Đại Chúng số 56 ngày 18/8/2000

Hồi ký 20 năm thăng trầm

Ðinh Văn Ngọc

NHỮNG NIỀM VUI KHÔN TẢ

Mặt trời vừa xế bóng, chuyến bay Air France đưa đoàn tuyển thủ và chúng tôi về đến phi trường Tân Sơn Nhất.

Ngay tại phòng đợi chúng tôi đã được sự tiếp đón nồng hậu của đại diện các giới, nhất là giới hâm mộ bóng bàn. Bên ngoài phi trường đông đảo đồng bào vì "vinh danh cho tổ quốc" tập trung từ hồi giữa trưa, giương cao biểu ngữ cùng cất tiếng hoan hô vang dậy rập ràng. Trước hình ảnh đó, tất cả cho không khỏi bàng hoàng xúc động.

Năm 1958 - năm được xem là nền bóng bàn Việt Nam đạt đến nấc thang tuyệt đỉnh. Thật ra chẳng phải chỉ năm này đoàn tuyển thủ ta mới đem lại sự hãnh diệnvề cho đất nước, mà ánh hào quang đó, đã nhen nhúm từ năm 1957, một năm sau khi tôi đắc cử vào chức vụ Chủ Tịch Tổng Cuộc Bóng bàn Việt Nam. Ðây là một TỔng Cuộc đầu tiên sau ngày tôi tiếp thu "Liên Ðoàn Bóng bàn Việt Nam" từ tay cụ Rigaud Tiền, và ngày sau đó tôi đã đề nghị cải đổi lại thành Tổng Cuộc nâng Liên Ðoàn lên hàng quốc gia.

Ban chấp hành đầu tiên của Tổng Cuộc gồm có Trung Tá Trần Văn Trung (về sau là Trung Tướng Ðặc trách Tâm Lý Chiến), Trung tá Phạm Ðăng Lan và Thẩm phán Hà Như Vinh, đồng phó chủ tịch. Về mặt hành chánh có anh Mai Văn Chất - bào huynh của cây vợt khét tiếng Mai Văn Hòa, đảm nhiệm vai trò Tổng Thư Ký và anh Nguyễn Tùng Phó Tổng Thư Ký, Chủ tịch Danh dự là Thiếu Tướng Trần Văn Ðôn. Có thể nói đây là một ban chấp hành sáng giá và có tinh thần tích cực nhất. Tôi hoạt động ngày đêm không biết mệt đảm cả tâm trí dồn vào cho bộ môn thể thao này quên cả vấn đề sinh hoạt cho việc làm ăn riêng tư của mình.

Ngày mới tiếp thu Liên Ðoàng Bóng bàn từ tay cụ Tigaud Tiên thì chỉ là những tập sổ sách "rối nùi" với những con số thiếu mạch lạc. Hay nói đúng hơn, đó chỉ là những cuốn vở với những con số không: không trụ sở (chỉ tạm mượn), không bàn ghế, cũng không có nơi để cho các tay tập dượt. có nghĩa là tôi tiếp thu với một gia tài trống trơn rách rưới!

Ðứng trước "cơ nghiệp" này tôi bằng lòng xuất cả của lẫn công sức để xây dựng lại từ việc thuê mướn "Tổ Ðình", mua bàn mua vợt và luôn cả bóng để những người yêu chuộng bóng bàn có nơi tập dượt. Tôi tự bỏ ra một khoản tiền để làm "Quỹ". Và cũng để có nơi hội họp khang trang tôi cũng xuất tiền quỹ để mua bàn ghế và tất cả những vật dụng linh tinh cần thiết. Tóm lại, tôi xem "Tổ Ðình" bóng bàn chẳng khác như mái ấm khác của mình. Tôi làm lại tất cả từ đầu. Tôi sẵn sàng chi cho mọi tổn phí, nếu Tổng Cuộc không đủ khả năng tự đài thọ. Như trường hợp mời các danh thủ khét tiếng trên thế giới sang Sài Gòn đấu giao hữu với mục đích đẻ các tay vợt trong nước có dịp học hỏi thêm tài nghệ và rút tỉa kinh nghiệm khi lâm trận. Nhờ vậy mà giới hâm mộ bóng bàn Sài Gòn chứng kiến được tài năng của các tay vợt quốc tế thế giới như Leach của Anh Quốc, Haguenauer và Amouretti của Pháp, Lưu Quốc Phương, Lý Quốc Ðịnh, Châu Lang Trung của Ðài Loan, Tiết Thủy Sơ của Hongkong, Rheissman, Cartlad, Bukiett của Mỹ, Fugie của Nhật Bản.

