Đại Chúng số 72 - Kỷ Niệm Ngày Quốc Hận 30/4/2001

Duramax

Đôi dòng cảm nghĩ về cuốn hồi ký:

"GỌNG KÌM LỊCH SỬ" VÀ TÁC GIẢ BÙI DIỄM

Mạc Kinh

Trời Paris vào thượng tuần tháng 3/2001 đầy mưa và gió lạnh. Thời tiết thật xấu. Nhưng có cái lạ, là ngoại cảnh đổi thay thế đó vẫn không mảy may ảnh hưởng đến tâm hồn du khách – mà cứ phải là người khách phương xa Việt Nam kia, nhất lại, đã từng có một thời trẻ trung chôn chân bên dòng sông Seine tình tứ. Vì cứ phải là kẻ giang hồ lữ thứ ấp ủ một tâm sự về nỗi nước tình nhà mới cảm nhận bằng hết niềm rung động man mác trước trời Ba Lê hoa lệ đổi mầu. Cái trẻ ở một thời lãng mạn hay cái lãng mạn còn vấn vương trong buổi hoàng hôn đời người thực là huyền ảo. Như quyện với nhau để rồi hòa tan trong cung đàn thơ mộng ở nhà thơ, nhà nhạc sĩ Cung Trầm Tưởng mãi mơ màng nhớ về Paris muôn thuở. Hoặc, ở một văn tài trí thức Nguyễn Mạnh Tường ngày xa xưa, vào cái đêm người du học sinh ấy giã từ bóng dáng kiều diễm người bạn tình - nàng thiếu nữ đất Ba Lê, để đặt chân xuống con tầu biển vượt trùng dương trở về xứ sở quê hương, lưu luyến thốt lên... Ecoute! viens t’asseoir auprès de moi avec tes yeux de tous les jours... Vâng, cái ánh mắt nhẹ như sương khuya, dung dị có như thế nhưng đã là một trời thương nhớ ray rứt bao la đeo đuổi người ta suốt cuộc đời. Bây giờ hồi tưởng lại, hầu hết bạn đọc và chúng tôi trong nhiều thập niên thăng trầm chìm nổi, từ những buổi thoạt lao mình vào khói lửa chiến chinh ôm mộng dành độc lập giữa mùa thu 1945 thử hỏi còn lại được gì? Có biết bao sự việc đã tan biến trong tiềm thức, không còn muốn nhớ. Song có biết bao sự thật đau đớn chua xót liên quan đến một giai đoạn lịch sử sóng gió nhất, bị phản bội bi thảm nhất của nước nhà – trong quá trình dài vô tận ấy muốn quên lại vẫn khắc khoải, canh cánh bên lòng.

Không phải vì ngẫu nhiên, vì vô tình mà kẻ viết bài mở đầu trang báo hôm nay mượn khóe mắt giai nhân trong đoản thiên tiểu thuyết của nhà khoa bảng đáng thương Nguyễn Mạnh Tường để bàn chuyện nước nhà Việt Nam. Chúng tôi cố tình. Trong sự cố tình ấy, mong được bạn đọc cảm thông và lượng thứ. Vì, tình yêu đất nước về một mặt nào đó cũng ví như tình yêu người đẹp. Nó cứ đến một cách hồn nhiên, thành khẩn, tha thiết. Nó đến từ một rung động ở ánh mắt, ở đáy hồn.

Người bần cố nông Cộng sản VN chiến đấu vì miếng cơm manh áo. Họ muốn đổi đời – từ cuộc sống lam lũ, nghèo hèn ở chốn ao tù nước đọng sang cái cảnh dành đoạt lại của cải, ruộng vườn, sự giàu có trong tay các giai từng mà họ mệnh danh một cách hận thù "giai cấp bóc lột."

Người trí thức, tiểu tư sản VN lại chiến đấu không vì manh áo miếng cơm. Không hằn học, thù hận. Học thức, kiến thức, sự sung túc mở rộng nhãn quan trí tuệ của họ cho phép nhìn xa hơn những gì chỉ quanh quẩn trong bát cơm, chén cháo, manh quần tấm áo vá chằng vá đụp sau lũy tre xanh. Họ có nhiều lãng mạn tính, mơ tưởng một chân trời mở rộng có tiếng nhạc nét họa, văn hóa và văn hiến. Họ ấp ủ một lý tưởng, một hoài bão dành lại chủ quyền cho đất nước, giải thoát cho cả một dân tộc đắm chìm trong họa mất nước. Từ đó có điều kiện vươn lên cho các thế hệ tiếp nối của giống nòi Hồng Lạc, sánh kịp theo trào lưu văn minh ở thế giới bên ngoài.

