Đại Chúng số 73 - phát hành ngày 15/5/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

Hương Sắc Quê Mình:

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Lãng Nhân

CÔ TÁM “HÀNG THAN”

Vào khoảng cuối thế kỷ trước (những năm sau 1890) ở vùng Nghệ Tĩnh, những ngày phiên chợ Tràng trên bờ sông Lam, có một thiếu phụ cùng một bé trai năm sáu tuồi, ngồi bán than. Mấy túi than này do cô chở đến trên con thuyền nhỏ tự tay chèo lái, không rõ xuất phát từ ngàn Hống hay ngàn Trươi là hai cánh rừng sâu rất hiểm trở trên dặng núi Hông.

Vốn người điềm đạm, nét mặt lại thường thoáng vẻ buồn, chỉ những lúc chợ vãn khách cô thủ thỉ đôi câu mưa nắng với mấy bạn hàng gần bên, người ta mới biết tên cô là Tám và quen gọi là cô Tám hàng than, thế thôi, chứ không biết gì hơn về cô. Cho nên cô là đề tài cho họ kháo nhau trong lúc "ngồi lê đôi mách":

_ Tuy là dè dặt kín đáo, nhưng cũng nhũn nhặn dễ thương...

_ Mà thằng bé thật kháu khỉnh, mặt sáng như gương, chắc cha nó không phải tầm thường...

_ Có lẽ góa chồng nên phải chật vật một mình chèo chống nuôi con, đến là tội nghiệp...

ôi dào, đừng trông mặt mà bắt hình dong. Khối người đã thấy đó, mỗi khi khố đỏ khố xanh phất phơ chơi chợ, cô ta đon đả mắt liếc miệng cười, hay đáo để!

Chẳng bao lâu đó, qua mấy phiên chợ, vắng bóng mẹ con cô Tám, đò than không còn thấy cập bờ. Mà những chú lính thày cai cũng không nghênh ngang quanh chợ nữa.

* * *

Khu Ngàn Trươi, tên chữ gọi Vụ Quang, là nơi rừng thiêng nước độc, núi non hiểm tuấn, song mây chằng chịt, cây cối um tùm, một địa thế phù hợp cho chiến thuật du kích. Phan Đình Phùng phụng mạng vua Hàm Nghi, đã chọn nơi đây làm căn cứ để thống xuất đạo bình "cần vương".

Một buổi sáng, tướng Cao Thắng đang ngồi ở đồn ngoài để nghe báo cáo quân tình các mặt trận, bỗng một thiếu phụ dẫn con đến xin yết kiến. Ấy là cô Tám.

Cô đặt gối xuống, lễ phép trình bày:

_ Bẩm quan Đổng nhung, tôi là con ông Hoàng Phúc, một nhân sĩ trong phong trào Cần Vương ở Quảng Bình, có lẽ ngài đã nghe tiếng. Còn đứa bé này không phải con tôi, mà là giọt máu rơi của Lê Doãn, một đồng chí từng xông pha tên đạn với cha tôi và cũng là vị hôn phu của chính tôi. Trong một trận giáp chiến với giặc, anh bị thương nặng, trước khi nhắm mắt có để thư lại nhờ tôi trông nom thầng bé này là đứa con duy nhất của anh trước khi anh góa vợ. Thế rồi cha tôi cũng lại mãn phần, gia đình tôi tan nát dưới gót quân thù, trong lúc phiêu bạt lòng tôi oán hận vô cùng. Nhân thấy ở chợ Tràng có bọn lính tập đến đóng, tôi lập tâm mở một hàng than, bề ngoài để mẹ con nuôi nhau, nhưng chính là để làm quen với bọn lính đã có dã tâm theo giặc, lấy lời ngọt ngào tình cảm mà thuyết phục cho trở cờ, mang súng về giúp nghĩa quân. Mưu kế đàn bà, coi vậy mà có mòi thành công, ngờ đâu chúng lại vừa đổi đi đóng nơi khác, thế là xôi hỏng bỏng không, tôi còn đến chợ Tràng làm gì nữa. Vốn ngưỡng mộ Phan thống tướng cùng ngài đây là bậc anh hùng trung dũng nên tôi đánh bạo đến thỉnh cầu ngài thâu dụng vào quân ngũ để tôi có dịp đem sức mọn ra đền nợ nước và trả thù nhà...

Cô Tám vừa dứt lời, đổng nhung Cao Thắng thét lớn.

