Đại Chúng số 74 - phát hành ngày 1/6/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

GOODBYE MY LOVE!
(To the one whom I ever cherished)

Trần Việt Hải

Chuyện xảy ra vào giờ học môn Kinh tế Nhập môn, một môn học mà quyển sách giáo khoa tham khảo làm chuẩn được viết bởi giáo sư kinh tế học danh tiếng Paul A. Samuelson thuộc viện Đại Học Kỹ Thuật Massachusett. Trong khi thầy Nguyễn Hải Bình brainstorm chúng tôi thế nào là GNP, GDP, Consumer Pricing Index (CPI), Nominal & Real GDP, ... Ôi những từ ngữ mà những ý niệm đại tượng còn xa lạ và rất trừu tượng đối với những tân sinh viên chúng tôi. Qua cặp kính cận trong suốt và  dường như khá nặng độ, thầy miên man diễn giảng. Tôi xoay sang cô bạn mới ngồi kế bên cạnh mà không biết tên. Tôi chuyển mẫu giấy nhỏ có dòng chữ: “Xin lỗi cô tên gì?” Cô láng giềng liếc thoáng qua không nói một lời nào mà chỉ mĩm cười. Tôi bèn viết thêm một mẫu giấy khác: “Tôi hỏi cô mà sao cô lại cười? Xin cho biết tên?” Tôi nhìn sang nhà hàng xóm, cô láng giềng cũng không nói mà chỉ mĩm cười. Một làn nữa, tôi đành ghi vội mấy câu thơ con cóc vừa nghĩ trong đầu:

“Hỏi rằng cô có nghe tôi?
Rằng cô chẳng nói mĩm cười làm thinh,
Hỏi cô cho biết quý danh?
Rằng cô tủm tỉm làm thinh mĩm cười.”

Xem xong bài thơ con cóc của tôi, cô láng giềng trả lời lại chỉ có vỏn vẹn 1 chữ “Xuân”. Khi được cô gởi trả lời cũng là lúc giờ học kết thúc. Tôi xếp tập vô cùng đi xuống lầu vào quên đề nghị với Xuân là chúng tôi sẽ gặp nhau tại thư viện trường để tìm sách tham khảo. Quyển sách mà thầy Bình đề nghị chúng tôi phải đọc là quyển “The principles of macroeconomics” của kinh tế gia đoạt giải Nobel là Dr. Paul A. Samuelson, một cuốn sách đã đánh dấu sự quen biết giữa hai chúng tôi.

Như đã hẹn, tuần sau chúng tôi gặp nhau trong thư viện trường. Tôi tiến đến một bàn bên góc phải vắng người ngồi và kéo ghế ngồi bên cạnh Xuân. Tôi cất tiếng hỏi Xuân là nàng đã đến từ bao giờ. Nàng cho biết nàng đã đến sớm một tiếng đồng hồ, nghĩa là hơn giờ mà chúng ta đã hẹn nhau vì nàng muốn duyệt qua hết dãy sách tham khảo về kinh tế và cũng để tìm hiểu những hàng sách mà thư viện có. Xuân có gương mặt tươi tắn mang vẻ yêu kiều đầm thắm của một chút gì của Catherine Deneuve và phảng phất nét đẹp đoan trang diễm lệ cua Catherine Zeta-Jones. Xuân lại biểu tượng cho sự khiêm tốn kèm theo sự thông minh mà trời ban cho nàng. Nàng có giọng nói dịu dàng, rất hòa nhã và bắt mắt nhất là làn da trắng như hoa bưởi của nàng trong tà áo xanh lơ của đồng phục Kinh Thương, trông rất thích hợp với mái tóc đen huyền xõa xuống gần bờ vai nàng. Thông thường nàng thích đi học bằng chiếc xe cady, nên trông nàng thật mignon như những thiếu nữ tây phương ở Sorbone hay Oxford.

