Đại Chúng số 55 ngày 1/8/2000

Lần giở trước đèn

Ðặng Trần Huân

TIẾNG XƯA

Tập truyện "Tiếng Xưa" của Ðỗ Tiến Ðức không hẳn là truyện ngắn vì có truyện dài đến trên 80 trang. Cuốn sách gồm sáu truyện Bên Kia Sông, An Nhi, Một Tiếng Em, Ngàn Thương, Im Lặng Của Lửa và Tiếng Xưa.

Là một đạo diễn diện ảnh lâu năm Ðỗ Tiến Ðức triệt để mang điện ảnh vào tất cả truyện của ông với những hư cấu pha tình tiết thời sự. Ta thử nhận xét hai truyện chính.

Im Lặng Của Lửa mở đầu với bản tin ngoại quốc đánh đi từ Hà Nội về một cựu nghị sĩ VNCH từ Mỹ về tự thiêu tại đây gây tò mò cho độc giả về thái độ lạ lùng của người xấu số. Nhưng tác giả không để cho độc giả biết ngay câu truyện mà chờ đến 49 ngày sau cái chết của nghị sĩ Hoàng Hải nhân vật xưng tôi là một nhà báo mới viết một bản tin ngắn về ngày tứ cửu này và phải một năm nữa nhân vật tôi mới gặp người tình của ông Hoàng Hải và khúc mắc mới kể ra.

Ông Hoàng Hải 66 tuổi, chủ một sốp may tại Mỹ thương hại một góa phụ 44 tuổi tên Hoài Nhân làm tại sốp của ông. Dần dần tình thương của chủ biến thành một tình yêu say đắm. Ông Hải bị vợ kiểm soát tài chính ngặt nghèo nên tác giả giải quyết một cách rất xảo thuật điện ảnh bằng cách cho ông đột nhiên trúng số 200,000 đôla. Ông giấu vợ, rồi cùng bà Hoài Nhân về Việt Nam hưởng tuần trăng mật trên thành phố núi Chapa.

Tại đây, nhan sắc hồi xuân của bà Nhân lọt vào mắt Trọng, chủ nhiệm một đoàn quay phim Việt cộng. Trọng giả vờ tưởng ông Hải và bà Nhân là hai cha con và bám riết. Trọng dụ bà đóng một vai trong một đoạn phim ngắn để có cớ hôn bà. Trọng không dừng lại ở đó, không buông tha bà theo đuổi bà về tận Hà Nội. Trước sự trung thành của Nhân với ông Hải, Trọng không thể nào lay chuyển nổi liền tổ chức cho công an vây bắt cả hai người gán cho tội người chế độ cũ làm gián điệp cho Tây phương, rồi buộc bà Nhân ký chi phiếu khống 150,000 đô la cho chúng để đổi lấy tự do. Trước khi thả hai người Trọng nói riêng với ông Hải là ông nên về Mỹ một mình để bà Nhân ở lại vì bà đã ngủ với anh ta rồi.

Dĩ nhiên bà Nhân không chịu nhưng ông Hải lẳng lặng thu xếp như hai người cùng trở lại Hoa Kỳ rồi đột nhiên trước ngày về ông lẻn ra trước tượng Lênin châm lửa tự sát để Nhân an tâm trở về một mình. Tại sao ông chọn chân tượng Lênin để tự thiêu? Ðiều đó Ðỗ Tiến Ðức tùy khán giả (quên, độc giả) tự đoán như trong phim Lã Sinh Môn.

Tác giả chỉ tiết lộ một điều là tình yêu của cặp Hải - Nhân thật là mãnh liệt khi bà Nhân để thờ bức hình của hai người chụp chung.

Tôi lên tiếng khen:

_ Chà, bà yêu ông bạn của tôi dữ nha. Nhưng dù sao thì ảnh thờ chỉ nên để hình ông ấy thôi.

_ Không, tôi không thờ ông ấy, tôi tôn thờ mối tình của ông ấy danh cho tôi đó, ông ạ.

Bà Hoài Nhân nói tiếp:

_ Cái cảnh trong hình kìa, giờ vĩnh viễn hết rồi. Thì chết như ông ấy sống như tôi cũng vậy thôi. (tr. 177, 178)

truyện Tiếng Xưa còn nhiều kịch tính, nhiều bất ngờ hơn cả Im Lặng Của Lửa. Nhân vật chính là một thiếu phụ đa tình, tên Hương lúc nào cũng nhớ tới người đàn ông đầu tiên của bà là Hoạt một sinh viên chỉ dám sờ vào giữa hai đùi bên ngoài quần để từ biệt nàng vào bưng theo Việt cộng năm 1973. Hoạt ra đi, Hương lấy chuẩn úy Thiệu, người chồng chính thức mà nàng không yêu nhưng phải vâng lời trối trăng của mẹ khi bà hấp hối. sau ngày Sài Gòn sụp đổ, chồng Hương vào trại tù cải tạo thì Hoạt l một người chiến thắng trở về, tìm Hương, săn sóc Hương sẵn sàng chu cấp cho Hương và lo lắng cho gia đình Hương đi Mỹ theo đường bán chính thức.

