Đại Chúng số 55 ngày 1/8/2000

THƯ TÒA SOẠN

Như thông báo của chúng tôi trong số báo 52, chúng tôi đã nổ lực thay đổi khuôn khổ tờ báo để đáp ứng với yêu cầu của quí độc giả, thân hữu, thân chủ và văn thi hữu gần xa. Sự thay đổi nầy, nhằm phục vụ cho tất cả quí vị hữu hiệu hơn nhất là khổ báo nhỏ, gọn dễ vận chuyển đi xa đến các tiểu ban khác. Tuần Báo Ðại Chúng luôn kính trọng và cảm tạ sự quan tâm của quí vị trong suốt thời gian qua. Chúng tôi vẫn hy vọng trong cuộc hành trình mới, quí vị luôn là những người hào hiệp, rộng lượng chia sẽ và giúp đỡ chúng tôi phục vụ quí vị hữu hiệu hơn.

Lá thư toà soạn lại đến với văn thi hữu và tất cả bạn đọc. Mời quí vị điểm qua những bài viết trong tuần vừa qua và trong số báo nầy:

Nhà Văn Thinh Quang gởi đến chúng ta bài "Những Tiến Trình Của Nền Văn Hoá Dân Tộc Chàm". Qua bài viết nầy chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về những dấu tích còn sót lại của một dân tộc đã từng tồn tại trên đất nước ta. Nếu chúng ta đã từng theo dõi và say mê tác phẩm "Nắng Thôn Ðoài" thì cũng trong số báo nầy, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quí vị tác phẩm mới của nhà văn Thinh "Mưa Bên Nầy, Nắng Bên Kia". Ða tạ nhà văn Thinh Quang.

"Nấc Thang Tuyệt Ðỉnh" của nhà văn Ðinh Văn Ngọc không biết có liên quan gì đến "Người Em Sầu Mộng" hay không, nhưng những chi tiết trong tập hồi ký của tác giả đã thật sự gây cho người đọc sự tò mò. Nếu không có tập hồi ký nầy, những người trẻ tuổi Việt Nam trong và ngoài nước sẽ không biết được rằng ngành thể thao của Việt Nam vào cuối thập niên 50 đã mang lại cho đất nước sự vinh quang và niềm kiêu hãnh. Cám ơn nhà văn Ðinh Văn Ngọc đã dành cả cuộc đời, sự nhgiệp của mình để làm rạng rỡ non sông Việt Nam. Nhưng nhớ đừng quên nói cho độc giả biết về những mối tình "lãng mạn" của ông bầu đi chu du khắp thế gian cho bà con thưởng thức. Ða tạ.

Trong số báo vừa qua, giáo sư Ðặng Trần Huân đã gởi đến chúng ta một bài "Dù Lỗi Nhỏ Chẳng Nên Bỏ Qua". Bài viết nầy có giá trị cho tất cả mọi người nhất là những người cầm bút. Trong số báo nầy, Giáo Sư lại gởi đến độc giả bài viết thứ hai "Chủ Nghĩa Bề Bề - Tiếng Xưa" để giới thiệu đến chúng ta nhà văn Ðỗ Ðức Tiến với tập truyện ngắn của ông. Giáo sư cũng đã phân tích khá rõ một vài truyện trong bài viết nầy. Chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó nhà văn Ðỗ Ðức Tiến sẽ tặng riêng cho Tuần Báo Ðại Chúng tập truyện để giới thiệu cùng độc giả gần xa. Xin cảm ơn sự cộng tác của giáo sư.

Mỗi tuần một bài viết và một đề tài khác nhau của Kỹ Sư Sagant Phan đã cung cấp cho độc giả những chân trời mới lạ. Lần nầy xăng lên giá quá xá làm cho ai cũng quan tâm theo dõi và lạy trời, lạy phật cho xăng thiệt là rẻ như bèo để bà con nhờ. Không biết sau khi viết bài "ca con cá" về hảng xăng "Thần Tài chiếu mệnh Exxon", Kỹ sư có được tặng vài ba thùng vàng đen để lấy trớn viết tiếp hôn. Nếu được vậy báo cho chúng tôi biết để chúc mừng. Xin đa tạ những nụ cười dí dỏm trong bài viết của Kỹ sư để người đọc không "bốc hơi" như xăng và ngủ gục li bì.