Thời gian 1945 là khúc quặt lịch sử trăm năm mới có một lần. Chế độ thuộc địa Pháp tan vỡ khắp 3 miền VN. Nhưng rồi, chỉ trong khoảnh khắc, tiếng súng kháng chiến toàn quốc 1946 bùng lên. Nghe theo tiếng gọi Núi Sông, các giới tiểu tư sản trí thức quan lại phú nông sẵn sàng bỏ tất cả cuộc đời riêng để tung mình vào cuộc chiến, bảo vệ nền độc lập phôi thai ấy. Họ chưa nghe, chưa hay biết gì về tiếng gọi xa lạ "Cộng Sản". Họ chấp nhận chiến đấu hy sinh. Và mường tượng cảm nhận – bên cạnh họ có những phần tử vô sản, nghèo khổ, thất học nhưng chất phác, hiền hòa. Chủ thuyết Mác Xít chưa có thì giờ, hoàn cảnh, để làm biến chất tàn nhẫn cái gốc lương thiện ở những người răng đen mã tấu ấy như về sau này. Súng ống, đạn dược nào đã có là bao? Cứ phải có tinh thần thay cho vũ khí. Hàng triệu thanh niên trí thức tiểu tư sản – sinh viên – học sinh đã là động lực chính yếu nhập cuộc, làm đầu tầu cho khối quần chúng chỉ mới có trong tay những chiếc gậy tầm vông.

Máu lửa ngập trời Thăng Long. Họ quyết tử. Họ cứ như một Nguyễn Văn Nhung – người sinh viên Trường Luật, người đã sớm đón nhận lời dặn dò của Liệt sĩ anh hùng Nguyễn Thái Học... "không thành công thì thành nhân"..., người đã bắc thang lên mặt thành cửa bắc Hà nội cầm loa kêu gọi binh lính Pháp buông súng đầu hàng khi cuộc chính biến 9.3.45 Nhật hạ Pháp xẩy ra. Bị gục ngã trước lằn đạn, Nguyễn Văn Nhung đã chính là người Việt nam đầu tiên đổ máu đào cho nền độc lập sau 80 năm mất nước. Đám tang anh ở ngày kế tiếp, theo sau linh cữu là vị hôn thê sắp cưới của anh đã là cả một thiên tình sử lãng mạn cách mạng vô cùng truyền cảm đến toàn giới tuổi trẻ Hà nội lúc bấy giờ. Trước đêm đảo chính một ngày, Nguyễn Văn Nhung và nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí (tác giả thiên phóng sự nổi tiếng "Tôi Kéo Xe" và còn là nhà báo chuyên viết bình luận mà giới cầm bút Bắc Hà cảm mến) được Hiến Binh Nhật bản bí mật mời đi, đến một doanh trại cô lập hoàn toàn, để soạn thảo Lời Hiệu Triệu quốc dân, trước giờ Quân Đội Phù tang nổ súng lật đổ chế độ Bảo hộ Pháp ở VN và trên toàn cõi Đông Dương.

Cùng với nhân dân Miền Nam kháng chiến, đoàn quân thanh thiếu nữ đất Hà thành của Bà Trưng Bà Triệu, của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung... ở lịch sử ngàn xưa, sau những ngày đêm chiến đấu giữa lòng thành phố đã phải rút khỏi thủ đô Hà nội đổ nát, trở về bao vây các thị xã Miền Bắc đặt trong gọng kìm của quân đội viễn chinh Pháp vừa trở lại tái chiếm VN. Toàn bộ chính phủ trung ương tháo chạy lên Cao Bằng Lạng Sơn Thái Nguyên (Việt Bắc) ẩn nơi rừng núi trùng trùng điệp điệp. Cơ sở kháng chiến vùng đồng bằng vội vã được thiết lập, dưới danh xưng Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Liên Khu III (gồm các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Phòng và thành phố Hà nội). Tất cả hàng ngũ tiểu tư sản, trí thức, công chức quan lại đổ xô về quy tụ, tiếp tục kháng chiến trong khẩu hiệu "Toàn Dân Kháng Chiến". Không một ai thắc mắc, hoài nghi về cơ cấu lãnh đạo. Chỉ có kháng chiến với kháng chiến. Không có Cộng sản lộ diện, lộ diện về đường lối vô sản. Đảng viên CS nếu có, hầu như chỉ mới là một nét vạch nhỏ giữa những đường chỉ tay trong lòng một bàn tay. Họ cũng chỉ mới nhiều-nhiều hơn một chút, đông-đông hơn một chút so với ngày đầu tiên phong trào Việt Minh xuất hiện, hay lúc đoàn Giải Phóng Quân CS công khai ra mắt ở Hang Pác Bó đếm vừa đủ một tiểu đội súng dài hơn người với tướng Võ Nguyên Giáp sau này, cùng chụp chung bức ảnh xuất phát kia.

