xa vắng:
- Phải đấy. Các con chóng lớn, trong khi thầy mẹ, nhất là thầy, cảm thấy già yếu đi. Dù sao, thầy bao giờ cũng coi con như lúc còn bé, thương con nhiều hơn, Huyên ạ.

Huyên không dám tiếp tục dỗi nữa. Đây là lần thứ hai Huyên nghe bố nói những lời như thế...Huyên thầm nghĩ: "Sau này, khi thầy già quá, không đưa mình đi tắm sông được, ai sẽ là người thay thế thầy? Các ông anh thì mình không muốn nhờ, mấy đứa con trai trong lớp chắc cũng vậy. Đi tắm một mình kể cũng buồn đấy. Mẹ, u già, các đứa bạn gái, thì nhát ơi là nhát!...Còn mấy người chị em họ, lâu lâu mới chịu đi tắm sông, sợ bị đen...hơn!" Nghĩ đến đây, Huyên phì cười, vội vàng cất tiếng hát, không phải để thưởng công cho bố, mà để che giấu cử chỉ ngộ nghĩnh của mình. Huyên chạy lùi trước mặt bố, miệng cười tít, hai bàn tay xinh xinh với những ngón tay dài thon, vờn qua vờn lại theo điệu múa mới học trong lớp.
"... Các em thích cười, muốn lên cung Trăng, hãy hỏi Ông Trời cho mượn cái thang!..."

Cứ như thế, Huyên chạy lùi, múa hát tưng bừng trước mặt bố. Ông giáo Ích bật cười ha hả. Mấy người qua lại thấy thế cũng vui lây. Họ nói với ông giáo:
- Ông bà giáo có cô con gái thật dễ thương. Sau này đắt chồng phải biết!

Mắt ông giáo sáng lên, đầu gật gù tán thưởng và cảm ơn. Nhưng ông không nói lời nào cả. Gần đến nhà, Huyên thôi không muá hát nữa, ngước lên nói với bố:
- Con về trước với mẹ, thầy nhé?
- Được. Tắm gội lại cho kỹ, nghe không con.
- Vâng ạ.

Đến nhà trong, không thấy mẹ, Huyên mở tủ lấy quần áo, rồi vào nhà tắm, đóng cửa lại, vừa giội nước lên đầu vừa suy nghĩ. " Ừ mà quả thật dạo này thầy gầy đi nên trông già hơn. Thấy mẹ bảo là thầy hay bị đau bụng, phải ăn kiêng. Chỉ có thế thôi, chứ có làm sao nữa đâu. Thầy vẫn vui đuà ngoài sông mà. Mình thật chả hiểu gì cả..." Huyên chép miệng. Thương cả hai bố mẹ, nhưng Huyên hiểu bố nhiều hơn.Có những lần, ra bờ sông thấy đông người, ông giáo Ích bảo Huyên:
- Thôi, bố con mình lại ngồi chơi dưới gốc cây đàng kia đi. Chốc nữa hãy xuống tắm.

Huyên lúc lắc hai vai:
- Con muốn tắm trước cơ.

Thật ôn tồn, ông giáo nói:
- Lại đằng kia, thầy kể cho con nghe chuyện này hay lắm.

Thế là Huyên nhảy lên, nói như reo:
- Đi đi, thầy. Tắm sau cũng được.

Ngồi bên bờ sông, dựa lưng vào đầu gối của bố, Huyên lắng tai nghe chuyện ngày xưa...
- "... Thầy là con trai duy nhất của bà nội con. Bà mất sớm. Ông nội con lấy thêm bà nữa. Bà này không thương thầy mấy. Lúc đầu, khi bà chưa có con, thầy còn được bà săn sóc một tí. Về sau, khi bà có con, đời sống của thầy trở nên vất vả. Mỗi ngày, khi đi học về, thầy bị bà sai xuống bếp làm một rổ cá, công việc của đầy tớ trong nhà. Thời ấy, nhà ông nội có nhiều người làm hơn nhà mình bây giờ. Mục đích của bà là khiến cho thầy không đủ thì giờ học bài và làm bài. Cũng may thày giáo trong lớp hiểu chuyện, nên không mắng mỏ hoặc trừng phạt thầy bao giờ, trái lại còn ôn tồn bảo thầy đi tìm một góc yên tĩnh để làm việc. Mỗi lần như thế, thày giáo lại viết mấy chữ lên lề trang sách của thầy. Vì thế, ông nội con biết được. Để giữ cho yên nhà yên cửa, ông nội không nói lời nào, chỉ lẳng lặng gửi thầy ra trọ học ngoài tỉnh. Sinh được bốn người con, hai trai là các chú Hòa và Trí, hai gái là các cô Cẩm và Luyến, thì bà kế mẫu của thầy bị bịnh mất. Từ đó, ông nội con nhất quyết không lấy ai nữa. Thầy học thành tài tại trường Cao-đẳng Sư-phạm, và được bổ nhiệm giáo sư trung học, dạy Pháp văn tại ngay tỉnh nhà."

