Đại Chúng số 72 - Kỷ Niệm Ngày Quốc Hận 30/4/2001

Duramax

PHẦN TƯ THẾ KỶ QUA NHỚ LẠI:

NHỮNG BUỔI CHỢ CHIỀU CUỐI THÁNG TƯ ĐEN NĂM 75

* Đặng Văn Nhâm

LÀN SÓNG NGƯỜI KHẮP NƠI TRÀN VÀO SÀI GÒN.

Đúng 2 giờ sáng ngày 10.3.75, quân CSBV khởi sự tấn công Ban Mê Thuột. Không ai ngờ chỉ 24 tiếng đồng hồ sau thị trấn này bị thất thủ hoàn toàn. Đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn 23 BB, và đại tá Ng. Trọng Luật, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Đắc Lắc bị bắt. Ở Sài Gòn, TT Thiệu và chánh phủ vẫn chưa chịu xác nhận BMT thất thủ, còn tin tưởng vào khả năng tái chiếm của tướng Phú. Nhưng dư luận quần chúng trên toàn quốc đã cực kỳ hoang mang giao động. Chỉ 3 ngày sau, 14.3.75, TT Thiệu đã phải ra lịnh cho tướng Phú rút quân khỏi Pleiku, Kontum để bảo tồn lực lượng. Cuộc rút quân thảm hại này đã diễn ra ngày hôm sau, theo sáng kiến của đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, đã khiến cho hàng trăm ngàn quân dân vùng hai bị chết kẹt một cách cực kỳ kinh hoàng trên con đường 7B, một con đường cũ của Sơn Tràng đi về phía đông, qua cái rốn của vùng này là tỉnh Phú Bổn. Xác người lẫn xác xe cộ trải dài la liệt khắp mặt đường. Hình ảnh đó đã khiến tinh thần quân dân vùng Một bị hoảng loạn ngay. Đêm 19.3.75, TT Thiệu bắt buộc phải lên tiếng trên đài truyền hình chính thức xác nhận BMT đã thất thủ, và ra lịnh "tử thủ" Huế, nhưng lại trút mọi tội lỗi cho Mỹ. Ngày 21.3.75, tướng Ngô Quang Trưởng lên đài phát thanh Huế, trấn an quần chúng bằng câu nói lịch sử: "Tôi sẽ chết trên đường phố Huế. Việt Cộng phải bước qua xác chết của tui mới vô được cố đô này!" Trong khi đó Huế đã bị bao vây, sân bay Phú Bài bị pháo kích nặng, quốc lộ 1 bị cắt đứt, mọi di chuyển đều bị tắc nghẽn, chỉ còn lại một sinh lộ duy nhất mà cũng là tử lộ- chẳng khác nào Huê Dung Đạo trong Tam Quốc Chí - để chạy ra biển theo cửa Thuận An và cửa Tư Hiền!

Dân chúng vùng Một bồng bế nhau tìm đường chạy ra biển, lính của tướng Trưởng và cả tướng Trưởng cũng chạy lẫn trong dân, để tìm sống sót. Nhìn cảnh tượng tranh cướp, bắn giết lẫn nhau hỗn loạn trên bãi biển Đà Nẵng, ai cũng phải rùng mình run sợ. Sáng ngày 29.3.75, tướng Trưởng đang lóp ngóp bơi và trôi giữa những cơn sóng nguy hiểm ngoài khơi Đà Nẵng, thì được vớt lên tàu. Nhờ vậy mà ông đã không phải bỏ xác trên đường phố Huế. Thật là hú vía!

Đến lúc này dân số Sài Gòn đã tăng vọt từ 5 triệu đến 7 triệu. Đa số đều là quân dân vùng một và vùng hai, thoát chết chạy vào thủ đô. Nhưng đồng thời dân chúng trong các tỉnh miền Đông giáp ranh Sài Gòn cũng bỏ nhà, bỏ của dắt díu nhau chạy vào Sài Gòn lánh nạn. Đông nhất là dân chúng trong tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Vì người ta đồn Việt Cộng sẽ đánh chiếm Tây Ninh để làm thủ đô cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam VN. Chánh phủ Thiệu cũng tin như thế, nên dư luận càng đồn thổi mạnh mẽ hơn, hoang mang hơn.