Từ 1946 đến 1954, Liên Khu III vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương. Người đi chiến đấu cứ chiến đấu. Người công tác ở phía sau, đôi khi sát liền mặt trận, có trăm công ngàn việc lớn nhỏ - cứ tận tình đóng góp với tất cả khả năng, sáng kiến, trong kỷ luật tự giác tuyệt đối. LK III lúc bấy giờ hầu như là vùng đất Hà thành ngàn năm văn vật thu nhỏ lại, hội tụ hằng hà sa số các nam nữ thanh niên trung lưu, thanh lịch, từng có một thời nổi tiếng là những dân "cậu", những "công tử", những nàng kiều nữ tóc thề xinh tươi của những con đường thơ mộng Cổ Ngư, Quan Thánh, của những đường phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Than, Hàng Bạc... trước ngày tiếng súng bùng nổ. Hay, những chàng trai túa ra từ các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Pasteur... của Hà nội thuở nào. Nhung-y chỉ là bộ đồ kaki hoặc chiếc áo trấn thủ khoác trên người với chiếc ba-lô tài sản độc nhất quàng sau lưng. Họ lao mình đi chiến đấu thế đó! Học đánh giặc là điều không mấy khó. Đụng độ, xáp trận đôi ba lần rồi quen. Miễn cứ có tinh thần. Và nào có phải là tinh thần Vô sản đâu? Tất cả, hầu như chỉ mới có duy nhất một tinh thần... lãng mạn: Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt... Xếp bút nghiên theo việc đao cung...

Đấy, từng từng lớp lớp nhân dân đất Việt, ngoài Bắc cũng như trong Nam, khởi thuỷ đứng lên đánh ngoại xâm, xây dựng nền độc lập là vậy đó. Đoàn quân Việt Minh đâu? Cộng sản đâu? Việt cộng là đâu? Trong hàng ngũ trí thức, tiểu tư sản ở LK III sẵn sàng đem đoạn đời cá nhân cho công cuộc dành độc lập gồm khá nhiều các nhà luật học, bác sĩ, công chức, quan lại, thương gia, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nhạc sĩ như Bùi Hữu Khách, Vũ Tiến Tuân, Vũ Văn Huyền, Bùi Hòe Thực, Nguyễn Duy Quang, Lại Tư, Vũ Quốc Thông, Vũ Quốc Thúc, Đặng Mộng Ruẩn, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Tuân Sán, Vũ Tuấn San, Trần Chánh Thành, Bùi Suyến, Đỗ Xuân Sảng, Lê Văn Chất, Đoàn Kiểm, Phạm Hữu Chương, Trần Hữu Tước, Hoàng Văn Chí, Hà Thượng Nhân, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Tchya Đái Đức Tuấn, Hoàng Nguyên, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Mai Văn Hàm, Phạm Quang Khai, Lê Khải Trạch, Vũ Bằng, Quang Dũng, Hữu Loan, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lương Hàm Châu, Văn Cao... Kể sao cho xiết? Nhưng chỉ biết rằng, về sau này, khi chiếc mặt nạ CS rớt xuống, 9/10 trong bọn họ đã bằng mọi cách tìm đường ly biệt CS, trở về vùng quốc gia mới vừa tái thành lập trong tay Cựu hoàng Bảo Đại. Nói cho cùng, dẫu có những điều đáng trách, nhà vua thoái vị ấy vẫn có cái giá trị mà lịch sử VN không thể gạt bỏ sang bên được. Nếu ông không tái xuất hiện vào cuối thập niên 49-50, Việt Nam đã nằm gọn trong tay VM Cộng sản để chẳng bao giờ có được hai thời đệ nhất đệ nhị Cộng Hòa ở Miền Nam. Và, cho dù nước mất vẫn còn lưu lại một huyền thoại "quốc gia" để ngày nay hàng ngũ người Việt có tinh thần dân tộc nói chung đang chuyển mình mạnh mẽ vào quỹ đạo tự do dân chủ, phục kích ngày CS tan rã sụp đổ trên giải đất quê hương đã có quá nhiều đau thương. Có cơ hội thì nói nhiều viết nhiều, bằng không, tối thiểu phải nhắc đến chút ít về một giai đoạn lịch sử mở đầu cuộc kháng chiến, để thật giản dị và mau chóng chứng minh sự hy sinh xương máu, sự đóng góp lớn lao của quốc dân VN và rồi bị người CS trở mặt, đi theo Nga cộng, Tầu cộng cướp công, tàn sát người đồng chủng không tiếc thương. Tàn sát ngay trong phong trào đấu tố miền Bắc. Tàn sát không nương tay mọi giới quốc dân Miền Nam vào ngày tháng sau 75. Và đến tận bây giờ - đọa đầy tuyệt đại đa số người dân ba miền Trung Nam Bắc trong nghèo túng đói rách triền miên. Để đúc kết một nét nhìn chung cuộc về cái thắng cái thua giữa thực chất quốc gia với cộng sản trên đất nước chúng ta, tưởng phải thẳng thắn nhìn nhận, ở giai đoạn quá khứ, hàng ngũ dân tộc có tất cả thế thượng phong, hội đủ điều kiện tốt đẹp - kể cả tinh thần vì nước sau ngày chủ quyền bảo hộ Pháp tan biến. Nhưng đáng tiếc chúng ta không có kinh nghiệm tổ chức, rời rạc lỏng lẻo trong kết hợp. Thiếu luôn cả phương pháp và kỹ thuật đấu tranh. Thiếu "hồn lãnh đạo"! Ngược lại phe CS đã có ngay một pho sách đầy đủ và phong phú cùng kinh nghiệm được hoạch định sẵn từ "quốc tế CS Lénine-Staline" và Mao Trạch Đông. CSVN chỉ việc dựa vào đấy mà khai thác, áp dụng. Chính sách của CS là cướp của người thành của mình. Phương pháp CS là từng bước nắm chặt những gì đã đoạt được, nhất là "chính quyền" và không bao giờ chia cho ai cả. Thực là điều chẳng đáng dành một thoáng chốc nói ra, song để dễ bề so sánh, xin nhắc vội, sơ lược, về một cái tổ chức sau 1975 có chung những mẫu tự tiền định "H.C.M": Lòng yêu nước sôi nổi ở người dân Việt hải ngoại lại đã là nhược điểm để dẫn đến sự cả nghe, cả tin. Chỉ mới "sơ sơ có thế", thì HCM này đã nhận được cơ man là từ tâm ủng hộ của ngưòi đồng chủng dưới trời tây phương. Huống hồ, ngày xưa - với "bậc thầy" xảo quyệt như HCM kia, toàn dân phải chết là cái chắc. Thôi thì, chỉ còn cách ngậm bồ hòn làm ngọt, tự thầm nhủ an ủi: Khối dân tộc VN ngày nay đã rút tỉa được Một Bài Học Lịch Sử!