Ông giáo Ích mơ màng nhìn xuống dòng sông hơi gợn sóng. Dòng sông mang tên hàm chứa thật nhiều tình cảm: Sông Thương! Ông nói tiếp:" Trường thầy dạy là trường con gái. Đặc biệt trong đám nữ sinh của lớp Đệ Tam A, thầy thích nhất Thảo. Nàng có cặp mắt, đôi môi, giọng nói, giống hệt con." Huyên nghe đến đây, cười khúc khích:
- Thảo là mẹ của con, thì phải giống con chứ ạ! Nhưng mà... con thích cặp mắt mầu nâu đậm của thầy hơn. Sao thầy không "cho" con, hở thầy?

Ông giáo Ích quay lại nhìn Huyên chăm chú:
- Xưa kia, thầy cũng ao ước có được đôi mắt nhung đen của bà nội con. Cho nên, khi thấy mẹ con có cặp mắt ấy, là thầy mê luôn, rồi nhất định lấy mẹ của con, để được thấy đôi mắt nhung ấy suốt đời.

Huyên thoáng nghĩ:"Sau này lớn lên, mình phải tìm cho bằng được người nào có cặp mắt nâu đen để... lấy cho mà xem!" Huyên lại phì cười vì không hiểu "lấy " là như thế nào. Ông giáo nói, như đọc được ý nghĩ của Huyên:
- Dăm, mười năm nữa, con sẽ hiểu rõ hơn những điều thầy nói hôm nay. À, bến hãy còn đông, để thầy kể nốt nhé.

Không muốn làm cho bố cụt hứng, mặc dầu hơi sốt ruột, Huyên vui vẻ cao giọng hỏi đùa bố:
- Thế thì thầy "lấy " mẹ con ngay lập tức, chứ thầy?

Ông giáo Ích cũng đùa với Huyên, bằng cách cho âm thanh chữ "lấy " nẩy trên đầu lưỡi:
- "Lấy "mẹ của con không dễ dàng lắm đâu! Lúc ấy, mẹ con mới mười sáu tuổi, kém thầy mười hai tuổi. Mẹ con xin gia đình cho phép dẫn thầy về nhà giới thiệu.

Ông bà ngoại bằng lòng. Khi gặp mặt, nói chuyện với thầy xong, ông ngoại vừa ý tất cả mọi điểm, chỉ chê rằng thầy trông yểu tướng, vì cổ lộ hầu và thân hình hơi mỏng. Tuy nhiên, ông bà ngoại vẫn để cho thầy và mẹ của con tìm hiểu nhau. Một số nữ sinh trong lớp cũng mê thầy. Họ ghen tức với mẹ con, gây sự cãi nhau, giằng co ngoài đường. Ông ngoại con phải cho xe đưa mẹ con đến tận trường và đón về tới cổng nhà. Trong khi ấy, rất nhiều chàng trai theo đuổi mẹ con. Đặc biệt có anh chàng ở cùng phố, trẻ đẹp, khoẻ mạnh, học giỏi, tán tỉnh mẹ con ráo riết, nhưng dĩ nhiên là mẹ con không đáp lại tình yêu đó. Gặp mẹ con đi chơi với thầy nhiều lần, anh chàng ấy vô cùng thất vọng. Rồi mẹ con tự nhiên bị ngớ ngẩn như người mất hồn. Gia đình đưa mẹ con đi khám bịnh. Các bác sĩ không biết bịnh gì. Sau có người khuyên nên đi mời pháp sư đến chữa. Pháp sư nói rằng mẹ con bị bỏ bùa mê, trong khi vô ý đánh mất đồ vật riêng, hoặc ăn uống nhiều lần trong cùng một hiệu ăn, hoặc vô tình nhận quà tặng... Phải sáu tháng, mẹ con mới khỏi bịnh. Khi ông nội con đến xin cưới mẹ con cho thầy, ông bà ngoại con bằng lòng ngay."
- Đám cưới chắc to lắm, hả thầy?
- Đúng vậy, con ạ. Hơn nữa, trong ngày cưới, có một chuyện khá đặc biệt xảy ra...

Huyên cướp lời bố:
- Chắc cái ông ở cùng phố tự tử chết, phải không ạ?

Ông giáo Ích mỉm cười, lắc đầu:
- Không, con ạ. Anh chàng ấy không điên rồ như thế đâu. Anh chàng ấy đã trốn khỏi nơi này, ngay khi ông bà ngoại mời pháp sư đến nhà. Con thua rồi!

Huyên giụi đầu lên cánh tay bố, chảu đôi môi đỏ chót, giọng nói vô cùng nũng nịu:
- Con có dám đánh cuộc với thầy đâu, hở thầy! Tại thầy kể chuyện hay quá, làm con ghét và muốn cho anh chàng ấy chết mà thôi.

