Đại Chúng số 55 ngày 1/8/2000

Hồi ký 20 năm thăng trầm

NẤC THANG TUYỆT ÐỈNH

Ðinh Văn Ngọc

(tiếp theo kỳ trước)

Sau khi đoàn bóng bàn Việt Nam đánh thắng đoàn bóng bàn vô địch Nhật Mai Văn Hòa Ðại Diện Việt Nam nhận lãnh huy chương vàng vô địch Á Vận Hội năm 1958 tại Tokyo. Trước sự chiến thắng của đoàn tuyển thủ bóng bàn trong giải Á Vận Hội kỳ 3 đánh bại các danh thủ Nhật Bản ngay trên đất nước họ khiến cho giới hâm mộ không khỏi bàng hoàng sảng sốt.

Ðó là năm 1958 -năm của đoàn tuyển thủ Việt Nam đã đạt được đến nấc thang danh vọng tuyệt đỉnh đem lại những nét son vàng về cho đất nước.

Lần tổ chức Á Vận Hội kỳ 3 này tại Ðông Kinh được xem là quy mô nhất của Châu Á. Các giới hâm mộ thể thao trên khắp thế giới đều đặc biệt theo dõi diẽn tiến của các trận đấu trên màn ảnh truyền hình hoặc lắng nghe những bài tường thuật trên các làn song phát thanh được truyền đi cùng khắp. Rõ ràng là không ai tiên liệu được sự chiến thắng của một đoàn tuyển thủ phát xuất từ một đất nước luôn luôn bị chìm đắm trong khói lửa giữa cuộc chiến "cốt nhục tương tàn", lại đánh bạt được tay vợt vô địch thế giới ngay tại xứ sở của con cháu Minh Trị Thiên Hoàng.

Một hình ảnh khiến tôi vừa thật mừng rỡ mà cũng vừa thật bùi ngùi xúc động là sau cú dứt điểm cuối cùng thập phần ngoạn mục của Mai Văn Hòa khiến Tanaka - đương kiêm vô địch thế giới - phải sững sờ buông vợt chạy đến ôm mẹ khóc ròng giữa lúc cả đấu trường đều im phăng phắc. Hình ảnh ấy làm sao tôi quên được?!

Trước ngàykhai mạc Á Vận Hội kỳ 3 ban tổ chức đã mời các phái đoàn kể cả các ký giả trong cũng như ngoài nước đến dự buổi tiếp tân.

Trong tập hồi ký "Tôi Làm Ký Giả Thể Thao" của Huyền Vũ có mô tả khung cảnh cũng như tường thuật một phần về các nghi lễ của buổi tiếp tân này như sau: ".Những ngôi chòi nho nhỏ được dựng lên trong dịp này. Mỗi ngôi chòi có một thiếu nữ mặc y phục Nhật (Kimono) trông nom, cung cấp thức ăn nóng riêng biệt."

Phần quan trọng của buổi tiếp tân là "Lễ uống trà", người Nhật rất hãnh diện. Tuy tiếng gọi là buổi lễ nhưng không có nghi thức ruờm rà. Nước đun sôi để sẵn trên lò, khách được hướng dẫn để múc nước pha vào loại chén lớn bằng sứ, dùng chất trà xanh nghiền nát. Nước trà màu xanh lá cây hương vị nhàn nhạt không giống trà Tàu." (tranh 55)

Tôi sực nhớ đến danh từ "Trà Ðạo" mà Thinh Quang có lần đề cập đến trong khi dùng trà tại tư thất của cụ Trần Văn Hanh, quản nhiệm nhật báo Dân Báo dạo nào. Hôm ấy có cả cụ Bút Trà, chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn Mới, anh Tế Xuyên và cả Nguyễn Ang Ca nữa. Trà được đưa từ Trung Hoa vào đất Nhật và người dân bản xứ xem nó như là dược phẩm. Người Nhật gọi là "Trà Ðạo" là "Chado". Vào gần cuối thế kỷ XIV mới bắt đầu thông dụng. Hầu hết đệ tử môn phái Zen đều dùng trà để giữ cho tinh thần được sáng suốt khi ngồi hàng mấy giờ liền để "thiền định". Nhưng mãi đến thế kỷ XVI mới được qui định rõ rệt về nghi thức dùng trà. Mục đích của trà đạo là làm cho thỏa mãn đời sống tinh thần tạo điều kiện thích ứng để làm cho tâm hồn được trong sạch và giúp cho những kẻ "trần tục" quên đi cái thế sự nặng mùi ô trọc.