Và, bài học ấy nếu không còn cơ hội đem thực hiện, thì ít ra cũng giúp cho người ta có một nhãn quan tìm hiểu, phân định đâu là sự thật và những sự "chẳng thật" trong những cuốn sách viết về đất Việt và lại do người Việt viết ra. Trong chiều hướng suy tư ấy, mời dư luận hãy cùng chúng tôi xét lại tổng quát nội dung cuốn hồi ký chính trị Gọng Kìm Lịch Sử của tác giả Bùi Diễm vừa xuất bản ít tháng qua trên đất Hoa Kỳ và Âu Châu.

Với những vị chưa đọc thì bài báo này là một bản tóm tắt những vấn đề được đề cập trong tác phẩm. Với những vị đã đọc, nhất lại còn có thêm dịp dự thính buổi nói chuyện vào ngày Ra Mắt Sách của chính tác giả ở chiều chủ nhật 11-3-2001 tại phòng họp Lisbonne, số 30 đường Canabis quận 14 Paris, thì bài báo sẽ được coi như một tài liệu đối chiếu với ý nghĩ thầm kín của tác giả. Và trong trường hợp ấy, tất cả quý vị đều trở thành những nhà trọng tài quý giá trên văn đàn nghị luận lẫn ngôn đàn chính trị, lịch sử. Tuy nhiên, để có ngay bầu không khí thoải mái, đánh tan ấn tượng gay gắt thường thấy trong những cuộc phê bình, chúng tôi xin loại bỏ mọi lời lẽ xa cách văn chương. Nếu vạn bất đắc dĩ phải đặt bút phẩm bình cuốn sách, không ngoài ý định đưa ra lời khuyến cáo chung đến "thành phần các tác giả" (nguyên điểm này đủ là một sự gì không thực trọn vẹn tao nhã đúng ý muốn của chúng tôi. Nhưng đành vậy!) Trong các ông, ai cũng có quyền viết hồi ký nhưng hãy thận trọng khi viết về dân tộc và đất nước Việt Nam. Xin chớ quá ỷ y, náu mình vào những rào đón tưởng là khôn ngoan nhất để rồi làm sai lạc tinh thần cùng sự hy sinh xương máu vô bờ bến của người đồng chủng ba miền Trung Nam Bắc (như chúng tôi đã gián tiếp nêu ra trong đoạn dài mở đầu đề tài hôm nay). Toàn cuốn sách Gọng Kìm Lịch Sử, chung quy gồm có 2 phần chính yếu:

* Làm nổi bật giá trị cá nhân, đời tác giả, và kín đáo biện minh cho những hoạt động, những điều tiếng đã có, cùng sự hiện diện của ông bên cạnh ô. Kỳ rồi ô. Thiệu cho đến ngày Miền Nam mất vào tay CS.

