Đại Chúng số 74 - phát hành ngày 1/6/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

KIỂM ĐIỂM NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẮM DÙI PHI PHÁP CÔNG THỔ
VÀ TẬU MÃI BẤT ĐỘNG SẢN NGUY NGA ĐỒ SỘ CUẢ
VỢ CHỒNG T.T. THIỆU

 

  • THIỆU ĐỔI CHỨC TỔNG TRƯỞNG TÀI CHÁNH CHO HÀ XUÂN TRỪNG LẤY MỘT BIỆT THỰ Ở THỤY SĨ LÀM NƠI ĐỂ GIAËT TIỀN.

  • TIỀN ĐÂU VỢ THIỆU ĐÃ TẬU LẠI MỘT BIỆT THỰ NGUY NGA ĐỒ SỘ ĐÁNG GIÁ HÀNG TRĂM TRIỆU CUẢ TÂY ĐỒN ĐIỀN TRÊN ĐƯỜNG CÔNG LÝ?

Đặng Văn Nhâm

Lời  nói đầu.- Cho đến nay, sau 26 năm lưu vong, nhiều người VN vẫn còn như đang ngủ mê chưa tỉnh, không hiểu tại sao năm 1975 miền Nam đã bị mất vào tay quân CSBV cách quá dễ dàng như trò chơi con nít. Từ tổng thống, thủ tướng, đại nguyên soái một đạo hùng binh cả triệu quân dưới trướng chưa đánh một trận nào ra hồn đã hè nhau chạy như vịt ra ngoại quốc, để rồi vài năm sau lại tụ tập thành một băng đảng thổ phỉ núp dưới chiêu bài  “về nước kháng chiến” dành chủ quyền trong tay CS. Chuyện cứ như tiếu lâm và trò đuà, thế mà lại được hưởng ứng nồng nhiệt và đã thu được bạc triệu để lập ra cả một hệ thống “phở kháng chiến tái, nạm, béo”!...

Vì thế câu hỏi “tại sao đã mất miền Nam” cho đến nay vẫn còn trơ trơ ra đó. Chẳng ai trả lời! Và năm nay, một lần nưã, nhân ngày 30.4., người VN lưu vong các nơi lại tụ tập tưởng niệm “NGÀY QUỐC HẬN”! Ba chữ “Ngày Quốc Hận” nghe ra có vẻ ngây ngô không ổn. Hận ai? Hận cái gì?

Hận nước mất nhà tan, gia đình, cha mẹ, vợ con, anh em ly tán. Hận vợ con đã bị hải tặc Thái hãm hiếp và quẳng thây xuống biển làm mồi nuôi cá. Hận quân CSBV xâm lăng đã trấn lột, đày đoạ đồng bào, cướp điền sản, nhà cưả, vợ con... Những cái hận vu vơ ấy nhiều lắm, kể sao cho xuể và kể mãi cũng không nguôi. Nhưng  còn nỗi hận tích cực nhất, cụ thể nhất, tuyệt nhiên, từ 26 năm qua, tôi chẳng nghe một người nào nói đến. Đó là mối hận đối với những kẻ quyền cao chức trọng đã vì lòng tham, vì tư lợi cá nhân, bán đứng miền Nam và đồng bào cho CSBV, bây giờ vẫn đang tiếp tục sống phây phây ở hải ngoại. Trong số cũng chẳng một ai tỏ ra biết hận chính mình, hận mình đã quá hèn nhát, nhu nhược, và quá u mê đến nỗi bị thượng cấp, bị lãnh tụ, bị cha cố, sư thầy... lưà bịp trắng trợn suốt cả đời mà vẫn  chưa tỉnh ngộ.

Nay, viết kể lại những điều này, chính tôi -tác giả- trước hết muốn biểu lộ cái hận cuả mình đối với chính mình, từ mấy chục năm qua đã thấy biết khá nhiều mà vẫn đành bó tay! Mong rằng nỗi hận này sẽ được  một số bạn đọc cùng chia sẻ ... – ĐVN.