Ông giáo Ích nghiêm trang nói:
- Tình yêu ngang trái đưa đến chỗ tự tử, như chuyện tình tiểu thuyết Roméo và Juliette, còn có thể chấp nhận được. Chứ tình yêu một chiều, bình thường không thể là nguyên nhân của việc tự tử. Tự tử trong trường hợp này là đáng khinh bỉ. Nếu là con gái, cử chỉ đó thể hiện một tâm hồn quá yếu đuối. Nếu là con trai, tự tử vì tình bị coi như hèn nhát, có tính cách ăn vạ cuộc đời. Cả hai trường hợp đều vô ý thức.

Huyên lắng tai nghe bố dạy, nhưng không hiểu hết được ý của bố. Huyên có thói quen nghe và ghi nhận tất cả những điều dạy bảo của người bố đáng yêu kính, tự nhủ rằng sau này lớn lên, Huyên sẽ nhớ lại mà sống cho đúng với giáo dục gia đình.
- Chuyện đặc biệt trong đám cưới của thầy mẹ như thế nào, thầy kể cho con nghe đi.
- à! "Khi rước dâu đến nửa đường, thì thấy có một toán lính huyện từ trong vỉa hè tiến ra. Một người lính tay nâng cái tráp phủ khăn hồng, trao cho cô dâu và thưa rằng: " Đây là quà cưới của ông huyện Dinh." Sau này, mẹ con kể rằng, ông huyện Dinh trước kia có xin cưới mẹ con, nhưng mẹ con không bằng lòng. Chẳng phải duyên số, nhưng ai cũng nghĩ rằng, đây là một trong những người tốt và xứng đáng với mẹ con." Đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Thôi, bây giờ hai bố con mình đi tắm nhé.
- Vâng ạ. Lần sau, thầy lại kể nốt chuyện cho con nghe, nhớ thầy?

... Cứ như thế, Huyên hiểu bố mỗi ngày một nhiều. Huyên cảm thấy mình trở thành một nhân chứng ưu tiên trong gia đình. Huyên là con thứ năm. Trên Huyên có bốn người anh trai. Hùng, anh cả của Huyên, đang đi học đã bị bắt giam về tội tham gia hoạt động cho Quốc Dân Đảng, chống lại Việt Minh là một đảng lớn và mạnh hơn. Thầy mẹ của Huyên buồn phiền rất nhiều. Huy, anh thứ hai, Đông, anh thứ ba, và Tú, anh thứ tư, tất cả đều còn đi học và phải theo một chương trình ôn tập ở nhà thật nghiêm nhặt, do ông giáo Ích đặt ra. Huyên là người con gái mà cả nhà, cả họ, đã mong đợi từ lâu. Huyên có ba em. Hai em gái là Liên và Ngọc. Em trai út của Huyên là Tâm, mới sinh ra được hai tháng. Đáng lẽ Tâm là con trai thứ sáu, nhưng trước khi có Ngọc, mẹ Huyên đã sinh ra Đức. Khi Đức ra đời, thầy mẹ của Huyên lo lắm. Thời ấy, người ta dị đoan, tin vào truyền thuyết "Ngũ Qủy cướp cái". Được sáu tháng thì Đức chết vì bịnh sưng phổi cấp tính. Mẹ Huyên thương xót con, khóc mấy năm liền. Có những chiều, trong khi thầy của Huyên làm việc trên tỉnh, mẹ Huyên bế Tâm, Huyên dắt Liên và Ngọc, đi ra bến sông Thương. Mấy mẹ con giải chiếu ngồi bên bờ sông, nhìn đăm đăm về phía nghĩa địa, nơi chôn Đức, cách đó vài trăm thước. Bà giáo Ích thở dài, nước mắt chảy ròng ròng, làm cho Huyên mủi lòng khóc theo. Liên cúi đầu thở dài, còn Ngọc thì ngơ ngác, rồi ôm lấy lưng Huyên, mếu máo đòi bế vào lòng...

Chiều thứ Sáu, ông giáo Ích chưa đi làm về. Huyên nóng ruột, đi ra cổng lớn, tựa lưng vào một cánh cửa mở, hai tay ôm trên ngực con mèo mướp, mắt đăm đăm nhìn ra đường cái. Huyên hồi hộp chờ bóng chiếc xe hơi đen sắp hiện ra ở đầu đường. Thỉnh thoảng, Huyên ngoái cổ nhìn về phía sông Thương, có dòng nước trong vắt từ từ trôi về đông. Dòng nước in sâu bao kỷ niệm vui buồn, bên mẩu đời non dại của Huyên. Biết bao hình ảnh, âm thanh, mầu sắc, hương vị đầu tiên cứ hiện đến với Huyên, mỗi khi Huyên trông thấy hoặc nghĩ đến con sông đó. Tự nhiên Huyên cảm thấy yêu thương con sông đó vô cùng, như yêu thương một cái gì quí báu lắm, mà Huyên chưa biết rõ. Huyên chỉ mường tượng rằng con sông ấy đang giúp Huyên theo đuổi, xây đắp một chuyện thật lớn... Huyên lẩm bẩm một mình:
- Chuyện gì thế nhỉ? Phải hỏi thầy mới được

(còn tiếp)

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002