(Trong thực tế, tên tuổi ô. Bùi Diễm chỉ thực sự được biết đến bắt đầu từ 1965, sau khi Thủ tướng Phan Huy Quát đưa ông vào Chính phủ. Và chỉ đóng khung quanh quẩn ở đấy. Ngoài quần chúng nhân dân, không ai lưu ý cho lắm. Vẫn trong cung cách ấy, tên tuổi tác giả sáng lên, ở thời gian kế tiếp khi ông đầu quân vào nhóm của ô.Kỳ và có chân trong "Nội các của dân nghèo". Lại càng sáng thêm nữa, lúc ô.Kỳ bị người Mỹ lật nhào, trao cờ vào tay ô.Thiệu phất, tác giả vẫn được ô.Thiệu lưu dụng cho đến sát ngày tháng 75. Suốt thời gian dài này, riêng giới báo chí Miền Nam càng biết rõ về ông hơn. Họ ghi nhận cái giỏi trong những cái giỏi nơi tác giả là thế đó.)

* Nhân danh cựu đại sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn và là Đại sứ Lưu động, con thoi thường trực giữa Hoa Kỳ và TT Thiệu, tác giả BD dành nửa phần cuốn sách để nói về cuộc chiến VN - giữa Người Mỹ và CS Miền Bắc. Tác giả nêu sơ lược về phía CS, dồn tất cả cho chuyện nội bộ chính trường VNCH mà nhìn chung dư luận Miền Nam đã có hay biết. Người đọc nhẫn nại theo dõi ông, hy vọng ông tiết lộ những điều mới lạ, kỳ bí về Hoa Kỳ - đặc biệt về nguyên nhân tại sao Mỹ quốc thí bỏ phần đất đồng minh "tiền đồn chống Cộng" này? Hoa Kỳ thua CS – thua thật hay thua giả, với mục đích gì? Tại sao guồng máy chiến tranh Hoa Kỳ tung cả nửa triệu quân Mỹ nhập cuộc với những vũ khí hùng hậu khiếp đảm đánh Cộng quân, và đánh mà không để lấy thắng!? Dựa vào điều ông thuật thì ông vốn là một nhân vật sáng chói ở địa hạt ngoại giao, ông quen biết hầu hết các khuôn mặt lớn trong chính giới Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống Mỹ quốc nên người đọc đã có lúc lầm nghĩ ông sẽ nói ra được những điều "nghĩa lý" hơn. Những Đại sứ các quốc gia khác có khi phải chờ đợi cả năm mới được vị nguyên thủ Tòa Bạch Ốc nhận lời tiếp. Riêng ông, bất cứ lúc nào, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ thông báo trước, là gặp ngay. Ngồi tại Saigon, có lúc ông đập bàn, bất bình với cả Đại sứ Mỹ Bunker (nhà ngoại giao mà báo giới Miền Nam thường gọi là "Ông già tủ lạnh", do bản chất trầm lặng ở ông ta), đòi hỏi Đs Bunker phải vào Dinh ĐL làm áp lực với ô.Thiệu trước nạn tham nhũng bành trướng khủng khiếp. Hãy cứ tin như vậy đi, nhưng lại phải cứ hỏi Đs Bùi Diễm đích thực là ai?

Có điều, người ta đã thất vọng, vì những thắc mắc thực tế nhất ở giai đoạn bi thảm cuối cùng của Miền Nam vẫn bị khép kín trong vòng bí mật tuyệt đối. Cựu Đs Bùi Diễm viết sách chỉ để giải thích, tự giới thiệu về đời ông, và đưa ra một ảnh hưởng đến người đọc: Chính phủ Hoa Kỳ không có chủ trương, chính sách rõ rệt nào cả. Người Mỹ chập chững, sa lầy vào cuộc chiến, rối như mớ bòng bong!

Thưa, luận đến như tác giả nay đương là Chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Thái Bình Dương (Hoa Kỳ), thì người ta đành phải quay về mà tin vào cái điều đã thấy trước mắt: Với một Hoa Kỳ "lúng ta lúng túng" như thế, làm sao lại đã có thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh, đoạt thế vô địch toàn cầu, làm tan vỡ khối Cộng Đông Âu, xóa bỏ Đông Đức, đẩy Liên Bang Sô Viết vào vòng yếu kém, ngơ ngác, tan hoang. Và tại Trung đông quét sạch ảnh hưởng CS Nga, dành thế chủ động ở vùng đất Ả Rập bao la đầy bất trắc. Và đang ngày đêm bao vây, ngăn chận nanh vuốt hiếu chiến, lớn mạnh, của Trung Cộng?

