Đại Chúng số 57 ngày 1/9/2000

Hồi ký 20 năm thăng trầm

Ðinh Văn Ngọc

(tiếp theo kỳ trước)

NHỮNG CON PHƯỢNG HOÀNG ÐẤT VIỆT

Sau bốn năm trường kể từ ngày đất nước bị phân chia, miền Bắc cộng sản chiếm cứ, còn miền Nam giao lại cho Cựu Hoàng Bảo Ðại. Tuy tiếng là nhà vua, nhưng thực tế đều nằm trong tay của thủ tướng Ngô Ðình Diệm. Ông Diệm phải đương đầu với những khó khăn trên mọi phương diện. Nhất là hai vấn đề chính trị và kinh tế. Tất nhiên ông Diệm biết trước bởi ảnh hưởng của Pháp vẫn còn trên bán đảo thuộc địa này. Mặc dù là một nước thắng trong chiến bại, Pháp cũng không chịu từ bỏ mộng thống trị và để nó lọt vào vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nên đã hậu thuẫn cho các lực lượng chống lại ông Diệm ngay từ lúc đầu. Trung tướng Nguyễn Văn Hinh cùng một nhóm sĩ quan cao cấp khác nằm trong tầm ảnh hưởng của Pháp ngấm ngầm tổ chức đảng phái kịch liệt chống đối ông Diệm ra mặt. Cứ như thế mà đất nước luôn luôn bị khuấy động. Vốn đã rách rưới bởi cuộc thế chiến lại liên miên chìm đắm trong cuộc chiến chống cộng, giờ tuy gọi là thanh bình, đất nước chia đôi "ai lo phần nấy" nhưng sự thật nhân dân hai miền vẫn khốn khổ trăm bề. Miền Bắc thì cộng sản phát động phong trào giai cấp đấu tranh, địa chủ, phong kiến bị giết chóc, tài sản bị cướp đoạt hoàn toàn. Miền Nam tuy mảnh đất tự do còn lại nhưng loạn sứ quân dấy lên tứ phía, nhân dân càng lâm cảnh khốn cùng.

Mãi đến cuộc họp tại Ðà lạt vào ngày 8-11-54, hai tướng J. Lawton Collins - Ðặc sứ Toàn Quyền của Hoa Kỳ và Ðại Tướng Ely của Pháp chấm dứt sự tranh chấp giữa những người trước kia của Pháp và Thủ tướng Ngô Ðình Diệm.

Hết loạn sứ quân lại phải đương đầu với hiểm họa cộng sản, ông Diệm phần lo cho xong việc định cư hơn một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào, phần lo sắp xếp nền hành chánh và thiết lập một quân đội có đầy đủ khả năng đương đầu với kẻ địch.

Tất cả bấy nhiêu đó với một cái kho trống rỗng, tất nhiên ông phải nhận sự viện trợ của Hoa Kỳ, người bạn đồng minh cùng lý tưởng, giàu có hùng mạnh. Từ đó các sư đoàn, quân đoàn có tính quy mô được hình thành. Hoa Kỳ lúc bấy giờ đã phái tướng Samuel T. Williams đến góp ý kiến với Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Nhưng tiếc thay tướng Samuel tuy tài giỏi thật, nhiệt tâm thật, nhưng lại chỉ quen với lối đánh trận địa chiến hay nói rõ là cuộc chiến quy ước. Theo tướng Samuel ước lượng cộng sản sẽ tung ra hàng sư đoàn tràn qua vĩ tuyến 17 ngy sông Bến Hải hoặc theo ngõ Hạ Lào hoặc đổ quân lên các miền Duyên Hải thuộc các tỉnh miền Trung.