Đường phố Sài Gòn và các vùng phụ cận đã chật ních người. Trên mặt ai cũng hiện rõ vẻ sợ hãi, lo âu, ngơ ngác... Giữa lúc đó, ngày 8.4.75, trung ương cục và quân ủy miền của CSBV tung ra chiến dịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Linh phó bí thư trung ương cục đặc trách công tác thúc đẩy quần chúng nổi dậy, Võ Văn Kiệt được trao trách nhiệm tiếp quản thành phố. Phối hợp nhịp nhàng với kế hoạch của CS, phi công phản lực F5 nằm vùng, Nguyễn Thành Trung thình lình ném bom dinh Độc Lập rồi bay thẳng ra Nha Trang, hợp tác với CSBV. Mấy quả bom này đã làm cho cơn sốt của Sài Gòn tăng thêm nhiệt độ.

Ngày 9.4.75, CSBV tấn công Xuân Lộc, sân bay Tân An, và cắt đứt quốc lộ 4. Thế là Sài Gòn gần như đã bị bao vây tứ phía. Quân dân Sài Gòn chẳng khác nào những con cua trong giỏ. Từ đây nhiệt độ cơn sốt tăng lên không ngừng từng giây từng phút. Tinh thần quần chúng đã căng thẳng đến tột độ, tưởng chừng chỉ cần một cái búng nhẹ cũng có thể làm đứt được!

Nhưng đó là chuyện thiên hạ, ngoài xã hội, thân ai nấy lo. Còn trong chánh phủ thì sao? Sinh hoạt của các cơ quan đầu não, lãnh đạo tối cao miền Nam, trong dinh tổng thống, dinh thủ tướng, bộ Tổng Tham Mưu, và thượng hạ viện thì như thế nào?

 

NHỮNG BUỔI CHỢ CHIỀU...

Đây là điều mà có lẽ nhiều người tị nạn ở hải ngoại ngày nay muốn biết. Một phần tư thế kỷ qua, tôi không thấy ai đề cập đến. Những vị cầm đầu các cơ quan đó, như các ông: Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Bá Cẩn, Cao Văn Viên, Trần Văn Lắm... hầu hết đều đã an toàn, thong dong đem gia đình thân quyến ra hải ngoại, nhưng chẳng ai tiết lộ nửa lời. Vì thế, nay tôi không ngại sự thấy biết đơn sơ và trí nhớ cùn mòn, cố gắng kể lại cách tóm lược những diễn biến tản mạn trong các cơ quan lãnh đạo tối cao này, để bạn đọc thưởng lãm.

_ Ngày 14.4.75, thấy tình hình chiến sự đã nguy ngập vô cùng, lại thêm bị chấn động kinh hoàng bởi mấy quả bom của Ng. Thành Trung giáng xuống dinh Độc Lập, đe dọa sinh mạng của gia đình vợ chồng TT Thiệu, và TT Khiêm cũng nhận thấy hết đường cạy gỡ gì được nữa, mới chấp nhận bàn giao nội các cho dân biểu thân chính Nguyễn Bá Cẩn, một thủ hạ thân tín nhất của TT Thiệu, vốn xuất thân Quốc Gia Hành Chánh. Tôi đã có dịp quen biết Ng. Bá Cẩn cả chục năm trước từ khi ông còn là phó tỉnh trưởng. Lễ bàn giao giữa Trần Thiện Khiêm và Ng. Bá Cẩn đã diễn ra tại phòng khánh tiết dinh Độc Lập vào sáng ngày 14.4.75, trước sự hiện diện của TT Thiệu, phó TT Hương, các dân biểu thượng, hạ viện và đầy đủ các vị tổng, bộ trưởng trong hai nội các cũ và mới. Về phía nội các mới, thấy có Trần Văn Mãi, Nguyễn Văn Diệp, Lê Quang Trường, Trần Văn Đôn, đóng vai phó thủ tướng, và Dương Kích Nhưỡng, phó thủ tướng đặc trách định cư và cứu trợ. Nghe nói còn có Ng. Xuân Phong, nguyên trưởng phái đoàn thương thuyết hòa đàm Ba Lê đã được phong làm quốc vụ khanh, nhưng hiện còn ở Pháp chưa về trình diện kịp. Trong nội các cũ, người ta thấy có mấy khuôn mặt nổi bật như Nguyễn Văn Hảo và Trần Văn Đôn. Nhưng thiếu Vương Văn Bắc, tổng trưởng ngoại giao. Lúc đó, Lê Quang Giảng, thứ trưởng ngoại giao quyền ngoại trưởng, đã thay mặt cho Vương Văn Bắc, vì Bắc đã đem hết vợ con thân quyến vọt ra nước ngoài từ trước khi Ban Mê Thuột bị thất thủ. Từ đó Vương Văn Bắc đi lòng vòng đến khắp các tòa đại sứ VNCH trên thế giới, để kiểm tra "ngân sách". Cuối cùng đến ngày 25.4.75, khi biết chắc số phận con bịnh miền Nam đã hết thuốc chữa, Vương Văn Bắc mới đánh điện về Sài Gòn xin từ chức. Xin từ chức với ai? Vì ngày 21.4. chính Nguyễn Bá Cẩn, tân thủ tướng cũng đã âm thầm đem vợ con theo chân TT Thiệu và TT Khiêm chuồn êm ra ngoại quốc rồi!