Chưa đủ. Gần nhất, lại phải nhìn vào thái độ quyết liệt của Hoa Kỳ tận diệt chủ trương diệt chủng của Nam Tư ở Kosovo được Nga Sô và Trung Cộng tích cực hậu thuẫn cho Milosevic. Và toàn khối Âu Châu, ngoại trừ Anh quốc, thì đều thờ ơ, thụ động, quay lưng với Hoa Kỳ. Nhưng Nguời Mỹ có ngán ai đâu? Cần đến ai đâu? Lúc thật sự cần biểu lộ sức mạnh của Mỹ quốc, họ không một chút chần chừ, cho thả bom chính xác xuống tòa đại sứ TC trên đất Nam Tư để dằn mặt, và dồn các quốc gia trong khối Nato phải đi vào quỹ đạo Hoa Kỳ, bắt Milosevic giải giáp quy hàng.

Cho nên, đọc sách của tác giả BD luận bàn chuyện cũ, về đường lối của Hoa Kỳ trong cuộc chiến VN, chúng tôi không khỏi giật mình. Có nhiều nét chính yếu, tác giả giải thích, trình bầy khá giống, khá ăn khớp với những điều mà cựu bộ trưởng QP McNamara đã viết trong tập hồi ký của ông ta. Cứ có thể ngầm hiểu như là bộ máy chiến tranh Mỹ quốc được đặt vào tay những nhân vật trọng yếu tối cao, mắt bít kín, tay cầm chiếc gậy lò dò, sờ soạng bước ra chiến trường! Hãy mặc kệ McNamara, có nhiều phần "nhận chỉ thị" từ chốn thâm nghiêm Hoa Kỳ để lồng ý ấy vào tác phẩm của ông đánh lạc hướng sự tìm hiểu ở thế giới bên ngoài. Uy tín của McNamara đâu đã thấm với Đại tướng Tổng Tư Lệnh Quân Đội Mỹ Thái Bình Dương Mc Arthur trong cuộc chiến ở Triều Tiên? Danh tướng ấy chủ trương ném bom nguyên tử xuống Bắc Hàn – đi ngược lại với sách lược của Hoa Thịnh Đốn, và vì thế bị cấp bách triệu hồi về Mỹ.

Ở địa vị tác giả là người có điều kiện tiếp xúc với giới chức cao cấp Mỹ quốc, thiết tưởng, nếu không biết được những điều gì ý nghiã hơn thì cũng đừng nên để rớt vào màng lưới chính trị thiên la địa võng của Hoa Kỳ, làm sai lạc sự tìm hiểu Hoa Kỳ ở thế hệ kế tục ngày nay. Người Mỹ đang còn nhiều duyên nợ mắc mứu với nhân dân VN (không CS) chúng ta lắm. Vậy, nếu không đem họ làm đối tượng nghiên cứu, tìm biết rõ hơn về đường đi nước bước của họ, thì rồi đây, cho dù có cuộc "đổi đời" ập tới, giai đoạn xây dựng lại một đất nước dân chủ, tiến bộ vẫn còn khúc khuỷu, gập ghềnh lắm. Các chế độ và các nhà lãnh đạo Miền Nam ngày xưa cũng chỉ vì không tính nổi Hoa Kỳ với chính sách của họ mà cuối cùng hỏng đại sự.

Trong toàn bộ cuốn sách, tác giả rào đón thật kỹ, thật tinh vi. Sử dụng một bút pháp cực kỳ khôn ngoan, dưới một hình thức hiền hòa, tưởng như vô tư – không hề đặt cái "tôi" bên trong. Tất cả tên tuổi các nhân vật sáng giá nhất trong xã hội chính trị, cách mạng VN đều được ông nhớ đến, nêu ra. Và hễ đã có họ thì nhiều ít phải có ông ở bên (Điều đó mới là đáng kể). Xin tạm lấy một thí dụ diển hình: Ở tuổi đời 30, đã có lúc tác giả trực tiếp nói chuyện với Nhà Vua Bảo Đại, tác giả ngỏ lời khuyên Quốc Trưởng về nước, phải về nước (vào lúc Hiệp định Genève chia cắt VN làm 2 miền), đại để: Nếu Ngài không về lúc này thì sẽ không bao giờ có cơ hội để về nữa...

Và, QT đã hỏi ý kiến tác giả nghĩ sao về người Mỹ v.v...và v.v...

Đáng tiếc ngày nay Cựu Hoàng đã qua đời. Chúng tôi xin quay sang hỏi quý vị nào đã từng nghe biết, gần hoặc xa (một cách nghiêm chỉnh) về cốt cách, cá tính nơi Cựu Hoàng - nghĩ sao đây? Chỉ nghĩ sao thôi là đủ, không cần tranh cãi, tranh luận.

Cựu Hoàng vốn là người trầm mặc. Muốn nói gì thì nói, những người đứng trước Ông buổi ấy vẫn phải nhìn nhận Ông có nét uy nghi đáng nể. Chủ tịch CS Hồ Chí Minh chưa hề thiếu cử chỉ lễ độ trước Ông. Và cũng lại phải thật gần nhà lãnh đạo nền Đệ nhất CH Ngô Đình Diệm mới có thể cảm thông nỗi khổ tâm riêng vào lúc tình thế đẩy TT Diệm phải đồng ý với giải pháp Trưng Cầu Dân Ý "truất phế Bảo Đại". Tự TT Diệm không muốn làm điều đó. TT Diệm không phải là "tác giả" kế sách ấy đâu.