Kỳ thật, tướng Samuel từng có cơ hội đương đầu với chiến lược du kích chiến của họ Mao nên không lượng định được cái thế "Tàm thực" mà cộng sản thường áp dụng. Võ Nguyên Giáp lén lút đổ khí giới lương thực đến các mật khu và luôn cả các cố vấn Trung Cộng vẫn nằm vùng huấn luyện cờ thời phát động cuộc chiến thôn tính nốt miền Nam. Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ chỉ làm có mỗi việc đó, còn sự no ấm của nhân dân thì nhân dân phải tự mình lo chu toàn lấy. Thật sự cộng sản miền Bắc cũng không thể xoay sở được. Vì vậy mà nền kinh tế kiệt huệ hẳn.

Trong khi đó nền kinh tế miền Nam Việt Nam bắt đầu vươn lên cới chính sách năm năm kế hoạch. Ông Diệm thành ocng bước đầu về mức sản xuất nông nghiệp. Song song là kế hoạch đầu tư xí nghiệp công cũng như tư. Ðường xe lửa xuyên Việt các sông ngòi đều được khai thông cho tàu bè ra vào, nhất là hai con kinh đào Ðông Tiến và Ðòn Giông dài suốt 50 cây số giúp nông dân nhiều thuận lợi. Họ được hưởng chế độ tư hữu. "Người cày có ruộng" các điền chủ cắt bớt đất đai theo luật định ban 1lại cho nông dân với giá thật nhẹ và được hưởng cộng đồng trả góp dần.

Mắt khác nền công kỹ nghệ cũng nhịp nhàng tiến triển. Các nhà máy đệt, mày làm giấy, máy sản xuất đường, nhà máy xi măng Hà Tiên và luôn cả đập Ða Nhim cũng được thiết lập, v.v. nhờ vậy mà dân chúng miền Nam lúc bấy giờ có được đời sống rất cao.

Nhờ có đời sống sung mãn mà nên thể thao thể dục phát triển thật sự. Từ bóng bàn đến bóng tròn, cũng như các môn điền kinh, bơi lội, . trãi ra cùng khắp không phải riêng gì thị thành mà luôn cả các miền thôn dã.

Năm 1956 mơi 1là năm tôi chính thức thân hành đưa đoàn tuyển thủ gồm Hòa, Hằng, Tiết, Ðức, cùng nữ đấu thủ Trần Thị Kim Ngôn sang Tokyo dự giải Vô Ðịch thế giới kỳ ba. Tuy không đạt được thành công theo ý muốn song cũng gặt hái được lắm khích lệ.

Trong khi đó miền Bắc lâm cảnh nghèo nàn èo uột. Tinh thần luôn luôn bị căng thẳng trước phong trào đấu tranh giai cấp. Còn đời sống hàng ngày chạy miếng ăn đến chảy máu mắt cũng không đủ thì làm sao có được sự góp mặt về phần thể lực với thế giới bên ngoài.

TRANH GIẢI VÔ ÐỊCH THẾ GIỚI STOCKHOLM

Năm 1957, tôi lại thân hành đưa đoàn tuyển thủ bóng bàn Mai Văn Hòa, Trần Văn Liều, Trần Cảnh Ðược, Nguyễn Kim Hằng, và Huỳnh Văn Ngọc đi tham dự giải vô địch thế giới tại Stockholm, Thụy Ðiển.

Trong trận tranh giải này Huỳn Văn Ngọc - một ngôi sao vừa ló dạng mới 18 tuổi đầu đã làm cho cả thế giới phải sững sờ. Thật vậy, Ngọc đã oanh liệt chiến thắng trước tay vô địch thế giới Ogimura với tỷ số 3/2 trong cuộc tranh giải đồng đội nam và giải này ta được xếp hạng 5 thế giới. Tưởng cũng nên nhắc lại năm 1957 là năm đồng đội Nam của ta đoạt huy chương vàng và đôi nam, Tiết - Liễu chiếm được huy chương đồng trong giải vô địch Á Châu.

Suốt thời gian lưu lại xứ sở này, chúng tôi đưa nhau đi chiêm ngưỡng các khu phố của thủ đô Stockholm, mặc dù lúc bấy giờ trời lạnh 20 độ dưới không.