Không phải chỉ môn phái Zen mới có chuyện "Trà Ðạo" mà luôn cà các môn đồ phái Samourai cũng vậy. Quan niệm của môn đồ này cho Trà Ðạo là một yếu tố cần thiết giúp cho họ thêm đức tính kiên nhẫn và trầm tĩnh hơn.

Dân chúng Nhật xem chuyện dùng trà là rất cần thiết mà "Trà Ðạo" là một "nghệ thuật nhân sinh". Trà giúp con người cảm thấy tâm tư mình nhẹ nhõm để hòa hợp với cảnh thái thiên nhiên và có những giây phút như mình đang phiêu diêu nơi cõi mông lung diệu vợi nào.

Khung cảnh dùng trà hôm nay thật trang nghiêm trong một ngôi chòi không lớn không nhỏ và cũng chẳng cầu kỳ nhưng lại vô cùng trang nhã. Dưới sàn được trải chiếu Tatami. Tường treo tranh thủy mạc. Các chén trà bằng sứ được vẽ những hình ảnh hoa mỹ. Ngay giữa bàn là một lọ hoa được cắm một cách thật nghệ thuật bởi bàn tay của mỹ nhân nào đó. Nhiều ngôi chòi được dựng lên như vậy trong một khu vườn tuyệt vời. Bên ngoài là những hòn giả sơn nằm giữa các hồ nước trong xanh tươi mát. Bây giờ tôi mới lưu ý từ cổng dẫn vào là một con đường mòn có hai hàng cây lá rũ, buông lững lơ như mái tóc của những nàng khuê nữ.

Năm 1943 sau khi Nhật đảo chính Pháp chiếm toàn cõi Ðông Dương, phong trào Ducoroi bị sụp đổ hoàn toàn. Rồi tiếp đến năm 1945 Nhật đầu hàng Ðồng Minh. Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền, nền thể thao lúc bấy giờ hầu như không còn là một hứng thú trong quần chúng nữa. Hơi hám chính trị bắt đầu xâm nhập vào các bộ môn thể thao, thể dục hơn là được khuyến khích để được phát triển về mặt nghệ thuật. Do đó mà phong trào thể thao xuống dốc một cách thảm hại nhất vào những năm 46, 47, 48.

Năm 1948 Haguenaver, đương kim vô địch bóng bàn Pháp cùng với cây vợt số 2 Amouretti được đưa sang Sài Gòn đấu giao hữu. Lê Văn Inh đã viết về các cuộc so tài này có những đoạn như sau: ".Những trận thi đấu quốc tế rất ngoạn mục, bổ ích và nhận xét rằng kỹ thuật bóng bàn của họ tuyệt diệu, bỏ xa các "danh thủ" của ta. Sự thật tài nghệ của họ lúc đó có làm bàng hoàng nhiều danh thủ của ta nhờ những đường bóng tấn công tới tấp, chuẩn xác và mạnh. Tuy nhiên các tay vợt của ta cũng không phải là bó tay hoàn toàn, vì lối cắt bóng thủ kiên trì, tay vợt Mai Văn Hòa đã thắng cây vợt số 2 Amouretti một trận với tỉ số 3/2. Có lẽ phần nào nhờ chiến thắng này mà chính phủ Pháp tài trợ cho đoàn bóng bàn Việt Nam tham dự Giải Vô Ðịch Thế Giới lần thứ 17 tại Pudapest (Hungary) cũng nên."