Giáo Sư Nguyễn Hữu Hiệu đã tiếp tục gởi đến quí độc giả tác phẩm lừng danh "Tiểu Ngư Nữ". Ða tạ Giáo Sư và cầu chúc Giáo Sư và gia quyến luôn bình an, hạnh phúc.

Cụ Mộng Tuyền Nữ Sĩ trong tuần nầy đã trả lời những câu hỏi về bốn mùa Xuân-Hạ- Thu- Ðông cũng như câu chuyện thần thoại nổi tiếng về bốn mùa. Nữ sĩ cũng biết cả về Sao Hạn, câu chuyện Vẽ Rắn Thêm Chân, Quít Hoá Ra Bưởi. Ðặc biệt có bạn đã hỏi về Sự Tích Thành Cổ Loa và Môn Phái Yoga. Không biết đã có độc giả nào gởi thiệp, thư, hay quà nhỏ cảm ơn Nữ Sĩ chưa? Nếu có nhớ báo cho TBÐC biết để đăng báo cho bà con xa gần biết. Ða tạ nữ sĩ. Kính chúc Nữ sĩ dồi dào sức khoẻ.

Lần đầu tiên nhận được bài viết của nhà "Phù Thuỷ" (xin lỗi nếu chúng tôi hơi đùa một tí cho vui và mong muốn biết thêm tông tích của tác giả để tiện xưng hô) Chỉ Nam "Tự Chọn Nhà, Tự Xem Hướng". Bài nầy có thể giúp cho quí vị nào tin tưởng có thể tự mình tìm hiểu địa hình, địa lợi để mua nhà trúng cái hầm rồng mà phát tài. Cám ơn nhà "Phù Thuỷ" Chỉ Nam.

Giáo Sư Vũ Ðức đã trở lại với TBÐC và độc giả bài "Bồ Ðề Lạc Ma". Qua bài viết nầy chúng ta có thể tìm hiểu về chân tướng của con người siêu phàm Tổ Sư Bồ Ðề Ðạt Ma. Cuộc đời của ông bao phủ nhiều huyền thoại kỳ bí và độc đáo đã thật sự đi vào huyền sử và sống mãi trong sự tôn kính cao cả của nhân loại. Chân thành cảm tạ Giáo Sư và mong muốn Giáo Sư sẽ cộng tác lâu dài với TBÐC.

Nhà văn Phạm Thị Quang Ninh đã đến với chúng ta bài viết nói về phụ nữ trong số báo vừa qua "Ðời Sống Phụ Nữ Khắp Nơi". Nếu so sánh phụ nữ của các nước và phụ nữ Việt Nam thì chúng ta có quyền hãnh diện vì đã làm tròn bổn phận một người vợ hiền, thuỷ chung, son sắc. Một người mẹ yêu chồng thương con hơn cả bản thân mình. Xin nói cho mấy đấng mày râu biết: quí vị là những người may mắn nhất thế gian vì có vợ Việt Nam. Vậy sợ vợ mới anh hùng. Ðừng có lo. Nữ sĩ cũng tặng cho quí bà quí cô một bài viết vui vui "Một Chuyện Giải Trí" để nhắc chúng ta rằng "ÐỪNG THẤY GIÀU MÀ HAM". Thành thật cảm ơn nhà văn Phạm Thị Quang Ninh.

Thưa nhà báo nhà, bình luận Trần Bình Nam, trong số báo tuần rồi TBÐC đâu có quên nhà báo, nhưng không biết tại lúc lên khuôn vô tình hay cố ý mà phần viết cho nhà báo "bị gió cuốn đi mất tiêu". Vậy là lần nầy phải hì hà, hì hục viết lại mà còn ráng o bế để nhà báo mát lòng, mát dạ. Bài bình luận vừa qua rất hay. Nó không chỉ vạch ra cho người đọc hiểu rõ thêm về sự ranh mãnh của nhà lãnh đạo CS Kim Chính Nhật mà còn đánh động lương tâm con người về lòng vị tha, hào hiệp của vị lãnh tụ hiền hoà, nhân hậu Kim Ðại Trọng. Ông đã lấy tình yêu quê hương, tình người cùng chung một dòng máu để nối lại những đau đớn, mất mát của một dân tộc bị chia cắt. Trông người mà nghĩ đến ta. Xin đa tạ nhà báo Trần Bình Nam.

