Đại Chúng số 74 - phát hành ngày 1/6/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

MỐI TÌNH ĐẸP NHẤT THẾ KỶ 20
(Tặng những người đã từng có một thời để yêu...)

Hà Ngọc

Thiên tình sử này bắt đầu năm 1934, giữa lúc người dân Anh chưa hay biết về mãnh lực tình yêu chớm nở giữa ông hoàng tử xứ Wales với nàng Wallis – một phụ nữ Hoa Kỳ, thì vị hoàng đế tương lai ấy đã càng lúc càng in đậm hình bóng giai nhân trong đáy tim mình. Ông nhất định phải cưới cho bằng được dù bị đặt trước biết bao khó khăn trời biển của Vương pháp triểu đình trói buộc.

Bàn tay định mệnh:

Không biết do từ đâu, vào trước thời gian bước vào năm 1936 đã có lời đồn trong dư luận là một nhà tiên tri tên tuổi đã đoán ông hoàng xứ Wales sẽ không bao giờ lên ngôi vàng. Hoàng tử thà không nhận lễ đăng quang hơn là phải xa người yêu!

Nhưng rồi, rất mau chóng, người ta thấy lời tiên đoán đầu tiên không còn là đúng nữa. Vì ngày 20-1-1936, vị hoàng tử David của xứ Wales đã nhận vương miện triều đại mới với đế vị “Eward VIII”. Mùa hè năm ấy đối với nàng Wallis quả là ảm đạm, dài vô tận. Nàng thu mình trong biệt thự riêng ở Luân Đôn, chờ đợi phán quyết của tòa án Mỹ quốc cho phép nàng ly dị với người chồng cũ. Mọi sự cứ phải bắt đầu như vậy đã. Thế rồi, cuối cùng, ước mong ở người thiếu phụ ấy đã được toại nguyện. Nhưng đối với tân vương Edward VIII thì quả là nan giải. Luật pháp của hoàng gia Anh từ bao đời qua không cho phép nhà vua được thành hôn với một người đàn bà đã ly dị. Đã thế, trước hiện tình đất nước căng thẳng, nhà vua phải cáng đáng một trách nhiệm quốc gia quá lớn: Tình hình thế giới ở vào giai đoạn cực kỳ khẩn trương. Bên kia bờ Địa Trung Hải, lãnh tụ phát xít Ý Mussolini đang phát động chiến tranh với nước Ethiopia và cuộc nội chiến Tây Ban Nha bùng lên dữ dội. Nhưng hình bóng kiều diễm giai nhân luôn ám ảnh, đẩy vua Edward VIII không thể quên nàng Wallis, và rồi nhà vua chẳng thể bỏ lỡ cuộc tái ngộ với người yêu trên chiếc du thuyền sẵn sàng chờ đợi ngoài khơi. Đôi uyên ương nhất quyết trùng phùng, để sống lại mối tình bắt đầu từ năm 1930. Cuộc tình tiếp diễn thầm lặng kín đáo ấy nay đột khởi, chẳng còn mấy ai là không hay biết. Tên nàng Wallis bừng sống dậy trong giới thượng lưu vương quốc và ngoài dân giả. Nàng được nhắc đến, đồn đãi như ngôi sao sáng giữa trời Luân Đôn. Tình yêu đã thắng! Niềm rung động con tim đã lấn lướt lý trí và bổn phận. Nhà vua quyết san bằng mọi trở ngại để kết hôn với nàng. Dự tính ấy là một đối kháng ghê gớm với quốc gia đầy uy danh này. Hoàng gia không thể tán thành. Và thủ tướng chính phủ đương thời, ông Stanley Baldwin điên đầu, không thể tìm ra giải pháp êm đềm nào khác nữa. Việc phải đến, cuối cùng đã đến: Vua Edward VIII phải chọn sự giã biệt ngôi báu!

