Đại Chúng số 73 - phát hành ngày 15/5/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

Vũ Trụ Và Sự Tiến Hóa Của Loài Người

NỀN VĂN HÓA TRUNG HOA VÀ CÂU CHUYỆN BÁ TÁNH

Thinh Quang

THẬT RA CHO ĐẾN NGÀY NAGY CHƯA AI BIẾT MỘT CÁCH CĂN KẼ VỀ XUẤT XỨ CỦA DÂN TỘC TRUNG HOA - MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC XEM LÀ CÓ MỘT NỀN VĂN MINH TỐI CỔ - TỪ ĐÂU MÀ CÓ?

Thật vậy. Chẳng ai biết họ từ đâu đến, thuộc giống người nào và nền văn minh tối cổ của họ xuất hiện từ thời gian nào? Nhà biên khảo nổi tiếng của thế giới Will Durant trong bộ sách mang tự đề: The Story of Civilization Our Oriental Heritage đã viết: Quả thật người Trung Hoa có một nền văn minh tối cổ! Có thể vì vậy mà lúc bấy giờ họ tự xưng nước mình là cái nôi vũ trụ! Cái nôi vũ trụ này đã suốt một thời gian dài khép mình trong một thế giới riêng biệt, với cảnh núi non trùng điệp, toàn đèo heo hút gió, rừng rú mịt mùng, nước nôi tràn dâng cùng khắp..."

Người ta chỉ biết đất nước Trung Hoa gần như cả một châu, có một nền văn minh hoàn toàn thuần nhất, không pha trộn với một nền văn hóa nào khác. Tuy nhiên các nhà biên khảo sau này có đưa ra những mẫu đồ gốm của thời đại nguyên thủy tương tự như các vật dụng phát xuất từ Mésopotamie và Turkestan (Will Durant cũng đã viết đến điều này trong The Story of Civilization).

Có điều không ai biết rõ cội nguồn của dân tộc này xuất phát từ đâu? Đã không biết ra xuất xứ thì cũng thật khó lòng biết được đích thực cái "Tính" tức "Họ" đầu tiên của người Trung Hoa là họ gì? (No one knows whence the Chinese came, or what was their race, or how old their Civilization, page 641)

Trong Lịch Sử Văn Minh Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê có trích dịch đoạn này: "Bộ xương của người Bắc Kinh khai quật được mấy năm trước đây cho ta đoán rằng loài vượn giống người đã có ở Trung Hoa từ thời thượng cổ xa xăm nhất; mặt khác công trình khảo cứu của Andrews đã đưa tới kết luận này là 20.000 năm trước Tây lịch, xứ Mông Cổ đã đông dân cư, khí cụ của họ thuộc vào thời "Azilien", thời tân thạch khí ở châu Âu, rồi khi miền Nam Mông Cổ càng ngày càng khô nóng thành sa mạc Gobi thì giống người đó truyền sang Tây Bá Lợi Á và Trung Hoa."

Người ta tin một cách khái quát đại để là ông tổ đầu tiên của loài người lúc bấy giờ theo quan niệm của người Trung Hoa là ông Bành Tổ - ngoài ra không có một giống người nào khác nữa. Ông Bành Tổ có tuổi thọ đến cả hai triệu hai trăm hai mươi chín ngàn năm, chứ không là 800 tuổi thọ như ta thường nghe các lời truyền khẩu trong dân gian.Hơi thở của Bàn Cổ biến thành gió, thành mây, tiếng nói của ông vang như tiếng sấm, mạch máu của ông trở thành dòng sông, thịt ông biến thành đất, tóc ông hóa ra cỏ cây, xương biến thành kim loại, mồ hôi ông biến thành nước mưa và... sau cùng là những con sâu bọ bám vào châu thân ông trở thành loài người của chúng ta hiện hữu...