_ Mụ kia! Dám cả gan tới đây bày chuyện để do thám, phạm tội gì biết không?

Cô Tám không chút hàn tâm, rành rẽ đáp:

_ Dám bám ngài, do thám tất mang án tử hình. Ngài nghi ngờ tôi là phải. Thiếu gì kẻ len lỏi chốn quân môn để nghe ngóng tình hình hòng tâng công với giặc, tất nhiên ngài phải thận trọng. Riêng với tôi, lòng dạ thế nào, cha tôi cùng chồng tôi dưới suối vàng đã thấu. Nay ngài giết tôi, tôi đâu dám phàn nàn. Chỉ xin ngài thương đến đứa nhỏ mồ côi này mà chu tuất cho nên người thì tôi có chết cũng mãn nguyện...

Thấy lời lẽ đoan chính nhân hậu, Cao tướng quân nhớ đến hai chí sĩ Hoàng Phúc và Lê Doãn đã hy sinh vì đại nghĩa, vội ra lệnh cho lính đem ghế mời ngồi rồi từ tốn tạ lỗi và an ủi hồi lâu, sau đích thân dẫn cô vào yết kiến Phan thống tướng.

Phan công cũng cảm kích sự tuẫn nạn của cha và vị hôn phu cô nên ân cần khuyên nhủ, hoan hỉ đón nhận người nữ chí nguyện. Cụ đang tính bàn với đổng nhung chọn một công tác thích ứng giao cho cô thì một tùy viên vào báo cáo có toán lính tập chừng 30 tên mới tới đóng trong một ngôi chùa cách đó mươi cây số dưới chân núi. Thế là cô Tám đứng ngay lên, xin đi lập công đầu.

Phan công mỉm cười hỏi:

_ Cháu có kế hoạch rồi ư, lẹ vậy! Thế nào, nói qua coi.

_ Bẩm Ngài, cháu giả làmhàng rượu, chỉ xin đi với hai tiểu đồng gánh rượu và thịt chó, nhất định tóm cổ cả bọn chúng...

Phan công ngần ngừ, nhưng thấy cô sốt sắng và dắn giỏi, ưng thuận cho đi, song cũng dặn nhỏ đổng nhung cắt một cánh quân theo sau ở đằng xa, phòng khi cần tiếp ứng.

Cô Tám liền hóa trang thành một thiếu nữ y-phục tha thướt, theo sau hai gánh xuống chùa, vừa đến nơi đã nói cười đưa đẩy, đon đả chào mời. Lúc đầu bọn lính lững lờ, song trong lạnh lẽo của miền núi ai cũng nổi da gà. Vài anh sà tới, nhấm nháp tán tỉnh. Cái trò rượu ngon gái lẳng, ai dễ cầm lòng! Chẳng mấy chốc cả đám vây quanh chè chén, cười nói như pháo ran. Và việc phải đến sắp đến: chút bột cà độc dược bỏ sẵn trong rượn xông hơi làm cho thày cai chú lính đều ngã bò càng, tiếng ngáy như sấm. Hai tiểu đồng vội đem hết súng vào gánh, cô Tám thì lấy giây chão ra trói. Vừa hay cánh quân đi sau cho người thám thính biết việc đã thành, liền kéo vào, định giết hết địch quân, nhưng cô Tám cản lại:

_ Giết chúng nó làm gì! Chúng vì áo cơm mà làm tay sai cho giặc, ta hãy trói lại, chờ lúc chúng hoàn hồn, lấy đại nghĩa mà cảnh tỉnh cho biết đạo làm người là đủ, chứ giết đi thì khổ vợ con chúng, vả lại cũng chẳng nỡ tay vì tuy vậy chúng cũng là đồng bào mình. Thà tha đi cho rảnh, bắt làm tù binh chỉ tốn cơm nuôi, lại thêm nuôi ong tay áo...

Phan công nghe quân bẩm lại sự tình, khen ngợi tinh thần nhân đạo và mưu trí mẫn tiệp của cô. Từ đó cô được giao những công tác quan trọng hơn: cô sẽ được cử đi qua rừng núi sang Xiêm mua đạn dược về cho nghĩa quân khỏi lo thiếu hụt.

Cô đi được năm sáu chuyến trót lọt.

Đến lúc đổng nhung Cao Thắng bị đạn bỏ mình, khu Ngàn Trươi không dùng được nữa, Phan công chạy sang núi Quạt rồi từ trần, mọi việc cáo chung, cô Tám ở lại bên Xiêm cùng con, quyết không trở lại nước khi sông núi lạc vào tay bọn Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải...