Ngày 10.12.1936, nhà vua xuất hiện trước máy truyền thanh đọc bản tuyên cáo thoái vị, nhường ngôi cho ông em (tức vương phụ của đương kim nữ hoàng Elizabeth bây giờ). Cựu hoàng Edward VIII thổ lộ: “Tôi không thể đảm nhận sứ mạng cao cả của Hoàng triều nếu thiếu đi sự có mặt của người đàn bà mà tôi yêu trong từng hơi thở của đời tôi...”

Cuộc hành trình trăng mật dài muôn thuở với nỗi sầu xa xứ:

Vào ngay buổi chiều rời ngôi vàng, Quận công Windsor (tước hiệu từ đây của cựu hoàng) lặng lẽ từ biệt vương quốc Anh ra đi không hẹn ngày về, trên một soái hạm. Quận công Windsor vượt biển Manche qua Pháp, trước khi đến đất Áo – chọn nơi này làm nơi trú ngụ vĩnh viễn.

Phải xa cách người yêu 6 tháng dài đằng đẵng, chờ vụ án ly dị kết thúc, cặp chim trời tự do đã toại nguyện. Họ trùng phùng vào tháng 5.1937 tại lâu đài Candé. Quận công Windsor và bà Willis ngồi đây, trên đất Pháp, lắng nghe buổi truyền thanh đặc biệt vang dội từ Anh quốc về lễ đăng quang của tân vương George VI. Một trang sử của quốc gia bực nhất hoàn vũ lúc bấy giờ vừa long trọng bước vào một giai đoạn mới thì đối với quận công Windsor và vị hôn thê cũng lại là ngày hạnh phúc lớn kế liền: Ngày 3.6.1937, đôi tình nhân vang danh thế kỷ cử hành hôn lễ. Bóng chiều hoàng hôn của thời điểm kỷ niệm buổi kết hợp huyền ảo này vừa buông xuống thì đôi uyên ương cũng thầm lặng rời Pháp quốc đi về nước Áo. Để rồi từ buổi ấy, thật ít nơi danh lam thắng cảnh nào lại vắng dấu chân của một đôi tình nhân vợ chồng yêu nhau say đắm. Tuần trăng mật ở họ như kéo dài vô tận. Dư vị nồng nàn của một mối tình vạn kỷ đã nối tiếp bất tận. Không một ngày nào xa vắng nhau nữa. Cả hai như hình với bóng. Thoạt khi cuộc thế chiến thứ 2 mở màn, quận công Windsor và phu nhân rời nước Áo, vượt sang Tây Ban Nha để tìm đến nương náu trên đất Bồ Đào Nha. Cho mãi đến lúc hòa bình thế giới vãn hồi, cặp Windsor mới trở về những Pháp, cư ngụ trong một khách sạn đặc biệt bên rừng Boulogne. Và phải đợi cho tới năm 1967, sau 30 năm xa xứ, quận công Windsor mới được nữ hoàng Elizabeth tiếp kiến lần đầu tiên. Rồi lần thứ 2, là vào dạo tháng 5.1972, trong chuyến công du Paris, nữ hoàng Anh dành ngày 19, một ngày đáng nhớ ghi đậm tình huyết thống: Nữ hoàng đã tìm đến biệt thự Neuilly thăm viếng ông bác Quận Công. Thực là cảm động. Quận công đang lâm bệnh và sức khỏe yếu đi quá nhiều. 9 ngày sau, cuối tháng 5.1972 Quận công Windsor qua đời. Linh cữu được chuyển về nước, quàn tại lâu đài Windsor. Và cũng giữa khung cảnh đau thương này, quả phụ phu nhân Windsor được trở lại Anh quốc chỉ trong vòng “10 tiếng đồng hồ” để vĩnh biệt người tình, người chồng yêu dấu nhất đời bà đi vào giấc ngủ ngàn thu.

Cặp tình nhân ấy đã gặp nhau trong sóng gió, yêu nhau suốt 35 năm trường trong nghịch cảnh, để phải chia lìa nhau khi một người nằm xuống sớm hơn.