(Cách mười năm về sau, trong giải vô địch bóng bàn thế giới tại Dortmund, nhà dìu dắt Pháp qua sự trung gian của đấu thủ Trần Văn Liễu, xin tôi nhường cho một hai trận đừng thắng quá đậm tỷ số 5/0. Nhưng tôi đã từ chối, lý do không thể nhường nhau trong trận chính thức tôi sẽ nói rõ mẫu chuyện này về sau trong các trận tranh giải rõ ràng hơn.)

các năm 1950, 51, 52 và 53 tôi liên tục giúp đỡ xây dựng nền bóng bàn nhưng mãi đến năm 1954 mới chính thức làm Chủ Tịch Liên Ðoàn Bóng Bàn Nam Việt . tuy năm 1953 trong giải Tranh Vô Ðịch Kỳ 2 tại Á Châu, Mai Văn Hòa đã oanh liệt đoạt giải vô địch đơn nam Á Châu và đôi nam khi đứng chung với Trần Cảnh Ðược tự Ðức, nhưng tôi xét thấy cần phải trau dồi thêm tài nghệ cho tất cả các cây vợt triển vọng đang lên hầu để có dịp đi tranh tài quốc tế sau này.Vì vậy tôi không ngần ngại tốn kém mời các cây vợt nhà nghề do danh vợt Tiết Thủy Sơ vô địch Hong Kong lãnh đạo. Trong phái đoàn được đưa sang gồm có nhiều cựu vô địch như Fugie Nhật Bản, Lưu Ðức Phương Ðài Loan.

trong mục "Ðiểm lại nền thể thao của đất nước" ký giả Mông Ðại đăng tải ở báo Trường Sơn (Ðà Nẵng) có đề cập đến vấn đề này. "Nhờ có sự tận tâm phục vụ và không ngại tốn kém không ít của ong "Bầu Ngọc" đã đưa bộ môn bóng bàn Việt Nam đến nấc thang danh vọng vào năm 1958.

Ông đã mời được các hảo thủ như Leach của Anh Cát Lợi, Lưu Ðức Phương Ðài Loan, Fugie Nhật Bản, Lý Quốc Ðịnh, Châu Lăng Tung, Bukiet, Cartland của Mỹ.để đánh giao hữu nhờ vậy mà các danh thủ của ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm hữu ích và trở thành những mũi tên bén nhọn đánh gục được các danh vợt của xứ sở Hoa Anh Ðào vào năm 1958. Quả ông Ðinh Văn Ngọc xứng đáng với danh xưng là một nhà Mạnh Thường Quân hào phóng đầy nhiệt tình với nền thể thao của đất nước." (Mộng Ðài - Tuần Báo Trường Sơn Ðà Nẵng số 74 năm 1973 - Mục "Ðiểm Lại Nền Thể Thao của Ðất Nước".)

Mặt trời của nền bóng bàn thế giới vào tay các danh thủ của xứ sở Hoa Anh Ðào bỗng dưng tắt lịm vào năm 1958. Lần ấy cả cầu trường chen chúc nhau với số lượng 30.000 khán giả. Người ta còn nhận thấy trên khán đài danh dự có cả Ðông Cung Thái Tử đại diện cho Nhật Hoàng đến tham dự.

Ðội tuyển thủ bóng bàn do chính tôi lãnh đạo gốm có Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Ðược, Trần Văn Liễu và Lê Văn Tiết một mầm non mà giới hâm mộ đặt kỳ vọng. Quả thật vè sau này trong trận tranh Giải Vô Ðịch Thế Giới tại Dormund (Tây Ðức) vào năm 1959, Tiết được xếp vào hạng 6 trong khi Mai Văn Hòa ở vào hàng thứ 12 của Thế giới.

Trong giải Á Vận Hội Kỳ 3 (Asian Games III) tổ chức tại Ðông Kinh vào năm 1958, đoàn tuyển thủ Việt Nam tranh 3 giải đồng đội, nam đôi và đơn nam với các quốc gia Nhật là đội chủ nhà, Hong Kong, Ðài Loan, Phillippine, Thái Lan, Singapore, Ðại Hàn và Iran.

