Đại Chúng số 74 - phát hành ngày 1/6/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

Kể từ ngày Sùng Thực ra đi, chủ nhật nào Ngọc Phụng cũng đến ghé thăm cha mẹ chồng tương lai của mình. Lần này, Thục Trinh vừa nhác thấy Ngọc Phụng đến đã vội báo tin trước về chuyện Sùng Thực sắp xuất ngoại:

_ Đợi vài ba hôm nữa ùng Thật về con cũng phải làm sao phụ lực với dì ngăn cản lại đừng để nó đi đâu cả. Con phải biết ngoại quốc ở xa tít mù có dễ dàng gì như đi chợ mà muốn đi lúc nào thì đi?

Thoạt nghe tin Sùng Thực sắp sửa ra nước ngoài du học Ngọc Phụng cảm thấy xây xẩm cả mặt mày.Nàng đứng lặng cả người chẳng thốt lên được một lời nào. Thấy Ngọc Phụng không phản ứng,Thục Trinh nôn nóng hỏi:

_ Con có nghe dì vừa nói gì không Ngọc Phụng?

Mãi giây lâu sau Ngọc Phụng mới lên tiếng đáp:

_ Dạ...dạ thưa...có.

Thục Trinh thở dài, bằng giọng trách móc:

_ Dì chỉ nghĩ tức mình cho dượng Hai của con... ham cho thằng Sùng Thực biến thành ông thánh sống, cứ bắt buộc hắn ăn học cho sói đầu sói cổ...Cháu nghe có phải dì nói có đúng hay không? Đành rằng con trai con lứa phải có ăn học, nhưng cái gì cũng vừa phải thôi chứ! Trên đời này chẳng có gì bằng thửa ruộng bờ ao, nếu chịu cày sâu cuốc bẫm như cái ông Tám Tị xóm Đồng,cạnh với Lâm gia trang nhà ta, đâu có ăn học gì,nhất tự cũng không,bán tự cũng chẳng mà ruộng đất thì dãy kia dãy nọ, đâu có cần phải có chữ nghĩa đầy bồ? Nếu chịu khó cày sâu cuốc bẫm thì cơm no áo ấm còn hơn là tiếng thì học hết tiểu đến trung,hết trung đến đại...mà không biết nói làm sao cho con bò nó đứng lại, con trâu nó kéo cày... ngữ này chỉ có nước thêm dài lưng tốn vải chẳng được cái tích sự gì! Có phải thế không? Dì nói để con suy gẫm mà đợi vài hôm nữa nó trở về thăm nhà trước khi đi nước ngoài du học mà khuyên can nó ở lại nhà đặng mà lo tập tành quán xuyến việc vườn việc tược, việc nhà việc cửa... Dì dượng càng ngày càng già yếu rồi...

Nói đến đây Thục Trinh áp sát mặt mình vào nàng dâu tương lai bảo khẽ:

_ Thượng Hải đã lắm bọn nữ sinh,nữ siết như vậy, con thử nghĩ ở cái ngoại quốc đó còn xấp ngàn xấp vạn lần nữa... Không khéo nó sẽ bị lũ nữ quỉ đó hớp mất hồn cho mà xem...

Rồi, Thục Trinh chỉ tay vào chiếc ghế trường kỹ đối diện:

_ Con ngồi xuống đó, để cùng dì tính toán mà nói phải nói trái cho nó nghe. Nó học hết chữ "đại" rồi, bấy nhiêu đó cũng đủ trở thành ông thánh sống trong làng ta. Giờ theo cái thói văn minh bày đặt thêm cái "du học,du hành" nữa... Thử hỏi có ích bổ gì

