Đại Chúng số 73 - phát hành ngày 15/5/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

1001 CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

 Ông Lê Văn Bảo Brookhurst St.Orange County (CA): Trong bài "Nỗi Buồn của Kiều Liên" có mấy câu:
"Từ ô chim chóc vật thường
"Còn mong kiếm chốn tìm đường trả ơn.
"Mưa sầu gió thảm từng cơn
"Dễ ai chực phận thờn bơn một bề!
......
"Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần
"Chạnh lòng xảy nhớ Châu Trần nghĩa xưa.
......
"Chốn Lam Kiều,cách nước mây
"Bùi Hàng kia dễ biết đây nẻo nào?"
Các danh từ: Từ ô, thờn bơn, Châu Trần... Lam Kiều, Bùi Hàng, tôi chưa được rõ lắm, bà cụ có nhớ chăng?

1. Từ ô là chỉ về con quạ. Giống này hiền lành mới gọi là Từ ô.

2. Thờn bơn: Tục ngữ ta có câu "Thờn bơn chịu ép một bề".Ý nói trong tình cảnh như vậy dê có ai chịu ngồi yên được.

3. Châu Trần nghĩa xưa: Câu này nói về việc đính hôn với Phan Sinh.

4. Lam Kiều, Bùi Hàng có tích chép trong sách Thái Bình Quảng Ký thì: Bùi Hàng người đời Đường, thi hỏng buồn tình đi ngao du ở Ngạc Chữ gặp được nàng tiên là Vân Kiều phu nhân. Nàng tiên bèn trao cho bài thơ như sau:

"Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh,

Nguyên sương đảo tận kiến Vân Anh.

Lam Kiều tiện thị thần tiên quật

Hà tất kỳ khu thượng ngọc kinh."

Có nghĩa: Hễ uống chén rượu quỳnh tương thì trăm mối cảm xúc sinh ra,nhưng mà có tán hết thuốc nguyên sương (tợ như sương) mói gặp được mặt Vân Anh. Lam Kiều vốn là chỗ thần tiên ở, hà tất phải đi đường gập ghềnh để lên tận chốn ngọc kinh! (Sau đó Bùi hàng đi qua Lam Kiều khát nước vào hàng quán để mua uống, bà trông hàng nhìn thấy bèn gọi con gái là Vân Anh ra lấy nước đãi khách. Nhìn thấy cô gái đẹp khiến chàng điên đảo cả tâm thần, bèn ngỏ lời muốn được cưới Vân Anh về làm vợ, bà liền bảo phải có cối và chày bèn ngọc để tán thuốc thì bà sẽ gả con gái cho. Về sau, trên đường đi tìm Bùi Hàng được tiên cho chày cối ngọc nên được lấy Vân Anh. Được ít lâu thì cả hai vợ chồng đều lên cõi tiên.

 Bà Vũ Ngọc An 49th St. Philadelphia PA. (qua Hoa Thái Center Rd. Drexel Hill.PA) Bà cụ có nhớ bài Thanh Phong, Minh Nguyệt của tác giả nào không? Đồng thời xin bà cụ nếu nhớ ghi lại toàn bài này giúp cho.

* Tác giả bài Thanh phong, Minh nguyệt của Ngô Thế Vinh. Ông còn có bút hiệu là Trúc Đường, đỗ tiến sĩ năm Minh Mạng thư 10. Nguyên bài thơ đó như sau:

Giang tâm thu nguyệt bạch,

Não nùng thay khi gió mát,lúc trăng thanh!

Bóng thiềm soi đáy nước long lanh,

Quang cảnh ấy cũng thanh mà cũng lịch.

Vạn khoảnh tịch nhiên thu dạ vĩnh,

Nhất hồ oánh nhĩ nguyệt minh thâu.

Đàn năm cung, thơ một túi, cờ một cuộc, rượu một bầu,

Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng.

Chèo mấy mái, thuyền lan lững thững,

Bạn mấy người tài tử ngao du.

Non mấy tầng, đá mọc lô nhô,

Cầu mấy nhịp, bắc ngang sông Vị Thủy.

Hội Xích Bích nọ năm Tuất nhỉ!

Thú phong lưu há để một Tô công?

Trăng thanh gió mát kho chung,.

Ông Nguyễn Hà Tịnh Nghĩa Birchistone, Missouri City TX. (qua Hua Pecan Point Dr. TX) 1. Bà cụ có biết về Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm có bao nhiêu câu thần chú không? Đồng thời xin bà cụ nếu biết xin ghi giúp cho 10 câu thần chú cuối cùng. 2. Bà cụ có biết các quẻ: Trạch Sơn Hàm, Trạch Lôi Tùy, Trạch Phong Đại Quá, Trạch Hỏa Cách v.v... không? Nếu có thì xin giúp cho, thật vô cùng cảm tạ.

* Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm có 427 câu thần chú. Mười câu cuối cùng ông muốn biết như sau:

1. Bát ra tì đà bàn đàm ca rô di.

2. Đá điệt tha.

3. Úm.

4. A na lệ.

5. Tỳ xá đề.

6. Bệ ra bạt xà ra đà rị.

7. Bàn đà bàn đà nễ.

8. Bà xà ra bán ni phấn.

9. Hồ huân đô rô úng phấn.

10. Sa bà ha.

B. Các quẻ ấy như sau:

1. Quẻ Đoài (đầm,bùn) + Quẻ Cấn (núi) tức ra quẻ Hàm. (Trạch Sơn Hàm) 2. Quẻ Đoài (bùn lầy) và quẻ Chấn (sấm sét) nhập chung gọi tắt là quẻ Tùy. (Trạch Lôi Tùy). 3. Quẻ Đoài (đầm,bùn) và quẻ Tốn (gió) nhập chung lại gọi tắt là Đại Quá. (Trạch Phong Đại Quá). 4. Quẻ Đoài (đầm,bùn) và quẻ Ly (lửa) nhập chung lại gọi là quẻ Cách.(Trạch Hỏa cách).5.Quẻ Đoài (đầm,bùn) và quẻ Khôn (đất) nhập chung gọi tắt là quẻ Tụy.(Trạch Địa Túy) 6. Hai quẻ Đoài nhập chung với nhau gọi tắt là quẻ Vi Trạch. (Vi Trạch Đoài).

Cụ Hà Thị Washington DC. TRong Tam Tự Kinh có đoạn: "Phụ tử ân. Phu phụ tòng. Huynh tắc hữu. Đệ tắc cung. Trưởng ấu tự. Hữu dữ bằng. Quân bất kính. Thần tắc trung." Bà cụ vui lòng dịch lại nghĩa cho rõ ràng. Và nếu có thể xin bà cụ kể cho một giai thoại nói về đoạn này. Kính cẩn cám ơn bà cụ nhiều.

* Nghĩa của đoạn này như sau: Làm người cần phải chú trọng ân tình giữa cha con. Cha hiền, con hiếu. Vợ chồng cần phải hòa thuận với nhau, chồng xướng vợ tùy. Làm anh làm chị cần phải thương yêu các em. Làm em thì phải kính nể anh chị.  Người lớn và bé ở với nhau, cần chú ý về tôn ty trật tự, không thể vô lễ với người trên. Bạn bè đối xử với nhau cần phải thành thật tôn trọng lẫn nhau. Làm vua của một nước hay làm một người lãnh đạo, cần phải tôn trọng thần dân hay cấp dưới. Như vậy thì thần dân hay cấp dưới sẽ tận tâm tận sức để làm việc cho nước cho đơn vị.

Có giai thoại kể rằng: "Đời nhà Hán có người tên là Bào Tuyên, gia cảnh bình thường, lấy vợ tên là Hoàng Thiếu Quân, vì Hoàng Thiếu Quân gia đình khá giả, nên khi lấy chồng, gia đình cho nhiều tỳ nữ nô bộc và của hồi môn. Bào Tuyên thấy vậy, trong lòng không vui, khi vợ về tới nhà, hắn bèn bảo Hoàng Thiếu Quân trả hết mọi thứ về nhà vợ, không được lấy một thứ gì.

Hoàng Thiếu Quân vâng theo lời chồng, đem tất cả của hồi môn chia hết cho tỳ nữ nô bộc, rồi bảo họ trở về nhà bên cha mẹ vợ. Còn Thiếu Quân sau khi trả hết mọi thứ, tự thay quần áo như đám dân giả nghèo cùng với Bào Tuyên qua một đời sống khắc khổ nhưng vui vẻ.

Cùng thời kỳ đó, có hai anh em, anh là Triệu Hiếu,em là Triệu Lễ. Một hôm, có mấy tên cướp xông vào nhà, bọn chúng quá đói lại không kiếm ra đồ ăn, họ thấy em Triệu Lễ vừa mập mạp,vừa trắng trẻo, muốn giết để ăn thịt. Anh Triệu Hiếu biết vậy, vội vàng quì trướcbợn cướp và nói: "Thưa các ngài, thịt của em tôi không được ngon, thịt tôi chắc và ngon hơn, xin các ngài hãy ăn thịt tôi!" Bọn cướp nhìn thấy cảnh như vậy rất cảm động vì thấy Triệu Hiếu quá yêu thương người em, thậm chí có thể hy sinh bản thân mình thay thế cho em, nên bọn chúng tha cho cả hai anh em họ Triệu.

Thời Hán, có hai người bạn thân, tên là Trương Thiệu và Phạm Thức. Sau họ có việc phải xa nhau để trở về quê, Phạm Thức hẹn với Trương Thiệu là hai năm sau sẽ đến thăm. Hai năm sau, tuy hai người ở cách xa nhau kẻ Nam người Bắc, đường xá khó khăn, nhưng Phạm Thức vẫn giữ lời hứa và tìm đến thăm Trương thức đúng như đã hẹn.