Trong cuộc bàn giao tẻ nhạt, không khí tràn ngập hoang mang, lo sợ phập phồng này, người ta cũng còn thấy cả sự có mặt của các cha cố, sư sãi, và một số đại diện báo chí trong nước và ngoại quốc.

Về phía tòa đại sứ Mỹ, ngày hôm nay đã bắt đầu phát ra cho tất cả người Mỹ ở Sài Gòn giấy "bảo lãnh bạn VN thoát khỏi bị CS tắm máu trả thù." Chỉ trong vòng 24 giờ sau, không khí sinh hoạt Sài Gòn bỗng nhốn nháo hẳn lên. Không hiểu bằng cách nào những kẻ gian manh đầu cơ thời cuộc đã nhanh chóng tung ra thị trường giấy bảo lãnh của Mỹ với giá bán, lúc đầu là 250 đô la một tờ. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, giá giấy tăng lên gấp đôi đến 500 đô la một tờ. Rồi 1000 đô la một tờ cũng có người tranh nhau mua. Nhiều người còn mua đi bán lại, để ăn lời. Nên biết lúc đó giá một đô la ăn 60.000 đồng VN. Càng ngày giá giấy bảo lãnh càng tăng như pháo thăng thiên. Nhiều gia đình không đủ tiền mua giấy bảo lãnh của Mỹ, nhưng trong nhà có con gái, hay đàn bà còn sạch mắt cũng vui lòng đem tấm tiết trinh giá đáng ngàn vàng ra thế chấp cho mấy ông bạn đồng minh, với hy vọng được bảo lãnh sang Mỹ, thoát nạn CS. Nhưng tội nghiệp, đại đa số đều không ngờ mình đã là nạn nhân của một thủ đoạn lừa bịp trắng trợn, tàn nhẫn nhất. Họ chỉ thực sự đau đớn và bàng hoàng tỉnh ngộ, khi dắt díu con cái đến cổng Phi Long, phi trường Tân Sơn Nhất, chìa tấm giấy bảo lãnh ra, bị chú quân cảnh Mỹ lạnh lùng xé toạc vứt xuống đất, và dùng báng súng xua ra như đuổi gà!

_ Ngày 21.4.75, TT Thiệu thình lình triệu tập nội các tỏ ý muốn từ chức, đến tối quần chúng thấy Thiệu xuất hiện trên đài truyền hình tuyên bố chịu từ chức và trao quyền lại cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Tiếp theo ông Hương kêu gọi ngưng bắn để thương lượng. Ngay sau đó, TT Thiệu và gia đình được người Mỹ hộ tống đưa ra phi trường trong đêm tối để bay qua Đài Bắc với tất cả của cải đã gom góp được trong một khối hành lý khổng lồ cân nặng gần 10 tấn, không sứt mẻ đồng nào, ngoại trừ 500 đô la tiền "buộc boa" để trả ơn phục dịch lo liệu chuyến đi cho đại tá Cầm.

Kể từ giờ phút ấy nội các Ng. Bá Cẩn kể như cũng đã tự động "tan hàng". Từ Ng. Bá Cẩn đến các tổng, bộ trưởng không còn ai léo hánh đến nhiệm sở nữa. Nhà báo, đặc biệt là những người thân cận, quen biết lâu năm, muốn tiếp xúc với họ phải đến tư gia. Tuy nhiên, đa số đã vọt từ khuya, chỉ còn gia nhân ở lại trông nhà!