Theo bản ghi nhận khá đầy đủ của tay vợt quốc tế Lê Văn Inh như sau: ".Vận động hội Châu Á gọi tắt là Á Vận Hội (Asian Games) lần đầu tiên được tổ chức ở New Delhi, Ấn Ðộ năm 1951, nhưng mãi cho đến năm 1958, Nhật Bản tổ chức Á Vận Hội lần thứ 3 tại Tokyo mới đưa bộ môn bóng bàn vào chương trình thi đấu, vì thời gian này Nhật bản đang giữ chiếc ngai vàng bóng bàn thế giới. Từ đó đếnnay đã qua 32 năm làng bóng bàn Việt Nam từng có mặt trong 6 kỳ tranh tài, đã đem về cho nước nhà 2 huy chương vàng, 3 huy chương đồng.

ASIAN GAMES III - TOKYO (NHẬT BẢN) 1958

Việt Nam tham dự với 5 tuyển thủ Lê Văn Tiết, vô địch quốc gia, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Ðức, Trần Văn Liễu và Nguyễn Kim Hằng để tranh 3 giải, đồng đội,đôi nam và đơn nam. Trận chung kết chúng ta gặp Nhật Bản (đương kim vô địch thế giới trong 6 năm liên tiếp). Trận đấu bắt đầu lúc 19 giờ ngày 27 - 5 - 1958.

Nhật Bản đưa ra đội bóng hùng mạnh nhất, gồm có Tanaka đương kim vô địch thế giới. Tsunoka hạng nhì Nhật Bản. Còn tay vợt vô địch Nhật không được sắp vào đội hình vì cầm vợt ngang giống Việt Nam. Thành phần của ta gồm có, Lê Văn Tiết chủ lực. Mai Văn Hòa tiên phong. Trần Cảnh Dược kết thúc. Kết quả các trận đấu như sau:

Trận 1 - Hòa thắng Tsunoka 2/1 (21 - 14 , 14 - 21, 21 - 19).

Trận 2 - Ðược thua Ogimura 0/2 (11 - 21, 17 - 21).

Trận 3 - Tiết thắng Tanaka 2/0 (21 - 19, 21 - 18).

Trận 4 - Hòa thua Ogimura 1/2 (21 - 12, 15 - 21, 17 - 21).

Trận đấu thứ tư chấm dứt với tỷ số 2/2 đã làm cho đoàn ta phấn khởi thêm vì Nhật dự kiến thắng Việt Nam 5/1 hoặc 5/2 trong khi các tuyển thủ Nhật bắt đầu lung lạc tinh thần.

Trận 5 - Tiết thắng Tsunoka 2/0 (21 - 6, 21- 11).

Trận 6 -Ðược thắng Tanaka 2/0 (21 - 15, 21- 17).

Trận 7 - Tiết thua Ogimura 0/2(11- 21, 16 - 21).

Trận 8 - Hòa thắng Tanaka 2/0 (21 - 17, 21 - 18).

Sau trận thắng này tỷ số nâng lên 5/3, cũng là tỷ số chung cuộc, mang về cho Việt Nam chiếc Huy Chương Vàng đồng đội đầu tiên trong lịch sử nước ta. Ba trận thắng của Nhật Bản đều do công của cây vợt số 2 thế giới. Ogimura là một tay vợt đầy kinh nghiệm như Mai Văn Hòa của Việt Nam chúng ta. Sau quả bóng cuối cùng thua trận, nhà vô địch thế giới Tanaka đã buông vợt chạy lại ôm mẹ khóc ròng. Lúc đó là 22 giờ 40.

Một nhà báo Nhật đã viết về sự chiến thắng này cho đó là một biến cố trong lịch sử thể thao Nhật. Thất bại trước đoàn tuyển thủ Việt Nam đã khiến cho toàn thể dân Nhật đau lòng nhất là cuộc diện đã xảy ra tại đất nước Phù Sa.