 CÔ HÀNG XÉN CHỢ ĐINH GIANG

Giang Đình là tên một bến trên bờ sông Lam, giữa hai làng Phổ Hải và Cương Gián, thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tnh. ở đây có một khu chợ nổi tiếng nhờ có sản xuất mấy món ăn ngon:

Ấy ai đi sớm về trưa

Nhớ khoai chợ Chế, nhớ dưa Giang Đình

Chợ Giang Đình còn được nhắc nhở trong dân gian vì là nơi liệt nữ Trần Thị Cúc ngồi bán hàng xén.

Cô Cúc là con ông Trần Đình Thắng, một nhà nho có khuynh hướng "cần vương" thường vận động ngầm cho phong trào Vụ Quang. Phong trào này được cổ xúy trong những cuộc trai gái họp nhau hát dặm, hátoõi vl để trao đổi nỗi niềm. Nhiều bậc danh nho như Phan bội Châu, cũng hay dùng lối tuyên truyền bóng gió này. Vùng Giang Đình, nhà nho Hà Văn Cát rất hay gửi gấm tâm sự vào những câu hát ví văn vẻ mà thâm trầm.

Trong một phiên hát ví, cô Cúc tham gia cùng mấy chị em, nghe tiếng ông Cát là người có khí phách, bóng dáng lại hào hoa, cô ướm lời:

Cây Hạng Sơn chờ người hào kiệt

Nước Lam Giang hẹn khách tu mi

Một lời cũng đã tương tri

Rồng mây ta gắng đợi thì gió mưa...

Nghe giọng ví lanh lảnh lại thấy vẻ người óng chuốt nhưng dắn dỏi, bốn mắt nhìn nhau như đã tỏ hai lòng cùng hòa một nhịp, ông Cát cất tiếng trả lời:

Một lời cũng da tiếng rằng

Hồng Sơn Lam Thủy ta hằng có nhau

Nước non tình nghĩa cao sâu

Lời thề xin hẹn bạc đầu chớ quên...

Thế rồi ông Cát gia nhập chiến khu Vụ Quang. Trước khi lên đường, ông an ủi bạn bằng mấy câu khẳng khái mà chí tình:

Cùng nhau ghi tạc đá vàng

Quan san nghìn dặm, thiếp chàng có nhau

Mặc cho trẻ Tạo cơ cầu

Kiếm cung là khách mày râu ở đời...

Từ đây, chiếc bóng song the, cô Cúc thường ngâm mấy câu tự nhủ:

Nhà em ở chợ Giang Đình

Ở ven bãi cát, trên ghềnh sông Lam

Nhà em vách đất mái rơm

Một ngày hai bữa cháo cơm lần hồi

Chồng em nhập ngũ lâu rồi

Hiện đang quấy nước chọc trời Vụ Quang

Khi nghe tin ông Cát đã hy sinh cho nước, cô hàng xén Giang Đình thương người nghĩa khí buồn cảnh thê lương, nhảy xuống sông Lam tự nịch sau khi viết lại mấy câu:

Trăm năm dã hẹn một lời

Mòn non cạn biển, trọn đờl dám sai

Chiến trường đã rạng danh trai

Đoàn viên, về dưới tuyền đai có nhau...

 CẮT VÚ – RÚT RUỘT

Ông Nguyễn Hành, quán làng Cách bi (tục gọi làng Gạch) thuộc huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, sau khi đỗ cử nhân được bổ tri huyện Thủy Đường. Vợ là người tài sắc, nết na đoan chính, năm 1840 sinh một trai đặt tên là Cao, thì bốn năm sau, ông huyện nhuốm trọng.bệnh từ trần. Bấy giờ bà huyện mới hai mươi hai tuổi, mẹ con đưa nhau về ở nơi quê. Người quả phụ, hình bóng thướt tha, nói năng duyên dáng, không khỏi có nhiều người để ý. Ông Phan Khôi trước đây đã kể chuyện này trong báo Phụ nữ Tân văn:

Tên lý trưởng ở làng bên cạnh

Những toan dùng sức mạnh bẻ hoa

Lựa khi bà ở nhà ra

Đón đường bóp vú, trăng hoa ngỏ lời

Rằng: "hãy lâý ta đây thì khá

Không, đố nàng ở góa cho yên!