Vậy thì họ đầu tiên của người Trung Hoa là họ Bành? Chẳng ai biết. Cũng có thể đây là câu chuyện thần thoại. Có sách viết: "Ông là người đời Đường Nghiêu, được vua Nghiêu phong ở đất Bành Thành có tiếng là sống lâu đến 700 tuổi". Nhà thơ Tú Xương ngày xưa có câu trong đó có nói đến ông Bành Tổ:

Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa

Sợ ông Bành Tổ tống tiền môn.

Hoặc cũng có câu trong một bài kệ:

Xưa ông Bành Tổ sống đời

Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu?!

Từ ngàn xưa, người Trung Hoa sinh con ra thì đặt tên (danh) nhưng chưa được có tên chữ (tự), phải đợi cho qua thủ tục "quán lễ", "kê lễ", câu "đồng tử vô tự" có nghĩa con trẻ không có tên chữ được ghi nhận điều này.

Về "Tính" tức "Họ", cách sử sụng của người người Trung Hoa khác với các nước Tây phương, đặt họ trước tên sau... Ví như: Tô Thức họ Tô tên Tái tự Đông Pha, như vậy là có "tính", có "danh" v.v...Tính, danh,tự đi liền với nhau. Tuy nhiên không phải thời nào cũng vậy. Như thời Tiên Tần thì phức tạp hơn.

Thời Tiên Tần lấy họ mẹ - theo mẫu hệ - đây là dấu hiệu của thị tộc. Điều này chỉ về người mang cái tính hiện hữu của mình do từ một thị tộc nào đó sinh ra, chỉ biết có mẹ mà không rõ cha là ai. Do đó ta thấy chữ "Tính" thêm bộ "nữ" một bên, như họ Diêu, họ Tự, họ Quy hay họ Cơ v.v.. Cũng có một số "Họ" tách ra thành họ khác. Ví như họ "Châm" tách ra từ họ "Tào", họ "Thốc" tách ra từ họ Bành"...họ "Điền" tách ra từ họ "Trần", họ "Diệp" tách ra từ họ "Thẩm"...

Nguồi gốc của "Họ"- theo các nhà sưu khảo - thì xuất xứ từ thị tộc. Cứ theo Quốc Ngữ Trịnh Ngữ thì Chúc Dung có đến tám họ, nhưng vốn là sáu kể từ họ Kỷ, họ Đổng,họ Bành, họ Vân, họ Tào, họ Mỹ. Thời Tiên tần số họ ít ỏi, đã vậy mà còn có một số "họ" bị tiêu diệt trong thời kỳ nhà Chu. Đặc biệt từ phía tính nam đời Tiên Tần không để họ phía trước tên, hệt như người Tây phương bây giờ. Người đàn bà cũng vậy. Ví như y thị tên là Vân họ Cơ với mục đích tránh việc trùng họ lấy phải nhau khiến phạm phải tội loạn luân. "Đồng tính bất hôn", cùng một họ chẳng lấy nhau. Người xưa tối kî điều này. Người Trung Hoa buổi sơ giao thường tìm hiểu về họ của nhau cốt để kết thân. nếu trùng họ thì xem là cùng một dòng tộc, và từ đó lần ra dễ dàng về vai vế thứ bậc qua chữ lót. Vì vậy mà chữ lót đối với người Trung Hoa quan trọng không kém.

Trung Hoa có trên 6000 họ được ghi nhận, đa phần họ đơn, cũng có một ít họ kép như họ "Âu-Dương", họ "Tư-Đồ"...

Người xưa ngoài sự chú trọng về "Tính" còn đặc biệt chú trọng đến "Thị", bởi "Thị" chỉ về gia tộc. Theo Tả Truyện - Ấn công bát niên đã nói rõ Thiên tử thì lập đức; nhân sinh mà cho tính dâng thịt tế lễ đất mà đặt cho thị. Chư hầu lấy tự làm thị còn nhân lấy đó làm tộc. Quan mà có công trạng nhiều đời thì có quan lộc... Cứ thế mà áp dụng... Tính tức là họ. Họ thì bất biến. Khác với "thị" bởi "thị" tùy hoàn cảnh của gia tộc mà có thể biến ra. Có điều đặc biệt ta nên lưu ý, ở thời Tiên Tần" chẳng phải bất cứ ai cũng có "Tính", có "Thị". Bởi vì theo luật lệ của thời đại này tính đối với những ai có vai vế vị thế nhất định mới có được. Ví như, bất cứ ai vốn đã được đặt định vai vế của tính, nhưng vì một trường hợp đặc biệt nào đó mà trở nên kẻ thấp hèn có thể làm sỉ nhục họ hàng, kẻ ấy có thể bị truất "Họ". Như vậy thì những người này trở thành người không "Họ".