không? Dì nói vậy, nếu cháu thấy có cái gì sai trái thì cứ bày tỏ ra, phải thì dì nghe theo,trái thì dì bàn thảo lại. Như dì đây, trước kia đâu có học hành lấy một chữ nào? Ấy vậy, kể từ ngày về nhà chồng chỉ cần nghe dượng con ngâm nga dăm ba câu của thánh hiền, là thuộc làu hết ráo! Cần gì phải ôm sách đến trường ê a "nhân chi sơ,tánh bổn thiện" mới trở thành ông thánh? Theo dì, làm ông thánh dễ ợt hè... Dì nói không bao giờ ngoa, chắc cháu cũng thấy thời buổi văn minh ngày nay, không nói đâu xa, ngay trong xã chúng ta, từ xóm trên đến xóm dưới,tận hang cùng đến ngõ hẽm, đâu đâu cũng thấy nhan nhản mấy ông thánh sống, đầy đường đầy sá, họ đâu có cần học hành gì? Dì nghĩ dốt dốt vậy, có đúng không Ngọc Phụng?

_ Dạ!

Ngọc Phụng miễn cưỡng vâng dạ cho vừa lòng dì, đoạn nhân cơ hội tò mò hỏi:

_ Thưa dì, anh con đi học ở tận nước nào?

_ Đi nước nào gì đâu? Nó đi lên bậc học ngoại quốc!

_ Dạ, nhưng mà con muốn biết ngoại quốc nào?

_ Ngoại quốc là ngoại quốc, chẳng lẽ có nhiều ngoại quốc lắm sao? Nhưng mà thôi, cho dù có mấy cái ngoại quốc cũng thây kệ! Dì với con phải có bổn phận ngăn cản nó. Con phải biết vì cái thân phận mình mà ngăn chặn lại. Đừng để nó rộng chưn rộng cẳng. Con nên nhớ là con trai con lứa như cái cánh chim, nay đậu cành này, mai đậu cành khác... không khéo giữ, nó mà bay đi rồi khó mà có ngày trở lại.

_ Dạ, anh con đi đây là đi học...con biết...nói làm sao?

_ Thì con bảo nó ăn học bây nhiêu đã đủ rồi! Con nói phải nói trái cho nó nghe. Nó yêu thương con ắt nghe theo lời con nói... Chữ nghĩa nó đã đầy người rồi, bây giờ phải ở nhà vui sống với nhau mà sinh con nở cái chứ! Chẳng lẽ học suốt cả đời à? Có ai

học cho đến già bao giờ không?

Thục Trinh nói liên miên bất tận. Nàng muốn chinh phục con dâu tương lai mình cột chân Sùng Thực lại.

_ Tất cả đều do nơi con. Sùng Thực mà thay đổi ý định thì có dù là dượng Hai con cũng phải bó tay...

Ngọc Phụng cúi đầu suy nghĩ. Riêng với nàng thì có chỗ úy kị. Nàng thấy mình chưa hẳn là dâu chính thức thì làm sao ngăn cản được Sùng Thực?! Vả lại, Sùng Thực đi du học ngoại quốc, lẽ ra nàng còn có bổn phận khuyến khích nữa là đàng khác. Tuy nhiên đối với bà mẹ chồng tương lai nàng không dám làm trái ý, đành miễn cưỡng đáp lại:

_ Thưa, con sẽ vâng theo lời dì dặn, nhưng cũng phải đợi anh con về bàn tính thử xem...

_ Ừ, miễn con nhớ là đủ rồi. Con nói làm sao nó không đi ngoại quốc nữa là đủ rồi.

Ngọc Phụng buồn bã ra về. Lòng nàng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Nàng không biết tin Sùng Thực ra đi nước ngoài du học nên buồn hay nên vui? Có điều Ngọc Phụng thắc mắc là trước sự việc quan trọng như thế này mà Sùng Thực tại sao không viết thư về cho nàng? Đang miên man suy nghĩ thì bỗng có giọng quen thuộc gọi tên mình, khiến nàng giật mình dầng chân lại.

_ Ngọc Phụng, con đi đâu về đó?

_ Dạ, thưa bác...con...con vừa mới lại đàng nhà...