 Khi vị hi vị thế chính trị đã vững chắc, vợ chồng Thiệu mới bắt đầu ra tay thực hiện các dịch vụ: Mua quan bán tước, tổ chức các đường dây chuyển ngân phi pháp, buôn lậu, phân chia các ranh giới buôn lậu, và các mặt hàng buôn lậu (kể cả bạch phiến, thuốc phiện, vàng...) cho bọn tướng tá đàn em, đem thân nhân gia tộc nội ngoại vào chính quyền và ban bố đặc ân, đặc quyền đặc lợi, như mẹ con Hoàng Đức Nhã / chị Sáu Huyết, Ngô Khắc Tĩnh  (tổng trưởng văn hóa, giáo dục), Ngô Xuân Tích (chủ tịch Giám Sát Viện), rể cuả Ngô Xuân Tích, một đại úy công binh, tên Từ Bò Viên (vì xưa kia vốn bán bò viên) hiện đang cư ngụ ở Bolsa, Cali...Về phiá Nguyễn Thị Kim Anh thì có vợ chồng Nguyễn Xuân Nguyên/ Hảo Heo (em gái cuả Kim Anh v.v...

Điều khiển một kế hoạch tham nhũng lớn lao qui mô như thế, thử hỏi Thiệu còn đầu óc đâu và thì giờ đâu để mà lo chống Cộng?!

Để chứng minh cho những tội trạng này, tôi xin kể lần lượt các hành động thối nát, tham nhũng trắng trợn, động trời của Thiệu như: Đổi nhà lấy chức tổng trưởng, cắm đất cắm dùi kiểu thương phế binh, thủ đắc nhà cửa bất hợp pháp, buôn lậu ma túy, đầu cơ phân bón, xuất cảng vỏ đạn đồng, đầu cơ gạo, ăn chận gạo khẩu phần gạo của binh sĩ và của thương bệnh binh, đem bán cho VC, nhưng ồn ào nhất là “bệnh viện VÌ DÂN”. Nhiều chuyện đã bị ém nhẹm từ đầu, nhà báo nào tỏ ra am tường, hó hé nói ra nói vào, lập tức báo bị đóng cửa, và người làm báo bị cưỡng bách đi quân dịch, hoặc bị mưu sát. Nhưng cũng có vài vụ tham nhũng của Thiệu đã từng bị đem ra thượng viện chất vấn như mấy chuyện chiếm đoạt nhà cửa, công điền công thổ sau đây.

 CHIẾM 3 CĂN TƯ DINH TRONG BỘ TỔNG THAM MƯU!

Căn bịnh tham nhũng, thối nát của ông Thiệu chẳng phải đợi đến ngày làm tổng thống mới  bộc phát, mà thực ra nó đã mai phục sẵn trong huyết quản của chàng trung sĩ “partisan” thông dịch viên cho Tây từ lâu. Trước kia, khi chức còn thấp, quyền còn nhỏ, thì bắt gà, lùa vịt, hốt thóc... của dân. Theo thời gian thâm niên quân ngũ, chức càng cao, quyền càng lớn thì chụp giựt những món lớn hơn. Nơi đây, nếu tôi kể đủ các chuyện linh tinh thì vô số, vậy nên chỉ nhắm vào một số sự việc quan trọng, nổi bật, đã có nhiều người từng nghe nói đến, và có thể kiểm chứng được.

Ngay khi còn làm tư lệnh sư đoàn 5 BB, khoảng đầu thiệp niên 60, đại tá Nguyễn Văn Thiệu đã được chánh phủ cấp cho một căn nhà trong cư xá sĩ quan  thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, nằm trên đại lộ Võ Tánh, Phú Nhuận, cùng với  nửa triệu đồng tiền mặt để tu bổ, và trang hoàng cho căn nhà thêm phần lộng lẫy tiện nghi, đúng theo qui chế dành cho giới sĩ quan cao cấp.