Tính quan hệ với Tông Pháp, bởi nó nói lên về quan hệ huyết thống mà xã hội cổ đại Trung Hoa đặc biệt lưu tâm đến.

Theo Trình Dao Điền, một học giả của đời Thanh đã ghi lại khá tỉ mỉ về Tông Pháp. Như về mặt ghi nhận sự khác biệt giữa Đại Tông và Tiểu Tông, bắt nguồn từ thủy tổ của mỗi một gia tộc. Từ đời nhà Chu đã đặt bày ra gia luật,người con trưởng là kẻ kế thừa,ví như vua cha băng hà thì con trai trưởng của nhà vua kế vị. Dưới hàng thế dân người cha qua đời thì người con trưởng sẽ phải có nhiệm vụ quán xuyến gia đình, quyền huynh thế phụ... Với nhà vua các con thứ khác biệt với người anh kế vị, gọi là "biệt tử". Những người anh em biệt tử này, vì là con của vua nên được gọi là "Công Tử". Các biệt tử ra riêng lập thành "Gia" và họ trở thành "Thủy Tổ"của Gia này...đời đời kiếp kiếp... và cũng theo truyền thống tiếp kế thừa không thể đổi thay được bởi cùng huyết hệ. Đó là "Tiểu Tông", còn "Đại Tông" lấy biệt tử thủy tổ của nhà này làm gốc, gọi là Đại Tông và cứ như vậy mà truyền tử lưu tôn...

Nguyên tắc tông pháp rõ ràng có quan hệ huyết thống. Đời Chu đưa ra nguyên tắc này là nhằm bảo vệ giòng giống qua quan hệ huyết thống. Tiểu tông,đại tông có thể thay đổi sự xa gần chứ không thể bỏ đi về tộc tính. "Tiểu tông ngũ thế tắc thiên" bảo rằng trong năm đời có sự thay đổi, ví như qua đến năm đời thì có thể không còn để tang chế nữa, nhưng không phải vì vậy mà thay đổi "Họ" mình.

Tuy đất đai rộng lớn, nhưng người Trung Hoa có xu hướng xuất ngoại, hầu hết vì sinh kế. Hai vùng đất mà họ chú ý đến nhiều là châu Á và các nước ở châu Mỹ... Tại các quốc gia này có đến gần hay xê xích lối 47 họ được xem là nhiều nhất gồm các họ: Bạch, Thái, Trần, Chu, Phạm, Phùng, Quan, Quách, Hàn, Hà, Hồng, Hoàng, Kha, Lý, Lâm, Lữ, Lưu, Lư, La, Mai, Âu-Dương, Tiền, Khưu, Thẩm, Tư-Đồ, Tô, Tôn, Vương, Văn, Ngô, Tiêu, Hứa, Từ,  Nghiêm, Nhan, Dương, Dư, Tăng, Trương, Chân, Đặng, Chung, Châu, Chu, Trang, Trác, Phan, Diệp...

Tóm lại mỗi họ có một sự tính riêng biệt, đến ngày nay vẫn chưa tìm hiểu hết được, ngoại trừ một vài trường hợp cải đổi vì một hoàn cảnh đặc biệt như từ họ Thẩm đổi sang họ Diệp, từ họ Trần đổi sang họ Điền v.v... Tuy phần trên đã ghi Trung Hoa có bá tính, nhưng thật ra có hàng ngàn họ như vậy còn truyền tử lưu tôn đời đời kiếp kiếp...

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002