Đại Chúng số 57 ngày 1/9/2000

Thư tòa soạn

Lá thư toà soạn lại vắng bóng trong số báo 56 do dành nhiều trang để đăng tải vấn đề "Cứu Trợ Ðồng Bào Nạn Lụt Miền Trung" theo yêu cầu của các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm và quí đồng hương. Tuần nầy chúng tôi xin phép điểm qua những nét cơ bản trong nội dung của số báo 56 và 57.

"1001 Chuyện Nhớ Quên" của cụ Mộng Tuyền nữ sĩ đã giải đáp nhiều câu hỏi cho tất cả độc giả gần xa. Nữ sĩ đã trả lời thư của cụ Ðỗ Ðình Vận cư ngụ tại vùng N. Hollywood về Dịch Kinh Thi, các "Quẻ" Hoả Sơn Lữ, Thuần Khôn, Ðịa Trạch Lâm và Bộ Ðoài.Ông Trương Ngọc Thơ muốn hiểu về "Lai lịch và cách nấu Qui Bản Cao". Ông Vũ Khắc Thúc hỏi về sự tích ông Bàn Cổ đôi mắt trở thành ông mặt trời và ông Lê Văn Siêu có câu hỏi về hai cái khoá xuân "hai Kiều. Trong số 57 chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu thêm về "nạn lục Ðại Hồng Thuỷ", "Mười Bài Yêu" trong ca dao VN, Kinh Thi với bài "Con Chim Sẻ" và bài "Con Chuột", sự khác nhau giữa Nữ Sĩ và Nghệ Sĩ.Cám ơn quí độc giả đã theo dõi và có những câu hỏi hay để chúng tôi có dịp học tập từ những lời giải đáp của nữ sĩ. Xin đa tạ nữ sĩ.

Nhà biên khảo Ngọa Long đã gởi đến toà soạn một đề tài lạ "Kỳ Môn Ðộn Pháp Là Gì?". Từ bài viết nầy chúng ta có thể hiểu được ảnh hưởng của đất trời, thái dương hệ, các vì tinh tú có ảnh hưởng đến tâm linh và đời sống con người. Cảm ơn Ngoạ Long. TBÐC mong sẽ nhận được thêm những bài viết mới.

Nhà "hiền triết" Huyền Quang đã trở lại nhà sau những ngày đi ngao du sơn thuỷ. Ông đã tiếp tục cống hiến quí độc giả những bài viết tiếp theo nói về "Cái Triết Của Thiền" và giá trị căn bản của Thiền chính là con đường dẫn dắt con người đi tìm cõi thanh bình của tâm hồn. Xin cảm ơn Huyền Quang.

Ngoài tài viết văn, nhà văn Thinh Quang còn là một nhà nguyên cứu về tất cả các đề tài khác nhau trong lĩnh vực lịch sử, văn hoá và khoa học. Trong nhiều số báo trước chúng ta đã có dịp tham khảo nhiều bài viết của ông nói về những bí mật bên ngoài trái đất. Trong số báo vừa qua, ông đã gởi đến chúng ta một đề tài mới "Con Người Ðang Trên Ðường Sáng Tạo Ra Chính Họ". Cái mơ ước "trường sinh bất tử" của loài người vẫn còn là một đề tài khá hấp dẫn. Với những bộ óc siêu phàm của những nhà khoa học lỗi lạc, trong tương lai mơ ước nầy có thể trở thành sự thật. Cảm ơn nhà văn Thinh Quang đã nhen nhóm cho mọi người có một niềm hy vọng mới. Và trong tuần nầy mời quí vị thưởng thức một bài viết mới khá đặc sắc " Vũ Trụ và Lịch Sử Tiến Hoá Của Loài Người - Thực Sự Có Nước Trên Sao Hỏa".

Giáo sư Vũ Ðức đã gởi đến chúng ta bài "Cảnh Sắc Tung Sơn Thế Lâm Tự". Trong đó gồm có hai phần: Ðịa Thế Tung Sơn và Di tích Thiếu Lâm Tự. Ông đã cung cấp cho chúng ta hiểu về vị trí địa lý và những di tích lịch sử của Thế Lâm Tự. Và số báo nầy ông đã tiếp tục giới thiệu đến quí vị nhất là những người yêu võ thuật hiểu thêm về nguồn gốc và những kỹ thuật huấn luyện của Võ Thuật Thiếu Lâm Tự. Ða tạ sự cộng tác liên tục của Giáo Sư.

Nhà văn Phạm Thị Quang Ninh đã gởi đến quí độc giả bài "Dân Hoa Kỳ Ðã Sẵn Sàng Chấp Nhận Nữ Ứng Cử Viên Phó Tổng Thống Hay Chưa?". Qua bài viết nầy chúng ta đã thấy vai trò phụ nữ trên thế giới ngày nay hết sức quan trọng. Họ có thể làm việc và hoạt động không thua gì nam giới. Quí ông nào cứ ngồi đó làm chủ nhân ông và bảo rằng đàn bà không nhìn qua khỏi cửa bếp thì quả là lầm to và xưa như trái đất. Ða tạ nữ sĩ.