Đến năm 1966, được các tướng trong HĐ Quân Lực cử làm chủ tịch UBLĐQG (tương đương quốc trưởng), đương nhiên ông Thiệu đã được quyền đem vợ con thân quyến vào cư ngụ trong dinh Gia Long, rồi dinh Độc lập; đồng thời làm chủ các dinh số 1, số 2, số 3 và số 4, ở  Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt và Ban Mê Thuột... Ngày xưa các dinh thự ấy đều của Tây hay của Bảo Đại để lại.

Tưởng rằng như thế đã quá đủ, chẳng dè  ông Thiệu còn chưa thỏa lòng tham, đã lạm dụng chức quyền để chiếm thêm hai căn nhà nữa trong cư xá Bộ Tổng Tham Mưu, đồng thời tự động ra lịnh trích ngân sách quốc gia lấy thêm 30 triệu bạc mặt với lý do để tu bổ và trang hoàng cho hai căn nhà mới đó. Tuy vậy, Thiệu vẫn không chịu chi khoản tiền đó ra, mà lại triệu dụng cả một đại đội công binh, cùng một nhóm kỹ sư, giáo sư trang trí kiến trúc biệt phái đến làm việc riêng cho mấy căn nhà ấy cả tháng trời.

Thiệu chiếm ba căn nhà đó rồi tu bổ rất tốn kém, nhưng chỉ bỏ trống. Thế là quân đội lại phải nuôi báo cô thêm mấy ông ”lính kiểng” để coi nhà!

Nhưng bất công nhất là lúc bấy giờ có nhiều sĩ quan cấp tướng lại không có nhà, vợ con đông đúc phải sống chui rúc chật chội trong cư xá sĩ quan Chí Hòa. Nơi đây tôi muốn kể một trường hợp điển hình là tướng Nguyễn Văn Hiếu, một vị tướng trẻ, nổi tiếng thanh liêm thực sự, chứ không phải loại đồng, thau mạ vàng!

Vậy, câu hỏi đặt ra: Hành động chiếm 3 căn nhà làm của riêng, lạm dụng hàng chục triệu bạc của công quỹ, sử dụng cả một đại đội công binh vào việc cá nhân của ông Thiệu có phải là một trọng tội tham nhũng, hối mại quyền thế, biển thủ công quỹ quốc gia hay không?

 THIỆU ĐUA ĐÒI THƯƠNG PHẾ BINH: CẮM DÙI CÔNG THỔ!

Chưa hết! Sau khi đã đắc cử tổng thống, một chức vụ do hiến pháp qui định, Thiệu càng tỏ ra tham lam, nhũng lạm nhiều hơn, với tầm vóc qui mô vĩ đại hơn. Lúc bấy giờ tư dinh và dinh thự của Thiệu đã nhiều đến nỗi rải hết người trong gia đình ra cư ngụ mỗi người một nơi cũng không đủ. Vậy mà Thiệu vẫn còn tham lam bành trướng thêm tài sản đất đai bằng cách chiếm đoạt phi pháp công thổ. Ông chiếm một thửa đất công thổ thuộc thị xã Đà Lạt, nằm kế bên bờ Hồ Xuân Hương, rộng đến hơn ba mẫu tây, tính theo thời giá lúc bấy giờ vào khoảng 60 triệu bạc VN (giá mỗi thước vuông rẻ mạt cũng phải 2.000 đồng!) để xây cất tư dinh và thiết lập hoa viên, dành làm nơi dưỡng nhàn sau này, khi chẳng may đã phải rời khỏi chính trường.

