Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

ĐÒI ĐOẠN XA GẦN

Lãng Nhân

XUẨN HÒNG CHỮA NGƯỜI (X.H.C.N.)

Trong một chuyến công du ngoại quốc, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã trả lời báo chí như sau:

_ Nhân dân Việt Nam bây giờ không đủ lương thực, nên nạn đói trầm trọng. Quí vị hãy nhìn nét mặt của những nhân viên nhà thương giúp việc với tôi đây thì đủ biết đại đa số nhân dân hốc hác xanh xao như thế nào. Việc thiếu dinh dưỡng làm cho cơ thể con người không đủ sức đề kháng nên dễ mắc bệnh mà đề phòng hay chữa bệnh là thiếu thuốc men. Ngay ở bệnh viện dưới quyền tôi, là một bệnh viện vào bậc nhất trong nước, thiếu từ miếng xà phòng để rửa tay, thiếu găng cao su để giải phẩu, cả kim tiêm cũng thiếu. Trong gia đình tôi 15 người thì quá nửa đã liệt giường vì lây bệnh nhau, tôi là thầy thuốc mà cũng vô phương cứu chữa. Dân Việt Nam không phải chỉ biết ăn rau mà ngày nay phải ăn chay trường vì khẩu phần mỗi người mỗi ngày không được nửa ký ngô hay sắn, một nửa đã hư hỏng, và một ít bột mì Liên Xô. Đường phát riêng cho trẻ nhỏ, nên dân rất thèm của ngọt. Nhân viên nhà thương thiếu cả quần áo: mỗi người được mua 5 thước mỗi năm, đôi khi còn phải bán bớt đi để lấy tiền mua thức ăn.

Bác sĩ Tùng tả oán như thế để gọi lòng thươn của những nước đã thẳng tay cúp viện trợ, nhưng cúp viện trợ không phải nằm trong phạm vi nhân đạo, mà lại trong đường lối chính trị. Vậy chỉ có ủy ban chính trị trung ương giải quyết được, chứ ngành y tế thì có khóc cũng đành lau lấy nước mắt mà thôi.

Lời tả oán của bác sĩ Tùng tuy là để gợi lòng thương nhưng có lẽ cũng không đi quá sự thực là mấy. Vì chính báo Quân Đội Nhân dân đã than phiền: Ban nội viện quân y 203, bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý và nhân viên phục vụ, tất cả 19 người, mà số thương binh, bệnh binh có khi chỉ có 15, 20 người. Vậy mà mỗi tuần khám bệnh 2 lần, thứ hai và thứ năm, y sĩ chỉ đi hỏi bệnh nhân qua loa rồi về, lắm hôm không mang theo hồ sơ và ống nghe. Đồng chí Thích vào viện ngày thứ hai, chiều lên cơn sốt, sốt liên miên cả ngày thứ ba, đến thứ tư cũng phải ra viện. Trong khi điều trị, thuốc có khi quên phát cho bệnh nhân, nhưng nếu anh này quen y sinh thì lại được cấp thuốc hai ba lần. Về công tác vệ sinh, chỉ khi cán bộ đến kiểm tra, nhân viên mới vội vã quét dọn qua loa. Về ăn uống thì bữa sớm bữa muộn, bữa nhiều bữa ít...

Đấy, tình trạng một quân y viện là nơi săn sóc những chiến sĩ anh hùng mà còn thế huống chi là ở các bệnh việc thí.

Ấy là chưa kể đến tài năng của các bác sĩ miền Bắc. Mấy vị nào điểu khiển bệnh viện Chợ Quán Sài Gòn, việc đầu tiên là bắt phá hết cây cảnh để lấy chỗ trồng cây thuốc dân tộc, như sống đời – chữa được bá bệnh, ngãi cứu, nhọ nồi, chó đẻ... Nhưng chỉ để dùng cho dân thường, và cho lính còn bọn trung cao cấp thì điều trị bằng thuốc Mỹ.