Khi đọc quyển hồi ký "Hai Mươi Năm Thăng Trầm" của nhà văn - ông bầu Ðinh Văn Ngọc, chúng ta đâu có dè ông cũng mở ra một tờ báo "đời" rồi bị mấy ông cố nội "to đầu" đè bẹp tiếng nói trung thực và lương thiện. Hễ có chút quyền là làm tàng hết chỗ chê. Ða tạ nhà văn Ðinh Văn Ngọc đã cung cấp cho độc giả biết thêm về một số sự kiện lịch sử trong thời Ðệ Nhất Cộng Hoà.

Bài viết "Cái Ðạo Của Trà" của tác giả Vương Chu đã có một ý nghĩa sâu xa không chỉ là một chén trà giải khát mà còn có ý nghĩa đạo đồng giữa con người với con người. Cảm ơn Vương Chu đã cộng tác với TBÐC.

Chúng ta đã có dịp đi tham quan ngân hàng Thụy Sĩ qua bài "Bạn Biết Gì Về Ngân Hàng Thụy Sĩ? Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xem Kỹ Sư Sagant Phan nói gì về rượu. Nói tới rượu là mấy ông vui lắm và còn hả hê khi được vài chung khề khà cho đỡ tủi thân con khỉ. Nhất là mấy ông thất tình, bị vợ bỏ, người yêu đá văng ra khỏi cửa thì còn gì chu choa ơi buồn hơn. Rượu còn là nguyên nhân của nhiều sự xáo trộn trong cuộc sống con người như dẫn tới tình trạng phạm pháp, giết người... đọc xong bài "RƯỢU" nhớ tỉnh táo để phân tích cái hay và tốt của rượu mà "cụng ly" để bà xã không "đá văng xuống gầm giường". Coi bộ Kỹ Sư rành ba cái vụ "anh một ly và tôi một ly" quá xá! Vậy có mấy lần bị bà xả "cho nằm chèo queo chưa?". Nhớ viết hồi ký kể lại cho mấy ông bợm nhậu ghi nhớ muôn năm. Ða tạ tài "tếu" của Kỹ Sư.

Giáo Sư Nguyễn Hữu Hiệu tiếp tục gởi đến chúng ta hai bản dịch của tác phẩm "Tiểu Ngư Nữ" và "Chuyến Tàu Ðịnh Mệnh". Cảm tạ Giáo Sư.

Tuần qua tác giả Phụng Hồng đã gởi đến độc giả bài viết "Huế Rặt". Trong đó tác giả đã phân tích rõ những thổ âm cá biệt của người dân xứ Huế. Ðồng thời cũng cung cấp cho chúng ta hiểu thêm về các ngài Thái Giám trong những triều đại vua và các giống "lại cái" khác nhau. Ða tạ Phụng Hồng.

Thưa nhà thơ "Lí Lắc", khi đọc cái tựa to tổ chảng ở trên ai cũng tưởng nhà thơ nói về các loại đàn và công dụng của nó. Ai dè đọc xong chẳng thấy "ca tụng" gì các đấng "mày râu" mà chỉ nói có một vế "đàn bà". Nhà thơ thiên vị quá. Muốn làm một bài thơ hoạ lại nhưng bí chữ, bí lời và nhất là không có tài như nhà thơ nên chịu thua một keo vậy. Còn bài thơ "Chơi" thì quá đã! Thời buổi bây giờ vàng thao lẫn lộn. Thiếu gì kẻ tự xưng tặng cho mình cái danh, cái chức to bằng cái cột đình rồi sau đó muốn "cuội" ai thì "cuội". Chỉ tội cho bọn "dân đen", viết thì không biết, nói thì không ai thèm nghe, báo chí thì không có nên chỉ ngậm bồ hòn mà chịu. Lơ mơ nói thiệt thì còn được tặng cho cái nón cối. Âu cũng là quốc nạn cho dân tộc Việt "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa". Nhớ làm thêm mấy bài thơ chua nữa để đọc cho đở tủi thân con khỉ. Ða tạ.

Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã dành cho TBÐC những bài thơ rất tuyệt. Trong số vừa qua ông đã gởi đến độc giả bài "Tiếc" sau đó là bài hoạ của nhà thơ Ðặng Thiện (có người hỏi thăm về nhà thơ Ðặng Thiện, nếu nhà thơ Hà Thượng Nhân biết rõ xin cho toà soạn biết về tông tích ông ấy để trả lời bạn đọc). Tiếp theo đó chúng ta có dịp thưởng thức hai bài thơ "Về Lại Thăm Ðồi" của Thân Thị Ngọc Quế và "Nhớ Thu Montreal" của Tâm Huyền và có ngay phía dưới bài hoạ của nhà thơ Hà Thượng Nhân. Cảm tạ những bài thơ trữ tình và dễ thương của nhà thơ. Chúc nhà thơ bình an, hạnh phúc để tặng cho cuộc đời những vần thơ đáng yêu.

Ông Ðặng Trần Huân gởi đến chúng ta bài viết "Chuyện Cải Cách Tiếng Việt". Ông đã nêu rõ những chặng đường phát triển của tiếng Việt trong từng giai đoạn khác nhau. Tìm hiểu bài viết nầy, chúng ta sẽ thấy sự thú vị khi đọc và viết Tiếng Việt. Ða tạ Ông.

Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành và hạnh phúc.

Tuần Báo Ðại Chúng

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002