Khoảng đầu năm 1970, sau khi đã  đẩy được Ng. Cao Kỳ  vào thế ngồi chơi xơi nước rồi, và đã nắm vững được đại đa số dân biểu gia nô trong cả hai viện quốc hội, TT Thiệu tha hồ tung hoành. (chiếu hiến pháp, lưỡng viện quốc hội có quyền truất phế tổng thống, nhưng phải hội đủ đa số tuyệt đối, túc số 2 phần 3 tổng số dân biểu và nghị sĩ). Ông ta bắt đầu ra lịnh cho ty công chánh địa phương hợp tác với mấy đại đội công binh  bị trưng dụng vào việc khai quang thửa đất mênh mông đó, với toàn bộ  máy móc, xe ủi đất, hủ lô...Mọi chi phí săng, nhớt, vật liệu như: nhựa trải đường, đá sỏi, gạch, cát, vôi vữa v.v... đều do  ngân sách bộ công chánh và  ngành công binh của quân đội đài thọ. Trong họa đồ ông Thiệu muốn cái dinh thự ấy của riêng ông phải  nằm giữa một hoa viên lộng lẫy, trồng đủ mọi thứ kỳ hoa dị thảo, xen kẽ giữa những lối mòn trải sỏi trắng tinh,  dưới những hàng đèn kiểu điệu tân kỳ, ban đêm bật lên sáng choang, lộng lẫy, trứ danh hơn cả hoa viên của lâu đài Versaille ở Paris!

Trong khi Ng. Cao Kỳ đã chiếm được một thửa đất mênh mông thuộc công sản quốc gia, để lập rẫy, ở Khánh Dương, nằm giữa con đường đèo núi hiểm trở, nên thơ, nối liền Ban Mê Thuột với Nha Trang; thì Ng. V. Thiệu cũng dễ gì chiu thua sút. Ông Thiệu cũng  ra tay chiếm thêm một sở đất rộng bao la nằm ngay sau trường đại học Đà Lạt.

Chưa đủ, ông Thiệu là tướng nên đời nào chịu thua mấy anh em thương phế binh. Mấy anh em này đã vì chiến đấu để bảo vệ “chính nghĩa quốc gia” nên bị sứt càng gẫy gọng phải đi xe lăn mà còn kéo nhau đi chiếm đất ”cắm dùi” được vô số đất ở đô thành, thì lẽ nào một ông tướng đường đường tổng thống cai trị  mấy chục triệu dân, đi đến đâu đều có tiền hô hậu ủng, quân hầu đầy tớ chạy theo rật rật, đầy đường chật nẻo, lại chẳng lập được  thành tích cắm dùi bảnh hơn thương phế binh ngàn lần sao?

Với tinh thần thi đua ”cắm dùi” đó, ông Thiệu đã cắm thêm mấy trăm mẫu đất nằm bên quốc lộ 1, gần Gia Rai, mấy trăm mẫu công thổ khác ở Long Khánh và trong tỉnh Gia Định. Những chỗ nào ông Thiệu đã ”cắm dùi” rồi, lập tức ra lịnh cho Thổ Công Binh ở thành Ông Năm dùng xe GMC chở ngay hàng trăm tấn cọc sắt và dây kẽm gai đến đó quây rào kín mít, để phòng ngừa phế binh nhào vô ăn vạ!

Chứng kiến các hoạt cảnh  kể trên, nhiều khi tôi chợt cảm thấy mình đã may mắn vô song, được sinh ra làm kiếp người VN giữa thời buổi nhiễu nhương của đất nước, đã được chứng kiến những cảnh bi hài lịch sử cổ kim, Đông Tây hãn hữu: Từ ông tướng tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng xuống đến hàng tướng tư lệänh quân khu, tướng tư lệnh sư đoàn, các ông tá tỉnh trưởng, quận trưởng...cũng đua nhau bòn rút, ăn cắp công quỹ, bớt xén khẩu phần gạo, củi của binh sĩ, ăn chận tiền tử tuất của vợ con binh sĩ tử trận, và đua nhau cạnh tranh ”cắm dùi” và với cả các đồng đội” huynh đệ chi binh” đã bị tàn phế, tật nguyền...