_ Sáng ngày 25.4. 75, lưỡng viện quốc hội VNCH họp phiên khoáng đại đặc biệt theo lời yêu cầu của TT Trần Văn Hương tại hội trường Diên Hồng, dưới quyền chủ tọa của Trần Văn Lắm, chủ tịch Thượng Viện. Khi TT Hương lên diễn đàn thượng viện, ai cũng thấy ông đã lệt bệt, bết bát lắm rồi. Nhưng ông vẫn còn cố gắng run rẩy kêu gọi mọi người cùng ông tử chiến để bảo vệ miền Nam. Lần này, khác với mọi khi ông nói rất vắn tắt, rồi ra xe về liền. Không khí hội trường sau đó cũng sôi nổi bát nháo hẳn lên. Đa số ngồi đó mà đít đã nhấp nhổm, mắt thường láo liên nhìn về phía cửa ra vào. Nhưng họ vẫn chia ra từng khối để thảo luận riêng. Tựu trung có ba khuynh hướng chính: Một phe thuộc thành phần thứ ba, thân cộng, gồm các dân biểu Lý Quí Chung, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Hữu Chung, hiệp với nhóm nghị sĩ cựu đại tá Hồng Sơn Đông đòi đưa Dương Văn Minh lên thay thế ông Hương, để thương thuyết với MTDTGPMN. Nhóm khác có vẻ theo phe Ng. Cao Kỳ, chống lại, nêu giả thuyết chưa chắc CS đã chịu thương thuyết với Dương Văn Minh, lại còn có thể khiến cho Ng. Cao Kỳ làm đảo chánh. Nhóm ủng hộ Dương Văn Minh liền phản công, nói nếu Kỳ đảo chánh DV Minh thì Thiết Giáp và Thủy Quân Lục Chiến sẽ làm phản đảo chánh chống lại Kỳ. Nhà báo dự thính chẳng biết họ căn cứ vào đâu để phát ngôn lung tung như thế, nên có cảm giác như đang nghe đám con nít đang chơi trò "cút bắt" đấu khẩu, trong xóm Bàn Cờ. Nếu ai có chút kinh nghiệm sinh hoạt chính trị hậu trường tất nhận ra ngay nhóm ủng hộ Kỳ đã được Trần Văn Lắm kín đáo giật giây. Vì TV Lắm có người con rể là Đặng Đức Khôi, vốn là bạn thân của Ng. Cao Kỳ đã từng ủng hộ Kỳ trong suốt thời gian Kỳ làm chủ tịch UBHPTƯ và Phó Tổng Thống cho Thiệu. Lúc đó tuy ĐĐ Khôi đang ở Mỹ, nhưng nghe đâu nếu TV Lắm vận động thành công thì Khôi sẽ lập tức về ngay để trợ lực cho Kỳ và cho bố vợ. Mặt khác, TV Lắm cũng cố gắng đem vấn đề hiến chế ra để bác bỏ mọi đề nghị đưa DV Minh ra thay TV Hương, và cho rằng nếu TT Hương từ chức thì phải trao quyền lại cho chủ tịch thượng viện.

Đến 8 giờ tối, lưỡng viện quốc hội lại tái nhóm chung trong bầu không khí sôi nổi khác thường. Đa số nêu ý kiến bất tín nhiệm TV Hương, đưa DV Minh lên thay thế. Giải pháp TV Lắm thay TV Hương bị chìm nghỉm trong khung cảnh vô cùng nhốn nháo.

_ Ngày 26.4.75, có tin chính thức TT Ng. Bá Cẩn đã lén đem vợ con và thân nhân vọt ra ngoại quốc rồi, cho nên TV Đôn, phó thủ tướng đặc trách liên lạc với quốc hội đã phải thay mặt Ng. Bá Cẩn tường trình trước quốc hội về tình hình chung. Phó thủ tướng đặc trách kinh tế, Ng.V. Hảo tường trình về kinh tế, và cuối cùng đến phiên ĐT Cao Văn Viên trình bày tình hình quân sự. Bản tường trình tổng kết của các nhân vật thẩm quyền ấy đã khiến cho người nghe hình dung ra được thảm trạng cực kỳ đen tối, bi đát đến tuyệt vọng. Không khí chán nản, lo sợ hãi hùng bao trùm toàn thể hội trường, lúc đó chỉ còn lại chừng trên trăm người. Cuối cùng để cứu vãn tình hình trong cơn cực kỳ nguy cấp, nhóm dân biểu thủ hạ của Dương Văn Minh đã năng nổ hô hào vận động tích cực cho giải pháp đưa DV Minh ra đóng vai trò hòa giải với phe MTDTGPMNVN.Dường như ai cũng đặt hết tin tưởng vào lá bài DV Minh. Điều này có lẽ đã khiến ông già gân TV Hương bị xúc phạm tự ái, nên đã tuyên bố huỵch toẹt trước quốc dân đồng bào, trên đài truyền hình: "Thằng Minh nó là học trò tôi. Tôi biết nó quá mà... Nó chỉ muốn vẽ bùa mà đeo!"