Chính những trận đấu giao hữu quốc tế như vậy, giúp cho các cây vợt của ta rất nhiều. Nhất là Lê Văn Tiết, Huỳnh Văn Ngọc là những đấu thủ mầm non vừa mới nổi lên đã thu thập được các tinh hoa của những cây vợt lừng danh trên, cộng với tài nghệ vốn đã điêu luyện của mình nên đã trở thành hai con Phượng Hoàng châu Á.

Tại giải vô địch bóng bàn thế giới ở Stockhom thủ đổ Thụy Ðiển, con Phượng Hoàng Huỳnh Văn Ngọc chứng minh được điều này. Ngay lúc lâm trận, Ngọc tuổi đầu tròn 18, đã làm cho mọi người lưu ý trước lối đánh cả công lẫn thủ và lối chận banh đặc biệt giữa bàn của em, tỏ ra là cây vợt thuộc hạng tài ba lỗi lạc. Quả thật, tài không dợi tuổi, Ngọc đã đánh bại Ogimura - đương kim vô địch thế giới với tỷ số 3-2, khiến toàn thể giới mộ điệu phải sững sờ. Thế là con Phượng Hoàng Huỳnh Văn Ngọc trở thành mục tiêu cho các cuộc phỏng vấn của các báo chí, cũng như các đài truyền thanh, truyền hình trên khắp thế giới.

Trong năm 1956 được sự liên lạc của tôi với Cơ Quan Từ Thiện của Giáo Hội Phi, đã sắp xếp cho Tổng Cuộc Bóng bàn Phi Luật Tân mời đoàn bóng bàn Việt Nam sang đấu giao hữu do cơ quan này đài thọ tiền vé máy bay, còn lại mọi chi phí khác do tôi đài thọ. Tôi đã hướng dẫn một đoàn bóng bàn gồm có Tiết, Hòa, Hằng, Ðược qua Phi. Xuất quân đầu tay đoàn này đã đè bẹp đoàn đại biểu Phi với tỷ số 5/1.

Một thắng lợi kế tiếp trong năm 1957 Việt Nam đã chính thức tham dự giải vô địch Á Châu, cũng đã tổ chức tại Manila - thủ đô của Phi. Tôi đã dìu dắt đoàn bóng bàn gồm có thủ quân Chu Văn Sáng, tuyển thủ gồm có Mai Văn Hòa, Trần Văn Liễu, Nguyễn Kim Hằng, Trần Cảnh Ðược và Huỳnh Văn Ngọc. Và để cho các tay vợt nữ được quen trận mạc, hai nữ đấu thủ Trần Thị Kim Ngôn và Hoàng Mộng Ðiệp cũng được tháp tùng. Ðoàn tuyển thủ nam đã đoạt huy chương vàng trong giải toàn đội và Hòa Ðức đã lập lại chiến thắng trong giải đôi nam. Tiếc thay lần này Mai Văn Hòa không còn giữ được ngôi vị vô địch đơn nam như hai năm liền 1955 và 1956. Ngày chiến thắng đó lại nhằm ngày Tết Nguyên Ðán của ta. Ôi! Tôi làm sao mà quên được cái ngày vui tuyệt vời đó? Và đó cũng là lần đầu tiên, kể từ ngày tôi đã xả thân vào nghiệp làm "bầu" chính thức thân hành đưa các tuyển thủ mang chuông đi đánh xứ người, trong một giải quốc tế chính thức. Ðem lại sự vẻ vang cho đất nước.

Tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, hiên ngang đứng giữa hai quốc kỳ Philippine và Iran sừng sững trước khán đài danh dự, từ từ được kéo lên theo tiếng nhạc quân hành "Này thanh niên ơi! Ðứng lên đáp lời sông núi ." đầy hùng tráng oai nghiêm, khiến tôi không thể nào cầm được giòng lệ! Tiền bạc không thể nào mua được những giờ phút cao quý này. Cũng như K. Ibsen nói: "tiền cho ta những phút vui, nhưng không cho ta hạnh phúc". Tuy nhiên với tôi thì hạnh phúc cho ta những phút giây êm đềm nhất, song le không thể so sánh được với niềm vui vô cùng của "Tuổi Trẻ" khi họ mang lại sự vẻ vang về cho đất nước.