Có dự kiến một màn khám bệnh mới thấy là độc đáo. Bác sĩ vẻ mặt nghiêm khắc, hất hàm bảo người y tá vốn là nhân viên ngụy được lưu dụng:

_ Sao đau ốm làm sao đấy?

Y tá nhìn bệnh nhân, người này rụt rè kể:

_ Tôi bị mấy ngón tự nhiên sưng lên, kéo hạch làm tôi phát sốt, đau nhức suốt đêm.

Bác sĩ quay ngang hỏi y tá:

_ Thường thường là thuốc gì?

_ Thưa, mọi khi vẫn cho terracycline, hay aureomycine.

_ Vậy anh cứ thế mà cho đơn.

_ Dạ, tôi đâu dám, cho toa là quyền của bác sĩ chứ.

_ Ối dà, vẽ, cứ biên đi để tôi ký.

Y tá cúi xuống nắn nót viết toa, nụ cười không dám nhếch lên môi nhưng cũng ánh lên trong mắt, vì thừa biết bác sĩ không viết nổi tên thuốc: anh ta vốn chỉ quen những tên thuốc thông dụng từ 30 năm trước, hơn nữa trong suốt thời gian học tập và hành nghề, không được đọc báo chí ngoại quốc, kể cả những tạp chí y học.

TỪ SỬA RA KẾ

Một nhân chứng kể lại chuyện bệnh viện Nguyễn Văn Học bên Gia định. Sau ngày bị chiếm đóng, bệnh viện này mang tên mới là Nơ Trang Long, tên một anh hùng Mán, bác sĩ Bắc làm thủ trưởng. Tất nhiên! Một buổi chiều khu hộ sinh gặp một vụ đẻ khó. Bác sĩ thủ trưởng khám bệnh, nói không sao, ra lệnh sản phụ uống thuốc dân tộc, rồi vội vã đi ăn cơm tập thể. Gần nửa đêm sản phụ lên cơn đau rên la dữ dội, may lúc đó vừa đến phiên trực của một bác sĩ ngụy. Bác sĩ này vốn chuyên về sản khoa, thấy là trường hợp nguy cấp, liền tự động cho đưa lên bàn giải phẫu và sau đó cứu sống được cả mẹ lẫn con.

Rạng ngày, hay tin, thủ trưởng nổi cơn thịnh nộ, mắng bác sĩ ngụy là đã dám dẫm chân lên quyền hạn của mình, rồi hạ nhục: phạt 3 ngày ra nhổ cỏ ở vườn hoa bệnh viện làm gương cho mọi người về tội bất tuân kỷ luật, nghĩa là bất tuân thủ trưởng.

Cách chữa trị tài ba và xử sự phong nhã của thủ trưởng đã gây ra nhiều bất mãn trong cái đa số trầm lặng.

Ai cũng biết cộng sản có truyền thống trình diễn. Trong các bệnh viện, phòng nào cũng có dán khẩu hiệu: lương y như từ mẫu. Ở Nơ Trang Long, một buổi sáng, trên các khẩu hiệu đầy tình nhân ái này, người ta thấy chữ Từ bị gạch bỏ chữ Kế viết đè lên.

Thủ trưởng liền ra lệnh cho bốc hết và dán bản mới thay vào. Nhiều người cho rằng thủ trưởng hiểu sao được thâm ý bánh đúc có xương trong sự thay chữ Mẹ bằng chữ dì ghẻ. Hiểu được thì đã khá! Sở dĩ cho thay ngay bằng bản mới có chăng là vì cộng sản không bao giờ dám sửa đổi một chữ trong những bản văn của cấp trên. Cấp trên bao giờ cũng tài tình, câu nói nào đưa ra cũng lô-dích tận mạng...

* * *

XIN HUYẾT CẢ NƯỐC (X. H. C. N.)

Vào giữa năm 1976 trong một  buổi họp ở phường, buổi họp gọi là quan trọng vì cán bộ quận đến thuyết trình như thường lệ, anh này ba hoa về những thắng lợi lịch sử ở trong và ngoài nước, rồi than phiền rằng ngụy đã để lại một di sản bệnh tật rất nguy hại, có lẽ bộ y tế sẽ cho thử máu tất cả để tìm phương sách bảo vệ hữu hiệu sức khỏe của toàn dân.