Rõ ràng là một thời kỳ đại loạn, cá mè một lứa, và nhà dột từ nóc dột xuống. Như vậy, thử hỏi làm sao miền Nam còn tồn tại nổi?

 ĂN TIỀN LÍNH MA, BỨC HẠI QUẢ PHỤ CÔ NHI!

Viết đến đây, kiểm điểm lại những hành động tham lam, thối nát quá mức bẩn thỉu, hèn hạ của TT Thiệu và một số tướng lãnh tay chân đệ tử của ông ta, tôi không khỏi ngậm ngùi thương cho thân phận của những người lính chiến VNCH. Khi còn sống, phải chiến đấu gian khổ, họ được hưởng cái gì? Chẳng may khi nằm xuống, chết banh xác ngoài chiến trường, vợ con được hưởng cái gì ngoài cái túi ni lông đen chứa mảnh vụn xác chồng, để đem về mai táng?

Tôi còn biết, thậm chí nhiều quả phụ chồng đã tử trận cả sáu, bảy năm rồi mà vẫn không được lãnh một đồng xu tiền tử tuất cô nhi quả phụ. Bạn biết tại sao không?

Chỉ vì bọn tướng tá tham nhũng thối nát manh tâm ăn cướp cả cơm chim của vợ con binh sĩ đã tử trận mà ra. Họ không báo cáo tử trận, để ăn hai ba đầu tiền. Nếu có quả phụ nào theo dõi, đòi hỏi, khiếu nại, thì họ trả lời tỉnh bơ:” Chưa kiểm chứng được sự tử trận của chồng chị. Biết đâu chồng chị đã chẳng đào ngũ chạy theo VC? Vậy, hãy cứ chịu khó chờ kết quả cuộc điều tra...”.

Được trả lời giọng có vẻ hăm he “chồng đào ngũ chạy theo VC...” thử hỏi người đàn bà nghèo khổ, quê mùa, dốt nát, nào còn dám tiếp tục khiếu nại, đòi hỏi. Để rước vạ vào thân sao?!

Nếu có quả phụ nào đích thân đến tận nơi, tìm được hài cốt chồng, để đem về mai táng, thì các quan lớn nhỏ viện cớ còn phải chờ kết quả giảo nghiệm của quân đội!

Hành động tham nhũng, thối nát  đó của một số tướng tá trong quân đội VNCH, không ngờ còn di hại cho gia đình  của các cô nhi quả phụ dài dài mãi tới thời kỳ miền Nam đã lọt vào tay CSBV. Khi quân CSBV thực hiện chương trình bắt ngụy quân đi học tập cải tạo, bọn công an  phường, khóm cứ  chiếu theo “tờ khai gia đình” của chế độ cũ mà hạch hỏi truy lùng tên người đàn ông vắng mặt trong nhà. Nhiều quả phụ khai chồng đã tử trận, nhưng không xuất trình được giấy  chứng minh quả phụ tử sĩ, nên đã bị công an theo dõi sát nút, trấn lột, bách hại, khổ sở vô cùng!

 ĐỔI CHỨC TỔNG TRƯỞNG TÀI CHÁNH ĐỂ LẤY MỘT BIỆT THỰ SANG TRỌNG Ở THỤY SĨ.

Nhưng  các vụ kể trên vẫn chưa khiến cho  một số nghị sĩ trong TV phải đem vấn đề vào nghị trình để thảo luận. Riêng dân biểu Hạ Viện thì từ đầu đã “ngậm miệng ăn tiền”.

Chuyện chỉ bùng nổ trước TV, khi  ông Thiệu đổi chức tổng trưởng tài chính lấy  ngôi biệt thự sang trọng của Hà Xuân Trừng ở Thụy Sĩ và bà vợ là Nguyễn Thị Kim Anh ra mặt đứng tên mua lại sở đất lớn rộng gồm tất cả nhà cửa xây cất trên đó của đồn điền cao su Đất Đỏ (Plantation des Terres Rouges), tọa lạc trên đường Công Lý với giá trên 98 triệu đồng.