Trong khung cảnh yên tĩnh của thư viện, thỉnh thoảng chúng tôi ngước lên để trao đổi những đoạn văn khó hiểu hay những từ ngữ phải vận dụng hết vốn liếng Anh ngữ để hiểu thấu đáo ý nghĩa của nó. Những buổi học chung như vậy ngày qua ngày đã làm cho tình bạn chúng tôi gần gũi hơn với cái thư viện độ 3,000 square feet. Đối với các thư viện của các đại học Mỹ thì đây quả thật là một cái thư viện khá khiêm nhường về kích thước. Tuy vậy trong cái nhỏ nhắn đó thì ngấm ngầm chứa đựng một sự xinh xắn gọn gàng do bàn tay khéo léo của chị Quỳnh, người quản thủ thư viện hàng ngày tận tụy chăm sóc lấy nó. Có một hôm tôi muốn mượn quyển sách gối đầu giường Samuelson ra ngoài để photocopy, chị quản thủ đã nhất định từ chối vì quy luật của thư viện chỉ được tham khảo tại chỗ mà thôi. Tôi nài nỉ mãi mà không được, vì thấy tôi lớn tiếng Xuân đến gần đề nghị là lần sau chúng tôi sẽ đến sớm để ghi chép những điều cần thiết cho bản tóm lược cho kỳ thi midterm và final. Trong khi chúng tôi bước ra ngoài thư viện, đi ngang qua câu lạc bộ hay cái cafeteria Kinh Thương do anh doanh gia Nguyễn Ngọc Bảo làm thầu khoán, từ bên trong chiếc stereo Akai Classic vọng ra giọng hát quen thuộc mà tôi rất yêu thích, tôi thử hỏi Xuân nếu nàng biết nahc phẩm này là gì. Nàng mĩm cười đáp “Oh! Very young, do Cat Stevens hát, đúng không?” Tôi cười và gật gù đồng ý.

Có lần tôi đến thăm nàng ở căn biệt thự xây theo lối kiến trúc Tây phương trên đường Công Lý, ba mẹ của Xuân rất vui vẻ, tử tể và thân mật tiếp tôi làm lòng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm. Mẹ nàng ân cần kể tôi nghe về thời thơ ấu những sở thích và kết quả học tập tốt đẹp của nàng tại trường trung học Saint Paul. Trường cách nhà tôi không xa lắm, tọa lạc ngay ở góc đường Cường Để và Gia Long. Hôm đầu tiên đó đến thăm gia đình Xuân, tôi được dãi ăn món bì bún. Bì bún là món ăn của người miền Nam, thực sự không xa lạ gì với tôi vì tôi đã ăn khá nhiều lần rồi nhưng không hiểu vì sao lần này tôi có cảm tưởng đây là món bì bún thật tuyệt cú mèo, ngon hơn hết những lần mà tôi đã ăn bì bún. Trước khi ra về tôi hẹn Xuân là chiều thứ sáu tôi sẽ ghé nhà Xuân để đón nàng đi xem cinê ở Centre Culturel Francaise gần bệnh viện Grall, tọa lạc ở góc đường Đồn Đất và lê Thánh Tôn, nghĩa là gần nhà tôi hơn nhà nàng. Kỳ này có phim “Hiroshima, Mon Amour” do tài tử Rene Arnaud của Pháp đóng chung với một nữ dĩễn viên Nhật bản. Phim mang nội dung đề cao một mối tình Âu Á không biên giới, một biểu tượng “East – meets – West”. Trong khi chờ đợi vào phim 2 đứa chúng tôi thì thầm với nhau về nhiều đề tài từ chuyện hai gia đình chúng tôi, chuyện tương lai đến chuyện trường Kinh tế thương mại Minh Đức, những môn học, những yếu tố căn bản trong lĩnh vực kinh tế như luật cung cầu, stagnation, recession, deflation, inflation,... nàng cho tôi biết là nàng không thích chính trị mặc dù khi đó cha nàng là một viên chức cao cấp của chính phủ. Nàng tâm sự là nàng chỉ đam mê về những khía cạnh chuyên môn như kinh tế hoặc tài chính, rồi nàng thì thầm là nàng hy vọng sau bậc cử nhân 4 năm ở Kinh Thương sẽ lót đường cho chúng tôi sang Havard học cao hơn. Tôi thực sự sung sướng vì trước đó không lâu tôi vừa xem một mối tình thật lãng mạn trên màn ảnh Holywood Oliver Barrett của Havard và Jeniffer Cavelleri của Radcliffe khi họ quen nhau tại thư viện trường Đại học. Đó là tác phẩm Love Story do ngòi bút điêu luyện của Erich Segal viết lên một mối tình thơ mộng trong nhiều nỗi gian truân. Điểm éo le của câu chuyện trữ tình này lấy bối cảnh của Harvard mà người cha của Oliver vốn mang bản tánh cố chấp, cứng nhắc trong khuôn khổ kỳ thị giai cấp, không chấp nhận người con dâu tương lâu thuộc giai cấp nghèo. Trong khi Oliver chống chọi lại những ý nghĩ bảo thủ của cha mình.