Dân chúng Thụy Ðiển rất hiếu khách, mỗi lần thấy bóng dáng chúng tôi đi qua, họ chạy xồ ra hoặc để tò mò nhìn hoặc để xin chữ ký lưu niệm. Cũng may, mấy ngày sau trời trở lại nắng ấm. Tôi lang thang đến ven sông Kungsholm đứng lặng nhìn những luồng sóng lăn tăn uốn khúc trông như muôn ngàn con rắn bạc. Dõi mắt nhìn quanh những cái chóp của ngôi nhà thờ Norrmalm một màu xanh như da của những con rắn lục ẩn hiện dưới mái ngói phong rêu. Các ống khói liền nhau từ nhà này sang nhà khác, cao nghều nghệu, trông như tuồng lúc nào cũng nhả khói đen sì sì, bám chặt giữa vòm trời chiều một màu xanh lặc lìa chập choạng. Tôi sững sờ ngắm ãi không biết chán. Nước vẫn lạnh lùng trôi, lặng lẽ như thời gian từng giây qua từng giây không tiếng động. Trên vòm trời những vì sao nhấp nháy. Tiếng đàn vĩ cầm của ai đâu đó vọng lại. Có lẽ nhờ ở đây yên lặng quá nên tôi nghe rõ cả cái nả nớt, cái véo von, cái cao vút, cái trầm trầm của nó len lỏi tận tâm hồn mình.

Ven bên đường đi những cây dương có màu lá rực rỡ đỏ rụng đầy mặt đất hệt như một tấm thảm già nua loang lổ. Tôi lại qua khu Ostermalm nghèo nàn, đường xá lỏm chỏm, hũng hiu cả ổ gà.

Thủ đô Stockholm vừa quý phái vừa cổ kính. Stockholm trông có vẻ sang trọng, xen lẫn với nghèo nàn. Tôi thật khó hiểu người dân Thụy Ðược(iển chẳng biết họ nghĩ gì. Họ sống một cách trầm lặng hơn là se sua làm tôi có cảm giác quanh năm chỉ vui với mây trắng với cây xanh với lửa đỏ với nắng hanh mà không có một chút rạo rực nào với nhạc Rock với những bài bản "cha cha cha" vui nhộn cả.

Chiếc Constellation thường gọi là DC 6 của hãng hàng không Pháp dọc đường đáp xuống nhiều cảng, chẳng phải là cho chúng tôi những chuyến du lịch "bỏ túi" mà đế lấy thêm nhiên liệu. Trong chuyến đi này tôi được làm quen với những cô gái Tây phương có mái tóc bạch kim óng ánh, tuổi trạc 25 hay 26. Nàng tự giới thiệu là một nữ tiếp viên gốc Ðức làm việc cho hãng hàng không Pháp, nhân dịp nghỉ hè đi Singapore chơi, nay trở về quê ở Dortmund (Tây Ðức) thăm cha mẹ. Nàng cho biết trước kia từng là một đấu thủ bóng bàn cấp vùng ở Tây Bá Linh, nên khi biết chúng tôi là phái đoàn bóng bàn Việt Nam đi dự tranh giải vô địch thế giới, nàng lộ hẳn vẻ hân hoan trên mặt. Nàng nói hết chuyện này sang chuyện khác và đề cập đến nhiều hãng hàng không quốc tế. Hàng năm nàng thường đi Singapore, vì nơi này có rất nhiều "Singapore Girls" là danh từ gọi chung cho các nữ tiếp viên. Ðược biết ngành hàng không ở đảo quốc này rất khắt khe trong việc tuyển chọn. Cứ một ngàn cô gái dự thi thì chỉ chọn được một người. Họ phải trải qua ba lần phỏng vấn như vậy và bị "interview" đến cả mờ mắt, nhiều lúc muốn khùng luôn, tuy nhiên điều kiện tiên quyết vẫn là "cái đẹp". Người tiếp viên phải biết giao tiếp với khách. Lúc nào cũng phải biểu lộ sư vui vẻ đầy nhiệt tình. Ngoài ra còn đòi hỏi họ có những hành động thật nhậm lẹ, chính xác đáp ứng đúng như cầu của hành khách. Chiều cao của nữ tiếp viên tối thiểu phải là 1m58 và phải thông thạo Anh ngữ.