Hai chuyện động trời này không mấy người biết cặn kẽ, vì đã bị Thiệu và đám gia nô bưng bít ngay từ đầu. Sở dĩ tôi biết được rành mạch là vì tôi có một số nghị sĩ thân hữu nằm trong  uỷ ban điều tra hai vụ ấy.

Trước hết là vụ đổi chác chiếc ghế tổng trưởng tài chính  lấy một biệt thự ở Thụy Sĩ. Vụ này đã do TNS Trần Ngọc Nhuận nêu lên trong nghị trình và mời TT Thiệu ra điều trần. Lúc bấy giờ vào khoảng năm 1968 -1969, lúc cuộc hòa đàm ở Ba Lê mới khởi diễn, Thiệu được đàn em tâu hót cho biết Hà Xuân Trừng đang có một ngôi biệt thự lớn rộng sang trọng, nằm ngay bên cạnh hồ Léman, không cách xa trụ sở Hội Quốc Liên bao nhiêu. Ngôi biệt thự đó trị giá lúc bấy giờ vào khoảng 300.000 Mỹ Kim. Được biết lúc bấy giờ Hà Xuân Trừng là một sinh viên mới ra trường, còn rất trẻ chỉ khoảng ngoài hai mươi tuổi, chưa từng làm việc gì bao giờ. Hà Xuân Trừng là em ruột của Hà Xuân Du (hiện đang cư ngụ tại Mỹ), đồng thời cũng là anh em cột chèo của Nguyễn Cao Thăng, người TCG Phú Cam. Nếu tôi nhớ không lầm Hà Xuân Trừng đã lấy  một người em gái út trong gia đình nhà vợ của Nguyễn Cao Thăng.

Vợ chồng Thiệu biết thế liền nổi máu tham. Vả lại Thụy Sĩ vốn là nơi Kim Anh thường xuyên trú ngụ, có khi lâu hàng tháng trời (xin xem lại BMHTCT, quyển I)  để thực hiện các dịch vụ chuyển ngân phi pháp trong thời gian Thiệu cầm quyền, nên Thiệu đã lập tức cho gọi Hà Xuân Trừng về VN. Trong cuộc gặp gỡ nhanh chóng, Thiệu đã đặt thẳng vấn đề mua bán đổi chác với Trừng:

_ “Hiện nay chính phủ cần có một cơ sở ở Genève để tiện việc qua lại, cưu trú, hầu theo dõi các vụ thương thuyết, vậy anh hãy sang nhượng lại ngôi biệt thự đó cho chánh phủ.  Bù lại tôi sẽ mời anh về nước đảm nhiệm chức vụ tổng trưởng tài chính. Như thế anh vừa có cơ hội ”giúp nước” lại vẫn được hưởng các quyền lợi thuộc qui chế tổng trưởng trong chính phủ. Nghĩa là anh có tư dinh, có công xa, và đầy đủ gia nhân phục dịch và tài xế...”

Cuộc thương lượng đổi chác diễn ra rất nhanh chóng. Thế là ngôi biệt thự bên bờ hồ Léman  phút chốc đã trở thành của tư hữu của vợ chồng Ng. Văn Thiệu. Còn Hà Xuân Trừng chắc cũng dư biết chiếc ghế tổng trưởng chẳng lâu bền gì, nên cũng vội vàng nhanh tay quơ hốt một mớ rồi dông thẳng...