Dưới trướng CH Bảo Đại có hàng rừng người đáng để Ông hỏi về việc nước, nhưng lại rất ít ai được Ông chọn và hỏi. (Và tất cả đều thận trọng lời nói trước Ông). Càng là những vấn đề liên quan đến người Pháp, người Mỹ. Chẳng lẽ CH Bảo Đại lại đi tìm hiểu Hoa Kỳ qua một anh thư sinh vừa nói tạm thông tiếng Mỹ và hơn mười năm sau nữa mới được tuyển lựa vào ngạch ngoại giao, cử sang Hoa Thịnh Đốn? Trong đáy hồn Cựu Hoàng vẫn có một biển trời tâm sự – và được khép kín. Ông đâu dễ để ai đoán biết?

Tác giả Bùi Diễm vẫn có toàn quyền phóng bút, và độc giả vốn không có thì giờ suy nghĩ nhiều, nên vào lúc đọc những điều ông viết ra cứ bị ám ảnh bởi tuổi đời xấp xỉ 80 của tác giả hiện tại, và từng là một cụu đại sứ. Do đó, độc giả đã quên khuấy thời điểm và không gian mà "nhân vật tác giả dệt chuyện" mới vừa thoát qua lằn ranh... búng ra sữa bước vào đời chính trị!

Tác giả Bùi Diễm có thể vì đa mang nhiều mộng lớn cùng một lúc, trong đó có cái mộng "đem tên tuổi vĩnh viễn đi vào lịch sử"... (như lời vị phát ngôn viên Đỗ Văn của ông đã nói thay) nên ông để lộ sơ hở vào lúc ông muốn chứng minh ông còn là nhà cách mạng còn là một lãnh tụ chính trị của đất nước Việt Nam. Để dẫn chứng, chúng tôi xin viện dẫn tình tiết nhỏ (mà rất quan trọng) sau đây. Ngày xưa ấy, tiếng súng chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, tác giả tản cư về vùng Phát Diệm (thánh địa trong quyền hạn Đức TGM Lê Hữu Từ). Ở tuổi 23, 24 là cùng, ông đâu có làm gì để VM truy lùng ông gắt gao? (cho dù ông có liên lạc đôi lần với đảng trưởng Đại Việt Trương Tử Anh từ thời Pháp thuộc). Nhưng ông không muốn tham gia kháng chiến, tức là không muốn đánh nhau với Pháp, hàng ngày ông ung dung đi dạy học tư ở mấy cái trường Công lập, Dân lập Yên Mô Thượng, Yên Mô Càn rồi chiều chiều vẫn yên tĩnh thả bộ ra thị trấn nho nhỏ ở bên sông Phát Diệm có khá nhiều gian hàng vách đất lợp tranh xinh xắn trong tay những bóng hồng từ Hà nội, Hà đông... tản cư về, đứng buôn bán. Nhiều lúc, ông tính vượt biên nên đã tìm đường từ Phát Diệm đến Châu Mường tỉnh Thanh Hóa - từ đấy băng rừng già đầy cọp vằn beo gấm sang Lào. Bất kỳ ai đã ở LK 3 đều phải biết, thuở ấy, con đường dễ dàng hơn cả là từ Phát Diệm thoát vào thành phố Nam Định thật gần, thuận tiện nhất. Tác giả tất biết Thanh Hóa rồi chứ? Tỉnh này có 14 Phủ, Huyện với 6 châu Mường (địa đầu của LK 4), xa thăm thẳm với Phát Diệm. Quả quyết với ông rằng, vùng đất kháng chiến này, vấn đề cảnh giác an ninh cao độ, con chồn con cáo khó lọt qua. Ông chưa thể mò mẫm đến Bái Thượng, chỉ vừa lò dò đến gần vùng huyện Yên Định, mộng vỡ mất rồi. Mộng vỡ nhưng có toàn thân không?

Chúng tôi có đọc sách Ông khá kỹ, và mỉm cười thầm nghĩ về sự thận trọng, chu đáo ở Ông trong mọi tình tiết, nhằm giải đáp sao cho thỏa đáng "ở lứa tuổi phải dấn thân, phải nhập cuộc, phải cầm súng đấu tranh cho quê hương trước một sự lựa chọn phức tạp giữa hai bước đường quốc gia và cộng sản".

Giá Ông đừng quá tỉ mỉ, quá khôn khéo đến độ (vô tình) phỉ báng các thế hệ quốc gia dân tộc đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến dành độc lập, và để rồi còn (vô tình) bào chữa cho bộ mặt phản bội toàn dân ở người Cộng Sản, chưa chắc chúng tôi đã thấy cần thiết phải "tổng phản công" vào... "Gọng Kìm Lịch Sử" của Ông.