Sau đó Mai Văn Hòa - Trần Cảnh Ðược trong trận đánh đôi với cặp Li Kou Tin - vô địch đơn nam của giải này đứng chung với Sen Long Shung (Ðài Loan) thắng với tỷ số 3/1 ở vòng chung kết mang lại cho Việt Nam một huy chương vàng thứ hai. Ðồng thời Tiết và Liễu đoạt huy chương đồng đôi nam.

Dân chúng Sài Gòn được nghe phóng viên Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh từ đấu trường tại Ðông Kinh về với tất cả niềm vui dạt dào khó tả.

Trong bài "Ðiểm lại nền thể thao của đất nước" của Mộng Ðài có đoạn: "Mặt trời lặn ở phương Ðông, mọc ở phương Nam" ngay khi Tanaka buông vợt khóc ròng và Ðông Kinh Thái Tử đại diện Nhật hoàng bỏ đứng dậy ra về. quên cả mọi nghi lễ cần thiết sau trận tranh tài Á vận".

(Mộng Ðài - Tuần báo Trường Sơn, số 74 năm 1972)

tôi xin ghi thêm đoạn này cho rõ thể thức giải đồng đội nam theo cách Swaythling. Theo phương thức này thì gồm có 9 trận đơn, mỗi đội đưa ra 3 đấu thủ, đội nào thắng được 5 trận thì đội đó được xem là thắng cuộc.

Sau khi chiến thắng anh em được nghỉ xả hơi. Tôi bỗng sực nhớ hình ảnh của một ca sĩ Nhật mà Huyền Vũ đã gọi là "Ca Sĩ Nắng Chiều". Xin trích đăng lại đoạn này do anh Huyền Vũ viết nơi tập hồi ký "Tôi Làm Ký Giả Thể Thao": "Thời gian phái đoàn lực sĩ Việt Nam lưu lại Ðông Kinh, cô ca sĩ Nhật của hãng đĩa Columbia thường đến thăm. Chúng tôi mệnh danh cô là cô ca sĩ "Nắng Chiều". Cô này quen với anh Ngọc trưởng đoàn. Sở dĩ có mệnh danh này là vì đã có thời khoảng cô sang Sài Gòn và đã ca bản "Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn trên đài Quân Ðội bằng tiếng Việt. Tuy không nói được tiếng Việt song cô rất có cảm tình với Việt Nam. Ðược biết Việt Nam có phái đoàn tham dự Á Vận Hội nên cô đến thăm.

Một hôm nhằm ngày nghỉ thi đua, cô đến theo lời mời, để hướng dẫn một số anh em đi phố. Sang Sài Gòn cô rất thích lối y phục của phụ nữ Việt Nam nên đã mang về Nhật mấy bộ và đã vào phòng phụ nữ của một hiệu buôn thay y phục. Lúc trở ra cô biến thành một thiếu nữ Việt Nam, gây ngạc nhiên cho anh em. Cô dặn các bạn:

_ Nhớ đừng nói tiếng Việt với tôi. Không khéo bị lộ tẩy mất.

Thật vậy nếu không có sự căn dặn cẩn thận, chúng tôi chỉ cần sơ ý một chút nói đùa vài ba câu bằng tiếng Việt trước mắt người bản xứ, chắc chắn thế nào nàng cũng bị lộ tẩy với sự tấn công đột ngột này. Tuy nhiên vẫn có một số đông trong giới ham mộ ca nhạc Nhật Bản có linh cảm là dường như họ đã gặp "nàng nữ đấu thủ" Việt Nam này ở một nơi nào đó nhiều lần rồi. Trên mặt họ trông có vẻ suy tư.

Chúng tôi thấy rõ điều này nhìn nhau mĩm cười. Hôm ấy quả là một ngày thật đẹp.

Ký giả báo Asahi Shimun là một trong hai tờ đại nhật báo ở Tokyo ngỏ ý được phỏng vấn chúng tôi tại một nhà hàng ăn nổi tiếng của Nhật. Tất nhiên cuộc phỏng vấn không ngoài vấn đề tranh giải Á Vận Hội kỳ 3 mà chúng tôi là người chiến thắng.