Hôm đó Thiệu đã không chịu ra điều trần trước TV, mà cử Ng. Cao Thăng đại diện.  Dù vậy, nghị sĩ Trần Ngọc Nhuận vẫn nêu lên những câu chất vấn thật gắt gao, xoay quanh chủ điểm: Tổng thống lấy tiền đâu ra mà nhiều thế? Theo luật hối đoái và quan thuế, không một ai được phép chuyển ngân ra ngoại quốc. Vậy, TT Thiệu làm cách nào để chuyển được số tiền khổng lồ đến 300 ngàn Mỹ Kim ra ngoại quốc để mua lại ngôi biệt thự của Hà Xuân Trừng?

Nhưng câu chất vấn độc địa nhất của TNS Trần Ngọc Nhuận đã khiến cả nghị trường phải  lo ngại là: ”Tại sao TT lại bổ nhiệm một  người, mới trên 20 tuổi, chưa từng có một thành tích hoạt động nào giữ chức tổng trưởng tài chính ?”

Bị hạch dữ quá, Ng. Cao Thăng đành ngồi im ứ hự. Cuối cùng, Ng. Cao Thăng đã phải nheo mắt ngầm ra hiệu cho Trần Ngọc Nhuận hạ bớt cường độ tấn công. Khi ra ngoài, Ng. Cao Thăng đã vỗ vai T. N. Nhuận nói nhỏ: ”Thôi toa nói như thế là đủ rồi. Đừng nói thêm nữa xấu cả chế độ!”. Hôm sau, Ng. Văn Thiệu liền mời riêng  các TNS Trần Văn Đôn, Trần Văn Lắm, Nguyễn Văn Huyền và Đặng Văn Sung... vào dinh Độc Lập đãi đằng ăn nhậu, để trình bày “giải độc” vấn đề mới êm.

 TẬU BIỆT THỰ NGUY NGA ĐỒ SỘ CUẢ TÂY ĐỒN ĐIỀN...

Bây giờ trở lại những hành động tham ô trắng trợn quá đáng của Thiệu. Ai cũng biết ông bà Thiệu chỉ có hai người con, một trai một gái. Không kể người con trai tư sinh của ông Thiệu với bà Cyrnos Trần Thị Kim Anh, ở Vũng Tàu. Người con gái lớn đã kết duyên với một người con trai của ”Lã Bất Vi tân thời” Nguyễn Tấn Trung, tổng giám đốc hãng hàng không ”AIR VN”. Ông bà Thiệu còn một người con trai nhỏ.

Trong thời gian quân Mỹ rục rịch rút quân theo chương trình ”Việt Nam hóa chiến tranh”, ông Thiệu đã đứng ra tậu cho cậu quí tử này một biệt thự lớn lao, đồ sộ trị giá đến trên 40 triệu bạc thời bấy giờ, làm nơi thỉnh thoảng đú đởn với bạn bè, và ra vào chơi bời cho thoải mái!...Chuyện này đã gây sôn sao dư luận. Nhiều người đã đặt câu hỏi: ”Ông Thiệu làm gì mà có nhiều tiền mau đến thế? ”.

Vụ kế tiếp là Ng. Thị Kim Anh đứng tên tậu mãi bất động sản của đồn điền Đất Đỏ. Từ  vụ này mới đẻ ra vu “đầu cơ phân bón Hải Long” do Nguyễn Xuân Nguyên, chồng một người em gái của Ng. Thị Kim Anh, tên Hảo, mà trong gia đình thường kêu thứ là: Cô Tám. Ngoài ra, thiên hạ và bạn bè còn gọi là: Hảo Heo. Vì cô Hảo chẳng những đen điu, xấu xí, lại phì nộn, ụt ịt như con heo.

Tuy Nguyễn Xuân Nguyên thừa biết chuyện riêng tư giữa vợ với người anh em cột chèo là TT Thiệu, nhưng Nguyên vẫn giả vờ đóng tuồng như người ”có tây học” văn minh, chịu chơi, coi chuyện thân mật giữa vợ với anh rể chỉ là chuyện “tây đầm” thường tình.