khi cả gia đình yên ấm tại Mỹ, Hương ngoại tình với Toại - một bác sĩ giàu có và là chồng của bạn Hương. Nhưng dù hai người đàn ông Hương vẫn buồn và trở về Việt Nam ăn Tết một mình rồi tình cờ gặp Hoạt khi đó đã có vợ và hai con. Tình cũ không rũ vẫn tới, Hoạt và Hương gặp nhau. Và đôi tay Hoạt không còn rụt rè sờ ngoài quần Hương nữa mà "con người bao nhiêu năm có thói quen giữ khoảng cách trong giao thiệp với Hương giờ đây đã biến thành con mãnh thú tên là Tình yêu và con mãnh thú đó đang vồ được con mồi bằng những bộ móng vuốt cứng như thép nguội". (trang 271)

Rồi ba năm sau cũng vào một ngày Tết và lần này tại Mỹ, sau màn ân ái với chồng trước khi Triệu đi làm, Hương nhận lời hẹn với Toại rồi cùng Toại ân ái ngay trên xe. Khi về nhà đang nghỉ ngơi thì có tiếng gõ cửa và người thứ ba thật bất ngờ là Hoạt và cuộc tình sôi nổi lần thứ ba trong ngày đầu năm diễn ra ngay trong buồng tắm.

Cũng hơi lo sợ chồng về bất chợt, Hương bảo Hoạt ra trước để chuẩn bị đi một địa điểm an toàn hơn. Nhưng khi Hương bước ra, người chờ nàng lại chính là Triệu trên tay còn con dao đẫm máu. Hương ngất xỉu khi thấy Hoạt nằm sóng sượt dưới sàn. Nhiều hoạt cảnh dồn dập liên tiếp diễn ra. Hương được vội vã đưa sang nhà Lan Anh, con gái bà, để đóng vai vô can trong vụ án. Trong chiếc vali Samsonite của Hoạt là một gói tiền toàn đô la, giấy trăm. Một cái thẻ ủy viên trung ương đảng mang tên Hoạt. Một luật sư bên vực cho Hoạt nhảy vào vòng chiến với những đề nghị chỉ thấy toàn là tiền. Hoạt không chết, được đưa vào một nhà thương bí mật. Hà Nội phản đối Mỹ và tổ chức biểu tình tôn vinh anh hùng Nguyễn Ngọc Hoạt. Trong khi Triệu đang bị tạm giam thì luật sư tổ chức một cuộc họp báo và được đồng bào tỵ nạn tham dự nhiệt tình và quỹ pháp lỹ giúp Triệu qua cơn hoạn nạn lên con số khổng lồ vị họ coi Triệu là một anh hùng quốc gia đã trừ được một tên cộng sản cỡ lớn dám bén mảng tới vùng tỵ nạn.

Trong truyện này Ðỗ Tiến Ðức cũng không cho độc giả biết câu chuyện rồi sau rồi sao để độc giả tự suy đoán qua những xen suýt păng nhiều tính chất phim trinh thám. Những giòng hồi tưởng chồng chéo rối bời, thời gian đảo lộn, chồng chất lên nhau, những nhân vật mọi phía xuất hiện mau chóng, đột ngột đến nỗi có lúc lộn cả tên chồng của Hương với anh tình địch là Hoạt (trang 304) làm cho câu chuyện càng rối rắm như những đoạn phim.

Tôi cũng nhiều khi thích những áng văn trầm lắng sâu xa, nhưng giá mà văn sâu sắc nhưng có cốt chuyện hấp dẫn hơn vẫn mang thêm nhiều lôi cuốn. Những tác phẩm trầm trầm về tâm lý nhưng không sôi động như Ngày Mới (Thạch Lam), Thiếu Quê Hương (Nguyễn Tuân), Lạnh Lùng (Nhất Linh) khiến độc giả suy tư nhưng giá những truyện đó sôi nổi hơn lên đọc hẳn là thú nữa. Tranh trừu tượng, tranh dã thú, tranh lập thể dù tuyệt tác nhưng anh Tô Ngọc Vân với những cô gái kiều diễm, những bông hoa rực rỡ màu sắc hẳn phải mát mắt hơn là nếu họa sĩ tài ba này chọn đề tài bùn lầy nước đọng. Ðó cũng là một lý do mà có những độc giả thích những truyện có nghệ thuật cao nhưng lại thêm vào cốt truyện gay cấn hơn là quá chìm lắng vừa đọc vừa phải ngừng lại đoán xem tác giả muốn nói gì trong từng câu, từng chữ.

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002