Năm ấy, tôi ăn một cái Tết tha hương, xa vợ con, bạn bè, nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy lâng lên một niềm vui khôn tả. Tôi "lì xì" cho anh em tuyển thủ để lấy hên ngày đầu năm nơi đất khách, chuc nhau một cái Tết thật vui (dĩ nhiên) thật thắng lợi, rồi đưa nhau đi thăm viếng các nơi danh lam thắng cảnh. Tôi tìm đến công viên Rizal. Ðây là một công viên mới lập, nên có lối kiến trúc tân kỳ. Bên trong, trồng đủ các loại kỳ hoa dị thảo. Tôi cũng đến viếng công viên Lutena, trông có vẻ trang nhã, nơi dành cho mọi sinh hoạt chính trị hơn là cho các cuộc mua vui giải trí.

Phong cảnh Philippine trông tương tợ Việt Nam, cũng có hàng dừa tươi xanh chạy dài ven bờ bể, cũng như hàng tre uốn mình đong đưa trước gió, cùng cánh bướm nhởn nhơ bay và những cánh hải âu lượn giữa vòm trời xanh biếc, bay sà xuống cỡi đầu cơn sóng cả.

Tôi được hướng dẫn đến thăm Laguna, một thành phố du lịch đầy thơ mộng nằm trên dãi đất trù phú, thuộc miền Nam Phi Luật Tân, nơi đây đem lại cho du khách nhiều ấn tượng đẹp. Laguna có một bầu không khí trong lành, một không gian mênh mông thực sự, không ô nhiễm và những làn mây bềnh bồng trắng xóa, kết lại như những chùm hoa tuyết.

Nơi đây có những quả lê Tàu xanh xanh màu ngọc bích bày bên cạnh các chùm "chôm chôm" rực màu đỏ ối. Những quả hồng láng bóng đặt kế bên các chúm "nhãn lồng" ngọt lịm. được bày bán ven các nẻo đường.

Tôi có đến viếng viện bảo tàng, được nhìn xem nhiều kỷ vật cổ xưa được sắp đặt thứ tự hteo thời đại. Tiếc thay tôi không đủ thì giờ để tham khảo.

Phi Luật Tân có rất nhiều loại mật ong nguyên chất. Người bạn hướng dẫn sành tiếng Pháp, khuyên tôi hãy xem chừng đừng uốn gqúa nhiều sẽ bị phát phì ngay, trông xấu lắm. Bệnh mập thường xảy ra ở các nước giàu có như Hoa Kỳ chẳng hạn. Cài từ "diet" xuất phát ra cũng chỉ vì lý do "cai" bớt cái mập phì xấu xí kia.

Tôi được đến thăm suối nước Los Banos - giòng suối nổi tiếng nằm bên cạnh ngọn núi Makilling. Trước khi đến nơi đây, người bạn mới này cẩn thận dặn dò tôi: "Khi đến gần ngọn núi này, ông chủ tịch phải xin phép "Nữ Thần Sắc Ðẹp" là vị thần linh có nhiệm vụ cai quản canh giữ ngọn núi này". Nhưng có lẽ vì sợ tôi lo ngại người bạn tốt bụng vội nói lên lời trấn an.

_ Ông bạn hãy an lòng! "Nữ Thần Sắc Ðẹp" bao giờ cũng hiền lành. Bà cũng còn là bạn của muôn loài muôn thú. Không bao giờ bà muốn hại ai!

Tôi cũng được đưa đến thăm Trung Tâm Kỹ Thuật Makilling thuộc trường đại học Philippine ngay trên đỉnh núi, lúc nào cũng tràn ngập gió từ biển cả thổi vào. Tôi cũng đến tham quan Viện Nghiên Cứu về Lúa (Rice Research Institute). Vì tôi không hiểu nhiều về nghiệp nhà nông nên cũng chẳng thể nào đào sâu thêm được gì về cái cảnh "Trâu ơi, ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta" nên yêu cầu ông bạn hướng dẫn đi tham quan Sở Thú Mini cũng nằm ngay cạnh trung tâm này.