Song le thực tế ai cũng biết, Nguyễn Xuân Nguyên là kẻ đang giữ ”tay hòm chìa khóa” một tài sản khổng lồ do vợ chồng Thiệu đã ăn cắp và bóc lột được của tài sản quốc gia và dân chúng, nên dại gì đánh đổi với hai chữ ”tiết trinh” mong manh chỉ cần một lon nước đủ rửa sạch của vợ! 

Bất động sản lớn rộng này nằm trên đường Công Lý, trị giá đến 98 triệu đồng. Vào khoảng đầu thập niên 70, lúc quân Mỹ còn đóng tại VN, số tiền ấy là một tài sản kếch xù mấy ai có được. Số tiền này đã do Nguyễn Xuân Nguyên, với tư cách chủ tịch “công ty phân bón Hải Long” ký chi phiếu trả cho Tây chủ đồn điền Đất Đỏ.

Trong quần chúng, kể cả báo giới, không mấy ai biết vụ này.Vì vợ chồng Thiệu cố tránh tiếng, chỉ để cho Nguyễn Xuân Nguyên đứng ra giao dịch từ đầu đến cuối. Nhưng kẹt một nỗi, vợ chồng Thiệu đã gian mà không ngoan. Khi làm giấy tờ trước bạ, đăng ký sang tên tân sở hữu chủ, lúc đó cái tên Nguyễn Thị Kim Anh, đệ nhất phu nhân, mới lòi ra chình ình trên giấy trắng mực đen, đập vào mắt một số người háo sự. Từ đó người ta mới thắc mắc đặt vấn đề: Thiệu mới lên ngôi tổng thống vỏn vẹn có 3 năm, nội tiền tậu mãi mấy ngôi biệt thự kể trên tính sơ sơ cũng đã lên đến trên trăm triệu rồi.Vậy, Thiệu lấy tiền đâu ra mà nhiều đến thế?

Ngoài ra, giới am tường về sinh hoạt kinh tế, tài chính ở Sài Gòn cũng nêu lên những thắc mắc quan trọng đáng kể như:

_ Khi tậu mãi những bất động sản lớn lao như thế, vợ chồng Thiệu có đóng trước bạ theo luật định của quốc gia không ? – Câu trả lời chắc chắn là: Không!

_ Thiệu có đặc cách cho phép các ngoại kiều bán nhà cho vợ chồng Thiệu được chuyển ngân những ngân khoản kếch xù đó về nước không?

Câu trả lời chắc chắn là: Có!

Vì nếu không được chuyển ngân, chẳng một ngoại kiều nào dại dột bán những biệt thự đó cho vợ chồng Thiệu!

 GHI CHÚ THÊM CUẢ TÁC GIẢ: Bạn đọc muốn biết thêm vụ ”công ty phân bón Hải Long”, trong đó có phần can dự trực tiếp cuả vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu, đã bị đem ra phơi bày trước diễn đàn Thượng Viện, và  kết quả như thế nào xin đọc BMHTCTMN, quyển 3.

Ngoài ra, để cho dư luận được sáng tỏ, và nỗi ưng/ oan cuả ông bà Thiệu được giãi bày công khai, lúc nào tôi cũng sẵn sàng được đón nhận những lời thanh minh hay cải chính cuả ông bà. Mới đây, tôi được cựu TT Nguyễn Chánh Thi và một số bằng hữu cựu sĩ quan cao cấp tị nạn ở miền Đông HK cho biết, hiện ông Thiệu  đang cư ngụ ở Boston, sống chung với bà cựu dân biểu Diệp, một trong số vợ cũ cuả ông Ng. Cao Thăng.Vậy, chắc ông Thiệu còn dư sức và đủ tỉnh táo để nói lên ”sự thực” trong các vụ tôi nêu trên cho đồng bào tường lãm.

Đặng Văn Nhâm

(Trích BMHTCTMN, quyển 3, đã phát hành khắp nơi)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002