Lúc này ô. Minh có vẽ bùa mà đeo hay không cũng đã hết thành vấn đề. Vì đa số dân biểu và nghị sĩ đã quyết tâm chọn DV Minh để thay ông TV Hương rồi. Bởi thế, có tiếng vọng vào dinh Độc Lập cho ông Hương biết, nếu ông còn ương ngạnh không chịu trao quyền cho ông Minh thì lưỡng viện sẽ phải bỏ phiếu "bất tín nhiệm" ông. Như vậy, ông Hương sẽ bị mất thể diện nặng nề hơn. Vì thế đến tối hôm nay, ông Hương đã phải xuất hiện trên màn ảnh truyền hình tuyên bố trao cho quốc hội toàn quyền chọn tổng thống khác.

_ Hôm sau, ngày 27.4.75, lưỡng viện quốc hội lại họp chung lần nữa tại hội trường Diên Hồng từ 18 giờ đến 22 giờ đêm để tiến hành thủ tục bầu ông Minh lên làm tổng thống hầu có thể điều đình với CSBV về việc lập một chánh phủ hòa hợp hòa giải gồm 3 thành phần: Quốc gia, trung lập (còn gọi là "thành phần thứ ba"), và MTDTGPMNVN. Nhà báo để ý thấy số dân biểu và nghị sĩ hiện diện trong cuộc bỏ phiếu này rất thưa thớt, chẳng khác nào một phiên chợ chiều. Đa số đã bỏ chạy ra bến tàu, hay vô phi trường Tân Sơn Nhứt để tìm đường chạy ra ngoại quốc.

_ Ngày 28.4.75, tình hình bên ngoài thành phố đã cực kỳ khẩn trương, quân CSBV đã siết chặt thêm vòng vây. Một số máy bay phản lực ở Biên Hòa đã phải dời về TSN, bộ tư lệnh quân đoàn 3 của tướng Toàn cũng đang gấp rút chuẩn bị dời về Gò Vấp. Đến 10 giờ sáng, ông Hương thông báo cho DV Minh biết tin lễ bàn giao chức vụ tổng thống sẽ diễn ra vào lúc 17 giờ tại dinh Độc Lập. Nhưng đến khoảng 15 giờ 30 một phi đội 5 chiếc oanh tạc cơ A.37 do Trung úy nằm vùng Ng. Thành Trung hướng dẫn đã cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) vào ném bom xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Hôm nay tướng Cao Văn Viên đã cởi bỏ nhung phục, mặc quần Jean, áo Polo, bám theo máy bay Mỹ vọt qua Thái Lan.

_ Đúng lúc lễ bàn giao giữa hai ông Hương và Minh đang diễn ra trong dinh Độc Lập, bỗng trời đất chuyển động ầm ầm, sấm chớp liên hồi và cơn mưa to đầu mùa trút nước xuống như thác đổ. Cảnh tượng này càng làm tăng thêm vẻ hãi hùng bi đát cho lễ bàn giao. Trong dân chúng, nhiều người tin dị đoan cho rằng đó là một điềm gở!

_ Ngày 29.4.75, chủ tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, tướng Ng. Cao Kỳ, tướng Trần Văn Đôn vội vàng nhanh chân vọt theo Mỹ ra ngoại quốc. Tướng Đôn lên chuyến trực thăng Mỹ cuối cùng trên sân thượng tòa nhà Alliance Francaise, góc Hai Bà Trưng và Gia Long, cùng một chuyến với BS Trần Kim Tuyến. Cùng thời gian này tướng Toàn tư lệnh QĐ 3 cũng bỏ chạy, nhưng vẫn còn để lại cuộn băng phát thanh kêu gọi quân dân vùng 3 tử thủ đến giọt máu cuối cùng!