Sau cuộc phỏng vấn chụp hình đăng báo và để lưu niệm, ký giả báo này mời chúng tôi dùng tiệc với món ăn "cá sống". Anh em trong đoàn có vẻ ngần ngại chỉ riêng có tôi lộ hẳn vẻ thích thú ra mặt.

Thật ra việc ăn cá sống không riêng gì người ngoại quốc mới ghê tởm mà ngay cả dân bản xứ cũng còn một số không ít chưa ăn quen nên cảm thấy còn lờm lợm với món ăn sinh cầm này.

Ngày nay việc ăn cá sống đã trở thành cái mode như thời trang trong vấn đề may mặc. Tatsou Saegusa - một trong những thành viên của hiệp hội Nhật quy tụ được khá nhiều nhà hàng ăn cá sống giải thích đây là một hiện tượng thiên nhiên, hợp với khẩu vị và tăng cường sinh lực. Những người giàu có thường chú trọng về khoản chi tiêu cho vấn đề ẩm thực như kiểu này.

Mấy cô nàng phục viên mặc toàn trắng tuổi từ 19 - 20 trông này nào cũng đẹp, nàng nào cũng thùy mị, duyên dáng. Các nàng mang ra những đĩa cá tươi thái mỏng óng a óng ánh đủ màu sắc đặt trước một chúng tôi với một vắt cơm trắng.

Tội nghiệp cho mấy anh em trong đoàn, từ Huyền Vũ, Chu Văn Sáng đến Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết rồi Liễu, rồi Ðược v.v. anh chàng nào cũng như con mèo sũng nước đưa mắt nhìn nhau tỏ vẻ lo sợ. Nhất là Huyền Vũ nổi tiếng là có giọng truyền cảm mỗi khi tường thuật các trận đấu bóng tròn làm nghẹt thở cho cả nước, giờ đây trông đến tội nghiệp. Anh rón rén nhúm từng lát cá tươi kèm với cơm đoạn nhúng vào chén nước chấm có trộn với mấy lát củ cải trắng được thái mỏng sẽ sàng bỏ vào miệng "ngậm nghe". Trong lúc đó thì tôi ung dung ăn một cách ngon lành. Thỉnh thoảng còn nâng chung ruợu Sake đáp lại lời mời của anh chàng ký giả Asahi Shimun rồi khà ra một tiếng dài có thể làm "mát lòng mát dạ" các tay bợm nhậu lúc bấy giờ. Có lẽ cái lối uống trông thật sành này các tôi khiến anh ký giả Asahi Shimun kia đưa ngón tay cái lên rồi nói một tràng tiếng Nhật dài. Tuy tôi không hiểu anh ta nói gì, song có thể là:

_ Có thế chứ! Ông bạn quả xứng đáng là tay bợm nhậu!

"Sinh cầm" là một món ăn đặc biệt của người Nhật ngày nay. Có lần tôi được cô Kimwa, một nữ sinh có hai dòng máu Việt - Nhật đưa đến khu Ghinza và giới thiệu tôi với song thân nàng. Ông Okyno - thân phụ nàng, trước kia là một sĩ quan ngành mật mã từng sang Ðông Dương trong cuộc thế chiến thứ hai. Hai ông bà gặp nhau tại Tourane, một quân cảng khá quan trọng lúc bấy giờ ở Trung Việt, yêu nhau và lấy nhau. Nàng là con thứ ba và cũng là người con gái duy nhất trong số 5 người con của hai ông bà sinh hạ.