Là người, há phải là tiên

Dầu cho tiên nữa, có tiền cũng mua!"

Bà riêng nghĩ: “mình thua trăm lẽ

Yêú mà toan chống khỏe đươc sao?”

Cười cười nói nói ngọt ngào:

Xin cho hết trở sẽ trao tơ hồng...

Về, bà vẫn ung dung như trước

Sớm hôm lo cơm nước nuôi con

“Nuôi con cho lớn cho khôn

Rồi ta thấm máu mà chôn cái thù”

* * *

Lòng căm tức mấy thu ôm đợi

Cho bé Cao đến tuổi mười hai

Nhìn con như trái lê tươi

Nghĩ mình khó nỗi ở đời với con

Đằng lý trưởng bồn chồn giục mãi

"Tang hết rồi, vẫn hãy đợt mong!"

Bên bà cho báo tin thông

Hẹn ngày sắm lễ cúng chồng một dêm

Mời thầy Lý, làng trên xã dướt

Dự tiệc này, tiệc cưới hôm sau

Lý nghe mừng rỡ xiết bao

Ai hay sét đánh trên dầu đứa gian

Ngày hôm ấy, trước ban nghi ngút

Hương phun mây, đèn đuốc ánh hồng

Xóm làng đủ mặt tây đông

Ai coi mụ góa tế chồng thì coi

* * *

Ba lạy rồi, hẳn hoi đứng giữa

Giọng nghiêm trang kể rõ đầu đuôi

Rằng "từ nó phạm đến tôi

Tấm lòng tủi nhục chẳng nguôi bao giờ

Hiềm vì chút con thơ còn dại

Phải làm ngơ, lầm lũi qua ngày

Sống thừa cho đến hôm nay

Liều thân, tỏ tấm lòng này với ai"

* * *

Nói đến đây, bà cúi đầu làm lễ rồi cầm dao nhọn hoắt cắt bên vú đã bị làm nhục, vứt vào mặt lý trưởng, rồi tiện tay đâm luôn vào cổ mình, tự vẫn. Lúc ấy:

Trăm con mát đổ hoa đom đóm

Lưỡi thụt vô, răng cợp cợp hàm

Ai đời có gái phi phàm

Chết oanh, chết liệt, chết làm cho kinh

* * *

Sau khi mẹ chết, bé Cao được gửi tới học ông tú Nguyễn Gia Giao, xã Liễu Ngạn,phủ Thuận Thành, là chỗ quen từ lâu của gia đình. Ông tú rất nghèo, chỉ đủ cho trò sáng cơm chiều cháo; những ngày nông vụ thày trò phải đóng khố ra ruộng làm việc đồng áng.

Vậy mà đến năm 28 tuổi, Cao đỗ thủ khoa, được bổ tri huyện Yên Dũng, rồi thăng tri phủ Lạng Giang, bố chính Thái Nguyên, và tán lý quân vụ Bắc kỳ. Sau treo ấn từ quan khi hòa ước vớl Pháp được ký.

Năm 1885, Cao giúp Nguyễn Thiện Thuật việc huấn luyện chiến thuật du kích và chỉ huy nghĩa quân đánh phá nhiều đồn Pháp. Pháp hợp cùng quân của Hoàng Cao Khải và Lê Hoan, thắt chặt vòng vây khu Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Thuật chạy sang Tàu, Cao về nương náu tại làng Kim Giang, phủ ứng Hòa, Hà Đông, sau có kẻ tố cáo nên bị bắt. Người Pháp và Hoàng Cao Khải trách Cao là không có lòng trung nghĩa, hứa bổ vào chức cao nếu chịu ra làm việc nhà nước. Cao từ chối. Hoàng cho đem hình cụ tra tấn ra dọa. Cao mỉm cười:

_ Tôi đâu có sợ chết, sẽ có cách tự xử khỏi phiền đến ai...

Ông thò vào túi áo lấy mảnh sứ sắc cạnh đã giấu sẵn, mạnh tay khoét rốn, rút ruột ra vứt lên mặt Hoàng Cao Khải, hỏi:

_ Lòng tao đây, mày xem đoạn nào là không trung nghĩa!

Rồi thống mạ cả lũ, đến khi miệng trào máu. Thì ra Nguyễn Cao đã cắn lưỡi tự tử.

Khí tiết của con cũng lẫm liệt như của mẹ, vàng vặc ngàn năm...

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002