Nhà thơ "lí lắc"- Tú Lắc lại tặng cho TBÐC bài thơ "châm ngôn" Mách Nghề. Dạ thưa nhà thơ, nhà thơ mách một nghề mà ai cũng vui hết trơn. Nếu không có cái áo thụng rộng tay thì "thi nhân, nữ sĩ sẽ buồn muôn năm. Buồn không còn đỡ, nhiều khi còn tịt ngòi luôn hết viết. Tại sao? Vì viết văn, làm thơ không có một tí tiền còm bỏ túi. Ðói dài râu luôn. Thôi thì vái nhau một tí cho đời bớt khổ và bớt cô đơn. Nhiều đọc giả thích bài thơ nầy lắm. Xin đa tạ tình cảm của nhà thơ dành cho TBÐC.

Trăng, thơ, tình yêu là nguồn cảm hứng vô tận của hầu hết các thi sĩ, nhà văn nhà thơ từ cổ chí kim. Và đó cũng là chất liệu trong thơ của nhà thơ nữ Cung diễm. Những bài thơ tình của bà thường ngọt ngào mát rượi như bài "Dưới Bóng Trăng Vàng" đăng trong số báo tuần qua. Chân thành cảm tạ nhà thơ Cung Diễm.

TBÐC cũng nhận được bài thơ mới của nhà thơ Hà Huyền Chi. Bài thơ mang tên "Chiếc Bánh Vẽ". Cũng từ chiếc bánh nầy mà vận mệnh của dân tộc đã thay đổi tận gốc rễ về đạo đức, nhân phẩm, giá trị con người. Cũng từ "Chiếc Bánh Vẽ" cả dân tộc muôn đời đói rét trong rơm rạ và cứ mơ hoài chiếc bánh hư vô. TBÐC rất cảm ơn sự cộng tác của tác giả. Mong sẽ nhận được những bài thơ mới.

Nguyễn Hữu Nghĩa có phải là nhạc sĩ có mặt thường xuyên trên báo Phố Nhỏ không vậy kìa. Ôi! Người bạn chuyển E-mail luôn luôn để cho chúng tôi đoán mò về vị trí, vai vế, tên gọi quan trọng của các văn thi hữu. Thôi thì xin kính chào bạn Nguyễn Hữu Nghĩa vậy. Nội dung của bài "Nhận Ðịnh Về Thương Ước Việt Mỹ" đã mở rộng tầm nhìn cho tất cả chúng ta hiểu sâu thêm về những nguyên nhân quan trọng mà Mỹ đã ký thương ước mậu dịch với Việt Nam. Cảm ơn sự cộng tác của Nguyễn Hữu Nghĩa. TBÐC rất hoan hỉ khi có sự cộng tác của bạn.

Từ lâu, Giáo Sư Ðào Văn Vinh đã xuất hiện trên TBÐC như một người bạn thân tình. Trong số báo nầy Giáo Sư đã đánh một tiếng chuông báo động với chúng ta về giới trẻ qua bài "Giới Trẻ Việt Nam Trong Mê Lộ - Nước Mỹ Sẽ Ði Về Ðâu?". Trách nhiệm của chúng ta cũng như chính phủ Hoa Kỳ là cần phải quan tâm đến vấn đề giáo dục thanh thiếu niên, nhất là đạo đức và văn hoá. Sự quan tâm giáo dục đến con cái là một vấn đề thiết yếu và quan trọng hơn là kiếm ra tiền. Ða tạ Giáo Sư đã gởi đến TBÐC một bài viết có ý nghĩa thiết thực trong đời sống mà nhiều người hiện nay vẫn tôn thờ chủ nghĩa "đồng tiền" hơn tình thương và sự quan tâm lẫn nhau.

Chúng tôi cũng nhận được hai chùm thơ của nhà thơ Vĩnh Liêm trích trong thi tập "Thăng Hoa" và "Tị Nạn Trường Ca". Hai chùm thơ nầy bộc lộ rõ suy tư, trăn rở của nhà thơ đối với tổ quốc Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy tâm tư tình cảm của chính mình trong những bài thơ của anh là nỗi đau của một đời tị nạn. Còn lại chút gì cho mình, cho em, cho con, cho mẹ cha, cho bạn bè. những tháng ngày để nhớ để quên. Hy vọng những tập thơ của anh sẽ được ra mắt độc giả trong một ngày gần đây nhất. Vì nhận bài quá trễ, chúng tôi sẽ đăng tải trong số báo tới. Chúc nhà thơ luôn bình an, may mắn. Ða tạ.

Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành và hạnh phúc.

Tuần Báo Ðại Chúng

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002