Cả đời cầm bút ở chúng tôi, từ ngày cùng Ls Trần Chánh Thành còn thật gần gũi ô.Ngô Đình Nhu ở tờ Tạp chí "Xã Hội", chuẩn bị ngày về nước chấp chính của nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm, qua hai thời Đệ Nhất Đệ Nhị Cộng Hòa, thật tình, chúng tôi chưa hề viết về "nhân vật" Bùi Diễm lấy một dòng. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang viết về ông đây, thưa tác giả Bùi Diễm. Hoàn toàn không có vấn đề "cá nhân". Vì, đối với người cầm bút, không có gì tầm thường, đáng khinh bỉ cho bằng dệt ra những điều không có thực, hoặc vì yêu hay ghét. Mà cái yêu ghét ấy lại không chỉ vô hại, dễ thương như cái ông nhà văn Samuel Johnson mê thủ đô Luân Đôn quá sức thì nhất định bảo "When a man is tired of London, he is tired of life." Và, lại như một nhà báo Pháp ở tờ Le Monde Littéraire thì phản pháo lại: Lorsqu’un homme est lassé de Paris, il est lassé de la vie!

Nhưng về mặt "tư tưởng" thì đành phải... rứt khoát. Có điều, không phải vì thế mà nặng lời - những lời phàm tục!

Để cho thật công bằng, chúng tôi xin dành đoạn "tạm kết thúc" này để ghi nhận rằng, buổi Ra Mắt tác phẩm Gọng Kìm Lịch Sử ở Paris đạt kết quả khá tốt đẹp (1). Thành phần tham dự đông đảo và gồm nhiều vị thính giả tên tuổi của hai nền Đệ Nhất Đệ Nhị Cộng Hòa, Miền Nam. Khung cảnh hòa nhã, đúng là giới người Việt Ba Lê Văn hóa, Văn minh. Phòng họp thêm phần sinh động do sự sốt sắng của hai nữ lưu: Bà Bs Nha khoa Khánh Vân phụ trách phần giới thiệu chương trình và bà cựu đại sứ Vương Văn Bắc cầm máy quay phim nhỏ thu vào ống kính quang cảnh buổi nói chuyện. Cả hai bà đều nhã nhặn, vui tươi trong trang nghiêm. Và với những ai đã từng biết chuyện từ trước - chuyện Đs Bùi Diễm được dư luận Saigon ngày xa xưa phong tặng nhiều "biệt danh" - thì đều phải nhìn nhận thêm sự tế nhị đã có ở bà V.V.B. Vì, vào một lúc, có lẽ, để ngầm biểu lộ nỗi u uất ấy, diễn giả Bùi Diễm quay sang tìm hỏi, xin ý kiến nơi bà V.V.B. Rất xứng đáng ở địa vị nội tướng một nhà ngoại giao VNCH, bà Vương Văn Bắc chỉ thoáng... nhẹ cười, thay cho phải cất tiếng, như để biểu lộ sự cảm thông giùm diễn giả, và như muốn lôi kéo cử tọa cùng thông cảm cho ông...

Mạc Kinh

(Luân Đôn, ngày 5.4.2001)

Chú thích:

(1) Chỉ có điều đáng tiếc, ngọn Quốc Kỳ nền Vàng 3 sọc đỏ - biểu tượng thiêng liêng của hai triệu người Việt lưu vong, mà chỉ vừa mới đây thôi, được Người Mỹ mời hiện diện tung bay hùng vĩ giữa đại lộ huy hoàng nhất Tiểu bang Nữu Ước, lại không có chỗ ngự trị xứng đáng trong hội trường "Ra Mắt Sách - Nói Chuyện" của vị cựu đại sứ VNCH từng sát cánh với Th.Tướng Kỳ, TT Thiệu cho đến ngày nước mất nhà tan.

Vào giờ giải đáp các điều thắc mắc của cử tọa, một thính giả - Trung tá Phạm Văn Đức, cựu SVSQVB/Đàlạt đã đứng ra nghiêm khắc phê bình, dù thái độ và lời lẽ ở ông không để thiếu đi phần nhã nhặn.

Ban Tổ Chức "Hội Y Giới Việt Nam Tự Do tại Pháp" đưa mắt về phía diễn giả Bùi Diễm và thuyết trình viên Đỗ Văn, người giới thiệu tác phẩm "Gọng Kìm Lịch Sử", chờ đợi câu trả lời thay.

Tới lúc ấy, sau một vài giây lúng túng, hai ông chỉ tay về lá cờ Việt Nam Quốc gia thật nhỏ đặt nơi bàn chủ tọa đoàn, như người ta thường thấy người Anh người Mỹ hay giắt cái cờ cỏn con nước họ trên vành mũ...

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002