Nhờ cuộc gặp gỡ này tôi được cô Kimwa nói đến cái thú đánh bài bằng thơ mà người Nhật gọi là "Utagaruta", có nghĩa dở đôi ba câu thơ trong tập "Bách Nhân Nhất Thủ" mà người Nhật gọi là Hyakumin Isshu. Theo tập "Văn Hóa Ðông Phương" của Thinh Quang thì "Bách Nhân Nhất Thủ" được soạn ra từ năm 1235 gồm 100 bài của 100 tác giả khác nhau vào đầu thế kỷ thứ 12. Thơ được làm theo thể "Tanka" tức Ðoản Ca. Người chơi "Cờ Cột bài" đòi hỏi phải thuộc tất cả 100 bài thơ đó để đọc tiếp các câu còn lại mỗi lần lật ra từ trong quân bài v.v. Bài bên dưới đây là một "Tanka" trong "Bách Nhân Bách Thủ":

Nagakarau

Kokoro mo shirazu

Kurakami no

Midarete kesa wa

Mono koso omoe

Có nghĩa:

Anh đến với em thật lòng

Nhưng nào đâu có biết

Buổi sáng anh bỏ ra đi

Tóc em rối bời

Lòng em buồn dã dượi! Anh ơi .

Hôm ấy sau buổi tiệc ăn món "Sinh Cầm" anh em trong đoàn đi bát phố, tôi lững thững đến nhà hàng ca sĩ "Nắng Chiều" để nhờ mua một ít đồ dùng chuyện Nguyễn Ang Ca.

Nhờ có cuộc tái ngộ này tôi mới biết nàng không chỉ thuần là một ca sĩ có giọng hát hay, một khuôn mặt xinh đẹp như đóa hoa Anh Ðào mà la một cô gái có tầm kến thức sâu rộng. Nàng cũng còn là một nhạc sĩ tài ba từng được vời vào Hoàng Cung trong những dịp lễ lạc và gần đây nhất là ngày "Thượng Thọ" của Thiên Hoàng. Nàng chuyện tôi thưởng thức tài nghệ thổi sáo Kanggen tức Quản Huyền hay thổi sáo Long Ðịch gọi là Ryoteki gồm 7 lỗ. Nàng cũng thổi được các loại sáo "Tất Lật" mà người Trung Hoa gọi là Pili. Nàng tỏ ra sành sõi về nhã nhạc tức Gagaku ma Trung Hoa gọi là Ya Yue du nhập vào triều đại vua Nara thuộc thể kỷ thứ 8 đời nhà Ðường bên Tàu.

Nàng có một căn phòng riêng trong đó đủ các dụng cụ thể thao và một bàn "pingpong". Cạnh đó là một phòng đọc sách, đủ các loại Nhật, Tàu, Anh, Pháp, . nàng nói tiếng Pháp rất sõi. Nhờ vậy mà tôi với nàng dễ thông cảm nhau và thân nhau. Nàng ca tụng Unichiro Tanizaki - nhà văn nổi tiếng của Nhật đã một thời bị quên lãng. Nàng đã từng gặp gỡ nhà văn Tanizaki tại một làng xa xôi hẻo lánh cách Tokyo đến hàng trăm dặm nơi thiên nhiên còn ở lại với con người. Trong các tác phẩm của Tanizaki nàng thích nhất Sasameyki tạm dịch là Tuyết Nhẹ, nhưng không hiểu vì sao mà dịch giả Georges Remondeau lại dịch là "Les Quatres Soeurs" có lẽ theo nội dung của cốt truyện.

Ðó là tập tiểu thuyết nói về bốn chị em kia thuộc giòng trâm anh thế phiệt ở Osaka và học được giáo dục theo truyền thống Nhật. Nhưng rồi cô gái áo út có tên Tae Ko đã gây một scandal về mối tình vụng trộm khiến cho cái thế phiệt trâm anh kia bị vết nhơ xâm phạm vào. Rồi tiếp đến cô nàng gái út Yukiko trở chứng không chịu lấy chồng, cứ chạy đua theo nếp sống "tự do thoải mái" đạp lên dư luận mà đi.

Thế rồi . cái gia đình trâm anh thế phiệt này cứ mỗi ngày một sa sút tàn lụi dần, nhưng trước khi để cái thế phiệt rẫy chết họ cũng cố gắng cưới cho cô con gái út tấm chồng để giữ tròn được thể diện.