Tôi được biết nàng tên là Maria, tốt nghiệp đại học ở Mỹ, sau đó tu nghiệp thêm ở Pháp. Vì vậy nàng nói tiếng Pháp rất sành sõi. Du khách ngày nay thích hãng Thái Airways hơn các hãng khác. Theo nàng nói có lẽc cô gái Thái có nụ cười rất đẹp. Mà thật vậy. Có lẽ tạo hóa ban riêng cho họ diễm phúc đó. Hàng năm hãng Thái Airways đều có những cuộc tuyển lựa nữ tiếp viên. Thường có đến hàng 3000 đơn ứng thi. Họ gặp lắm sóng gió. Trong số 3000 cô dự tuyển thì chỉ còn lại lối . 200. Ðặc biệt là các hãng hàng không lớn của xứ Hoa Anh Ðào. Các hãng lớn của họ như Japan Airlines (JAL), hãng Japan Airways Systems (JAS) và hãng Air Nippon Airways (ANA) tuyển chọn rất khắc khe. Các ngài "Interview" không bao giờ nương tay. Họ có luật phỏng vấn hai cô ứng cử viên cùng một lúc. Mục đích để dễ bề so sánh. Nếu trúng tuyển lương được trả rất cao 270,000 Yen một tháng và sau ba năm được tăng lương 8,000,000 cho mỗi năm. Nói chư ahết câu chuyện thì máy bay đã đáp xuống cảng Frankfort. Trước khi chia tay nàng hẹn gặp lại tại đấu trường quốc tế ở Dortmund. Tôi quyết định cho anh em ở lại chơi Paris vài ngày trước khi đến Dortmund tranh giải. Chiếc xe "ca" đặc biệt đưa tôi cùng phái đoàn về ngủ tại một khách sạn ngay trung tâm thủ đô. Tuy bên ngoài có vẻ cũ kỷ nhưng khi vào bên trong sạch sẽ và tươm tất lắm. Phòng có kích thước vừa vặn khá đẹp mắt. Tường phòng dựng bằng loại ván quí. Thậm chí lò sưởi cũng được chạm trổ công phu toàn những hình hoa quả. Sàn để trần nhưng nhẵn nhụi, bóng nhoáng. Bàn ghế toàn kiểu cọ rườm rà. Có thể đó là cái mode của đầu thế kỷ 20. Một cái giường đôi kiểu Anh Cát Lợi có bốn trụ đồng bóng lộn cùng mấy tấm rèm xanh màu nước biển lôi ra kéo vào được dùng để bao quanh lại khi cần xử dụng. Cái tủ lớn quần áo được đạt sát bờ tường. Hai chiếc ghế bành bằng da kê hai đầu của cái bàn nhỏ, diện tích vừa đủ chỗ cho khách để dăm ba thứ vặt vạnh lỉnh kỉnh.

Trước mặt phòng là cái balcon, đứng nơi đây vọng mắt nhìn tứ phía thấy rực rỡ cả ánh đèn màu. Quả thật là thủ đô ánh sáng. Ðường xá như mắc cửi đầy ấp cả xe cộ và người bộ hành.

Ăn bữa tối xong tôi đánh một giấc dài đến sáng. Dậy sớm nhưng mãi đến 10 giờ sáng mới rủ nhau ra khỏi cửa. Người gặp đầu tiên là một người đàn bà đứng tuổi có thân hình tròn trịa như cái hạt mít bước lại phía chúng tôi. Bà nhoẻn nụ cười thật tươi rồi gật đầu chào thay vì cho lời nói.