Rồi 14 năm dài sống trong cô quạnh đìu hiu, ngày 26.4.1986, thần chết đến đón và 3 ngày sau đấy, ngày 29.4.1986 lúc 3giờ 30, linh cữu của phu nhân Windsor mới được phép tối cao đưa về Vương quốc Anh, đặt kề cận bên mộ phần Quận công phu quân Windsor, muôn đời trùng phùng thanh thoát nơi giáo đường Hoàng Gia Saint George...

Chỉ từ nay, họ thực sự không xa rời nhau nữa. Tình yêu – chỉ còn lại duy nhất tình yêu. Không màu sắc, không quyền uy danh vọng. Thoát khỏi mọi lời bình phẩm của thế nhân.

Một thiên tình sử đã khép kín. Vương quốc này dễ biết nhờ mà cũng thật dễ biết quên!

Một cuộc bán đấu giá nữ trang sôi nổi nhất trong lịch sử thế giới tại trung tâm châu báu Sotheby’s Thụy Sĩ và Luân Đôn:

Ở thời gian qua hãng Sotheby’s đã mở rộng cửa đón chào không biết bao nhiêu là du khách tỉ phú, những đại diện các trung tâm mỹ thuật bậc thầy trong giới ưa chuộng ngọc ngà châu báu trần gian cũng như những khuôn mặt tài tử màn bạc, kịch nghệ hàng đầu. Họ quy tụ về nơi đây để chiêm ngưỡng và tự cho mình cái quyền trở thành những chủ nhân mới của kho tàng nữ trang đẹp nhất thế kỷ. Nhà Sotheby’s đứng độc quyền bán ra tài sản kim cương hồng ngọc, lam ngọc của cố phu nhân quận công Windsor! Đây lại là một dịp là sống lại mối tình vương giả tuyệt vời trên cõi thế gian này. Trong sử sách cổ kim của các quốc gia Âu Á đã không có biết bao chuyện tình diễm lệ. Song người đời chỉ thường thuật theo tưởng tượng. Về thực tế, đem ngai vàng đánh đổi lấy tình yêu, chỉ mới có một người: Nhà vua Edward VIII của Anh quốc.

Lúc còn là hoàng tử David, ông thừa huởng từ mẫu hậu Mary một mỹ khiếu cao độ về các loại nữ trang châu báu qua bao triều đại để lại. Đã thế ông hoàng trẻ tuấn tú còn có óc sáng tạo những mẫu hình ngọc ngà trao cho các kim hoàn nổi tiếng Âu châu, dựa vào đó mà gọt dũa, giát nạm từng viên kim cương quý để hoàn thành những món đồ nữ trang lưu truyền lịch sử nghệ thuật. Tính ra, với năm tháng trôi qua, quận công Windsor đã đưa đặt 400 loại nữ trang ngoại hạng tặng ý trung nhân Willis của ông. Đứng trên tất cả, vẫn là sợi dây chuyền lam ngọc (mà nếu ta có thể dựa vào nền văn học Việt Nam để mệnh danh đúng nghĩa – là sợi “xích-thằng trong tay Nguyệt lão”) bảo tàng viện thế giới đều muốn đoạt cho bằng được – vì lẽ, nơi kỷ vật ấy đã được khắc ghi hàng chữ đơn sơ mà rung động bao la: “My Wallis from her David, 19-VI-36”! Gia tài nữ trang nói trên, dựa theo di chúc của cố phu nhân quận công Windsor được bán ra và số tiền thu về hàng tỉ đô la sẽ đem tặng cho viện Pasteur Pháp quốc, nhằm thực hiện các công trình nghiên cứu phát minh khoa Y học phụng sự nhân loại. Vì, nước Pháp, trước sau đã là mảnh đất tình nghĩa trên bước đường phiêu du xa rời đất nước của cựu hoàng Edward đồng thời của một cặp tình nhân yêu nhau đến hơi thở cuối cùng!