Hôm nay ngay sau khi vừa được bàn giao chức vụ tổng thống, việc đầu tiên của DV Minh là di chuyển toàn bộ gia đình vợ con, cháu chắt vào cư ngụ trong dinh Độc Lập. Suốt ngày hôm nay, DV Minh và Ng. Hữu Có chỉ lo giữ liên lạc với TT Trí Quang, để tiến hành việc thành lập một chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc gồm 2 thành phần (thay vì 3 như lúc đầu). Một bản dự thảo nội các đã được phác họa như sau:

Đồng chủ tịch: Dương Văn Minh, Trần Văn Trà.

Ba phó chủ tịch : Vũ Văn Mẫu, Trịnh Đình Thảo, Cao Văn Bổn.

Tổng trưởng quốc phòng: Phạm Văn Phú, tổng trưởng ngoại giao: Nguyễn Thị Bình, TT Tư pháp: Trương Như Tảng, TT Nội Vụ: Vũ Quốc Thúc, TT kinh tế: Ng. Văn Hảo, TT thương mại: Lê Quang Uyển, TT tài chính: Trần Ngọc Liễng... Nếu bộ nào tổng trưởng là người của Minh thì đổng lý VP là người của MTDTGP. Ngoài ra còn một Hội Đồng Cố Vấn chánh phủ gồm: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Thích Trí Quang (Phật Giáo), Lương Trọng Tường (Hòa Hảo), Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa (Cao Đài), linh mục Chân Tín (Thiên Chúa Giáo), cựu thủ tướng Trần Văn Hữu v.v...

Cũng trong ngày 29.4.75, từ 8 giờ sáng, dân chúng Sài Gòn càng thêm nhớn nhác, sợ hãi, khi thấy trên trời từng đoàn trực thăng khổng lồ bay rầm rập không ngừng nghỉ, giữa những cụm khói đen ngùn ngụt bốc lên từ phía Nhà Bè. Xen lẫn trong những âm thanh hỗn độn khủng khiếp đó, người ta còn nghe đài phát thanh, cứ cách khoảng 15 phút một lần lại phát đi trên băng tần FM 99,9 mê ga héc, bản tin về nhiệt độ Sài Gòn đã lên đến trên 40 độ centigrade, với một bài hát trật đường rầy và câu nói bâng quơ xem ra hoàn toàn vô nghĩa lý trong hoàn cảnh này: "Tôi đang mơ một ngày lễ Giáng Sinh có tuyết trắng!"

Hầu hết dân chúng Sài Gòn lúc bấy giờ chẳng ai hiểu gì về câu nói khơi khơi đó, khiến họ càng thêm kinh hãi bàng hoàng. Đó là ám hiệu di tản toàn bộ người Mỹ ra khỏi Sài Gòn đã có ghi trong một quyển sách nhỏ "tuyệt mật" gọi là "SACE" (tên tắt của mấy chữ: Standard instructions and Advice to Civilians for normal and Emergency situations), bìavàng, vỏn vẹn chỉ có 15 trang, phổ biến rất giới hạn trong giới người Mỹ ở VN mà thôi.

_ Sáng ngày 30.4.75, ông Vũ Văn Mẫu được tân tổng thống DV Minh chỉ định làm thủ tướng, thay thế Ng. Bá Cẩn. Nhưng Ng. Bá Cẩn đã vọt mất tiêu từ mấy hôm trước rồi, nên ông Mẫu cứ đến thẳng dinh Thống Nhất, ngồi vào chỗ của Ng. Bá Cẩn. Chung quanh ông lúc bấy giờ chẳng có ai, ngoại trừ dân biểu Lý Quí Chung. Do đó ông đã ban hành bằng khẩu lệnh cho Lý Quí Chung chức tổng trưởng thông tin, để tiện việc loan truyền các tin tức cấp thiết. Lập tức Lý Quí Chung lôi ngay Ngô Công Minh, nguyên chủ nhiệm nhật báo Lẽ Sống Mới, (anh của Ngô Công Dư sau năm 75 đã ở Bolsa, HK) vào làm thứ trưởng. Nhưng nội các "một ngoe" này chỉ tồn tại được không đầy 3 tiếng đồng hồ thì chiến xa của quân CSBV đã tiến vào tiền đình dinh Độc Lập!

Đặng Văn Nhâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002