Xuân đề cập về chuyện tương lai ở Harvard, tôi đã đùa với nàng nếu cô sang Boston thì tôi sẽ không bao giờ hứa hẹn rằng sẽ đưa nàng sang Paris. Trong cốt truyện của Segal ông khéo léo khai thác một mối tình từ thuở hàn vi khi người vợ Janiffer bỏ học để đi làm để nuôi chồng Oliver theo học luật tại Harvard. Oliver có hứa là khi nào học xong thành công thì chàng sẽ đưa Jeniffer sang thăm Paris như ước mơ của nàng về âm nhạc xuất phát từ Âu châu. Tuy nhiên cái ước mơ đó không bao giờ đến với nàng khi nàng bị mang chứng bệnh ngặt nghèo là ung thư máu. Cũng buổi xem phim chuyện tình lãng mạn này lần đầu tiên tôi đã gởi nàng một nụ hôn êm ái trên bờ môi ngọt lịm của nàng.

Cuối năm học đầu tiên tại Kinh Thương thì cũng là lúc chúng tôi phải đối diện với sự chia ly nghiệt ngã. Anh nàng khi đó đang học MBA tại MIT đã đề nghị với cha mẹ nàng là nên đưa nàng sang Mỹ du học. Cũng vì tình hình chiến sự của nước nhà đã trở nên tồi tệ nên đóng góp cho quyết định ác nghiệt chia đôi chúng tôi ra hai ngã đường khác nhau. Hôm nàng kể cho tôi nghe đề nghị của anh nàng, nàng đã tỏ ra thất bối rối và lo lắng về nghịch cảnh đang diễn ra trước mắt và khóc với tôi thật nhiều. Những ngày cuối cùng của nàng ở Sài Gòn tôi cỗng thấy thời gian thật là quý báu, tôi thầm ước thời gian hãy đi chậm lại và để tôi đưa nàng đi thăm hết phố phường Sài Gòn, chú trọng đến những nơi mà chúng tôi đã ghi nhận có nhiều kỷ niệm bên nhau nhất. Dưới ánh nắng chan hòa và buổi sáng của mùa hè Sài Gòn, chúng tôi bước ra khỏi sân quần vợt gần cư xá Bạch Đằng nơi tôi ở và cũng gần trường Saint Paul của nàng, nàng ôm ghì lấy tôi và khóc ngây ngất vì sự chia ly này linh tính cho sự kết thúc mối liên hệ của chúng tôi. Dù không nói ra, nhưng trong lòng với một ý nghĩ nào đó, tôi đã thầm trách cứ nàng. Sự khác biệt giữa tụi tôi và chuyện tình của Erich Segal là Jenifer Caveleri đã có Oliver Barrett rất dứt khoát và phóng khoáng với quan điểm cho trọn cuộc tình. Hy sinh cho tình yêu là một nghĩa cử cao đẹp như chuyện tình Romeo và Juliet của văn hào William Shakespeare hay như những dòng nhạc của Trịnh Công Sơn diễn tả: “Tình yêu như trái chín con tim mù lòa”, hay một chút gì triết lý hơn như triết gia Plaise Pascal đã nói: “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết được” là những điều đã được văn học ghi nhận vào thiên thu. Ngược lại, chuyện tình Kinh Thương của chúng tôi thì bị ràng buộc bởi một khuôn phép khép kín của nền nếp Á Đông, khi mà những quyết định của hai gia đình là khuôn mẫu duy nhất để Xuân phải chọn lựa. Rồi chiều hôm đó tôi đưa nàng ra phố Nguyễn Huệ, rồi vào cái quán quen thuộc Pole Nord trên đường Tự Do. Nàng gọi món kem chocolate au lait, tôi chỉ uống ly trà lipton có khoanh chanh đi kèm. Nhìn ra bênbngoaì cửa kiếng phố xá đông người qua lại, nhưng lòng tôi nặng trĩu với những ý nghĩ bàng bạc những nuối tiếc, rất tiêu cực và bi quan cho một cuộc tình không còn nhiều hy vọng nữa. Trong một góc quán bỗng tiếng nhạc trôi lên bản nhạc nói lên cái tâm trạng của tôi là “Sans Elle”, với âm điệu thật du dương và thiết tha, người ca sĩ Claud Michel quả thật đã hiểu những gì tôi đang suy  nghĩ khoa học mà lời nhạc chan chứa những ý nghĩ:

“Xa em rồi tim anh sầu nhớ,
Bên em chiều nắng tươi rực rỡ,
Xa em rồi không gian mù tối,
Em như vì sao trên bầu trời...”