Chúng tôi đưa nhau ra bờ sông Seine. Thật tuyệt vời. Tôi sũng sờ nhìn, trông chẳng khác nào bức tranh sơn dầu khổng lồ giăng ngang qua giữa kinh thành ánh sáng. Thỉnh thoảng lượn lên vài lọn sóng lăn tăn tỏa ra một cách yếu ớt, rồi tan hẳn vào bên trong mặt nước phẳng phiu như một mảnh pha lê trong suốt.

Bên kia dòng sông Seine, lúc bấy giờ toàn bộ một màu xám xịt, lờ mờ hình ảnh một tàn cây đen sì rủ xuống như muốn đè bẹp cái mái gỗ thấp lè tè của một sạp bán sách báo, đã ngả màu đen đỉu bởi bụi rậm, cáu bẩn và cũng bởi thời gian tạo cho nó có một bộ mặt thê lương, buồn thảm.

Chúng tôi kéo nhau đến tháo Eiffel, tháp này là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Tháp được kiến trúc bằng sắt làm từ năm 1887 và hoàn thành vào năm 1889. Chiều cao lúc đầu 300 mét. Về sau cơi thêm 20 mét nữa nâng lên thành 320 mét. Tháp gồm ba tầng và phải lên bằng thang máy. Mỗi tầng đều có bán quà kỷ niệm. Ðứng trên đỉnh đáp nhìn ra tứ hướng mênh mông trời đất một màu. Vọng mắt nhìn xuống bên dưới, những tưởng mình đang đứng giữa khoảng không gian nhìn về cảnh địa giới rực lên cả muôn màu muôn sắc. Tháp được kiến trúc bởi viên kỹ sư người Pháp và mang tên học ông ta Gustave Eiffel (2)

Ðáp phi cơ Frankfort và từ nơi này đi đến Dortmund bằng tàu lắc lư như người say rượu. Thỉnh thoảng tiếng còi hú lên cũng dài lê thê như thân con tàu khi sắp ngang qua các cổng hoặc đến một nhà ga nào đó. Chẳng mấy chốc mà người nào cũng như người nấy đều ngủ gà ngủ gật bất chấp cả thời gian và không gian, cứ phó mặc để cho hồn mình chập chờn trong cơn nửa say nửa tỉnh.

Dọc đường đi đến Dortmund còn ngổn ngang dấu vết của cuộc thế chiến thứ hai lưu lại, mặc dù hòa bình đã đến với mọi người từ 14 năm rồi.

Dortmund là thành phố kỹ nghệ bị dội bom nặng nề nhất trong cuộc thế chiến thứ hai. Nhưng chính là địa phương đã phục hồi nhanh chóng nhất. Thành phố kỹ nghệ này có đến hơn nửa triệu thị dân mà đa phần sống nhờ vào đồng lương đổi bằng sức lao động của mình.

Con kinh đào Dortmund Ems dài 280 cây số nối liền giữa Rhur đến tận Bắc Hải. Sau cuộc thế chiến nước Ðức bị chia cắt thành hai vùng. Một bên chịu ảnh hưởng của Mỹ và một bên chịu ảnh hưởng của Liên Sô cũ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thinh, tùy viên báo chí của sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Ðức đợi sẵn và đưa chúng tôi về nghỉ tại khách sạn. Anh Nguyễn Văn Thinh đúng là "tip" của con nhà văn hóa, hòa nhã, lịch sự và rất sành về tâm lý. Trông thấy tôi săn sóc từng ly từng tí cho các đấu thủ bóng bàn, anh nửa đùa nửa thật bảo tôi là hình ảnh của một bà từ mẫu. Tôi còn nhớ mãi câu nói ví von mà anh đã lặp lại của Bersot: "Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt xảo nhất vẫn là quả tim của một người mẹ".