Quốc Trung nhìn con dâu tương lai mỉm cười:

_ Con vừa ở tại nhà dì về phải không? Chắc dì đã nói chuyện với con rồi?

_ Thưa, có...chuyện anh con sắp đi...

Quốc Trung gật đầu:

_ Ừ! sắp đi ra nước ngoài. Theo bác thì...

_ Dạ, con biết. Dì cũng bảo con là nên khuyên anh con...

Quốc Trung gật đầu:

_ Đúng vậy...con nên khuyên bảo nó...

_ Thưa bác, con cũng muốn vâng theo ý hai bác song, ý chẳng biết anh con ý kiến như thế nào?

_ Thì, nó quyết ra đi để tìm tương lai rực rỡ hơn... theo bác...

_ Dạ, thưa bác con biết. Hai bác thương yêu con, không muốn...

_ Đúng! hai bác quả tình là vậy.

_ Dì con cũng tâm sự với con là vậy...

_ Dì con bảo thế nào?

_ Dì bảo làm sao cho anh con bỏ ý định ấy đi...

Quốc Trung giương mắt ra nhìn Ngọc Phụng:

_ Vậy ý con thế nào?

_ Con tùy theo bác và dì con.

Quốc Trung đoán biết là Thục Trinh không để cho Sùng Thực ra đi, nên nhờ Ngọc Phụng níu kéo lại:

_ Dì con không muốn xa rời Sùng Thực, nên bà luôn luôn bác bỏ việc ra đi tìm kiếm tương lai của Sùng Thực. Theo bác thì thật là không đúng một chút nào.

_ Vậy, bác bảo là nên khuyến khích?

_ Chứ sao, phải khuyến khích nó mới được,con à. Nam nhi phải làm sao cho rạng mặt với non sông đất nước chứ! Theo bác, Sùng Thật gặp được cơ hội này thật là may mắn,không thể bỏ lỡ. Bác thì thấy như vậy, chẳng biết ý kiến con thế nào?

_ Thưa bác, con không có ý kiến gì cả. Bác và dì con định thế nào, thì con vâng theo thế ấy.

_ Nếu con vâng theo ý bác thì chẳng gì tốt bằng! Bác đã viết thư bảo nó về gấp. Con nhớ khi nó về nhà, nên mang cả tâm lực mình mà khuyến khích nó. Nó là con trai nên bác biết rõ tính ý của nó. Xưa nay, nó chẳng hề dám quyết định một việc gì, lúc nào cũng do dự trù trừ, tuy nhiên được cái là có tính hiếu học... Bác nghĩ rằng sau chuyến đi du học này Sùng Thực sẽ trở thành một giáo sư giỏi dang, chẳng khác nào con nổi tiếng trong giới giáo dục chợ Huyện, mà mọi người từng loan truyền.

_ Thưa bác, bác đã khuyến khích anh con quá đầy đủ con không còn  nói gì thêm hơn nữa.

Tuy miệng nói vậy song Ngọc Phụng cảm thấy trong tâm can mình dấy lên một nỗi buồn man mác. Nàng nhận thấy giữa cha mẹ chồng tương lai của mình có một khoảng cách rõ rệt: môt đàng muốn ngăn cản còn một đàng lại cố khuyến khích Sùng Thực phải ra đi hầu tìm một tương lai rực rỡ. Nàng phải phân giải sao đây để được vừa lòng cả hai?

Trong lúc nàng đang suy nghĩ, Quốc Trung lại nói thêm về sự quyết định của mình:

_ Theo bác nghĩ chính lời khuyên nhủ của con mới có hiệu quả tốt hơn là bác khuyến khích nó. Vào lối nửa tháng nữa thì Sùng Thật sẽ trở về. Riêng về tiền nong để nó ra đi ăn học nước ngoài, bác đã chuẩn bị đầy đủ cả rồi.

_ Thưa bác, phải mất hết bao nhiêu mới đủ?