Ông Lê Văn Việt Hải (qua Chánh Thọ) Maryland. Tôi muốn biết về Long, Ly, Qui, Phụng... và tác dụng của Qui Bản Cao. Bà cụ biết mách giúp.

* Dường như trong thời gian nào đó, lâu rồi, tôi có lần giải đáp qua về vân đề này. Tuy nhiên để chiều ý ông tôi xin tóm lược để ghi lại hầu ông. Long, Ly, Qui, Phụng chiết ra tùng con vật như sau:

Long là rồng. Con vật này chỉ thấy vẽ bằng hình ảnh và nghe nói mà thôi, thật sự chưa ai có diễm phúc nhìn tận mắt. Long là biểu tượng cho hoàng đế...

Ly là kỳ lân. Giống vật tinh khôn thần kỳ này chỉ xuất hiện trong tranh cổ, các kiến trúc nơi dinh thự, đồ vật cổ xưa v.v... Cũng như rồng, chẳng có ai nhìn thấy giống vật này.

Qui là rùa. Tất nhiên giống này ai cũng biết luôn cả tác dụng của nó nữa.

Phượng được nhắc nhiều trong văn thi, cũng như trong những lời lẽ chúc tụng đám cưới như "Loan Phượng Hòa Minh"... Lý Bạch có bài thơ nổi tiếng nói về loại chim này:

"Phượng Hoàng đài thượng Phượng Hoàng du

Phượng khứ đài không giang tự lưu

Ngô cung hoa thảo mai u kính

Tấn đại y quan - thành cổ khâu."

Tường truyền năm Gia Nguyên đời Tống, dân chúng đã trông thấy một giống chim ngũ sắc đến đậu trên núi gần Kim Lăng, cho nên họ gọi đó là chim Phượng Hoàng. Do đó mà họ dựng lên cái đài mang tên Phượng Hoàng đài, hiện nằm trong thành Nam Kinh. Phượng Hoàng rất nổi tiếng nó biểu tượng cho hình ảnh cho tân làng, còn Loan biểu tượng cho tân giai nhân. Vì vậy trong thành ngữ Trung Hoa có câu: "Cô Loan, Độc Phượng" chỉ về đàn ông chết vợ, đàn bà chết chồng... Thật sự có Phượng không? Chẳng ai trông thấy. Có thể là loại chim "Trỉ" chăng? Trỉ tức là con Phasanus Torquatus GM, bộ lông con chim trống mang nhiều màu sắc hơn, đuôi thật dài thường xuất hiện trong rừng quế tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam (VN). Ở Mỹ nhiều vùng cũng có loại chim đẹp này.

Qui là rùa, được sắp xếp trong Tứ Linh vì rùa mang những tính chất cơ lý thật phi thường. Rùa ăn rất ít, vài ba con ruồi muỗi, tôm tép, bông hoa lá, nó có thể nhịn đói nhịn khát được dài lâu. Linh chất đặc biệt của loài rùa là có thể tiếp thu dưỡng khí tinh tùy của trời đất để biến năng thành tinh lực hầu nuôi dưỡng cơ thể của nó, nhờ vậy mà rùa không cần ăn uống nhiều. Như ta biết rùa rất thọ. Có thể nói rùa là một trong các loại sống lâu nhất thế giới là rùa, có con sống cả ngàn năm. Như tại Việt Nam ta có huyền thoại về Cổ Loa Thành, móng vuốt thần của rùa giúp cho An Dương Vương dựng nên nghiệp cả. Và, câu chuyện Trọng Thủy - Mî Châu trong đó có dính dáng đến... rùa v.v...

Người ta thường dùng rùa để nấu "Cao qui bản". Loại cao này chữa được các hứng phong thấp, tê xụi, các chứng nhiệt, nổi mụn, trứng cá đầy mặt. Qui nhục tức thịt rùa chữa chứng phế lao, ho lao kinh niên. Qui đảm tức mật rùa chữa chứng kinh nguyệt bất thường, hay bế kinh nguyệt... Qui huyết tức máu rùa, chữa chứng đầy hơi, ứ đàm, cổ có bướu...Qui tâm tim rùa. Trị chứng mất ngủ rất hiệu nghiệm. Qui vỉ đuôi rùa (lấy một cặp đực và cái, loại ức vàng tốt nhất, làm thuốc chữa bệnh hiếm muộn con. nếu uống toàn đuôi rùa đực thì sẽ sinh con trai. Qui niệu, nước đái rùa, loại thuộc vô cùng thần hiệu, nhưng phải là rùa ức trắng, mu xanh mới được v.v...Còn nhiều nữa nói không xiết. Có dịp sẽ xin kể tiếp.

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002