Thú thật khi đưa các tuyển thủ vào hội trường, tim tôi đập mạnh, niềm hãnh diện sau cuộc chiến thắng Á Vận Hội Ðông Kinh vẫn còn nguyên vẹn đó. Hình ảnh lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ hiên ngang phất phời trước kỳ đài danh dự tại vận động trường Tokyo đã in sâu vào tiềm thức của tôi. Ôi! Vinh dự làm sao! Tôi không muốn nó bị chìm đi trước cuộc so tài quốc tế mà trong đó các đấu thủ cộng sản mặc dầu thể thao đã đặt ra ngoài vòng chính trị.

Là một quốc gia trực tiếp đối đầu với cộng sản, một kẻ thù không đợi chờ chung, tôi luôn luôn có quan niệm cho rằng thể thao cũng là một trận tuyến. Nó không chiến đấu bằng súng đạn mà bằng nghệ thuật, bằng tài năng và cả trí óc của mình. Tôi đã từng ưu tư rằng "với người bên kia, khi vào cuộc, ta sẵn sàng nhận bóng của họ giao đến, nhưng phải trả ngay lại họ bằng vợt chứ không bằng tay."

Có lẽ Liễu không hiểu được cái tinh thần phi chính trị (apolitique) của hai kẻ thù nhau, trong cuộc chiến "phi chính trị" mà thật ra nó la một chiến lược mới của những con người tuổi trẻ đi làm chính trị, nên mới có chuyện thù tạc giao hảo với các tuyển thủ Trung Cộng lúc bấy giờ. Huyền Vũ đã viết:

"Còn non một ngày nữa mới đến ngày khai mạc giải vô địch, mỗi hôm các tuyển thủ Việt Nam đều có chương trình thao dợt. Với tư cách trưởng đoàn một quốc gia chống cộng, anh Ngọc khuyên các tuyển thủ nhà không nên có cử chỉ thân mật với các nước cộng sản, kể cả thao dượt chung với họ. Nhưng chỉ vài hôm sau, người bất chấp khuyến cáo ấy là Trần Văn Liễu thường có tánh ương ngạnh. Liễu đã thao dượt với một đấu thủ Trung Cộng. Sau lần bị cảnh cáo Liễu vẫn tái phạm (dường như Liễu đánh cá về kết quả thao dượt, nên phái đoàn có phiên họp đặc biệt và đã đi đến quyết định, nếu tái phạm, Liễu sẽ lập tức bị trả về Việt Nam, theo biện pháp kỷ luật. Và Liễu đã chịu vào khuôn khổ."

Cũng theo Huyền Vũ ghi hẳn một vài trục trặc về chuyện quốc kỳ. Vốn là một quốc gia vừa nặng tinh thần yêu nước, vừa nặng về "khuôn phép" hình thức để giới thiệu sự hiện diện quốc gia mình trước thế giới qua lá quốc kỳ. Nhưng trước kỳ đài lại thấy vắng bóng nó, trong lúc đoàn tuyển thủ bóng bàn Việt Nam Cộng Hòa có sự hiện diện đầy khí thế hào hùng. Thế là tôi đã cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Thinh đến ban tổ chức để phản đối.

Lại cũng chuyện lá cờ. Lần này có phần quan trọng hơn. Trên mặt bàn hội nghị, thay vì nơi phái đoàn nào ngồi ở đó có đặt một lá cờ nhỏ tiêu biểu cho thành phần quốc gia họ ở đó. Lẽ ra ban tổ chức phải đặt lá cờ vàng ba sọc đỏ, họ lại đặt vào đó lá cờ đỏ sao vàng. Tôi lại cùng tiến sĩ Thinh đi can thiệp. Khi nghe chúng tôi nói, họ sững sờ và xin lỗi vì không phân biệt được cờ nào Cộng, cờ nào Quốc Gia.

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002