_ Nói thật với con, bác phải bán đứt hai mươi mẫu đất mới đủ cho khoản tiền này. Việc này bác phải dấu nhẹm,để lần hồi sau này thổ lộ cho dì con cũng được. Bây giờ thì con về đi nếu có gì thêm bác sẽ thông báo cho con biết.

Trên đường dẫn về nhà, Quốc Trung cảm thấy lòng mình phơi phới. Các bụi rậm ven đường thấp lè tè, đen đỉu san sát bên nhau trông như đường viền thẳng tắp chạy dọc theo ven bờ ruộng. Mấy đàn bướm đủ màu sắc nhởn nhơ bay từ đám bụi này sang bụi khác. Đàn chim xanh nhảy nhót trên các cành hoa phượng vĩ. Trời về chiều ánh nắng dịu hẳn xuống. Xa xa tiếng tù và của đám mục đồng vọng lại. Dãy núi Đông Sơn không cao không thấp kéo dài ngang cánh đồng phía trước mặt như khơi lại trong tiềm thức của chàng hình ảnh quê ngoại của Thụy Quyên - một hình ảnh mà có lần chàng được đi cùng với người yêu đến viếng, lờ mờ hiện ra trước mắt. Quốc Trung bất giác nhớ lại bài Ức Đông Sơn của Lý Bạch và chàng khẽ ngâm lên:

“Bất hướng Đông Sơn Cửu
Tường vi kỷ độ hoa?
Bạch vân hoàn tự tán
Minh nguyệt lạc thùy gia.”
........
Lâu rồi không đến Đông Sơn
Tường vi dạo ấy mấy lần trổ hoa?
Mây ngàn tản mác phương xa
Còn trăng kia nữa đã sa nhà nào?

Hơn mươi ngày sau thì Sùng Thực trở về,trên mặt hiện lên một sắc thái vui vẻ khác thường. Được cha rỉ tai cho biết là tất cả khoảng tiền bạc để lên đường ăn học đã chuẩn bị đầy đủ, điều này khiến Sùng Thực bàng hoàng, muốn thay đổi ý kiến:

_ Ba, hay là...

_ Hả? Hay cái gì?

_ Tại sao má con cứ khóc hoài... có lẽ má buồn lắm!

Quốc Trung trấn an con:

_ Chuyện ấy chẳng quan hệ gì! Con cứ việc lo đi như lúc con lên đường đi Thượng Hải. Mọi chuyện rồi cũng trôi đi. Má con lại vui vẻ trở lại với công việc hàng ngày. Có ba bên cạnh, con khỏi cần phải quan tâm đến. Ba sẽ dạy cho má biết ngâm thơ giải muộn. Ba sẽ đưa má con ra vườn đào vào những đêm trăng sáng cùng nhau ví von,ngắm cảnh...nhắc nhở nhau những kỷ niệm của thời xa xưa, khi ba má vừa mới cưới nhau... Má hiện đang buồn thật, âu đó là cái bệnh chung của những bà mẹ phải xa rời con cái...

Quốc Trung quá hiểu về tâm lý của vợ, lại càng tường tận về cá tính của con, nên mọi chuyện giải quyết được dễ dàng. Sùng Thật tò mò hỏi:

_ Ba nè!

_ Hả?

_ Ngọc Phụng có thường lại nhà mình chơi không?

_ Rất thường vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ba bảo với nó đây là ngôi nhà tương lai của hai đứa...

_ Ngọc Phụng có biết con đi du học không?

_ Biết chứ! Nó còn tỏ ra hoan hỉ nữa. Con biết không, Ngọc Phụng nổi tiếng là một cô giáo tốt. Nàng được mọi người khen tặng và cho mà một giáo viên mẫu mực về cả đức lẫn tài...