Tôi đi thăm thành phố San Pablo có dáng dấp đồng quê, gồm có bảy cái hồ xinh đẹp. Ðứng xa xa nhìn đến, trong như một bộ hài cốt, nhất là những buổi sương mù người yếu bóng vía nhìn thấy không khỏi rùng mình kinh hãi.

Người ta còn gọi San Pablo là phố "Bảy Hồ" (Seven Lakes). Ða số dân trong cùng sống bằng nghề đánh cá. Theo họ đây là nghề lý tưởng.

Lần này tôi được đưa đến Liliw. Quả danh bất hư truyền. Ðây là thành phố đầy htơ mộng. Mấy con suối ôm quanh sườn núi trông như thân con rồng đang trầm mình dưới nước.

Sau khi đắc cử Chủ Tịch Tổng Cuộc Bóng Bàn Á Châu thay thế cho ông Goto Nhật Bản, vì vị Chủ Tịch tiền nhiệm này có hành động thiên vị truất bỏ Ðài Loan để thay thế Trung Cộng vào trong Tổng Cuộc Bóng Bàn Á Châu, tôi lại viếng thăm Philippine lần thứ ba với danh nghĩa chủ tịch cơ quan nói trên.

Nhằm mùa nước lũ người bạn đưa tôi đến thăm vùng Nagcarlan, nơi đây có nhiều hầm mỏ bí mật do vị thừa sai San Franciscain thiết kế từ hơn nửa thế kỷ. Sau đó, tôi đến Pagsanjan để nhìn cảnh "thác đổ". Có nhiều trò chơi do dân địa phương tổ chức. Trong đó nguy hiểm nhất là ngồi bè thả từ đầu ngọn thác cao xuống dòng suối tận bên dưới chân núi đá. Tôi không ngán cùng người bạn thuê chiếc bè rồi cùng nhau ngồi lên thả trôi theo dòng thác. Thú thật, bây giờ tôi mới biết thật dại dột. Nếu rủi ro bị sảy tay đụng vào các tảng đá nhọn thì còn gì mạng sống?

Ðêm hôm ấy tôi ở lại khách sạn Pagsankan. Ðây cũng chính là hàng ăn nổi tiếng dành cho giới biết chi tiền thật sạp.

Trong dịp này tôi cũng đến viếng thành phố bé nhỏ có tên Lumban - trung tâm tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật. Họa sĩ lừng danh Deng lacbay xuất thân tại nơi nầy, vơi 1những họa phẩm tuyệt vời trong đó có bức tranh "Thành Manila" được xem là một kiệt tác. Bức tranh quý giá này từng được mang đi trưng bày ở Paris, ở Ý Ðại Lợi, ở Hong Kong, Gia Nã Ðại. Ðặc biệt dân chúng nơi đây hầu hết là những nhà làm nghệ thuật.

Tôi có đi lễ nhà thờ Pacte. Ðây là một ngôi nhà thờ cổ kính có lối kiến trúc rập khuôn La Mã được xây cách đây hơn 300 năm. Ðặc biệt là các pho tượng gỗ được điêu khắc có thể nói là xuất thần.

Trước khi rời khỏi Phi Luật Tân tôi được đưa đến một buông của người thiểu số. Ðời sống của họ cũng tương tự với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhà nào cũng có vài ba cái ché dùng để uống ruợu cần, nhưng ché cũng là vật gia bảo để chứng minh về sự giàu có của họ.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một cái ché Klan hoặc gọi là Wenh. Ché này của người thiểu số Lào. Tuy nhiên điều làm tôi sửng sốt là họ cũng có một cái ché giống hệt của tôi đã mua ở Gia Lai Kontum vào năm 1956. Ðó là ché có tên Hotok Rang Pia. Ché nầy tôi đã nhờ một người bạn ở ty Nông Lâm Súc trả giá mua, họ ngả giá năm trâu. Ché cao lối 3 gang tay tức là 90cm, có sáu tai, họng rộng tuyệt đẹp. Sở dĩ tôi bỏ tiền mua nó ngoài cái đẹp còn có lý do khác. Theo như huyền thoại, thì ché Hotok Rang Pia Pua ngoài tác dụng chứa ruợu nó còn có nhiệm vụ giữ nhà hệt như chuyện "ma xó" ở miền Thuợng du Bắc Việt ngày xưa. Chẳng những vậy nó còn có buên phận bảo vệ chủ mình bằng cách "Dự báo" những điều bất trắc có thể xảy ra. Tôi nghĩ đó có thể là câu chuyện phản khoa học. Nhưng mặc kệ cứ tin đại. Biết đâu? Nếu có thật thì sao?