Trong truyện Sasameyki nhà văn được tôn sùng như Á thánh thường xử dụng các từ như "tệ nạn" hay "khốn kiếp" khiến tôi nhớ lại cái từ "lilliput" của nhà văn nổi tiếng người Anh Swift Jonathan trong tác phẩm "Những cuộc phiêu lưu của Gulliver trong các quốc gia kỳ lạ". Từ "lilliput" la một danh từ được xử dụng đầu tiên chưa từng có trong tự điển bao giờ! Mãi đến nay các nhà Ngôn ngữ học vẫn còn đang trong vòng tranh luận về cội nguồn của từ ngữ lạ lùng này. Cuối cùng vẫn là để tạm thời kết luận "lilliput" là "thói xấu" là "tệ nạn" chỉ cho những hành động xấu xa như gia đình của bốn chị em gái nhà kia!

Nàng ca sĩ Nắng Chiều còn là một nhà phê bình sâu sắc nữa. Theo nàng thì ta có thể nhìn trình độ cũng như tư cách của người cầm bút qua lời lẽ văn chương của họ. Người ta có thể đánh giá họ qua bài viết và lối xử dụng các từ ngữ với ý đồ nào đó. Báo chí cũng như sách vỡ Nhật ít khi có chuyện dùng đến những từ khiếm nhã để biếm nhẽ hoặc mĩa mai ai. Như các danh từ "bọn", "chúng" áp dụng đối với cá nhân hay dân tộc khác có tính kỳ thị hoặc để trả thù hoặc để chuyện hả cơn giận về sự thua sút của mình hay gì gì đó . ít xuất hiện trên báo chí hay sách vở Nhật.

Theo nàng những người cầm bút phải biết chấp nhận lời lẽ chỉ trích một cách khiêm tốn. Nàng bảo Jean Paul Sartre nói đúng. Người khiêm tốn phải là người thờ ơ với những lời khen, mà là người chăm chú nghe những lời chỉ trích.

Tôi hỏi nàng có viết lách không? Nàng lắc đầu nguầy nguậy và bảo là chưa làm việc lớn đó. "Tôi chỉ là con lạc đà, con "camel" của Mỹ nó khó khơi động. Nhưng nếu rủi ro nó đã nhập cuộc rồi thì khó lòng mà bắt nó dừng lại được."

Theo nàng các ca sĩ sẽ được nhiều người biết nếu họ hát hay. Cũng như giới thể thao sẽ được lắm người ngưỡng mộ nếu họ đánh gục được đối thủ. Còn văn chương ít ai biết đến vì còn tùy thuộc vào ý kiến người khác. Mãi đến bây giờ đã hơn một phần ba thế kỷ tôi mới cảm nhận được cái phi thường của nàng. Bà Joyce Carol Oates la một cây bút đa dạng: tiểu thuyết, thơ, lý luận phê bình có bút hiệu Rosamond Smith. Bà là giáo sư văn chương của đại học Princeton dành được nhiều giải thưởng về văn học. Bà cảm thấy có những bất công về công việc làm văn hóa đã phát biểu về quan niệm này: "Tôi không tin có sự tương quan giữa nhà văn chân chính với các giải thưởng. Ðó chẳng phải là thể thao. Trong thể thao người ta biết ai là người giỏi nhất. Trong văn học, tất cả tùy thuộc vào ý kiến của kẻ khác.

Trước khi ra về, tôi mời nàng sang Sài Gòn. Nàng không đáp lại chỉ tiễn chân tôi ra cửa. Trước khi đi, tôi nhắc lại một lần nữa. Nàng mĩm cười khẽ bảo "Anh có nhớ J. Jacques Rousseau nói không? Ông ta bảo rằng kẻ nào hứa chậm, kẻ ấy luôn luôn giữ lời hứa".

Nhưng hỡi ơi! Kẻ không giữ được lời lại là tôi . bởi vì sau đó khi trở về Sài Gòn, tôi bắt đầu bị bóng ma đuổi bắt.

(còn tiếp)

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002