Nghe cha bảo vậy, Sùng Thực đứng yên lặng không nói thêm một lời nào nữa. Gió chiều hôm nay thổi lộng. Các cành cây đập vào nhau xào xạc. Đàn bướm ban trưa không còn nữa. Tất cả như đã chui rúc vào các bờ bụi để trốn những cơn gió lộng.

Quốc Trung đoán biết là Sùng Thực đang có một tâm sự gì, nên lên tiếng hỏi:

_ Sùng Thực!

_ Dạ! có con...

_ Dường như con có điều gì muốn trình bày với ba?

Chần chờ trong giây lát, Sùng Thực mới khẽ thưa trình về ý kiến của chàng cho cha nghe:

_ Thưa ba, mấy hôm nay con suy nghĩ mãi về trường hợp của con với Ngọc Phụng. Theo con thì trước khi ra đi con muốn xin ba má cho phép làm lễ thành hôn với nàng...

_ Theo ba thì Ngọc Phụng còn nhỏ. Hãy nấn ná thêm vài ba năm nữa,thời gian này chẳng có là bao! Không cần phải vội!

Nói đến đây, Quốc Trung ngừng hẳn lại đưa mắt dò xét sự phản ứng của con. Sùng Thực ngồi cạnh cha mân mê chiếc khăn tay mà hôm chàng lên đường Ngọc Phụng đã trao tặng không đáp lại lời cha mình.

_ Sùng Thực! Ba hỏi thật con, tại sao con có ý định như vậy?

_ Con muốn cho nàng yên tâm ở nhà. Và, nhất là hãy cho nàng một vị trí chính thức trong gia đình họ Mã. Nàng là vợ con, mà cũng là con dâu duy nhất của gia đình họ Mã. Nàng sẽ hôm sớm thay con trông nom săn sóc ba má... Nhờ đó con cũng yên tâm phần nào. Huống hồ nhà mình lại hiếm hoi, con đi rồi, chỉ còn ba má sống thui thủi bên nhau...Lúc đó ba má sẽ thấy nhà cửa trống trải quạnh hiu...

Sau khi cưới nàng, nhà sẽ bớt vắng vẻ đi, ba má đở khỏi phải cảm thấy mình cô đơn, nhờ có được thêm người bầu bạn. Nàng sẽ là hình ảnh của con...luôn luôn sống cận kề bên ba má...

Sùng Thực có lý. Lần đầu tiên Quốc Trung chấp nhận là Sùng Thực không sai. Tấm lòng hiếu thảo thể hiện qua lời nói của Sùng Thật làm cho Quốc Trung phải xúc động.

Nhìn chằm chặp con mình trong giây lâu, Quốc Trung gật đầu chấp thuận:

_ Ừ, con nói có lý. Ba hoàn toàn đồng ý. Ba sẽ đem ý kiến này nói với má con. Chắc chắn là má con sẽ mừng điên lên được. Nhưng, riêng con, thì đi gặp Ngọc Phụng thảo luận với nàng. Còn ba, sau khi nói chuyện lại với má, ba sẽ mời chú Hồ lại tính toán ngay việc đại sự này.

Nói đến đây, Quốc Trung bất giác đổi ngay sắc diện và bằng giọng gần như nghiêm khắc bảo con:

_ Sùng Thực!

_ Dạ, có con.

_ Do đó ba mới đặt vấn đề trước khi iến đến việc tác hợp hôn nhân cho hai con. Ngày nay tuy con lớn khôn song vẫn còn trẻ người non dạ, nếu chẳng may gặp một hoàn cảnh nào đó khiến con bị vướng mắc thì... chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Phải chăng tất cả sẽ bị đỗ vỡ?! Hạnh phúc vợ chồng sẽ không còn nữa... Đau thương và nước mắt sẽ đỗ đến gia đình ta! Con à! quả tình ba chẳng an tâm một chút nào...