TÔI LÀM BÁO

Ðộng cơ chính đưa tôi vào nghiệp dĩ "làm báo" chỉ vì muốn tìm một phương tiện để cổ xúy cho phong trào thể thao trong nước càng ngày càng thêm phát triển. Ngoài ra tuyệt đối không hề có một tham vọng nào khác.

Năm 1958 - sau khi chiến thắng Á Vận Hội Ðông Kinh, tôi đã cùng với các anh Võ Văn Hải, Nguyễn Văn Ðạt, Nguyễn Lâu và Ngô Khắc Tỉnh là đồng môn của Ðức cha Ngô Ðình Thục, hùn vốn mở tờ nhật báo lấy tên là "Tin Mới" (Xin lưu ý tờ Tin Mới này không liên quan gì đến tờ Tin Mới của anh Trần Văn Quí năm 1942 ở Hà Nội mà tôi và Thinh Quang đã cộng tác chuyên về thể thao dưới thời Ducoroy). Toàn thể anh em đã đề cử và giao cho anh Nguyễn Văn Ðạt đứng tên Chủ Nhiệm, Chủ Bút, còn tôi với tư cách Giám Ðốc Trị Sự và Ðiều hành tờ báo. Dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa vấn đề báo chí bị kiểm soát gắt gao, đòi hỏi nhiều yếu tốc cần thiết về mặt tư tưởng chính trị. Chúng tôi tất nhiên hội đủ các yếu tố đó và trở thành là tờ báo thức 12 để rồi sau đó cùng các bạn đồng nghiệp chịu cảnh trên đe dưới búa.

Ðể có đất dụng võ cho phong trào thể thao, tôi mở ra một phụ trang và mời các anh Phan Như Mỹ, Tô Yến Châu, Thinh Quang và Nguyễn Ang Ca là những cây bút bình luận nổi tiếng về thể thao lúc bấy giờ phụ trách. Như vậy với riêng cá nhân tôi và anh Nguyễn Văn Ðạt có lằn ranh phân định rõ ràn không thể dẫm chân lên nhau. Anh Ðạt lãnh trách nhiệm về mặt chính trị, còn tôi về mặt thể thao.

Xin nói rõ trong số các cổ động của tờ báo, có anh Võ Văn Hải là Chánh Văn Phòng của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, anh Nguyễn Lâu Chủ Nhiệm tờ Daily News (Hiện anh còn ở tại Sài Gòn) còn anh Ngô Khắc Tỉnh về sau là Tổng Trưởng Giáo Dục đặc trách thể thao.

Viết đến đây tôi không khỏi bùi ngùi thương tiếc khi nhắc đến anh Võ Văn Hải - con người chân thành và thanh liêm hiếm hoi đó đã ra đi vĩnh viễn tại ngay trại tù cải tạo một cách vô cùng ẩn ức. Cái chết của anh chỉ vì lòng cảm mến của một người bạn Mỹ (xin miễn nêu tên) đã tặng một chi phiếu 10,000 Mỹ kim kèm một bức thư ca tụng đức tính hiếm hoi và lòng trung thực trong suốt thời gian phục vụ dưới chính thể của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Tật vậy, ngay trong trong thời kỳ làm chánh văn phòng cho Tổng Thống Diệm anh đã tỏ ra được lòng liêm khiết của mình. Cộng sản thì không nhìn anh với nhãn quan như vậy. Ðức độ của người quốc gia không phải là đạo đức của người cộng sản. Chi phiếu 10,000 mỹ kim của một người bạn Hoa Kỳ trao tặng kia, chỉ vì tình cảm giữa cá nhân và cá nhân "vô tội vô vạ". Nhưng với cộng sản thì nó ngược lại. Dưới mắt của những người duy vật thì đó là vấn đề đổi chác. Luật pháp đối với họ tùy hứng. Ðiều dễ hiểu bởi con mắt của họ quá bé, mà đồng đô la kia thì quá lớn. Lòng tham lam, sự thù nghịch và đầu óc hẹp hòi thường đem lại cho họ những hành động mù quáng nhiều khi đến man rợ.