 Vâng, em chính là vì sao hy vọng trong tim tôi; Vâng, em chính là lẽ sống ấp ủ những ngày tháng quen nhau. Xa em rồi, không gian của riêng tôi sẽ sụp đổ. Tôi nắm chặt lấy tay nàng đặt vào lồng ngực của mình và tôi hôn nhẹ lên tay nàng. Cái giây phút mà những ý nghĩ của bản nhạc trên đã thật sự quyện lấy trọn tâm hồn của tôi. Tôi mường tượng đến những chuỗi cô đơn sắp đến với tôi khi nàng sang Boston hay một chân trời mới nào đó ở tiểu bang lạnh giá Massachusetts.

Đã 26 năm qua gợi tôi nhớ lại cô láng giềng Kinh Thương ngày xưa, những xúc cảm, những ân tình, những chia sẻ, những rung động của con tim đầy ấp những buổi hẹn hò ở thư viện Kinh Thương, Centre Culturel Francaise và Abraham Lincoln library trên đường Lê Quý Đôn gần trường Marie Curie hay những ly chanh đường ngọt lịm môi em trong câu lạc bộ của bạn hiền NNB bây giờ đang định cư ở Úc Châu, rồi những giờ học môn kinh tế của thầy Bình, giờ kế toán của thầy Ngô Từ Hưng, những lý thuyết kinh tế học macroeconomics của sách Samuelson, những quy tắc của môn kế toán check and balance....tất cả đã đóng góp cho một cuốn album kỷ niệm vô cùng quý giá trong tâm tư của tôi. Biết nói gì hơn là tại nơi đây, 26 năm sau tôi hồi tưởng lại cô làng giềng Kinh Thương của ngôi trường mà Phạm Quang Hải của Trần Ngọc Lan ở Sydney đã vỗ về những ý nghĩ của tôi về cái định nghĩa khôi hài là trường chuyên khoa về “Kinh nghiệm Thương Yêu”. Vâng, với tôi nó đã phần nào phản ảnh đúng phoóc như sự đùa cợt của Quang Hải.

26 năm xa xứ nhìn lại cuộc đời đã trôi qua, nàng và tôi bây giờ mỗi người đã gửi lòng cho người khác, đã yên phận mọi bề với cái hạnh phúc mới riêng tư, tôi xin cám ơn chị quản thủ thư viện KTMD, câu lạc bộ sinh viên KT có dàn máy Akai Classic hát bằng băng từ tính mà đường kính bằng gang tay, cám ơn thầy cô, tất cả bạn bè, cám ơn Centre Culturel Francais, thư viện Abraham Lincoln, sân tennis Cường Để đã cho tôi những ngày tháng với nhiều ân tình đáng nhớ. Sau hết tôi cũng không quên cám ơn cô láng giềng Xuân Lê đã cho tôi những phút giây bồi hồi vương vấn của cái thuở thanh xuân hoa niên khi mà đôi môi chan hòa với thú yêu thương, khi mà nhịp đập của con tim đồng lõa với những lời thì thầm âu yếm bên tai, những sweet nothing văng vẳng như tiếng hát của Cat Stevens:

“Oh very young, what will you leave us this time,
There’ll never be a better chance to change your mind,
And if you want this world to see a better day,
Will you carry the words of love with you,
.........
And the goodbey make the journey harder still...”

Chuyển ngữ ra tiếng Việt là:

“Này, nàng tiên trẻ trung tôi ơi,
Kiếp này sẽ còn lại cho ta những gì,
Sẽ chẳng bao giờ có cơ hội khá hơn để thay đổi lòng em,
Và nếu em muốn cuộc sống chúng ta hạnh phúc hơn,
Xin em hãy mang theo những lời yêu thương,
......
Và chia ly sẽ làm cho sự ra đi của chúng ta khổ sở hơn mà thôi...”

Để rồi nhắc nhở một thuở yêu đương, một thuở thần tiên của thời cắp sách đến trường vẫn còn lai vãng trong tôi qua những dòng chữ này và được trãi rộng những nỗi niềm riêng từ cái tiềm thức sống lại mãnh liệt từ những ký ức cũ tưởng đã quên.

Once again, goodbye my love!

Trần Việt Hải (Westlake, California)

________________________

Những chữ viết tắt:

  1. Đại tượng macro

  2. KT Kinh Thương

  3. KTMD: Kinh Thương Minh Đức

  4. Magnetic tape: băng từ tính

  5. Radeliffe: trường Đại học nữ ở Boston

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002