Câu này tuy thuộc phần nhàn thoại trong phiên họp, nhưng ai cũng hiểu nó là câu cốt yếu, cũng như dòng tái bút trong các bức thư, nên lúc chia tay, nhiều người suy nghĩ đắn đo. Là vì trước đó, mỗi khi bất đắc dĩ phải đi chích ngừa bệnh tả chẳng hạn, ai cũng ngại ngùng, phần thì phẩm chất thuốc không bảo đảm, phần thì không biết sự săn sóc về y tế này có che giấu một âm mưu gì không. Chính sách nói dối đã gieo nghi ngờ vào lòng dân ngay từ dạo ấy.

Thế rồi chiến dịch thử máu miễn phí được khai mạc. Bắt đầu từ các trường học. Hai hôm sau, một học sinh lớp 5 dỉ tai bố mẹ, cán bộ y tế chích máu rồi thụt luôn vào một cái chậu men, chứ không giữ trong ống cá nhân để phân loại rồi mới thu từng loại vào hũ thuỷ tinh.

Bố mẹ đâm hoảng, ngó nỗi thắc mắc với bạn bè, thế là câu chuyện đồn đại ra gieo hoang mang không ít, rồi có dư luận sì sào rằng nhà nước lấy máu dân để nộp vào ngân hàng máu Liên Xô, làm các phụ huynh hoảng sợ, dặn dò con em hễ có lệnh lấy máu thì tìm cách bỏ ngay trường mà về.

Việc lấy máu tiếp tục theo chỉ thị của thành, nhưng vấp phải sự chống đối mỗi ngày một làn rộng của phụ huynh và học sinh. Hễ thấy con của cán bộ lẳng lặng bỏ lớp, các học sinh khác cũng thu xếp ra về, vì hiểu rằng sắp có vụ lấy máu: không thấy con của cán bộ bị lấy máu bao giờ. Học sinh theo nhau ra khỏi lớp, em nào không ra kịp thì la khóc om sòm. Ngoài cửa trường cũng thấy đám đông phụ huynh chực sẵn để xin con em nghỉ học, các giáo viên ra níu kéo cũng vô hiệu.

Thế rồi, trong suốt một tuần các trường đều như nghỉ hè, vụ lấy máu không thực hiện được vì thiếu đối tượng, trong khi máy phóng thanh vẫn truyền rao inh ỏi ở các phố: Thử máu toàn dân là chiến dịch cao cả bảo vệ giống nòi đồng bào nên sáng suốt mà hăng hái tham gia. Các tổ dân phố, các phường họp liên miên để giải thích và đồng thời khuyên dân chúng đừng nghe lời tuyên truyền vu cáo của bọn phản động, ai phao tin đồn nhảm sẽ bị nhân dân xử trị.

Sau đó, trường nào cũng thấy phụ huynh chen nhau nộp đơn xin cho con em mình nghỉ ít lâu vì... đang bệnh. Và số đông học sinh vẫn chưa tựu trường. Trường phải cử các giáo viên đến từng nhà dùng lời lẽ ôn tồn mời các em đi học.

Việc lấy máu rồi chìm dần vào yên lặng, cộng sản không đề cập tới nữa với các ban giám hiệu, vì sau khi điều tra, họ biết rằng kế hoạch sở dĩ không đạt kết quả mong muốn là tại chính một số cán bộ biết trước ngày giờ lấy máu đã dặn con đừng tham dự.

Nhưng thua keo này bày keo khác, số lượng máu đóng góp vẫn phải kiếm cho đủ, cộng sản nghĩ ra một sáng kiến tuyệt vời: lấy máu của các bệnh nhân ở các nhà thương thí. Mỗi khi cần chích máu để tìm bệnh, y tá được lệnh lấy ra gấp đôi lượng thường. Ở bệnh viện thì còn ai biết mà kêu ca, cho dù biết cũng ngặm tăm. Hỏi đâu!

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002