Chiếc vòng lam ngọc vừa được đem nhắc ra do từ tay quận công Windsor vẽ mẫu, trao cho nhà kim hoàn bậc nhất Van Cleef & Arpels thực hiện. Các tay thợ thượng thặng đã phải bỏ công sức 18 tháng liên tục để gắn các hạt kim cương và các viên lam ngọc vào với nhau. Thời ấy, giới tỷ phú Âu Châu thường nói với nhau rằng nhà Van Cleef hầu như chỉ phục vụ cho một khách hàng vương giả: Quận công Windsor! Thường khi có những món nữ trang do chính nhà Van Cleef đưa mẫu thì món nào cũng phải trình đến 10 mẫu may ra mới có một lọt vào cặp mắt của khách hòa hoa Windsor. Cho nên, cứ phải nói rằng, mỗi kỷ vật đều hàm chứa một bóng hình nồng nàn của tình yêu. Vật ấy trở thành có hồn!

Giá trị của đồng đô la và giá trị của tinh thần nghệ thuật, văn hóa:

Đồng đô la Mỹ mỗi lúc lúc m nhiều. Những nhà tỉ phú mỗi lúc một giàu  hơn, đôn lên hơn nhưng những nhà họa phẩm nổi danh, những đồ nữ trang bằng kim cương quý, lam ngọc, hồng ngọc thì chỉ duy nhất có một. Ấy là chưa kể thêm cái giá lịch sử của mỗi kỷ vật. Vì vật báu ấy vốn có nguồn, có gốc. Chủ nhân của nó từng nổi tiếng một thời.

Đó chính là lý do giải thích tại sao người ta đã dám bỏ hàng nhiều triệu đô la để mua 1 bức tranh, hàng 20 triệu quan Pháp để trở thành người chủ một chiếc nhẫn trước kia nằm trong bàn tay bà quận công Windsor. Nhà Sotheby’s & Christie’s vừa qua đã bán gia tài nữ trang của cố phu nhân Windsor tại Thụy Sĩ. Nữ tài tử Elizabeth Taylor từ Mỹ bay sang, mua một cây trâm cài đầu bằng hồng ngọc nạm kim cương với giá 3 triệu 700 ngàn quan. Và một nhà xuất nhập cảng Nhật bản, ông Tsuneo Tagaki 37 tuổi đã ký một ngân phiếu 20 triệu 812 ngàn quan Pháp để đoạt lấy hạt kim cương 31 carats. Khi được hỏi, nhà tỉ phú ấy đã hân hoan tâm sự: “Cha tôi đọc báo Newsweek thấy loan tin có cuộc đấu giá này tại Sotheby’s ở Geneva, ông ngỏ ý với tôi là giấc mộng của đời ông, nếu có, chính là được nắm trong tay viên kim cương tình sử kia! Thế là, không trì hoãn, tôi nhẩy vội lên máy bay và đến kịp lúc cuộc đấu giá khai mạc. Khi ra đi, tôi ước tính dành cho chiếc nhẫn ấy phải mua tới cả trăm triệu quan.”

Báo Đại Chúng của quý bạn đọc muốn được nêu thêm một nhận định: nước Hoa Kỳ vốn giàu nhất về đô la, nhưng lịch sử Mỹ quốc quá mới mẻ, thiếu nguồn cội văn hóa văn hiến, cho nên, khi có tiền rồi, người ta khao khát một cái gì nghĩa lý hơn... giấy bạc! Con người không thể chỉ có vật chất. Cái giá trị vẫn tùy thuộc nơi phần hồn, phần cao cả của tinh thần, tư tưởng. Vì thế Mỹ quốc mở đầu cho kỷ nguyên sưu tầm cổ vật, đem đô la đổi chác, chuốc lấy cái vẻ đẹp của truyền thống văn hóa thì cũng dễ hiểu thôi!

Có những dân tộc dang nghèo tiền, lang thang phiêu bạt với 2 bàn tay trắng tưởng càng nên nhớ lại, để chớ bao giờ đánh mất nốt cái gia sản vô giá về truyền thống văn hiến, đạo lý của mình!

Hà Ngọc

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002