Tôi cũng muốn nhắc đến anh Nguyễn văn Ðạt, con người am tường về thời cuộc. Anh đún glà một nhà chính trị sâu sắc có những bài nhận định khá chính xác và một tinh thần quốc gia cao độ. Anh đã mạnh dạn nói lên tình trạng ung thối của những kẻ "vây quanh ông Cố" Ngô Ðình Nhu và đồng thời chỉ trích đối với những kẻ tự xưng mình là "con cháu cụ" để tác oai tác quái. Bởi những lý do đó mà chúng tôi nhiều lần bị gặp khó dễ, nếu không có sự che chở của anh Võ Văn Hải thì tờ báo đã bị đóng cửa từ lâu rồi.

Riêng phụ trang thể thao, tôi đã viết các bài phê bình về đường lối lãnh đạo thanh niên có tính "mị" cấp trên (!) xem thường các nhà dìu dắt xũng như các vận động viên là những người mộ điệu vô vụ lợi. Trước những lời lẽ chỉ trích (với tinh thần xây dựng đó) nhà lãnh đạo thanh niên đã chẳng tiếp nhận thì thôi, mà còn lấy đó làm điều, họ đã lập những bản báo cáo lên Tổng Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành và bác sĩ Trần Kim Tuyến (mật vụ) cố tình loại bỏ tờ báo và luôn cả tôi bằng mọi cách.

Về điểm này anh Huyền Vũ cũng là một nạn nhân, bởi anh đã cả gan dám nói lên về sự lạm dụng quyền hành của người lãnh đạo thanh niên can thiệp vào nội bộ của các bộ môn thể thao bằng cách bứng những kẻ không phải vai vế và cấy vào đó đám "gia nô" của mình để dễ bề chỉ giáo. Như trường hợp anh Nguyễn Hữu Lượng khi tái đắc cử chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cuộc Bóng Tròn đã bị ngay cấp lãnh đạo thanh niên ra lệnh cấp thời "bứng gốc" bỏ đi vì lý do "chính trị"! Ở điểm này anh Huyền Vũ đã viết trong tập hồi ký "Tôi làm Ký Giả Thể thao" nơi trang 91 có đọa "Ðến phiên bầu chức vị Tổng thư Ký, anh Lượng đắc cử. Như chỉ chờ có thế, ông Vỹ lên tiếng can thiệp ngay, phản đối việc đắc cử của anh Lượng ở trong Ban Chấp Hành của Tổng Cuộc Túc Cầu nữa" và không chờ đợi câu hỏi - nếu có chỉ là phía của báo chí - ông Vỹ nêu nguyên nhân: Vì lý do chính trị! Vẻ ngạc nhiên và chán nản hiện rõ trên mặt mọi người không ai có một lời nào chống lại vì ai cũng biết thời ấy đụng đầu vào đá - chỉ có mang họa vào thân.

Cũng nơi trang này Huyền Vũ nói ngay về cái cảnh đụng đầu vào đá của mình đã khiến cho cấp lãnh đạo Thanh Niên có phản ứng mạnh như sau: "Hôm ấy là Chúa Nhật. Buổi tối có chương trình thể thao hằng tuần của chúng tôi trên đài. Trong phần tin tức chúng tôi đã trung thực loan tin anh Lượng bị ông Vỹ loại khỏi Tổng Cuộc Túc Cầu vì lý do "chính trị"!

Lời báo tin trung thực ấy - đúng theo lương tâm chức nghiệp của một ký giả - không ngờ đã tạo công phẫn cho cấp lãnh đạo Thanh Niên. Thế rồi cấp lãnh đạo Thanh Niên áp lực ông Bửu Thọ lúc bấy giờ làm Tổng Giám Ðốc đài phát thanh Sài Gòn, phải gửi hàng tuần mục quan điểm thể thao sang cho nhà lãnh đạo đầy quyền uy này xét duyệt trước (!)