Im lặng trong giây lát, Quốc Trung nhìn con nói tiếp:

_ Bởi con đã đặt vấn đề làm sao cho ba má yên tâm và ba má cũng muốn đặt vấn đề này đối với con. Một khi con đã cưới Ngọc Phụng rồi, thì vấn đề tình cảm phải thủy chung như nhất. Ba đòi hỏi con là phải tỏ ra xứng đáng một đứa con chí hiếu,một người chồng tốt... Con biết không, Sùng Thực?

 _ Thưa ba, con biết...

_ Con nên nhớ một khi xử sự thiếu quang minh chẳng những tự mình hủy diệt lấy mình mà còn hủy diệt luôn cả những người liên hệ thiết thân của mình nữa. Trên lĩnh vực tình cảm thì thủy chung là vấn đề quang trọng hơn cả.

_ Thưa ba, con sẽ không bao giờ dám để làm mất niềm tin của ba má...

_ Với con, ba lúc nào cũng tin tưởng...Nhưng trên thế gian này chẳng ai học được chữ ngờ...

_ Thưa ba, con xin vâng theo tất cả những lời giáo huấn của ba...cho dù bất cứ hoàn cảnh nào.

_ Ba muốn được nghe chính miệng con xác nhận điều này...

_ Thưa ba, xin ba yên lòng,tuy con còn trẻ nhưng không như những hạng người phũ phàng lan chạ... Cho dù ở xa xôi cách mấy đi nữa, con vẫn luôn luôn ghi nhớ lời giáo huấn của ba...

_ Điều cần thiết mà ba muốn được thấy nơi con là đối với Ngọc Phụng.

_ Con xin hứa với ba lúc nào con cũng giữ trọn vẹn tấm chân tình đối với nàng, người bạn đời mà chính tự tay con chọn lấy.

Nhìn con bằng đôi mắt hài hòa:

_ Sùng Thực, chẳng ai hiểu con bằng ba cả. Ba tin con.Hoàn toàn tin con.Chẳng những vậy mà còn tin hơn nữa... là đàng khác.

Sùng Thực nắm lấy tay cha bằng giọng run run nói:

_ Ba, con không biết phải nói làm sao hơn nữa trước sự chu toàn của ba má...Con nguyện rằng suốt đời con sẽ luôn luôn làm tròn theo lời dạy dỗ của ba...Nhưng có một điều con muốn được ba cho biết...

_ Điều gì Sùng Thực?

_ Con chẳng biết sô tiền mà con sắp được ba cho để lên dường đi du học, ba đã lấy từ đâu ra? Theo con biết gia đình chúng ta đâu có dư dả gì?

Sùng Thực vừa nói đến đây, Quốc Trung đã vội chận lại:

_ Tưởng con không nên thắc mắc về chuyện này. Đây là bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Ba má chỉ mong sao con có đủ điều kiện ra đi ăn học và lúc nào cũng gắn ghi lời dạy bảo của ba má, thì dù ba má có cực nhọc đến đâu cũng vui lòng...

Và, Quốc Trung nắm tay con mân mê tiếp lời:

_ Ba sẽ gửi đủ tiền ăn học hàng năm cho con. Ba vô cùng mãn nguyện là đã làm tròn ý nguyện của một người cha...đối với con cái...

_ Thưa ba, con biết...Nhưng còn má con?

Quốc Trung trấn an con:

_ Đã có ba, con hãy yên lòng. Suốt đời ba không làm được việc lớn nhưng ba có tinh thần trách nhiệm. Chiều nay con nên đi thăm Ngọc Phụng bàn thảo việc hôn nhân. Việc nhà đã có ba má lo liệu.

Và sực nhớ lại thời gian lưu lại nhà của Sùng Thực, có thể chỉ giới hạn, Quốc Trung hỏi con:

_ Con lưu lại nhà được bao nhiêu lâu?

_ Dạ, nhiều lắm chỉ hai tuần.

_ Hai tuần!

Quốc Trung lặp lại lời con rồi vội vào bên trong để bàn thảo cùng vợ.

(còn tiếp)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002