Chẳng những riêng bên Tổng Cuộc Túc Cầu mà cả Tổng Cuộc Bóng bàn chúng tôi cũng bị Tổng Nha Thanh Niên chen vào nội bộ dùng áp lực điều khiển theo ý mình. Như trường hợp Mai Văn Hòa không có tên được đưa đi tham dự Á Vận Hội Ðông Kinh kỳ 3, vì sau khi so tài trong cuộc đánh tuyển trong nước, Hòa không đạt được thành tích theo chương trình đánh tuyển. Vì Hòa không đạt được thành tích theo chương trình đánh tuyển trogn khi đó Hằng lại được sắp hạng trên Hòa nên không thể bỏ Hằng ra khỏi danh sách chính thức đại diện Việt Nam tham dự giải Á Vận Hội.

Không ngờ Tổng Nha Thanh Niên có phản ứng mạnh, ra lệnh cho Tổng Cuộc Bóng bàn phải ghi tên Hòa vào bản danh sách được tuyển chọn. Tất nhiên trước sự dùng uy quyền của cơ quan, tôi cực lực bác bỏ. Thế là sóng gió bùng lên. Bên Tổng Nha tìm mọi cách ngăn cản để đoàn tuyển thủ bóng bàn không được lên đường nếu không có Hòa.

Cuối cùng để tránh sự đổ vỡ, tôi khuyến cáo anh em trong ban chấp hành tạm thời nên nhượng bộ, tuy nhiên với danh nghĩa "vớt thêm" chứ không là "tuyển chọn".

Khi sang đến Tokyo nghỉ ngơi có một ngày, tôi duyệt lại thêm một lần nữa trước khi xuất quân. Tôi cân nhắc từng cá nhân từ tài ba đến kinh nghiệm cũng như sự ăn ý khi cùng đứng đánh đôi, . và nhất là về mặt tâm lý - chính điểm này mới là yêu tố cần thiết. Tài ba không chưa đủ mà còn phải có kinh nghiệm mới giúp ta tránh được những lầm lẫn. Tuy nhiên tâm lý vẫn là yếu tố cho sự quyết định làm suy sụp tinh thần của đối phương. Nguyễn Kim Hằng tuy nhiên là trên chân trong các cuộc thi tuyển trong nước, nhưng về kinh nghiệm vẫn là sàn em so với Mai Văn Hòa. Nhiều khi con cọp giấy cũng đuổi được chú nai tơ, huống hồ là Hòa từng làm nghiêng trời lệch đất trên khắp đấu trường quốc tế! Tên tuổi Hòa đã làm cho các cây vợt trên thế giới nể hơn là Hằng. Thế là tôi bàn với Sáng - Thủ quân của đoàn - thay vì sự sắp xếp trước là Hằng đứng chung với Ðược đổi lại cho Hòa.

Quyết định này đã bị Hằng phản ứng mạnh tỏ vẽ bất mãn. Vì danh dự cho đất nước nên tôi vẫn giữ nguyên quyết định mặc dù có đôi ba anh em khuyên can nên để Hằng.

Quả đúng như nhận định của tôi. Ðoàn tuyển thủ Việt Nam chiếm được vô dịch đồng đội Nam, mà Hòa đã góp phần lớn. Nhất là trong trận so tài cuối cùng và là trận quyết định, Hòa đã làm cho Tanaka đương kim vô địch thế giới - đã phải buông vợt chạy lại bên mẹ khóc ròng ngay nơi phòng đấu.

Sự thay đổi chiến lược chiến thuật của tôi, được hầu hết đoàn tuyển thủ cũng như anh em báo chí và đài truyền thanh ghi nhận là đúng như sự lượng định, để đạt được chiến thắng vẻ vang cho đất nước chứ không phải do Tổng Nha Thanh Niên - một cơ cấu chuyên môn mà vị lãnh đạo không am hiểu một tí gì về ?các bộ môn thể thao" cả.

Nắm 1958 đúng là năm nền Bóng bàn Việt Nam làm rạng danh đất nước. Tổ Quốc Việt Nam ơi! Nét vàng son ấy giờ đây đâu còn nữa? Nếu có chăng thì âu chỉ là "Vang bóng một thời"!

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002